Những góc nhìn Văn hoá

Ký sự Cuba [phần 1]

TÌNH HÌNH CUBA CÓ CĂNG THẲNG KHÔNG?

Trước khi đến Cuba cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2019, tôi đọc thêm một số sách vở, tin tức cũng như nghe kể về đất nước này. Ở cơ quan tôi đã có nhiều chuyến công cán sang đó. Gần nhất trước tôi cách độ gần một tháng vừa có đoàn sang.

Thông tin đã nhập vào đầu tôi cũng thật nhiều chiều.

Đất·nước Cuba. Nguồn ảnh từ internet

Đó là một quốc đảo.

Một đất nước anh hùng của những người anh hùng hiên ngang vùng Caribbean chống chọi với cấm vận của Mỹ gần 60 năm. Sau Hiệp định Paris năm 1973, Fidel Alejandro Castro Ruz sang Việt Nam và ngày 15-9 đến thăm vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất đến đây khi lỗ chỗ/xôi đỗ/da báo, nghĩa là có một số nơi đã được giải phóng và một số vùng đang nằm trong vòng kiểm soát của quân Việt Nam Cộng hòa. Tại Cao điểm 241 Tân Lâm, gần Dốc Miếu, Đông Hà, nơi căn cứ quân sự vừa được giải phóng, Fidel lại cất tiếng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Lời nói đó của Fidel đã trở nên bất hủ.

Đó là một đất nước không đến nỗi nghèo, GDP đầu người hơn 5 nghìn USD. Nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn. Hàng tiêu dùng thiếu thốn. Cái khó còn là do Cuba vẫn duy trì chính sách kinh tế tập trung, “quốc doanh”, như nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Đã có chuyển đổi tí chút với cụm từ là “cập nhật mô hình phát triển mới”. Nhưng, triển vọng phát triển theo mô hình mới còn xa vời. Mấy anh ở cơ quan tôi đi Cuba về còn kể nhiều chuyện khó nữa trong cuộc sống ở Cuba. Nghe mà có lúc thấy ớn. Vậy là, cứ âm ỉ trong đầu suốt cả chặng bay Hà Nội - Charles de Gaulle - La Habana cái câu: “Tình hình Cuba có căng thẳng không?”

 

THỦ ĐÔ LA HABANA

Mười mấy tiếng đồng hồ bay mới đặt chân xuống được thủ đô La Habana của đất nước Cuba vùng Caribbean. Đó là chưa kể đến 7 tiếng đồng hồ chờ nối chuyến ở nhà ga Charles de Gaulle của Pháp. Cuba -Việt Nam cách nhau những nửa vòng trái đất. Chênh nhau múi giờ đúng 12 tiếng. Ngày bên này nhưng đêm ở bên kia. Đang là ban ngày bên này mà chúng tôi mắt cứ lim dim. Đêm bên này mà mắt chúng tôi cứ thao láo. Viết đến đây, lại nhớ đếnChủ tịch nước của ta năm nào sang thăm Cuba nói là Cuba canh cho Việt Nam ngủ và Việt Nam canh cho Cuba ngủ.

Rồi mấy ngày dần cũng quen thôi. Người già như chúng tôi lâu quen hơn. Khi đã quen với cái đồng hồ sinh học bên này rồi thì,… lên đường về nước!

Trời La Habana trong xanh, nắng đẹp. Cao nhất khoảng 29-30 độ C, quanh năm cứ như thế. Đêm mát. Ngày nắng, nhưng vào bóng râm thì mát ngay thôi. Mà lạ. Người Cuba già trẻ gái trai cứ đầu trần mà đi, nắng mặc nắng. Trông họ vạm vỡ, khỏe. Nắng? - có hề chi. Cho nhuộm da, càng khỏe. Người da đen có, da trắng có, mà da trắng nhiều hơn.

Bầu trời nhiều quạ đến thế! Quạ đầu đỏ, to con. Lúc đầu tôi cứ tưởng là những con đại bàng, hay diều hâu gì đó, nhưng không phải. Mà chúng ăn gì nhỉ, cứ chao đi lượn lại cả ngày. Ừ, có lúc chúng tôi lên tham quan đài cao hơn 100 mét ở Quảng trường (hình như tên là “Quảng trường cách mạng”, nơi hay tổ chức mít tinh mà Fidel đến hùng biện suốt 4 - 5 tiếng đồng hồ), có những con sà xuống đậu ở gờ tháp.

Thủ đô La Habana. Nguồn ảnh luhanhvietnam.ccom.vn

Chúng tôi ở homestay, giá rẻ, tiện nghi đầy đủ không kém gì ở khách sạn. Cũng như nhiều thành phố khác ở Âu Mỹ mà tôi đến, ở mỗi nhà cứ mở vòi nước ra muốn nước nóng có nước nóng, muốn nước lạnh có nước lạnh, 24/24. Không như ở Việt Nam mỗi nhà một cái bể ngầm và ít nhất một bồn nước/bể nước trên nóc nhà, mỗi nhà treo một quả bom nước. Từ trên cao những khu nhà ở Hà Nội mà nhìn thì rõ lắm, lổn nhổn thấp cao nhưng cứ loáng nhoáng nhấp nhô những bồn nước inox. Lại trong mỗi phòng vệ sinh phải treo một cái bình đun nước nóng nữa chứ. Vừa tốn kém, vừa mất mỹ quan, vừa không an toàn. Bao giờ các thành phố ở Việt Nam mới được như La Habana vềviệc này nhỉ? Quản lý đô thị cũng quy củ.Không có cái cảnh những băng khẩu hiệu vải đỏ chăng ngang các đường phố như Hà Nội. Không có quảng cáo treo đầy cột điện. Không có những quảng cáo cỡ lớn dọc hai bên quốc lộ và đường từ sân bay về trung tâm thành phố. Không có những bảng điện tử lóa mắt quảng cáo xen vào những hình ảnh cô gái thiếu vải như ở Việt Nam. Vì Cuba chưa có kinh tế thị trường chăng? Có thể. Nhưng, định mức thế nào là hạnh phúc để xếp hạng trên thế giới chắc là không có những tiêu chí này!?

Ở homestay thì chỉ khoảng 65 USD/phòng hai người một ngày đêm, gồm cả bữa sáng. Nếu ở khách sạn thì mấy trăm USD.

Sống cùng với gia đình Cuba có nhiều cái tuyệt hay. Biết được nhiều cái cụ thể về tâm lý, tình cảm, tính cách dân tộc, và trực tiếp chứng kiến phần nào mức sống của người dân. Không như nhiều đoàn Việt Nam sang cứ ở khách sạn vừa đắt tiền lại vừa có vẻ quan liêu, cho nên khi về nước kể nhiều chuyện cứ tưởng là Cuba khổ sở lắm lắm. Cũng khổ, nhưng đâu đến nỗi. Mức GDP đầu người dân Cuba còn cao hơn Việt Nam.

La Habana đẹp thật. Kiến trúc chủ yếu là kiểu Tây Ban Nha vì trước đâylà thuộc địa của Tây Ban Nha. Ngoài ra, cócảkiến trúc Mỹ, Ý. Giáp biển, cho nên khí hậu ở đây tuyệt vời. Nhà của Đại sứ quán Mỹ ngay mép biển, to cao và đẹp, trông im ắng vớivẻ kỳ bí. Tòa nhà Capitalio như là bản sao của Tòa Capital nơi Quốc hội Mỹ làm việc ở Washington D.C. Hỏi ra thì đúng là vậy. Mỹ làm tặng cho Cuba, khánh thành được 1 năm (năm 1958) thì năm sau (năm 1959) Cuba chuyển sang chế độ chính trị mới của ông Fidel. Anh phiên dịch người Cuba khoe là trên chóp của Tòa Capitalio vừa mới được dát vàng. Dát vàng là do ông V.Putin tặng.Không biết thực hưthế nào?

Tòa nhà Capitalio là một điểm nằm trong khu phổ cổ. Đúng là phố cổ. Cổ thật cổ. Nhưng, hấp dẫn hơnphố cổ Hà Nội và phố cổ Hội. Không có cảnh xô bồ, hàng quán, chen nhau, rác bẩn. Cả phố, ngõ hun hút có khi chẳng trông thấy bóng người. Đó là lúc chưa có nhiều khách du lịch đi dạo phố. Người Cuba khoảng hơn 11 triệu chút xíu, riêng thủ đô La Habana chỉ khoảng 2 triệu. Người thưa, đất rộng (diện tích Cuba bằng 1/3 Việt Nam; còn thủ đô La Habana dân chỉ bằng 1/4 của thủ đô Hà Nội).

Không có người ăn xin. Có vài người cù bất cù bơ nhếch nhác áo quần trên phố như là tâm thần, nhưng không đến nỗi quấy rầy khách. Cũng có, nhưng hiếm, hàng xách tay lôi thôi để bán cho khách du lịch, nhưng tịnh không chèo kéo.

Đường sá đẹp, sạch. Giao thông trật tự. Lái xe cực kỳ cẩn thận. Khi qua ngã ba ngã tư nhỏ, dù không có đèn xanh đèn đỏ nhưng tài xế dừng lại một hai giây ngó bên phải ngó bên trái rồi mới cho xe đi tiếp. Hệ thống xe buýt và taxi có nhưng chắc là chưa đáp ứng kịp và chưa đủ cho nhu cầu đi lại. Ô tô công và ô tô cá nhân cũng đã nhiều rồi. Xe đủ loại, hiện đại có, cổ cũng có, dáng cổ cũng có. Có cả xe gắn máy, tuy chưa nhiều. Mà giá đắt lắm. Mỗi chiếc xe máy vào loại tốt (Spacy chẳng hạn), giá những 12.000 USD. Đi mấy ngày ở đây mà hầu như chẳng gặp một anh cảnh sát nào cả. Dân tự giác chấp hành luật pháp, thể hiện ở việc tham gia giao thông, xếp hàng trật tự mua đồ hoặc xếp hàng  lên xe buýt, v.v…Phải chăng, dân ở đâyđã trải qua chế độ tư bản khá lâu rồi, thành ra cái nếp đó, văn hóa đó, tư duy đó vẫn còn chứ không như “cái anh”phong kiến lên.

La Habana tọa trên nhiều ngách lõm xen kẽ của biển. Bờ lởm chởm đá, người ta kè vững bờ biển. Hôm sóng to, thủy triều dâng, nước biển quạt tung vào kè, bọt trắng xóa. Muốn tắm biến thì phải đi ra rìa thành phố cách độ 40-50 km. Nước biển ngay ở trung tâm thành phố trong xanh, không có một tý rác nào. Từ bờ lõm bên này nhìn sang bờ lõm bên kia thấy cảnh thành phố thật đẹp, vì dọc đó là những khu nhiều tầng của các khách sạn, nhà hàng, công sở, dân cư.

Nhu cầu sống của người Cuba đơn giản, không cầu kỳ, càng không xa xỉ. Kinh tế nhà nước. Cửa hàng bách hóa, siêu thị là của Nhà nước, không tư nhân. Chúng tôi thấy hằng ngày ở một số tụ điểm nơi chúng tôi ở, dân xếp hàng mua rau, gạo và một số thức ăn. Không có cảnh chen lấn, không có xếp hàng dài dằng dặc, có cục gạch chờ sẵn. Được một lúc, có lẽ đến giờ đi làm thì thôi. Cũng có một số hàng rong đẩy xe tay đi dọc phố, trên xe chủ yếu là trái cây: nhiều nhất là chuối, rồi đến trái bơ cũng như một số củ quả. Tôi thấy ít người mua.

Người La Habana ăn cơm (gạo) là chủ yếu. Sáng có thể ăn bánh mì, bơ, pho mát, mứt, mật ong, cà phê, trà như kiểu bên châu Âu. Cơm cứ như cơm gạo sấy, thật chán. Được cái là rau khá ngon, đặc biệt là trái bơ to và tròn như trái bưởi, bổ ra trộn cùng sa lát, cực ngon. Một bác sứ quán dặn một anh trong Đoàn trước khi sang nhờ mua cho vài yến gạo Việt Nam, đến khi ra cửa sân bay thủ đô La Habana, bác này đỡ xuống rinh ngay về sứ quán. 

Người già nhiều. Trẻ em ít. Mấy ngày ở La Habana mà rất hiếm khi trông thấy trẻ con. Dân số không tăng. Người Cuba ngại sinh đẻ. Chính sách khuyến khích mãi nhưng kết quả vẫn hạn chế. Ai mà sinh đôi thì được cấp ngay một căn hộ, nhưng các chị Cuba đâu có muốn sinh. Khác dân Việt mình, một tỉ lệ khá lớn vẫn thích để nhiều con. Người Việt Nam chỉ ở các đô thị lớn bắt đầu "mớm" vào tâm lý này. Có lẽ vài ba chục năm nữa cũng lâm vào cảnh dân số già, không chịu đẻ.

(còn nữa)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443089

Hôm nay

2285

Hôm qua

2318

Tuần này

2902

Tháng này

218263

Tháng qua

112676

Tất cả

114443089