Những góc nhìn Văn hoá

Trận quyết đấu cuối cùng trong chiến tranh Thế giới thứ hai và thời cơ của Cách mạng Tháng Tám

Sau khi phátxít Đức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (5-1945), chiến tranh tiếp tục diễn ra và chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương. Bị cô lập và phải “đơn thương độc mã” đối đầu với hơn 30 quốc gia, song giới lãnh đạo Nhật Bản vẫn không từ bỏ ý định cố thủ tại những vị trí đã chiếm được, bác bỏ tối hậu thư yêu cầu đầu hàng vô điều kiện của Anh, Mỹ, Trung Quốc. Tình hình cho thấy, nếu không có những hành động kịp thời, chiến sự sẽ tiếp tục diễn ra khốc liệt, lấy đi những sinh mạng vô tội. Vào thời điểm đó, một quyết định được đưa ra - một quyết định không chỉ làm xoay chuyển cục diện mặt trận châu Á - Thái Bình Dương, góp phần quan trọng kết thúc chiến tranh, mà còn thay đổi số phận của nhiều dân tộc; trong đó có dân tộc Việt Nam.

1- Thực lực của phát xít Nhật và vấn đề kết thúc chiến tranh

Sau một thời gian dài nỗ lực, cuối cùng, lực lượng Đồng minh cũng đã bao vây, phong tỏa quân đội Nhật tại khu vực Thái Bình Dương. Tháng 10-1944, sau khi thua đau trong trận chiến trên biển Philippines, quân Nhật hoàn toàn đánh mất lợi thế hải quân. Từ tháng 3-1945 đến tháng 6-1945, quân Nhật phải lần lượt rút lui, nhường quyền kiểm soát các đảo Iwo Jima, đảo Okinawa và hàng loạt các vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực trung tâm và phía nam Philippines, có khoảng cách tương đối gần trong tham chiếu với các đảo của Nhật. Sau khi chiếm các đảo này, Mỹ đã biến chúng thành căn cứ không quân, cho máy bay ném bom hạng nặng B-29 có sự yểm trợ của các khu trục trút bom xuống các trung tâm quân sự- công nghiệp trọng điểm trên lãnh thổ Nhật Bản.

Mặc dù bị rơi vào tình thế hết sức bất lợi, chịu thiệt hại cả về người và của, song tiềm lực mọi mặt của Nhật Bản vẫn còn khá mạnh. Nhật đang chiếm đóng một khu vực rộng lớn, bao gồm bán đảo Triều Tiên, vùng Đông và Đông Bắc Trung Quốc, bán đảo Đông Dương và hầu hết diện tích quần đảo Indonesia, sở hữu nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng cả về kinh tế - quốc phòng. Sử dụng nguồn lực ở các thuộc địa, Nhật Bản sản xuất và tự bảo đảm một khối lượng lớn vũ khí, khí tài. Trong 7 tháng đầu năm 1945, ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật đã xuất xưởng 11 nghìnmáy bay, 2 tàu ngầm, 6 tàu khu trục[1], 5nghìn súng ngắn và súng trường; 40.3nghìn súng máy; 23.2nghìn súng các loại, 200 xe tăng và pháo tự hành; 43 nghìn tàu chiến[2]...

Về kinh tế, chỉ số sản xuất tổng hợp năm 1944 của Nhật Bản là 144%, năm 1945 là 57% so với năm 1937. Sáu tháng đầu năm 1945, nước Nhật đã khai thác 23.3 triệu tấn than (năm 1944 là 49.3 triệu tấn), 1.174 nghìn tấn quặng sắt (năm 1944-3.504 nghìn tấn); sản xuất 20.1 tỷ  kW điện/giờ (năm 1944-32.2 tỷ kW/giờ); luyện 2.088 nghìn tấn thép (năm 1944 -5.916 nghìn tấn), 8.7.00 nghìn tấn nhôm (năm 1944-110.4 nghìn tấn), 40.2 nghìn tấn đồng (năm 1944-99.0 nghìn tấn); thu hoạch 5.8 triệu tấn gạo (năm 1944-8.8 triệu tấn)[3]. Công nghiệp đóng tàu có mức tăng trưởng mạnh: Nếu trước chiến tranh, mỗi năm ngành này đóng được 600 nghìn tấn trọng lượng, thì năm 1943 là 1.120 nghìn tấn, còn năm 1944 lên đến 1.550 nghìn tấn[4].

Trong hai năm 1944-1945, Nhật Bản tích cực xây dựng quân đội, hình thành thêm nhiều sư đoàn mới, bao gồm cả bộ binh, xe tăng, hải quân và đến mùa Hè năm 1945, quân đội Nhật bản có số quân thường trực khá lớn: 7,2 triệu người (trong đó có 5,5 triệu bộ binh), 11 nghìn máy bay, gần 500 tàu chiến các loại[5]. Với tiềm lực kinh tế - quân sự như thế, bộ máy lãnh đạo Nhật Bản chưa bao giờ hết hy vọng kết thúc chiến tranh “một cách thể diện”, bảo toàn tinh thần quốc gia (kokutai). Giới quân phiệt Nhật Bản tính rằng, nếu giữ vững các đô thị, các vùng đất như Mãn Châu, Hàn Quốc, Đông Dương... thêm một thời gian nữa, quân đội Nhật sẽ khiến quân đội Anh, Mỹ tiêu hao lực lượng và hai quốc gia này sẽ buộc phải nhượng bộ. Chi phối bởi quan điểm đó, trước đề nghị đầu hàng vô điều kiện do Hội nghị Postdam đưa ra (7-1945), Thủ tướng Nhật Suzuki Kantarotuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ đề nghị này. Chúng tôi sẽ tiếp tục không lùi bước và tiến về phía trước đến khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến”[6].

Thật vậy, đối phó với Nhật Bản quả không hề dễ dàng. Theo như kế hoạch tấn công phát xít Nhật có tên “Operation Downfall” do Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ trình lên Tổng thống Truman, thì để đập tan quân đội phát xít Nhật trên lãnh thổ nước này cần 5 triệu binh lính, trong khi lực lượng đồng minh chỉ có tất cả là 2.458 nghìn binh lính với 19.300 máy bay và 711 tàu chiến các loại[7]. Điều đáng lo ngại hơn cả là chiến trận có thể kéo dài đến cuối năm 1946, thậm chí là vắt sang cả năm 1947 với số thương vong, hy sinh giao động trong khoảng từ 1,2- 1,3 triệu người[8]. Cũng có thể số hy sinh sẽ lớn hơn thế, bởi quân đội Nhật có tinh thần quyết tử rất cao, quyết chiến đấu đến cùng rồi tự sát. Sự lợi hại của ngót 100 triệu thường dân Nhật luôn sẵn sàng chết theo kiểu Võ sĩ đạo càng khiến các tướng lĩnh quân đội Anh, Mỹ lo lắng. Thêm vào đó, tin tức tình báo cho biết người Nhật đã chuẩn bị sẵn một lực lượng chiến đấu “bản thổ quyết chiến”, hy sinh đến người cuối cùng theo tinh thần Bộ trưởng Quốc phòng Anami Korechika: “Thề quyết bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này, quyết chiến đấu đến cùng, dù cho núi sông cây cỏ tan thành mây khói. Hãy tin là từ chỗ chết sẽ tìm được đường sống!”[9].Những yếu tố đó khiến Tổng thống Winston Churchill không khỏi ngần ngại khi nhắc đến “quyết tâm chiến đấu và hy sinh đến độ hoang tưởng” của một đạo quân được trang bị tốt, có kỹ năng chiến đấu thuần thục bao gồm cả người dân và quân lính Nhật[10]. Dày dạn kinh nghiệm chiến trường, Tướng Mỹ Douglas MacArthur thận trọng trù tính cuộc chiến có thể kéo dài hơn thế, lên đến 6-7 năm, với mất mát không hề nhỏ (dự tính Mỹ sẽ hy sinh khoảng 1 triệu người, Anh - hơn nửa triệu và Nhật Bản - trên dưới 10 triệu người)[11]. Tình thế phức tạp đó và yêu cầu về kết thúc cuộc chiến nhanh gọn, ít tổn thất trở thành mối quan ngại lớn nhất lúc đó của các nguyên thủ khối các nước Đồng minh.

 

2- Trận chiến cuối cùng và thảm bại của phát xít Nhật

Trong tình thế khó khăn như đã nói ở trên, các nhà phân tích quân sự nhận thấy chỉ có thể giảm bớt thương vong, thiệt hại, thúc đẩy Nhật Bản nhanh chóng đầu hàng bằng cách ra một đòn quyết định, đánh bại ý chí chiến đấu của quân đội Nhật thông qua một thất bại có ý nghĩa chiến lược. Khu vực Mãn Châu - Triều Tiên, một vị trí địa - quân sự, địa - kinh tế quan trọng đối với Nhật Bản, nơi có  hơn 1 triệu quân Quan đông thấm đẫm tinh thần samurai là một lựa chọn thích hợp.

Từ những năm 30-40 (XX), Mãn Châu đã được biến thành một công xưởng khổng lồ, một khu công nghiệp -quốc phòng sản xuất lương thực, thực phẩm và số lượng lớnvũ khí, khí tàisự (máy bay, pháo hạng vừa và nhỏ, xe tăng, ô tô...), cung cấp 55% tổng số nhiên liệu tổng hợp cho Nhật Bản. Sau khi mất nguồn dầu từ Indonesia, giới cầm quyền Nhật Bản quyết định biến Mãn Châu thành nơi sản xuất nhiên liệu thay thế từ than đá và đá phiến dầu mỏ đạt sản lượng 2 triệu tấn/năm[12].Từ đây, các kim loại quý hiếm như quặng sắt, than, kim loại nhẹ, vonfram, hợp kim...được ráo riết khai thác và chở về Nhật Bản.Đến đầu năm 1945, khi các đảo lớn của Nhật Bản thành chiến trường, Mãn Châu đóng vai trò là hậu phương lớn của toàn bộ nước Nhật. Ngoài nhiệm vụ trấn giữ tại chỗ, Đạo quân Quan đông tinh nhuệ ở Mãn Châu còn là lực lượng ứng cứu nhanh, hiệu quả nếu như Nhật Bản bị tấn công. Với tầm quan trọng như thế, mất vùng đất này, mất các cơ sở kinh tế, tài nguyên có tính rường cột, Nhật Bản chẳng khác nào như bị rút mất cột chống lưng, khó có thể tiếp tục cuộc chiến tranh hao người tốn của.

Thực hiện kế hoạch đánh bại Nhật tại Mãn Châu, các nước Đồng minh tính đến việc đề nghị Liên Xô tham chiến. Phải nói thêm rằng, đây không phải lần đầu tiên các nước Đồng minh hối thúc Liên Xô chiến đấu chống phát xít Nhật. Ngày 8-12-1941, một ngày sau khi hạm đội Nhật Bản tấn công vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, Tổng thống F. Roosevelt yêu cầu Chính phủ Liên Xô đứng về phía Hoa Kỳ chống Nhật. I.V.Stalin đã từ chối, giải thích việc đó có thể làm căng thẳng quan hệ và làm bùng nổ chiến tranh Xô-Nhật, đẩy Liên Xô vào thế phải dàn quân chiến đấu trên hai mặt trận. Tuy nhiên, trong một động thái ngoại giao và “giữ gôn”,  I.V.Stalin hứa sẽ xem xét đề nghị đó, sẽ ra quyết định vào một thời điểm thích hợp tùy thuộc vào diễn biến trên mặt trận Xô-Đức. Trong Hội nghị Têhêran năm 1943, câu chuyện tiếp tục được nhắc lại, song lần này I.V.Stalin tỏ ý sẵn sàng chấp thuận nếu giành quyền tăng sự hiện diện tại Viễn Đông lên gấp ba lần. Cuối cùng, tại Hội nghị Yalta (2-1945), các chi tiết và điều kiện trao đổi để Liên Xô chấp nhận “nhập cuộc”, tham gia mặt trận Thái Bình Dương đã được “đóng dấu” bằng một thỏa thuận bí mật giữa Nguyên thủ ba nước Mỹ - Xô - Anh.

Quân đội Liên Xô giải phóng thành phố Hắc Long Giang trong Chiến dịch Mãn Châu

Lôi kéo bằng được Liên Xô tham gia mặt trận chống phát xít Nhật, hai nước Anh, Mỹ đã cân nhắc kỹ mọi hơn thiệt. Ngoài tránh tổn thất của chính mình, việc tiêu diệt phát xít Nhật bằng sức lực của Liên Xô đích thực là một mũi tên trúng hai đích: Hạ gục một đối thủ (Nhật Bản) luôn cạnh tranh và đe dọa quyền lợi chính trị, kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời, làm suy yếu một đối thủ khác (Liên Xô) đang cạnh tranh một cách mạnh mẽ ảnh hưởng trên toàn cầu, nhất là khi đối thủ đó đang tăng nhanh tiềm lực mọi mặt sau những thắng lợi trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Về phía Liên Xô, đáp ứng đề nghị của Đồng minh, quyết định tuyên chiến với Nhật, ngoài lý do góp phần sớm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô còn có ít nhất ba mục tiêu lớn: 1- Đảm bảo an ninh biên giới vùng Viễn Đông; 2- Lấy lại lãnh thổ đã mất trong chiến tranh với Nhật (1904-1905); 3- Mở rộng lãnh thổ và vùng ảnh hưởng ở phía Đông, mở đường cho tàu thuyền của Liên Xô qua lại trên biển Đông[13].

Thực hiện cam kết, Liên Xô khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch tiến đánh Mãn Châu, phác thảo và thực hiện một kế hoạch tỉ mỉ, cẩn trọng, kỹ lưỡng bao gồm hàng loạt các biện pháp chính trị - ngoại giao, quân sự - kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc và được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Bộ Chỉ huy tối cao. Từ tháng 2 đến tháng 7-1945, Liên Xô tăng cường chuyển đến Mãn Châu những nguồn lực to lớn (1,7 triệu sĩ quan, binh lính, 30 nghìn các loại vũ khí, mìn, đạn dược, 5,2 nghìn xe tăng, hơn 5 nghìn máy bay và 93 tàu chiến[14]) nhằm đối đầu một cách áp đảo và chiến thắng đạo quân thiện chiến có nền tảng quân sự khá tốt (quân Quan đông có 1 triệu người, sở hữu 17 khu vực phòng thủ vững chắc, hơn 4,5 nghìn hỏa điểm, ụ súng, công sự kiên cố, rất nhiều sân bay, bãi đỗ, 1,2 nghìn xe tăng, 1,9 nghìn máy bay, 6, 6 nghìn súng ống, đạn dược[15]).

Ngày 8-8-1945, tại Moscow, Chính phủ Liên Xô trao cho Đại sứ Nhật Bản một Bản tuyên bố đơn phương chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước trung lập Xô - Nhật[16] và từ ngày 9-8-1945 trở đi, Liên Xô tuyên bố đặt mình vào tình trạng có chiến tranh với Nhật Bản. Cùng ngày, Hồng quân Liên Xô mở cuộc tấn công Mãn Châu đồng loạt từ mọi hướng, các mũi tấn công tiến triển rất thuận lợi. Liên Xô đã nhanh chóng giành thắng lợi trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi, kết thúc chiến dịch vào ngày 2-9-1945. Cùng với hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản ngày 6 và 9 -8 - 1945, thành công của chiến dịch Mãn Châu đã góp phần khiến đế quốc Nhật Bản phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Sự thảm bại của Nhật Bản không chỉ là một ngã rẽ bất ngờ đối với chính nó, mà còn tác động, xoay chuyển, góp phần làm thay đổi con đường phát triển, hướng đi của một số quốc gia.

Thành phố Hirôsima của Nhật Bản hoang tàn sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này

 

3- Nhân dân Việt Nam chớp thời cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa

Cuối chiến tranh thế giới thứ hai, ván bài giữa các nước lớn Đồng minh đã được lật ngửa và hạ xuống. Những tính toán vĩ mô trên bàn cờ nước lớn, bất luận muốn hay không, luôn để lại những kẻ hở, những khoảng trống có thể mở ra hoặc đóng chặt lại  cánh cửa đối với những quốc gia liên quan.

Với Việt Nam, ngay từ khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai vừa nổ ra, cuốn không ít các vùng lãnh thổ vào vòng xoáy của nó với một viễn cảnh hết sức ảm đạm, thì Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhìn thấy và hoàn toàn tin tưởng vào khả năng/cơ hội thoát kiếp nô lệ mấy trăm năm, dự báo về một trào lưu cách mạng sôi sục khi hết thảy dân chúng bị áp bức sẽ thừa cơ đứng dậy, đập tan gông cùm đè nặng hàng mấy chục thế kỷ, liều sống liều chết đấu với đế quốc xâm lược, vứt đi cái ách tôi đòi[17]. Trong mây đen, khói lửa u ám,ngột ngạtcủa chiến tranh, phân tích cuộc chiến về tổng thể, nhìn nhận chặng đường hai tháng ngắn ngủi mà cuộc chiến đi qua, Đảng Cộng sản Đông Dương khẳng định một cách chắc chắn: “Cuộc khủng hoảng kinh  tế,  chính  trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh lần này sẽ  nung  nấu  cách mệnh Đông Dương nổ bùng và tiền đồ cách  mệnh  giải  phóng Đông Dương nhất định sẽ quang minh  rực  rỡ”[18].

Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh tư liệu

Bám sát và nắm chắc những vận động, biến đổi trên trường quốc tế, ở Đông Dương và trong phong trào cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thay đổi chính sách[19], giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, giải quyết “một cách khôn khéo” quan hệ giữa cách mệnh phản đế  và  điền  địa[20], kêu gọi lòng ái quốc chân  chính, kêu gọi thống nhất dân tộc, làm cho mỗi người có ý thức về sự tồn vong của dân tộc, huy động đông đảo dân chúng vào “con đường đánh đổ đế quốc Pháp,  chống  tất  cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng  để  giành  lấy giải phóng độc lập”[21]. Sau khi Nhật vào  Đông  Dương(26-6-1940), nhận thấy chính sách hèn đớn của Pháp và những hành vi bạo ngược của Nhật đã khêu gợi tinh thần phản đếcủa nhân dân; đồng thời, ýthức sự nghiêm trọng của thời cuộc, sự phó thác của lịch sử, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định “phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh  thiêng  liêng:  lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương  võ  trang  bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”[22].

Đánh giá mọi chiều cạnh, đặc điểm, xu hướng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, bắt mạch tình hình trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương hướng toàn bộ hoạt động vào việc chuẩn bị cho một cuộc toàn dân nổi dậy giành chính quyền. Đó là quá trình tiếp nối truyền thống và kinh nghiệm đấu tranh những năm 1930-1939, không ngừng xây dựng lực lượng rộng khắp, bao gồm lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng an toàn khu, căn cứ địa, phát động, lãnh đạo phong trào đấu tranh, thúc đẩy tình thế cách mạng nhanh chóng chín muồi. Trong toàn bộ những hoạt động tích cực, chủ động, khẩn trương đó, nhiệm vụ trung tâm là bám sát mọi diễn biến, tỉnh táo phân tích để dự báo thời cơ, thúc đẩy thời cơ, xác định chính xác và nắm bắt thời cơ. Trong các văn kiện, chỉ thị, thông báo, thư ngỏ... của Đảng Cộng sản Đông Dương, vấn đề thời cơ luôn được nhắc tới, lật đi, lật lại, cân nhắc kỹ mọi bình diện để có thể đưa nhận định, đánh giá, kết luận kịp thời và chuẩn xác. Trên quan điểm “nếu cuộc đế quốc  chiến  tranh  lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ  nghĩa  thì  cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều  nước  xã  hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước  thành  công”[23], những năm 1941-1945, các vấn đề, sự kiện có tính mấu chốt liên quan trực tiếp tới cuộc chiến tranh thế giới thứ hai như chính sách của các nước Đồng minh, vai trò của Liên Xô, chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật đảo chính Pháp... là tâm điểm của mọi sự chú ý, mổ xẻ và luận bàn trong Đảng.

Là kết quả  nỗ lực bền bỉ của cả một quá trình lâu dài, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nắm bắt kịp thời sự kiện “ngày 12-8-1945, giặc Nhật đã hoàn toàn tan rã và đã xin đầu  hàng  quân  Đồng minh”[24], ra Mệnh lệnh khởi nghĩa phát động 10 việc cần làm ngay. Mau lẹ chớp lấy thời cơ chỉ có một, khi chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô trong cuộc quyết chiến cuối cùng tại Mãn Châu đẩy phát xít Nhật vào thế tiến thoái lưỡng nan không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng vô điều kiện (vào 12 giờ trưa ngày 13-8-1945),  Ủy ban Khởi nghĩa chính thức phát Lệnh khởi nghĩa, tuyên bố thời khắc thay đổi vận mệnh dân tộc đã điểm, “cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền  độc  lập  của nước nhà”[25]đã đến, kêu gọi toàn thể nhân dân đạp qua muôn trùng trở lực, kiên quyết  tiến lên.

Phân tích, phán đoán tình hình, hành động cương quyết, nhanh nhạy, “với một tinh thần vô cùng  quả  cảm, vô cùng thận trọng”[26], cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã  nổ ra đúng lúc, kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố bên trong với bên ngoài, dân tộc với quốc tế, chọn khi kẻ thù cũ đã ngã gụctrong trận chiến cuối cùng và kẻ thù mới chưa kịp đến; nhờ đó, đã thắng lợi hoàn toàn, nhanh chóng, không tốn máu xương.

     ***

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ là kết quả tất yếu của những mâu thuẫn đối kháng giữa nhiều lực lượng khác nhau trên thế giới; đồng thời, nó cũng kéo theo và làm sâu sắc thêm hàng loạt mâu thuẫn có tính chất hệ quả khác. Đặc điểm ấy đã phần nào giải thích cho sự phát triển như vũ bão của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với khát vọng cháy bỏng: Độc lập, tự do. Sự đóng góp của quân Đồng Minh và trận quyết chiến cuối cùng của Hồng quân Liên Xô đã mở ra cơ hội, vận hội cho nhiều quốc gia. Có điều, tính díc dắc của lịch sử đã không đưa tất cả cuộc đấu tranh và các quốc gia đó cùng tịnh tiến trên một đường ray để hoàn thành mục tiêu độc lập dân tộc thông qua hình thức làm cách mạng, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền - cách thức như thế chỉ diễn ra ở một nước duy nhất: Việt Nam. Câu trả lời, ở một mức độ nhất định, có thể tìm thấy khi phân tích nhận thức, hành động đối với những yếu tố khách quan của chủ thể lãnh đạo cuộc cách mạng đó (Đảng Cộng sản Đông Dương) trong nhận định thời cơ và chớp thời cơ. Cây bút lý luận sắc bén Trường Chinh đã viết về những điều kiện khách quan ấy như sau:“Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai mang lại cho dân tộc Việt Nam một cơ hội hết sức thuận lợi: kẻ thù của cách mạng Việt Nam là phát xít Nhật, Pháp tự loại trừ nhau, rồi phát xít Nhật, kẻ đã quật đổ thực dân Pháp, lại bị Hồng quân Liên Xô đánh bại”[27]. Đảng Cộng sản Đông Dương đã nắm bắt yếu tố khách quan do cuộc chiến tranh thế giới thứ hai mang đến, kết hợp chúng với các yếu tố chủ quan vốn được hình thành, phát triển trong quá trình vận động cách mạng, lãnh đạo nhân dân Việt Nam “bồi thêm cho chúng một nhát là đủ giành được chính quyền”[28]. Phân tích như thế để thấy rằng, vốn là kết quả hội tụ của điều kiện khách quan và chủ quan, nếu như không có điều kiện chủ quan tốt, Cách mạng tháng Tám không thể thắng lợi dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến mấy; và tất yếu, trong chiều ngược lại, nếu như không có điều kiện khách quan thuận lợi được tạo nên bởi chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Nhật, Cách mạng tháng Tám cũng khó có thể thành công dù điều kiện chủ quan có tốt đến đâu.

 


[1] J. B. Cohen: Japan's Economy in War and Reconstruction,Univ of  Minnesota Press, 1949, p. 226.

[2] Зимонин В. П: Регион в огне. Узловые проблемы войны на Тихом океане, Изд. Иностранной литературы, М., 1993, c. 320.

[3] Зимонин В. П: Регион в огне. Узловые проблемы войны на Тихом океане, Там же, c. 319

[4] Центральный военно-морской архив (ЦВМА): Ф. 2450. Оп. 028518. Д. 1. Л. 51.

[5] Большая Советская энциклопедия. 3-е изд., М., 1976. т. 25, с. 599.

[6] История войны на Тихом океане, Т. 4. Изд. Иностранной литературы. М., 1958. c. 201.

[7] Министерство обороны Российской Федерации:  Великая Отечественная война 1941 – 1945 годв, M, 2008, T.5, c.426.

[8] История второй мировой войны 1939-1945 гг, М, Воениздат,1982, T. 11, с. 25

[9] Butow, Robert J. C: Japan's Decision to Surrender,Stanford University Press, 1954, p.62.

[10]Churchill W. The Second World War. Vol. 6. Triumph and Tragedy. N. Y., 1974. P. 536–537.

[11]Stimson H., Bundy M. On Active Service in Peace and War. N. Y., 1948. P. 619; Churchill W. The Sec-

ond World War. Vol. 6. P. 545.

[12] История Второй мировой войны 1939–1945 гг. Т. 11. c. 179.

[13] Hiệp ước Ianta giữa ba cường quốc về vấn đề Viễn Đông có nội dung chính như sau: 1-Giữ nguyên hiện trạng (statusquo) Ngoại Mông; 2- Khôi phục lại tất cả các quyền lợi của Liên Xô bị mất bởi cuộc tấn công của Nhật năm 1904, gồm: a) trả lại cho Liên Xô vùng phía Nam đảo Xakhalin và tất cả các đảo xung quanh thuộc nó; b) quốc tế hóa thương cảng Darien cùng với việc đảm bảo đặc lợi của Liên Xô tại cảng này và khôi phục việc cho thuê cảng PortArthur như là căn cứ hải quân của Liên Xô; c) cùng khai thác tuyến đường sắt Đông Trung Quốc và Nam Mãn Châu tới cảng Darien cơ sởcủa một hiệp hội hợp tác Xô - Trung với sự đảm bảo đặc lợi của Liên Xô, song Trung Quốc vẫn giữ đầy đủ chủ quyền ở Mãn Châu; 3-Trả lại cho Liên Xô Quần đảo Kuril. Rất có thể các thỏa thuận liên quan đến Ngoại Mông, các cảng được nhắc đến trên đây và các tuyến đường sắt đòi hỏi sự đồng ý của Tưởng Giới Thạch. Dướisựcố vấn của Đại tướng Stalin, Tổng thống sẽ thự chiện các biện pháp để đảm bảo có được sự đồng ý đó [Внешняя политика Советского Союза в период Отечественной войны, T.З.М , 1947, с. 111-112].

[14] История войны на Тихом океане, TK, c. 234.

[15] История войны на Тихом океане.TK, c. 235.

[16] Để rảnh tay chiến đấu với phát xít Đức, ngày13-4-1941, hai năm sau khi kếtt húc chiến tranh biên giới Xô – Nhật, Liên Xô đã ký với Nhật Hiệp ước Xô - Nhật (hay còn ược gọi là Điều ước trung lập Xô - Nhật) nhằm đảm bảo  tính trung lập giữa Liên Xô và Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai mà cả hai nước cùng tham gia. Do đó, khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Liên Xô đứng ngoài cuộc chiến.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 6, tr.515-516.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập6, tr.512.

[19]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập6, tr.537.

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập6, tr.538.

[21] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.536.

[22] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,  tập7, tr.54-55.

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập7, tr.100.

[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập7, tr.429.

[25] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập7, tr.421.

[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập7, tr.422.

[27] Trường-Chinh Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, t. I, tr. 131.

[28] Trường-Chinh Tuyển tập, Sđd, tr. 131.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440672

Hôm nay

2267

Hôm qua

2309

Tuần này

2576

Tháng này

215846

Tháng qua

112676

Tất cả

114440672