Nhìn ra thế giới

Claude Levi-Strauss, một nhà dân tộc học vĩ đại

Ngày 30 tháng 10 năm 2009, Claude-Lévi Strauss, nhà khảo cổ học, nhà nhân học, người được xem là cha đẻ của cấu trúc luận, đã qua đời. Philippe Descola, người kế nhiệm Lévi-Strauss ở cương vị giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhân học xã hội tại Collège de France, cho rằng “Lévi-Strauss là nhà nhân học vĩ đại nhất thế kỷ 20, nhà lý luận xuất sắc nhất trong lĩnh vực xã hội nhân văn.”

 

Sinh ra tại Bruxelles, Bỉ, Claude Lévi-Strauss học tại Paris, nơi mà vào năm 1931 ông được cấp bằng giáo sư thạc sĩ triết học (agrégation). Sau vài năm giảng dạy tại Pháp, ông được cử sang dạy tại São Paulo, Brazil. Trong thế chiến thứ 2, ông rời Pháp sang Mỹ. Tại đây, ông đã tham gia giảng dạy đại học và có thời gian làm tùy viên văn hóa tại Đại sứ quán Pháp. Trở về Pháp một thời gian, vào năm 1949, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Cấu trúc cơ bản của quan hệ họ hàng”. Cùng thời gian đó, ông làm phó giám đốc Viện bảo tàng Con người và Trưởng khoa tại Trường Thực hành cao cấp. Ông được bầu vào Viện hàn lâm Pháp năm 1973. Đến khi về hưu vào năm 1982, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng: Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhân học xã hội (do ông thành lập vào năm 1960), Giáo sư ngành nhân học xã hội tại Collège de France, một cơ sở đào tạo về khoa học, văn học và nghệ thuật danh giá bậc nhất trong hệ thống giáo dục của Pháp.
Một trong những mối quan tâm lớn của Claude-Lévi Strauss, đó là áp dụng một phương pháp khoa học để tìm ra một cấu trúc nhân học thống nhất từ sự đa dạng văn hóa, sự đa dạng của các nhóm xã hội, của các nền văn minh hay các hệ thống tổ chức. Theo ông, không được tẩy xóa sự khác biệt giữa các xã hội mà nên tìm hiểu các cơ chế giao thoa giữa con người và môi trường, nắm bắt các mối quan hệ giữa tự nhiên và văn hóa loài người. Lấy cảm hứng từ các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học, nhất là các công trình của Troubetskoï và Roman Jakobson, Lévi-Strauss cho rằng các sự kiện xã hội được hình thành từ tổng thể các quyết định vô thức, các quyết định này gắn kết với nhau tạo thành một hệ thống có tổ chức. Mỗi yếu tố trong đó chỉ được xác định trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Như vậy, phân tích cấu trúc là cách phân tích nhằm làm nổi bật các quy luật cơ bản chi phối các mối quan hệ này. Phương pháp này đã được Lévi-Strauss áp dụng trong cuốn Cấu trúc cơ bản của quan hệ họ hàng. Trong cuốn này, Lévi-Strauss tập trung nghiên cứu các hình thức nguyên mẫu trong quan hệ hôn nhân, gia đình. Ông cho rằng mỗi xã hội có hệ thống quan hệ họ hàng đặc thù nhưng không vì thế mà không có các quy luật mang tính toàn cầu. Chẳng hạn như cấm kỵ liên quan đến loạn luận: trong mọi xã hội, quan hệ hôn nhân được xây dựng dựa trên nguyên tắc cấm kỵ này.
Trong hầu hết các công trình nghiên cứu của mình, Claude Lévi-Strauss áp dụng phương pháp phân tích cấu trúc vào việc nghiên cứu huyền thoại. Trong bốn công trình nghiên cứu mà Lévi-Strauss gộp thành tập Huyền thoại, bao gồm Sống và chín (1964), Từ mật ong đến tro tàn (1966), Nguồn gốc các tập tục ăn uống (1968); Con người trần trụi (1971). Trong các công trình này, ông tìm hiểu cơ chế hình thành tư duy huyền thoại. Ông nhận định rằng huyền thoại nào cũng là sự phản ánh một cấu trúc xã hội, mà cấu trúc xã hội này gắn liền với một hệ thống giá trị nào đó. Nghiên cứu và so sánh các huyền thoại, đó là tìm hiểu làm thế nào kỹ thuật, nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo, kinh tế, tổ chức chính trị, quan hệ họ hàng là những phương diện có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của đời sống xã hội. Các địa hạt đó, theo ông, chỉ là các mức độ khác nhau của cùng một cấu trúc.
            Toát lên từ các công trình nhân học và dân tộc học của Claude Lévi-Strauss là tính nhân văn cao cả. Tính nhân văn này thể hiện rõ nhất ở thái độ chống nạn phân biệt chủng tộc và dân tộc trung tâm luận. Vào năm 1952, theo đơn đặt hàng của Unesco, Lévi-Strauss viết cuốn Chủng tộc và Lịch sử (Race et Histoire), trong đó ông tố cáo tư tưởng phân biệt chủng tộc dựa trên định kiến về mối quan hệ giữa ngoại hình và khả năng trí tuệ của con người, ông cũng lên án tư tưởng xếp loại các chủng tộc dựa trên các sản phẩm văn hóa. Lévi-Strauss bác bỏ khái niệm “tiến bộ” (Progrès) liên quan đến lịch sử và sự phát triển kỹ thuật của văn minh phương Tây, bởi vì khái niệm này “hàm ý rằng một số nền văn hóa, vào những thời điểm và ở một số nơi nào đó, vượt trội các nền văn hóa khác, bởi vì những nền văn hóa đó đã cho ra những công trình mà các nền văn hóa khác tỏ ra không có khả năng thực hiện được” (Từ gần và từ xa, 1988). Thực tế chỉ ra rằng không có xã hội nào phát triển biệt lập với các xã hội khác. Vì không có nhóm xã hội nào có thể phát triển nội sinh nên nhóm xã hội nào cũng là sản phẩm lịch sử của sự giao lưu và của các mối quan hệ “liên con người”. Qua các mối quan hệ giao lưu đó, các ảnh hưởng văn hóa đã hợp nhất với nhau thành một. Nói cách khác, mỗi dân tộc là tổng hòa các ảnh hưởng văn hóa.
Trong thời đại ngày nay, một (số) nền văn hóa đang có nguy cơ thống trị toàn thế giới, điển hình nhất là nền văn hóa Ănglô-Xắc-xông (anglo-saxon). Nhân loại đang có nguy cơ phải sống trong một thế giới đơn điệu nhất thể, một nền văn hóa đơn tuyến (unilinéaire). Trong khi đó, nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại một cách tường minh hay hàm ẩn. Qua những công trình nghiên cứu của mình, Claude Lévi-Strauss đã và đang rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh trước những vấn đề đó. Những người da đen hay da vàng, những kẻ xấu xí hay tật nguyền, những đất nước hay dân tộc thường bị cho là nhược tiểu có thể thấy trong thông điệp nhân đạo của nhà dân tộc học vĩ đại này một niềm an ủi vô cùng lớn lao.
                                                                                    Nguyễn Duy Bình
 
Phụ lục:
 
CHỦNG TỘC VÀ VĂN HÓA
 
Sẽ có nhiều điều khiến người ta ngạc nhiên khi nói về đóng góp của các tộc người cho nền văn minh thế giới trong một loạt sách chống lại định kiến phân biệt chủng tộc. Sẽ là một điều vô bổ nếu giành bấy nhiêu tài năng và sức lực vào việc chứng minh rằng, trong tình hình khoa học hiện nay, không có gì cho phép khẳng định sự vượt trội hay thua thiệt về trí tuệ của một tộc người so với tộc người khác, nếu việc chứng minh đó chỉ để khôi phục một cách gian lậu sự vững chãi của khái niệm chủng tộc, bằng cách ra vẻ chứng minh rằng những dân tộc lớn của nhân loại đã có những đóng góp riêng cho di sản chung.
 
Công việc đó thật không dính dáng gì với ý đồ của chúng tôi bởi nó chỉ đạt đến kết quả là trình bày học thuyết phân biệt chủng tộc với mặt trái của nó. Khi tìm cách làm rõ đặc tính của các chủng tộc sinh học bằng các đặc tính tâm lý, người ta bỏ xa chân lý khoa học khi xác định các chủng tộc đó một cách tích cực hay tiêu cực. Nên nhớ rằng Gobineau, mà lịch sử đã biến thành ông tổ của các lý thuyết phân biệt chủng tộc, không quan niệm “sự bất bình đẳng giữa các tộc người” theo số lượng, mà là theo chất lượng: đối với ông, các tộc người nguyên thủy trong thời kỳ đầu của nhân loại – da trắng, da vàng, da đen – không đến nỗi bất bình đẳng về giá trị tuyệt đối, cũng không đến nỗi đa dạng về các khả năng đặc thù. Đối với ông, cái tật thoái hóa gắn liền với hiện tượng pha tạp hơn là với vị trí của từng tộc người trên thang giá trị chung; sự thoái hóa đó đánh vào cả nhân loại: loài người, không phân biệt chủng tộc, đang phải sống trong sự pha tạp càng ngày càng lớn. Nhưng nguyên tội của nhân chủng học, đó là sự nhầm lẫn giữa khái niệm chủng tộc thuần túy sinh học và các sản phẩm xã hội học và tâm lý của các nền văn hóa nhân loại. Gobineau chỉ cần phạm phải nguyên tội đó để bị giam cầm trong vòng luẩn quẩn, đó là xuất phát từ một sai lầm trí tuệ không phải là không có thực tâm đến việc vô tình hợp pháp hóa tất cả các ý đồ phân biệt và bóc lột chủng tộc.
Vì vậy, trong công trình nghiên cứu này, khi chúng tôi nói đến sự đóng góp của các tộc người cho nền văn minh, chúng tôi muốn nói rằng những đóng góp về mặt văn hóa của Châu Á hay của Châu Âu, của Châu Phi hay của Châu Mỹ về mặt nào đó mang tính độc đáo bởi, về tổng thể, trong các châu lục này có những người có nguồn gốc chủng tộc khác nhau đang sống. Nếu như có sự độc đáo này – và điều này không có gì phải nghi ngờ - thì nó nằm ở trong các điều kiện địa lý, lịch sử và xã hội học chứ không phải trong các khả năng đặc thù liên quan đến hình hài và sinh lý của những người da đen, những người da vàng và những người da trắng. Nhưng chúng tôi đã thấy rằng, trong chừng mực mà loạt sách này cố gắng trả lại công bằng cho quan điểm tiêu cực này, chúng có nguy cơ đẩy lùi ra đằng sau một khía cạnh cũng rất quan trong trong cuộc sống của nhân loại: biết rằng cuộc sống của nhân loại không phát triển trong sự đơn điệu nhất thể mà phát triển qua những xã hội và những nền văn minh cực kỳ đa dạng; sự đa dạng về tri thức, về thẩm mỹ và về xã hội không hề có quan hệ nhân quả với sự đa dạng về mặt sinh học của các nhóm người, trong một số khía cạnh có thể quan sát được. Hai sự đa dạng này chỉ như hai đường thẳng song song với nhau trên một địa hạt khác. Nhưng đồng thời, chúng cũng khác nhau ở hai đặc điểm quan trọng. Trước hết, sự đa dạng về tri thức, thẩm mỹ và xã hội thuộc một tầm cỡ khác. Số lượng nền văn hóa cao hơn số lượng tộc người, bởi vì văn hóa được tính bằng nghìn trong khi chủng tộc chỉ được tính bằng đơn vị: hai nền văn hóa của những người cùng chủng tộc có thể khác nhau ngang bằng, hoặc thậm chí hơn, hai nền văn hóa thuộc những nhóm người khác nhau xa về chủng tộc. Hơn nữa, ngược lại với sự đa dạng giữa các chủng tộc, sự đa dạng này chủ yếu được quan tâm ở nguồn gốc lịch sử và sự phân bổ trong không gian của các chủng tộc, sự đa dạng về văn hóa đặt ra nhiều vấn đề, bởi vì chúng ta có thể tự hỏi sự đa dạng này là một cái có lợi hay là cái bất lợi cho nhân loại, một câu hỏi tổng thể và dĩ nhiên có thể được phân chia ra thành nhiều câu hỏi khác.
Cuối cùng và quan trọng nhất là chúng ta phải tự hỏi xem sự đa dạng này cụ thể là ra làm sao, vì khi đặt câu hỏi này chúng ta có nguy cơ nhận thấy các định kiến phân biệt chủng tộc tái hình thành trong một địa hạt khác, những định kiến này gần như đã trút bỏ cội nguồn sinh học của chúng. Bởi vì sẽ là một điều vô bổ nếu như được một con người bình thường từ chối gán một ý nghĩa tri thức và luân lý cho việc người ta da đen hay da trắng, người ta tóc thẳng hay tóc xoăn, để giữ im lặng trước một câu hỏi khác mà kinh nghiệm chứng minh là anh ta sẽ bấu víu vào ngay: nếu không có những năng lực bẩm sinh của riêng từng tộc người, làm sao giải thích nổi là nền văn minh mà người da trắng đã làm cho phát triển đã có những tiến bộ lớn lao mà ai cũng biết, trong khi mà những nền văn minh của các dân tộc da màu thường tụt hậu, có những nền văn minh phát triển nửa chừng, có những nền văn minh khác thì tụt hậu hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn năm? Vì vậy, chúng ta không thể cho mình đã giải quyết xong, bằng thái độ phủ nhận, vấn đề bất bình đẳng giữa các chủng tộc, nếu như chúng ta không quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng - hoặc đa dạng - của các nền văn hóa nhân loại, vấn đề đa dạng văn hóa vốn có quan hệ mật thiết, nếu không phải về pháp lý thì cũng trong suy nghĩ chung của cộng đồng, với vấn đề đa dạng chủng tộc.
Nguồn: Lévi-Strauss (Claude), Chủng tộc và lịch sử, Paris, Denoël, coll. « Folio », 1987.
Nguyễn Duy Bình dịch
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441790

Hôm nay

2190

Hôm qua

2317

Tuần này

21694

Tháng này

216964

Tháng qua

112676

Tất cả

114441790