Nhìn ra thế giới

Sóng ngầm và bọt biển

         “Biển Đông đang dậy sóng” là cách nói của không ít học giả trong và ngoài nước về những tranh chấp chủ quyền quốc gia của 6 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Bruney, Malaysia đối với những lợi ích địa - chiến lược, địa – kinh tế của vùng biển - hải đảo đặc biệt quan trọng này. Cần phải có một cái nhìn tổng thể, khách quan về tất cả lợi thế (bất lợi), phần chìm (nổi) của tảng băng lạnh lẽo đầy tham vọng đang “trôi” trong cái nóng hầm hập của mùa hạ đang đến gần…

 

 
            1. Trước hết, năm 2009 là năm của những “kỷ niệm” hết sức nhạy cảm như sự kiện Tây Tạng tháng 3.1959, sự kiện Thiên An Môn tháng 5.1989… Có những lớp sóng mà con người không muốn nhìn thấy thì cách tốt nhất là tạo nên những đợt sóng mới để làm chìm lấp chúng đi, càng nhanh càng tốt. Lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng bắt chước và “học hỏi” lại, là điều luôn luôn có thể! Dẫn chứng có rất nhiều, chỉ xin đưa ra một vài sự kiện để các bậc thức giả tham khảo. Năm 1069, trước những mâu thuẫn đến dồn dập do thất bại của nhà Tống trước nước Liêu ở phương bắc, tể tướng Vương An Thạch đã vạch kế hoạch tấn công Việt Nam và kế hoạch đó đã được thực hiện vào năm 1076, khi vua Lý Nhân Tông mới 10 tuổi. Tranh thủ tấn công (hoặc gây sức ép) khi đối phương bị yếu thế là nguyên tắc chiến lược của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc.
            Chuyện của 1.000 năm trước cũng không khác nhiều lắm so với thời hiện đại. Cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, “Đại nhảy vọt” thất bại thì chiến tranh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ nổ ra. Tiếp đó, “Cách mạng văn hóa” diễn ra gần như song song với cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc – Liên Xô. Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu đổi mới và sự chống đối là rất quyết liệt. Một năm sau là sự kiện 1979… Chuyển sự chú ý từ trong ra ngoài, từ đất liền ra biển, từ tây sang đông cũng là một “nguyên tắc” khác nữa. Nếu dư luận ồn ào về một nguồn tài nguyên nào đó thì sẽ có một đợt sóng quyền lợi khác che lấp đi để hướng dư luận về phía khác(?)
            2. Biển Đông có tổng diện tích là 6,5 triệu km2. Theo Hoàn Cầu Thời báo, ấn bản bổ sung của Nhân Dân Nhật báo thì chỉ riêng năm 1999, “nước ngoài” đã khai thác được 40 triệu tấn dầu và 31 tỷ m3 khí đốt, tức là gấp 2,5 lần và gấp 7 lần khai thác dầu và khí đốt của Trung Quốc ở ngoài khơi (BBC, 22.3.2009). Lợi ích kinh tế đó đã làm cho Trung Quốc “sốt ruột” và           gia tăng sức ép. Cũng bài báo trên, tác giả - đại tá Đới Hy, đòi phải thành lập một căn cứ quân sự mạnh tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam(!)? Như thế, sóng ngầm đã không còn là “ngầm” nữa mà là sự thách thức công khai dư luận thế giới.
            Không phải tự nhiên mà đúng ngày đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Robert Willard thăm Việt Nam (8.3.2009) đã xảy ra sự kiện tàu Impeccable. Đô đốc R. Willard vừa được đề cử giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Pacific Command) để thay đô đốc T. Keating. BTL TBD của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm tác chiến trên 50% bề mặt thế giới - tức 272 triệu km2. Chỉ dấu từ “sự kiện Impeccable” cho thấy rằng Trung Quốc đang muốn coi Biển Đông như cái “ao nhà” của nước này bất chấp Luật Biển của LHQ được công bố từ năm 1982.
            Về mặt chiến lược, gần 80% nhập khẩu dầu của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan phải đi qua Biển Đông. Quốc gia nào kiểm soát được Biển Đông sẽ khống chế được toàn bộ vùng Đông Nam Á đồng thời kiểm soát được con đường biển nối
*Xin mượn tên của bài viết này từ nhan đề một cuốn sách của cố học giả Lý Chánh Trung  
Liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia trong khu vực đều muốn quốc tế hóa và giữ nguyên trạng (status quo) Biển Đông. Vụ tàu Impeccable chỉ diễn ra mấy ngày trước khi hãng dầu lửa nổi tiếng của Anh – BP tuyên bố rút lui khỏi vùng trũng Nam Côn Sơn cho dù đã bỏ vào đây một số vốn không nhỏ là 1,3 tỷ USD. Những “sự cố kỹ thuật” chỉ là một cách giải thích. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng có rất nhiều sóng ngầm tác động đến sự rút lui đó…
            3. Tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông là điều cực kỳ khó. Lợi ích khổng lồ của nó cộng với các tham vọng và sự thách thức không hề nhỏ hơn của “con rồng Trung Hoa đang trỗi dậy” là “bài toán” mà Herman Kahn (một trong hai tác giả) – nhà tương lai học người Đức trong tác phẩm “Năm 2000”, xuất bản đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đã dự báo.
            Những thông tin từ báo chí trong nước và nước ngoài thì ngày càng cảm thấy có áp lực lớn hơn, nhiều những câu khó trả lời hơn trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Economist ngày 20.7.2009 cho biết rằng hiện nay Trung Quốc có 55 tàu ngầm loại thường và 6 tàu ngầm nguyên tử; 70 khu trục hạm, 50 tàu đổ bộ và 40 tàu chiến ven bờ. Trung Quốc đang dự định cuối năm nay sẽ tiến hành cuộc tập trận dài hai tháng mang tên “Tiến Bước 2009” với sự tham gia của 50.000 (trong tổng số 2,3 triệu quân) di chuyển trường chinh trên quãng đường 50.000km trong đó mỗi tiểu đơn vị di chuyển ít nhất 2.400km(!) BBC ngày 31.7.2009 lại cho biết rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay tăng 14,9% - gấp đôi Ấn Độ, bằng 85 tỷ USD (năm ngoái là 70 tỷ USD)…
            Vài số liệu trên nhưng lại cho chúng ta biết về những “thông điệp” rất rõ ràng; nhất là cách thức răn đe rằng những cuộc trường chinh hàng ngàn km là một thực tế hiển nhiê? Ai không nhìn thấy thực tế đó và mối đe dọa rõ ràng đó thì chỉ là những người ảo tưởng lẫn lầm.
            4. Việt Nam phải chứng minh bằng cơ sở pháp lý đủ tính thuyết phục về chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa - Trường Sa là ưu tiên một. Chúng ta đã đi chậm nhiều bước trong việc nghiên cứu, quảng bá chủ quyền này. Tuy nhiên, dù muộn còn hơn không. Sự thực luôn có cách để chờ đợi sự đồng cảm, hiểu biết của dư luận quốc tế. Nguyên tắc hai là Việt Nam phải có càng nhiều mối liên hệ quốc tế càng tốt. Chỉ có như thế mới tạo được sức ép lên mọi đợt sóng dữ dội của tham vọng. Nhất là, các tham vọng đó đang bị giới hạn bởi chính nó: Giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Nguyên tắc ba là phải tham khảo, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của thế giới. Quần đảo Lưu Cầu mà Nhật Bản chiếm từ Trung Quốc trong những năm 70 của thế kỷ XIX (Nhật đổi tên là Ryu Kyu), sau đó đã cho Mỹ thuê một trong những đảo quan trọng nhất là Okinawa là bài học có thể về việc hóa giải tranh chấp. Cũng cần nhấn mạnh rằng chính vì liên minh với Mỹ chặt chẽ mà trong suốt 60 năm, chi phí quốc phòng của Nhật Bản chỉ chưa đến 1% GDP – trong khi nhiều nước khác là 15-20%! Thế giới hiện đại không cho phép tồn tại những liên minh lỏng lẻo, tạm thời. “Có rất nhiều bạn nhưng không có người bạn cật ruột mạnh mẽ nào cả” sẽ là giải pháp không thức thời…. Lịch sử đã chứng minh rằng dù Đài Bắc cách thành phố Hạ Môn chỉ có 200 hải lý nhưng đó lại là quãng đường xa nhất mà suốt 60 năm quân quân đội Trung Quốc không thể vượt qua!
            Lịch sử hiện đại cũng đã cho thấy những mối liên minh cần thiết không hề làm cho các quốc gia đó yếu hơn mà thậm chí, đã trở nên mạnh mẽ hơn.
Và mặt khác, tại sao trước sự thách thức của vận nước ta không học theo Bác Hồ? Những năm 1945 – 1946, khi ngân quỹ trống rỗng, Bác đã phát động “Tuần Lễ Vàng”, “Quỹ Độc Lập” để quyên góp tiền mua vũ khí cho bộ đội. Tại sao bây giờ không thể? Chưa nói đến lợi ích vật chất, chỉ riêng giá trị tinh thần – ngoại giao đã vô cùng ý nghĩa rồi…
 
 
            Từ lịch sử của sóng ngầm và bọt biển, bài học đáng kể là nhất thiết phải khẳng định rằng quyền lợi dân tộc phải đặt trên hết thảy, rằng sự tồn vong, mạnh hay yếu của quốc gia phải dựa trên tầm nhìn chiến lược dài lâu hàng chục hay hàng trăm năm, rằng sức mạnh của cộng đồng quốc tế hay liên minh quốc gia không tthể có được nếu các liên minh đó chỉ được gắn kết từ những lợi ích mập mờ bởi đồng minh chiến lược chỉ có thực khi cùng chung lợi ích chiến lược, rằng huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân là con đường phải đi để giữ vững chủ quyền của non sông đất nước…
            Sóng ngầm có thể lật chìm mọi chiến hạm nhưng nếu tỉnh táo để hóa giải thì nó không thể tạo thành bão tố. Chúng ta không thể ngăn những đợt sóng ngầm phát sinh nhưng kiềm chế sức mạnh của nó là điều có thể./.
 
                                               
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434897

Hôm nay

2168

Hôm qua

2349

Tuần này

21547

Tháng này

211945

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434897