Nhìn ra thế giới

Một bước lùi, hai bước tiến: Xã hội và nhà nước Nga trong không gian văn hoá thế giới (Phần III)

Chính trị Nga

Đã hơn một trăm năm nay, vấn đề cơ bản của triết học chính trị Nga là: làm gìai có lỗi? Thông thường, người ta chỉ thấy bí trước vấn đề thứ nhất, còn vấn đề thứ hai, thì lập tức có tới mấy câu trả lời. Nhưng vướng mắc lại chính là ở đấy. Đào bới cho đến tận cùng xem ai quả là người có lỗi, hoá ra không đơn giản, vì có quá nhiều ứng viên vào vị trí ấy. Hơn nữa, nếu nghiên cứu kĩ lưỡng vai trò của bất kì người nào trong số họ, người ta lại thấy, nhân vật ấy không có tội tới mức như vậy.

Mỗi chính trị gia Nga thường là vật hi sinh của hoàn cảnh được tạo ra bởi người tiền nhiệm của họ. Putin là con tin của hệ thống đầu sỏ do Elsin tạo ra. Elsin là vật hi sinh của khủng hoảng kinh tế được để lại trong di sản của Gorbachёv. Gorbachёv là tù binh của ngõ cụt tư tưởng hệ mà Brejnev đã dẫn đất nước vào đó. Brejnev rời bỏ ý chí luận của Khrusёv. Khrusёv trốn chạy sự bạo ngược của Stalin. Cứ thế, nếu không dừng lại, chí ít, chúng ta có thể ngược về tận các nhà cách mạng tháng Chạp, mà nếu tin lời Lenin, thì đó là những người từng thức tỉnh Ghersen.

Rõ ràng, nền chính trị Nga có một cái lõi nào đó do lịch sử quy định, xuyên suốt nhiều thời đại chính trị khác nhau, gắn kết chúng thành một chỉnh thể. Cái nghịch lí của nền chính trị Nga là ở chỗ, nó tựa như là không tồn tại. Ở nước Nga, chưa có và không có nền chính trị hiểu theo nghĩa của từ ấy ở phương Tây, tức là theo nghĩa chỉ mối quan hệ giữa xã hội và quyền lực. Ở Nga, chính trị bao giờ cũng là quan hệ giữa các thế lực nói chung và các phe cánh khác nhau của nó với xã hội. Sống rất khoẻ qua vô khối cuộc cách mạng, đặc điểm này cho đến nay vẫn là nét chủ đạo của nền chính trị Nga.

Trải qua mấy trăm năm, nền quân chủ chuyên chế là sự biểu hiện đầy đủ nhất bản chất của hệ thống chính trị Nga. Về hình thức, nó đã nhường chỗ cho nhà nước “chuyên chính vô sản” xuất hiện từ những biến thiên lịch sử của cuộc nội chiến 1918 -1920. Người ta thường cho là, ở điểm này đã có một khúc gẫy trong thừa kế chính trị, mà kết cục là sự xuất hiện của khối u “toàn trị”, thứ khối u bị phỉ nhổ cùng với chủ nghĩa phát xít như một thứ bệnh hoạn chính trị. 

Có thể, trên phạm vi toàn cầu, chủ nghĩa độc tài toàn trị là một thứ bệnh lí. Nhưng ở trong “quy mô tỉnh lẻ”, trong phạm vi của hệ thống chính trị Nga, nó chẳng có tính bệnh tật đặc biệt nào cả. Nhà nước “chuyên chính vô sản” hoàn toàn gắn bó hữu cơ với truyền thống quân chủ chuyên chế vốn là alpha và omega của nền chính trị Nga ngay từ khi nền văn minh Nga ra đời.

Chẳng lẽ trước bước ngoặt tháng Mười, chính quyền Nga không dựa vào giới chóp bu ngồi cao chót vót bên trên xã hội, vào sự chuyên quyền tuyệt đối trong việc thực thi chính sách đối nội và đối ngoại? Chẳng lẽ việc đấu tranh chống lại sự đặc quyền đặc lợi của những kẻ nắm quyền bính không phải là hạt nhân của tất cả các cuộc cách mạng từ nửa sau thế kỉ XVIII hay sao? Thế thì vì sao lại xem “chuyên chính vô sản” là khúc gẫy của truyền thống chính trị?

Tuy vậy, đúng là đã có khúc gẫy, nhưng nó hoàn toàn theo một tuyến khác. Quyền lực nhà nước ở buổi hoàng hôn của Đế chế đã truyên bố nguyên tắc quân chủ chuyên chế, nhưng nó không đủ sức thể hiện bản thân trong cuộc sống, bởi đã hấp thụ vào mình vô khối hạn chế theo kiểu “cưỡng chế - tự nguyện”, cho mãi tận đến khi thành lập loại nghị viện thứ phẩm: Duma quốc gia. Linh hồn của thể chế quân chủ chuyên chế được chính quyền xô viết thể hiện trong thực tiễn, vì chính quyền ấy đã giải phóng cho bản thân thoát khỏi mọi hạn chế chính trị (về phương diện này, nó hiển nhiên là chính quyền truyền thống của Nga), nhưng trong lí thuyết lại bác bỏ quân chủ chuyên chế như một nguyên tắc.

Với nước Nga, việc cự tuyệt một cách hình thức thể chế quân chủ chuyên chế vì chính thể dân chủ cộng hoà, cứ cho đó chỉ thuần tuý là cái vỏ bọc che đậy “chuyên chính vô sản”, là một khúc gẫy lịch sử. Nền dân chủ Nga hiện nay, khi xem mẹ đẻ chính trị là cuộc cách mạng tháng Hai, không nên quên cha ruột chính trị của mình là tháng Mười. Nằm yên trong dòng chảy của truyền thống chính trị Nga, dẫu những ai hiểu biết lịch sử mấy chục năm sau này khó thừa nhận điều ấy thế nào, thì chế độ xô viết, vẫn là một bước tiến về phía trước cả trong sự phát triển của nó, lẫn ở sự khắc phục bản thân.

Liên Xô vẫn là Nga về linh hồn, nhưng lại là nhà nước kiểu phương Tây về hình thức. Bản chất trấn áp của chính quyền xô viết khiến các thế hệ sau này xem hình thức dân chủ này như một cái gì thuần tuý bên ngoài và là sự ngẫu nhiên lịch sử. Nhưng nó không phải là cái gì ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống. Nó chỉ phát đi tín hiệu, rằng bản chất của chính quyền xô viết chưa được khám phá đến cùng, vẫn còn một vỉa khác bị khuất lấp, phải đến sau này mới lộ ra. Sự khai triển bản chất đích thực và đầy mâu thuẫn của quyền lực xô viết một cách chậm chạp như thế đã mang lại hình dáng cho câu chuyện về nền chính trị Nga thế kỉ XX.

Chiến dịch khủng bố dưới thời Stalin có quy mô quái đản tới mức, mọi người thời nay đều xem nó là đặc điểm chính của hệ thống xô viết. Nhưng đánh giá như thế cũng chẳng gần với chân lí hơn so với việc khẳng định, rằng chủ nghĩa Jacobin là bản chất của nền dân chủ phương Tây. Hệ thống chính trị ra đời trên làn sóng của ba cuộc cách mạng, dẫu là thứ tiên thiên bất túc và có hình dạng gớm ghiếc, vẫn là một nền dân chủ.

Đó là hình thái đầu tiên của nhà nước dân chủ Nga, của “nền dân chủ Nga”. Bản chất dân chủ của nhà nước xô viết bộc lộ cùng với sự cáo chung của thứ triết học và thực tiễn khủng bố. Không phải “phe” Stalin, mà “chủ nghĩa xã hội phát triển” của Brejnev mới bộc lộ bản chất của hệ thống chính trị xô viết.
Hệ thống xô viết - đó là nền dân chủ của thời đại tư bản chủ nghĩa nhà nước. Giống như thị trường và tư bản tồn tại dưới dạng tiềm ẩn trong kinh tế xô viếtuatrong nền chính trị xô viết cũng có nền dân chủ và xã hội cộng dân hiện diện dưới dạng tiềm ẩn. Có thể tìm thấy ở đó, dẫu chỉ trong “trạng thái đông lạnh”, cả công đoàn, tổ chức tự quản địa phương, tổ chức xã hội phi lợi nhuận, thậm chí cả đảng phái chính trị (thật ra là chỉ có một đảng, nhưng đó là sự ngẫu nhiên lịch sử, nhẽ ra đã có thể là hai, mà đó là đảng xã hội cánh tả). Tất cả đều nhắc ta liên tưởng tới việc lựa chọn nước quả ép giải khát mùa đông, khi những trái cây được trộn lẫn trong một cái hộp chờ lúc tan ra trong nước sôi.
Ở đây, độc quyền nhà nước trên thị trường phù hợp với “đảng quốc doanh” trong xã hội công dân. “Đảng quốc doanh” nuốt chửng, hút vào bản thân tất cả các thiết chế khác của xã hội công dân, tự hành xử như là đại diện duy nhất của nó. Bằng cách ấy, đời sống của xã hội công dân biến thành đời sống trong nội bộ đảng, và các quan hệ giữa nó với nhà nước được quy về các quan hệ với nhà nước của một đảng duy nhất.
Đảng Cộng sản Liên xô là hiện tượng quan trọng nhất và khó hiểu nhất của thời đại xô viết. Tổ chức xã hội phức tạp này tự xác định là một đảng, và đó chính là nguyên nhân kéo theo rất nhiều sự nhầm lẫn. Hơn nữa, từng có nhiều nguyên nhân lịch sử dẫn tới sự định vị như thế. Đảng Cộng sản Liên Xô ra đời trên nền tảng của Đảng Lenin thời tiền cách mạng. Nhưng ngay cả Đảng Lenin cũng rất ít giống với đảng theo quan niệm dân chủ về nó. Đó là đảng “kiểu mới”, tựa như cái “bào thai” của chế độ chính trị tương lai trong cơ thể một Đế chế. Sau cách mạng, khi đảng Bolsevich được cấy vào bộ máy nhà nước vừa bị thủ tiêu, nhìn chung, nó đã đánh mất những dấu hiệu của “tính đảng”. Ở một ý nghĩa nào đó, những gì đã xẩy ra khiến ta nghĩ tới cuộc phẫu thuật ghép các “tế bào thân cây xã hội” vào lớp mô nhà nước đã già cỗi khiến nó trẻ hoá và hồi sinh.
Sinh ra từ nền tảng ấy của cỗ máy nhà nước, Đảng cộng sản Liên Xô, ai thích gọi là gì cũng được, tuỳ ý, chỉ có điều, nó không phải là một đảng. Đó là “nhà nước bên trong”, là “doublure công dân” (“diễn viên lồng tiếng công dân”.- ND) của các chức năng xã hội. Hệ thống xô viết là hệ thống hai lớp, nhà nước giống như gồm hai bộ phận: đảng và “xô viết” tồn tại trong sự ràng buộc biện chứng, tác động tương hỗ rất phức tạp. Bộ phận thứ nhất chủ yếu gắn với các chức năng chính trị, bộ phận thứ hai đảm nhiệm các chức năng hành chính. Hai cực ấy của nhà nước cộng sản thâm nhập vào nhau tới mức, trong thực tế không còn tách ra được. Dẫu sao, chúng vẫn không đồng nhất với nhau.
Tuy nhiên, tính hai mặt ấy cũng là đặc điểm của mọi nền dân chủ hiện đại. Xã hội công dân và nhà nước chính trị là hai mặt của một tấm huân chương, hai biểu hiện của một quyền lực tư sản duy nhất. Xã hội công dân trong nền dân chủ hiện đại cũng là một kiểu của “nhà nước bên trong”, là cỗ máy tổ chức của ý chí chính trị được hiện thực hoá bởi quyền lực nhà nước. Xã hội công dân và nhà nước chính trị trong mọi hệ thống dân chủ bao giờ cũng gắn chặt với nhau, nhưng không bao giờ hoà tan vào nhau.
Theo bản chất chính trị, Đảng Cộng sản Liên Xô là hình thức thăng hoa của xã hội công dân trong một đất nước có nền kinh tế độc quyền theo kiểu quốc gia - tư bản. Và nếu ở nền dân chủ phương Tây, lực lượng tự phát phù hợp với thị trường tự do, thì ở nước Nga xô viết, cơ chế độc quyền của nhà nước trong kinh tế đòi hỏi phải phân chia các quan hệ trong nội bộ xã hội công dân thành các đẳng cấp.
Trog nhiều năm liền, Đảng Cộng sản Liên Xô rất thành công trong sứ mệnh của “người chỉ huy ý chí chính trị của giai cấp thống trị”. Theo thời gian, toàn bộ thành phần ưu tú của xã hội xô viết có chút ý nghĩa nào đó đều được cuốn hút vào mạng lưới của nó (điều này được thể hiện trong việc thừa nhận nhà nước xô viết là nhà nước “toàn dân”). Sự cân bằng cần thiết giữa các thành phần ưu tú được duy trì thông qua cơ chế phân bổ cán bộ hết sức phức tạp. Dưới sự nhất trí có tính khoa trương bề ngoài nhiều khi do sự đòi hỏi của công cuộc “thi đua xã hội chủ nghĩa với chủ nghĩa tư bản”, đời sống nội bộ của đảng là quá trình thoả thuận triền miên “trong màn trướng” giữa các lợi ích xã hội và các nhóm lợi ích khác nhau. Dưới thời Stalin, hầu như điều này không được thể hiện rõ, nhưng cách thức đảm bảo sự kế thừa quyền lực sau cái chết của ông chứng tỏ, những quyết định cuối cùng bao giờ cũng là kết quả thoả thuận giữa các phe cánh chính trị cụ thể. Đảng cộng sản Liên Xô đã liên kết các nhóm lợi ích thành tấm hợp kim của những quyết định chính trị và với ý nghĩa như thế, nó hoàn toàn có thể được xem là lực lượng lãnh đạo và điều hành hệ thống chính trị xô viết.
Nhưng sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản nhà nước kéo thượng tầng chính trị của nó sụp đổ theo. Những cỗ máy có chức năng tiếp nhận đều đặn và hiệu quả các quyết định chính trị ngày càng hay loạn nhịp. Lợi ích của bộ máy “quan liêu đảng” được đặt cao hơn lợi ích của tất cả các bộ phận còn lại. Hai quá trình gắn kết với nhau bắt đầu phát triển nhanh chóng: bộ máy quan liêu đảng tiến tới chỗ “tách rời” với các thành phần ưu tú khác, mối liên hệ giữa chúng không còn nữa, đồng thời, các bộ phận còn lại bắt đầu đồng nhất Đảng Cộng sản Liên Xô với bộ máy quan liêu đảng. Chức năng xã hội của Đảng Cộng sản liên Xô, vốn không hề trong suốt, trở nên vẩn đục hoàn toàn, và điều đó tất yếu dẫn tới sự khủng hoản của toàn bộ hệ thống nhà nước.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trong bộ máy đảng và xô viết xuất hiện hai “cơ chế phòng vệ”, sau khi có cú huých thúc đẩy hình thành nhóm đối lập trong nội bộ. Dựa vào thoả thuận mới giữa những bộ phận ưu tú cơ bản của của xã hội xô viết, nhóm đối lập nội bộ này bắt đầu dần dần chuẩn bị (cuối những năm 1960), sau đó bắt đầu tiến hành (từ giữa những năm 1980) các cuộc cải cách. Trung tâm của những cuộc cải tổ như thế dĩ nhiên phải là cải tổ Đảng Cộng sản Liên Xô, điểm tựa của toàn bộ hệ thống nhà nước xô viết. Nếu trong kinh tế, nhiệm vụ chính là phi độc quyền hoá, thì trong chính trị, nhiệm vụ chính là phi tập quyền hoá “đảng”. Đã đến lúc phải làm tan băng của món “nước hoa quả giải khát xã hội” và buộc các thành phần ưu tú được liên kết trong Đảng Cộng sản Liên Xô phải chuyển động. Trong trường hợp này, xã hội công dân dưới dạng thăng hoa có thể dần dần chuyển thành một cái gì đó năng động, cởi mở, có khả năng lấp đầy các hình thức nhà nước mới.
Rất tiếc, do hàng loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan, các quá trình chính trị bắt đầu phát triển theo một kịch bản khác. Bắt đầu xẩy ra những trục trặc, thiếu đồng bộ đầy bị kịch ở những thay đổi trong “đảng” và trong “nhà nước”. Sự chốnh đối của bộ máy quan liêu đảng tỏ ra mạnh hơn, còn quyết tâm cải cách lại yếu hơn so với yêu cầu của hoàn cảnh. Việc cải cách đảng bắt đầu chậm lại. Lãnh đạo bổ sung của Đảng Cộng sản Liên Xô, dưới áp lực của các thành phần ưu tú khác, đã đẩy nhanh nhịp độ cải cách ở các lĩnh vực tỏ ra có ít sự chống đối nhất. Đã bắt đầu hình thành những đặc trưng bên ngoài của nền dân chủ tư sản: bầu cử tương đối tự do, cơ quan đại diện quyền lực mới, toà án hiến định... Rốt cuộc là sự mất cân đối trong hệ thống chính trị ngày càng tăng thêm.
Vào thời điểm chính trị cực kì căng thẳng ấy, sự nhầm lẫn phổ biến về bản chất đích thực của Đảng Cộng sản Liên Xô và vai trò của nó trong hệ thống chính trị của đất nước là chuyện thê thảm nhất. Theo lô gíc “xây dựng dân chủ”, tầng lớp ưu tú đang cầm quyền sớm hay muộn cần phải đụng tới vấn đề “xã hội công dân” như một yếu tố then chốt, “tiềm ẩn” của mọi nền dân chủ hiện đại, của “mặt sau” nhà nước chính trị phương Tây. Điều này được khẳng định qua cuộc “toạ đàm” đã tổ chức vào năm 1987 và sự xuất hiện trên tạp chí “Những vấn đề triết học” bài viết của A. Magranhijan[2], một bài viết ghi nhận tâm trạng bao trùm các giới cải cách[3].
Nhận ra sự thiếu hụt của xã hội công dân, các nhà cải cách quan tâm tới vấn đề tạo dựng xã hội ấy. Sự phi lí của bản thân ý tưởng xây dựng một xã hội công dân bộc lộ rõ tới mức chẳng cần gì phải chứng minh (với đà thắng lợi như vậy, người ta còn định sau này sẽ xây dựng chủ nghĩa tư bản, hệ tư tưởng, tư tưởng dân tộc), nhưng cần dừng lại để phân tích hơn kĩ hơn luận điểm về sự thiếu vắng ở Nga một xã hội như thế. Trình độ phát triển kĩ nghệ thể hiện thực trạng của Liên Xô ở buổi hoàn hôn lịch sử của nó sẽ không thể đạt được và không thể duy trì nếu thiếu giới tinh hoa có trình độ cao (giới kĩ sư, cán bộ khoa học, nghệ thuật, chính trị, quân sự…). Sự phức tạp của việc tổ chức đời sống kinh tế, xã hội và chính trị đòi hỏi trình độ tự nhận thức rất cao của giới tinh hoa ấy, và nếu lợi ích của họ không thống nhất dưới hình thức này hay hình thức khác, thì không một nhà nước “toàn trị” nào có thể cứu xã hội thoát khỏi sự suy vong và sụp đổ. Điều đó chứng tỏ, hiển nhiên là xã hội công dân từng tồn tại ở Liên Xô. Có điều, xã hội ấy trốn ở đâu, nó được biểu hiện dưới hình thức nào, đó lại là chuyện khác.
Làm mất giá của Đảng Cộng sản Liên Xô như là “chướng ngại cơ bản cản trở cải cách”, không hiểu bản chất đích thực và ý nghĩa của cơ chế chính trị phức tạp này, ý kiến xã hội thời ấy chẳng những không “mở” được cho mình đề tài về “xã hội công dân”, mà còn “khép” nó lại trong một thời gian rất dài. Vì Đảng Cộng sản Liên Xô là hình thức thăng hoa của xã hội công dân mà tầm quan trọng của nó với thể chế dân chủ vẫn còn được gác lại trong các cuộc tranh luận vào những năm 1980-1990, nên chỉ có thể xây dựng thể chế dân chủ trên nền móng của nó. Ngoại trừ phong trào li khai mà lúc ấy cũng như sau này chẳng có chút ảnh hưởng trực tiếp nào tới tiến trình chính trị - xã hội trong nước, mọi sức mạnh năng đông, có sinh khí của xã hội đều trực tiếp hay gián tiếp gắn kết với Đảng Cộng sản Liên Xô, hoặc có liên hệ với nó. Tất cả những gì vận động, suy nghĩ, có tham vọng, đều hiện thực hoá bản thân bên trong hoặc bên cạnh cỗ máy toàn cầu ấy. Tồn tại ngoài nó, chủ yếu là những thành phần bên lề xã hội. Bằng chứng gián tiếp nói lên sự đúng đắn của luận điểm này là thực tế đa số vốn liếng của nền kinh tế thị trường và thủ lĩnh chính trị của nước Nga hiện đại (Từ Khodorovski đến Putin, từ Ziuganov đến Rogazin) đều thuần tuý là cán bộ đảng.
Những tham vọng và những lợi ích như thế bện kết với nhau tạo thành nội dung chính trị của cơ chế từng vận hành ở nước Nga xô viết dưới nhãn hiệu “Đảng Cộng sản Liên Xô”. Cho nên, năm 1991, khi giới tinh hoa Nga từng quan tâm xây dựng xã hội công dân thực hiện “giải tán đảng” triệt để theo toa thuốc châu Âu, giáng xuống Đảng Cộng sản Liên Xô một đòn chí mạng, họ đã đẩy cái ghế ra khỏi chân và treo mình lửng lơ trên sợi dây của những ảo tưởng chính trị riêng.
                                                                                Lã Nguyên dịch
                                                                                                                             Nguồn: Tạp chí “Polis”, số 6/2005. (http://www.politstudies.ru/fulltext/2005/6/5.htm).
 

[1] Pastukhov Vladimir Borisovich (sinh: 22.4.1963): Phó tiến sĩ Luật học (1988), Tiến sĩ Chính trị học (1996), hiện là Viện Trưởng khoa học Viện Công pháp và Chính sách công, Liên Bang Nga (IP&PP).
 
[2] Magranhijan A.M. 1987.Các quan hệ tương hỗ giữa cá nhân, xã hội và nhà nước trong lí luận chính trị của chủ nghĩa Marx và vấn đề dân chủ hoá xã hội xã hội chủ nghĩa.- “Vấn đề triết học”, Số 8
[3] Bài của Migranhijan thể hiện hai sai lầm cơ bản của trí thức Nga về xã hội dân sự. Thứ nhất, xã hội dân sự được hiểu như một cái gì đó nằm ngoài mối quan hệ với nhà nước. Đã xuất hiện một ảo tưởng (được giữ cho đến tận bây giờ) cho rằng, có một xã hội công dân nào đấy tồn tại bên ngoài nhà nước, xã hội này có quan hệ với nhà nước ấy theo một cách nào đấy. Thứ hai, người ta nhất loạt nói về xã hội công dân ở Nga như một cái gì đó cực kì trừu tượng, tồn tại bên ngoài thời gian và không gian.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441085

Hôm nay

285

Hôm qua

2287

Tuần này

2989

Tháng này

216259

Tháng qua

112676

Tất cả

114441085