Những góc nhìn Văn hoá

Niềm cảm thương thân phận phụ nữ trong xã hội phong kiến thời loạn lạc của Nguyễn Văn Xuân trong tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1892-1989). bút sắt của Phan Ngọc Minh.

 Tiểu thuyết lịch sử Kỳ nữ họ Tống[1] của Nguyễn Văn Xuân xây dựng công phu về một giai đoạn lịch sử nửa đầu thế kỷ XVII ở Đàng Trong. Tác phẩm được công chúng đón nhận rộng rãi, được Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng trao giải A, Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải A năm 2003. Qua tác phẩm này, tác giả đã đặt ra rất nhiều vấn đề, chiều cạnh, suy tư trong sáng tác tâm huyết nhất của mình. Nếu như phần nổi của tác phẩm là cảm hứng phê phán, tố cáo những tham vọng quyền lực, tiền bạc, sắc dục… thì cũng có nhiều góc khuất cần tĩnh tâm nghiền ngẫm. Ở bài viết này, tôi đề cập đến sự thương cảm đối với thân phận phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam thời loạn lạc.

Tiểu thuyết kể về nhân vật chính - Tống Thị, một người đàn bà có thật dưới thời các chúa Nguyễn Phước Nguyên (chúa Sãi), chúa Nguyễn Phước Lan (chúa Thượng) và chúa Nguyễn Phước Tần (chúa Hiền). Chính sử triều Nguyễn ghi chép rất vắn tắt về bà, rằng bà là vợ trấn thủ Quảng Nam - Nguyễn Phước Kỳ, con dâu chúa Sãi, chị dâu và tình nhân của chúa Thượng, về sau tư thông với Chưởng dinh Nguyễn Phước Trung (em ruột chúa Thượng) mưu làm phản, bị chúa Hiền xử tử. Dù bị coi là “nghịch thần” song sử sách vẫn khen ngợi nhan sắc cùng tài ăn nói của bà Tống. Đó là cơ sở để Nguyễn Văn Xuân dành khoảng gần 10 năm để viết tiểu thuyết lịch sử này.

 

Cảm nhận chung khi đọc Kỳ nữ họ Tống, các nhân vật được đặt trong bối cảnh hết sức xô bồ của giai cấp thống trị cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Các chúa, quan lại phần lớn là những con người nhiều dục vọng, hoặc tham quyền, hám lợi, hoặc hiếu sắc, hoang dâm, hoặc tàn nhẫn… Họ hiện lên thiếu lý tưởng, hành động theo các dục vọng, ít theo chuẩn mực đạo đức. Tình dục và danh lợi là hai dục vọng lớn nhất chi phối, tác động tới hành động của các nhân vật. Và nguy hiểm hơn, dục vọng đó lại trong tay những kẻ có quyền lực cao như các chúa Nguyễn, chúa Trịnh, quan lại… nên sự tác động, ảnh hưởng lớn, thậm chí là chi phối lịch sử của cả đất nước. Những cuộc nội chiến, tranh giành đất đai, quyền lực, sự loạn lạc, lầm than, cơ cực của nhân dân thường bị dẫn dắc, chi phối bởi những dục vọng của những người có quyền lực.

Trong tiểu thuyết, ngoại trừ nhân vật Tống Thị là khá phức tạp trong đánh giá, bởi là nhân vật đa diện, có sự chuyển biến về tính cách, phẩm hạnh. Song, suy cho cùng, Tống Thị cũng là một “hồng nhan bạc mệnh” mà tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác. Còn lại, các nhân vật nữ xuất hiện từ đầu đến cuối hay chỉ một vài tình tiết của tiểu thuyết, thì từ chung nhất để khái quát số phận của họ là bạc mệnh. Nhân vật xinh đẹp và tài năng không thua kém Tống Thị là Thị Thừa thì có kết cục là cái chết bi thảm. Hai công nữ con chúa Sãi được đề cập thì đều chịu cảnh “xa xứ vĩnh viễn”, “xương trắng xứ người”. Con các vị công hầu, quan lại như Túy Nguyệt thì cuối cùng không biết sống hay chết, Thu Thủy thì bất hạnh vì lấy phải chồng “ngớ ngẩn” rồi cũng tan vỡ. Các cô gái trong các gia đình nghèo khổ như Thị Tứ, Thị Ngũ, Sáu phải làm nhân tình nhân ngãi, làm vợ hờ của những kẻ có quyền, có tiền...

Nhân vật “con út của chúa Sãi”, còn được gọi là “bà Phò mã” gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Là người con gái quyền quý mà đến tên riêng cũng không được đề cập, qua đó cũng phản ánh phần nào về thân phận phụ thuộc của họ (nhỏ thì phụ thuộc cha mẹ, lấy chồng thì phụ thuộc chồng). Nàng lấy Hiển Hùng theo sự sắp đặt của chúa Sãi. Hiển Hùng vốn là đại thương gia, chủ một thuyền buôn lớn từ Nhật Bản thường giao thương tại Hội An (tên là Sataro, song để dễ gọi, được chúa “ban họ Nguyễn Đại Lượng, tên Hiển Hùng”). Nhân vật con gái út của chúa Sãi chỉ được đề cập ngắn gọn trong vài đoạn văn đến thăm Tống Thị sau khi Nguyễn Phúc Kỳ mất. Nhất là từ khi “vợ chồng ông Hiển Hùng lại được lệnh về Nhật gấp” thì đã diễn ra “cuộc chia tay đầy nước của hai người đàn bà trẻ, đẹp, một người sớm góa bụa và một người sẽ chịu cảnh xa xứ vĩnh viễn”.

Truyện lịch sử Kỳ nữ họ Tống (2002) là một trong 10 tác phẩm chính của nhà văn Nguyễn Văn Xuân

 

Bà Phò mã nghĩ đến cảnh theo chồng về Nhật, một đất nước xa xôi, ngàn trùng cách trở mà ứa nước mắt: “Nghĩ chị em chúng ta, con vua, con chúa mà thật chẳng bằng con người nghèo khổ, chị ạ. Người ta lấy chồng, xa xôi lắm cũng một đôi dặm đường, còn chúng em thì cách những ngàn vạn dặm (…) chân trời mặt biển biết lúc nào tái hợp, nghĩ mà tủi thân”. Tống Thị an ủi con út chúa Sãi bằng việc dẫn ra câu chuyện trong lịch sử, so sánh với Huyền Trân công chúa để thấy bà Phò mã đỡ khổ hơn. Bởi dù sao Hiển Hùng còn là người tao nhã, lại ở đất nước văn minh, gần gũi về văn hóa, về tín ngưỡng, tâm linh.

Từ chuyện phải lấy chồng viễn xứ của mình, người con út chúa Sãi đã liên tưởng đến người chị là công nữ Ngọc Vạn, cũng bị chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp (hoàng hậu của vua Chey - Cheeta) mà từ đó thì “đến tin tức còn khó khăn huống gì mong gặp mặt”. Những dòng tâm sự não lòng giữa hai người phụ nữ quyền quý nhưng bất hạnh tiếp tục được đẩy lùi xa hơn về lịch sử khi liên hệ với công chúa Huyền Trân: “Giống hệt thôi! Huyền Trân thì gả bán để mở Chiêm động, chị em thì... Ôi! Cái thân con gái sinh vào gác tía, lầu son, ai đứng ngoài cũng tưởng sung sướng lắm đấy”. Bà Phò mã cũng kể về ý muốn, mục đích của chúa Sãi khi gả bán con gái là nhằm giữ tình bang giao, giữ yên bờ cõi. Chúa Sãi khuyên nhủ con khi gả chồng xa: “họ tộc nhà ta đang buổi đầu lập quốc, nào khác gì ngọn đèn trước gió, chẳng biết tắt lúc nào nên phải toàn tâm, toàn lực giữ đất, mở đất. (…) Vậy gả con về Chân Lạp xa xôi, cha mẹ rất đau khổ nhưng không thành tựu việc này thì họ Nguyễn ta biết làm sao ổn định được phương Nam mà dốc toàn lực ổn định mặt Bắc?”.

Chúa Sãi khuyên con chấp nhận lấy chồng viễn xứ là sự hy sinh cao cả, sau này khi đại nghiệp của dòng họ nhà ta thành thì “tên con ghi vào sử sách còn quan trọng hơn gấp mấy lần chuyện cũ của công chúa Huyền Trân”. Song các công nữ không hề mong muốn một cuộc hôn nhân vớichồng viễn xứđể rồi được ghi vào sử sách, họ phải chấp nhận vì biết là không thể khác được, quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã thành luật lệ bất thành văn trong xã hội thời phong kiến. Họ chua chát nhận ra rằng, đến công lao mở cõi to lớn như Huyền Trân mà “Tới bây giờ em chưa thấy ai ca tụng, chỉ nghe toàn những lời đàm tiếu”. Họ biết khi ra đi là chịu cảnh “xương trắng gửi quê người nào có ai thèm biết tới huống hồ là nhắc nhở”. Đây cũng một tiếngnói lên án việc lấy những người con gái, thậm chí chính con ruột của mình để mưu đồ chính trị: “Do óc thực tế và chuyên gả con gái để mưu đồ chính trị, thương mãi, nên chúa nghĩ tới việc gả bà công nữ này cho ông sau khi gả bà chị cho vua nước Cao Miên”.

 

Thời xưa, việc gả công chúa cho vua quan các nước láng giềng vì nhiều mục đích khác nhau để mưu đồ chính trị đã là bài học đã trở nên phổ biến. Một nhân vật cả xứ Đàng Trong, cả đất Việt phải mang ơn là công chúa Huyền Trần lấy Chế Mân (Quốc vương Chiêm Thành) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ nam đèo Hải Vân đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Bởi nếu không chiếm được vùng đất này, nhất là khu vực đèo Hải Vân (rất khó khăn, nguy hiểm nếu dùng vũ lực để đánh chiếm) thì chưa biết đến khi nào người Việt mới có thể mở cõi về phương Nam. Công lao của Huyền Trân to lớn, tiêu biểu đến thế mà qua lời tâm sự của Lê Sách thì vẫn bị người đời lãng quên, thậm chí còn cười cợt: “Thương hại các cô gái bạc mệnh chỉ chuyên đi làm việc lót đường cho người sau dẫm nát lên đó không một chút động tâm”.

Nhân vật Thu Thủy, con của một mệnh quan triều đình, lấy Quận công, con cả của Tống Thị theo kiểu “Môn đăng hộ đối”, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Ngay khi mới biết tin Quận công chuẩn bị lấy vợ, Hải Bằng đã có suy nghĩ: “Rồi cậu ta sẽ làm gì với người vợ bạc phước nào đó sẽ rơi vào tay quận công ngớ ngẩn này?”. Quả thực là như vậy, khi đọc Chương II: Môn đăng hộ đốiphần V của tiểu thuyết khiến ta vừa buồn cười vừa xót thương cho cặp vợ chồng “Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Thậm chí, tác giả còn nhấn mạnh thêm là “ở đây chỉ là bãi cứt trâu khô, cắm vào đó chỉ còn thấy héo hon, rời rã”. Hải Bằng là người phải đứng ra để phối hợp “nghịch cảnh đáng thương tâm này”, đã tự nhủ theo câu nói củacổ nhân để “bớt nỗi ray rứt tâm can: “Ôi! Hồng nhan bạc phận””. Thu Thủy đã tìm mọi cách để phản đối, thậm chí chống đối cuộc hôn nhân bất hạnh của mình quyết liệt đến mức “đã có lần tự tử, nhưng may sao có người cứu kịp”. Hải Bằng cũng tìm cách ngăn chặn “cuộc hôn nhân vô nhân đạo này”, nhưng không có phương cách nào cứu vãn.

 

Đám cưới được tiến hành như đã định, là đám sang trọng nhất Kim Long, “chỉ thua đám của chúa Hiền về những phương tiện nghi lễ là nghi lễ dành cho vua chúa”. Cô dâu bất hạnh “khóc ngất rồi chết lịm giữa bàn tay các cô phụ dâu xinh đẹp. (…) Về đến nhà chồng, phải mời thầy thuốc đến cắt ngay cho một thang thuốc trợ lực, trợ tim”. Ở cặp Thu Thủy và Quận công, nhà văn khai thác yếu tố môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, nhưng giữa hai con người thì thật là “đôi đũa lệch”. Bởi ở bên ngoài người đời nhìn Quận công được bao bọc bởi nhung lụa, lại ít xuất hiện giữa đám đông, công chúng nên cũng che giấu bớt khuyết điểm. Chứ khi về một nhà, “mỗi ngày mỗi tiếp xúc con người ngây ngô đần độn đó, biết đến tận cùng sự ngu dại tầm thường rồi đem nó ra so sánh với cô thiên kim tiểu thư mà chỉ cần một lần nhìn thấy đôi mắt đen nhánh, rạt rào tình cảm, thông minh, sinh động, thu hút trên một gương mặt khả ái, duyên dáng đến não lòng thì làm sao khỏi sinh ra những trắc ẩn sâu sắc đến chảy nước mắt”. Cặp đôi đũa lệch này cũng tan vỡ khi âm mưu tạo phản của Tống Thị bại lộ, Quận công bị đi đày, thì Thu Thuỷ về nhà cha mẹ và “Thề chết sống là không bao giờ ngó mặt người chồng ấy nữa”.

Đến Túy Nguyệt, vợ của Hải Bằng là có gái trong gia đình quyền quý, có sắc đẹp, lại tháo vát, lanh lẹ, luôn dành tình yêu sâu sắc cho Hải Bằng. Ai cũng nghĩ nàng sẽ có được hạnh phúc, song số phận nàng cũng bất hạnh như bao nhân vật phụ nữ khác. Nàng cũng chỉ là cái bóng của Tống Thị trong lòng chồng. Bởi khi xác định lấy nàng, Hải Bằng chỉ nghĩ làm vậy chàng sẽ được tiếp tục gần gũi, gắn bó với Tống Thị nhiều hơn, và mỗi lần “gần gũi” thì Hải Bằng thường tưởng tượng tới hình ảnh Tống Thị. Túy Nguyệt cũng không có được niềm vui, hạnh phúc làm mẹ, dù nàng rất mong muốn. Đến khi âm mưu của Tống Thị bị phanh phui, sau những ngày hỗn loạn, Túy Nguyệt “biệt vô âm tín”. Nàng còn sống hay đã chết, lưu lạc xứ nào hay chỉ là hồn ma vật vờ không người thờ cúng? Không một ai hay biết.

Các nhân vật khác như Thị Thừa, Thị Tứ, Thị Ngũ, Sáu… bị ném vào cuộc đời rối ren, loạn lạc, bị coi như những người tình hờ phục vụ cho thú ăn chơi, hưởng lạc của tầng lớp trên. Tiêu biểu như Thị Thừa: “một con hát xứ Nghệ An, thuộc loại quốc sắc, thiên hương lại có tiếng hát tuyệt diệu, có thể làm mềm nhũn lòng người”. Nếu theo lẽ thường, nàng sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn vì đã gặp được chúa Hiền - một minh chúa thời ấy. Nàng được chúa Hiền hết mực yêu thương, chưa gây lỗi lầm gì. Ấy vậy mà sau một đêm thức trắng đọc “truyện Ngô Vương Phù Sai vì quá yêu Tây Thi mà thân nhục, nước mất, mối hận ngàn đời không tan được, Chúa giật mình”. Chúa Hiền đã có cách xử trí theo đúng nguyên tắc của vị chúa “tham vọng” và “tàn nhẫn”. Đó là sai người cho Thị Thừa uống thuốc độc, loại nàng ra khỏi cuộc đời để chúa chuyên tâm chính sự.

Đoạn văn tả về cái chết “lạ lùng” của nàng, nhà văn viết với giọng vừa mỉa mai, vừa xót thương cho người đẹp. Thị Thừa “Quằn quại một giờ, người con hát xinh đẹp khó tìm thấy ở trần gian đã thở hơi cuối cùng để thấm thía sâu sắc cái tên Hiền của Chúa. Tài sắc của nàng quả là tai họa cho sinh mạng nàng để dẫn tới cái chết lạ lùng, bi thảm”. Một người con gái tài sắc hiếm có trong cuộc đời cũng chỉ như món đồ chơi, khi chúa không cần nữa thì vứt bỏ không thương tiếc. Theo lời bình luận và suy ngẫm của Hải Bằng thì chúa Hiền cũng không cân bằng được hai dục vọng: đam mê quyền lực và đam mê người đẹp. Giữa hai đam mê này thì chúa Hiền lựa chọn quyền lực, nên “chúa sợ cái gương chúa Thượng với Tống Thị tiếp diễn”.

 

Hải Bằng băn khoăn về lý do giết Thị Thừa của chúa: “Tại sao đánh thuốc độc? Nàng phải trả cái tội gì?”. Phải chăng vì Chúa quá yêu nàng? Hải Bằng tự lý giải: “Không! Chúa Hiền không phải con người có tình yêu đắm đuối, điên cuồng! Đó chỉ là một bản tính tàn bạo, thích giết người thôi”. Chúa giết nàng vì “không muốn nàng rơi vào tay hạng bá tánh”, nhưng cũng không dám giữ nàngtrong cung cấm vì “trước sau gì cơn mê loại người đẹp chỉ ngủ chứ chưa chết trong lòng chúa sẽ phừng phực thức giấc dập vào chúa trong một cơn mê say mới”. Như vậy, Thị Thừa phải chết thì chúa Hiền mới tập trung cho đam mê quyền lực. Một vị chúa được nhân dân Đàng Trong coi như “thánh nhân” cũng chỉ là người đầy tham vọng và tàn nhẫn trong suy nghĩ của nhân vật kể chuyện.

Các nhân vật Thị Tứ, Thị Ngũ… cũng là những người con gái đẹp, song chỉ vì nghèo túng mà phải làm nghề “bán thân nuôi miệng”, mong kiếmchút vốn để làm ăn. Thị Ngũ chỉ là hình bóng thay thế Tống Thị trong lòng Thắng Bố vì nàng có nét giống với Tống Thị. Cuộc tình nhân ngãi của nàng cũng không yên ổn khi nàng lọt vào mắt “con quỷ dâm dục” Nguyễn Phước Trung, bị Chưởng dinh cho người bắt cóc để chiếm đoạt, hưởng thụ. May mà được Thắng Bố và các bạn bè cứu nàng thoát được. Còn Thị Tứ là nhân tình của Hải Bằng, cô nàng đôi lúc cũng mơ ước được danh chính ngôn thuận, làm bà bé nhưng không được toại nguyện, vì Hải Bằng không muốn Túy Nguyệt buồn. Nên nàng thường dùng những câu hò để nói hộ lòng mình, và Hải Bằng nhiều khi đã xúc động thật sự vì những câu hò đó. Chẳng hạn, Thị Tứ thường hò: “Anh buồn có chốn thở than,/ Em buồn như thể hương tàn canh khuya”, “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp là cơm nguội chờ khi đói lòng”, và còn nhấn mạnh thêm: “Anh có thấy cây hương thắp trong đêm khuya, tàn lụi lần lần trong đêm khuya không. Đó, đời của em đó”. Hải Bẳng hiểu nỗi lòng, nỗi buồn của Thị Tứ, nhưng cũng chỉ thể hiện sự thương cảm bằng việc “tỏ cho nàng biết lòng yêu chuộng, quí mến của tôi đối với nàng”.

 

Còn với Sáu (Tịnh), cũng vì cảnh ngộ “cha chết. Mẹ già yếu, nghèo khổ” mà phải dấn thân đi làm thuê ở Hội An, rồi gặp gỡ với nam thanh niên người Hoa. Chính người này đã lừa nàng về thăm nhà để tính chuyện cưới xin và “đưa cô về Tàu để bán”. Song may mắn được Hải Bằng “Đơn kiếm phá hải tặc” cứu từ trên thuyền khi đi tìm Thị Ngũ bị bắt cóc. Và Sáu đã trả ơn cũng rất lâm ly như trong tiểu thuyết, đó là dâng hiến trinh tiết cho Hải Bằng và làm nhân tình, thêm một bến đỗ của chàng. Có lẽ Sáu trở thành bến đỗ thực sự của đời chàng khi kết quả của đêm trả ơn ấy đã “đơm bông, kết trái”. Sáu có mang giọt máu của Hải Bằng. Song số phận Sáu cũng chưa biết có thật sự hạnh phúc và có hậu không. Bởi nàng lại bụng mang dạ chửa một mình võ võ đợi Hải Bằng thực hiện xong các tâm nguyện và nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tống Thị. Ngay cả khi Tống Thị được nhà chùa lo hương khói, thì Hải Bằng “ra đi, mãi mãi không thấy bóng dáng nữa”.

Nói chung, tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống như là trường thiên bạc mệnh của phụ nữ trong thời kỳ Nam - Bắc phân tranh. Số phận họ như là những quân cờ, như trò chơi của những kẻ có quyền, có tiền. Các công chúa, công nữ, tiểu thư thì bị cha mẹ xem như những quân cờ để “lót đường”, để “mưu đồ chính trị, thương mãi”, để lấy “quan hệ”. Những người con gái nghèo thì trở thành trò “tiêu khiển”, “mua vui”, “giải sầu” của các đấng quan lại. Những người có tài, có sắc thì đều kết cục bi thảm. Qua việc miêu tả số phận bất hạnh của phụ nữ, tiểu thuyết thể hiện niềm cảm thương và góp thêm một tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công, bất bình đẳngđối với người phụ nữ. Đây cũng là vấn đề chưa cũtrong xã hội ngày nay. Vì vậy, tập nhật ký của Hải Bằng, tiểu thuyết của Nguyễn Văn Xuân như muốn tìm sự cảm thông, thấu hiểu của cuộc đời cho thân phận những người phụ nữ. Như lời tâm sự của Hải Bằng với sư trụ trì chùa Thiên Lâm, nếu có đọc thì xin hãy dành sự “xót thương cho thế thái nhân tình, cho số phận, kiếp người”.

 


[1] Nguyễn Văn Xuân (2002), Kỳ nữ họ Tống, Nxb Trẻ.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443383

Hôm nay

2274

Hôm qua

2305

Tuần này

21196

Tháng này

218557

Tháng qua

112676

Tất cả

114443383