Nhìn ra thế giới

Kỷ nguyên tăm tối hay là "hố đen" của lịch sử Nga

Nếu được hỏi, xã hội anh đang sống là xã hội thế nào, chắc chắn, mọi người Nga hiện thời đều thấy khó trả lời. Xã hội xã hội chủ nghĩa từ lâu đã không còn, mà chủ nghĩa tư bản thì hẳn là không đúng. Có vẻ như không phải là toàn trị, nhưng bảo là dân chủ thì cũng sai bét. Nước Nga đã đến từ đâu đó, và cứ thế, nó cũng chẳng đi đâu. Nước Nga chính là hình ảnh tượng trưng của chủ nghĩa siêu thực. Nhân dân Nga đang sống trong xã hội “hậu cộng sản chủ nghĩa”, tức là xã hội sau cộng sản, một xã hội chưa thấy ở đâu có như thế bao giờ.

  Hễ ở đâu lí trí bất lực, thì ở đó cảm tính lên ngôi. Khi những liên tưởng ngẫu nhiên, những so sánh bề mặt đã hình thành trong ý thức quần chúng - lúc đầu chỉ rời rạc, tản mạn - về sau, chúng sẽ cố kết lại với nhau tạo thành một hình tượng rắn chắc. Hình tượng ấy phản ánh hiện thực, có thể chính xác nhiều hay ít. Nhưng bất chấp mức độ phù hợp với đối tượng được phản ánh, hình tượng kia, tự nó, vẫn có thể hoá thành hiện thực mà người ta buộc phải tính đến. Một chiến hữu cùng cánh chính trị với Tony Blair có lần nói: “Trong chính trị, tri giác quan trọng hơn thực tế”.

 
 Thời đại Trung cổ kiểu mới
 
Nước Nga được xem là một xã hội Trung cổ kiểu mới. Hình tượng này ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Hoàn toàn có thể giải thích được hiện tượng ấy: người ta thấy mình không được bảo vệ, trước hết là trong chính trị và xã hội, sau nữa là đời sống cá nhân. Bạo lực và cùng với nó là sự thất thường đang trở thành hai nhân vật chính yếu hoành hành trên sân khấu lịch sử của nước Nga hiện nay. Trong khi đó, luật pháp, kỉ cương và những ưu thế của thời đại văn minh ngày càng có vị trí nhỏ bé trong đời sống xã hội. Tất cả những điều đó buộc người ta phải liên tưởng tới những kỉ nguyên “tăm tối” của lịch sử. Kiểu ví von so sánh như thế, thời trước là hết sức cá biệt, người ta chỉ dám hé lộ một cách rụt rè, nay đã trở thành ý kiến đồng thuận trong dư luận đại chúng.
  
Tuy nhiên, đằng sau những chuyện vừa nói vẫn có một cái gì đó hết sức huyền bí. Vì sao ở nước Nga, phải mãi đến bây giờ, hình tượng về một “thời đại Trung cổ kiểu mới” mới thực sự hoàn kết? Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận chính xác hơn mối liên hệ giữa các thời đại trong lịch sử hiện đại của nước Nga. Chúng ta phải thấy cái giai đoạn được “phục dựng” sau chót của lịch sử không những không phủ định giai đoạn trước nó (luận điểm này về cơ bản là đúng, nhưng đôi khi được giải thích một cách phiến diện), mà còn giữ lại mối liên hệ hữu cơ với thời kì “phá hoại” trước kia, giống như nó được thoát thai từ đó và là sự tiếp tục hợp lí của thời kì ấy. Thời đại ngày nay và thời đại trước kia đang hợp lại với nhau tạo thành một khuynh hướng vận động phổ quát của lịch sử, một sự vận động không vội vã thay đổi bước đi của mình.
 
Thoạt nghe, câu chuyện về thời đại Trung cổ kiểu mới ở Nga có vẻ chỉ là câu chuyện mang tính chính luận thuần tuý. Bởi vì thời đại Trung cổ kiểu phương Tây chưa từng có ở Nga, cũng như bao nhiêu thứ có thể tìm thấy trong lịch sử châu Âu, ví như chế độ phong kiến hoặc chiếm hữu nô lệ, đều không hề có ở nước Nga hiện đại. Nhưng trong cách sử dụng hiện nay, thuật ngữ “thời đại Trung cổ” không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà còn có ý nghĩa triết học và văn hoá học. Hoàn toàn có thể nói về thời đại Trung cổ ở nước Nga với ý nghĩa như vậy.
 
Tức là thời đại Trung cổ được hiểu như một hiện tượng tổng hợp, một vùng đệm lịch sử chia tách sự tàn lụi của nền văn minh này với sự nẩy sinh của một nền văn minh khác ở trên cùng một địa điểm. Có ý kiến cho rằng, ở thời điểm ấy của lịch sử, rất dễ nhận ra sự phát triển tiệm tiến bị gián đoạn, hướng vận động đi lên bị ngắt quãng. Nền văn hoá này không thể thế chỗ cho một nền văn hoá khác, nếu ở một thời gian nào đó chưa có một khoảng trống dẫn tới sự phát triển hỗn loạn của những mảnh văn hoá chẳng dính dáng gì với nhau - những mảnh vỡ của cái cũ và những cái tựa như “hạt giống của cái mới” - bị cơn lốc xoáy của thời đại trì trệ cuốn vào một điệu vũ liên tục và bất tận.
 
Jane Jacobs đã khởi xướng cách giải thích khó có thể gọi là bình thường như thế về thời đại Trung cổ. Trong cuốn Hoàng hôn của nước Mĩ, bà viết: “Thời đại Trung cổ dạy ta nhiều thứ, vì nó cung cấp các ví dụ về sự đột suy văn hoá một cách sống động hơn, rõ ràng hơn so với sự tàn lụi dần dần của nó (…). Thời đại Trung cổ là một thử thách khốc liệt, kinh khủng hơn cả bệnh mất trí nhớ nhất thời mà nhiều người sống sót sau các trận động đất lắm khi phải trải qua. Thời đại Trung cổ đồng nghĩa với sự mất trí mang tính đại chúng. Đó là đặc trưng cơ bản, là đặc điểm bất biến của nó. Hình tượng cũ trước kia về đời sống biến mất trong vực thẳm của tồn tại giống như là nó chưa từng có bao giờ (…). Thời đại Trung cổ không đơn giản chỉ là sự xoá bỏ quá khứ. Đó không phải là trang sách trống không: muốn lấp đầy khoảng trống đã được tạo ra cần phải bổ sung vào đó rất nhiều thứ. Nhưng những thứ được bổ sung này lại chẳng có gì chung đụng với quá khứ, nên chúng chỉ làm tăng thêm khoảng cách với quá khứ mà thôi. Nhiều giả thuyết chẳng mấy tiếng tăm về thời đại Trung cổ đã chỉ ra những hiện tượng tượng từng dẫn văn hoá tới chỗ huỷ diệt. Sự nối kết vô số những mất mát riêng lẻ đã tẩy xoá khỏi trí nhớ hình tượng trước kia về đời sống. Nó tự thay hình đổi dạng cùng với quá trình nhào nặn, cải biến một quá khứ giàu có thành một hiện tại nghèo nàn, một tương lai đầy bí ẩn”[1].  
 
Cho nên, hễ nơi nào có một nền văn hoá chết đi và một nền văn hoá khác sinh ra, ở đó thời đại Trung cổ lập tức lộ diện. Diễn đạt theo lời của Marx, thì nó chính là “bà đỡ” của văn minh. Tất nhiên, không phải giống loài nào cũng gặt hái được thành công. Một xã hội mải chìm đắm trong “kỉ nguyên tăm tối” không thể biết mình sẽ trở thành cái gì khi bước ra ánh sáng và liệu có còn bước được ra ánh sáng nữa hay không[2]. Có giống loài được sinh ra, có giống loài phải chết đi, và có những giống loài vĩnh viễn tan biến vào bao lớp sóng của lịch sử. Sự thành công hoàn toàn phụ thuộc vào vô số những nguyên nhân khách quan và chủ quan không thể nào tính đếm, vào sự quy tụ của những điều kiện thuận lợi và vào ý chí cho phép tận dụng những điều kiện thuận lợi kia. Sống trong thời đại bi kịch ấy, con người như bị ném xuống đáy giếng lịch sử, từ đó, nó chỉ còn biết ngửa mặt nhìn lên qua bức tường kinh nghiệm văn hoá của bản thân và đành phỏng đoán diện mạo của nền văn minh tương lai qua khe ánh sáng le lói lọt xuống từ miệng giếng. Nước Nga hôm nay đã bị “xô xuống” một trong những cái giếng văn hoá Trung cổ như thế. Ở giai đoạn này, sự phát triển gần như đã bị dừng lại. Xã hội bị “treo” trong thời gian và không gian, và tình trạng “treo” ấy có thể rất lâu, kéo dài hàng nhiều thế kỉ. Thời đại Trung cổ, đó là “hố đen” lịch sử đẩy đất nước ra khỏi ngữ cảnh thế giới. Tức là nước Nga thì vẫn còn, nhưng đời sống lịch sử thì đã bỏ nước Nga mà ra đi[3].
 
Dĩ nhiên, lịch sử vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi đời sống lịch sử đã kết thúc. Ở đâu sự vận động lịch sử bị biến mất, ở đó sẽ còn lại sự lăng xăng đôn đáo của lịch sử. Mọi người vẫn cư trú dưới “đáy giếng Trung cổ”, vẫn tiếp tục sống cuộc sống của cá nhân giống như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Họ không biết rằng đời sống lịch sử của họ đã hoàn toàn kết thúc.        
 
Sự biến mất của luật pháp
 
Rất khó đoán định những trật tự cũ trong đời sống mới nói trên. Có một cái gì đó vẫn hiện diện trong dạng “những mảnh vỡ đã được hợp thức hoá”, một cái gì đó vẫn tiếp tục vận hành theo sức ỳ của quán tính, một cái gì đó đã “thay đổi diện mạo” đến mức không thể nhận ra và bây giờ được xem là cái tuyệt đối mới mẻ, tân kì. Chỉ có một yếu tố đã biến mất hoàn toàn, đã hoà tan, chẳng để lại tăm tích gì trong “nước giếng”, ấy là luật pháp.
 
Ở nước Nga, luật pháp chỉ còn giữ được cái mã bề ngoài. Nó tồn tại một cách hình thức (vẫn có hàng trăm nghìn điều luật đang có hiệu lực, vẫn có các cơ quan bảo vệ pháp luật và thậm chí, có rất nhiều nhà tù). Nhưng pháp luật chỉ dành cho những ai không đủ tài lực để bẻ quẹo nó, vượt qua nó. Pháp luật đã đánh mất phẩm chất cơ bản - tính phổ quát. Nó đã trở thành thứ “sơn ăn tuỳ mặt”, thành loại “ma bắt tuỳ người”. Nó được vận dụng tuỳ theo hoàn cảnh: người này thì có thể bị buộc tội bằng tất cả những luật lệ hiện có, thậm chí không có; nhưng người kia lại được miễn trừ mọi trách nhiệm, nghĩa vụ, được đứng ngoài luật pháp. Hiện tượng được gọi là “tư pháp tuỳ mặt” đã trở thành bản chất, thành khối kiến tạo hệ thống, thành hòn đá thử lửa của xã hội Trung cổ thời mới. Pháp luật thực sự trở thành cái mang tính cá biệt, hiểu theo nghĩa, nó trở thành công cụ nằm trong tay những nhân vật hoàn toàn cá biệt. Cái chết của pháp luật Nga khiến xã hội Nga ngày nay bị cầm tù dưới đáy giếng lịch sử, không cho nó thoát ra khỏi cái “đáy nhơ nhớp” ấy.
 
“Dưới đáy” các trò chơi cũng có luật lệ riêng. Đó là các luật lệ điều chỉnh hành vi tự phát của những con người chỉ gắn kết với nhau một cách hình thức bởi cùng chung một quốc tịch, nhưng thực chất bên trong họ đã đánh mất hoàn toàn mọi mối liên hệ về tinh thần, chính trị và xã hội. Nước Nga hôm nay là một quốc gia phù du, tồn tại theo quán tính có được nhờ sự thống ngự của quyền năng lịch sử (truyền thống) đối với không gian địa lí (lãnh thổ). Mặt mũi của nó được xác định bởi hai hằng số: mức độ bạo lực cao và vai trò rất khiêm tốn của luật pháp.
 
Sự tồn tại của một quốc gia phù du bao giờ cũng là cuộc đụng độ của hàng triệu ý chí khác nhau, không được tổ chức từ bên trong bằng luật lệ tư pháp hay đạo đức. Ngày nay, không có chuẩn mực pháp luật hay tôn giáo nào được hiện thực hoá ở nước Nga một cách trọn vẹn. Kiểu đạo đức hai mặt đang được xem là chuẩn mực hiện nay (cuộc đấu tranh của cảm hứng tinh thần chống lại chất văn xuôi của thói tham lam, trục lợi) hoàn toàn phù hợp với sự phân đôi trong mọi lĩnh vực công cộng thành đời sống theo pháp luật và đời sống theo nhận thức. Ở nước Nga bắt đầu xuất hiện lối sống giấu mặt: kinh tế đen, xã hội đen (giáo dục, y tế), văn hoá đen và hoàn toàn có thể có cả hệ tư tưởng đen (chủ nghĩa dân tộc thù địch). Trong một xã hội như vậy, ai cũng bị điều khiển bởi những quyền lợi cá nhân ích kỉ, người ta chỉ dừng lại khi bị đẩy tới chân tường, phải đối mặt với những ý chí mạnh mẽ hơn.
 
Bạo lực là luật lệ hiện hành có hiệu quả duy nhất của xã hội Trung cổ kiểu mới. Vai trò của bạo lực nhiều khi được đơn giản hoá. Nó được xác định chủ yếu như là sự độc đoán, chuyên quyền của quốc gia. Người ta chỉ trích thói chuyên quyền, độc đoán của chính quyền Nga và cho rằng mọi sự đều bắt nguồn từ sự thiếu vắng dân chủ. Trong thực tế, vấn đề này vô cùng phức tạp. Sự độc đoán của chính quyền hiện đại chỉ là phần ngọn của núi băng trôi. Gốc rễ của nó được cắm rất sâu trong một xã hội thường diễn ra liên miên những cuộc nội chiến của tất cả mọi người chống lại tất cả mọi người. Rất dễ tìm thấy vô khối những nhà tiên tri dối trá sẵn sàng trỏ tay vạch mặt chính quyền, xem đó như là nguyên nhân của sự độc đoán. Tuy nhiên, phải có lòng dũng cảm và bộ óc mẫn tiệp để mà thừa nhận, rằng bản thân xã hội mới là nguồn cội chính yếu của bạo lực.
 
Sự độc đoán, chuyên quyền lập tức xuất hiện, khi có một gã nào đó, vừa to con, vừa trâng tráo xấc xược, xô đẩy cả trẻ em lẫn người hưu trí, chen ngang, không xếp hàng, tiến vào quỹ tiết kiệm, và hắn chỉ dừng lại khi có một gã khác, cũng to con như thế, trâng tráo như thế, tay cầm những tờ ngân phiếu bạc tỉ xông vào đúng cái quỹ tiết kiệm kia, dùng tiền ấy mà mua cổ phần nhà băng, khoắng hết nhẵn của cả người hưu trí lẫn trẻ em. Hành vi của những gã vô sỉ này chỉ khác ở mức độ, chứ không khác ở tính chất. Bản chất của sự vật toát lên từ hành vi của chúng không có gì thay đổi. Bởi vì đối cực của bạo lực là pháp luật, mà pháp luật thì không có hiệu lực, nên địa vị của một con người cụ thể (từ kẻ thất nghiệp đến tên đầu sỏ của tập đoàn thống trị) trong xã hội Nga hiện thời, rốt cuộc lệ thuộc vào bạo lực trắng trợn, hay bạo lực được nguỵ trang, tức là lệ thuộc vào ý chí cá biệt, hay là sự may rủi của hoàn cảnh.
 
Tình huống tư pháp hiện thời đòi hỏi phải nhìn vào pháp luật từ một góc độ rộng rãi hơn so với cách nhìn bình thường, trong đó dứt khoát phải bao gồm cả bối cảnh xã hội và văn hoá cộng đồng.
 
Giờ đây, vấn đề luật pháp đã trở thành vấn đề cơ bản trong chương trình nghị sự chính trị thường nhật. Nhưng ở đây không có sự đồng thuận, ý thức về mức độ gay gắt của vấn đề được hình thành rất chậm. “Bình diện văn hoá” của vấn đề pháp luật vẫn tiếp tục không được nhìn nhận thoả đáng. Vai trò của pháp luật với tư cách là công cụ quan trọng hàng đầu trong việc phát triển văn hoá vẫn chưa được phát hiện đầy đủ. Với người Nga, trong ý thức của cả bộ phận ưu tú, lẫn quảng đại quần chúng, pháp luật chỉ là công việc thứ yếu, là vấn đề thuộc bình diện thứ hai, có thể gác lại để giải quyết sau, hoặc nếu ưu tiên, thì cũng chỉ có thể giải quyết đồng loạt với những vấn đề kinh tế hoặc xã hội.
 
Trong thực tế, muốn đổi mới “đời sống lịch sử” ở Nga, việc khôi phục trật tự pháp luật là conditio sine qua non[4]. Đó không chỉ là một trong những điều kiện, mà còn là điều kiện tiên quyết có khả năng tạo tiền đề để giải quyết tất cả các vấn đề khác: kinh tế, xã hội và chính trị. Rất tiếc, những vấn đề luật pháp vẫn tiếp tục bị bó hẹp trong tầm nhìn của giới luật gia. Nghịch lí nhất là ở chỗ, hiện nay, thành phần quan tâm nhiều nhất tới những vấn đề pháp lí là các nhà xã hội học, chứ không phải giới luật học.
 
Pháp luật là nhà khai hoá vĩ đại. Nó tạo điều kiện cho sự xuất hiện và sự phát triển của các xã hội, duy trì xã hội ổn định. Sứ mệnh cơ bản của nó là hình thành các luật chơi vững chắc đảm bảo cho khả năng dự báo về diễn biến của các quá trình xã hội. Chỉ khi nào có được những luật lệ như thế thì mới có khả năng “tư bản hoá văn hoá” trên nền tảng của tiến hoá lịch sử. Luật pháp có trách nhiệm bảo vệ cho văn hoá hoạt động bền vững. Cho nên, sự xuống cấp của luật pháp tất yếu kéo theo sự xuống cấp của văn hoá.
 
Vào thời điểm này, hệ thống pháp luật của Nga có vẻ như bị đúc thành nhiều mảng khối ở một số cấp độ: ý thức pháp quyền, hành pháp và tư pháp.
 
Sự khủng hoảng của ý thức pháp quyền là mối đe doạ lớn nhất của xã hội hiện nay. Chủ nghĩa hư vô trong lĩnh vực pháp quyền của dân chúng Nga đã trở thành “câu chuyện cửa miệng”. Đây là di sản tồi tệ trong ý thức pháp quyền “hậu cộng sản chủ nghĩa” ở giai đoạn khởi thuỷ. Nhưng nước Nga vốn từng có những truyền thống pháp quyền của mình. Được cấy trồng bởi những cuộc cải cách từ nửa sau thế kỉ XIX, những truyền thống ấy phải trải qua số phận đầy đắng cay trong lửa nóng cách mạng, và đến giữa thế kỉ XX, chúng gần như bị xoá sạch. Phải đến thời “tan băng” Khrushchev, người ta mới lại thấy sự “phục hưng của pháp quyền” và quá trình khôi phục niềm tin vào pháp luật. Thời kì cầm quyền của Brezhnev đã kết thúc một cách kì lạ và trở thành “thế kỉ vàng” của ý thức pháp quyền Nga. Mặc dù sự độc đoán đã nằm sẵn trong hệ thống quốc gia, nhưng hơn bất kì lúc nào, trong hàng ngũ ưu tú của xã hội Xô-viết, pháp luật vẫn chiếm giữ uy thế tuyệt đối. Lí luận pháp quyền giúp đào sâu hiểu biết về luật pháp và bản chất của nó tiếp tục được phát triển. Như một kết quả tất yếu, nguyên tắc quy phạm pháp quyền đã trở thành một bộ phận của hệ tư tưởng nhà nước khi nó được xem là luận cứ quan trọng nhất của học thuyết về dân chủ tập trung của hệ thống chính trị - xã hội. Việc tuân thủ luật pháp được xem là nguyên lí chính thức thuộc ưu tiên hàng đầu của chính sách quốc gia. Theo nhiều công trình nghiên cứu, bản thân tư tưởng “nhà nước pháp quyền” đã ra đời từ lâu trong khuôn khổ của lí luận pháp chế Xô-viết trước khi xuất hiện thời đại của những “phong trào dân chủ”.
 
Sẽ không thực tế nếu bây giờ tìm cách khôi phục trình độ hiểu biết và thái độ đối với pháp luật từng đạt được trong xã hội Xô-viết “trì trệ”. Thái độ đối với pháp luật của tầng lớp ưu tú ở nước Nga hiện nay hoàn toàn mang tính vụ lợi, họ xem luật pháp giống như một thứ công cụ nhằm đạt những mục đích khác nhau. Cái quan trọng nhất trong luật pháp là tính phổ quát và nguyên tắc quy phạm đã bị chối bỏ. Thiếu những phẩm chất như thế, luật pháp sẽ chẳng ra gì, nó chỉ còn là một âm thanh trống rỗng, là lớp hoả mù của sự chuyên quyền, độc đoán, là vật trang trí của chủ nghĩa duy ý chí chính trị. Ở nước Nga, lợi ích đã chôn vùi tinh thần chấp pháp. Ở cấp cao nhất của nhà nước, người ta nhiều lần tuyên bố, rằng luật pháp nếu cản trở những “tư tưởng sáng suốt”, thì luật pháp có thể không cần sử dụng. Nhưng thế nào là “tư tưởng sáng suốt”, ở đất nước này mỗi người đều có cách hiểu riêng…
 
Triết lí của thái độ “vụ lợi” đối với luật pháp đã tạo ra thực tiễn hành pháp tương ứng. Ý tôi muốn nói tới thực tiễn về “chuỗi xích chuẩn mực nối dài”. Thông thường, mắt xích đầu tiên của nó là đạo luật quy định một số nguyên tắc chung hoàn toàn đúng quy cách. Sau đó là một chuỗi luật bổ sung, văn bản dưới luật, tài liệu hướng dẫn, thư giải thích, tất cả được xâu chuỗi lại khiến cho nội dung của đạo luật ban đầu trở thành vô nghĩa. Khi chưa có những quy tắc giải thích luật pháp một cách rõ ràng, khi cơ chế vận hành trực tiếp của pháp luật bị tắc nghẽn, thì những quyết định hành chính nhiều khi chẳng có chút quan hệ gì với pháp luật lại trở thành một quyền năng hiện thực. Điều này đôi khi tạo ra những tình huống rất đỗi nực cười. Chẳng hạn, mấy chục năm gần đây, các biện pháp lập pháp được đưa ra nhằm đơn giản hoá các thủ tục kiểm tra tài chính đều dẫn tới kết quả ngược lại, vì nó làm tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba số lượng những văn bản mà người ta phải tính đến. 
 
Cũng đã có những hậu quả tương đối nghiêm trọng hơn. Ở nước Nga ngày nay đã thấy xuất hiện chủ nghĩa pháp quyền nhị nguyên. Có hai thế giới chuẩn mực - luật pháp cùng song song tồn tại. Ăn ở, sinh sống trong thế giới lớn, thế giới của Hiến pháp, của những đạo luật liên bang - bao gồm cả bộ Luật Dân sự - là những tư tưởng trong sáng và lớn lao. Ở thế giới ấy, quyền tư hữu được thừa nhận, tự do tuyệt đối về chính trị, kinh tế và xã hội được đảm bảo, được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất có hiệu quả. Cư trú trong thế giới nhỏ của “122” đạo luật, nghị định của chính phủ, hướng dẫn của bộ tài chính, chỉ đạo của cục thuế quốc gia, mệnh lệnh của uỷ ban hải quan nhà nước chỉ là một “ý tưởng” rất bé, nhưng lại “phàm ăn”: chỉ điểm.
 
Dụng học chỉ điểm, triết học chỉ điểm, thế giới quan chỉ điểm với tài “xét nét tội lỗi” của tất cả mọi người trước quốc gia đang bành trướng đầy ắp toàn bộ không gian chuẩn mực - luật pháp. Đặc điểm này càng làm cho nhà nước hiện đại trở nên gần gũi với thời đại Trung cổ. “Quyền ngờ vực” đang bóp nghẹt mọi loại sáng kiến, trừ sáng kiến của bọn tội phạm, vì loại sáng kiến này có đủ khả năng vô hiệu hoá những rào cản hành chính được tạo ra cho chúng. Thế giới của pháp luật thì tuyên bố dò la tội lỗi, còn thế giới của quyền lực thực tế lại biến mỗi người thành kẻ đáng ngờ, có khả năng phá hoại luật pháp và thế là nó bung ra guồng máy kiểm tra sơ bộ, bắt đầu từ việc tái đăng kí các tổ chức xã hội và kết thúc bằng việc cấp chứng chỉ cho ác loại thuốc men dược phẩm.
 
Tất cả các đạo luật đều không bảo vệ lợi ích cá nhân và lợi ích của khu vực ngoài nhà nước. Pháp luật cũng không thể tự bảo vệ cho bản thân. Thế giới pháp luật sẽ hoàn toàn bất lực trước thế giới của quyền lực thực tế, nếu như toà án không đứng về phía nó. Nhưng ở nước Nga ngày nay, ngành tư pháp không hoạt động. Vấn đề không phải là ở chỗ ngành “tư pháp đã bị bán” (nó bị bán không nhiều hơn, nhưng cũng không ít hơn so với các ngành khác), mà là ở chỗ hoạt động không có hiệu quả. Nó đã quá lạc hậu, thiếu chuyên nghiệp và bị lệ thuộc. Chưa có bất kì một cuộc cải cách nào đụng chạm tới nó. Nó không có khả năng đối mặt, thậm chí không muốn đối mặt với những thách thức của thời đại và đang thoái hoá thành một thứ “tổng nha bảo vệ luật pháp”. Có lẽ chỉ mỗi cái Toà Lập hiến bị phát vãng về Petersburg là có ý đồ, cũng rất dè dặt thôi, đem hợp nhất hai thế giới luật pháp vào làm một, nhưng vì việc đó, ai cũng biết, nó đã phải trả giá. 
 
Với tầm quan trọng đặc biệt, cuộc khủng hoảng pháp luật mang tính hệ thống đã vượt rất xa ra ngoài phạm vi pháp quyền thuần tuý để trở thành sự kiện mang ý nghĩa định mệnh đối với toàn bộ nền văn hoá Nga. Khi những thanh chì bảo vệ đã bật khỏi khối urani - plutonium, phản ứng hạt nhân dây chuyền sẽ bắt đầu diễn ra trong lò phản ứng chứa đựng đầy thảm hoạ kĩ thuật. Khi những tấm kẹp bảo vệ pháp luật bật ra khỏi xã hội, phản ứng bạo lực dây chuyền cũng sẽ diễn ra, mang theo muôn vàn thảm hoạ xã hội.
 
Sự biến mất của nhà nước 
 
Món nước dùng văn hoá mà nước Nga hiện đại đang “đun nấu” là một thứ hổ lốn[5]. Đó là một “hộp đen”: chúng ta chỉ biết một cách áng chừng cái gì đã ở đầu vào, chúng ta có thể phỏng đoán cái gì sẽ ở đầu ra, nhưng chúng ta rất khó tưởng tượng, “mẻ nấu” đã diễn ra như thế nào trong chính cái nồi hầm văn hoá kia. Chắc nom cũng giống như một quá trình không ngừng tan rã và kiến tạo, những giá trị văn hoá cũ bị tha hoá và những giá trị mới được hình thành, những tạo tác thiếu ổn định cạnh tranh quyết liệt với những tạo tác bền vững, và cứ như thế, không có hồi kết. Bạo lực là hình thức tự tổ chức một cách tự nhiên của hiện tượng tự phát ấy.
 
Chúng ta có thể nói gì về những yếu tố tiên khởi? Một mặt, như Jane Jacobs đã chỉ ra, xã hội Trung cổ sẽ vứt bỏ nền văn hoá cũ gần như trong tích tắc, chỉ mấy năm đếm được trên đầu ngón tay, “sự mất trí nhớ tập thể” sẽ xoá sạch khỏi kí ức tất cả những gì trong những năm tháng dài vô tận từng được xem là nền tảng của sự sống[6]. Nhưng mặt khác, chẳng có gì sinh ra từ chỗ không đâu. Khi nghiên cứu bản chất của tư bản “mới”, N.E. Tikhonova đã nhận xét chính xác, rằng toàn bộ số vốn ấy được tạo ra làm nguồn dự trữ, những ông chủ sở hữu hiện tại của nó là những kẻ trong quá khứ từng nắm quyền phân bổ[7].
 
Theo Arnold Toynbee, lịch sử được tạo ra bởi một thiểu số năng động. Văn hoá bộc lộ bản thân thông qua thiểu số ấy. Của thừa kế mà xã hôi Xô-viết để lại sau khi sụp đổ là hai loại văn hoá: loại chính thức và loại bí mật. Từ bối cảnh ấy, xuất hiện hai sức mạnh (hai “thiểu số năng động xã hội”) đã trở thành những lực lượng chủ chốt trong “xã hội Trung cổ sơ kì” ở những năm 1990 của thế kỉ trước.
 
Đại diện của nền văn hoá chính thức là giới trí thức đặc quyền có tham vọng hợp thức hoá bản thân trong xã hội dân sự, sau khi chuyển đổi quyền sở hữu tư nhân thực tế vốn có thành quyền sở hữu tư pháp đối với tài sản cá nhân[8].
 
Đại diện của văn hoá không chính thức té ra là giới tội phạm hình sự. Thực tình, bọn này cũng muốn hợp thức hoá vị thế của mình. Vai trò của chúng trong công cuộc xây dựng “xã hội mới” được biết tới ít hơn, nhưng không phải vì thế mà kém phần quan trọng. Tôi dám liều mạng nói rằng, ngày nay, những người giàu có nhất nước Nga không bao giờ lộ diện trên các trang của tạp chí Forbes, xuất hiện ở đó, kể cả những nhân vật thích gây gổ và ồn ào nhất, không phải bao giờ cũng là những người hưởng lợi của khối tư bản được ghi tên họ.
 
Xin thêm vào đó mấy người tình cờ được lốc xoáy của mọi cuộc cách mạng bốc lên từ mặt đất, thế là danh sách giai cấp cầm quyền mới sẽ trở nên đầy đủ. Đồng thời, đã từng diễn ra quá trình phổ cập hoá và lưu manh hoá tất cả các nhóm xã hội còn lại. Vào tháng Giêng năm 1991, trên đất nước, chỉ trong nháy mắt, không còn thấy tồn tại bất kì một tầng lớp xã hội trung gian nào. Một hệ thống lưỡng cực đã xuất hiện. Ở cực này là những kẻ nhiều tiền lắm bạc, ngả theo tư bản hoá. Ở cực kia là những người còn lại, tất tật đều nghèo túng như nhau. Những kẻ nghèo túng ấy đã được số phận giao cho vai trò làm chứng nhân lịch sử. Họ hoàn toàn không có khả năng tạo ra một chút ảnh hưởng nào đó tới bước đi của các sự kiện. Từ thời điểm này bắt đầu diễn ra quá trình “thuộc địa hoá nội tại”, quá trình khai thác không gian kinh tế - xã hội Nga của một thiểu số cầm quyền mới[9]. Quá trình khai thác diễn ra một cách tự phát và hoàn toàn phù hợp với các quy luật xã hội học theo thuyết Darwin.
 
Hậu quả của công cuộc “thuộc địa hoá” hoang dã do một bộ phận của xã hội Nga tiến hành đối với bộ phận kia của nó hoàn toàn có thể so sánh với hậu quả của một trận động đất. Bề ngoài, cuộc sống đã thay đổi nhiều tới mức, khó có thể hình dung được cách thức để thế giới cũ và thế giới mới tiếp tục kề vai sát cánh cùng đứng bên nhau trên trái đất xưa kia. Tuy nhiên, theo những tính toán lớn, các nền tảng văn hoá, xã hội, thậm chí cả kinh tế của đời sống Nga quả là không có gì thay đổi.
 
Liên minh đặc quyền - tội phạm đã bước vào công cuộc “cải tổ” trong tư cách của giai cấp thống trị xã hội Xô-viết. Rồi cũng chính liên minh ấy lại bước ra khỏi “cải tổ” với tư cách của giai cấp thống trị xã hội Nga. Ở Liên Xô, nền tảng kinh tế là sở hữu nhà nước, nhưng trong thực tế (nhìn vào nhà nước) nó được điều hành bởi các nhân vật cá biệt thuộc tầng lớp cầm quyền chóp bu. Ở nước Nga hôm nay, nền tảng kinh tế là sở hữu tư nhân chịu sự kiểm soát của nhà nước, do các nhân vật cá biệt thuộc tầng lớp chóp bu “mới” điều hành, cũng từ cái nhìn như thế đối với nhà nước. Với ý nghĩa như thế, “con người Xô-viết” vẫn tiếp tục là cổ mẫu văn hoá chủ chốt ở nước Nga.
 
Nhưng về chính trị, quả là xã hội đã có nhiều thay đổi. Những cơ chế cũ đã được thay thế bằng các cơ chế mới đem áp vào cuộc sống mới, một cuộc sống mãi vẫn chưa thấy tới. Nước Nga đã ướm thử bộ y phục dân chủ của phương Tây mà kích cỡ có vẻ không phù hợp với nó. Hình thái chính trị mới được đẽo gọt cho phù hợp với ý tưởng của Kitô giáo phương Tây, với giai cấp tư sản phát triển và giai cấp trung lưu. Nhưng ở nước Nga vào những năm 1990, cả giai cấp trung lưu lẫn giai cấp tư sản phát triển đều không có. Bởi thế, hệ thống chính trị mới áp vào nước Nga giống như cái veston treo trên giá áo. Giữa hình thái tổ chức chính trị của xã hội, ở mặt này, với tổ chức văn hoá và kinh tế - xã hội - ở mặt kia, hoá ra chẳng có quan hệ gì với nhau.
 
Đã xuất hiện mâu thuẫn định trước bước đi của lịch sử Nga trong suốt hai mươi năm. Phong trào chính trị của nước Nga đã quyết định về cơ bản phong trào văn hoá và kinh tế - xã hội. Cuộc cách mạng chính trị không nhận được sự hậu thuẫn của cách mạng xã hội và văn hoá. Giữa phong trào này với phong trào kia có một khe nứt khổng lồ. Xã hội dừng lại rất xa trên cỗ xe của “nền chính trị tiên tiến”. Thực chất, nó đã đánh mất mọi hình thức tổ chức chính trị. Mà đánh mất tổ chức chính trị cũng tức là đánh mất nhà nước.
 
Nhà nước Nga đã trở thành vật hi sinh chủ yếu của trò chơi “vượt trội chính trị”. Có đến mấy tháng liền, hình thức cũ của tổ chức nhà nước không còn tồn tại. Hình thức mới thì trong vòng hai mươi năm vẫn không sao “bám” được vào cơ thể xã hội. Trong suốt thời gian ấy, xã hội sống với ảo tưởng về nhà nước, mà thực chất là tự buông xuôi để “nung nấu” trong những đam mê và thói tật của riêng mình.
 
Sự tiến hoá của hỗn loạn
 
Ở đâu không có luật pháp, không có nhà nước, ở đó tất sẽ hỗn loạn. Nhưng ngay cả hỗn loạn cũng có tính năng tự thay đổi. Ở đây chúng ta lại cụng đầu với một nghịch lí thường gặp. Một mặt, không thể nhận ra sự phát triển lịch sử của xã hội Trung cổ; nhìn bề ngoài, xã hội hoàn toàn bất động. Nhưng đằng sau vẻ bất động bề ngoài ấy là những thay đổi chứa chất ở bên trong mà thoạt nhìn, không thể thấy được. Không thấy được bởi vì, trên nền nhịp điệu quen thuộc với chúng ta, quy mô của những thay đổi văn hoá trong các “thời đại lịch sử” trở nên rất nhỏ bé. Tức là, thiếu vắng sự “tiến hoá vĩ mô” của văn hoá không loại trừ sự “tiến hoá vi mô” ngay trong không gian khép kín của thời đại Trung cổ.
 
Sự khác nhau trong nhịp điệu nói trên chịu sự quy định bởi sự khác nhau của cơ chế vận hành văn hoá. Sự phát triển của một nền văn hoá toàn vẹn, đã hoàn kết, được nuôi dưỡng bằng năng lượng “hoạt động định hướng” của các nhóm xã hội và các giai cấp đã hình thành ổn định trong lòng xã hội ấy. Vòng “tuần hoàn vi mô” của nền văn hoá mang tính chiết trung của xã hội Trung cổ được vận hành nhờ vào năng lượng “chuyển động Brown” của những cá nhân phân tán, biệt lập. Nó cũng giống như nhìn vào cái mô tơ rung lắc, trò chơi của trẻ nhỏ: bên trong, có một cái gì đó rung tít, phát ra tiếng nổ lốp bốp nghe rất hãi, dù bộ li hợp chỉ trượt nhẹ, xoay quanh nó theo một quỹ đạo cố định. Nếu theo dõi thật chăm chú quỹ đạo của bộ ly hợp, hoàn toàn có thể phát hiện được lô gíc bí mật ở đó.  
 
Thoạt đầu, chúng ta chỉ nhìn thấy cuộc chiến tranh của mọi người chống lại mọi người, trong đó đám huynh đệ của nhóm đặc quyền - tội phạm, giống như lũ cào cào châu chấu, đánh chén ngấu nghiến tất cả những gì lọt vào tầm mắt chúng. Sự chuyên quyền, độc đoán mang tính hoang dã, cá biệt, có mặt khắp mọi nơi, đã quyết định tất cả các mặt đời sống của nước Nga ở cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 của thế kỉ trước. Chỉ có một quy luật duy nhất hiện diện trong hoàn cảnh ấy: những chủ thể mạnh hơn làm thịt những chủ thể yếu hơn và sự tích luỹ tài sản dần dần, trước hết là tài sản vật chất ở một số ít cá nhân. Ở đây, vai trò quan trọng không chỉ là chỗ đậm đà, mà còn là sự may mắn và các phẩm chất cá nhân.
 
Thế này hay thế khác, vào cuối thế kỉ trước, ở nước Nga, đã xuất hiện hình thái tập đoàn gắn kết những tổ chức tư nhân khổng lồ. Những tổ chức này chiếm giữ phần lớn tài sản xã hội, chúng thường xuyên xung đột với nhau và xung đột với cả xã hội nói chung. Thời đại “Đồng chí” đã được thay thế bằng kỉ nguyên của các Nhóm Công nghiệp - Tài chính (FPG). Vào thời gian này, nhà nước hoàn toàn bị đồng nhất với môi trường tội phạm - đặc biệt, bởi nó đã đánh mất phẩm chất hệ thống cơ bản của mình - quyền lực tối thượng đối với bạo lực. Mỗi Nhóm Công nghiệp - Tài chính trở thành một nhà nước nhỏ trong nhà nước lớn, có ngân sách và quân đội riêng của nó. Các Nhóm Công nghiệp - Tài chính khác nhau cùng chia chác tấm vỏ bọc nhà nước theo tỉ lệ phù hợp với tầm ảnh hưởng của mình. Thế tức là sự “tư hữu hoá” đã tiến tới giới hạn lô gíc cuối cùng: thủ đắc quyền sở hữu tư nhân các chức năng nhà nước riêng biệt.  
 
Cho đến tận hôm nay, rất ít người nghĩ rằng, vào cuối những năm 1990, lịch sử nước Nga có thể đã kết thúc, và giờ đây chúng ta chỉ còn viết về nước Nga ở thời quá khứ. Nhà nước Nga như chiếc “Titanic” bị đắm, nó để lại phía sau một vực sâu khủng khiếp, mọi yếu tố tổ chức xã hội đều lao tuột xuống đó, tất cả chen lấn nhau, đập phá lẫn nhau. Xã hội mở hết tốc lực vận động tới mức không còn điều khiển được nữa. Vào thời điểm ấy, tất cả hoặc sẽ tan nát, hoặc phải có ai đó xả van hãm lại. Lịch sử hàng nghìn năm của nhà nước Nga phải có một giá trị nào chứ! Tới lúc tưởng chẳng còn gì có thể cứu vãn, thì bản năng tự bảo vệ của nhà nước bắt đầu kích hoạt.
 
Các bác sĩ đều biết, chết sinh học không phải là hành vi, mà là quá trình. Cơ thể chết một cách chậm rãi, từng bộ phận. Thoạt đầu là não, sau đó đến tim, sau nữa là những bộ phận còn lại. Các mô “xương” có thể tiếp tục sống hàng tuần, hàng tháng trong một cơ thể đã chết. Có một cái gì tương tự như thế đã diễn ra với nhà nước Xô-viết. Nhà nước ấy đã chết vì cơn nhồi máu chính trị vào năm 1991, nhưng các cơ quan “nội tạng” của nó vẫn tiếp tục tồn tại theo quán tính.
 
Người ta đã hy vọng, rằng các cơ quan đặc vụ[10] - từng là xương sống, là nền tảng của nhà nước trong một thời gian, chí ít là những năm cuối cùng của thập kỉ tám mươi - sẽ giữ được sự gắn kết bên trong, giữ được ý thức tập đoàn và tiềm năng hoạt động lâu dài hơn so với những cơ quan khác. Nhưng khả năng tái sinh của chúng thật kì diệu. Về phương diện này, nhà nước Xô-viết có vẻ giống loài rắn mối hơn là giống con người. Theo sự quy tụ của những hoàn cảnh hoàn toàn ngẫu nhiên (việc lựa chọn người kế vị Boris Yeltsin là quyết định hết sức chủ quan[11]), vừa xuất hiện những điều kiện tạo môi trường thuận lợi khách quan cho hoạt động tập đoàn, quá trình phục hồi của sức mạnh nhà nước lập tức bắt đầu kích hoạt một cách ráo riết. Kết quả thậm chí còn lí thú hơn nhiều so với đời sống của loài lưỡng thể: cái nhú đuôi không phải là đuôi của rắn mối, nhưng con rắn mối lại mọc ra từ cái đuôi! Lúc đầu chỉ dè dặt, rất khó thấy, nhưng về sau, nhà nước bắt đầu khôi phục lại các trận địa của mình trong xã hội ngày một quyết liệt. Tốc độ được tăng lên, và cuối cùng, cuộc “diễu hành lần thứ hai” của sức mạnh nhà nước hoá thành trận băng lở, tuyết tan. Nó thọc tay vào khắp mọi nơi: vào kinh tế, vào đời sống xã hội, giao tiếp tập thể, vào tư tưởng hệ và đường lối ngoại giao. Phản ứng phụ dẫu có tệ hại thế nào, thì “liệu pháp nhà nước” như thế vẫn có tính cách cứu nguy, bởi nếu không, cái chết sẽ là lựa chọn duy nhất của nước Nga. Mọi câu chuyện về dân chủ bị bóp nghẹt đều là trò đạo đức giả hết sức láu cá. Ở đây chẳng có dân chủ dân chiếc gì, mà chỉ có sự bán tan rã mang tính Trung cổ với viễn cảnh duy nhất là sự tan rã hoàn toàn. Sự giả dối của cánh “đối lập dân sự” nằm ở chỗ, dưới ngọn cờ đấu tranh chống lại “nhà nước phi dân chủ”, trong thực tế, họ đã tiến hành cuộc đấu tranh chống lại nhà nước với ý nghĩa đúng đắn của nó, chống lại ý đồ ngăn chặn một cách dè dặt tình trạng tự phát của thói độc đoán, chuyên quyền “xã hội”. Chúng ta không xuất phát từ dân chủ, mà xuất phát từ sự tan rã của nhà nước. Đó là cuộc đại phẫu theo “độ số của sự sống”, khi những mất mát không thể tính được nữa. Trong quá trình xúc tiến công việc, tay chân bị mất, nhưng sự sống vẫn còn lại.
 
Về “hội Cheka”[12] từng trả lại sức mạnh quốc gia cho nước Nga (sau này dẫu có thế nào đi nữa, thì việc này vẫn sẽ được lịch sử trọng vọng), có thể nói, nhược điểm của nó chính là sự tiếp tục những ưu điểm của nó. Nó chính là mảnh xương sườn của nhà nước Xô-viết có may mắn còn giữ lại được. Từ mảnh xương sườn ấy, lịch sử đã nhào nặn lại nhà nước mới của Nga giống như Chúa đã nặn ra Eve từ xương sườn của Adam. Nhưng ở đây có tới trăm phần trăm là xương cốt Xô-viết.
 
Trong cuộc chiến tranh đã được bung ra, không thể tìm thấy một cái gì đó tươi tắn, mới mẻ, một cái gì đấy mang lại hi vọng. Tham chiến ở đây chỉ có hai sức mạnh của xã hội cũ: sức mạnh của trật tự và sức mạnh tự phát mù quáng. Cả sức mạnh trật tự, lẫn sức mạnh tự phát đều thuộc thế giới cũ, có chung một bản chất. Cho nên, từ “cái đuôi rắn mối”, mới mọc ra nhà nước “Xô-viết”. Nó mang bản chất Xô-viết hoàn toàn: từ lối nói khoa trương thẳng tưng của các phát thanh viên trên màn hình tivi cho tới việc khôi phục phép tắc canh phòng nghiêm ngặt của cảnh binh ngoài quan ải. Nó không có khả năng hoá thành cái khác.
 
“Sức mạnh trật tự” đã chống lại “sức mạnh tự phát” bằng chính những phương pháp của nó. Sự độc đoán cá nhân của bọn đầu sỏ vừa xuất hiện bị đánh trả bởi sự độc đoán của nhà nước mới được khai sinh. Có một câu hỏi đã được đặt ra, vẫn chưa có lời đáp: liệu chính quyền còn cách nào hay hơn để kiềm chế bạo lực trong xã hội, hay cứ nhất quyết phải chống lại nó bằng một thứ bạo lực khác - do được tổ chức và nhờ thế, có hiệu quả hơn? Dẫu xấu tốt, tai hoạ thế nào thì nhiệm vụ cũng đã được giải quyết. Vụ án Khodorkovsky[13] đã trở thành sự kiện có ý nghĩa cắm mốc. Khodorkovsky là biểu tượng cho sự “thái quá”[14] của thời đại mình. Để vô hiệu hoá Khodorkovsky, chính quyền buộc phải biểu dương sức mạnh để chứng tỏ, sự “thái quá” của “tổ chức” nhà nước có khả năng làm được những chuyện gì! Có thể xem vụ án Khodorkovsky là chiến thắng Pyrrhus[15]. Nó không chỉ chiến thắng Khodorkovsky, mà còn chiến thắng cả pháp luật (không phải vì thế mà có thể biện hộ cho Khododkobsky). Bởi thế, sự độc đoán tập trung của quyền lực nhà nước đã thay thế cho sự độc đoán phân quyền của các nhóm tài chính - công nghiệp.
 
Thế là sự khôi phục mang tính cứu nguy của trật tự nhà nước và sự tác động phá huỷ của ý chí luận quốc gia đã sát cánh bên nhau cùng tiến. Mỗi bước đi lên của chính quyền mới đều có mâu thuẫn trong chính bản thân. Sự trở về của các phần tử cốt cán bị xa lánh một cách phi pháp mâu thuẫn với sự xoá bỏ các quyền tư hữu, cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố tinh thần” của các ông trùm tư bản truyền thông xung đột với sự hồi phục tình trạng suy sụp của thời đại “các đức cha điện Kremli” trên màn hình tivi, việc triển khai các nguyên tắc nhà nước đụng độ với với sự trói buộc nền kinh tế bằng hàng trăm rào cản quan liêu được dựng lên để vơ vét lợi tức hành chính một cách tham lam. Ở đây, cái này gắn với cái kia như hạt gạo không tách rời vỏ trấu. Thiện và ác, tiến bộ và suy thoái hoà chung vào một chỉnh thể. Hành động nào của nhà nước cũng gợi dậy một cảm xúc phức tạp, lẫn lộn giữa sự thấu hiểu với sự thất vọng, ngao ngán.
 
Xã hội đã bị giết chết bởi siêu vi trùng tan rã, bỗng lại hồi dương bằng liều thuốc “nhà nước hoá”. Nhưng điều đó không dẫn tới sự bình phục sức khoẻ mà chỉ giúp lui bạo bệnh tạm thời. Vi trùng chuyên quyền gây rữa nát không mất đi đâu, chỉ đơn giản chuyển vào mạch máu nhà nước. “Trật tự mới” vừa được tái thiết một cách khó khăn hoàn toàn chỉ là hình thái cao nhất của sự hỗn độn. Từ sự hỗn loạn trong điều hành, đất nước đã chuyển qua sự điều hành sinh ra hỗn loạn.
 
Nhân tố năm 2012
 
Nếu tin vào Marx và Hegel (mà, của đáng tội, vì sao không tin họ?) thì hình thái vận động cao nhất của mâu thuẫn đối kháng là sự chuyển hoá của mâu thuẫn vào mặt đối lập, vào “hình thức bề ngoài”, khi mà trên bề mặt các hiện tượng, chúng ta chỉ nhìn thấy một cái gì đó đối lập trực tiếp với bản chất của chúng. Trật tự hiện nay chỉ là hình thức bề ngoài được sinh ra bởi sự hỗn loạn. Đó là đỉnh điểm của sự phát triển mà sự hỗn loạn có thể vươn tới. Chỉ một trong hai khả năng tiếp theo có thể xẩy ra: phá huỷ, hoặc xung đột được giải quyết. Sự phá huỷ bao giờ cũng diễn ra cùng với sự chiến thắng của một mặt đối lập, mặt nào, không quan trọng. Sự giải quyết lại chỉ có thể xẩy ra như sự sinh nở sáng tạo từ sự căng thẳng của xung đột nhờ sự “hỗ trợ” của một sức mạnh “thứ ba”, sức mạnh mới nào đó sẽ “tháo gỡ” mâu thuẫn và thủ tiêu những mặt đối lập cũ, chuyển chúng vào vị thế của những nền tảng kiến tạo khởi thuỷ. “Tháo gỡ” và “đúc lại” - đó là lựa chọn lịch sử buộc nước Nga phải thực hiện.
 
Bị đổ vào “hố đen” của lịch sử, tuỳ vào hoàn cảnh, món nước dùng văn hoá Nga vẫn có thể quay trở lại với dòng lịch sử chủ lưu theo những kiểu cách khác nhau. Nó có thể khởi hành như đám bong bóng sô vanh chủ nghĩa, như cuộc khởi loạn sục sôi của cánh Trăm đen. Khi đó, nó sẽ giật toang cái “mái” nhà nước hiện đang che đậy cho nó, nếu không, nó sẽ làm nổ tung đám “bong bóng” tan ra từng mảnh. Bụi nước của vụ nổ văn hiến này không chỉ tràn sang hàng xóm, mà còn bay tận tới nhà của “những người hảo tâm” xa xôi nhất. Tuy nhiên, chính món nước dùng kia cũng có thể lên men, ủ chua một cách âm thầm và dài lâu, đến khi nó hoàn toàn biến thành thứ dấm chua chua - ngọt ngọt, thì những người hàng xóm sành sỏi về dấm sẽ lặng lẽ và cẩn thận “nêm muối” cho nó. Quả thật, điều đó chắc còn lâu mới diễn ra.
 
Cũng còn một triển vọng khác, tuy viển vông: không hẳn là “rơi vào lịch sử”, mà chủ yếu là “làm nên lịch sử”. Tiền đề mở ra triển vọng ấy, lạ làm sao, đã có sẵn ngay từ ngày hôm nay. Như chính Marx đã viết, lịch sử không đặt ra những nhiệm vụ khi chưa sơ bộ tạo ra những điều kiện để giải quyết chúng…
 
Thể chế “nhà nước chuyên quyền” hiện nay có hai đặc điểm khác với sự độc đoán của các nhóm trùm tài phiệt mà nó thay thế.
 
Thứ nhất, nó mang tính toàn thể và phổ quát. Đây là đặc điểm khiến khiến sự độc đoán trở thành hiển nhiên. Trong thực tế, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc động viên các lực lượng xã hội tham gia đấu tranh chống lại sự chuyên quyền. Ai cũng biết, một trong những vấn đề phức tạp nhất của khoa ung thư học là các lực lượng bảo vệ cơ thể không nhìn thấy tế bào ung thư và không thể tách chúng ra khỏi tế bào khoẻ. Phải tìm được phương pháp “phát hiện” các tế bào nguy hiểm để cơ thể tự nhận ra và tự tiêu diệt. Đúng là đa số đại diện của giới trí thức đến hôm nay vẫn tiếp tục nghĩ rằng, dưới thời Yeltsin, họ đã được sống trong một thể chế dân chủ nào đó. Có nghĩa là họ không nhận ra sự độc đoán mang tính đại chúng, hoang dã và liều lĩnh, họ không hiểu chuyện gì đang xẩy ra với họ. Nhưng sự độc đoán được tạo ra dưới danh nghĩa nhà nước, giống như cái ác, sẽ dễ nhìn thấy tận mắt và dễ bị vạch mặt hơn. Tức là chúng ta đang dần dần ngộ ra sự độc đoán của xã hội là vấn đề nghiêm trọng, cũng có nghĩa là, như kết quả của một quá trình giác ngộ, chúng ta sẽ nhận thức được nhu cầu tất yếu phải xây dựng lại nhà nước pháp quyền như là điều kiện cơ bản giúp khắc phục sự nới rộng của “hố đen”. Dĩ nhiên, sự khủng hoảng của luật pháp không phải là nguyên nhân đẩy nước Nga vào tình trạng hiện nay. Nhưng việc khôi phục hệ thống pháp quyền là điều kiện tiên quyết tạo nên sự khai phóng. Sự khai phóng nước Nga giờ đây chỉ có thể xẩy ra thông qua việc giải phóng hệ thống pháp quyền Nga.
 
Thứ hai, cắm rễ sâu vào hệ thống chính trị đã định hình ở nước Nga hiện nay lại chính là những cơ chế làm suy yếu nó, khiến nó không thể chống đỡ lâu dài với phong trào dân sự, nếu như phong trào ấy xuất hiện. Nó giống như một khối thuốc nổ tự huỷ được đặt bên trong tên lửa đạn đạo. Thể chế chính trị hiện nay, về gốc gác, từng ra đời như là thể chế “lãnh đạo tập đoàn” đối với xã hội. Nhưng tập đoàn tạo ra thể chế ấy bắt đầu tan rã nhanh chóng ngay từ khi nó biến thành “tập đoàn nhà nước”. Chúng ta là những người được chứng kiến sự xé nhỏ tập thể của các lực lượng chính trị từng tiến hành cuộc đảo chính chống lại thể chế đầu sỏ. Chỉ cần nhận được một khoản đầu tư nào đó vào tầm kiểm soát của mình, các đội quân thống nhất, “đội đăc vụ”, “đội người  Peterburg”, “đội luật gia” hay đội nào đi nữa, cũng lập tức bị xé nhỏ. Họ tách thành hàng chục tập đoàn nhỏ bên trong một tập đoàn lớn và bắt đầu “tiêu diệt” kế hoạch của nhau bằng cách dựng lên những cơ cấu ông chằng bà chuộc, đẩy những người không phù hợp vào các vị trí nhà nước bằng đủ mọi cách. Bây giờ hãy còn sớm để nói về điều đó, nhưng chỉ cần mấy năm nữa, quyền lực quốc gia của nước Nga sẽ lại trở thành người khổng lồ chân đất sét. Mảnh “sườn Xô-viết” đáng ghét mà từ đó người ta nặn ra hệ thống nhà nước Nga sẽ cho biết về bản thân. Tập đoàn mới, cũng giống hệt như cũ, lại sẽ phá sản vì sự căng thẳng ở bên trong.
 
Vấn đề là, lần này ai sẽ tận dụng được cơ hội lịch sử. Trên cái nền mục nát chung của di hài văn hoá Xô-viết, đã thấy mọc lên một cách chậm chạp, rụt rè những yếu tố của nền văn hoá mới. Đang xuất hiện giới tinh hoa “mới mới” của Nga. Họ còn nhút nhát và rất yếu. Bằng “mắt thường”, khó nhận ra họ. Nhưng, lớp người hoàn toàn “không phải là Xô-viết” đang dần dần xuất hiện trong từng đốt của sự sống xã hội. 
 
Đội ngũ các nhà quản lí trẻ tuổi từng được rèn rũa bởi kỉ luật thép theo nguyên tắc kinh doanh của phương Tây đang ngày một lớn mạnh. Mười năm trước, thành phần lãnh đạo trong các cơ quan đại diện của các tập đoàn lớn của phương Tây chủ yếu là người nước ngoài. Ngày nay, có thể nhìn thấy một bức tranh hoàn toàn trái ngược, nếu ta giở sổ chỉ dẫn của Phòng Thương mại Mĩ hoặc các liên hợp - doanh nghiệp khác. Nền kinh doanh mang tính canh tân của tổ quốc, giống như bụi cây mọc trên tảng đá, đang “bấu víu” vào đâu đó giữa sự đầu cơ và các tập đoàn nhà nước. Nhưng cũng có cả những chiến binh già của nền kinh tế bóng tối, tay “vung đã mỏi”. Sau khi trải qua nước lửa và tiếng kèn xung trận của những cuộc chiến tranh kinh tế, họ muốn yên ổn kết thúc cuộc sống no đủ của mình trong một nhà nước pháp quyền. Đã thấy xuất hiện lớp quan chức mới, lớp quan chức ham thích học vấn và giữ được nhiều yếu tố của đạo đức Tin lành. Hiện nay, theo lẽ thường, đó chỉ là những đại diện quyền lực thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, nhưng họ có một ưu thế trời cho - tất cả đều rất trẻ. Vâng, đó là những quá trình vi tế trên cái nền lạc hậu chung của nền văn hoá chúng ta. Nhưng không thể không nhìn thấy chúng. Hòn đá lúc đầu cũng chỉ có vô khối những khe nứt li ti, chỉ sau này, nó mới toác ra thành nhiều mảnh nhỏ.
 
Sở dĩ lớp “người Nga mới mới” vẫn ít được biết đến, vì về nguyên tắc, họ phải liên kết với nhau làm thành giới tinh hoa ngày nay (thực ra, cũng chỉ sắm vai ở hàng hai thôi). Điều đó là tất nhiên, bởi nếu làm khác đi, họ không thể có hi vọng sống sót. Ở nước Nga hiện nay, phải nằm trong hệ thống mới có thể phát huy hiệu quả. Nên nhớ, cuộc cách mạng chính trị đặt dấu chấm hết cho lịch sử Xô-viết được tiến hành bởi những “phần tử bất đồng hệ thống” - các trí thức bị đồng hoá trong nhóm đặc quyền.
 
Nhưng nhiều sự kiện đã đẩy lớp “người mới mới” đến với những hoạt động tích cực hơn. Thất bại mà trên thực tế ở thời gian gần đây “cánh tự do” trong chính phủ phải hứng chịu đã kéo giới “trí thức đặc quyền” xuống đường. Họ bỏ việc trong cơ quan nhà nước, đến với khu vực tư nhân để xem xét và lấy hơi. Nhưng bây giờ không còn là đầu những năm 1990. Sau khi chiếm được vị trí chỉ huy trong tập đoàn nhà nước và bán nhà nước, thế hệ những người quản lí mới trở nên độc lập hơn, kiêu hãnh chính trị hơn so với lớp tiền bối của họ. Điều không kém phần quan trọng là sự kiêu hãnh ấy sẽ được củng cố bằng nguồn lực tài chính tương ứng và tiềm năng chuyên nghiệp của những “người Nga mới mới”. Nhìn chung, ở nước Nga có thể xuất hiện một giai cấp khá giả kết hợp trong bản thân hai nhân tố hiện đang vật lộn với nhau - nhân tố nhà nước và nhân tố dân sự. Có điều, phải biết chờ đợi!
 
Ở thời điểm này, khi mọi cặp mắt của cả nước Nga đang dán chặt như thể thôi miên vào con số “2008” kì diệu, có cơ sở để hỏi, thử nói trắng ra xem, liệu một năm sau, có chuyện gì hệ trọng sẽ xẩy ra?[16]. Sẽ tuyệt nhiên chẳng có gì đâu, bất chấp cả vấn đề “sinh tử” về nhiệm kì Tổng thống thứ ba sẽ được giải quyết như thế nào. Bởi vì, sẽ chưa có bất kì thay đổi cơ bản nào xảy ra trên nền tảng của tất cả các lĩnh vực từ văn hoá cho đến kinh tế trong đời sống xã hội Nga. Sự thay đổi các nhân vật, ngay cả các nhân vật đã trở thành biểu tượng của thời đại, tự nó (nếu không tạo ra sự chuyển động của các tầng vỉa xã hội) không phải là một sự kiện lịch sử. Tất cả những gì quan trọng nhất ở nước Nga không thể xẩy ra trước, hoặc ngay sau năm 2008.
 
Thứ nhất, đến 2009 - 2010, đất nước sẽ không thể tránh được cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế. Đó là đòn trừng phạt cục bộ đánh thẳng vào “lối sống tiêu trước trả góp” rất đỗi vô tư đang trở nên phổ biến ở các tầng lớp dân cư trong vòng ba bốn năm gần đây. Hai khu vực của nền kinh tế là năng lượng và ngân hàng sẽ bị tổn thất trước tiên, dẫn đến phản ứng dây chuyền: các chương trình xã hội cực kì hoang phí và hoàn toàn không có hiệu quả sẽ bị sụp đổ (đến thời điểm này, đất nước sẽ biến thành một “dự án đặc biệt”, và những khả năng ổn định của chính sách mị dân sẽ bị vắt cùng kiệt). Kết cục là gần hai mươi năm bị ngắt mạch, chiếc cầu giao năng động chính trị của cư dân sẽ lại được chuyển về vị trí “ON” (nếu đúng vào thời điểm này, đất nước sẽ có người kế nhiệm Tổng thống, thì sự năng động nói trên của cư dân sẽ trùng với sự suy yếu tổng thể của bộ máy nhà nước).
 
Thứ hai, và đây mới là điều quan trọng nhất, đến thời điểm trên, sẽ diễn ra một sự chuyển đổi văn hoá hết sức cơ bản. Đến với cuộc sống đầy năng động lúc ấy sẽ là thế hệ được sinh ra sau chủ nghĩa cộng sản, thế hệ mà quá khứ Xô-viết chỉ còn là huyền thoại[17]. Ý tôi muốn nói tới một thế hệ hoàn toàn khác so với thế hệ đang tạo ra bầu không khí xã hội bây giờ. Nhìn từ quan điểm của ngày hôm nay, không thể nào tiên lượng phản ứng và hành vi của họ. Đây là thế hệ có khả năng tạo ra một hiện thực mới.
 
Không, không phải 2008, mà 2012 mới là năm định mệnh của nước Nga. Phải đến lúc đó, ở cửa thoát hiểm của cuộc khủng hoảng, thế hệ mới với tầng lớp tinh hoa mới sẽ quyết định hướng phát triển cho hàng chục năm tiếp theo - hoặc là sự chuyên quyền như trước, dẫn tới sự sụp đổ không tránh khỏi của đất nước; hoặc là bước ngoặt tạo ra nhà nước pháp quyền với tương lai rộng mở để quay trở lại với “đời sống lịch sử”. Thế hệ năm 2012 có sứ mệnh đưa nước Nga thoát hỏi “hố đen” của thời đại Trung cổ kiểu mới. Đúng là khi ấy nước Nga phải có một tổng thống mới. Còn bây giờ, tổng thống cũ vẫn cần cho nước Nga nhiều hơn, vì phải có người chỉ huy sự hỗn loạn…
                                                                                                                  Lã Nguyên (dịch)
 
* Pastukhov, Vladimir Borisovich (sinh: 22.4.1963): Phó tiến sĩ Luật học (1988), Tiến sĩ Chính trị học (1996), hiện là Viện Trưởng khoa học Viện Công pháp và Chính sách công (IP&PP).
Nguồn: Tạp chí Polis, số 3/2007 (http:// www.politstudies.ru/fulltext/2007/3/3.htm)
 
 
 
 
 
 


[1] Jacobs Jane. Hoàng hôn của nước Mĩ. Phía trước là Trung cổ, M., 2006, tr. 11-19.
[2] Với ý nghĩa như thế, chữ “thời đại Trung cổ” phù hợp với giai đoạn lịch sử châu Âu mà người ta vẫn gọi là “đêm trường Trung cổ”, “những thế kỉ tối tăm”. Lavisse Ernest và Rambaud Alfred từng viết về thời đại ấy như sau: “Khi màn đêm bắt đầu được vén lên thì xã hội và quốc gia cũng bắt đầu được tạo dựng. Cơ cấu mới ấy được các nhà lịch sử học gọi là chế độ phong kiến. Nó xuất hiện ở thời kì đêm tối theo sau sự tan rã của chính thể quân chủ carolingien, và nó được định hình một cách chậm chạp, không có sự can thiệp của quyền lực quốc gia, không có sự trợ giúp của các luật lệ thành văn và không có bất kì một sự đồng thuận nào của những con người riêng lẻ” – Xem: Lavisse Ernest và Rambaud.- Thời đại của những cuộc thập tự chinh, M.: SPb, 2005, tr.7.
[3] Điều đó không có nghĩa là ở nước Nga chẳng còn xẩy ra chuyện gì. Chỉ đơn giản là các sự kiện kinh tế, chính trị và văn hoá không còn là những sự kiện lịch sử. Như mọi khi, con người thì vẫn năng động, nhưng xã hội thì đã trở nên bất động.
[4] “Conditio sine qua non” (tiếng La Tinh): “Điều kiện không thể thiếu”.- ND
[5] Thiết nghĩ, nó cũng giống như loại vữa dinh dưỡng dùng để ươm cây theo công nghệ sinh học. Ấy là một đống hổ lốn, trong đó lều bều đủ cả những mẩu hữu cơ đầu thừa đuôi thẹo lẫn những mảnh vụn vật liệu gene. Giả dụ “bào tử” của một loại giống mới nào đó rơi vào thứ nước dùng ấy, chắc nó sẽ phát triển được bằng cách tận dụng toàn bộ phần hữu cơ như một vật liệu kiến tạo (“Vật liệu thừa” tự nó không thể sinh nở ra cái gì được. Ta hiểu vì sao, “sự tương hợp của cây trồng” lại quan trọng đến thế).
[6] Jacobs J. - Tldd, ttr. 12-13.
[7] Tikhonova N.E. - “Những nhà tư bản mới”: Họ là ai?// “Khoa học xã hội và thời đại, Số 2, 2005.
[8] Về vấn đề này, muốn biết chi tiết, xin xem: Pastukhov V.B.- Từ nhóm đặc quyền xã hội đến giai cấp từ sản: Những người Nga mới// “Polis”,số 2/1993.
[9] Nên nhớ, sự dồi dào “tiền tài” lúc ấy chỉ mang tính tương đối cả về số lượng và chất lượng. Rất ít người có “tiền tươi”. Cho nên, chủ yếu người ta đánh giá cao “những khả năng” chiếm hữu các nguồn tài nguyên này khác của đất nước. Chẳng có ý nghĩa gì việc nhờ vào đâu mà có những khả năng ấy: nhờ sử dụng quyền lực, nhờ địa vị nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội có lợi cho thăng tiến, nhờ tài sản thừa kế, nhờ tên tuổi… Nhưng ngay cả tiền bạc mà họ có lúc ấy cũng được tính rất khác so với cách tính bây giờ. Ở nước Nga vào những năm 1990, năm mươi nghìn đô la có giá trị bằng năm triệu ở New York. Ai được tư nhân hoá một căn hộ trên đại lộ Kutuzov ngay từ đầu sẽ có một địa vị rất khác so với kẻ nhận được căn hộ miễn phí ở phố Perovo…
[10] Tiếng Nga: “Спецслужба” - thuật ngữ nhật dụng, không chính thức, từ cuối thế kỉ XX được sử dụng để chỉ các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ tiến hành những hoạt động phi pháp (kiểu như, hoạt động gián điệp, tình báo, bắt liên lạc, giải mật mã, phá hoại, bảo vệ anh ninh chính trị, trấn áp, ám sát phục vụ cho lợi ích của chính phủ, cơ quan đầu não nhà nước ở nước mình hoặc các nước khác. Thuật ngữ (khái niệm) này không có trong hệ thống pháp luật của Nga.-ND.
[11] Tôi nghĩ, giá dụ như B.N. Yeltsin có thể tính hết những hậu quả do hành vi của mình gây ra, chắc ông không làm như thế. Nhưng vào thời điểm mà một người xuất thân từ môi trường “đặc vụ” đã nắm được quyền lực, thì mọi chuyện thế là đã được quyết định. Vận hội được mở ra trước tập đoàn, và tập đoàn không buông ông ấy. Điều này có lẽ không nằm trong kế hoạch. Có thể tính ra ngay, chỉ trong vòng mười năm, khả năng tái sinh sẽ hoàn toàn bị vắt kiệt. Cho nên, người ta chỉ tính đến các phẩm chất cá nhân của ứng cử viên. Không ai còn quá để ý tới nguồn gốc xuất thân của nhân vật nữa. Đó là một sai lầm may mắn dành cho lịch sử.
[12] Ngày nay, theo phong cách truyền thống của nước Nga, người ta chấp nhận thực tế là xung quanh Putin có cả lời ngợi khen ngợi lẫn tiếng nguyền rủa. Trong khi đánh giá cao sự kiên định của Tổng thống thứ hai của nước Nga, cần thấy rằng, công lao khôi phục sức mạnh quốc gia ở nước Nga không chỉ thuộc về cá nhân ông ấy, mà chủ yếu thuộc về cái “tập đoàn” do ông đại diện. Đó hoàn toàn là “sự nghiệp có tính tập đoàn”.
[13] Khodorkovsky, Mikhail Borisovich (sinh 26.6.1963) - Tỉ phú, nhà hoạt động xã hội Nga, 1992 - 1993: Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Chất đốt Nga, 1997 - 2004: sáng lập và đứng đầu Tập đoàn Dầu lửa “YUKOS”, 25.10.2003: bị bắt và bị buộc tội lừa đảo và trốn thuế, 31.5.2005: bị Toà án quận Mesansky Moskva kết án 9 năm tù giam, “YUKOS” bị bán đấu giá. Nhiều ý kiến cho rằng, vụ án Khodorkovsky nằm trong chiến dịch thanh trừng của Moskva nhằm mở đường cho Điện Kremli thiết lập quyền kiểm soát chặt chẽ hơn với lĩnh vực dầu mỏ có tầm quan trọng chiến lược của Nga.- ND.
[14] Trong nguyên bản tiếng Nga: “Беспредел” - là “hành động vượt ra ngoài mọi luật lệ thành văn và không thành văn”. Khái niệm này được sử dụng rộng rãi trong văn hoá đại chúng, chủ yếu ở các nước thuộc Liên Xô cũ, từ cuối những năm 90 của thế kỉ trước.- ND.
[15] Pyrrhus (319 - 273 tr. CN): Hoàng đế Hy Lạp vào các giai đoạn 307 - 302 và 296 - 273 tr. CN. “Chiến thắng Pyrrhus”: là chiến thắng phải trả giá quá lớn, nên cũng được xem là thất bại.- ND.
[16] Tiểu luận này được công bố lần đầu trên tạp chí  “Polis”, số 3, ra ngày 28.6.2007.- ND
[17] Đã nhiều người, từ Teodor Shanin cho đến Yuri Luzkov, dự báo về cuộc “cách mạng thế hệ” sắp tới. (Xem: Shanin T.: Lịch sử các thế hệ và lịch sử thế hệ của Nga - Thời đại của các cuộc thập tự chinh.- M.: SPb, 2005; Luzkov Yu.M.: Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga 100 năm qua - M., 2005. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441353

Hôm nay

270

Hôm qua

2283

Tuần này

21257

Tháng này

216527

Tháng qua

112676

Tất cả

114441353