Những góc nhìn Văn hoá

Tove Jansson và thương hiệu Mumi

1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Tove Jansson

Tove Jansson tên đầy đủ là Tove Marika Janssonsinh ngày 9.11.1914 trong một gia đình cả bố và mẹ đều là người Phần Lan gốc ThụyĐiển ở Helsinki. Bố bà là một nhà điêu khắc, mẹ là một họasĩ đồ họavà là một kho truyện cổ tích của gia đình. Còn hai em trai thì một là nhà nhiếp ảnh, một là nhà văn, họasĩ. Được thừa hưởng năng khiếu hội họa từ cả cha và mẹ từ khi mới chào đời, nên dễ hiểu là Tove Jansson yêu thích hội họa và bước vào con đường nghệ thuật từ rất sớm. Tove được cho là đã “học vẽ từ mẹ mìnhtrước khi học đi”. Gia đình Tove Jansson là những người có lối sống tự do, phóng khoáng và yêu thích nghệ thuật. Cứ vào mỗi mùa Hè cả gia đình thuê một nhà nghỉ trên một hòn đảo ở Porvo (cách Helsinki 50 km) để đến nghỉ và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 9. Còn mùa Đông, cả nhà lại quây quần bên studio của gia đình ở Helsinki và lắng nghe những câu chuyện cổ tích do người mẹ đọc hay kể lại. Được tắm mình trong bầu không khí đó của gia đình cho tới tận năm 28 tuổi (trừ những năm du học ở nước ngoài), Tove Jansson đã mơ ước trở thành một họa sĩ. Tư tưởng và lối sống giàu nhân ái của gia đình đã làm nên nền tảng cho những sáng tác của Tove Jansson.

Năm 1930, khi mới 16 tuổi, Tove Jansson học hội họavà nghệ thuật ở Stockholm (ThụyĐiển). Vào thời gian đó bà bắt đầu vẽ tranh biếm họavà minh họacho tờ tạp chí cấp tiến có tư tưởng chống phát xít Đức là Garm của Thụy Điển và làm việc cho tờ tạp chí này tới năm 1953, tức 23 năm. Năm 1933, bà trở lại Helsinki và học ở Học viện Nghệ thuật đến năm 1937. Nhưng một năm sau, bà sang Pháp và học ở trường Ecole des Beaux Arts ở Paris. Trong thời gian này Tove Jansson đi nhiều nơi ở Pháp, Đức, Italia và tham dự nhiều triển lãm ở Phần Lan cũng như ở các nước này. Bởi vậy vào cuối những năm 1930 và 1940, Tove Jansson được đánh giá là một trong số họa sĩ trẻ có tiếng nhất ở Phần Lan. Đầu năm 1947-1948, bà sáng tác và vẽ các cột tranh truyện hài hước Mumi cho tờ báo Ny Tid (Thời đại mới) của Phần Lan.

Tove Marika Janson (1914-2001)

Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của Tove Jansson bắt đầu từ năm 1954, khi bà được Hiệp hội Báo chí Anh mời vẽ các cột tranh truyện hài hước (cartoon strip) với hình Mumi cho tờ báo Tin tối London (The London Evening News), tờ nhật báo buổi tối có số bản ấn hành lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Các cột tranh Mumi của Tove Jansson đã thành công không ngờ, vượt ra khỏi vị trí thứ yếu bên lề tờ báo, khích lệ bà mở rộng các câu chuyện, vẽ và viết nhiều hơn.

Trong vòng 5 năm liền vẽ cho báo Tin tối London (từ 1954-1959), mỗi tuần 6 số từ thứ hai đến thứ bảy bà đã vẽ và viết lời 1,645 cột tranh với 21 câu chuyện về Mumi, với sự giúp đỡ của em trai Lars Jansson, người thay Tove thực hiện công việc này sau năm 1959 đến tận năm 1975.

Tove Jansson là một nghệ sĩ làm việc không ngừng nghỉ. Năm 1983, ở tuổi 69, Jansson đã khẳng định rằng: ”Người nghệ sĩ không về hưu”. Và bà đã chứng minh điều đó bằng sự nghiệp lao động nghệ thuật đầy sáng tạo và phong phú của mình kể từ thuở ấu thơ với những bức vẽ ban đầu được công chúng biết đến ở tuổi 13cho đến những tác phẩm cuối cùng ở độ tuổi 80[1]. Ngoài 9 cuốn truyện Mumi sáng tác và tự minh họa (từ 1945-1970), Tove Jansson còn sáng tác 4 cuốn sách tranh Mumi (1952-1977), 10 tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn dành cho người lớn (từ 1970-2001), một số kịch bản phim, sân khấu và lời bài hát.

Bên cạnh vẽ, sáng tác và minh họacho truyện của mình, Tove Jansson còn vẽ bìa và minh họacho tác phẩm của nhiều tác giả khác trên thế giới, trong đó đáng chú ý là The Hobbit của J. R. R. Tolkien và Alice in Wonderland của Lewis Caroll. Ngoài ra, Jansson còn vẽ rất nhiều tranh chân dung, tranh tường, tranh phong cảnh thiên nhiên và cả một số tranh trừu tượng.

Tuy nhiên, tác phẩm được yêu thích và nổi tiếng trên thế giới nhất của Tove Jansson là bộ truyện với tranh minh họa về Mumi (gồm 9 cuốn) được xuất bản từ năm 1945 đến 1970. Những con Mumi do Jansson sáng tạo nên có hình dáng mập mạp với cái mõm dài, cái đuôi thon nhỏ, bộ lông dày, trắng muốt, mịn màng trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Tất cả đều là những con vật tưởng tượng, nhưng suy nghĩ và nói năng, ứng xử như con người. Mỗi nhân vật có một tính cách, sở thích và lối sống riêng nhưng đều có một điểm chung là yêu quý thiên nhiên và rất giàu lòng vị tha, bác ái.

Bộ truyện lấy chất liệu và cảm hứng từ chính gia đình Jansson. Mỗi cuốn truyện đều phản ánh một giai đoạn của cuộc đời bà. Tove Jansson đã tạo nên một thế giới thanh bình như trong truyện cổ tích của xứ Bắc Âu với cuộc sống đầy nhân bản, không có bạo lực và thù hận. Những câu chuyện theo trí tưởng tượng của Jansson về cuộc sống của các nhân vật Mumi kết hợp với những tranh minh họa bằng nét vẽ đen - trắng rất thanh tú và mềm mại của bà khiến cho các tác phẩm Mumi hấp dẫn và lôi cuốn không chỉ trẻ em mà cả người lớn khắp nơi trên thế giới. Phillip Pullman, nhà văn nổi tiếng Anh, tác giả của His Dark Materials đã gọi Tove Jansson “là một thiên tài”[2] và “đáng lẽ phải được nhận giải thưởng Nobel”[3].

Cho đến nay bộ truyện về Mumi của Jansson đã được dịch ra 50 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. Điều vinh dự với Mumi tiếng Việt là bản dịch duy nhất được Tổng thống Phần Lan 2 nhiệm kỳ liền (2000-2012), Tarja Halonen - người mà nhân dân Phần Lan yêu mến gọi là Mumi Mẹ của họ - viết lời tựa cho cuốn Mumi đầu tiên: Chiếc mũ của phù thủy. Năm 2018, cuốn truyện Mumi cuối cùng, Thung lũng Mumi tháng mười một, đã được xuất bản. Như vậy, sau 8 năm (2010-2018), trọn bộ truyện Mumi gồm 9 cuốn đều đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Còn truyện tranh của Jansson đã được dịch ra 60 ngôn ngữ khác nhau và in trên 120 tờ báo của 40 quốc gia. Tác phẩm của Jansson được so sánh với những tác giả nổi tiếng thế giới như Lewis Caroll và J.R. Tolkien. Tove Jansson hiện là nhà văn Phần Lan thứ hai có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất sau Elias Lönnröt với Kalevala (56 ngôn ngữ). Người ta ước tính rằng cho tới nay có tới 15 triệu bản truyện Mumi đã được bán trên khắp thế giới[4]. Ở Phần Lan, ngoài việc tái bản lại các truyện và truyện tranh Mumi của Tove Jansson, đề tài và hình ảnh Mumi còn được một số các tác giả khác viết tiếp.

Trong cả sự nghiệp của mình, Tove Jansson đã nhận được 50 phần thưởng các loại. Trong đó đáng kể nhất là Giải thưởng Hans Christian Andersen (1966), Giải thưởng văn học nhà nước Phần Lan 3 lần (1963, 1971 và 1982), huân chương Phần Lan (1976), Giải thưởng Topelius (1978), Giải thưởng văn hóa Thụy Điển (1983), Giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phần Lan (1990), Giải thưởng Nghệ thuật Phần Lan (1993), Giải thưởng Viện Hàn Lâm Thụy Điển (1994)… Tove Jansson còn được phong là Giáo sư danh dự của Viện Đại học Åbo (Turku, Phần Lan) năm 1978.

Nhiều triển lãm về Tove Jansson đã được tổ chức không chỉ ở Phần Lan mà còn ở nhiều nước khác. Đáng chú ý là năm 2010, nhân 65 năm cuốn truyện Mumi đầu tiên được xuất bản, hai triển lãm lớn về Tove Jansson và Mumi được tổ chức ở Phần Lan và Bỉ. Triển lãm ”Moomin: Tove Jansson’s Dreamworld” (Mumi: Thế giới mơ ước của Tove Jansson) do Trung tâm Truyện tranh Bỉ tổ chức từ ngày 2.3.2010 đến 29.8.2010 tại Brussels là triển lãm quy mô nhất về Jansson và Mumi được tổ chức ở nước ngoài cho đến thời điểm đó[5]. Cũng trong năm này một cuộc thi vẽ tranh về đề tài Mumi đang được tổ chức trên phạm vi tất cả các nước Bắc Âu. Kể từ năm 1992 đến nay đã có tới 9 bộ tem Tove Jansson và Mumi được phát hành ở Phần Lan.

Năm 2014, kỷ niệm 100 năm sinh Tove Jansson, hàng loạt hoạt động với nhiều hình thức khác nhau nhằm giới thiệu Cuộc đời và sự nghiệp của Tove Jansson đã được tổ chức rất nhiều nơi ở Phần Lan và nước ngoài, như: Thụy Điển, Hà Lan, Australia, Nhật Bản, Hungary và cả ở Việt Nam[6]. Tháng 1 năm  2014 hai tem chân dung Tove Jansson đã được Bưu điện Phần Lan phát hành và chân dung bà đã được đúc trong tiền kim loại mệnh giá 2 euro phát hành tháng 6.2014. Cũng trong năm này một công viên mang tên Tove Jansson được thành lập ở Helsinki và một nhà trẻ Mumi khai trương ở Nhật Bản. Đáng chú ý nhất là Triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Phần Lan, Atenium từ ngày 14.3.2014 đến 7.9.2014, thu hút 293,873 lượt khách tới xem (là triển lãm có đông người xem thứ ba trong lịch sử bảo tàng Phần Lan từ trước đến nay). Nhiều tác phẩm từ cuộc triển lãm này sau đó được đưa sang trưng bày tại 5 triển lãm ở 5 bảo tàng Mỹ thuật khác nhau ở Nhật Bản trong thời gian từ 23.10.2014-27.9.2015.

2. Từ con vật "xấu xí nhất có thể tưởng tượng” đến biểu tượng văn hóa của Phần Lan

2.1. Sự ra đời của Mumi

Tove Jansson cho biết: Trong thời gian học nghệ thuật ở Stockholm và sống ở nhà một người bác họ (1930-1933), Jansson có thói quen vào bếp để tìm đồ ăn vào buổi tối. Để hạn chế ”tật xấu” đó của cô cháu, người bác họ đã dọa Tove rằng có một con'moo-oo-oomintroll' (Tiếng Thụy Điển) - muumipeikko” (Tiếng Phần Lan) - Moomintroll (Tiếng Anh) sống trong lò sưởi sẽ phả gió lạnh vào cổ Tove nếu nó bắt gặp bà[7]. Thế là cái tên Mumi ra đời một cách ngẫu nhiên từ đó.

Còn hình vẽ Mumi xuất hiện lần đầu tiên ở nhà nghỉ mùa hè của gia đình năm 1923[8]. Tove Jansson kể rằng bà và người em trai Per Olov hay tranh luận về triết học bằng cách viết những câu trích dẫn lên tường. Một lần người em trai viết một câu trích của một nhà triết học nào đó (có tài liệu cho là của Immanuel Kant), Tove Jansson không biết công kích lại câu trích đó bằng lời như thế nào, bà liền vẽ một con vật với hình thù xấu xí nhất mà bà có thể nghĩ ra trên tường nhà vệ sinh của nhà nghỉ[9]. Rất tiếc hình ảnh sơ khởi đó không còn được lưu lại nên không ai biết được con vật ”xấu xí” như thế nào. Nhưng, trong các tranh minh họa thời kỳ đầu, những con Mumi ”gầy gò với mắt đỏ, có sừng và đáng sợ”[10] chứ không mập mạp, ngộ nghĩnh, dễ thương như về sau này và như chúng ta thấy ngày nay.

Hình vẽ đi kèm với tên Mumi được dùng lần đầu tiên trên giấy vào năm 1939. Trên một tranh biếm họa trong số báo Garm tháng 4.1943, Tove Jansson vẽ hai con Mumi trắng với cái mõm dài và ghi tên là ”Snork” (Nisku) trên bụng của một con. từ mùa thu năm 1944, Jansson thường dùng con vật này như một chữ ký của bà ở bên lề các tranh vẽ cũng như trang bìa. Nhưng phải sáu năm sau, năm 1945, cuốn truyện Mumi đầu tiên Những con mumi nhỏ bé và trận hồng thủy mới ra đời, ngay sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai chấm dứt.

Năm 1946 cuốn truyện Mumi thứ hai: Mumi và Sao chổi được xuất bản, và hai năm sau, năm 1948, cuốn Mumi thứ ba: Chiếc mũ của phù thủy. Tác phẩm này được coi là bức tranh mô phỏng những mùa hè thời thơ ấu của Tove Jansson và cũng là tác phẩm mà bà yêu thích nhất. Vì thế, năm 1950, tức chỉ sau hai năm, Chiếc mũ của phù thủy liền được dịch sang tiếng Anh, khiến cho tên tuổi của Tove Jansson được biết đến rộng rãi hơn và đưa đến hợp đồng làm việc giữa bà với báo The London Evening News 4 năm sau đó.

Jansson miệt mài sáng tác, vẽ tranh, minh họa và tham gia nhiều triển lãm chung cũng như riêng, nhưng bà không bao giờ có đủ tiền để dành dụm. Vì thế bà phải vẽ thêm bưu thiếp, giấy dán tường Mumi và nhiều loại hình khác có thể bán được, thậm chí bà còn viết các vở diễn Mumi. Các nhân vật Mumi bắt đầu mở rộng thị trường từ đó. 

Bước sang những năm 1960, Mumi được biết đến rộng rãi trên thế giới nhờ các cuốn truyện và truyện tranh. Tài chính không còn là vấn đề lớn đối với Tove Jansson nên bà đã thực hiện giấc mơ thời thơ ấu của mình là mua một hòn đảo vắng vẻ ở ngoài khơi vịnh Phần Lan gần Porvo nơi có nhà nghỉ mùa hè của gia đình trước đây. Bà cùng với người bạn đời cùng giới là Tuulikki Pietilä đã tự làm cho mình một ngôi nhà trong hai năm liền để đến sống và làm việc vào mùa hè.

2.2. Hành trình tới biểu tượng văn hóa Phần Lan của Mumi

Phần Lan là quốc gia có hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển, trong đó tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ mẹ đẻ của hơn 300.000 người. Bên cạnh văn học viết bằng tiếng Phần Lan, ở Phần Lan còn có một bộ phận văn học viết bằng tiếng Thụy Điển. Các tác phẩm của Tove Jansson nằm trong bộ phận văn học đó. Jansson là người Phần Lan gốc Thụy Điển, nên tất cả các tác phẩm của bà đều được viết bằng tiếng Thụy Điển. Có lẽ vì với một số lượng độc giả có hạn như vậy nên thời gian đầu Mumi không được chú ý lắm ở Phần Lan.

Thật vậy, truyện Mumi được yêu thích trước tiên ở Thụy Điển và Tove Jansson nhận được giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của bà từ Hội Thư viện Thụy Điển, năm 1953. Truyện Mumi cũng được dịch sang tiếng Anh sớm hơn tiếng Phần Lan. Năm 1950, cuốn Mumi bằng tiếng Anh đầu tiên Chiếc mũ của phù thủy (nhưng là cuốn Mumi thứ ba của Tove Jansson) đã đến với bạn đọc. Nhưng năm 1955 (tức 5 năm sau) mới có cuốn truyện Mumi đầu tiên bằng tiếng Phần Lan là Mumi và sao chổi. Trước đó, Tove Jansson chỉ có một cuốn truyện tranh được dịch sang tiếng Phần Lan vào năm 1952. Có lẽ không sai khi nói rằng chính nhờ có sự yêu thích của bạn đọc nước ngoài mà Mumi dần dần trở nên được chú ý và yêu thích nơi xứ sở sinh ra nó.

Hình bìa 8 cuốn Mumi bằng tiếng Việt

Điều đáng nói hơn, các nhân vật Mumi không chỉ được biết đến trong tranh và truyện mà đã đi vào các loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, sân khấu, opera, phim truyền hình, trò chơi không chỉ ở Phần Lan mà nhiều nước khác. Riêng phim truyền hình, ngoài Phần Lan, Mumi đã được sản xuất ở Đức (1959), Đức - Ba Lan (1977, 1982) và Nhật Bản (1972). Đáng chú ý nhất là  bộ phim truyền hình Những câu chuyện ở Thung lũng Mumi do Nhật Bản và Phần Lan hợp tác sản xuất vào năm 1990-1992, gồm 104 tập, rất được yêu thích ở Phần Lan và bán ra 60 nước. Thành công của bộ phim truyền hình này khiến cho Mumi càng được phổ biến rộng rãi hơn và được yêu thích hơn ở Phần Lan cũng như ở nước ngoài, nhất là ở các nước châu Âu và Nhật Bản. Tất cả 9 cuốn truyện Mumi đều được dịch sang tiếng Nhật trong vòng 4 năm, từ 1968-1972. Chưa dừng lại ở đó, năm 2019 Công ty phát thanh và truyền hình Phần Lan (YLE) phối hợp với Gutsy Animation của Anh sản xuất bộ phim truyền hình 2D và 3D Moominvalley mới, do Steve Box (đạo diễn của bộ phim Wallace and Gromit) đạo diễn. Riêng phim nhựa, cho đến nay đã có hai phim khác nhau về Mumi là: Moomins and the comet chase (2010) và Moomins on the Riviera (2014).

Năm 1987, Bảo tàng Mumi với tên gọi Muumilaakso - Thung lũng Mumi được xây dựng ở Tampere. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày hàng nghìn bản gốc tranh Tove Jansson vẽ trên báo The London Evening News cũng như các bản gốc truyện Mumi, truyện tranh và tranh vẽ khác của Jansson. Năm 1993 một công viên với chủ đề Mumi - Muumimaailma - Thế giới Mumi ở Naantali, cách Helsinki 150km, đã mở cửa đón khách. Năm 2006, Thế giới Mumi được coi là địa chỉ hấp dẫn nhất với khách du lịch ở Phần Lan. Theo bình chọn của The Independent on Sunday, Thế giới Mumi là công viên chủ đề tốt thứ tư trên thế giới dành cho thiếu nhi. Đáng chú ý là một số đôi uyên ương từ Nhật Bản đã đến đây làm lễ đính hôn và nghỉ tuần trăng mật. Ngoài biên giới Phần Lan, Mumi có một công viên và mới đây có thêm một nhà trẻ mang tên Mumi ở Tokyo. Tháng 3 năm 2019, một công viên mới có tên MoominValley cũng được khai trương ở Tokyo.

Từ cuối những năm 1990 trở đi, Mumi càng trở nên quen thuộc và được yêu thích hơn ở Phần Lan và thực sự đã trở thành biểu tượng văn hóa của quốc gia. Bất cứ gia đình nào của Phần Lan cũng có một sản phẩm Mumi. Mumi được bình chọn là một trong 12 tác phẩm design tiêu biểu nhất của Phần Lan. Mumi không chỉ quảng bá văn hóa Phần Lan, thiên nhiên Phần Lan ra nước ngoài mà ngày nay nó còn đem lại một nguồn thu nhập rất lớn. Hình ảnh các nhân vật Mumi đã xuất hiện hầu như trên hầu hết các sản phẩm của Phần Lan từ đồ trang sức, đồ chơi, sản phẩm tiêu dùng đến thức ăn, đồ uống…Công ty mang tên Mumi - Moomin characters - do Tove Jansson và em trai sáng lập, ngày nay do người cháu của bà làm giám đốc điều hành, chuyên cung cấp bản quyền các hình ảnh liên quan đến Mumi và Tove Jansson, được coi là công ty gia đình có doanh thu vào loại cao nhất hàng năm ở Phần Lan. Các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm Mumi không chỉ có mặt ở Phần Lan (3), mà còn hiện diện nhiều nơi trên thế giới, như: Nhật Bản (6), London (1), Thái Lan (1), Mexico (1), Hawaii (1). Ở Nhật Bản, Mumi được coi là con vật may mắn của hàng loạt siêu thị thuộc Daiei (ở Kobe). Ngoài ra còn có các quán cà phê Mumi, nhà hàng bánh Mumi. Ở Phần Lan ngày nay các nhân vật Mumi được yêu thích đến mức tại những sự kiện lớn người ta thường hóa trang các nhân vật Mumi để thu hút sự chú ý của mọi người.

2.3. Thấy gì từ Tove Jansson và hiện tượng Mumi

Tranh và truyện Mumi của Tove Jansson được yêu thích trước hết là ở ngoài biên giới Phần Lan. Điều đó nói lên rằng chính nhờ tranh, truyện được dịch sang tiếng Anh và có được một số lượng bạn đọc rất lớn mà sau đó truyện Mumi mới được dịch sang tiếng Phần Lan và nhiều ngôn ngữ khác.

Để đưa Mumi trở thành một biểu tượng văn hóa của Phần Lan và được yêu thích khắp nơi trên thế giới như ngày nay, Tove Jansson đã kiên trì theo đuổi con đường nghệ thuật mà bà đã chọn và lao động sáng tạo không ngừng. Từ tranh hài hước, Tove Jansson đã đưa Mumi vào truyện tranh rồi truyện, sau đó là sân khấu, điện ảnh. Tove Jansson còn đi xa hơn là đưa các nhân vật Mumi đến với cuộc sống hàng ngày qua các sản phẩm có hình ảnh chúng. Đặc biệt là việc bà đã thành lập công ty của gia đình để giữ bản quyền những hình ảnh các nhân vật Mumi. Người Phần Lan rất nể phục và biết ơn Tove Jansson khi bà từ chối lời đề nghị bản quyền hậu hĩnh của hãng Walk Disney để giữ Mumi cho xứ sở sản sinh ra nó. Quyết định này của Jasson khiến tôi liên tưởng tới việc mới được biết gần đây, rằng nhà thơ Hữu Loan từng từ chối bán bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim khi có người trả giá 100 triệu đồng[11]. Song cùng một hành động đem lại những kết quả không giống nhau.

Tove Jansson là một nghệ sĩ sống tự do và phóng khoáng nhưng lại rất nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật. Bà đã từng chỉ trích những người làm phim Mumi người Nhật vì đưa vào những cảnh chè chén, say sưa, bạo lực, thậm chí những nét vẽ màu không thích hợp và không như trong tranh vẽ của bà[12]. Chính nhờ đó mà thế giới Mumi giữ được những đặc trưng riêng của thiên nhiên và cuộc sống Phần Lan: thanh bình và nhân ái.

 

 

 

 


[1 Cuốn sách đầu tiên của Tove Jansson có tên Sara och Pelle och Neckens bläckfiskarđược viết vào những năm 1920, và được xuất bản năm 1933.

[4] (http://www.bbc.com/news/magazine-26529309)

[5] http://www.paulgravett.com/articles/article/moomin

[7] Từ này trong tiếng Việt dịch là ”quỷ lùn trong các truyện cổ Bắc Âu” chưa được đạt lắm.

[8] Paul Gravett, Tove Jansson Dream’s world (http://www.paulgravett.com/articles/article/moomin

[9] http://finland.fi/Public/default.aspx?contentid=160071&nodeid=37598&culture=en-US

[10] Tuula Karjalainen,Tove Jansson's Moominland: What was the inspiration for Finland's most famous family? (http://www.independent.co.uk/arts-entertainment/books/features/tove-janssons-moominland-what-was-the-inspiration-for-finlands-most-famous-family-9883098.html)

[11] https://www.phunuonline.com.vn/mau-tim-hoa-sim-bi-kich-cua-huu-loan-a1415445.html

[12] Soile Räihä, Tove Jansson, The Moomin Business and Finnish Children (www.uta.fi/FAST/FIN/CULT/sr-moom.html)

Tove Marika Jansson(1914-2001)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441489

Hôm nay

2206

Hôm qua

2283

Tuần này

21393

Tháng này

216663

Tháng qua

112676

Tất cả

114441489