Nhìn ra thế giới

Bí ẩn người Nhật

Có lẽ, một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ XX là Người Nhật. Nếu đưa ra các dạng tính, dù là số hoá, thống kê hoá hay phân loại hoá; Nhật Bản nằm ngoài mọi chỉ số! Đất nước vừa nhỏ (377.600km2) lại vừa chật chội (130 triệu dân – 2005), 4.000 hòn đảo nhưng chỉ có chưa đầy 10% đất đai có thể canh tác được. Tài nguyên là một câu hỏi khó trả lời. Nếu suy cho đến hết nhẽ, người Nhật chỉ có hai “tài nguyên” lớn là bão tố và động đất! Trung bình 25 trận bão một năm và hầu như tháng nào trong năm cũng có sự “rung rinh” ở đâu đó vì động đất đã đặt dân tộc này vào sự cảnh giác thường trực. Thảm hoạ là có thực: Năm 1922, động đất ở Tokyo làm chết 50 vạn người. Năm 1994, động đất ở Kobe, chết 10.000 người... Theo K.W. Nietzche, siêu nhân phải là những người dám xây nhà ngay bên miệng núi lửa. Nếu Nietzche đúng, phải chăng người Nhật là siêu nhân?

54 nước châu Phi và 48 nước châu Á, trong các thế kỷ từ XVII đến XIX, tất cả đều bị biến thành thuộc địa, trừ Nhật Bản (Dù sao cũng còn có Thailand nhưng đó là trường hợp đặc biệt của một thoả thuận về “vùng đệm” giữa Anh và Pháp). Vào thời điểm khi Đô đốc Perry của Hoa Kỳ đưa hạm đội đến vịnh Osaka để đòi Nhật “mở cửa” (8.1853), Nhật Bản nghèo hơn Việt Nam. Khoảng cách thời gian là gần như tương đương, nếu so với việc Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đem 14 tàu chiến và 2.350 quân đến vịnh Đà Nẵng vào ngày cuối tháng 8.1858. Người Nhật đã hành xử khác với tất cả 101 nước Á – Phi. Họ cho rằng Dũng là biết sợ những điều đáng sợ. Không sợ những điều không đáng sợ. Phương Tây đem đến dẫu chỉ có mấy chiếc tàu nhưng đó là một PTSX mới, một nền kỹ thuật mới và chiến tranh sẽ là điều bất lợi. Chính vì thế, người Nhật đã không đánh mà thương thuyết. Người Mỹ - cường quốc duy nhất không có thuộc địa trên thế giới, tất nhiên rất muốn có điều mà đế quốc nào cũng có. Tham vọng của đế quốc Hoa Kỳ đang hình thành là điều có thể hiểu. Chính vì lẽ này, 5 năm sau, trước sức ép không thể thoái thác của Mỹ, Nhật buộc phải ký hoà ước “mở cửa”. Chỉ có điều, khi ký hiệp ước (1858), Nhật đã mời thêm 4 nước nữa là Nga, Anh, Hà Lan và Pháp. Như thế, dùng 4 chọi 1 (và luôn luôn là 4 kiềm chế âm mưu của 1 bất kỳ), nước Nhật đã thoát khỏi hoạ ngoại xâm. Tất nhiên, để thoát khỏi nạn tai, giải pháp đó chỉ là một vế của câu trả lời. Nhật Bản gia tăng sức mạnh của mình bằng cuộc Cách mạng Meiji – các nhà sử học lâu nay hay gọi là “Minh Trị duy tân”. Đó là một cuộc cách mạng thực sự bởi được bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm 1858 bằng việc 5.000 samurai của thiên hoàng (taino) Mishuhito (19 tuổi) đã đánh bại 15.000 samurai của tướng quân (shogun) dòng họ Tokugawa ở Edo (sau đổi là Tokyo) để thống nhất Nhật Bản. Bài học đầu tiên của nước Nhật hùng cường là chỉ có sức mạnh khi thống nhất. Với niên hiệu là Meiji, thiên hoàng Nhật đã làm điều không một vị vua nào ở châu Á dám làm đó là tuyên bố rằng Thời kỳ học hỏi lâu dài nền văn minh Trung Hoa chấm dứt. Kể từ đây (1868) nước Nhật phải học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây và vượt phương Tây sau 100 năm. Năm 1968, đúng 100 năm sau, người Nhật đã làm được lời thề nguyền đó. GDP của họ chỉ còn kém Hoa Kỳ.

          Để “đoạn tuyệt” với văn minh Trung Hoa, Nhật Bản bỏ âm lịch và chỉ dùng dương lịch - kể cả việc thay đổi Tết theo âm lịch thành Tết dương lịch. Đó là điều không phải dân tộc nào cũng làm được. Thiên hoàng còn ban bố chính sách tự do dân chủ, cho người dân được quyền phê phán mọi sai trái - nếu đó là sự thật. Cuộc cách mạng vĩ đại nhất là ở giáo dục. Người Nhật không pha chế, không biến giáo dục thành món canh tập tàng mà họ dứt khoát lựa chọn mô hình tốt nhất. Theo đó, cấp dưới đại học là Pháp và Hà Lan, còn đại học là mô hình Mỹ. Các ngành khoa học tự nhiên gần như bê nguyên xi, chỉ điều chỉnh các môn khoa học xã hội. Tiết kiệm và hiệu quả, đó là nguyên tắc. Năm 1872, người Nhật có đường sắt đầu tiên - dẫu chỉ 32km từ Tokyo đến Yokohama. Lịch sử ghi nhận rằng lúc chạy thử chuyến tàu khai trương, vua tôi Nhật Bản (theo truyền thống trước khi bước vào nhà) đã để dép ở sân ga. Đến nơi, dĩ nhiên là chỉ còn cái chân chim! Sự ngây thơ chân thành nhưng hiệu quả cũng rất đỗi chân thành.
          Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai là một thảm hoạ đối với người Nhật. Họ cứ ngỡ rằng châu Á dễ đánh chiếm như là chiếm quần đảo Lưu Cầu (nay họ đổi tên là Ryu Kyu). Hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ ném xuống Hiroshima và Nagazaki đã làm chết hàng chục vạn người – chưa kể hàng chục vạn người khác chết vì di chứng phóng xạ sau đó. Nỗi đau đầy máu và nước mắt. Người Nhật đã làm cho cả thế giới phải sững sờ khi họ biết cách để nuốt nước mắt - cùng máu, vào trong trái tim câm lặng của mình và, bắt tay với người Mỹ. Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật năm 1951 đã giải phóng cho nước Nhật khỏi mọi gánh nặng chạy đua vũ trang. Chi phí quốc phòng của Nhật trong hơn nửa thế kỷ qua luôn dưới 1% GDP trong khi ở châu Á, không có nước nào chi phí dưới 10% GDP(!) Chưa hết. Nhờ việc liên minh đó, nước Nhật cho Mỹ thuê một phần quần đảo Ryu Kyu, đảo Okinawa, nên không ai có thể đòi lại được, không ai gây hấn được. Đó là những bài học lớn của sự xúc động tuyệt vời.
          Trước năm 1968 (chưa vượt phương Tây) không có người Nhật nào ăn tiêu phung phí theo kiểu mua xe Rollsroy với giá 1,5 triệu USD. Cũng chưa bao giờ có cảnh đoàn thể thao Nhật Bản đi thi đấu ở nước ngoài lại “cơ cấu” 9 – 11 phó đoàn. Họ tiết kiệm vì biết nước Nhật vẫn còn nghèo. Họ cũng quan niệm rằng bổn phận là danh dự nên nếu làm sai, sẵn sàng từ chức. Chuyện từ chức của người Nhật cũng nhiều như chuyện không chịu từ chức ở các nước khác...
 Chuyện về người Nhật và nước Nhật là cả một kho tàng lịch sử sống động. Kỳ lạ và đầy ấn tượng. Hãy quan sát mà xem. Ngay cả bây giờ, khi đã là một trong vài nước giàu nhất thế giới, nụ cười của người Nhật vẫn buồn. Có lẽ đúng như Nguyễn Ái Quốc đã từng nói năm 1920 rằng người Nhật cực kỳ nhạy cảm. Bởi vậy nên quá khứ nghèo nàn với gạo, đậu nành, rong biển và cá suốt hàng ngàn năm, không thể dễ để cho hiện tại đánh mất nỗi buồn! Kỳ lạ vì cách đây 35 năm (21.9.1973), người Nhật là dân tộc đầu tiên trong thế giới TBCN hùng mạnh đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà XHCN VN), trước khi Nhà nước đó trở thành một quốc gia thống nhất. Đó là cách nhìn, cách hiểu mà chỉ có những dân tộc vĩ đại mới thức ngộ được!
 
                                                   
         
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434890

Hôm nay

2161

Hôm qua

2349

Tuần này

21540

Tháng này

211938

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434890