Diễn đàn

Muốn chống dịch Covid-19, trước hết phải chống được virus vô ý thức trong mỗi con người

Từ nửa đêm 06/3 tới giờ, cộng đồng mạng dường như không ngủ; Hà Nội cũng thức trước thông tin gây sốc. Cô gái N.H.N vừa trở về từ châu Âu, tạm trú tại 125 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình bị phát hiện nhiễm virus Corona.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian từ 15/02 đến 01/3, bệnh nhân này đã từng đi lại qua 3 nước là Anh, Pháp, Italia (vùng Lombardy).

Tại Paris, bệnh nhân đã gặp chị gái, người này được xác định là đã nhiễm Covid-19.

Ngày 29/02, bệnh nhân N. có biểu hiện ho nhưng không đi khám, đến ngày 01/3, bệnh nhân xuất hiện thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Trong ngày 01/3, bệnh nhân đáp chuyến bay có số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines về nước. Chuyến bay mang số hiệu VN0054 có tổng cộng 197 hành khách và phi hành đoàn.

Sau khi trở về nước, bệnh nhân không khai báo với cơ quan chức năng mà tự cách ly tại nhà, tiếp tục xuất hiện sốt, ho, đau mỏi người. Đến 05/3, do sốt cao (39 độ) bệnh nhân được người nhà đưa vào BV Bệnh nhiệt đới TƯ (cơ sở Kim Chung) khám, kết quả sơ bộ ban đầu dương tính với Covid-19.

Hành vi của N.H.N vi phạm nghiêm trọng Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (2007).

Khoản 3, Điều 8: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

Khoản 1, Điều 8: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Khoản 2, Điều 8: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

N.H.N đến vùng dịch, bị sốt, ho trước khi về nước. Về nước tiếp tục sốt, ho, nhức mỏi cơ thể nhưng không lập tức khai báo để cách ly ngay khiến mầm bệnh lây lan qua tiếp xúc với nhiều người trong gia đình, cơ quan, bệnh viện.

Có một chi tiết dư luận nêu nghi vấn. Tại sao N.H.N lọt qua được kiểm soát nhập cảnh ở sân bay Nội Bài? Cần minh bạch trách nhiệm tổ kiểm soát, chất lượng máy đo thân nhiệt. Đã coi chống dịch như chống giặc thì không được bỏ qua bất cứ sự dễ dãi nào vì hậu quả là không lường hết được.

Hiện tại N. đang được cách ly nghiêm ngặt tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Người nhà, nhân viên y tế bệnh viện Hồng Ngọc - nơi bệnh nhân đến khám đầu tiên - đã tiếp xúc với N và cả phố Trúc Bạch đang được cách ly, khử trùng. Những người đi cùng chuyến bay với N và 5 hành khách cùng ngồi ghế N đã ngồi trên các chuyến bay tiếp theo đang được khẩn trương tìm kiếm.

Theo thông tin mới nhất trên các báo, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đã xác định được danh tính hơn 60 người đi cùng chuyến bay với N.H.N và đang tiến hành cách ly. Cả hệ thống chính trị cùng với ngành y đang nỗ lực, khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi công bố ca nhiễm virus corona của N.H.N, Hà Nội đã có thêm 3 trường hợp lây nhiễm nữa là lái xe riêng, bác ruột của bệnh nhân N và một hành khách đi cùng. Tất cả chỉ mới bắt đầu.

Vậy là chỉ vì sự vô ý thức của một con người mà cả xã hội mất ăn, mất ngủ.

Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang đứng trước thử thách mới. Tuy nhiên, với tinh thần chống dịch như chống giặc, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự nỗ lực hết sức của các địa phương, ban ngành chúng ta tin sẽ vượt qua thử thách này như những gì chúng ta đã làm được trong gần hai tháng qua.

Từ vụ giấu bệnh của cô gái N.H.N và trốn cách ly của một vài trường hợp khác diễn ra thời gian qua, mỗi người tự rút ra bài học sâu sắc cho bản thân và cộng đồng. Chống dịch chỉ thành công khi mọi người chung sức đồng lòng bằng niềm tin và thái độ bình tĩnh trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Bài học thực tế cho thấy, dịch bệnh chỉ được ngăn ngừa một khi chúng ta kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm. 16 trường hợp nhiễm virus của Việt Nam được phát hiện kịp thời, cách ly và điều trị thành công đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, để kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đó là sự tự giác khai báo khi di chuyển từ vùng dịch trở về, tự giác chấp hành cách ly tại cơ sở cách ly của nhà nước.

Cùng với đó là ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên ở các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nguồn lây nhiễm như sân bay, bến xe hay địa phương có người từ vùng dịch trở về. Những vụ khai gian, trốn kiểm soát, trốn cách ly được phát hiện (do cá nhân “tự thú” trên mạng xã hội) cho thấy việc kiểm soát, nhất là đường hàng không, có lúc có nơi còn lỏng lẻo.

Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác là trợ thủ đắc lực cho thói quen vô ý thức của cá nhân (người từ vùng dịch về) trỗi dậy. Hậu quả là xã hội sẽ lãnh đủ như trường hợp của N.H.N.

Vô ý thức, thiếu trách nhiệm và ích kỷ trong lối sống - đó là thứ virus nguy hiểm hơn bất cứ loại virus nào.

Tác hại mà nó gây ra cho cộng đồng, cho đất nước là khôn lường và giữa cơn bão dịch corona này, nó khiến cho mọi nỗ lực, công sức của cả nước bỏ ra để phòng chống dịch bệnh đang rất thành công, phút chốc trở thành công cốc chỉ vì sự vô cảm, vô thức của một vài cá nhân.

 

Nguyễn Duy Xuân

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434611

Hôm nay

2231

Hôm qua

2310

Tuần này

21261

Tháng này

211659

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434611