Nhìn ra thế giới

Thế giới đã thay đổi thế nào trước đại dịch Covid - 19?

Thế giới đang chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ trên đủ mọi lĩnh vực do dịch Covid-19. Ảnh: Politico

Tính đến ngày 01/12/2021, toàn thế giới đã có trên 260 triệu ca nhiễm bệnh, trên 5 triệu ca tử vong vì covid - 19. Tại Việt Nam, dù dịch có dấu hiệu hạ nhiệt ở các tỉnh, thành phía Nam và chúng ta đang chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng số ca nhiễm hàng ngày vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 1/12 cả nước có trên 1,2 triệu ca nhiễm, trên 24.000 ca tử vong và mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn ca mắc mới. Đại dịch covid - 19 đang ngày càng cho thấy mức độ tác động toàn diện và rộng lớn của nó trên toàn cầu. Suốt 2 năm qua, hàng tỷ người trên thế giới đã rơi vào cảnh bị cô lập vì dịch bệnh. Họ không thể đi làm, không thể gặp gỡ nhau; học sinh không thể đến trường; các hoạt động vốn được xem là nhu cầu bình thường trước đây giờ trở thành xa xỉ. Covid - 19 không chỉ cướp đi rất nhiều sinh mạng, làm suy yếu nền kinh tế, gây ra khủng hoảng toàn diện với đời sống xã hội mà nó còn tác động tới nhận thức của mỗi một cá nhân, mỗi chính phủ. Đúng, chúng ta đang phải nhìn lại cách Covid - 19 đã và đang thay đổi thế giới để rút ra những bài học mang tính sống còn cho tương lai.

Covid - 19 đã thay đổi thế giới như thế nào?

Tranh Eduardo Kobra - Nguồn pinterest

Không còn nghi ngờ gì nữa, covid -19 đang giáng những đòn chí mạng vào nền kinh tế toàn cầu và khiến chúng ta phải có những điều chỉnh trong cách chống dịch. Các quốc gia không thể cứ tiếp tục cô lập, đóng cửa nền kinh tế để chống dịch nhưng việc mở lại các hoạt động cũng mang đến vô số nguy cơ. Song, có lẽ, giờ đây không có lựa chọn nào khác khi mà nền kinh tế toàn cầu đang bị tác động một cách nghiêm trọng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, sản xuất đình đốn, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… Chắc chắn đại dịch sẽ buộc chúng ta phải đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên quy mô toàn cầu mà nếu không có giải pháp, hành động ứng phó ngay từ hôm nay sẽ rất khó để vượt qua.

Đại dịch cũng đánh mạnh vào hạ tầng y tế của các quốc gia. Với những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu,… khi đại dịch kéo đến, các bệnh viện cũng nhanh chóng bị quả tải, tình trạng thiếu vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch trở nên đáng báo động. Đại dịch cho thấy sự thiếu hụt về đầu tư y tế ở rất nhiều quốc gia và khả năng hạn chế trong đối phó với đại dịch và các tình huống cấp bách. Dường như thế giới đang quan tâm nhiều đến vũ khí, đến chạy đua quyền lực hơn là đầu tư những dịch vụ thiết yếu đảm bảo cho an sinh, cho cuộc sống bình yên của mỗi con người.

Cử tri bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ. Ảnh: AP

Về mặt xã hội, đại dịch cũng đang khiến cho những quan niệm truyền thống phải thay đổi. Bức màn ngăn cách được dựng lên giữa mọi người và yêu thương có nghĩa là biết giữ khoảng cách cho nhau. Những thay đổi trong nếp sống, nếp nghĩ, sinh hoạt này rất khó để thích nghi trong một xã hội mà giao lưu, dịch chuyển đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, hậu quả tâm lý để lại là không hề nhỏ. Tình trạng căng thẳng, lo âu, stress, thậm chí trầm cảm và rối loạn tâm lý trong mùa dịch là điều khó tránh khỏi khi mỗi người phải đối mặt với vô vàn gánh nặng từ chi tiêu, nguy cơ mất việc làm, không thể giao lưu, chia sẻ hay đối mặt với mất mát khi có người thân, bạn bè qua đời vì Covid - 19. Trong bối cảnh các quốc gia dồn lực để chống chọi với dịch bệnh, các hoạt động văn hóa, giải trí cũng phải tạm dừng; vấn đề tâm lý người dân chưa được quan tâm đúng mức nên có lý do để lo ngại về vấn đề sức khỏe tinh thần trong và sau đại dịch.

Đại dịch covid - 19 cũng đã thay đổi mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, nhà nước và xã hội cũng như nhận thức của công chúng về vai trò của các yếu tố này. Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số chính phủ lúng túng, bị động, thậm chí trở nên bất lực trước dịch bệnh thì chúng ta chứng kiến sự nổi lên và hoạt động hiệu quả của nhiều nhóm, tổ chức xã hội trong việc bảo vệ người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế trước ảnh hưởng của đại dịch.

Về chính trị, có thể thấy đại dịch tác động sâu sắc đến mối quan hệ giữa các quốc gia thông qua những hoạt động viện trợ, liên kết chống dịch và đặc biệt là chiến lược “Ngoại giao vaccine”. Những phản ứng ban đầu của các quốc gia khi dịch bệnh bùng phát đã cho thấy sự thiếu hợp tác và tính yếu ớt của các mối liên kết, sự nghi kỵ cũng như sự thiếu minh bạch trong trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia. Covid cũng đánh những đòn chí mạng vào các mối liên kết quốc tế và quá trình toàn cầu hóa nhưng chúng ta vẫn có thể đặt niềm tin vào sự hợp tác giữa các chính phủ. Sau những lúng túng, chia rẽ ban đầu, các nước trên thế giới đã có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về tài chính cũng như vật tư y tế, thuốc điều trị, vaccine. Điều này ít nhiều sẽ làm thay đổi và định hình lại các mối quan hệ, tầm ảnh hưởng của nước lớn. Trước đây, một số nhận định cho rằng đại dịch sẽ giúp Trung Quốc vươn lên trong cuộc chạy đua quyền lực với Mỹ khi mà sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đều bị suy yếu do dịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả 2 quốc gia này đều đang phải chứng kiến sự suy yếu và mất dần uy tín, tầm ảnh hưởng của mình trên thế giới. Những tranh cãi và nghi kỵ về nguồn gốc của virus đã tạo nên một phản ứng chống Trung trên nhiều quốc gia. Quyền lực mềm của Trung Quốc, vì thế, đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Trong nước, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những chia rẽ nội bộ do bất đồng về chống dịch. Cam kết tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc trong một thập kỷ cũng tiêu tan vì đại dịch. 

Hoa Kỳ lại đánh mất dần niềm tin vào khả năng xử lý khủng hoảng của chính mình khi để số ca nhiễm và tử vong vì covid tăng cao hàng đầu thế giới dưới thời ông D. Trump. Hoa Kỳ cũng bộc lộ rất nhiều những rạn nứt, chia rẽ nội bộ khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ về khả năng có thể lãnh đạo toàn cầu của quốc gia này.

Những thay đổi này có thể đưa thế giới bước vào một trật tự mới, dẫn đến tình trạng vô chính phủ toàn cầu trên mọi lĩnh vực, từ an ninh quốc tế đến thương mại cũng như quản lý dịch bệnh. Lý thuyết quốc tế cho thấy có ba yếu tố sẽ định hình tương lai của trật tự toàn cầu: những thay đổi về sức mạnh kinh tế và quân sự tương đối của các cường quốc, cách nhìn nhận những thay đổi đó trên toàn thế giới và những chiến lược mà các cường quốc triển khai. Hiện nay, cả 3 yếu tố này đều đang có những thay đổi nhất định do đại dịch và do đó, có khả năng trong tương lai ta sẽ thấy một trật tự mới mà ở đó có thể không còn hình thức “một siêu nhiều cường” hay sự thay đổi tương quan, vị trí của các “siêu” và “cường” trong trật tự đó.

Những bài học sống còn từ những thay đổi

 Tất cả những xáo trộn mà đại dịch gây ra trên phạm vi toàn cầu, mỗi quốc gia hay từng địa phương mang đến rất nhiều bài học cho hôm nay và tương lai. Đầu tiên và trước hết chúng ta nhận thấy tất cả các quốc gia và mỗi công dân trên thế giới hàng tỷ người này đều ngồi chung trên một con thuyền. Vì thế, không có chỗ cho chia rẽ, cho những hành động đơn phương, cho những toan tính ích kỷ. Thật ngớ ngẩn khi cho rằng an ninh có thể đạt được trong sự cô lập biên giới quốc gia, bên trong những ranh giới của tư tưởng, tôn giáo, văn hóa, của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chúng ta cần sự liên kết, trên nhiều quy mô và cấp độ khác nhau. Không chỉ dịch bệnh mà các vấn đề toàn cầu khác trong tương lai như biến đổi khí hậu, đói nghèo,… cũng cần sự chung tay mọi người. Thay vì nghi kỵ, thay vì đặt những dấu hỏi thì chúng ta cần nghĩ hướng thay đổi, cải tổ để các cơ chế hợp tác đa phương, song phương hoạt động hiệu quả hơn, làm sao để khẳng định vai trò của các tổ chức quốc tế và để những cam kết quốc tế được thực thi.

Đại dịch buộc chúng ta đặt lại câu hỏi: Điều gì là cần thiết, là thiết yếu trong đời sống này? Đâu là những giá trị căn cốt ta cần theo đuổi. Hay nói cách khác là dạy ta quên đi các hoạt động hình thức, thủ tục rườm rà, tránh lãng phí; tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thực chất.

Sự đóng băng và cô lập trong những ngày giãn cách dạy chúng ta bài học về giá trị của tự do. Tự do đi lại, tự do lựa chọn những điều mình muốn, tự do yêu thương và sẻ chia, tự do nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề còn bất cập, tự do trao đổi thông tin. Cũng chính trong những ngày giãn cách, khi các hoạt động đi lại bị hạn chế, môi trường có dấu hiệu phục hồi, không khí trở nên trong lành hơn, chúng ta mới giật mình nhìn lại hành xử của mình với môi trường tự nhiên. Phải chăng lâu nay những mục tiêu kinh tế, những áp lực cuộc sống khiến chúng ta quên đi tiếng kêu cứu của thiên nhiên? Nếu không dừng lại và sớm nhận ra rằng thiên nhiên cũng đang oằn mình chống chọi với sự tàn phá của con người, nếu không nhận ra những tai họa chúng ta có thể phải đón nhận do cư xử tệ với tự nhiên thì ta sẽ phải đối diện những điều kinh khủng hơn trong tương lai. Sự sống của chúng ta hôm nay bị đe dọa vì dịch bệnh nhưng đừng quên cũng bị đe dọa bởi thiên tai và mối đe dọa này ngày càng đáng báo động.

Đại dịch khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của chính mình. Chúng ta có mặt ở đây để làm gì? Chúng ta đã làm gì cho cuộc sống này? Đâu là điều quan trọng trong cuộc sống của ta? Khi việc gặp gỡ trở nên khó khăn, những cái bắt tay, ôm hôn, nụ cười trở thành xa xỉ thì cũng là lúc ta nhận ra giá trị của những điều bình dị mà ta vô tình lãng quên trong cuộc sống thường ngày. Đó là lúc ta nhận ra giá trị về sự hiện diện của người khác trong cuộc đời mình, giá trị của những mối liên hệ, của những lần tiếp xúc, của gia đình và những người thân yêu. Quan trọng hơn hết, ta phải nhận ra đâu là giá trị cốt lõi, là mối quan hệ căn bản để sẵn sàng loại bỏ bớt những gì không cần thiết đang đè nặng cuộc sống của mình và làm mình xao nhãng trước những điều cần dành sự quan tâm thực sự.

Covid - 19 cũng báo động thế giới trước mối hiểm nguy mà công nghệ và sự phát triển vượt bậc về khoa học, kỹ thuật có thể mang đến cho loài người. Hôm nay đây, chúng ta không thể biết một loại virus xuất hiện là hoàn toàn tự nhiên hay từ các phòng thí nghiệm. Nói cách khác, công nghệ đang cho phép con người tiếp cận một cách dễ dàng với những loại vũ khí mang tính hủy diệt sự sống của loài người. Nếu không sớm tìm ra những biện pháp để quản lý, những cơ chế kiểm soát thì nguy cơ này rất đáng báo động trong tương lai. Vì một toan tính lợi ích nào đó của cá nhân hay quốc gia, với sự hỗ trợ của công nghệ có thể dẫn đến thảm họa mang tính toàn cầu. Vì thế, bài học cảnh giác cũng luôn cần được nêu cao.

 

Tuy nhiên, đại dịch Covid - 19 cũng cho chúng ta bài học về sức mạnh của lòng tốt, của sự nhân từ; Cho chúng ta cơ hội nhìn lại và thay đổi quan niệm, đánh giá về vị trí của nhiều người, nhiều ngành nghề trong xã hội, để ta biết trân quý hơn lực lượng bác sỹ, nhân viên y tế, người giao hàng, nhân viên bán hàng,… Từ đó chúng ta thấy để thế giới này trở nên an toàn, tốt đẹp hơn, trách nhiệm ấy không chỉ nằm trong tay các chính phủ, tổ chức quốc tế,… Đại dịch đang đặt nó vào tay của mỗi một cá nhân và để chúng ta thấy được mỗi người đều có vai trò, ý nghĩa trong cuộc sống này. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên những thay đổi lớn từ từng hành động nhỏ.

Và, hơn hết, để chiến đấu với đại dịch của chúng ta, chúng ta cần tin tưởng. Sự tin tưởng giữa các lớp phủ chính và sự tưởng tượng của nhân dân với các lớp phủ chính của mình. Điều đó hỏi các phủ chính phải nỗ lực hơn để tạo niềm tin, phải có hiệu quả hoạt động và minh bạch hơn.

Dịch bệnh hôm nay rồi sẽ lắng xuống nhưng hậu quả và những vết thương mà nó để lại chắc chắn sẽ khó có thể quên được. Chúng ta cần ghi nhớ và rút ra những bài học từ đau thương hôm nay bởi không ai có thể bảo đảm rằng một đại dịch tương tự như thế không xuất hiện trong tương lai. Chúng ta cần nhìn lại và sớm có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để chung tay bảo vệ lấy sự sống và của nhân loại bởi bệnh tật dạy ta rằng không ai có thể có được bình yên trong cuộc sống này nếu ở đâu that on the world but any Ổn định.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441670

Hôm nay

270

Hôm qua

2317

Tuần này

21574

Tháng này

216844

Tháng qua

112676

Tất cả

114441670