Diễn đàn

Làm du lịch cũng phải cho ra tấm ra miếng!

 Kể từ ngày đổi mới và mở cửa đến nay, Nghệ An ta cũng đã có một cái nhìn thông thoáng hơn, mạnh dạn hơn về nhiều mặt, trong đó có phát triển du lịch – ngành công nghiệp không khói. Để ý một tý, hình như trong các văn kiện hoạch định, xác định về chiến lược phát triển kinh tế xã hội của bất cứ huyện nào, thành/thị nào cũng đề cập và nhấn mạnh đến lĩnh vực này. Thế nhưng, đã hai chục năm rồi nhưng du lịch của chúng ta cũng chưa có gì thật vượt trội một cách thật nhanh lẹ và ngoạn mục ngoài khu du lịch biển Cửa Lò là khả quan và trông thấy rõ ràng nhất.

Tại sao vậy? Có thể tìm ra rất nhiều nguyên nhân, nguyên nhân nào xem ra cũng đúng là “thủ phạm” cả. Nào là nguồn lực vật chất, khả năng đầu tư còn hạn hẹp; Là chưa chuẩn bị đủ nguồn nhân lực có tay nghề, Là cơ sở hạ tầng còn yếu kém…Tất cả đều đúng. Chỉ có điều có một nguyên nhân theo thiển nghĩ của chúng tôi là rất quan trọng, nó nằm ngay trong tư duy về du lịch của những người, những cơ quan hoạch định chiến lược phát triển du lịch ở mỗi cấp. Đó là cách làm ăn nhỏ lẻ, tự phát, manh mún. Chỗ nào cũng được “rộng lượng” xác định là tài nguyên, là tiềm năng du lịch và có chủ trương tiến hành khai thác. Vậy là có rất nhiều nơi được xác định là điểm du lịch, từ biển đến rừng, từ miền xuôi đến miền ngược, để lập các dự án... Chẳng có gì, có có ai là sai cả. Có điều chỉ có một vài nơi là đúng thôi. Đúng vì nó là thực tế, nó phù hợp với điều kiện cụ thể để có khả năng khai thác có hiệu quả, còn lại rất nhiều nơi, trong nhiều trường hợp được đưa ra như là để cho đẹp, để khỏi thiếu du lịch trong bức tranh toàn cảnh chiến lược kinh tế - xã hội của các địa phương. Hãy bắt đầu từ “biển bạc”. Tỉnh ta chỉ có hơn 80 km bờ biển của/ở 4 huyện và thị xã thế nhưng trong quy hoạch hầu như huyện nào, thậm chí hầu hết các xã có bờ biển cũng xác định mục tiêu khai thác du lịch biển. Thử hỏi nếu dàn trải như vậy thì lấy đâu ra tiền mà đầu tư, và lấy đâu ra khách mà sử dụng cho hết, mà dàn đầy cho cả mấy chục bãi biển du lịch của các huyện, các xã. Rồi thử lên “rừng” xem. Huyện nào cũng nhấn mạnh và định hướng phát triển du lịch. Nào là du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng. Chẳng ai xác định sai, nhưng rất nhiều trường hợp là chưa chính xác và chưa phải lúc. Thử hỏi tài nguyên như vậy nhưng khả năng khai thác sẽ như thế nào? Làm cái gì? Ai làm, làm như thế nào? Đó là những câu hỏi mà trong phần lớn các chương trình hoạch định chưa có lời giải. Rồi trở lại với khu vực miền xuôi, chúng ta cũng thấy huyện nào cũng nhất loạt khẳng định vị thế tài nguyên du lịch của mình, nào là có di tích A, thắng cảnh B…Vẫn là không sai nhưng cũng là chưa đúng bởi không phải mọi ngôi đền, ngôi chùa, hoặc cái hồ, ngọn núi nào đó đều có thể thu hút được được du khách.
Nói như vậy là nhằm nói tới một cách nhận thức giản đơn và một cách làm theo kiểu phong trào cố cho bằng chị bằng em, không có du lịch là không được. Bởi vậy chúng tôi nghĩ rằng, ngành văn hoá, thể thao và du lịch cần kết hợp với các cơ quan, các địa phương hữu quan, nếu cần thiết mời thêm các chuyên gia tư vấn có năng lực, tổ chức khảo sát và xác định lại các nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn toàn tỉnh thêm một lần nữa cho thật chính xác, để xác định quy hoạch phát triển du lịch một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn, hướng tới làm chỗ dựa chắc chắn cho các kế hoạch đầu tư có hiệu quả. Chúng tôi lấy ví dụ: Thử xác định,(và phản biện) xem, các di tích khảo cổ học Làng Vạc và Đồng Trương có thể trở thành điểm du lịch được không?
Cha ông có câu, làm gì thì cũng làm cho ra tấm, ra miếng. Làm cho ra làm, đừng có “bây” ra nhiều mất công, mất của. Ngẫm lại, xét vào trong cái cách làm du lịch hiện nay thấy cũng ít nhiều có lý./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441785

Hôm nay

2185

Hôm qua

2317

Tuần này

21689

Tháng này

216959

Tháng qua

112676

Tất cả

114441785