Diễn đàn

Đầu năm nói chuyện trọng dụng người tài

Cách đây 4 năm, trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi đã viết 13 bản tâm thư gửi về Văn phòng Trung ương Đảng, 1A – Hùng Vương, Quận Ba Đình, Hà Nội. Trong các tâm thư đó tôi có đề cập đến nhiều vấn đề. Rất tiếc là tôi không nhận được thông tin phản hồi. Đúng vậy.

Ngoài 7/13 bài được các báo đăng tải. Bài bàn về công tác xây dựng Đảng đăng trên báo Thanh Niên có nói chuyện một tỉnh ủy viên có số phiếu bầu xếp thứ 39/43 vẫn đương nhiên là Bí thư tỉnh ủy(!) Vị Bí thư ấy mới đây được tuyên dương là một trong ba bí thư giỏi nhất nước mặc dầu tỉnh mà ông lãnh đạo vẫn là tỉnh nghèo, phát triển ì ạch, dùng dằng (từ của Thu Bồn)(!)? Thì ra, cái cốt lõi của vấn đề là ở chỗ: Cách quan niệm, cách sử dụng nhân tài, cách tạo điều kiện cho các tài năng phát triển để giúp dân, giúp nước là điều quan trọng nhất trong tất cả mọi điều. Dường như giữa các vấn đề trên đã và đang (mong rằng không có chữ “sẽ”) có những khoảng cách rất xa. Tôi xin bàn về vấn đề này như là một thành nguyện góp ý cho Đảng trước thềm Đại hội XI và, để Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 
Rất nhiều người tài giỏi trẻ mãi cho đến lúc… về hưu. Không ai sử dụng họ hoặc chỉ dụng nhân như dụng… mặc! Xin lấy vài ví dụ cụ thể ở một trường đại học:
Một Phó GS, xét kết nạp Đảng phải trải qua nhiều lần lên bờ, xuống ruộng vì cái lẽ có 4 tháng đi học ở quân trường chế độ cũ. Về sau, đích thân Bí thư Tỉnh ủy bảo lãnh mới được kết nạp. Vị Phó GS ấy có cha là liệt sĩ, thân mẫu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng(!) Cả hai “chức danh” trực tiếp lừng lẫy ấy cũng không ngăn được “chú thích” trong thư bảo lãnh của Bí thư Tỉnh ủy là “kết nạp nhưng không được đảm trách chức vụ chủ chốt”?
Một chiến sĩ đã tham gia trận đánh ở biên giới năm 1984 (chứ không phải 1979 như mọi người vẫn nghĩ), trở về làm giảng viên đại học nhưng thời gian đối tượng Đảng kéo dài 19 năm thiếu 4 tháng. Kết nạp Đảng năm 2003 và nay là Trưởng Khoa với số phiếu tín nhiệm gần như 100% (trừ một ứng viên khác tự bỏ phiếu cho mình).
Một người nữa cũng là bộ đội trinh sát ở chiến trường phía Bắc, trở về làm giảng viên đại học, thời gian đối tượng Đảng có kỷ lục cao hơn: 22 năm, cho dù đã in được hàng chục công trình khoa học, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Sau khi kết nạp chưa đầy 3 năm, giành được số phiếu tín nhiệm cao nhất (trong số 27 đề cử) và trở thành Phó Hiệu trưởng trường đại học.
Ba ví dụ trên đây tôi tạm gọi đó là những ví dụ tiêu biểu về chuyện người có tài. Cả ba đều bị Đảng nhìn nhận, đánh giá không thỏa đáng (chưa dám dùng từ ngược đãi) nên dẫn đến sự lãng phí khó hiểu và, nhất là, nó đi ngược lại sự đánh giá của mọi tầng lớp nhân dân (theo cách hiểu chung, khái quát nhất của cụm từ này). Có rất nhiều câu hỏi, nói theo ngôn ngữ của Nguyễn Trọng Tạo là quá nhiều những điều “hỏi cũng là trả lời”.
Thứ nhất, tại sao chỉ vì mấy tháng quân trường (trong một chế độ mà không đi không được) lại trở thành sự ám ảnh lý lịch suốt đời, bất chấp nhân thân, bất chấp chuyện gia đình có truyền thống cách mạng? Cách nhìn đó chẳng khác gì Đảng đã tự cô lập mình bằng sự nghi ngờ đầy thành kiến và cố chấp phi chính trị. Thử hỏi, khi con người (kể cả người viết bài này) muốn đến gần hơn với Đảng mà bị Đảng xa lánh thì cách duy nhất không phải là tìm đến chốn khác hay sao? Sự hắt hủi nhân tài bằng sự nghi ngờ vô lý là con đường ngắn nhất để tự làm suy yếu chính người lãnh đạo. Câu thành ngữ phương Tây Let’s beyond be beyond (Hãy để cho quá khứ trôi về với quá khứ) trở thành tiếng cười đau xót của cuộc đời. Đã kết nạp có nghĩa là trong sạch. Tại sao lại phải thêm vào số phận một cái còng tâm lý vô phương cứu chữa?
Thứ hai, hai trường hợp sau nói lên rằng không phải ông Trưởng khoa và ông Phó Hiệu trưởng không tốt mà chính là những đảng viên có quyền kết nạp hay không đã không tốt. Họ “tư duy” theo cách bè cánh, nhìn nhận sự vào Đảng như là ban ơn; như là tiếp tay cho đặc quyền, đặc lợi; như là sợ người khác có “địa vị” sẽ cạnh tranh trực tiếp với ngai vị của mình. Đây đang nói đến chuyện ở môi trường đại học. Trường đại học mà còn cố chấp, thiển cận đến mức ấy, thử hỏi những nơi có trình độ hiểu biết thấp hơn, sự nhũng lạm quyền lực, sự tự cô lập về nhận thức và sự hủy diệt tài năng còn lớn đến mức nào? Tại sao không nhìn nhận con người đúng như những gì tạo hóa đã sáng tạo ra? Tại sao không đặt lợi ích tổng thể lên trên hết nếu chúng ta tin rằng tài năng (luôn một vài khiếm khuyết nào đó) bị từ chối là sự lãng phí không thể chấp nhận nếu không muốn nói đó là ‘tội ác” với đất nước, giống nòi? Những ví dụ tương tự có thể tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào, bất kỳ cơ quan nào. Đó thực sự là một nguy cơ.
Đổi mới phải được coi là nguyên tắc. Trong mọi sự đổi mới để đất nước mạnh giàu, để Đảng thật sự là niềm tin, sức mạnh của dân tộc; điều tiên quyết là thay đổi cách sử dụng người tài. Một số bạn đọc cho rằng tôi đang nói những điều cũ. Không hẳn là thế. Cũ là chuyện Đảng kêu gọi trọng dụng nhân tài, về lý thuyết. Nhưng, mới là ở chỗ, trên thực tế, quyền lực và bổng lộc đã ngăn cản việc mở rộng cánh cửa cho tài năng phát triển. Gần 50 tuổi rồi mà vẫn coi là trẻ? Về hưu, sinh hoạt ở địa phương, được bầu vào chức tổ trưởng nào đó thì tài năng mới bắt đầu phát huy tác dụng hay sao? Cánh cửa của sự thật nếu đóng lại là sự bí hiểm của xa lánh và bất mãn. Từ bất mãn tới thù nghịch chỉ có nửa bước. Tại sao không rà soát lại trên cả nước có biết bao tài năng đang bị “đảng ở địa phương cụ thể” từ chối hoặc vô hiệu hóa sự cống hiến bằng những nụ cười?
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434980

Hôm nay

2251

Hôm qua

2349

Tuần này

21630

Tháng này

212028

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434980