Diễn đàn

Tăng cường quản lý lễ hội là một nhu cầu bức thiết hiện nay

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá, thể hiện sâu sắc bản sắc và truyền thống văn hoá của các cộng đồng. Theo thống kê của Cục văn hoá cơ sở, hiện nay cả nước có hơn 8000 lễ hội. Mỗi ngày trên cả nước có hơn 20 lễ hội. Một số lễ hội mới hình thành, hoặc mới du nhập, còn lại, khoảng 80% là lễ hội cổ truyền được phục hồi. Riêng ở Nghệ An, trong những năm qua bên cạnh các lễ hội mới hình thành như Lễ hội Làng Sen, lễ hội Uống nước nhớ nguồn…, đã có hơn hai mươi lễ hội cổ truyền được phục hồi như lễ hội vua Mai, lễ hội đền các đền Cờn, đền Bạch Mã, đền Quả Sơn, đền Đức Hoàng, đền Chín gian, đền Cửa Rào…thu hút rất nhiều sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các lễ hội đã làm phong phú và sinh động đời sống văn hoá tinh thần và tâm linh của nhân dân. Qua đó góp an bằng đời sống tinh thần, tâm linh của cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Các lễ hội của chúng ta nhìn chung được tổ chức chu đáo, phát huy được các giá trị truyền thống đồng thời với việc tiếp thu và vận dụng những giá trị mới của thời đại. Tuy nhiên, ở không ít lễ hội, do chưa nghiên cứu kỹ càng và nghiêm túc nội dung và diễn trình lễ hội cổ truyền nên trong quá trình phục dựng vẫn còn nhiều sai sót, các đặc điểm của các lễ hội chưa được chú ý khai thác và thể hiện, giữa các lễ hội vẫn còn giống nhau từ nghi lễ đến các biểu tượng, diễn trình. Nhiều lễ hội đang bị hiện đại hoá một cách kệch cỡm, phản cảm và phi truyền thống. Các lễ hội đang bị sân khấu hoá, đơn điệu hoá nội dung và giá trị lịch sử, tâm linh.
Mặt khác, ở nhiều nơi, vẫn còn nhiều hiện tượng lợi dụng lễ hội để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh. Các hoạt động dịch vụ đang có chiều hướng thương mại hoá một cách không bình thường, bán hàng theo kiểu bắt bí du khách. Trật tự ở một số lễ hội chưa được an toàn, vẫn có hiện tượng lừa đảo trộm cắp, gây lộn, ẩu đả. Các hình thức cờ bạc vẫn tồn tại khá phổ biến.Vệ sinh môi trường và ăn uống chưa được đảm bảo
Thực hiện chỉ thị 27 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá 8 và chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc cưới, việc tang và lễ hội, trong nhiều năm qua, việc tổ chức các lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, trong thời gian qua, một số biểu hiện chưa tốt trong các lễ hội đã tái xuất hiện.
Nhằm bảo vệ các giá trị đa dạng về lịch sử, văn hoá…của lễ hội góp phần bảo tồn di sản văn hoá dân tộc vì sự phát triển trong xu thế toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc và toàn diện hiện nay, việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm để hướng dẫn tổ chức các lễ hội đúng với bản nguyên hơn, tăng cường việc quản lý để đảm bảo các lễ hội được phong phú và đặc sắc về nội dung, nghi lễ, văn minh, an toàn về trật tự, ứng xử là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng trước hết là của các chính quyền địa phương và các cơ quan văn hoá.
Công tác tuyên truyền và giáo dục cần được chú trọng và đi trước một bước. Tuỳ vào đặc điểm của các địa phương, tính chất của các lễ hội mà xây dựng các quy tắc về tổ chức và tham gia lễ hội. Cần tập hợp và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh…trong việc tổ chức lễ hội.
Để phát huy vai trò văn hoá và tâm linh của các lễ hội một cách văn minh và hiệu quả nhất, tăng cường hướng dẫn, quản lý là một đòi hỏi khách quan và bức thiết trong tình hình hiện nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441768

Hôm nay

2168

Hôm qua

2317

Tuần này

21672

Tháng này

216942

Tháng qua

112676

Tất cả

114441768