Những góc nhìn Văn hoá

Một cuộc chiến đấu bi hùng

Tác giả trước ngôi mộ chung của 5 đồng đội tại nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh ở quận Thủ Đức.

LTS: Tác giả đã viết thư và gửi cho chúng tôi bài viết đầy xúc động này. Câu chuyện được ông - cũng là người trong cuộc - một cựu lính đặc công ghi lại với tâm nguyện như là một nén hương tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh trong trận đánh chốt Bầu Giang - xã Trung An, huyện Củ Chi - Gia Định, đêm ngày 07 và đêm 11 rạng ngày 12 tháng 12 năm 1974. VHNA xin giới thiệu với bạn đọc!

Buổi chiều của mùa khô năm 1974.

Mảnh đất Củ Chi, nơi đơn vị chúng tôi đóng quân, không nên thơ như hoàng hôn xuống ở Sầm Sơn - Thanh Hóa (quê  người bạn chiến đấu của tôi). Ngay lúc này, chúng tôi cũng không có cảm hứng ngắm hoàng hôn. Ở miền Nam không có mùa Đông, bây giờ đang là mùa khô, mùa của những chiến dịch. Trời đã choạng vạng tối, tổ chiến đấu của chúng tôi được lệnh xuất phát. Từ rạch Kè nơi đóng quân, các đồng đội tôi đã ngụy trang rất thận trọng. Túi thủ pháo, lựu đạn, dao găm, súng AK, súng B40, B41, dụng cụ khắc phục mìn, kéo cắt rào,… đã được nai nịt gọn gàng. Từng người, từng người một thả mình xuống dòng nước của con rạch Kè thân thuộc để bơi ra sông Sài Gòn tiến về mục tiêu mà chúng tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt.

Đội hình lặng lẽ một hàng dọc. Đang bơi trên sông Sài Gòn, bỗng Nguyễn Viết Lăng (quê Thanh Hóa), bơi vượt lên ngang hàng tôi thì thầm: Giờ ni quê choa là mùa Đông lạnh lắm mi ạ. Bơi như ri không chịu nổi mô. Trời mùa Đông mà ngâm mình dưới nước chắc cảm lạnh chết luôn mi ạ. Tôi nói: Đâu chỉ mùa Đông ở miền Bắc, ngâm nước như thế này cho tới lúc lên bờ cũng thun hết mọi thứ rồi. Thôi, về vị trí đi, không bị phê bình ngay bây giờ.

Sau gần 2 giờ đồng hồ bơi trên dòng sông Sài Gòn, đội hình rẽ vào rạch Hòa Phú, con nước đang lớn nên bơi không vất vả lắm, vì thuận dòng. Tiếp tục bơi hơn 30 phút nữa thì chúng tôi bắt đầu lên bờ, tiền nhập qua cánh đồng sình lầy, qua mấy ruộng lạc, tới chân gò. Dẫn đường tiền nhập là Nguyễn Ngọc Vân quê  Bắc Ninh, Nông Thế Huyến quê Đội Cấn - Bắc Kạn, là hai chiến sỹ trinh sát trận đánh chốt Bầu Giang hôm nay. Đội hình đã tới vị trí tập kết ngay rặng tầm vông nhưng chỉ còn trơ trọi lại gốc, vì đã bị đạn pháo địch cầy xới hàng ngày. Chúng tôi ngụy trang, bôi trát lại, kiểm tra vũ khí đạn dược lần cuối trước khi vào trận.

Đúng 21 giờ 30 phút. Đội hình xuất phát, hướng tới mục tiêu chốt Bầu Giang. Chính trị viên Dậu cùng với Nguyễn Viết Lăng liên lạc đại đội, y tá Phạm Văn An ở lại vị trí tập kết, đây là những đồng chí được phân công làm nhiệm vụ cứu thương của trận đánh. Trước khi xuất trận, thủ trưởng Dậu đã căn dặn mũi trưởng Nguyễn Hữu Bộ và đội hình trận nội rất tỉ mỉ và chúc các chiến sỹ vào trận giành chiến thắng.

 Bầu Giang là một chốt tiền tiêu của địch. Đây là chốt án ngữ con Lộ 8, cũng đồng thời là chốt bảo vệ vành đai căn cứ Đồng Dù, nên địch bố phòng rất cẩn mật. Chốt được bảo vệ 7 lớp hàng rào các loại, được cài rất nhiều loại mìn hòng ngăn chặn việc tiếp cận của quân ta. Không những thế, ban đêm hệ thống đèn pha, pháo sáng liên tục chiếu, quét để phát hiện ta tấn công. Đây là cái “Gai” rất khó chịu đối với đơn vị chúng tôi. Đứng trong chốt địch có thể quan sát được tất cả con rạch Kè nơi địa bàn đóng quân của đơn vị. Không những thế, chốt này còn án ngữ con đường liên lạc huyết mạch, cung cấp lực lượng biệt động và vũ khí, khí tài vào nội đô Sài Gòn của ta từ vùng giải phóng. Vì vậy, chỉ thị của Chỉ huy E115 là liên tục đánh, có thể “nhổ” được chốt này càng tốt. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ chính ra, đơn vị chúng tôi còn phải tổ chức điều nghiên và đánh hủy diệt chốt Bầu Giang, để mọi hoạt động của ta được thuận lợi.

 Trong không gian tĩnh mịch của tiết trời cuối năm âm lịch, đội hình thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện, tiến dần tới mục tiêu trên gò Trung An. Bất chợt, một quả pháo sáng trong chốt địch bắn lên. Đội hình đồng loạt nằm xuống. Dưới ánh sáng của hỏa châu, màu ngụy trang trên người những chiến sỹ đặc công với địa vật xung quanh như hòa làm một, vì thế kẻ địch khó lòng phát hiện. Thỉnh thoảng tiếng đề pa “cắc ùm” của pháo 175 ly trong căn cứ Đồng Dù vang lên, hay một loạt súng từ trong chốt bắn vu vơ,… làm cho chúng tôi phải nghe ngóng, cảnh giác.

Khi tới hàng rào ngoài cùng của chốt Bầu Giang, mũi trưởng Nguyễn Hữu Bộ phân công chúng tôi cảnh giới. Còn anh Vân dẫn Trần Đức Hiểu ‘Chuyên gia cắt rào’ vào khắc phục mìn và cắt rào cửa mở. Chúng tôi nằm cảnh giới khá lâu rồi mà sao hôm nay anh Vân và anh Hiểu mãi vẫn chưa cắt được lớp rào ngoài cùng. Tôi nằm cạnh mũi trưởng Bộ sốt ruột nói: Anh Bộ vào xem thế nào chứ chuyên gia cắt rào gì mà chậm như  rùa vậy, không cẩn thận đến giờ nổ súng vẫn chưa vào được là “toi” hết! Đội hình nằm ngoài như vậy rất nguy hiểm, địch dễ phát hiện. Sau khi anh Bộ vào kiểm tra cửa mở, tôi trườn tới Nguyễn Công Tịch - xạ thủ B41 thì thầm: Ông có thấy điều gì kỳ lạ so với các trận đánh trước không? Tịch chưa hiểu ý tôi, nói ngay: Chẳng có gì khác cả.

- Sao không! Mấy trận trước mươi, mười lăm phút đội hình đã nằm gọn trong cửa mở, vậy mà hơn 30 phút rồi mấy bố còn chưa cắt xong hàng rào ngoài cùng, sốt ruột quá!

     - Mày phải bình tĩnh, chắc có trục trặc gì đấy, ông Bộ vào rồi thây.

 - Mà cũng lạ nhé, hôm nay tụi nó bắn pháo sáng nhiều quá ta!

Tôi cảm giác thời gian đêm nay như ngắn hơn mọi đêm. Không gian như chùng xuống. Tiếng côn trùng như to hơn. Trống ngực cũng đánh loạn xạ như thôi thúc, giục giã điều gì. Bỗng… chíu…chíu…chíu… một loạt đạn cực nhanh bắn như vãi đạn trên đầu chúng tôi. Tất cả im bặt.

- Hình như bị lộ hay sao Tịch ạ. Anh Bính trườn tới ra hiệu im lặng để theo dõi.

 Chúng tôi nhìn nhau cùng quan sát xung quanh,… vẫn im lặng,…im lặng đến nghẹt thở. Một lúc sau anh Bộ trườn ra thông báo không có tình huống lộ, nhưng thực tế trận địa bị thay đổi so với 2 lần điều nghiên trước. Thứ nhất, là mìn địch cài dày đặc, thứ hai, là bọn lính canh gác nhiều hơn và thỉnh thoảng còn đi tuần quanh chốt…

 Cuối cùng thì cửa mở cũng đã cắt rào xong. Chúng tôi lần lượt trườn vào bên trong,  nằm ở hàng rào thứ ba, đội hình đã sắp xếp theo phương án đánh được thảo luận từ hôm trước. Huyến xạ thủ B40, cảnh giới cho Vân và Hiểu vừa khắc phục mìn vừa cắt rào cửa mở. Anh Bộ mũi trưởng chỉ huy trận đánh, đi sát cạnh Nguyễn Văn Bính bộc phá lệnh, có nhiệm vụ tiêu diệt sở chỉ huy, điện đài chốt Bầu Giang. Tôi bộc phá viên tiêu diệt hai nhà ngủ, sau cùng là Tịch xạ thủ B41 cảnh giới cửa mở, tiêu diệt ổ Đại liên và hạ thủ bọn lính ở vọng gác.

Hàng rào thứ năm (ba lớp rào bùng nhùng) đã được Hiểu cắt một cách nhanh chóng, chỉ còn một lớp rào trong cùng. Ngọc Vân nhanh chóng trườn lên khắc phục mìn, phía trước là một giao thông hào bao quanh có một lớp hàng rào đơn, bên trong là đường tuần tra quanh chốt. Huyến đã trườn lên trước để cảnh giới cho Vân khắc phục mìn. Vừa lúc đó một quả pháo sáng vụt lên, tất cả cảnh vật hiện ra rõ như ban ngày. Mọi động tác, hành động như giữ nguyên bất động. Bỗng, phía cổng gác có tiếng chửi thề của bọn lính thay ca gác và tiếng ồn ào nhưng chúng tôi không nghe rõ. Tất cả lại im lặng. Pháo sáng vụt tắt. Tôi kéo tay anh Bộ xem đồng hồ đã chỉ 23 giờ, tôi nói khẽ vào tai anh: Còn một giờ nữa là đến giờ G. Anh cho em lên hỗ trợ khắc phục mìn để cắt rào không chậm mất. Anh Bộ lắc đầu không đồng ý. Mấy phút sau ba tên lính đi tuần tới phì phèo thuốc lá Rubi thơm nức, làm bọn tôi phát thèm. Tất cả nằm bất động. Bỗng một loạt AR 15 chiu chíu vào đội hình chúng tôi. Huyến tưởng bị lộ đứng phắt dậy “phụt” một quả B40 vào tốp lính đang đi tuần, một tiếng nổ chát chúa sau ánh chớp lóe lên của quả đạn B40, Huyến lắp tiếp quả đạn thứ hai và nhằm chòi gác bắn. Quả đạn vừa bay ra khỏi nòng thì cũng đúng lúc một quả đạn M79 của địch nổ ngay chỗ anh và Vân, tiếp đó pháo sáng bắn lên sáng rực cả một góc trời, súng đại liên và các loại súng khác xối xả vào hướng của Huyến và Vân. Tình hình quá bất ngờ, trận địa đã bị lộ. Anh Bộ ra lệnh cho anh em rút. Còn lại anh Bộ và anh Bính tiếp cận vị trí anh Vân và Huyến để kéo hai đồng đội đã hy sinh ra khỏi trận địa, nhưng do hỏa lực địch bắn ra quá rát, anh Bính bị thương vào đùi, không thể kéo xác đồng đội ra ngoài. Anh Bộ vội băng bó cho anh Bính và dùng hết sức mình kéo anh Bính ra khỏi các hàng rào để rút về vị trí tập kết.

Chúng tôi đã tập trung đầy đủ ở vị trí tập kết. Mọi người đều an toàn. Duy có anh Bính bị thương, y tá đã băng bó lại. Song còn lại anh Vân và anh Huyến đã hy sinh đang nằm lại trong lớp rào thứ năm. Đang bàn tính phương án đưa thi hài hai đồng đội về thì một quả pháo từ căn cứ Tân Quy nổ ngay phía bên kia rặng tầm vông. Thủ trưởng Dậu hô mọi người nằm xuống tránh kịp thời, song một số đồng đội cũng bị thương nhẹ. Theo kinh nghiệm dày dạn chiến trường của thủ trưởng Dậu và mũi trưởng Bộ, yêu cầu đội hình nằm tại chỗ để tránh phản pháo của địch. Đồng thời cử ba đồng chí lên đưa thi hài hai đồng đội Vân và Huyến về vị trí tập kết. Khi tổ cứu thương lên đến nơi thì phát hiện tụi lính trong chốt đã kéo xác anh Vân, anh Huyến vào bên trong chốt rồi. Không thể đưa thi hài đồng đội về được nữa. Toàn đội hình chiến đấu theo sự chỉ huy của chính trị viên Dậu và mũi trưởng Bộ rút về nơi đóng quân.

Một trận đánh thất bại. Đồng đội tôi ai nấy đều cảm thấy buồn bã, nhất là không mang được thi hài hai đồng đội mình về, làm cho nỗi buồn nặng hơn. Sau trận đánh, Tổ chiến đấu họp rút kinh nghiệm. Chi bộ, cán bộ, chiến sỹ C59, tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm. Mặc dù trận đánh thất bại song cán bộ, chiến sỹ Đại Đội 59 vẫn quyết tâm đánh chốt Bầu Giang lần thứ hai ngay vài ngày sau đó.

Để lên một phương án đánh hợp lý và chặt chẽ. Chỉ huy đơn vị cử anh Dương Đình Toản quê Phổ Yên - Bắc Thái (Nay là Sông Công, Thái Nguyên) và Nguyễn Ngọc Khuê quê Sơn Dương - Tuyên Quang, đi điều nghiên. Giao anh Nguyễn Khắc Thả, Chính trị viên Phó Đại đội, quê ở Gia Viễn - Ninh Bình làm mũi trưởng, anh Nguyễn Văn Tá quê Vĩnh Phú làm mũi phó, anh Trần Đức Hiểu quê Sơn Dương - Tuyên Quang cắt rào cửa mở, anh Phạm Công Tuyển B41 và Hoàng Trọng Thoan AK bộc phá viên (cùng quê Bố Trạch - Quảng Bình). Riêng anh Thoan và Tuyển chủ động tiền nhập cửa mở phụ  giáp cổng  ra vào của chốt Bầu Giang khống chế bọn lính gác ở chòi gác. Nguyễn Công Tịch (quê Yên Sơn - Tuyên Quang) B40, Hoàng Thanh Vân (quê Đại Từ - Bắc Thái) làm nhiệm vụ bộc phá lệnh, Phùng Đình Thọ (quê Yên Sơn - Tuyên Quang) bộc phá viên. Tất cả công tác chuẩn bị đã đầy đủ. Tôi và Nguyễn Viết Lăng quê Thanh Hóa, cùng y tá Bùi Văn Hạnh quê Nghệ An, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đỗ Quyết Chiến làm công tác cứu thương, nằm cách chốt Bầu Giang khoảng 30 mét.

Đúng 22 giờ ngày 11/12/1974. Từ vị trí tập kết đơn vị, chúng tôi lại tiếp tục tiền nhập đánh chốt Bầu Giang. Đội hình tới sát hàng rào ngoài cùng thì chia làm hai mũi. Thoan và Tuyển vòng sang trái khắc phục mìn và án ngữ cổng ra vào chốt Bầu Giang. Còn anh Thả chỉ huy mũi chính, giao cho anh Hiểu, anh Toản và anh Khuê vào khắc phục mìn và cắt rào cửa mở. Số còn lại cảnh giới cho đồng đội cắt rào.

Vừa bị một trận tập kích không thành của đơn vị Đặc công, bọn địch trong chốt Bầu Giang vô cùng hoảng sợ. Theo cơ sở của ta báo ra, tuy chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt được chốt Bầu Giang đêm ngày 7/12/1974, nhưng bị đánh bất ngờ nên quân địch bị thương vong khá nhiều. Tác động chính là trận đánh đã làm cho tinh thần quân địch bất an, luôn lo sợ sự xuất hiện bất ngờ của quân ta tập kích vào tận hang ổ vùng chúng kiểm soát. Bầu Giang là chốt tiền tiêu bảo vệ căn cứ Đồng Dù, Tân Quy, Bến Cát, là chiến tuyến bất khả xâm phạm để bảo vệ Sài Gòn. Vì vậy ngoài việc canh phòng cẩn mật, chúng còn cài thêm rất nhiều loại mìn để ngăn chặn quân giải phóng xâm nhập.

Ngoài những lớp hàng rào, bãi mìn dày đặc còn có cả hệ thống đèn pha, pháo sáng và sự tuần tra canh gác của bọn bảo an dân vệ. Vì vậy mà việc khắc phục chướng ngại vật để tiếp cận mục tiêu lần này của đơn vị là hết sức khó khăn, nguy hiểm. Nhích lên từng chút lại gặp mìn,.. từng chút lại gặp gia láng,... cắt một cọng giây kẽm gai cũng phải dò gỡ mìn,... Anh Hiểu toát mồ hôi khi đưa kéo cắt rào. Chốc chốc đèn pha quét qua quét lại, chốc chốc lại từng chùm pháo sáng vụt lên soi rõ từng chi tiết nhỏ quanh chốt, chốc chốc lại một loạt cực nhanh AR 15 bắn vu vơ,... chốc chốc lại một tốp bảo an dân vệ tuần tra quanh chốt... Cứ vậy, việc khắc phục mìn và cắt rào cửa mở bị cản trở, mất rất nhiều thời gian...

Đã đến giờ G mà không thấy bộc phá lệnh phát hỏa, đại đội trưởng Chiến đi đi, lại lại một cách sốt ruột, nôn nóng, vừa lẩm bẩm: Đã nếm mùi chết hụt, nên bọn địch trong chốt cảnh giác cao độ. Nhưng chúng cũng sẽ không ngờ quân ta lại có thể tập kích đánh ngay sau trận thất bại trước chưa đầy một tuần. Đây cũng là một yếu tố bất ngờ. Phương án đánh đã đưa ra rất nhiều tình huống để tìm cách xử lý, vậy mà sao giờ này vẫn chưa tiếp cận được mục tiêu. Sao vẫn chưa nổ súng nhỉ !!!

Mới ngoài 30 tuổi, tóc Đại đội trưởng đã lốm đốm sợi bạc, vì muôn mối lo riêng, chung. Gần chục năm trời cu con chưa chào đời, anh đã phải tạm biệt vợ vào chiến trường. Cu cậu giờ đã lớn, mà anh vẫn chưa được nhìn thấy mặt con; cũng không có một tin tức gì về gia đình, không biết cuộc sống hai mẹ con ra sao? Phần thì lo chỉ huy đơn vị phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ: Nhiệm vụ dẫn đường đưa các chiến sỹ biệt động vào Sài Gòn; chỉ huy bộ đội vận chuyển vũ khí đạn dược xuống nội đô; điều nghiên các mục tiêu chiến lược, rồi tổ chức trinh sát đánh tiêu diệt sinh lực địch một số chốt án ngữ đường giao liên giữa vùng giải phóng với Sài Gòn,... Sự dầy dạn chiến trường như hiện rõ trên nét mặt hốc hác, phong trần của anh.

Trời càng về sáng, thời tiết càng se lạnh, càng tĩnh mịch đến ớn người. Thế nhưng, Tổ cứu thương chúng tôi ai nấy đều bừng bừng như lửa đốt. Văng vẳng phía ấp chiến lược lác đác đã có tiếng gà gáy càng làm cho tất cả chúng tôi đứng ngồi không yên, mắt dán vào chốt Bầu Giang chờ đợi... điều gì đó...!

Chờ đợi. Rồi chờ đợi!... Không gian như chùng xuống bao phủ một điều bí ẩn đến ớn người. Trống ngực chúng tôi muốn nổ tung ra, rồi dồn nén sự hồi hộp đến nghẹt thở,... Những bước chân dồn dập, rồi ngập ngừng của Đại trưởng, những động tác chém gió, khua tay lung tung trong không khí, cũng đủ biết ông đang đoán được điều gì sắp xảy ra,... Nhìn động tác, thái độ của Đại Trưởng người chỉ huy cao nhất trong trận đấu này thực sự làm cho chúng tôi lúng túng, lo sợ,...      

 Cái gì đến rồi cũng sẽ đến. Sáng đã nhìn nhọ mặt người. Bỗng: tằng,...tằng,..tằng,... một loạt AK nổ giòn giã  như xé toang bầu không khí nặng trĩu như đang đè bẹp chúng tôi. Tiếp sau đó tiếng nổ đinh tai của B40, B41, rồi thủ pháo, lựu đạn, tiếng hò hét, chửi bới loạn xạ của địch trong chốt. Những đường đạn đỏ lừ chéo cánh xẻ, những chụm lửa tung tóe lên trời đỏ rực như pháo hoa,... khói nồng nặc bốc lên khắp chốt Bầu Giang.

Ba chúng tôi lao tới ôm Đại Trưởng như muốn tung bổng ông lên trời để ăn mừng. Trời cũng đã sáng rõ. Trong chốt sau một hồi tiếng nổ loạn xạ, giờ cũng đã ngớt. Bỗng một bóng người lò dò từ phía cửa mở xuất hiện, tôi và Lăng lao lên như một phản xạ không điều kiện, tới gần phát hiện Trần Đức Hiểu vẫn ôm kéo cắt rào và túi thủ pháo lom khom lê từng bước khó nhọc. Máu chảy ướt hết hai chân anh, tôi và Lăng đã phát hiện anh bị một đầu đạn AR15 còn găm ngay đốt xương cùng. Kịp thời băng bó và dìu anh về vị trí tập kết, khi nghe chúng tôi hỏi, anh chỉ phều phào một câu không nghe rõ: ...h...ê...ế...t....r...ồ...i... Y tá Hạnh đã kiểm tra nhịp tim và băng bó lại cho anh, và được lệnh Đại Trưởng tổ cứu thương chúng tôi rút về cứ. Anh nằm trên cáng võng, tôi và Lăng cố nâng anh lên cao, nhưng cuối cùng mấy chục mét sình lầy lội làm cho đôi tay không chịu nổi với trọng lượng 70 kg của Hiểu, chúng tôi đành kéo lê anh trên mặt sình ngập đến ngực...

Trời đã sáng hẳn, vừa rút vừa tránh phản pháo của địch, vừa lo sợ cho số phận của đội hình chiến đấu không biết ra sao, chẳng lẽ lại chết hết như giọng phều phào của Hiểu trước khi anh ngất xỉu? Chúng tôi chỉ còn đội cứu thương và một thương binh, còn các đồng chí khác đâu?

Con đường rút quân còn vất vả hơn khi xung trận, cuối cùng thì cũng đưa được thương binh về đến cứ. Điều ngạc nhiên đến ngỡ ngàng là hầu hết các đồng chí mình đã có mặt tại cứ. Đó là anh Tá, anh Tuyển, anh Thoan, anh Tịch, anh Thọ hầu như anh nào cũng bị thương phải băng bó. Riêng Hoàng Thanh Vân bị thương khá nặng băng quấn trắng đầu. Còn anh Thả mũi trưởng đâu? anh Toản, anh Khuê đâu? Các anh bị lạc hay đã...

Chúng tôi vừa đến cứ thì Thọ lao ra ôm lấy Đại trưởng nức nở như một đứa trẻ mắc lỗi nói trong tiếng nấc: Thủ trưởng ơi chúng ta lại thất bại rồi, chúng em không giữ đúng lời hứa với thủ trưởng, với đơn vị. Chúng em hầu hết đều bị thương, anh Vân mất hẳn một mắt rồi,... còn mấy anh... hy sinh rồi. Thọ lặng người, nói không ra tiếng, khóc nức nở. Thoan tiếp: báo cáo thủ trưởng trận đánh này chúng ta đã không khắc phục được chướng ngại vật. Tới sáng rồi mà vẫn còn lớp rào trong cùng không cắt được. Địch trong chốt đã dậy, một tên ra đi tiểu phát hiện đội hình hô “việt cộng” thế là Mũi trưởng Thả dùng AK tiêu diệt và anh Toản hô to “tất cả xung phong”. Mọi người nhảy qua hàng rào cuối cùng lao vào tiêu diệt các mục tiêu, nhưng... Đặc công với thủ pháo làm sao chiến đấu cường tập được với một đơn vị địch bố phòng cẩn mật như Bầu Giang. Em và Tuyển thấy tiếng AK liền hạ thủ vọng gác, tiêu diệt những tên đang nháo nhác và lao sang cửa mở chính, phát hiện mũi trưởng Thả, anh Toản, anh Khuê đã hy sinh nhưng em và Tuyển đều bị thương hơn nữa trời đã sáng hẳn nên không thể đưa các anh ra được,...

 Đại trưởng Đỗ Quyết Chiến lặng người nghe các chiến sỹ báo cáo tình hình, ông chỉ run run đôi tay nắm chặt như nuốt hận, như muốn nói với các chiến sỹ của mình rằng: Các đồng chí hãy biến đau thương thành hành động, hãy quyết tâm nhổ bằng được chốt Bầu Giang để trả thù cho các đồng đội đã hy sinh,...

Mấy ngày hôm sau, đơn vị chúng tôi bắt liên lạc được với cơ sở trong ấp cho biết: Sau trận đánh đêm ngày 7/12 địch đã đổi đơn vị khác vào thay thế. Chúng tăng cường dân phòng canh gác, tuần tra ban đêm. Cài thêm nhiều loại mìn mới, đèn pha pháo sáng bắn liên tục để cảnh giới, phát hiện đối phương tấn công. Trận đánh đêm 11 rạng sáng 12/12/1974 đơn vị đã tiêu diệt được một số tên lính. Còn ba liệt sỹ của ta bị chúng quăng xuống cái giếng cạn mà trận đánh trước chúng đã quăng xác của anh Vân, anh Huyến xuống đó. Chúng dùng thủ pháo của chính các anh quăng xuống lấp các đồng chí của mình.                                                       

Sau trận đánh chốt Bầu Giang đơn vị tổ chức họp kiểm điểm để rút ra những kinh nghiệm xương máu. Trong chúng tôi ai nấy đều băn khoăn, ân hận vì trong hai trận chiến đấu gần nhất đã không hoàn thành nhiệm vụ, mà còn hy sinh 5 đồng chí không lấy được thi hài của đồng đội...

Con nước thủy triều đã dâng mấp mé bờ con rạch Kè. Hhôm nay chúng tôi được xả hơi một ngày sau những cuộc tranh luận quyết liệt, mổ xẻ từng chi tiết trong trận chiến đấu, phê bình, rút kinh nghiệm từng đồng chí.

Nằm cạnh võng tôi là Hoàng Trọng Thoan, quê Quảng Bình, đăm chiêu nhìn đám lục bình trôi vào rạch,... Thấy vậy tôi hỏi:

- Mi lại tưởng tượng đến nàng ở quê hả? Thoan nghiêm mặt trả lời: Bậy nào! Mấy hôm nay kiểm điểm thấy đại trưởng Chiến kết luận quá đúng mi ạ. Đêm mùng 7/12 đánh, đêm 11 rạng 12 /12 đánh! hai trận đánh chốt Bầu Giang cách nhau có 5 ngày, rõ ràng đây là yếu tố bất ngờ. Địch không thể ngờ chúng ta lại đánh nhanh như rứa. Điều nghiên, trinh sát, lên phương án đánh quá ngon lành, tuyển chọn những chiến sỹ giỏi,  quá thuần thục trong cách đánh đặc công. Vậy mà không vào được hết rào,...đã thế hai trận lại phơi áo tới 5 chiến sỹ, quá đau lòng khi miềng không làm được công tác tử sỹ. Cuộc đời binh chiến của tau chưa bao chừ đau đớn như ri!                           

 Thấy hai con mắt của Thoan rớm lệ, tôi vội cắt ngang:

- Chiến tranh mà Thoan. Thắng thua là lẽ thường tình. Từ ngày chúng ta vào chiến trường đến nay đã chịu thua một trận nào đâu. Trận nào lính mình chẳng được tặng thưởng Huân chương chiến công. Đây là lần đầu tiên đơn vị mình chiến đấu bị thất bại. Thua keo này ta bày keo khác. Hãy biến căm thù này thành hành động, để trả thù cho các đồng chí đã hy sinh,... Thoan ngồi phắt dậy, nét mặt nghiêm nghị, tay chém gió, nước mắt lưng tròng, nghẹn nấc trong căm phẫn:

- Đúng là một cuộc chiến đấu bi hùng!

  ***

Đơn vị chúng tôi lại tiếp tục những nhiệm vụ mới. Chiến dịch mùa Xuân 1975 diễn ra. Đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ rất nặng nề: chuyển vũ khí đạn dược xuống nội đô để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công. Đơn vị lại được giao nhiệm vụ chiến đấu trận cuối cùng đánh chiếm giữ cầu Bình Phước đón Đại quân vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước

 

Ông Hoàng Trọng Thoan (quê Quảng Bình) cùng gia đình viếng mộ 5 đồng đội trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh 

Sau giải phóng, mỗi chúng tôi mỗi  nhiệm vụ, một số đồng đội lại trở về xây dựng quê hương,... Vì khó khăn không có điều kiện tìm kiếm, quy tập đồng đội, mãi nhiều năm sau chúng tôi mới liên hệ được với gia đình các  liệt sỹ. Rồi cùng nhau đi tìm kiếm hài cốt 5 đồng đội. Do địa hình địa vật thay đổi, mãi tới năm 2004, được sự hỗ trợ đắc lực của đội quy tập hài cốt Quân khu 7 và Thành phố Hồ Chí Minh, sự quan tâm của Sở Lao Động Thương Binh & Xã Hội TP Hồ Chí Minh, hài cốt của 5 liệt sỹ mới được tìm thấy. Do lâu ngày hài cốt đã bị phân hóa và lẫn lộn không còn nguyên vẹn. Được sự nhất trí của 5 gia đình liệt sỹ, hài cốt của các anh đã được quy tập chung trong một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Liệt sỹ  thành phố Hồ Chí Minh.    

Mỗi lần có dịp thăm chiến trường xưa, hay đi ngang qua nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi đều đến viếng và thắp cho các liệt sỹ - nhữngi dồng đội một nén nhang thơm.

                                               ***

5 đồng đội cùng chung một chiến hào. Cùng chung những ngày gian khổ, ác liệt. Cùng chia nhau một nắm gạo rang, một ngụm nước lã, từng hơi thuốc,... Còn gì chung nữa!? Xót xa thay, khi nằm trong lòng đất mẹ, họ lại cùng nằm chung trong một ngôi, trong một nghĩa trang: Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

 Nhớ đến các anh, chúng tôi nghẹn lòng. Kính dâng lên hương hồn các anh nén tâm nhang. Cầu mong  các anh yên nghỉ ngàn thu nơi đất mẹ Việt Nam yêu dấu!

                                                                    Bắc Kạn, tháng 7 năm 2020

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443263

Hôm nay

2154

Hôm qua

2305

Tuần này

21076

Tháng này

218437

Tháng qua

112676

Tất cả

114443263