Những góc nhìn Văn hoá

Bản sắc văn hóa Tày trong thơ Dương Thuấn

 Là một nhà thơ thuộc thế hệ thứ ba (sau thế hệ chống Pháp và thế hệ chống Mỹ), từ khi xuất hiện trên văn đàn cả nước, Dương Thuấn đã nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình bằng một phong cách thơ riêng với một cá tính độc đáo rất đáng kính trọng, ông lập tức trở thành một đại diện xuất sắc cho thơ ca các dân tộc thiểu số nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. Đọc thơ ông, ta không chỉ thích thú thưởng ngoạn những cảnh sắc thiên nhiên của cái xứ Mây đầy mộng mơ mà thơ ông đã hết lời ca tụng; ta như được làm quen và hò hẹn với những con người xứ Mây tuyệt vời... Không chỉ là như vậy, ông còn làm cho ta biết được một dân tộc Tày có truyền thống văn hóa đặc sắc rất đáng tự hào.

Có một phóng viên trong một lần phỏng vấn ông đã hỏi đâu là những dấu ấn văn hóa Tày trong thơ ông? Nhà thơ Dương Thuấn rất cởi mở nói rằng: “Đọc thơ là để thấy người. Tôi có bao giờ giấu nổi tôi ở trong thơ đâu. Là người con của dân tộc Tày, những vần thơ tôi viết ra đều mang hồn vía của người Tày. Có thể nói,  cuộc  đời tôi thật là may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cả bố và mẹ đều dân tộc Tày, sống  giữa một cái bản vùng cao đậm sắc văn hóa Tày. Từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn lên, tôi đã luôn luôn ngụp lặn trong dòng sông văn hóa Tày. Văn hóa Tày đã trở thành máu thịt và sự sống của tôi. Nó như nước uống, như cơm ăn hàng ngày, như khí trời để thở căng lồng ngực duy trì thân thể tôi vậy...”    

Đây là những câu thơ của nhà thơ Dương Thuấn đậm tính minh triết về cuộc sống của người Tày.

Người làm nương ăn theo lửa

Người làm đồng ăn theo nước

Sinh ra tắm nước thơm mới là con của mẹ

Lớn lên tắm nước sông mới thành ngườicủa làng

Đóng com tàu đi ra giữa đại dương mới thành người của muôn nơi.

                                                       (Ăn theo nước)

Trong mọi sinh hoạt đời thường của người Tày luôn gắn với sự giao thoa và tiếp biến văn hóa. Các dịp lễ tết, sinh hoạt cộng đồng như lễ mừng đầy tháng cho con, lễ đặt tên con hoặc các lễ hội lớn như hội Nàng Hai, Hội tung còn, Hát Then... Tất cả mọi người đều nói bằng tiếng Tày. Nhà thơ Dương Thuấn cũng từng kể: Thuở nhỏ, tôi thường được nghe bà con cô bác trong bản đọc truyện thơ theo điệu fong slư (hát thơ), trai gái hát lượn từ đêm này qua đêm khác...  Trong đám cưới thì hai họ hát giao duyên đối đáp với nhau, trong đám tang thì dằng dặc tiếng hát đưa linh... Văn hóa Tày cứ thế, tự nhiên ngấm vào tôi như hương rừng, như khí núi[1].

Những mạch ngầm văn hoá Tày được nhà thơ khơi nguồn, trở thành dòng chảy đẹp mãi trong những trang thơ.

1. Dấu ấn phong tục hỏi cưới, sinh nở của người Tày trong thơ Dương Thuấn

Từ ngàn xưa, hôn nhân, cưới hỏi đã được coi là một việc trọng đại trong đời người. Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà là ba việc đại sự của người đàn ông trưởng thành, trong đó cưới vợ mang một ý nghĩa to lớn. Phong tục dân tộc Tày ở vùng Bắc Kạn trong hôn nhân có nhiều nét đẹp riêng và đã đi vào những trang thơ Dương Thuấn:

Anh còn phải nuôi đàn lợn cho béo

Mời họ hàng khắp bản trên xóm dưới

Ăn ngày đến đêm, ăn đêm đến ngày

Anh còn phải phát rẫy trồng ngô cất rượu

Mời bạn bè ở khắp mọi xứ tới đây

Uống sáng đến tối, uống tối đến sáng

Em cũng làm hai cái đệm hoa lau

Một cái em đem tặng cho bố mẹ anh

Một cái để lấy nhau đôi ta nằm chung

                            (Yêu nhau vào mùa Thu)

 Ngày các cô gái về nhà chồng là một ngày trọng đại và được chuẩn bị một cách chu đáo từ rất lâu:

Ngày về nhà chồng

Mẹ sắm đủ cho em      

Một gối đôi

Một chăn đôi

Một màn đôi

Một chiếu đôi

Bạn bè tặng thêm những chiếc áo trẻ

                          (Người đàn bà tôi yêu)

 Những sản phẩm mang theo về nhà chồng cũng là bằng chứng để nhà trai thấy rõ sự khéo léo, đảm đang của nàng dâu trẻ nên thường thì các cô gái vùng cao tự dệt  áo cưới cho mình cùng nhiều thứ quà tặng khác để mang vềnhà trai.

Sau khi sắm sanh đầy đủ các lễ vật, công việc tiếp theo là xem vía để chọn ngày cưới. Và việc xem vía được tiến hành đậm màu sắc linh thiêng:

Chọn được ngày mới đi xem vía

Gói ghém vào túi đỏ đem về

Đặt dưới gối để nghe báo mộng

Đêm nằm ngủ mơ thấy thứ gì?

Mơ hái củi,mua gà báo vía thơm

Mơ thấy hươu lặng im mang trả

                (Xem vía để cưới)

Có tình yêu, có sự chấp thuận của hai bên gia đình cùng những lễ vật đầy đủ, điều mọi người trông chờ nhất chính là lễ cưới với những trang phục và phong tục đậm chất văn hóa truyền thống của người Tày:

- Ngày cưới cả bản vắng mừng vui

Cô dâu nón trắng, áo chàm dài

Dây xà tích bên hông sáng loá

Đôi bướm xinh bay trên mũi hài…

               (Đám cưới trong bản)

- Bà đem dây ra giăng ngoài ngõ

Không cho ai trong họ bước qua cầu

Thế rồi nhà trai thay nhau đứng hát

Bà nghe rồi bỏ sợi dây

Hai bên đối lời vàng ngọc

                        (Nhớ chị Thìn)

Đây là phong tục độc đáo của đám cưới người Tày. Trong mọi hoạt động của đời sống tinh thần đều có sự góp mặt của điệu hát lượn truyền thống. Trai gái dùng câu hát để tỏ tình trong những đêm trăng sáng. Người mẹ dùng câu hát để răn dạy con cái, người già dùng câu hát để uống rượu vui…Nhà trai, nhà gái cũng dùng câu hát “đối lời vàng ngọc” thách đố bằng thơ đểrồikết làm sui gia. Thật là một phong tục đẹptuyệt vời, không đâu có.

Kết quả của những mối tình đẹp, những cuộc hôn nhân hạnh phúc là những đứa trẻ bụ bẫm, kháu khỉnh được gia đình, dòng họ chờ đón. Đối với người Tày, sự ra đời của những đứa con luôn là một dịp trọng đại để tổ chức cùng lúc với nhiều lễtục khác nhau.

Ngay khi đôi vợ chồng cưới nhau thì bạn bè đã “tặng thêm những chiếc áo trẻ” để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ nhanh được con nối dõi. Khi đứa trẻ ra đời thì:

                                Bà đỡ tôi từ bụng mẹ đi ra

                               Bà mở mồm tôi lấy ngón tay trỏ ngoáy

                               Nói là cho mai kia ăn nói hơn người

                                                    (Tiếng đầu tiên tôi nghe)

Có thể tìm thấy trong thơ Dương Thuấn sự hiện diện của hầu hết các phong tục của quê hương. Từ cách các chàng trai đi hát tỏ tình cho tới lúc tình yêu của họ khai hoa nở nhụy. Đứa bé chào đời trong niềm hạnh phúc của bố mẹ và sự kỳ vọng của ông bà, gia tộc. Họ hàng, làng bản cùng mừng rỡ chung vui với gia đình bằng những món quà đầy ý nghĩa:

                              - Anh em họ hàng tấp nập

                               Xa gần cũng tới nhà thăm

                              Xin mừng con gà, gạo nếp

                              Chuyện trò vui reo nắng ngoài sân

                                                               (Sinh con)

 Đặc biệt nhất là ngày đầy tháng của đứa trẻ:

                             - Lễ bán tháng họ hàng đủ mặt

                             Đem con trình bà mụ, tổ tiên

                            Hai đầu nôi ông nội ngoại cùng đứng

                             Cùng đưa nôi xem vía đặt tên

                             Bà nội tặng một bài hát ru

                            Bố thợ săn tặng con khẩu súng

                            Mẹ cô giáo tặng hoạ đồ, sách bút

                           Bà ngoại tặng cho địu mới

                           Rồi bà cõng cháu lên lưng

                           Đem ra ngõ túi bánh coóc mò

                           Chia cho khắp mọi nhà trong bản

                          Ai nhận bánh mừng đều bỏ một đồng mua

                                                                    (Sinh con)

Lễ đầy tháng cho con diễn ra trong không khí ấm cúng, linh thiêng và tràn đầy hạnh phúc của cả đại gia đình. Là nét riêng và cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Tày thể hiện qua thơ Dương Thuấn.

2. Phong tục lễ tết của người Tày trong thơ Dương Thuấn

Là một trong 54 dân tộc anh em chung sống trên đất nước Việt Nam, người Tày ở vùng Bắc Kạn có rất nhiều ngày lễ tết thể hiện sự phong phú trong đời sống văn hoá. Đối với người Việt Nam nói chung và người Tày nói riêng thì các ngày lễ, tết luôn mang một ý nghĩa đặc biệt.

Nhắc đến các dân tộc ở vùng núi phía Bắc, không ai lại không biết đến một lễ hội nổi tiếng, đó là lễ hội Lồng Tồng - lễ hội “Xuống đồng” của người Tày. Lễ hội Lồng Tồng thường được tổ chức vào mùa Xuân với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Dương thuấn đã diễn tả ngày hội ấy trong không khí tưng bừng:

                        Mùa Xuân đến anh lên thăm Ba Bể

                        Đi hội lồng tồng nghe bao tiếng ca

                        Có tung còn, đấu bò, đua thuyền, thi hát

                        Cô gái Tày đang đợi khách xa

                                                     (Mời anh về Ba Bể)

Ngoài ý nghĩa là ngày hội đi xuống dưới đồng vui chơi,đây còn là dịp để gặp gỡ, tự tình của những chàng trai, cô gái:

                        Năm ngoái mùa xuân đi hội

                        Thấy em đã đứng đợi rồi

                        Anh tung quả còn em bắt

                        Tung lên theo một chuỗi cười

                                        (Tìm người năm ngoái)

Chợ tết với người Tay không chỉ là nơi mua bán mà còn có ý nghĩa như “hội chợ”, nơi nam nữ có thể giao duyên:

                               Sớm nay phiên chợ cuối

                               Đội một chiếc ô xinh

                              Đeo một chiếc khăn đẹp

                              Xuống chợ tìm bạn tình

                                      (Phiên chợ cuối)

Trong không khí đón năm mới người Tày cũng có nhiều phong tục thật đẹp. Nhà thơ Dương Thuấn là người chuyên nghiên cứu về văn hóa Tày nên thơ ông như những ghi nhận rất chuẩn xác  về dân tộc học, văn hóa học về phong tục ngày Tết của người Tày. Nhưng khác ở chỗ phía sau những dòng thơ tưởng như ghi chép ấy là cuộc sống ấm áp tình người, tình đời. Vào thời điểm đón xuân mới cỏ cây, gia súc cũng ăn tết như người:

                                 - Chiều ba mươi tết

                                  Cắt từng chùm giấy đào

                                  Em dán lên trước cửa

                                  Hồng phúc khách đến sớm mai

                                  Em dán lên từng cây quả

                                  Cầu mùa sau quả sai

                                                  (Năm mới)

- Đêm ba mươi trâu lớn bé về chuồng

Để ông bà tổ tiên từ cõi âm về đếm

Sớm mồng một dậy cho trâu ăn tết

Nào cháo, nào chè, nào bánh chưng

Mỗi trâu cày tu một bầu rượu nếp

Trâu được cùng người vui tết đón xuân

                          (Tìm trâu về ăn tết)

Đón giao thừa bao giời cũng là thời điểm linh thiêng nhất trong dịp tết. Đó là thời điểm sum họp gia đình, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất.

                                  Giao thừa bên nhau đông đủ

                                  Cả nhà cùng được quây quần

                                  Người đang ở trên dương thế

                                 Cùng người đến từ cõi âm

                                                            (Giao thừa)

Thơ Dương Thuấn còn nói đến cả những tục lệ lúc giao thừa và ngày đầu năm.

- Sáng mồng một tết

Con trai dậy thật sớm

Thắp hương cúng bàn thờ

Con gái cũng dậy thật sớm

Chưa sáng đã đi gánh nước tiên

                      (Sáng mồng một tết)

Sau khi đã tiến hành các nghi lễ cúng bái, người Tày bắt đầu tổ chức các trò chơi và đi chúc tết người trên với lòng thành kính:

Rể mới đi thăm mẹ vợ

Con cháu về thăm ông bà

Học trò đến thăm thầy cô

Chúc cho nhau đều đẹp như hoa

                           (Tết đến)

 Mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những phong tục, tập quán riêng. Người Tày bản Hon thân yêu của Dương Thuấn cũng có những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc và sự khác biệt của địa phương. Trong mỗi dịp tết đến, xuân về những phong tục ấy đã đi vào thơ Dương Thuấn như một nội dung trữ tình nên thơ, độc đáo… đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người gần xa.

3. Phong tục thờ cúng, ma chay của người Tày trong thơ Dương Thuấn

Theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” người Tày ở Bản Hon cũng có nhiều tục lệ thờ cúng tổ tiên và ma chay độc đáo. Việc chăm lo phần mộ, hương hoả đối với tổ tiên luôn được cọi trọng:

Tháng ba anh bận không về được

Em cùng họ hàng đi tảo mộ

Gánh cơm cúng đi lên đỉnh núi

Chai rượu ngô thơm sóng sánh rừng mơ

                     (Tháng ba không về)

Dẫu biết người chết rồi không thể hay biết nhưng những tục lệ như cúng cơm giải quyết vấn đề tâm linh và thể hiện tình cảm thương nhớ người đã khuất:

Mẹ mất chưa giỗ tròn năm

Bữa bữa đặt cơm canh lên cúng

Người chết rồi chẳng hay biết

Cúng rồi người sống yên lòng ăn

                      (Chưa giỗ tròn năm)

Theo quan niệm của dân tộc Tày thì sau khi chết, hồn vía của người thân vẫn còn cư ngụ trong nhà nên trong vòng 3 năm, mỗi ngày thường đặt một chiếc khăn và thau nước cho người quá cố rửa mặt. Đến bữa ăn gia đình vẫn đặt cơm nước lên cạnh bài vị để mời người quá cố cùng dùng bữa. Qua thơ Dương Thuấn ta còn biết những tục lệ ma chay rất riêng của người Tày bản Hon. Chẳng hạn như “đám ma nguội” giành cho những người chết ở xa:

Đám ma nguội không có quan tài

Chỉ lễ đưa linh, ngóng hồn người chết

Tiếng thầy tào gọi vang da diết:

- Xa trăm sông trăm suối hãy về

Cháu trai đội trên đầu khăn trắng

Cháu dâu cầm đuốc đứng soi đón kia…

                                  (Đám ma nguội)

Rồi những tục lệ cũng rất riêng giành cho người chết bất thường:

Đứa bé chết trong tháng

Đem đặt vào giữa chậu gio

Trèo cây cao treo lên trên ngọn

Đứa bé chết lúc mười tuổi

Đem chôn không đắp mộ

Lấp đất, che cỏ rồi về

Người chết có ma gà

Sẽ bị chôn sấp mặt

Chôn lộn ngược đầu chân

                           (Người chết)

Phong tục mỗi nơi một khác, điều đặc biệt là những phong tục thờ cúng, ma chay của người Tày lại được Dương Thuấn tái hiện bằng thơ. Điều này thể hiện phong cách riêng của Dương Thuấn cũng như niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong ông.

4. Những tập quán sinh hoạt của người Tày trong thơ Dương Thuấn

 Với bản chất hay lam, hay làm của mình, người Tày xứ Mây quanh năm gắn bó với núi rừng, nương rẫy. Từ trong cuộc sống lao động các thế hệ người Tày đã đúc rút cho mình những kinh nghiệm quý báu mà Dương Thuấn đã miệt màinghi lại trong thơ:

Bản Hon của nhà thơ Dương Thuấn nằm bên dòng sông Năng bốn mùa xanh trong,tươi mát. Đời sống của dân bản cũng gắn chặt với dòng sông “mẹ” này. Theo tâm sự của nhà thơ Dương Thuấn thì mỗi người con của bản Hon đều gắn bó tha thiết vớiconsông Năng. Trẻ con bản Hon biết bơi cùng lúc với biết đi và ở bản này không bao giờ có người chết đuối trên sông…Còn trong lao động sản xuất kinh tế, con người cũng có nhiều biện pháp để khai thác dòng sông: đánh bắt cá, ba ba, dựng cọn lấy nước làm thủy lợi, thậm chí là lùa thú rừng chạy xuống sông để bắt…Mỗi một công việc lại đòi hỏi những kỹ thuật khác nhau và dần hình thành nên những kinh nghiệm sống, tri thức bản địa và kinh nghiệm sản xuất.

Đối với công việc trên sông nước nhất thiết phải có bè mảng làm phương tiện đi lại. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được những cái mảng “ Phóng như bay qua ngọn sóng băng băng”. Muốn có mảng tốt phải nhờ vào kinh nghiệm cha ông đúc kết:

Chọn cây không non cũng chẳng phải già

Dùng dao sắc róc bỏ phần cật bên ngoài

Vót cho nhẵn rồi đem ngâm xuống nước

Rồi lại vớt lên cạn phơi dưới bóng cây to

                                 (Chọn tre làm mảng)

Ngày nay người dân miền núi đã tiếp cận được với nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Tuy nhiên những tập quán trồng trọt đúng thời điểm mùa vụ xưa vẫn sẽ là kho kinh nghiệm rất hiệu quả:

Ngày ba mươi nhớ trồng bầu, trồng bí

Bầu bí sẽ leo xa, quả lúc lỉu treo giàn

                               (Mùa Xuân bản Hon)

Đặc biệt trong đời sống thường ngày, những người dân bản luôn có những kinh nghiệm hay ví như kinh nghiệm tránh gió độc:

Các bà mẹ đem những nắm hạt bông

Ném thật nhanh vào trong bếp lửa

…Không có ai sợ trúng luồng gió độc

                                      (Hạt bông)

 Cứ như thế, giản đơn nhưng hiệu quả, các tập tục, kinh nghiệm trong lao động và sinh hoạt đời thường được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Thơ Dương Thuấn là tiếng nói của một người con luôn khát vọng “kể” về dân tộc mình, quê hương mình chia sẻ cùng bạn đọc gần xa. Đọc thơ Dương Thuấn có thể thấy Dương Thuấn là đứa con đúng nghĩa của người Tày, đứa con ruột thịt của bản Hon.Ông lọt lòng mẹ sinh ra đã tắm nước con sông Năng của bản Hon.

***

Cái tên Dương Thuấn được đông đảo bạn đọc trong nước và nước ngoài biết đến với vai trò làmột nhà thơ, một nhà nghiên cứu văn hóa Tày xuất sắc. Ông là người đã làm phục hưng văn hóa Tày. Ông đã in hơn hai chục tập thơ và đặc biệt là bộ tuyển tập thơ song ngữ Tày - Kinh đồ sộ của ông. Dương Thuấn đi nhiều, viết nhiều. Song quê hương luôn là nguồn cảm hứng vô tận hàng đầu và là nỗi trăn trở không nguôi của nhà thơ. Mặc dù ông đã cùng gia đình chuyển xuống Hà Nội định cư và công tác ở thủ đô mấy chục năm nay, nhưng trái tim thơ của ông thì vẫn còn neo đậu mãi với vách núi  đại ngàn Việt Bắc. Dương Thuấn đến với “nàng thơ” bằng tiếng nói từ một “chàng trai của núi/ Chỉ biết nói lời cho quả sai”. Chàng trai ấy đã góp mặt với thi đàn văn học cả nước bằng một phong cách thơ độc đáo, đậm đà bản sắc vùng cao. Những bài thơ của ông là những tình cảm chất chứa cất lên từ tâm khảm của một người con dù đi xa vẫn luôn một lòng đau đáu nhớ quê hương. Ông gắn với mảnh đất ấy, núi sông ấy cùng các thế hệ người Tày. Với tâm thế của một người con quê hương, nhà thơ Dương Thuấn đã rất thành công khi khám phá những nét đẹp của người dân nơi đây cũng như khắc họa được những bản sắc độc đáo nhất của nền văn hóa Tày quê hương.

 Bài viết này mới chỉ lẩy ra đôi nét chính về bản sắc văn hóa Tày trong thơ Dương Thuấn. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác đầy đủ và hoàn hảo hơn với những nét đặc sắc và khoáng đạt của một tâm hồn thi sĩ vùng cao.

                                               

                                                              

 

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Nương (2009), Thơ Dương Thuấn - Dòng sông Tày chảy mãi…, Báo Dân tộc & Phát triển 19/01/2009

2. Vũ Phượng Ngọc (2005), Trò chuyện với nhà thơ Tày Dương Thuấn, Báo dân tộc và thời đại, số 62

3. Đỗ Thị Thu Huyền (2009), Dương Thuấn -  hành trình từ Bản Hon, Nxb Hội nhà văn

4. Đỗ Thu Huyền (2008), Dương Thuấn - một hồn thơ rộng mở, Báo Dân trí số 11

5. Đỗ Hương (2004), Thi sĩ là kẻ cư trú trong ngôn ngữ dân tộc (phỏng vấn), Báo Lao động, Hà Nội

6. Tạ Duy Anh, Quê hương ở phía mặt trời, Tạp chí Ba Bể - Hội Văn nghệ Bắc Kạn

7. Triệu Lam Châu (2011), Nét thần diệu của tâm hồn Tày trong thơ Dương Thuấn

8. Thảo Chi (2006), Văn học dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ, Báo Người lao động, Hà Nội

(*). Trường ĐH Khánh Hòa - Nha Trang

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443312

Hôm nay

2203

Hôm qua

2305

Tuần này

21125

Tháng này

218486

Tháng qua

112676

Tất cả

114443312