Nhìn ra thế giới

J.H.W.Dietz : Một hành trình hoạt động của nền xuất bản - báo chí dân chủ xã hội [Kỳ 1]

Ngành xuất bản - báo chí cánh tả ngày nay hẳn phải biết ơn về những gì mà các thành viên của họ qua các thế hệ đã cống hiến. Trong vai trò là người hoạt động trong ngành in ấn - xuất bản và là thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, Johahn Wilhelm Heinrich Dietz (1843 - 1922) đã có sự can đảm của một nhà đấu tranh và đầu óc của một doanh nhân để đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực báo chí - xuất bản của phong trào dân chủ xã hội, đặc biệt là với vai trò là người khởi đầu cho “Dietz Verlag”. J.H.W.Dietz cùng với nhà xuất bản của ông đã làm cho những tác phẩm kinh điển về tư tưởng dân chủ xã hội, phong trào công nhân, cộng sản gắn liền với NXB này cho đến hiện nay. Bài viết ba kỳ này xin mang đến độc giả một số nội dung về cuộc đời và hoạt động của Heinrich Dietz .

 

Từ người thợ sắp chữ đến Chủ tịch công đoàn

Johahn Wilhelm Heinrich Dietz (1843-1922)

Trong những năm 40 thế kỷ 19 của nước Đức vào thời điểm trước và sau khi Heinrich Dietz ra đời thì những hoạt động cấp tiến vốn là những khởi đầu cho phong trào dân chủ xã hội Đức sau này đã diễn ra rất sôi nổi, nhiều nhà hoạt động bị đàn áp bởi nhà cầm quyền Phổ và đã bị trục xuất và hoạt động ở nước ngoài, các tổ chức cấp tiến đã lần lượt ra đời để rồi bị giải thể và được tiếp nối bởi những tổ chức khác. Theo đó, hoạt động xuất bản sách báo về tư tưởng của phong trào công nhân cũng đã có được một quá trình phổ biến nhất định. Rheinische Zeitung, Deutsch–Französische Jahrbücher, Vorwärts!, Deutsche-Brüsseler-Zeitung, New Moral World…v.v.. đều là những tờ báo mà những người chủ biên và cộng tác về sau là những gương mặt đại diện cho các khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, cộng sản, vô chính phủ, cộng hoà, chống quân chủ (có thể liệt kê một vài cái tên rất quen thuộc như Karl Marx, FriedrichEngels, Mikhail Bakunin, Heinrich Heine, Moshe Hess, Arnold Ruge….), cũng như khi tác phẩm “Triết học của sự khốn cùng” (Philosophie de la Misère) của Joseph Proudhon được công bố vào năm 1846 thì một năm sau đã phải nhận lời đáp trả từ “Sự khốn cùng của Triết học” (Misère de la Philosophie) của ] của Marx và Engels, sau đó bản Tuyên ngôn Cộng sản cũng do chính Marx và Engels chấp bút như là cương lĩnh chủ đạo của Liên minh Cộng sản cũng đã ra đời trong bối cảnh nổ ra cuộc cách mạng 1848 - 1849 tại Đức, Pháp và Châu Âu…

Sinh ra trong những năm 40 đầy kịch tính của phong trào cấp tiến, dù không được chứng kiến nhưng những nhân vật trong giới dân chủ xã hội đều không hề xa lạ với Heinrich Dietz sau này. Gần 20 năm (1843 - 1862) đầu đời của Heinrich Dietz là những năm tháng mà ông đã trải qua tuổi thơ ở thành phố Lübeck, bắt đầu việc học tại một trường nam sinh tư thục, dẫu có không được mặn mà lắm với thời kỳ theo học tại đây nhưng nó đủ để ông đọc thông viết thạo. Sau khi hoàn thành việc học tại trường nam sinh và trải qua một vài biến cố trong gia đình (người cha qua đời vào năm 1855 và người mẹ đi thêm bước nữa một năm sau đó) thì ở tuổi 14 Heinrich Dietz đã rời khỏi căn nhà của cha mẹ để đến với việc học nghề sắp chữ (Schriftsetzer) trong một nhà in ở thành phố Lübeck, đó là sự khởi đầu của ông để sau này trở thành một doanh nhân trong ngành xuất bản - in ấn. Sau một hợp đồng học việc được thoả thuận miệng, được sống tại nhà của người dạy nghề, với lương mỗi tháng 1 thaler , việc học nghề của Heinrich đã kéo dài đến 5 năm. Ngoài việc học về kỹ thuật sắp chữ, ông còn được làm quen với những nguyên tắc, truyền thống, cung cách của ngành nghề in ấn.

Việc học nghề của ông kết thúc vào năm 1862, trong 4 năm tiếp theo là thời gian Heinrich làm việc ở ngoại quốc và nơi ông làm việc chính là nước Nga, tại chính Thủ đô lộng lẫy của Sa hoàng, St.Peterburg, nơi mà ông đã choáng ngợp với vẻ đẹp của nó “một thành phố hùng vĩ với vô số những toà tháp mái vòm phủ vàng…”.[1] Thủ đô St. Peterburg vốn đã có những mối liên hệ về thương mại với những thành phố thuộc Liên minh Hansa [2] trước kia (thành phố Lübeck, quê hương của Heinrich, chính là thủ phủ của Liên minh lừng danh này), vì thế đã có những người Đức đã sinh sống ở St.Peterburg, có những người được sinh ra tại St.Peterburg, có những người đến từ các vùng lãnh thổ Baltic thuộc Nga và những người đến trực tiếp từ nước Đức. Trong lĩnh vực in ấn thì những nhà in tại St.Peterburg đã có mặt những học trò của Gutenberg (hay môn đệ của Nghệ thuật Đen) [3] là người Đức làm việc tại đây, họ được mô tả là những người lành nghề, tự do, cởi mở. Những người lao động Đức trong các nhà in ở Peterburg đã có được những vị trí đáng kể, họ không chỉ làm việc như những thợ sắp chữ, thợ lên trang (metteur) mà còn đảm nhận cả vai trò giám đốc kỹ thuật (Faktor). Heinrich Dietz lúc này là một thợ sắp chữ trong một nhà in ở Peterburg, quãng thời gian làm việc tại đây mang lại cho ông tiếng Nga, những hiểu biết về kinh doanh sách báo, chứng kiến một kinh đô tráng lệ của nước Nga và cũng thấy được tình cảnh đời sống nghèo nàn lạc hậu của tầng lớp lao động, cùng với mối liên hệ với phong trào chính trị đối lập với Sa hoàng. Những hoạt động của giới trí thức Nga như một bộ phận trong các hoạt động cấp tiến ở châu Âu lúc bấy giờ với những nhân vật gạo cội như M.Bakunin, Alexander Herzen…..Ở St.Peterburg vào những năm 60 - 70, đã có những tranh luận gay gắt giữa phái Tự do, chủ trương cách mạng dân chủ và phái Bảo thủ, giới trí thức của phái Tự do phần lớn quy tụ xung quanh tạp chí Sovremennik (Người Đương thời) mà tổng biên tập là Nikolai Chernyshevsky, là nhân vật mà Heinrich Dietz đã xem như là người thầy của cả một thế hệ những nhà cách mạng Nga và bản thân ông rất tự hào khi có được mối quan hệ quen biết cá nhân với nhân vật này[4]. Cuối năm 1866, Heinrich Dietz kết thúc những năm tháng làm việc ở Kinh đô nước Nga Sa hoàng và trở về cố hương để tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực in ấn - xuất bản, chỉ có khác biệt đó là lần này không chỉ là về nghề nghiệp thuần tuý mà Heinrich còn dấn thân vào những hoạt động xã hội khác.

Vào thời điểm Heinrich trở về thành phố Lübeck từ Nga thì quê hương của chàng trai 23 tuổi này đã là một phần của Liên bang Bắc Đức (Norddeustcher Bund), là một liên minh quân sự gồm 22 bang của Đức do nước Phổ đứng đầu, liên minh này được thành lập trong nỗ lực của nước Phổ để thống nhất nước Đức, trong các bầy tôi của Hoàng đế Phổ Wilhelm I thì nhân vật chủ trương nên một ý định táo bạo như vậy không ai khác chính là Otto von Bismarck, đương kim Thủ tướng của Phổ và là nhân vật có “ân oán”  với phong trào dân chủ xã hội Đức trong những năm sau này.  Phong trào công nhân, dân chủ xã hội trong những năm 60 - 70 của thế kỷ 19 cũng đã đi được những bước dài, Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế (International Workingmen’s Association - về sau tổ chức này trong lịch sử sẽ được biết đến với cái tên Quốc tế I) được thành lập vào năm 1864 tại London nước Anh, với nhu cầu đoàn kết những nhóm đấu tranh xã hội khuynh tả, cộng sản, vô chính phủ, hoạt động công đoàn…; trong khi đó ở Đức, lần lượt vào các năm 1863 và 1869, Tổng hội Công nhân Đức do Ferdinand Lassalle (Allgemeine Deutsche Arbeiterverein) và Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Đức (Sozialdemokratische Arbeiterpartei Deutschlands hay còn gọi là phái Eisenach [Eisenacher])  - hai tổ chức tiền thân của Đảng Dân chủ Xã hội Đức đã xuất hiện. Hơn nữa, sự kiện Công xã Paris 1871 đã làm chấn động đến những trí thức cấp tiến của phong trào công nhân lúc bấy giờ.

Vào năm 1866, Heinrich Dietz đã làm việc như một người thợ lên trang cho tờ  Eisenbahn Zeitung và một năm sau ông đã tham gia vào Hiệp hội địa phương trực thuộc Hiệp hội các nhà in Đức (Verband der Deutschen Buchdrucker - được thành lập tại Leipzig với cơ quan ngôn luận là tờ Der Correspondent), một tổ chức công đoàn đại diện cho quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực in ấn. Trong vai trò là thư ký của một Hiệp hội địa phương, ông được giao nhiệm vụ báo cáo về những cuộc đấu tranh giữa người lao động và giới chủ doanh nghiệp trong chính tờ Eisenbahn của ông. Đến năm 1871, Heinrich lúc này đã là một người cha của một gia đình, trở thành chủ tịch Hiệp hội địa phương của ngành in ấn tại Lübeck và tham gia sâu rộng vào công việc điều hành của công đoàn, tổ chức đình công tăng lương cho người lao động cùng với những đồng nghiệp của ông, lên kế hoạch việc liên kết các tổ chức công đoàn ỏ các địa phương khác trong việc đấu tranh với các nhà in về tiền công và giờ lao động của công nhân. Sự tham gia và hoạt động trong Hiệp hội cho thấy rằng Heinrich đã tiến rất gần đến với khuynh hướng chính trị của giới dân chủ xã hội mặc dù việc gia nhập Hiệp hội của ông bấy giờ có đi kèm với một tôn chỉ của Hiệp hội là phải độc lập với bất kỳ một chính sách đảng phái nào. Việc tham gia đoàn thể của ngành in ấn - xuất bản vẫn còn đươc ông duy trì khi rời Lubeck để đến Hamburg.

 “Faktor” ở Hamburg và Hamburg-Altonaer Volksblatt

Sau một năm làm việc cho tờ Lübecker - Zeitung, Heinrich Dietz cùng gia đình đã đến Hamburg vào năm 1874 để tìm một công việc tại đây và đã có mặt trong Hiệp hội Xuất bản sách (Buchdruckerverein) tại địa phương, những sự kiện diễn ra trong thời gian này chính là tiền đề cho việc thành lập nhà xuất bản mang tên ông về sau.

Vào tháng 5/ 1875, bản Cương lĩnh Gotha [5] được thông qua, hai tổ chức Tổng hội Công nhân Đức và Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Đức chính thức hợp nhất để trở thành Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Đức (Sozialistische Arbeiterpartei Deutschlands - SAPD) mà sau này chính là Đảng Dân chủ Xã hội Đức vào năm 1890. SAPD đã thiết lập cơ sở lãnh đạo của đảng ở Hamburg, do những điều kiện thuận lợi ở đây; August Bebel, nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa theo khuynh hướng Marxist trong SAPD thậm chí đã đánh giá về Hamburg như là “thủ đô của xã hội chủ nghĩa”, “phong trào công nhân ở đây dường như có sức ảnh hưởng lớn lao hơn những gì tôi từng thấy”[6]. Sau Hội nghị thống nhất ở Gotha, SAPD đã cho xuất bản tờ Hamburg-Altonaer Volksblatt (HAV) một cơ quan ngôn luận tại Hamburg thuộc sở hữu của đảng và nhằm tìm kiếm nguồn thu cho hoạt động của tờ báo thì việc thành lập một hợp tác xã (Genossenschaft) để điều hành bộ phận in ấn cho tờ báo đã được xúc tiến. Lĩnh vực báo chí được SAPD xem như là phương tiện để gây ảnh hưởng đến xã hội, đồng thời nó còn phục vụ cho công việc học tập trong nội bộ đảng, là tiền đề thiết yếu cho sự phát triển hơn nữa của đảng.

Tờ HAV được ra mắt vào tháng 9/1875, từ lúc đó thời lượng phát hành của báo là 3 số một tuần vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 với khẩu hiệu “Tất cả do nhân dân, tất cả vì nhân dân” (Alles durch das Volk, alles für das Volk)[7] và do Wilhelm Hasenclever, trước đây từng là chủ tịch của Tổng hội Công nhân Đức, (về sau vị trí của Hasenclever trong HAV được thay thế bởi Jacob Audorf vì phải đến Leipzig làm việc cùng với Wilhelm Liebneckt trong vai trò biên tập cho tờ Vorwärts - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Dân chủ Xã hội Đức hiện nay) và hai thành viên khác là Carl Hielman, Wilhelm Blos hợp thành ban toà soạn của tờ báo. Tháng 12/1875, SAPD đã quy định về cách thức hoạt động của hợp tác xã nhà in Hamburg, trong đó quy định về thể lệ gia nhập, góp vốn, sở hữu vốn, cổ đông, thanh toán cổ tức trong hợp tác xã, ngoài ra còn có sự đảm bảo rằng nhân sự điều hành hợp tác xã sẽ là thành viên từ SAPD bên cạnh thực hiện các chức năng kinh tế thì sẽ còn có quyền hạn rộng rãi trong công việc nhân sự và giao dịch mà qua đó sẽ đảm tính bền vững về chính trị.

Heinrich Dietz thật sự đã có mối quan hệ chính thức và ngày càng dấn thân vào phong trào dân chủ xã hội của kể từ khi SAPD xuất hiện và khi những công tác của SAPD đươc tiến hành cho việc thiết lập nên những cơ sở vật chất của đảng, trong đó có việc ra báo Hamburg-Altonaer Volksblatt, thành lập hợp tác xã nhà in (nhà in cho công việc sản xuất tờ HAV được mua lại từ Martin Phillipsen vào tháng 5/1876 mà người giám đốc kỹ thuật của vị này lại chính là Heinrich). HAV lúc này hoạt động cùng với hợp tác xã nhà in nơi mà Heinrich tham gia vào mảng in ấn. Từ cửa hàng in trên phố Amelung thuộc nội thành Hamburg, những tờ báo dân chủ xã hội được rao bán bởi những người bán báo dạo, công việc này ban đầu cần những người phụ giúp tình nguyện nhưng rất nhiều người trong số họ lại chưa thạo việc; Heinrich vẫn rất ấn tượng với những ngày khởi đầu của HAV “Nhưng các thành viên đã biết tương trợ lẫn nhau […],… họ quỳ xuống lề đường và sử dụng những vỉa hè còn trống để dùng làm cái bàn gấp báo. Có thể đã có đến 1000 người háo hức và nô đùa chuẩn bị để đi phân phối những tờ báo”[8]. Từ đây, các yếu nhân của ban lãnh đạo đảng SAPD tại Hamburg đã tiếp xúc thường xuyên với Heinrich khi đó với vai trò là giám đốc kỹ thuật của bộ phận in ấn - xuất bản. Hoạt động xuất bản - báo chí của SAPD tại Hamburg với tờ HAV cùng với hơp tác xã nhà in đã có những kết quả khả quan, không chỉ là về phương diện phổ biến mà còn về doanh thu thể hiện qua số lượng phát hành, theo đó tờ báo 4 trang HAV bắt đầu với 8000 bản, sau đó lần lượt tăng lên 10000 (12/1875), 12000 (3/1876), đỉnh điểm là hơn 15000 bản (3/1877), ngoài ra nguồn thu phần lớn còn đến từ những mẫu quảng cáo được đăng trên báo; hoạt động của mảng in ấn với nhân lực và trang thiết bị bao gồm 22 nhân viên (theo báo cáo thường niên vào 7/ 1876 được đăng trên HAV) trong đó có 1 giám đốc kỹ thuật (có lẽ chính là Heinrich), 11 thợ sắp chữ, 1 thợ vận hành máy móc, 1 thợ học việc, 2 thợ lò, 2 nhân viên tài chính; nhà in hợp tác xã phục vụ chủ yếu cho các công đoàn và cho giới dân chủ xã hội, ngoài tở HAV ở Hamburg, nhà in của Heinrich còn phục vụ sản xuất cho một vài tờ báo nhỏ khác, cùng với những đơn đặt hàng từ hợp tác xã nhà in ở Leipzig (cũng thuộc sở hữu của SAPD) và một nhà xuất bản ở Braunschweig.[9]

(còn nữa)

[1] Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 1. 1843 - 1878. 2.2 Wanderschaft : St. Petersburg (1862 - 1866). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung. Có thể xem tại https://library.fes.de/fulltext/bibliothek/00146toc.htm

[2] Liên minh Hansa là một liên minh thương mại và quân sự tồn tại ở Châu Âu từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14, được hình thành và phát triển từ những thị trấn ở Bắc Đức. Liên minh này đã từng thống trị về thương mại hàng hải ở khu vực Baltic dọc theo bờ biển Bắc Âu. (xem Wikipedia : Hanseatic League)

[3] Nghệ thuật Đen ý nói loại mực đen thường được sử dụng trong nghề in ấn, bên cạnh đó còn có nghệ thuật Trắng, tức là nghề làm giấy. (xem Wikipedia : Schwarze Kunst)

[4] Graf, Angela. Wie alles begann – Von der Verlagsgründung bis zum Ende der Weimarer Republik, Bonn, 2006, pp. 14 -15. Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[5] Bản Cương lĩnh này được biết đến với độc giả Việt Nam nhiều nhất qua những nhận xét của Karl Marx đối với Cương lĩnh này vào năm 1875. (Xem “Phê phán cương lĩnh Gotha”, phiên bản điện tử tại https://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1875/gota/index.htm hoặc có thể xem nguyên văn phiên bản điện tử tiếng Đức của Cương lĩnh tại https://www.marxists.org/deutsch/geschichte/deutsch/spd/1875/gotha.htm).

[6] Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 2. 1843 - 1878. 2.4  Leiter der Genossenschaft - Buchdruckerei zu Hamburg (1874- 1878). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[7] Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 2. 1843 - 1878. 2.4  Leiter der Genossenschaft - Buchdruckerei zu Hamburg (1874- 1878). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[8] Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 2. 1843 - 1878. 2.4  Leiter der Genossenschaft - Buchdruckerei zu Hamburg (1874- 1878). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[9] Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 2. 1843 - 1878. 2.4  Leiter der Genossenschaft - Buchdruckerei zu Hamburg (1874- 1878). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441424

Hôm nay

2141

Hôm qua

2283

Tuần này

21328

Tháng này

216598

Tháng qua

112676

Tất cả

114441424