Diễn đàn

Bàn về "Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam"

 

Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam. Đó là tên cuốn sách của tập thể tác giả do nhóm đồng chủ biên là Hồ Duy Diệm, Hồ Minh Châu, Hồ Bá Thâm, Hồ Minh Hiệu, Hồ Cảnh Sơn, được NXB Đại học quốc gia Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019, với 300 trang. Sách có phần chính, một là 5 chuyên đề, phần phụ lục và  mở đầu do Nhóm nghiên cứu sử phả họ Hồ VN đại diện ba miền Bắc, Trung, Nam tiến hành. Hai là: 10 bài viết của các nhà khoa học trong ngoài họ Hồ từ một số viện, trường đại học. Lời giới thiệu sác do PGS,TS Trần Thị Thái Hà, một nhà nghiên cứu lịch sử Trung đại VN viết. PGS,TS. Hồ Sơn Đài rà soát nội dung. Sách được Nhóm nghiên cứu chuẩn bị qua khảo sát thực tế 4 đợt tại một số vùng họ Hồ lâu đời ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… và nghiên cứu tài liệu từ nhiều nguồn, biên soạn trong khoảng từ tháng 4/2019 đến tháng 9.2019.

Do gấp gáp, xuất bản cho kịp phục vụ đại hội lần thứ V Họ Hồ Việt Nam 23- 24/11/2019 nên chưa kịp viết bài nói rõ “Một hướng tiếp cận” ở đây là như thế nào một cách tường minh! Tuy nhiên, trong phần nghiên cứu của nhóm đã thể hiện hướng tiếp cận đó là như thế nào qua các nội dung cụ thể.

Trong bài viết này chúng tôi muốn làm rõ điều đó và cũng là thêm một cách góp phần giới thiệu nội dung chính của cuốn sách về mặt phương pháp tiếp cận để bạn đọc hiểu cái thần của nó.

1. Nội dung, đặc điểm của một hướng, cách tiếp cận

Cách tiếp cận thứ nhất là, chúng tôi không chỉ căn cứ vào tài liệu “quốc sử” (một số ghi chép thành sách dù là ít ỏi và mâu thuẫn) mà còn rất chú ý vào tài liệu điều tra thực tế có tính chất dân sử (dấu tích bia, mộ, miếu, đền, gia phả).

Trong khi đó đa phần những người viết sử họ Hồ từ trước đến nay chỉ căn cứ vào tài liệu quốc sử thời xưa hay một vài gia phả gọi là “gốc". Thực tế, quốc sử ở đây chỉ có Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), nhưng ngay cuốn này khi đánh giá về vua Hồ Quý Ly cũng còn phiến diện… Còn một số cuốn gia phả hay ghi chép của cả TS. Hồ Sỹ Dương thì cũng không phải là bản gốc theo loại giấy thời đó mà là bản sao sau này. Không ít tài liệu tam sao thất bản, thậm chí đời sau chú thêm vào không chính xác[1]. Ngay gia phả ở Quỳnh Đôi hay Thọ Thành cũng có sự lệch nhau rất nhiều, nhất là về thế thứ, năm sinh một số nhân vật lịch sử chủ chốt. Như có gia phả ghi Hồ Hồng là anh, Hồ Cao là em, hoặc ngược lại Hồ Cao (Sào) là anh. Gia phả họ Hồ Nhân Ấp tỉnh Thái Bình (thôn Thuận An, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư) lại ghi Hồ Cao sinh Hồ Hồng.

Về năm sinh, ngoài trường hợp ông Hồ Tông Thốc (văn bia, tài liệu sử còn ghi là chính xác) ,các trường hợp Hồ Kha, Hồ Hồng, Hồ Cao hầu như không có hoặc ít có tài liệu sử ghi, trong khi tài liệu gia phả ghi rất lộn xộn, ngược nhau, nên có tình trạng ông nội còn kém cháu nội 2 tuổi, con nhiều hơn cha 30 tuổi. Nếu gia phả họ Hồ ở Quỳnh Đôi đúng (Hồ Kha sinh năm 1326, hay 1325) thì có lẽ nào có hai ông Hồ Kha hay hai ông Hồ Cao và Hồ Tông Thốc là đời 13 như Hồ Kha chứ không phải đời 15?  

Còn tài liệu sử cứ ghi cụ tổ Hồ Hưng Dật về làm trại chủ ở Bào Đột và coi Bào Đột chỉ là Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn ngày nay, nên từ đó có người Viết sử họ Hồ ngày nay, tiêu biểu là ý kiến của Thường trực Ban liên lạc họ Hồ khóa IV, coi Bào Đột (Quỳnh Sơn) là “linh địa duy nhất” của họ Hồ Việt Nam mà không biết Bào Đột xưa, tức là Hương Bào Đột, là liên xã, dưới cấp huyện, gồm cả một số xã lân cận ngày nay ở Yên Thành thậm chí gần như là cả vùng Ngũ Bàu (Yên Thành) chẳng hạn… điều mà khi nghiên cứu viết cuốn sách chúng tôi mới phát hiện ra…Ngay cả Gia phả thập lục, Gia phả họ Hồ do (Hồ Sĩ Thực- Quỳnh Đôi viết) cũng ghi là cụ Hồ Hưng Dật đưa “gia quyến về cư ngụ Hương Bào Đột” (xã Bào Giang sau nay?)[2] thì chứng tỏ gia đình cụ trước đó là ở Lăng Thành, tức Quỳ Lăng xưa mà nơi này lại còn nhiều dấu tích thời Hồ Hưng Dật.

Do vậy, nói chung, chúng tôi phải lật lại, đối chứng và nghiên cứu kết hợp với dân sử chứ không chỉ chép từ quốc sử mà không soi xét…

Hai là, hướng tiếp cận không chỉ ngồi nghiên cứu tài liệu xưa mà điều tra thực tế, điền dã, khảo sát một số vùng họ Hồ lâu năm.

Khi về vùng Lăng Thành chúng tôi thấy có nhiều dấu tích của thời cụ Tổ Hồ Hưng Dật và các đời tiếp sau bởi có nhiều đền thờ cụ Tổ, mồ mả tiền nhân và họ Hồ ở đây rất lâu đời. Trong khi đó ở Quỳnh Lâm hay Ngọc Sơn hầu như mờ nhạt hay không có dấu tích gì đáng kể; và dòng tộc họ Hồ hiện tại ở đây hầu như mới từ nơi khác đến. Đây làmột chỉ dấu cực kỳ quan trọng về mặt lịch sử. Và nhất là khi tìm hiểu 10 (có tài liệu ghi 11) đời thất phả, thì các tài liệu xưa không để lại gì đáng kể, chúng tôi đã phải đi tìm hiểu các chi họ, nhà thờ, đền miếu ở Quảng Bình, Hà Tĩnh… và đã phát hiện ra nhiều điều thú vị… Cùng với khai thác tài liệu thời nhà Đinh, tìm hiểu, so sánh niên đại,dần dần 10 đời thất phả hé lộ…Đó là điều mà xưa nay khi viết về họ Hồ Việt Nam chưa bao giờ chỉ ra, mới dừng ở vài nhân vật được nghi vấn nêu trên.

Hướng tiếp cận thứ ba là không chỉ dựa vào thông tin, tư liệu thời xưa mà còn dựa vào thông tin tư liệu ngày nay.

Khi nghiên cứu các tồn nghi, chúng tôi cố gắng giải mã nó. Bằng cách nào? Khi nghiên cứu thêm về thời Quang Trung - Nguyễn Huệ - Hồ Thơm,  tìm hiểu từ tạp chí Xưa và Nay, chúng tôi đã xác định được ông nội thật sự của Tây Sơn Tam Kiệt là ai (từ trước đến giờ còn có hiểu lầm sai sót, ngộ nhậnvề nhân vật này). Hoặc, chúng tôi tìm hiểu thực tế phát hiện ra nhiều dấu tích về gốc Tổ họ hồ VN ở Lăng Thành, Mã Thành, gia phả, tài liệu ở Hồ đại tộc Thọ Thành, rồi nhà thờ họ Hồ (Thanh Đà có trước nhà thờ Tam Công hoặc nhà thờ Tam Công tách ra từ nhà thờ Thanh Đà?). Từ nghiên cứu ngày nay chúng tôi đã phát hiện ra những sai sót trong các tài liệu xưa hay tài liệu đã công bố trên Wikipedia tiếng Việt, hoặc trong cuốn sách, tài liệu sử họ Hồ Việt Nam về Hồ Hưng Dật; hay trường hợp cụ Hồ Hồng [cũng xảy ra tình trạng nhập nhằng ba người (Hồ Cương, Hồ Đức Cưỡng, Hồ Hồng) nhập một: Hồ Hồng - Tổ nhánh họ Hồ Quỳnh Đôi] và mộ phần Hồ Hồng thực sự ở đâu, tránh nhận thức sai và ngộ nhận.

Hướng tiếp cận thứ tư là dựa vào tư liệu chắc chắn nhất để soi xét lại các tài liệu ghi chép khác nhau có dấu hiệu không chính xác.

Thực tế có nhiều tài liệu vênh nhau không biết tin cái nào? Chẳng hạn chúng tôi dựa vào năm sinh, năm ghi chép một số hoạt động trong sự nghiệp của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, nhân vật rất nổi tiếng được quốc sử ghi lại, cũng như gia phả và văn bia (1366 ở Bắc Ninh, 1383 ở Ninh Bình, 1385 ở Thái Bình)[3] để đối chiếu với năm sinh ông nội Hồ Kha, cha chú anh em Hồ Cao, Hồ Hồng… liên quan như thế nào.

Năm là, hướng tiếp cận khi các sự kiện tư liệu có khác nhau chưa khẳng định được dứt khoát thì nêu nhiều giả thuyết để rộng đường suy nghĩ, chứ không chỉ nêu một giả thuyết khẳng định như đinh đóng cột còn các tư liệu khác trái với “chính thống”(?) thì không công khai.

 Chỉ có những căn cứ chắc chắn thì chúng tôi mới khẳng định (như gốc tổ họ Hồ Việt Nam là ở Lăng Thành, Mã Thành, Thọ Thành hiện nay chẳng hạn). Hoặc Bào Đột chắc chắn không chỉ bó hẹp, thậm chí không hẳn là ở Quỳnh Lâm hay Ngọc Sơn nay. Hoặc không phải cụ Hồ Hưng Dật sang Việt Nam từ thời sau Ngô Quyền lên ngôi (939), tức năm 950 mà là trước khi Ngô Quyền lên ngôi, khoảng năm 923-936. Nếu không sẽ không thể giải thích được rằng, năm 968 đã có con Hồ Minh và cháu nội Hồ Thông là một tướng tài có công lớn của nhà Đinh, được nhà Đinh phong Thánh và cụ Hồ Hưng Dật là bạn đồng liêu với Đinh Công Trứ cha của Đinh Bộ Lĩnh mà Đinh Công Trứ đã mất năm 940[4], sao lại lại bảo Hồ Hưng Dật Việt Nam thời Dương Tam Kha.

Chúng tôi sẽ minh họa thêm một số sự kiện và nhân vật mà ngay trong cuốn sách này chúng tôi tạm “chấp nhận” (tôn trọng) ý kiến còn khác nhau (nhất là với một số nhà khoa học khác) khi in sách chung (như cho rằng thời điểm cụ Hồ Hưng Dật sang Việt Nam gần kế lúc loạn 12 sứ quân, hay Hương Bào Đột chỉ là ở Quỳnh Lưu nay… như một số sách báo vẫn viết); chúng tôi cũng nêu rõ chính kiến trong nghiên cứu của mình, tuy rằng, ngay trong nhóm nghiên cứu cũng còn sự khác nhau mức độ ở một số tiểu tiết sự kiện năm tháng cụ thể cụ Hồ Hưng Dật sang VN hay chức tước của cụ hồi đó (VD: Thứ sử mới đúng còn thái thú là gọi theo thói quen[5]).

Sáu là, phương pháp tiếp cận tiếp theo là tôn trọng sự thật và khi còn có ý kiến khác nhau khó điều hòa thì lấy lợi ích dòng họ Hồ VN là cao nhất, là trên hết để tạo đồng thuận, như ý kiến của TS Hồ Bất Khuất (Xem “Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam,” tr. 211). Phải khách quan, bao dung và chọn phương án mà đa số chấp nhận được, nhưng phải giải thích được tồn nghi lịch sử, không mâu thuẫn lôgic các sự kiện.

Dẫu vậy cũng cần thấy những khó khăn về mặt nhận thức và tâm lý (lợi ích tinh thần, định kiến, thói quen) nữa chứ không phải do tư liệu thiếu hay không nhất quán.

2- Thực tế ngày càng rõ

 Chúng tôi hy vọng rằng, khi trao đổi, thảo luận, tranh luận hay phản biện thì nên đi vào từng sự kiện, nội dung cụ thể mà cuốn sách, hay các phả sử đã nêu ra xem đúng sai thế nào để thuyết phục chứ không nên nói chung về thái độ này khác, hoặc mang tính phủ nhận sạch trơn (không có tính khoa học) thì không giải quyết được vấn đề.Có như thế mới đưa bóng tối ra ánh sáng…

Chẳng hạn, Hồ Sắc tâm sự: Trong thế kỷ 20 khi chưa có điều liện tìm về cội nguồn dòng tộc thì hầu như coi Quỳnh Đôi là gốc tổ họ Hồ VN. Nhưng sang thế kỷ 21 thì ta biết thêm rằng ngày tế Tổ ở Thọ Thành hàng năm vào ngày 9-10/ tháng Giêng âm lịch, còn 10 -11/ tháng Giêng là ở Bào Đột, 11- 12/ tháng Giêng là ở Quỳnh Đôi từ hàng trăm năm nay (chỉ trừ ở Bào Đột là mới)!

Thế nhưng vẫn còn có quan niệm khi viết sử họ Hồ Việt Nam cho rằng, “lấy chính sử quốc gia làm trục chính, mọi tư liệu, tài liệu do các bên nêu ra, phải phù hợp với chính sử và có lợi cho khối đại đoàn kết họ Hồ thì được sử dụng”.

Nhưng như chúng ta đã biết chính sử nào khi viết lịch sử họ Hồ Việt Nam mà sử liệu rất thiếu và rất vênh nhau? Phải chăng “quốc sử” đó là Hồ tông thế phả, Hồ gia hợp tộc phả ký và Hồ gia thế phả?[6] những tài liệu mà thực tế đã được sử dụng để viết nên sách Họ Hồ Việt Nam, cội nguồn và phát triển (2018) với những dư luận băn khoăn và cả sự không đồng tình của giới nghiên cứu sử họ tộc? Chúng ta biết rằng không ít những phát hiện khảo cổ và sử liệu dẫn đến phải viết lại lịch sử hay sao? Trên thế giới và ở Việt Nam ta đã có tình trạng này .

Phải chăng khi “quốc sử” có điều sai, hay không chuẩn xác (do thiếu thông tin và quan điểm nhìn nhận không đúng), kể cả gia phả (cũng lệch pha nhau) cũng phải chấp nhận? Có phi lý không? Chân lý khách quan ở đâu? Chấp nhận không có phản biện liệu có khoa học không? Quan niệm nhân danh “chính thống” và nhân danh tập trung nhưng là kiểu độc đoán như vậy liệu có tiếp cận được chân lý vàsự thật lịch sử hay không?

Liệu không có phản biện và đấu tranh mà có được sự đoàn kết, đồng thuận thật sự hay không? Sao lại nhấn mạnh một chiều đoàn kết (hình thức) mà phủ nhận, thủ tiêu phản biện và đấu tranh? Tại sao lại nói cứ chấp nhận hiện trạng sử phả hệ họ Hồ như thế, không bàn nữa hay không lật lại, “xáo xào lại”, khi biết rằng thực tế không ít bất hợp lý, lệch pha và sai sót? 

Phải chăng quá tin vào các sử gia xưa với những tài liệu xưa ấy? Thực tế sách quốc sử Đại việt sử ký toàn thư cũng có điều sai sót và chưa chính xác ngay cả khi đánh giá Triệu Đà (kẻ xâm lược khéo mị dân) là vua của chính sử nước Việt Nam ta[7]. Mà không chú ý rằng, SỰ THẬT LỊCH SỬ, chứng cứ lịch sử mới là nền tảng và làm nên cốt lõi của sử học kể cả sự họ tộc. Cho nên lịch sử phải viết đi viết lại nhiều lần khi có phát hiện mới là thế.

Nếu không so sánh các sự kiện để tìm ra lôgic của lịch sử liệu có dẫn đến việc tin “quốc sử” một cách hời hợt, cực đoan tuyệt đối và mù quáng hay không? Nếu lỡ khác sai mà nay phát hiện ra chưa chuẩn xác cũng không sửa hay sao? Sự đồng tình dựa vào cái gì? Đa số nhưng là đa số nào? Đoàn kết một chiều, chấp nhận chuyện đã rồi, hay đoàn kết có phản biện với tinh thần xây dựng, dân chủ, minh bạch và bằng tư duy đổi mới. Phải thật sự đổi mới nhận thức, tư duy về viết sử họ tộc, khắc phục nhận thức phiến diện, thiên kiến, lạc hậu.

Tại sao lại bỏ qua điền dã, khảo sát thực tế di sản, di chỉ như đền, nhà thờ, gia phả, dấu tích vật thể và phi vật thể, truyền khẩu còn hiện hữu... để đối chiếu, so sánh toàn diện và từ thực tế lịch sử, tìm ra lô gích làm tiêu chuẩn chân lý! Tại sao chỉ coi “quốc sử”, lời sử gia xưa là chân lý tuyệt đối và gạt đi các tư liệu khác, những thông tin mới phát hiện hiện nay. Tại sao khi một số nhà nghiên cứu sử họ tộc tâm huyết bỏ công sức  tiền bạc đi tìm kiếm sử liệu trong thực tế đâu đó còn bị khuất lấp đưa ra ánh sáng mà có người không vui mừng mà lại dè bỉu, quay lưng? Không thể không đấu tranh với những cách nghĩ cách làm thiếu tinh thần xây dựng như vậy.

Hiện nay có hai xu hướng viết sử họ Hồ. Ban sử Họ thì chỉ dựa vào những sử sách cũ rồi sao chép. Cuối cùng viết nguồn gốc Tổ họ mà chưa tìm đúng gốc, lạc gốc và mất cả 10-11 đời thất truyền, không chỉ ra được từ gốc Tổ ra đi các nơi như thế nào. 

Còn Nhóm nghiên cứu lịch sử họ Hồ thì suy nghĩ tìm cách tiếp cận khác, phương pháp khác. Đi tìm tung tích gốc họ từ cái mả, cái bia, cái đền, cái miếu, cái gia phả... Lấy gia phả sử sách kiểm chứng lại, tìm ra mộ cháu chắc nội Thủy tổ Hồ Hưng Dật từ tướng công nhà Đinh như Hồ Thông, nhà Lý từ mộ Công chúa Lý Kiều Oanh, tìm ra Phò mã Hồ Đức Cưỡng... Rồi từ mộ Hồ Nhất Lang, Hồ Nhị Lang ở Thạch Hà, Hà Tĩnh tìm ra một dòng họ Hồ đã vào đây cuối Lê đầu Lý, cháu trực hệ của Thủy tố Hồ Hưng Dật. Đến nay nhánh Hồ này đã có hàng chục chi phái trong đó có chi Hồ Tiết Tăng gốc Tổ của Hồ Lê Duẩn.

Nhờ hướng tiếp cận lịch sử này mà kết nối được dòng họ một cách thực tế, minh bạch. Cũng nhờ vậy mà chỉ ra gốc Tổ họ Hồ Việt Nam thực sự ở đâu và tìm ra 11 đời thất truyền rồi chỉ ra nhiều cái sai sót của sử cũ.

Thật ra giới sử học Việt Nam ngày nay đã hành xử đúng hơn và hiệu quả hơn ngày xưa khi điều kiện nghiên cứu thuận lợi hơn.

Họ cho rằng, trong công tác nghiên cứu lịch sử, từ lâu đã nhận thấy có hai cách hành xử. Một số người chỉ tìm trong vốn cổ, chỉ tìm những dẫn chứng, những tiền lệ có tác dụng chứng minh rằng những việc họ đã, đang và sẽ làm của mình là đúng, thậm chí là duy nhất đúng. Còn một số nhà nghiên cứu khác, thiên về cách làm việc thứ hai như đã nói trên - cố gắng nhìn vào vốn cổ, cố gắng tìm trong vốn cổ càng rộng rãi, sâu sắc càng tốt để có những cứ liệu mà so sánh, phân tích xem liệu những việc mà chúng ta đã làm, đang làm và định làm có đúng hay không. "Thái độ Hamlet" đầy tính tự vấn ở đây - tồn tại hay không tồn tại? - theo nhà sử học, nó có lý hơn thái độ thứ nhất[8].

 

 

 


[1] Chẳng hạn, thường ghi Bào Đột (Quỳnh Lưu). Mà ở Yên Thành cũng có Ngũ Bàu, Ngũ Bào, có Bàu Đót và Bào Đột (sự chuyển âm.... phát âm cho dễ khi trong ngôn ngữ địa phương xứ Nghệ). Phải chăng có sự lầm lẫn vì sự hao hao giống nhau này? Do vậy hương Bào Đột không phải là duy nhất ở Ngọc Sơn - Quỳnh Lưu nay!  

[2] Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam, tr.  217                                             

[3] Xem thêm “Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam”, tr.58

[4] Có sách ghi, Hồ Hưng Dât sang VN khi Ngô Quyền đang ngôi vương (“Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam”, tr 217, theo Nguyễn Hữu Tâm) thì cũng trước năm 944, vì 944 Ngô Quyền mất rồi  Nhưng khi nước độc lập thì không có chuyện nước ngoài cử sang làm thái thú được. Và nếu không cử mà sang thì từ phương Bắc sang cũng không dễ gì Ngô Quyền cho làm quan đầu tỉnh ngay khi nước nhà đã độc lập. Cho thấy sự vô lý của chi tiết ấy của tư liệu này.

[5] Sau nhà Tuy từ nhà Đường trở di không còn xưng danh thái thú nữa.

[6] http://hohovietnam.vn/thong-bao-hoat-dong/thong-bao/2101.html

[7] Xem “Tứ trụ sử học Việt Nam” đề nhất quán quan điểm về Triệu Đà/https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/giao-duc-c-210/tu-tru-su-hoc-viet-nam-dong-nhat-quan-diem-ve-trieu-da-115167.html...; Triệu Đa và cuộc bút chiến giữa hai học giả Phan Khôi và Trần Trọng Kim... xem trên Một Thế giới

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434593

Hôm nay

2213

Hôm qua

2310

Tuần này

21243

Tháng này

211641

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434593