Những góc nhìn Văn hoá

Dẫn luận tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy” của I. Kant

1. Đọc i. Kant hôm nay

Tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy” - Kritik der reinen Vernunft - của triết gia Ðức I. Kant do Bùi Văn Nam Sơn dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên được giới thiệu toàn bộ với độc giả Việt Nam vừa đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất (12.02.1804) và 280 năm ngày sinh (22.04.1724) của triết gia.

Mặc dù triết học của Kant đã được giảng dạy tại Việt Nam, và tác phẩm PPLTTT cũng đã được giới thiệu phần nào trong các phân khoa triết học tại Ðại học, song đây là bản dịch đầu tiên và đầy đủ trọn vẹn nhất tác phẩm chính yếu này của Kant từ nguyên tác tiếng Ðức (bao gồm cả hai lần xuất bản - 1781 và 1787, gọi là bản A và bản B) đến với Việt Nam.

Giới thiệu một tác phẩm triết học mà A. Schopenhauer[2] đã đánh giá là “một quyển sách quan trọng nhất trong muôn một được trước tác tại Âu châu” là một bổn phận tư tưởng. Bổn phận này mang theo những khó khăn nhất định của một cuộc mạo hiểm, khi tính nhẩm khoảng cách thời gian của tác phẩm này với sự có mặt của nó trong vòng tay của độc giả Việt Nam hôm nay thật quá xa.

Cuộc mạo hiểm trở về với PPLTTT bao gồm tất cả những chặng đường lịch sử mà triết học này đã trải qua, từ khi sự xuất hiện của nó đã có mãnh lực “nghiền nát” nền siêu hình học cổ điển Tây phương, đã thay đổi tư duy của thời cận đại cho đến ngày hôm nay, khi vai trò của triết học trong trách vụ nguyên thủy của nó nằm ở sự truy tầm tri thức, đối tượng tri thức, nội dung thực tại khách quan và khái niệm về thực tại khách quan của toàn thể vũ trụ đang bị nghi ngờ từ bên trong cũng như bên ngoài. Từ bên ngoài bởi lẽ hiện nay những vấn nạn triết học đều được các khoa học thực nghiệm và các khoa học chuyên môn nghiên cứu về tri thức (kognitio) trên các lãnh vực tâm-sinh-vật lý choán chỗ; từ bên trong (hay nội tại) bởi vì chính triết học cũng từ giã lãnh vực phổ quát của nó và tự giản lược trong hình thức trung lập hóa tri thức luận hay thậm chí đã muốn “vĩnh biệt” lý tính (Vernunft).

Trong hoàn cảnh khủng hoảng của triết học đương thời ở Tây phương, có lẽ câu hỏi đặt ra cho độc giả VN là tại sao phải đọc Kant? Đọc Kant chỉ vì bổn phận tri thức hay chỉ vì mạo hiểm đi tìm lâu đài tư tưởng cổ tích? Theo tôi có năm lý do để đọc Kant, trong đó có bốn lý do trong hoàn cảnh triết học Tây phương có thể cho thấy sự có mặt của PPLTTT là một khả năng chọn lựa khác cho các trào lưu tư tưởng ngày hôm nay. Thêm vào đó là một lý do thứ năm trong hoàn cảnh đối diện tư tưởng Ðông-Tây đặc thù của Việt Nam.

 

1.1. Ý nghĩa lịch sử

“Kant được xem là triết gia Đức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), là triết gia của nền văn hóa tân thời (moderne Kultur) và của nhiều lãnh vực khác nữa. Dù người ta có đánh giá Kant gì đi nữa, điều không thể chối cãi là ít nhất Kant đã nâng triết học Đức tiến lên một giai đoạn mới. Danh tiếng của ông đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì
đi sau”[3].

Có thể nói rằng chưa có một tác phẩm nào đã thay đổi tư tưởng của thời cận đại một cách vang dội như tác phẩm PPLLTT của ông. Trong tất cả những tác phẩm của Bacon[4], Descartes[5], Hobbes[6], sau đó của Pascal[7], Leibniz[8], Locke[9], Hume[10], Rousseau[11], các tác phẩm của Fichte[12], Hegel[13], Nietzsche[14], tiếp theo đó của Frege[15], Russell[16], Heidegger[17] và Wittgenstein[18], Tây phương không thấy tác phẩm nào đã ảnh hưởng sâu đậm lên triết học cận và hiện đại hơn “Phê Phán Lý Tính Thuần Túy”.

Nếu sản phẩm của thời đại Khai Minh là cuốn Bách Khoa (Encyclopédie)[19] gồm 150 tác giả với một nội dung tri thức trăm hoa đua nở, thì phải nhấn mạnh thêm rằng song song với nó, PPLLTT là một cuốn “bách khoa” của khoa học triết lý tuy với mục đích khiêm tốn là tri thức khoa học, do chỉ một người trước tác, nhưng không kém phong phú, đa dạng và đồng thời lại là một hệ thống tư tưởng thật sự được xuyên suốt và tẩm đượm tinh thần yêu chân lý như định nghĩa triết học từ truyền thống Hy Lạp.

Học thuyết Duy tâm Ðức (deutscher Idealismus) với Fichte, Hegel và sau đó trường phái Tân-Kant (Neukantianismus) đã dựa vào tác phẩm này; ngay cả những người phê bình thuyết duy tâm (Idealismuskri-tiker) như Athur Schopenhauer và nhà phê bình trường phái Tân-Kant (Neukantianer) như Marin Heidegger đều lấy tác phẩm này làm tiêu chuẩn. Học thuyết toán luận và luận lý của Frege chiếm lĩnh toàn thể triết học phân tích (analytische Philosophie) cũng như Phê bình ngôn ngữ (Sprachkritik) của Mauthner[20] đã đều chịu ảnh hưởng không ít của tác phẩm này. Wittgenstein và ngay cả nhóm duy nghiệm Wiener Kreis và Karl Popper[21], tất cả đều nằm trong vùng ảnh hưởng của PPLTTT. Ðối với Theodor W. Adorno[22] (1959) vai trò của sự của sự phê phán lý tính của Kant quan trọng không kém phép biện chứng của Hegel. Trước đó Charles S. Peirce[23], người sáng lập lý thuyết thực dụng của Mỹ đã ca ngợi PPLTTT là “sữa mẹ của tôi trong triết học” (1909). Và theo Puttnam[24] (1993, 221), “hầu như tất cả các vấn đề triết học chỉ với PPLTTT mới đạt được hình thức để trở nên lý thú
hấp dẫn”.

Quả thật như vậy, khi nghiên cứu những vấn đề như: “Tự kiểm thảo của lý tính” (Selbstkritik der Vernunft), lý luận chủ thể (Subjekt), hay các chương về tính tổng hợp tiên nghiệm của các lý thuyết không gian và thời gian, chủ thể siêu nghiệm “tôi tư duy” (“ich denke”), vấn đề xem toán học như ngôn ngữ của khoa học tự nhiên cho đến phần phê phán tất cả các chứng minh về sự tồn tại của Thượng đế, khảo sát những nghịch lý (Antinomien) và ngay cả những nét chính về một nền đạo đức học tự chủ (autonom), mọi người đều cùng một nhận xét: kẻ nào nghiên cứu PPLTTT, kẻ đó đã đến tận gốc rễ của triết học.

Tầm quan trọng lịch sử còn tiến xa hơn nữa. Ta biết Kant sống vào thời đại thuộc trào lưu Khai Minh, một trào lưu chưa phản tỉnh để tự kiểm thảo (Selbstkritik). Với tinh thần của PPLTTT, Khai Minh đã trở nên phản tỉnh và tự phê phán, và từ đó, dù thời đại này có bị chỉ trích ở hầu hết những phát biểu về nội dung thì đến ngày nay không ai tìm được một khả năng lựa chọn khác hơn quan điểm nền tảng này: sự quyết tâm tư duy tự chủ, sự thoát ly khỏi tính vị kỷ và sự tự do của lý tính con người trong cộng đồng như Kant đã đề ra trong tiểu luận “Trả lời câu hỏi: Khai Minh là gì” của ông mà tiền đề của nó
là PPLTTT.

Ngay chính đề tựa tác phẩm đã nói lên chủ trương của Kant: Công cuộc phê phán do Lý Tính thuần túy thực hiện có đối tượng chính là lý tính như toàn bộ khả năng tri thức (Erkenntnisver-mögen) của con người bao gồm cảm năng (Sinnlichkeit), giác tính (Verstand) và lý tính (Vernunft).

Có thể nói nôm na, PPLTTT là một trước tác về “Lý Tính con người (viết lớn) phê bình lý tính con người (viết nhỏ)” trong chức năng của nó.

Những người theo Kant hoặc phê bình Kant trước đây như Reinhold, Fichte, sau đó Hegel đã đánh giá thấp PPLTTT, xem đó chỉ là một công trình Dự Bị (Propädeutik) và tự cho rằng chính họ mới là người hoàn thành hệ thống triết học. Mặc dù chính Kant cũng xem PPLTTT là một “Dự bị” (bài tập trước) (“Propädeutik”/Vorübung) (B896, B25, B878), nhưng trong bài: “Tuyên bố đề cập đến học thuyết khoa học của Fichte” (XXII370f), Kant cho là “một điều xằng bậy khi nói rằng dụng ý của tôi là chỉ soạn thảo một Dự Bị cho triết học siêu nghiệm chứ không phải là một hệ thống triết học”.

Thực vậy, khác hẳn với một Dự bị thật sự cũng như khác hẳn khoa luận lý học chỉ là “tiền sảnh (Vorhof) của khoa học” (BIX), PPLTTT là một tác phẩm Triết học thuần nghĩa, có đối tượng khảo sát toàn diện đề tài của triết học bao gồm “tri thức chân thật cũng như tri thức ảo tượng” (“wahre sowohl als scheinbare” Erkenntnis).

Hơn nữa PPLTTT đã phát thảo “toàn bộ kế hoạch” (“den ganzen Plan”), từ đó tất cả những phần tử làm thành tòa nhà hay hệ thống triết học được khảo sát dựa trên những “nguyên lý” khách quan bảo đảm sự kiện toàn và vững chắc (B27). Chỉ có một chỗ chưa đầy đủ hoàn toàn đó là phần Khái niệm của giác tính (Verstandesbe-griffen), ở đó các khái niệm gốc, tức các phạm trù đã được nêu dẫn, nhưng Kant không triển khai hết những khái niệm giác tính được rút ra từ các phạm trù ấy, tức những khái niệm được mệnh danh là “Prädikabilien” (“những khái niệm thuần túy phái sinh”, BVNS dịch) (B107) một cách có lý do (B108-109). Cho nên mặc dù chỉ là “dự bị”, tác phẩm của Kant cống hiến những điều kiện để có thể xây dựng một triết học cơ bản (Fundamentalphilosophie) chi tiết và toàn diện.

Sau thời cận đại, Tân tiến hay Hiện đại (Moderne) là tên gọi của thời đại mà chúng ta vừa trải qua. Tên gọi này biểu dương sự tiến bộ của khoa học tự nhiên, kỹ thuật và y học cũng như “sự vén màng ảo thuật” (Max Weber) của thiên nhiên qua những thành tựu khoa học. Trên lãnh vực nhân văn, thời đại này được đánh dấu bởi hiện tượng giải phóng chủ thể ra khỏi ràng buộc của lịch sử và truyền thống tư duy (Emanzipation des Subjekts). Nhưng thế kỷ này cũng mang lại những hiện tượng tha hóa và vật hóa (Verdinglichung), những thay đổi cơ bản trong các lãnh vực văn chương, hội họa và âm nhạc... và cuối cùng là sự phát triển các quốc gia lập hiến (Verfassungsstaat) dân chủ. Nhưng gần đây diện mục (Selbstverständnis) này cũng bắt đầu tan vỡ.

Trên địa hạt tri thức (Wissen), thời Hậu tân tiến hay Hậu hiện đại (Postmodern) bắt đầu đặt nghi vấn về loại tri thức có giá trị phổ quát vượt trên tất cả mọi nền văn hóa (siêu văn hóa) mà PPLTTT đã tìm cách chính danh (hay xác lập tính chính đáng (Legitimation) cũng như giới ước (Limitation) khả năng của tri thức này.

Ðó là một lý do nữa để đọc PPLTTT, bởi vì đặc điểm tri thức hàm chứa dữ kiện “tân tiến” nằm chính trong PPLTTT; đọc PPLTTT như thế có nghĩa là thảo luận ngay trên đỉnh cao tinh thần tự phê phán của chính thời đại tân tiến.

 

1.2.   Trở về đài kỷ niệm cổ tích hay là một cống hiến khác cho nền triết học cơ bản? (Fundamentalphilosophie)

PPLTTT có một chỗ đứng trong lịch sử không thể chối cãi, nhưng trên bình diện tư tưởng, hệ thống triết học PPLTTT có phải chỉ là một lâu đài tư tưởng cổ tích một thời?

Quả thật có những khái niệm trong PPLTTT thường bị chỉ trích là đã bị lỗi thời: Khái niệm chủ đạo (Leitbegriff) trong PPLTTT: “das synthetische Apriori” (tính tổng hợp tiên thiên”) là một trở ngại khó thuyết phục đối với Bretano[25], N. Hartmann[26], Häberlin[27] và nhất là đối với trường phái thực nghiệm tân tiến (moderne Empirismus) và triết học phân tích. Trọng điểm xây dựng của PPLTTT, - quan niệm về những định luật tự nhiên siêu nghiệm (transzendentale Naturgesetze) - cũng không còn có tính thuyết phục. Thêm vào đó, PPLTTT thường bị phê phán là thiếu sự khảo sát triết học ngôn ngữ, hoặc PPLTTT chủ trương một loại lý thuyết duy ngã (“Solipsismus”) với quan điểm “thông giác siêu nghiệm” (transzendentale Aperzeption). Do đấy có khuynh hướng xếp PPLTTT vào một chỗ đứng ngoài lề trong “triết học tinh thần” (Philosophie des Geistes/Philosophy of Mind) đang xuất hiện trở lại trên diễn đàn triết học hiện nay.

Trên lãnh vực triết học ngôn ngữ, cương lĩnh (Programm) “lý tính thuần túy và phổ quát” của Kant đã bị Johann Georg Hamann[28] và Herder[29] phê bình. Từ nhận định về tính ưu tiên (hay tính thứ nhất) hệ tộc của ngôn ngữ (genealogische Priorität) và quan niệm ngôn ngữ như là “trung tâm hiểu lầm của lý tính (Mißverstand der Vernunft) với chính nó”, Hamann đã đón trước hai mặt của bước ngoặc triết học ngôn ngữ (sprachphilosophische Wende) trong lịch sử triết học Tây phương dưới hình thức còn thô sơ của nó: yêu sách (Anspruch) triết học cơ bản cũng như sở thích trị liệu bằng ngôn ngữ (sprachtherapeu-tisches Interesse). Herder cũng tuyên bố “triết học về ngôn ngữ con người” là triết học cuối cùng và cao nhất; ông cho rằng lý do của những mâu thuẫn và không thống nhất của lý tính nằm ở sự sử dụng vụng về các dụng cụ ngôn ngữ (Werke VIII, 19f).

Hơn một thế kỷ sau, Fritz Mauthner định nghĩa trong cuốn “Tự điển triết học” (1910 - II,XI) của ông: “Triết học là tri thức luận; tri thức luận là phê bình ngôn ngữ, nhưng phê bình ngôn ngữ là công trình triển khai ý niệm giải phóng tất cả những định kiến để nhận thức rằng con người - với những thuật ngữ của ngôn ngữ - không bao giờ có thể vượt ra khỏi những miêu tả tượng hình về thế giới cả”. Ðịnh nghĩa của Mauthner cho thấy khuynh hướng đi ngược lại với PPLTTT và chủ trương một hình thức mới của lý thuyết phản ảnh (Abbildtheorie). Trên cơ sở ấy nhưng không rơi vào thuyết “phản ảnh” (Abbildtheorie) của Mauthner, Wittgenstein đã tiếp tục xây dựng triết học như một trò chơi chữ nghĩa. Và với Wittgenstein, sự hoài nghi tính phổ quát tiên thiên của lý trí đã chiếm lĩnh một phần của nền triết học thượng phong đương thời. Từ đó, có thể nói, theo từng mạch nhảy triết học ngôn ngữ khác nhau, G. E Moore[30], Frege, Russell và Whitehead,- và M. Heidegger cũng chưa phải là người cuối cùng,- tiếp tục chối bỏ khái niệm “phán đoán tổng hợp tiên thiên” như một sai lầm về quan niệm tri thức thực tại của Kant. Họ cho rằng cụm từ “phán đoán tổng hợp tiên thiên” là một quái thai (Unding), bởi nếu phán đoán là tổng hợp (synthetisch) thì chúng phải là hậu thiên (a posteriori), hay là nếu phán đoán là tiên thiên (a priori) thì chúng phải là phân tích (analytisch), chứ không thể có một loại phán đoán trộn lẫn “vừa tiên thiên vừa tổng hợp” quái dị như thế (xem: BVNS, Chú giải dẫn nhập 3.2-3.3). Từ những phê phán ấy, một quan điểm giáo điều mới được nảy sinh cho rằng: TRƯỚC thời điểm khúc quành triết học ngôn ngữ, tất cả các nền triết học chẳng khác chi tình trạng xã hội Âu châu trước ngày cách mạng Pháp: đều đã quá sức lỗi thời.

Ðọc PPLTTT như thế để khảo sát xem nó đã hoàn toàn bị mất giá trị căn cứ vào tính thiết yếu của ngôn ngữ và tính liên chủ thể của tri thức, hay PPLTTT phải đứng trước chứ không đứng bên cạnh triết học ngôn ngữ. Hơn nữa, với điển hình của quyển PPLTTT, chúng ta có thể thăm dò khả năng có thể có một nền triết học cơ bản không bị quy định bởi khúc quành triết học ngôn ngữ hay bởi lý thuyết biện luận (Diskurstheorie) hay không.

Ngoài ra hiện nay chính triết học phân tích cũng đã quay lưng lại với ngôn ngữ như là khái niệm chỉ đạo và đặt trọng tâm vào triết học tinh thần (Philosophie des Geistes), được bổ túc bằng tri thức luận và bản thể luận.

Chính sự phát triển tư tưởng của Kant cũng cho phép ta chờ đợi một khả năng chọn lựa khác (Alternative) đối với triết học phân tích. Thoạt tiên, Kant đã lấy toán học làm mẫu mực phương pháp luận cho triết học. Trong “Monadologia” (1756) ông đã đưa ra “một thử nghiệm phương pháp siêu hình học bằng cách nối kết với mô hình khoa hình học”. Nhưng khi nghiên cứu về những lượng định tiêu cực (negative Größe) (1763), ông đã từ chối mọi sự mô phỏng theo phương pháp toán học bởi vì sự hữu ích mong muốn đã không thâu lượm được. (II 167). Như thế, mặc dù ngay trong thời kỳ tiền phê phán Kant cũng đã có những nghi vấn triết học như trường hợp triết học phân tích, nhưng ông đã thấy giới hạn của sự sử dụng triết học phân tích, bởi lẽ triết học phân tích không đem lại “điều gì mới” cho tri thức, có nghĩa là không đem lại tri thức tổng hợp. Triết học theo Kant có đối tượng là khả năng tri thức thực tại của con người; thực tại này được hiểu như một hiện tượng ở ngoài chủ thể, do đó có tính tổng hợp. Cho nên trong PPLTTT, ông bắt buộc phải dùng một phương pháp tri thức luận khác cho chương trình của ông.

 

1.3.  Từ tri thức luận siêu nghiệm (transzendentale Erkenntnis-theorie) đến “Thuyết chính luận toàn hoàn vũ về tri thức” (epistemologischer Kosmopolitismus)

Trong lúc khuynh hướng triết học đương đại đang đi sâu vào những đối tượng chi tiết của khoa học chuyên môn, PPLTTT trở nên một lựa chọn khác cho một khuynh hướng triết học có tính phổ quát với hình thức và nội dung đa dạng phong phú bao gồm tất cả những vấn đề triết học vừa lý thuyết vừa thực hành. Có thể nói đến nay chưa có một tác phẩm xây dựng nền tảng nào của triết học tân tiến có thể sánh kịp với một trước tác triết học toàn bộ đa dạng như PPLTTT.

1.3.1.

Về nội dung: có thể nói PPLTTT trước hết là một siêu hình học của siêu hình học” (Brief Nr. 166/97), một siêu hình học cấp 2, với ý hướng suy tư về nền siêu hình học thường thức, do đó được hiểu như triết học cơ bản (Fundamentalphilosophie).Từ đó sự phản tỉnh phê phán siêu hình học có đối tượng kiểm tra lại yêu sách (Anspruch) của triết học muốn được là một triết học cơ bản (Fundamental-philosophie) đồng thời cũng là một khoa học phổ quát và trong lúc kiểm tra, Kant đã giới hạn sự đòi hỏi này:

Trước hết, đối tượng được kiểm tra là nền triết học cơ bản cấp một, có thể gọi là bản thể học (Ontologie) hay siêu hình học tổng quát; kết quả cho thấy có hai thay đổi nền tảng: điểm thứ nhất, Kant chỉ đóng góp vào nền bản thể học (Ontologie) và lý thuyết đối tượng (Gegenstands-theorie) trong khuôn khổ của tri thức luận phê phán; điểm thứ hai, ông không chấp nhận một lý thuyết đối tượng độc lập với phê bình tri thức luận, hay nói cách khác, đối với Kant, một khảo sát có tính khoa học về siêu hình học cơ bản không thể bỏ qua thảo luận vể phương pháp tri thức luận.

Trong PPLLTT, Kant chia tri thức luận thành hai phần: Phần thứ nhất theo truyền thống gồm những định lý (Theoremen) “siêu hình” về không gian, thời gian và các khái niệm của giác tính thuần túy (ta gọi là T1); phần thứ hai là phần khảo sát siêu nghiệm đặt vấn đề về điều kiện khả thể (Bedingungen der Möglichkeit) của những nền khoa học được thừa nhận. Khảo sát siêu nghiệm đưa ra những luận cứ biện minh tính khách quan và phổ quát cho phần khảo sát T1.

Như một sự phản tỉnh hay một sự tự kiểm thảo, khảo sát siêu nghiệm có chức năng chuyển những vấn đề của siêu hình học cấp T1 vào trong lý thuyết có đặc tính không-thường nghiệm (nichtempirisch), trung lập và xác thực của toán học và nhất là khoa vật lý toán học, và nhờ đó có thể đạt được những quy luật (hay nguyên tắc) siêu nghiệm về Tự nhiên (transzendentale Naturgesetze) (T2) có tính tổng hợp-tiên nghiệm.

Tiếp theo, Kant khảo sát 3 bộ môn (Disziplinen) tạo nên nội dung cơ bản của khoa học thường được mệnh danh là “siêu hình học” trong triết học kinh điển nhà trường (Schulphilosophie), trong đó 3 ý niệm vô điều kiện (Unbedingte) được lý giải để chính danh và giới ước chúng: đó là ý niệm Linh hồn trong tương quan với tính bất tử trên lãnh vực tâm lý học thuần lý; ý niệm Hoàn cầu (Welt) và ý niệm Tự do trên địa hạt vũ trụ luận siêu việt, và ý niệm Thượng đế trên địa hạt thần học tự nhiên (T3).

Phần cuối của PPLTTT thảo luận về khả thể và giới hạn của toàn thể triết học (T4).

 

1.3.2.

Một chỉ trích thường được nhắc lại của Mendelssohn[31] về PPLTTT: Mendelssohn cho rằng sự phê phán của Kant có mãnh lực “nghiền nát triết học” (Mendelssohn 1785, “Vorbericht”) nhưng đã không thay đổi siêu hình học tận cơ bản mà thật ra đã dẹp bỏ siêu hình học.

Có 4 luận cứ phản bác lại chỉ trích trên: thứ nhất, ý nghĩa từng chữ của các bộ môn Siêu-Vật lý (Meta-Physik) hay Transzendenz- (siêu ngoại) của kinh nghiệm (Erfahrung) và khoa vật lý tự nhiên (Naturphysik) vẫn còn giữ lại trong PPLTTT. Thứ hai, trong phần “Biện chứng pháp” (“Dialektik”), Kant vẫn nói đến những đối tượng siêu việt như Thượng đế, tự do và linh hồn bất tử nhưng đã dành cho chúng một quyền hạn giới hạn trong ý nghĩa siêu nghiệm (transzendental) tân kỳ, sau khi đã lược bỏ tất cả những ảo tượng chung quanh các ý niệm này bằng phương pháp khảo sát siêu nghiệm. Thứ ba, học thuyết về những Ý niệm (Ideenlehre) của Platon, như một kiểu mẫu (Paradigma) siêu hình học, được khảo xét trong chức năng của chúng không liên hệ trực tiếp với những đối tượng siêu hình học mà chỉ ở trong khuôn khổ của một lý thuyết về các điều kiện của TRI và HÀNH. Kết quả của cuộc kiểm thảo đã đem lại cho chúng một vị trí giới hạn như là những ý niệm điều hành (regulative Ideen), bởi vì chúng không sở hữu thực tại khách quan (objektive Realität). Rốt cùng, chỉ có một phần của triết học kinh điển bị nghiền nát với sự hỗ trợ của những điểm trên. Sự giải giáp các bộ môn chuyên biệt của nền siêu hình học cổ truyền (T3) được thực hiện bằng nền siêu hình học cách mạng, mới mẻ và phổ quát (T1,T2).

Nhìn một cách hệ thống, có thể nói chỉ sau đó Kant mới chú trọng vào công việc “giữ chỗ cho các lý thuyết thực nghiệm với những yêu sách ưu thế phổ quát” (Habermas[32], 1983, 23). Những đóng góp tương ứng cho sự nghiên cứu về Tự nhiên đã được loại bỏ ngay trong thời tiền phê phán, cho nên vấn đề này ở ngoài PPLTTT.

Về hình thức, ta thấy tuy trọng điểm của PPLTTT nằm trong triết học lý thuyết bao gồm cả thuyết cứu cánh luận (Teleologie), nhưng mục đích chính của lý tính lại nằm trong đạo đức học, bao gồm cả thần học đạo đức (Moraltheologie), và ngay cả triết học chính trị cũng xuất hiện nơi đây. Trong 3 câu hỏi trứ danh: 1. Tôi có thể biết gì? 2. Tôi phải làm gì? 3. Tôi được phép hi vọng điều gì? (B833) PPLTTT đã đặt trọng tâm trả lời câu hỏi thứ nhất. Nhưng hai câu hỏi kia cũng được suy tưởng đồng thời. Và bởi vì trả lời cả ba câu hỏi trước có nghĩa là có khả năng trả lời được câu thứ tư: “Con người là ai?” (Log. IX 25), PPLTTT đã mở rộng đối tượng nghiên cứu liên quan đến môn triết lý nhân loại học rộng lớn (Anthropologie). Không phải trong “Anthropo-logie in pragmatischer Hinsicht” (Nhân chủng học trong ý hướng thực dụng) cũng không ở trong tiểu luận khảo sát “nhân chủng học thực tiễn bổ túc cho đạo đức học” (GMS IV 388), mà chính trong PPLTTT, những điểm cơ bản của nhân chủng học (theo nghĩa rộng của nhân loại học) đã được đề cập đến.

Vấn đề nhân loại học hiện nay lại trở nên một vấn đề thời sự trên bình diện tri thức học. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, yêu sách cổ điển về tính phổ quát của triết học lại phục hồi tính thời sự: cho đến nay những nền văn hóa khác biệt gay gắt nhất được phân chia “trên nguyên tắc” thành những vùng ảnh hưởng khác nhau về địa lý và mỗi vùng văn hóa có những ảnh hưởng cá biệt cho riêng từng vùng; nhưng trong giai đoạn hiện tại mô hình phân chia không theo nguyên tắc địa lý nữa mà theo ảnh hưởng lan rộng của nền văn hóa ấy trên các vùng địa lý khác. Trong hoàn cảnh này cần có một lập luận (Argumen-tation) có giá trị (gültig) văn hóa độc lập rõ rệt, không có tính cách nhân chủng độc quyền (monopol) mà là liên - và xuyên văn hóa (inter- und transkulturell) làm nền tảng cho sự phân chia này.

Dựa theo một cách loại suy từ quy định trật tự tư pháp toàn cầu, ta có thể gọi lập luận này là “thuyết chính luận toàn hoàn vũ” không phải trên bình diện pháp luật mà trên bình diện tri thức (epistemologischer Kosmopolitismus).

Trong ý nghĩa trên, PPLTTT, vốn đã có sẵn khái niệm “chính luận toàn hoàn vũ”, có thể được khảo sát trong một viễn tượng rộng hơn như Kant viết: “ngoài sự hoàn hảo về mặt luận lý của nhận thức làm mục đích… còn có một khái niệm có tính toàn hoàn vũ (conceptus cosmicus - Weltbegriff) về triết học”… “theo khái niệm này triết học là khoa học về mối quan hệ giữa mọi nhận thức với các mục đích cơ bản của lý tính con người (teleologia rationis humanae)” (B867), do đó, sẽ được nới rộng thêm với thuyết chính luận toàn hoàn vũ (Kosmopolitismus) về đạo đức.

Như thế trên phương diện siêu triết học (metaphilosophisch), đọc PPLTTT như một thử nghiệm xem trên lý thuyết có thể có một thế giới cùng chung văn hóa và cùng chung một lý tính cho mọi con người hay không cũng là một điều bổ ích. Chống lại với quan điểm hoài nghi hiện nay cho rằng không thể có một nền tư tưởng độc lập về văn hóa vượt thời đại và chủ trương duy lịch sử về tri thức, PPLTTT của Kant cho thấy có thể có một tri thức (Wissen) “có giá trị cho mỗi người, chừng nào người ấy có lý tính” (B848).

Kant nối kết những phán đoán “đầy đủ về mặt khách quan” (B848) trong khái niệm “tổng hợp tiên thiên” thành một tri thức không thể tương đối hóa (nichtrelativierbar) hoàn toàn độc lập về văn hóa và lịch sử. Chính ở điểm này - một thời đã bị phê phán gắt gao - PPLTTT có khả năng lại trở nên thời sự trên diễn đàn tranh luận triết học.

Với quan điểm chủ yếu rằng “khả năng lý tính có thể xây dựng “một” thế giới tri thức cho tất cả”, PPLTTT có thể là điểm khởi đầu với tinh thần kiểm thảo khoáng đạt cho cuộc thảo luận về một cương lĩnh triết học hiện đại, với một ngôn ngữ tự chủ và trưởng thành có thể đáp ứng những yêu sách của thời đại toàn cầu hóa, quan trọng và thuận lợi hơn so với khúc quành triết học ngôn ngữ. Cũng vì lý do đó mà hiện nay bước ngoặt triết học ngôn ngữ với khoa ngữ nghĩa hình thức (formale Semantik) lại muốn gia nhập cương lĩnh thảo luận về khả năng “một” thế giới tri thức mà trước đây chính PPLTTT đã đề ra.

Quan sát diễn biến thảo luận triết học đương đại cho thấy các lý thuyết tri thức thường có khuynh hướng trở lại với Descartes để rồi dựa trên cơ sở thực nghiệm phản bác triết gia này. Ðối với PPLTTT hình như đây là một bước lỗi thời ngây thơ, bởi vì chính trong PPLTTT, chúng ta đã có sẵn tư liệu phê bình Descartes và phê bình thực nghiệm, do đấy với cách đặt vấn đề của các khảo sát siêu nghiệm (transzendentale Erörterungen) trong PPLTTT, những thảo luận về Duy Thực (Realis-mus) chống lại Phản Duy Thực (Antirealismus) cũng như Duy Nhiên (Naturalismus) chống lại Phản Duy Nhiên (Antinaturalismus) sẽ mang một ánh sáng mới.

Trên bình diện T3, về lý thuyết linh hồn, tự do và Thượng đế, PPLTTT đã thành công trong việc loại bỏ quyền lực của cả hai chủ trương trái ngược: phe bảo vệ và phe từ chối những ý niệm trên. PPLTTT cũng đã khám phá ra một đề tài mới hiện nay rất cần được thảo luận: cho sự tiến bộ của khoa học tự nhiên cần có một lý do khác hơn là lý do thực dụng, trong đó sự chính danh và giới ước khả năng của khoa học phải được truy xét trên nhiều lãnh vực.

Và đối với triết học tinh thần (Philosophie des Geistes) cũng như với các khoa học nhận thức (Kognitionswissenschaften), PPLTTT là một chọn lựa khác lý thú so với những tham chiếu hiện nay thường hay viện dẫn lý thuyết nhị nguyên thể xác-linh hồn (Leib-Seele) của Descartes mà thật ra từ lâu lý thuyết này đã bị PPLTTT vượt qua.

 

1.4. Triết học thực hành trong thời đại Khoa học tự nhiên:

Ngày hôm nay chúng ta không còn đứng trước “đấu trường siêu hình học” nhưng lại đứng trước một tàn tích triết học mất định hướng sau cơn say mê triết học ngôn ngữ và sự trở về với chủ nghĩa thực nghiệm hầu như ngây thơ, một thái độ phê phán tự chủ trở nên cần thiết, do đó PPLTTT cũng là một khả năng lựa chọn khác cho sự nghiên cứu triết học có ý nghĩa, bởi vì PPLTTT là một cuộc đi cheo leo trên giao điểm giữa hai quan niệm đánh giá triết học quá thấp và quá cao cũng như giữa hai thái độ quá đề cao hay miệt thị khoa học tự nhiên. PPLTTT hòa giải sở thích (Interesse) của triết học nằm ở tri thức tự chủ (autonom) với sự sủng ái sa đà, quá độ đối với kinh nghiệm trong một thời đại đang bị khoa học chế ngự. Ðối với phong trào duy khoa học từ trước đến nay, khoa học không những được xem là toàn hảo mà còn là tất cả cho tri thức (Wissen) con người trong vũ trụ, trong lúc ấy phong trào đối nghịch là thái độ hoài nghi khoa học cực đoan toàn diện. Ngược lại với hai thái độ trên, Kant công nhận vai trò quan trọng của khoa học nhưng từ chối một thứ đế quốc trí thức (intellektuelle Imperalismus).

Thận trọng không xen vào từng bộ môn của khoa học, Kant khảo sát tiền đề và chủ đề của tri thức (Vor- und Grundfrage) khoa học hay theo thuật ngữ triết học siêu nghiệm của ông: những điều kiện khả thể của tri thức này, cũng như tiến xa hơn vào hai lãnh vực vượt ra khỏi khả năng (Kompetenz) của các khoa học chuyên môn: lãnh vực đạo đức học với ý niệm “Phải làm” (“Sollen”) và lãnh vực gợi hứng cho hành động đạo đức với ý niệm “Hi vọng” (“Hoffen”).

Có thể nói đặc điểm của thời cận đại nằm ở sự chú trọng hai nền khoa học thiết yếu mà các triết gia ngày nay không chú ý đến nữa: đó là khoa toán học và khoa học tự nhiên toán luận.

Lịch sử triết học cho thấy tương quan giữa triết học và toán học cùng khoa học tự nhiên từ khi triết học thành hình đến ngày hôm nay là một tương quan từ mật thiết đến viễn ly. Các triết gia lớn như Thales, Pythagoras, Aristoteles, Descartes, Pascal và Leibniz cũng là những nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên hay những nhà toán học. Trong quá khứ triết học đã đóng một vai trò phổ quát đứng trên mọi khoa học. Giai đoạn về sau vẫn trong truyền thống ấy. Những triết gia như Frege, Mach[33], Whitehead[34], Russell và Carnap[35] đã có nhiều đóng góp về lý thuyết vào toán học và khoa học tự nhiên. Trường hợp triết gia E. Mach trở nên nhà khoa học tự nhiên, hay H. v. Helmholtz, H. Poincare, Planck,Einstein, Heisenberg... từ khoa học tự nhiên trở nên triết gia cho thấy tương quan hỗ tương của hai ngành khoa học. Có thể nói Kant đã nằm trong tinh thần giao thoa này. Ông đã nghiên cứu về vật lý học (Monadologia I 482f), khoa học tự nhiên và địa chất, ông đã dạy môn địa lý tự nhiên trong suốt 4 thập niên. Nhưng Kant không phải là nhà nghiên cứu khoa học mà là một triết gia về khoa học tự nhiên. Ngày nay những công trình của ông trên lãnh vực khoa học tự nhiên chỉ còn có giá trị lịch sử, nhưng ngược lại, lý thuyết về khoa học của ông vẫn giữ giá trị hệ thống (systematische Bedeutung).

Trong giai đoạn hiện tại, khuynh hướng tách rời khoa học tự nhiên ra khỏi triết học để chỉ có khoa lý thuyết khoa học như một chi nhánh của triết học còn sót lại không giấu diếm được sự đơn điệu giản lược của triết học.

Khuynh hướng viễn ly giữa khoa học và triết học trong thời đại công nghiệp và kỹ thuật đã giản lược triết học vào công việc tìm ý nghĩa đạo đức để biện minh trong chừng mực khoa học với những thành tựu của nó có thể thay đổi toàn diện vũ trụ và thế giới sinh tồn. Bởi vì những khảo sát về vũ trụ quan dựa vào các dữ kiện khoa học ngày hôm nay không còn là sở thích của triết gia nữa, mà trái lại nằm gọn trong tay các nhà khoa học tự nhiên, trước đây là các nhà vật lý học và hiện nay là những nhà nghiên cứu về não bộ, sinh vật học, nên sự viễn ly trở nên một khủng hoảng của thời đại trong ý nghĩa của câu nói Platon: hoặc là nhà nghiên cứu tự nhiên trở thành triết gia hay triết gia cần nghiên cứu tường tận hơn những vấn đề khoa học tự nhiên hoặc là cần phải dung hòa cả hai tri thức, nếu không sẽ không bao giờ chấm dứt được nỗi bất hạnh của nhân sinh trong vũ trụ quan của chính
con người.

Chính trên phương diện triết học, PPLTTT đã đặt vấn đề tìm kiếm một loại tri thức mang “tính toàn diện” (Ganzheit) phối hợp ấy. Trong ý nghĩa đó, PPLTTT cống hiến cho thời đại Khoa học (Tự nhiên) hai khía cạnh triết học bổ túc cho nhau: Cảm năng học (Ästhetik) và “Phân tích pháp” (Analytik) triển khai hai yếu tố cấu tạo của tri thức về tự nhiên (Naturerkenntnis), còn phần “Biện chứng pháp” (Dialek-tik) giúp kiện toàn hóa yếu tố điều hành (regulativ) của toàn thể công trình khảo sát tự nhiên.

Với tư cách là một quyển yếu lược về khoa học, PPLTTT đã bị chỉ trích là lỗi thời. Lỗi thời vì đã xem hình học Euklide và vật lý học Newton cũng như định luật nhân quả tất định của khoa học ấy có giá trị độc nhất. Ðây là nguyên nhân tại sao những triết gia thời tân tiến và hậu tân tiến không còn muốn chấp nhận luận cứ của Kant trên khía cạnh này.

Ðọc Kant như thế cũng để khảo xét giới hạn lý thuyết khoa học của ông trong sự sử dụng toán học và vật lý học thời bấy giờ. Vấn nạn tiếp theo nằm trong tương quan giữa triết học cơ bản và khảo sát siêu nghiệm trong phần “transzendentale Ästhetik” (Cảm năng học siêu nghiệm, theo cách Việt dịch của BVNS) (khía cạnh triết học về không gian và thời gian): phải chăng điều kiện tất yếu và tiên thiên của mô thức cảm năng học chỉ có thể thuyết phục trong tương quan với phần triết học siêu nghiệm? Hay nói khác đi, luận chứng toán học của Kant sử dụng cho lý thuyết về không gian và thời gian và ngược lại lý thuyết không gian và thời gian ứng dụng cho toán học có liên hệ thiết yếu đến nỗi nếu một trong hai yếu tố đó mất đi thì PPLTTT sẽ mất hẳn tính thu hút thuyết phục?

Tuy nhiên dụng ý của Kant không nằm hẳn trong sự khảo cứu những điều kiện tiên nghiệm của thường nghiệm (Empirie) mà là khảo sát khả năng của đạo đức học và thần học đạo đức với các câu hỏi về Thượng đế, linh hồn và tự do. Những vấn đề này đang bị những thắng thế của khoa học lấn át. Kant đặt câu hỏi về khả thể siêu hình trong trào lưu khoa học để tìm ra được sự chính danh (Legimitation) và giới ước (Limitation) của tri thức khoa học và siêu hình học. Từ đó khả năng đạo đức học và thần học đạo đức được khai phá và mở rộng.

Kẻ nào chỉ đọc PPLTTT dưới hình thức lý thuyết toán học hay khoa học tự nhiên toán luận bổ túc vào tri thức luận tổng quát, kẻ ấy đã bỏ sót điểm tế nhị này: không phải đợi đến lý thuyết đạo đức mà chính trong lý thuyết về tri thức (Wissen), Kant đã triết lý trong viễn tượng thực hành hay đúng hơn: trong ý định đạo đức thực hành. Ðọc hết tác phẩm đến phần cuối cùng, phần “học thuyết về phương pháp” (Metho-denlehre), ta có thể nhận ra được rằng: nhìn một cách toàn diện, PPLTTT là một triết học thực hành (praktische Philosophie) với nghĩa phóng khoáng như trong Lời nói đầu và như khẩu hiệu (Motto) mà Kant đã nêu ra trong PPLTTT: vai trò của đạo đức học được nhấn mạnh một cách nổi bật. Ngược lại với truyền thống từ Aristoteles cho đến Descartes, đạo đức học trong vai trò của lý tính thực hành thuần túy trở nên một thành phần hội nhập của triết học cơ bản hay siêu hình học. Ðạo đức học với ưu thế của lý trí thực hành vẫn là thao thức của triết gia, người “ban bố luật lệ” (Gesetzgeber) (B867). Như thế, trong lúc Kant giới hạn lý tính thuần túy lý thuyết bằng cách giảm bớt sự lạm quyền của truyền thống siêu hình học cổ điển, ông đã nâng cao chức vị cũng như lãnh vực của đạo đức học, có nghĩa là lý tính trong ý nghĩa đích thực của nó phải là một lý tính tự khởi và sáng tạo trong hành động như một thiên phú của con người: không phải lý tính thuần túy (lý thuyết) mà chính lý tính thực hành mới là người ban bố luật lệ thật sự cho hành động của
con người
.

 

1.5. “Siêu việt” Ðông-Tây

Ðọc Kant với con mắt của người bắt đầu tìm hiểu triết học hoặc với con mắt một người “biết hơn Kant” vì đang đứng ở thế kỷ 21, sau khi đã qua những đoạn đường triết học với những thành tựu khoa học vượt khỏi giới hạn của thời Kant, nhưng cũng có thể đọc Kant với con mắt thứ ba: con mắt của người Ðông phương nhìn Tây phương.

Mỗi thời đại đều có những giấc mơ giáo điều mà những triết gia thường là những kẻ thức tỉnh, như trường hợp của I. Kant đã được D. Hume đánh thức ra khỏi giấc mơ giáo điều siêu hình của ông. Mỗi lời phê bình có thể là tiếng chuông báo thức. PPLTTT có thể là một tiếng chuông như thế trong cuộc tham luận về những vấn đề triết học hôm nay trên lãnh vực gặp gỡ Ðông Tây.

Triết học Tây phương không xa lạ với Ðông phương qua nhiều gặp gỡ cọ xát nhất là ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên mãi đến bây giờ Việt Nam thu nhận những trào lưu Tây phương ít nhiều trong tư thế thụ động với ít nhiều “mặc cảm” Ðông phương. Trên lãnh vực Triết học, trong những thập niên gần nhất chưa có những thảo luận nghiêm chỉnh về những vấn đề triết học then chốt nổi bật cũng như những đối thoại tư tưởng Ðông Tây tương xứng. Trong lúc ấy, trên thế giới, những nỗ lực khám phá, trở về nguồn, tự phản tỉnh đã trả lại tinh thần tự chủ cho Đông phương trong đối thoại với Tây phương trên lãnh vực tôn giáo và triết học.

Cùng với những trào lưu chống duy lý, duy ý niệm, duy lý tính trong thời hậu tân tiến, tinh thần kỳ thị (Diskriminierung) của hệ thống triết học Tây phương cho rằng những gì không nằm trong hệ thống ấy (như triết học Ðông phương chẳng hạn) đều không phải là triết học, dần dần được trung lập hóa. Ðông phương với Khổng học, Lão Trang, tư tưởng Phật học đã trở thành những chuyến du hành Viễn đông “tầm sư học đạo” để cho người Tây phương có được cơ hội thấy lại đúng đắn yếu tính và giới hạn của triết học Tây phương như F. Julien[36] (“Un sage est sans idée”, 9) đã thực hiện trong cuộc khảo sát tư tưởng Khổng- Lão của ông.

Ngược lại, PPLTTT có thể là một chuyến đi cho người Ðông phương thấy rõ hơn diện mục của mình. Với tinh thần phê phán trong PPLTTT, cuộc đối thoại sẽ giữ được “cân bằng lực lượng”, vì ngay chính trên lãnh vực tư tưởng, sự phán xét phải được công bằng như trong một tòa án dựa vào lý tính (PPLTTT). Tất cả những giáo điều đều được truy xét dựa trên khả năng nhận thức (Erkenntnisvermögen) của lý tính để có thể rút ra những nguyên tắc trung thực khả dĩ đóng góp vào tri thức có ý nghĩa của một thuyết “chính luận toàn hoàn vũ tri thức” (epistemologischer Kosmopolitismus) không chỉ cho Tây phương mà cho cả Ðông phương, nhất là vào thời điểm hôm nay khi khuynh hướng toàn cầu hóa trên lãnh vực văn hóa là điều không thể tránh được.

Hơn tất cả những tác phẩm khác, PPLTTT cho ta thấy rõ cấu trúc tư tưởng Tây phương nằm ở tính nhị nguyên trong khi lý giải về “thật tính” (Wirklichkeit) của sự vật hay đối tượng khách quan (hiện tượng và vật tự thân/Erscheinung và Ding an sich), trong sự phân chia lý thuyết và thực hành (Theorie/Praxis) là hai lãnh vực khác biệt trong bản chất, rãnh phân ly không thể khỏa lấp giữa tư duy và hữu thể (Denken/Sein). Tư tưởng nhị nguyên này theo F. Capra[37] là nguồn gốc gây nên những khủng hoảng hiện nay trên mọi lãnh vực khoa học tự nhiên cũng như nhân văn, tôn giáo của Tây phương. Từ đó phương pháp luận nhất quán của Ðông phương với Lão Trang và Phật học là một chọn lựa khác trên đường kiện toàn tri thức về tính toàn diện của thể tính (Ganzheit des Seins) trong nghĩa gấp đôi: triết học và nhân loại học.

Không phải là ngẫu nhiên mà những thành tựu của học thuyết tương đối hay lý thuyết lượng tử (Quantentheorie) đến gần với trực quan của thế giới Lăng Nghiêm. Với Long Thọ và triết học Hoa Nghiêm chúng ta có một khả năng tổng hợp và tầm nhìn phê phán vượt lên tất cả những cứ địa lý thuyết (theoretische Positionen) khác nhau bao gồm Kant, Hegel, phê bình ngôn ngữ học và triết học phân tích, phản duy lý tân tiến và hậu tân tiến, như một của báu trong nhà chưa khám phá hết. PPLTTT có thể đưa ta đến khám phá ấy, để thấy dù hai con đường khác nhau nhưng hai tư tưởng cùng chia sẻ một mục đích: công cuộc khảo sát tri thức luận rốt cùng chỉ nhằm đi đến “Ðạo Ðức” như khả năng thể hiện nhập thế của con người yêu chân lý và hòa bình: trong Long Thọ là thiền định nhập thể hoàn toàn trong thể tính (Sein) và Bồ tát hạnh, trong Kant là con người đạo đức với ý chí tự do, tự chủ và tự do hành động, ở Khổng Tử là “minh minh Ðức chỉ ư chí thiện”.

Tuy nhiên con đường nào giúp con người vượt đến đích? Hay nói cách khác có một lý thuyết của lý tính thuần túy đem đến TRI HÀNH HỢP NHẤT một cách hiển nhiên mà không bị giới hạn của tri thức trong chính cơ cấu của nó như một quá trình tổng hợp của trực quan (Anschauung) thường nghiệm thụ nhận (rezeptiv) và khái niệm (Begriff) như là mô thức (Form) linh hoạt (spontan) tự khởi như Kant quan niệm? Không luận và Ðại trí độ luận của Long Thọ (Nagarjuna) trong khi mổ xẻ ngữ cú, ngữ nghĩa và văn phạm của ngôn ngữ như “nghề riêng” (chuyên môn) của tri thức luận Phật giáo đã trả lời khá rốt ráo về khả thể “vượt” lên trên tất cả các vị trí khẳng định (affir-mative Positionen) nhị nguyên của tất cả những định lý (Theoreme) có thể có của khả năng tri thức (Erkenntnisvermögen) con người, có nghĩa là cởi bỏ tất cả những khả năng có thể có của giáo điều và chấp kiến để con người có thể ung dung hội nhập trong toàn hoàn vũ (Kosmopolitismus). Chính khả năng “vượt lên trên giới hạn” của con người là nhịp cầu giữa hữu hạn và vô cùng, giữa giới hạn và tuyệt đối.

Có thể nói PPLTTT là tác phẩm triết học đầu tiên của Âu châu trong quá trình phê bình tri thức đã khám phá ra khả năng siêu “vượt” trong cơ cấu của tri thức, đã hệ thống hóa chức năng siêu “vượt” trong khi luận giải về khách quan tính của tri thức triết học và từ đó mở ra những khả năng “vượt” khỏi giới hạn của những điều kiện đặc thù nội tại, hiểu như toàn thể hoàn cảnh con người, lịch sử và hệ thống triết học đương thời, để tầm mắt của con người có thể nhìn xa hơn trong khi truy tầm chân lý.

Triết học của Kant được ông mệnh danh là “Transzendentalphilo-sophie”. Ðây là một cụm từ mới lạ do Kant sáng tạo lấy từ sự sử dụng thuật ngữ “transzendent” của C. Wolff[38], trường phái mà Kant theo học một thời. Trong bản thể học cơ bản (Fundamentalontologie) và tri thức luận của C. Wolff, nó được dùng với nghĩa “tất yếu” (notwendig) hay “thiết yếu” (wesentlich). “Transzendental” có gốc từ chữ “trans-zendentalia” hay “transcendentia” có nghĩa là “những đặc tính cơ bản cuối cùng của tồn tại (hữu thể/Seienden/ens) vượt khỏi giới hạn phân chia sự vật thành giống và loại (Arten, Gattungen). “Ens” là ý niệm thực tại bên ngoài, được xem như là điều kiện của tư duy về tồn tại. Transzendent có nghĩa là “ngoại tại” phản nghịch với “immanent” (nội tại). Danh từ “Transzendenz” được dùng để chỉ những thực tại bên ngoài của con người, và xa hơn bên ngoài của thế giới con người, và xa hơn nữa bên ngoài của tổng thể những gì nội tại (Immanenz) như ý niệm siêu việt về Thượng đế chẳng hạn. Một triết học bàn về những hữu thể siêu ngoại được gọi là Philosophie der Transzendenz ngược lại với triết học Immanenz, có đối tượng nội tại. “Transzen-dental” của Kant là một biến cách khá độc đáo, lạ lẫm trong ngôn ngữ triết học thời ấy được sử dụng như thuộc từ đi theo chủ ngữ “triết học”.

Ðây là một công trình không nhỏ của Kant đã đem lại cho cụm từ đã mòn nghĩa này trong siêu hình học cổ điển, phục hồi lại chiều hướng “vượt lên” của nó (Dimension des Übersteigens). “Transzendentalphi-losophie” như thế chắc chắn không phải là một triết học về đối tượng nội tại cũng không phải là triết học siêu vật thể hay siêu hình duy lý, mà là nhịp cầu - hay nói theo thuật ngữ của Kant: những điều kiện khả thể cho tri thức có giá trị phổ quát và trung thực - được xây dựng bằng nguyên tắc của lý tính thuần lý. Do đó triết học siêu nghiệm diễn tả sự linh hoạt của khả năng “vượt” của trí tuệ con người.

 (Ðây cũng là lý do tại sao tôi chưa hài lòng lắm với cụm từ “Triết học-siêu nghiệm” mà dịch giả sử dụng để chuyển “Transzendentalphilo-sophie” của Kant. “Siêu nghiệm” hay “ở trên kinh nghiệm” gần với chữ “a priori” (tiên nghiệm) là một trong những đặc tính của Trans-zendentalphilosophie”, diễn tả tính độc lập và giá trị phổ quát khác với những dữ kiện thường nghiệm hay hậu thiên (a posteriori) của kinh nghiệm, trong ý hướng đó nó không ngoại tại. Nhưng “tính tiên thiên” của những mô thức (Formen) trong Transzendentalphilosophie tuy độc lập hoàn toàn với kinh nghiệm, nhưng chúng lại là những điều kiện chỉ có giá trị khách quan khi được ứng dụng vào thực tại bên ngoài để tạo nên tri thức về sự vật cho chúng ta, có nghĩa là chúng không hoàn toàn nội tại. Transzendental như vậy vừa siêu nghiệm vừa vượt siêu nghiệm, cho nên đúng hơn có thể gọi là “siêu việt” trong nghĩa “vượt” trên các cứ điểm lý thuyết (theoretische Positionen), ở đây trong trường hợp triết học của Kant, vượt lên trên chủ thuyết thực nghiệm và học thuyết duy lý.

Tôi biết dụng ý của dịch giả khi chọn chữ “siêu nghiệm” là để tránh những dị ứng của các nhà khoa học. Chữ “siêu nghiệm” gần với ý niệm khoa học, tỉnh táo (nüchtern), dễ hiểu và ít “siêu” hình (meta-physisch) hơn chữ “siêu việt” thường gây ấn tượng huyền hoặc, siêu hình, xa rời thực tế, nhưng nếu hiểu “siêu việt” là khả năng biện chứng hay sức “vượt” linh hoạt (Spontaneität) của lý tính trên đường kiện toàn tri thức thực tại (Erkenntnis der Wirklichkeit) thì Transzen-dentalphilosophie có thể được hiểu như “triết học siêu việt” của Kant).

Ðọc PPLTTT trong ý nghĩa khả thể vượt lên trên mọi đối đãi nhị nguyên như thế là một khả năng chọn lựa trong các tác phẩm triết học tiêu biểu Tây phương để có thể tìm lại được những ưu thế của Triết học Ðông phương trong tính linh hoạt diệu dụng của ý thức vượt rốt ráo. Bởi lẽ trong lúc với ý hướng phê bình, Kant vẫn còn dừng lại bên bờ của khẳng định khước từ (subversive Affirmation), vẫn còn đứng trên nền tảng (Fundament) của thể tính (Sein), vẫn còn bị thu hút bởi những ý niệm điều hành của lý tính và lúng túng trong luận cứ bản thể học (ontologische Begründung) cho một nền tảng đạo đức thực hành, thì trước ông hơn hai nghìn năm, Ðông phương với Lão Trang, Phật và nhất là Long Thọ đã sử dụng tánh “Không” (Nichts) vượt bờ tri thức đáo bỉ ngạn trong thế nhất quán “SẮC KHÔNG LÀ MỘT” và từ đó TRI HÀNH hợp nhất, mà mãi đến thế kỷ 20 M. Heidegger mới khởi hành trên con đường rừng của “Sein und Zeit” với hành trang “Hư vô” (Nichts) nhập thế Tây phương*.

 

2. Khái quát hệ thống triết học của Kant:

2.1.

Nằm trong lòng của thời cận đại của nước Ðức, triết học của Kant đã xuất hiện với ánh sáng tân kỳ của một tư tưởng “tân tiến”, trong đó hai yếu tố nổi bật được ghi nhận trước tiên: tính phổ quát và tính khoa học đã được Kant đề cao.

Qua ông các khuynh hướng tư duy của Anh và Pháp đã được chuyển tải vào nước Ðức. Trong lúc Tây Âu thấm nhuần tư tưởng phê bình do Descartes chủ xướng đã chiếm lĩnh dần dần tất cả những lãnh vực triết học: tâm lý, đạo đức, triết lý pháp chính, lý thuyết xã hội học và triết học tôn giáo,thì ở Đức mặc dù có sự cố gắng của Thomasius và đồ đệ của ông, tư tưởng Khai Minh vẫn còn chưa phát triển. Ngay cả Christian Wolff và trường phái của ông vẫncòn ở trong tình trạng triết học kinh điển nhà trườngtheo Leibniz. Kant đã hoàn thành sự nối kết một cách rộng rãi với thế giới bên ngoài. Tư tưởng của D. Hume và J. J. Rousseau được nới rộng và hệ thống hóa. Với công việc ấy triết học Đức đã lật ra một chương mới.

Triết học của Kant và những tác phẩm của ông có thể phân thành hai thời kỳ: thời kỳ tiền phê phán và thời kỳ phê phán. Điểm chuyển hướng vào khoảng năm 1769/ 1770.

 

2.2.

Trong thời tiền phê phán Kant đã tham dự vào khoa học và triết học của thời Khai Minh. Trên lãnh vực khoa học tự nhiên và toán học ông đã trân trọng những thành quả nghiên cứu củaNewton và chấp nhận quan điểm triết học củanhững nhà mô phạm kiểu mẫu Leibniz và Wolff, nhất là Leibnizvớikhuynh hướng tư tưởng duy lý của thời Khai Minh. Mặt khác qua Rousseau, Kant đã làm quen và đánh giá khuynh hướng ngược lại, triết học tình cảm phản duy lý, một xu hướng khác của thời Khai Minh. Trong thời kỳ tiền phê phán này, tựu trung Kant đã cho rằng nền siêu hình học theo quan điểm của Leibniz và Wolff là khả thể và đáng chấp nhận và ông đã đại diện cho tư tưởng truyền thống ấy. Cho nên trong tác phẩm quan trọng nhất của thời kỳ này, để lấy một ví dụ, đó là tác phẩm “Lịch sử thiên nhiên tổng quát và lý thuyết về bầu trời” (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels) (1755) ông đã trình bày luận cứ chứng minh Thượng đế theo quan điểm cứu cánh luậnrất được yêu chuộng trong học thuật kinh điển (Schulphilosophie) của thời Khai Minh. Năm 1763 trong tác phẩm “Nền tảng chứng minh duy nhất có thể có cho việc chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế” ông còn thiết lập một chứng minh hoàn toàn tiên thiên. Kant đã biết rất rõ những tranh luận trước đó trên diễn đàn siêu hình học muốn nói gì với từ ngữ “chứng minh” (demonstratio). Mặc dù vậy ông đã bênh vực cho quá trình ấy. Trong thời gian này, khái niệm nguyên nhân và hậu quả đối với ông chưa đáng nghi ngờ và một nền siêu hình học xây dựng trên khái niệm ấy vẫn không có gì trở ngại. Và như thế ông có thể suy diễn từ một thực thể chỉ hiện hữu tình cờ, bất tất (zufällig) để đi đến kết luận về một thực thể hiện hữu tất yếu (notwendig)vô điều kiện (unbedingt), tương tựnhư lập luận mà loại chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế theo vũ trụ quan của nền siêu hình học cổ điển thường làm. Sự chứng minh năm 1763 cũng nhắc lại lập luận chứng minh theo cứu cánh luận (Te-leologie), nhưng với một sự hạn chế: ở đó ông viết: “Người ta lúc nào cũng sẽ đi đến kết luận về một vị tác nhân vĩ đại bất khả tricủa tất cả toàn thể những gì mà giác quan của chúng ta truyền đạt và như thế không phải đi đến kết luận của một thực thể toàn hảo (vollkommen)”. Tuy nhiên, nguyên tắc nhân quả vẫn được giả định ở đây và bước đi từ cảm tính đến siêu cảm tính trong ý nghĩa của nền siêu hình học truyền thống đã được kiện toàn. Như thế ở đây Kant còn tư duy không phê phán.

Nhưng trong cùng tác phẩm của năm 1763, chúng ta có thể tìm thấy khuynh hướng ngược lại với chủ nghĩa duy lý của thời Khai Minh, đó là nền triết học cảm tính phản duy lý. Phản duy lý cũng là một đặc điểm khác của thời Khai Minh. Cần phải nêu rõ ở đây là mặc dù Kant trình bày chứng minh về sự hiện hữu của Thượng đế nhưng đồng thời ông lại cam đoan rằng người ta không cần đến sự chứng minh này: “Tự mình thuyết phục mình có sự hiện hữu của Thượng đế thật là cần thiết nhưng không cần thiết phải chứng minh điều ấy”. Kant đã nghĩ về sự tự thuyết phục này qua tư tưởng của Rousseau như là một thứ bản năng. “Thiên cơ đã không muốn rằng tất cả những nhận thức cần thiết nhất cho hạnh phúc của chúng ta phải dựa vào sự chi li của các suy luận tinh tế mà chỉ cần giao phó cho trí tuệ hồn nhiên, chính trí tuệ tự nhiên này sẽ không khiếm khuyết sai lạc trong việc đẫn dắt chúng ta đến cái đúng và cái lợi ích, nếu người ta không làm rối loạn nó bằng nghệ thuật sai lầm”. Đó cũng là quan điểm của Vikar trong nhóm Savoyardisten, cho rằng tình cảm mãnh lực hơn giác tính (Verstand), có thể đem lại cho con người sự an toàn tuyệt đối, để tin rằng có một vị Thượng đế, rằng chúng ta tự do, rằng linh hồn con người là bất tử. Rousseau là người đã đưa Kant về “đường phải” như Kant đã thú nhận như thế. Bên cạnh sự chấp nhận một sự thuyết phục dựa vào cảm tính về sự hiện hữu của Thượng đế còn có luận thuyết vũ trụ quan của ông, cho rằng giá trị của con người không nằm trong tri thức mà trong hành động. Trong thời kỳ tiền phê phán này, tuy ông đi theo con đường phản duy lý về vấn đề Thượng đế, Kant vẫn còn giữ vững những luận cứ chứng minh duy lý của siêu hình học và hai con đường tiến hành song song bên nhau trong hệ thống tư tưởng của ông.

 

2.3.

Giai đoạn phê phán

Trong thời gian này, tư tưởng của Kant về giá trị của yếu tố phi duy lý trong con người vẫn không thay đổi - Kant vẫn quan niệm vai trò ưu thế của lý tính thực hành đối với lý tính thuần túy. Nhưng những quan điểm từ trước đến giai đoạn này về khả thể của siêu hình học đã biến mất. Từ 1769/70, những phát biểu nghi ngờ về siêu hình học càng ngày càng nhiều hơn. Kant phát hiện trong thời gian này những cặp mệnh đề siêu hình học mâu thuẫn nhau, mà Kant gọi là những nghịch lý (Antinomien). Ông nhận ra rằng nếu sử dụng lý tính thuần túy một cách không phê phán, nhất định sẽ dẫn đến những mâu thuẫn nan giải.

Thêm vào đó quan điểm của David Hume về nguyên tắc nhân quả đã làm ông suy nghĩ. Chính D. Hume là người đã đánh thức Kant ra khỏi cơn mê ngủ giáo điều và đưa triết học của ông vào một hướng mới.

Kant muốn nói ở đây ý tưởng chủ đạo này của D. Hume: Nếu chúng ta liên kết hai sự kiện xảy ra bằng tương quan nguyên nhân - hậu quả, thì ta không thể thấy được tính thiết yếu (tất yếu) của sự liên kết này, như siêu hình học từ trước đã thường chấp nhận như thế về nguyên tắc nhân quả: bởi vì một cách tiên nghiệm, có nghĩa là thuần túy rút ra từ khái niệm của một nguyên nhân nhất định nào đó, người ta không thể đi đến kết luận về một hậu quả thuộc về nguyên nhân ấy, bởi vì những sự vật trên nguyên tắc chỉ liên hệ trong sự nằm bên nhau mà thôi; ngoài ra, từ kinh nghiệm cũng không thấy được “sợi dây” nối kết khái niệm nguyên nhân và hậu quả, bởi vì điều mà chúng ta tri giác được về hai sự vật chỉ là hiện tượng chúng nằm bên cạnh nhau (nebenei-nander).

Như thế đó là một sự lầm lẫn khi siêu hình học cổ điển nói về tính tất yếu của nguyên tắc nhân quả cho rằng tất cả đều phải có nguyên nhân “trước sau” và nhất là khi siêu hình học dựa vào đó để chấp nhận có một nguyên nhân đầu tiên là Thượng đế.

Nghi vấn về nguyên tắc nhân quả của D. Hume đã thúc đẩy Kant tiến xa hơn trong việc khảo sát những nguyên tắc tương quan giữa các khái niệm khác. Quan sát các đối tượng của tri thức đã đưa Hume thành lập nguyên tắc liên tưởng. Đối với tất cả các đối tượng trong tư tưởng, chúng ta thường liên kết nhiều tưởng tượng (nhiều biểu tượng) về chúng thành một nhất thể. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta có thấy sợi dây nối kết này ngay chính nơi những sự vật, trong tri giác trực tiếp hay chúng ta có thể diễn dịch sự liên kết ấy? Nếu không thì sự kết hợp ấy từ đâu ra? Nói một cách tổng quát: kinh nghiệm và khoa học căn cứ vào đâu để giải thích những kết hợp các tưởng tượng về đối tượng được diễn tả thành khái niệm, phán đoán và quy luật: “Cái gì tạo nên sự tương quan giữa tưởng tượng và đối tượng bên ngoài?” Kant đã viết cho Marcus Herz như thế. Đó là nghi vấn khởi điểm cho sự
phê phán.

Tuy nhiên, kết luận hoài nghi của D. Hume cho rằng nguyên tắc nhân quả không có giá trị phổ quát bởi vì chỉ dựa vào lòng tin, và lòng tin lại căn cứ vào thói quen kinh nghiệm thường nghiệm, chủ nghĩa hoài nghi này đã không giải đáp thỏa đáng thắc mắc của Kant. Kant cho rằng Hume đã không suy nghĩ trọn vẹn công trình tư tưởng của ông mà chỉ mới bắt đầu một phần. Nhưng con người sắc bén đó đã bật ra một tia lửa, và nó có thể trở thành ánh sáng.

Điều ấy đã xảy ra trong thời điểm khi Kant bắt đầu khởi sự nghiên cứu vấn đề tri thức trong toàn thể phạm vi của nó. Câu hỏi về khả thể của một nền siêu hình học đồng thời được đưa ra.Công việc này Kant đã nhận lãnh cho mình trong tác phẩm chính của ông: “Phê phán lý tính thuần túy”, “tác phẩm đã được ôm ấp suy nghĩ suốt thời gian ít nhất là 12 năm” (thư gửi Moses Mendelssohn ngày 16.8.1783) kể từ khi bức thư nổi tiếng gửi cho M. Herz ngày 21.2.1772 báo tin đã có đủ điều kiện để “biên soạn một quyển phê phán lý tính thuần túy, xem xét bản tính của nhận thức lý thuyết lẫn thực hành, trong đó phần đầu tôi sẽ xét những nguồn suối của siêu hình học, phương pháp và những ranh giới của nó, rồi sau sẽ trình bày những nguyên tắc thuần túy của đạo đức (học). Về phần đầu tôi sẽ hoàn tất trong vòng độ 3 tháng”. Phần đầu mà Kant đề cập trong bức thư “xét những nguồn suối của siêu hình học, phương pháp và những ranh giới của nó” là phác thảo khai sinh của tác phẩm đồ sộ xuất hiện đầu tiên vào dịp lễ Phục sinh 1781, bản A. Ấn bản thứ hai ra mắt vào tháng 6.1787, bản B với Lời tựa mới, bổ sung thêm cho Lời dẫn nhập và sửa chữa một số chương, đoạn quan trọng (Xem: Chú giải dẫn nhập của BVNS: 0.1-0.3).

 

3. Phê Phán Lý tính thuần túy: Bối cảnh vấn nạn triết học.

3.1. Ðấu trường siêu hình học.

Ðấu trường siêu hình học là thảm kịch tranh luận của các chủ thuyết siêu hình hầu như không có lối thoát của thời ông. Kant đã nêu lên trong Lời tựa và Lời dẫn nhập của tác phẩm: khuynh hướng đối nghịch cổ điển giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm, đồng thời cũng là sự đối nghịch giữa chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hoài nghi cũng như chủ trương khẳng định siêu hình học và chủ trương từ chối siêu hình học, thêm vào đó những chuỗi nghịch lý (Antinomien) nằm chính trong cơ cấu tri thức của lý tính con người.

Từ đó nỗi bận tâm triết học càng ngày càng khẩn thiết tìm ra giải đáp cho câu hỏi: có thể hay không thể có một nền siêu hình học. Trong lời nói đầu lần xuất bản thứ nhất, Kant cho rằng không nên khư khư giữ chặt nền siêu hình học như những nhà giáo điều thường làm một cách “độc tài độc đoán” cũng như không nên vì những thất bại của khoa học siêu hình mà hành động như những nhà hoài nghi lãnh đạm với khoa học này, ngược lại cần phải đặt vấn đề khảo sát sự tự tri thức của lý tính “và hãy thiết lập một phiên tòa để vừa bảo vệ những yêu sách chính đáng, đồng thời bác bỏ mọi đòi hỏi không có cơ sở, không phải bằng các phán quyết độc đoán mà dựa trên các quy luật hằng cửu và bất di bất dịch của lý tính. Tòa án này không gì khác hơn là sự PHÊ PHÁN BẢN THÂN LÝ TÍNH THUẦN TÚY”.(AXI).

Phê phán trước hết không có nghĩa là đả kích hay “lên án” như thế tục thường hiểu, cũng không phải là phê phán những hệ thống và sách vở mà là “sự phê phán toàn diện khả năng lý tính (Kritik der Vernunftver-mögens) trong tương quan với tất cả các loại tri thức mà nó có thể đạt được độc lập hoàn toàn với kinh nghiệm, qua đó tiến đến sự quyết định về khả thể hay bất khả thể của môn siêu hình học cũng như xác định những nguồn gốc, phạm vi và giới hạn của nó” (AXII). (Xem: BVNS, Chú giải dẫn nhập 1-3).

Kant tin rằng có loại tri thức siêu hình học độc lập với kinh nghiệm: “Tri thức siêu hình học phải bao gồm những phán đoán tiên thiên, chính tính đặc thù của nguồn gốc của nó đòi hỏi như thế” (Proleg § 2 = Werke IV 266) Bởi thế công thức của công việc PPLTTT trong Lời tựa là: “Câu hỏi chính là giác tính (Verstand) và lý tính (Vernunft) có thể tri thức độc lập với kinh nghiệm những điều gì và được bao nhiêu” (AXVII).

Trong Lời dẫn nhập của PPLTTT, Kant đưa ra một công thức chính xác hơn. Đó là mệnh đề nổi tiếng của PPLTTT: “Nhiệm vụ thực sự của LTTT nằm trong câu hỏi: làm thế nào có thể có được những phán đoán tổng hợp tiên thiên” (B19; Proleg. § 5 - Werke IV, 278).

Kant cho rằng siêu hình học từ trước đến giờ chỉ đưa ra những mệnh đề phân tích theo kiểu mẫu của mệnh đề: tất cả vật thể đều là quảng tính. Những phán đoán như thế cần thiết và có giá trị tổng quát nhưng chúng chỉ là một sự phân tích các khái niệm nhằm giải thích rõ hơn và không đem lại sự mở rộng kiến thức của chúng ta, ví dụ như trong câu: “tất cả vật thể đều nặng”.

Phán đoán phân tích chỉ có giá trị trong giới hạn của lãnh vực khái niệm, chỉ diễn tả trong khái niệm thuộc từ điều đã có sẵn trong khái niệm chủ từ, chúng chỉ là những tương quan của các ý tưởng, được liên kết với nhau theo nguyên tắc mâu thuẫn, như chính Locke và Hume đã nhận thấy. Lãnh vực bên ngoài luận lý của thực tại cụ thể (reale Wirklichkeit) không được đả động đến trong các phán đoán trên. Những người chủ trương duy lý và giáo điều đã bỏ sót không đặt câu hỏi “làm thế nào chúng ta có thể đạt được những khái niệm một cách tiên thiên (tiên nghiệm), để rồi sau đó có thể xác định sự sử dụng thích đáng của chúng lên trên những đối tượng của mọi nhận thức nói chung”. (B23f).

Như thế đối với Kant vấn đề cần giải quyết là đặt cơ sở cho một khoa học về kinh nghiệm. Kant quan niệm rằng, chúng ta không nên chỉ tháo rời (phân tích) những khái niệm, mà phải tác tạo và tổng hợp chúng với nhau. Chúng ta không cần những phán đoán giải thích (Erläuterungsurteil) mà cần những phán đoán mở rộng, tức những phán đoán tổng hợp. Một siêu hình học không theo đường hướng ấy sẽ không dạy gì cho chúng ta về Thực tại (Wirklichkeit) cả. Nhưng sự mở rộng phải là tiên nghiệm có nghĩa là phải có tính phổ quát và khách quan nếu không thì cũng không ích lợi gì (B18). Ở đây vấn đề của những triết gia Anh như J. Locke và D. Hume về sự kết hợp các tưởng tượng (Vorstellung) và kết luận của họ về những nguyên tắc tri thức đã thúc đẩy Kant đặt câu hỏi về cơ cấu của tri thức đuợc diễn tả trong phán đoán tổng hợp Nhưng trong lúc Kant đồng ý với đòi hỏi của họ cho rằng những khái niệm phải có cơ sở trong kinh nghiệm, thì ông lại không theo họ đến những kết quả cuối cùng rút ra từ chủ thuyết duy nghiệm, bởi lẽ chủ thuyết hoài nghi chỉ chấp nhận tính cách gần đúng (Wahrscheinlichkeit) của các khoa học kinh nghiệm mà thôi. Kinh nghiệm đơn thuần, như Hume nói, không mang theo bên mình tính tất yếu và giá trị phổ quát. Kant không từ chối điểm đó, nhưng nếu tất cả khoa học kinh nghiệm chỉ dừng lại là một niềm tin (belief), thì Kant không đồng ý với tình trạng như thế.

Kant muốn cứu khoa học siêu hình và do đấy đã tìm cách cứu phán đoán tổng hợp tiên thiên (tiên nghiệm). Tất cả công việc của ông tập trung vào vấn đề trên. Suy nghĩ của ông là nếu muốn tránh những hậu quả lập luận của Hume, thì cần phải diễn tả khái niệm kinh nghiệm một cách khác. Phương cách đặt vấn đề khác này Kant gọi là cuộc cách mạng Kopernicus: trước ông “người ta giả định rằng mọi nhận thức của ta phải hướng theo các đối tượng” nhưng đã thất bại trong việc mở rộng nhận thức cho nên cần phải tìm một hướng đi mới bằng cách giả định rằng các đối tương phải huớng theo nhận thức của ta” (XVI).

Từ đó Kant tìm cách thiết lập một tổng hợp giữa thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm. Từ thuyết duy lý, Kant rút ra đề án(These) chủ trương khoa học phải thiết lập những mệnh đề có giá trị phổ quát và tất yếu; từ thuyết duy nghiệm, Kant lấy luận cứ cho rằng khoa học phải viện đến kinh nghiệm giác quan.

Hume suy luận như sau: kinh nghiệm không có tính tất yếu, mệnh đề nhân quả khởi từ kinh nghiệm, như thế thì nó không tất yếu. Tất cả các phán đoán kinh nghiệm cũng như thế, do đấy khoa học chỉ là niềm tin (Belief/Glaube).

Kant suy luận: kinh nghiệm không có tính tất yếu, nhưng mệnh đề nhân quả thì lại là tất yếu, do đấy nó không thể phát xuất từ kinh nghiệm, cho nên cần phải tìm ra được nền tảng tính tất yếu này cho nó và cho những mệnh đề kinh nghiệm khác. Nền tảng này và những hình thức của nó (Formen) nếu không tìm thấy trong chính kinh nghiệm thường nghiệm thì nó phải được tìm thấy được không đâu khác hơn là trong tâm thức (Gemüt) của con người.

Nhưng do đâu Kant biết rằng mệnh đề nhân quả là tất yếu (notwendig)? Có phải điều ấy đối với ông là một chuyện hiển nhiên? Hay ông muốn thích hợp hóa tri thức luận với đạo đức học?

Kant tin rằng ông có cơ sở khách quan để chấp nhận có những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Nền tảng khách quan này đã có sẵn trong toán học thuần túy và vật lý học thuần túy.Những mệnh đề như: 7 + 5 = 12 hay “đường thẳng là đường ngắn nhất giữa hai điểm”, đều căn cứ vào cái nhìn trực quan (Anschauung) thời gian và không gian, chúng đều là tất nhiên (apodiktisch), từ đó đều là tổng hợp và tiên thiên. Ở đây chúng ta đang vận dụng “mô thức thuần túy của trực quan cảm tính” (reine Formen der Anschauung) (B36, 41). Cũng thế đối với các mệnh đề của vật lý học như: Số lượng vật chất vẫn giữ không thay đổi, hay: “trong sự chuyển động thì tác động và phản tác động (Gegenwirkung) luôn luôn bằng nhau”.

Dựa vào những định đề toán học và vật lý học như thành quả của thời cận đại, Kant cho rằng ông có đủ lý do để cứu vãn KHOA HỌC kinh nghiệm (Erfahrungswissenschaft), mà với D. Hume khoa học này đã mang mối hoài nghi cho rằng tất cả tri thức kinh nghiệm đều chỉ căn cứ vào lòng tin. Kant cho đây là một khám phá quan trọng của ông. Thật sự khám phá này là nền tảng của PPLTTT. Do đó những người phê bình Kant thường cho rằng hệ thống triết học của ông đứng vững và sụp đổ theo quan điểm của ông về đặc tính tổng hợp và tiên nghiệm của nền toán học và vật lý học thuần túy, bởi vì chính căn cứ vào tính khoa học này Kant nghĩ là ông đã tìm ra được điều mà ông tìm kiếm cho lập luận của mình. Kant cũng tin rằng với khám phá ấy ông cũng đã đem lại cho toán học thuần túy một nền tảng, trong ý nghĩa với đặc tính tổng hợp của các mệnh đề toán học. Những mệnh đề này thường được phần đông các nhà toán học cho là những mệnh đề phân tích. Người ta cũng có thể chống lại Kant như sau: hoặc trực quan là cảm tính (sinnlich) thì nó không thuần túy (rein), hay trực quan là thuần túy thì nó lại không phải là cảm tính, cũng như người ta thường nói về các mệnh đề toán học: hoặc nếu chúng là đúng (wahr) thì chúng không hiện thực (wirklich) hay nếu chúng là hiện thực thì chúng không đúng.

Nhưng Kant tin rằng, trong khái niệm về toán học thuần túy, ông có thể thống nhất cả hai yếu tố trên (Proleg. § 2 u. §§ 6 ff = Werke IV, 268, 280ff). Sau khi đã thiết lập được nền tảng khoa học, Kant tìm cách xác định yếu tố tiên nghiệm (a priori) trong các nguyên tắc tri thức: “Bản thân nhận thức kinh nghiệm của ta hoàn toàn có thể là một sự kết hợp giữa những gì ta nhận thức được từ các ấn tượng và những gì do quan năng nhận thức của ta tự mang lại (còn các ấn tượng cảm tính chỉ tạo cơ hội cho chúng khởi động); phần thêm vào này chưa được ta phân biệt với chất liệu cơ bản nói trên, cho tới khi sự tập luyện lâu dài khiến ta lưu ý và biết tách riêng được phần thêm vào này một cách thành thạo”. (B1).

Kant gọi những phần tử tiên nghiệm mà khả năng tri thức của chúng ta đã có sẵn mà không cần viện lý đến kinh nghiệm là những “mô thức” (Formen). Những mô thứctrực quan (Anschauungsformen) là không gian và thời gian đã được Kant lọc ra trong phần Cảm năng học siêu nghiệmvà những mô thức tư duy hay các phạm trù trong Phân tích pháp siêu nghiệm; và cuối cùng tương tự nhưnhững mô thức trên là các Ý niệm (Ideen) trong phần Biện chứng pháp siêu nghiệm. Tất cả những mô thức tiên nghiệm làm nền tảng cho tất cả các tri thức tạo nên lý thuyết mà Kant gọi là “Triết học siêu nghiệm”. Kant phát biểu về thuật ngữ mà ông tạo ra khá độc đoán (willkürlich) này như sau: “Tôi gọi mọi nhận thức là siêu nghiệm khi chúng không chỉ nghiêm cứu các đối tượng mà nghiên cứu về phương cách nhận thức của ta về các đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có được một cách tiên nghiệm”. (B25).

 

3.2.

Do đó Triết học siêu nghiệm đối với Kant là học thuyết về khả thể của tri thức kinh nghiệm, trong chừng mực những đối tượng này được thành hình căn cứ vào những mô thức (Formen) tiên thiên chủ quan của tâm thức (Gemüt) chúng ta. Khảo sát siêu nghiệm có mục đích trả lời câu hỏi về điều kiện khả thể của tri thức. Ngược lại với “transzen-dent” siêu ngoại vật, và là cơ cấu siêu chủ thể (transsubjektive) và cụ thể (ontisch) của các đối tượng, chữ “siêu nghiệm” nhằm chỉ tính quy luật của tâm thức như là gia sản tri thức của chúng ta, một thứ lôgíc được chủ thể phác thảo nói như thời trước hay đúng hơn một loại thể tính học do chủ thể phác thảo như ngày nay người ta thường nói, bởi vì không những chỉ có giác tính (Verstand) được thành hình nên từ những mô thức này mà cả một thế giới được hình thành, bởi vì những gì chúng ta biết về thế giới này, đều do những hình thái tiên thiên kia ấn định. Như thế triết học siêu nghiệm có nghĩa là sự từ chối triết học siêu ngoại vật (trenszendente Philosophie) của siêu hình học cổ điển. Từ “transzendental” còn nói lên một đối nghịch thừ hai: đối nghịch với duy tâm lý và thuyết tương đối của Hume. Kant tin là ông đã tìm ra được trong mô thức tiên thiên (Formen a priori) yếu tố vượt lên trên tính ngẫu nhiên của chủ nghĩa duy nghiệm đơn thuần, bởi vì nó tất yếu và luôn luôn nằm sẵn trong cơ cấu của tri thức, từ đó giả thuyết hoài nghi của Hume cho rằng khoa học kinh nghiệm chỉ dựavào tính gần đúng căn cứ vào thói quen không còn đứng vững nữa.

Với triết học siêu nghiệm, Kant muốn xây dựng một nền luận lý học hoàn toàn là nền luận lý học thuần túy. “Nó không thoát thai từ tâm lý học như những khuynh hướng bấy giờ hay tự gán cho mình.Tâm lý học không có ảnh hưởng gì cả trên bộ chuẩn tắc (Kanon) của giác tính (Verstand). (B78).

Kant đã kỳ vọng rất nhiều với luận lý học siêu nghiệm: “Để có được cái nhìn thấu triệt về quan năng mà ta gọi là Giác tính, cũng như để xác định các quy luật và các giới hạn trong việc sử dụng nó, tôi không thấy có nghiên cứu nào quan trọng hơn phần được tôi trình bày trong Chương 2 của “Phân tích pháp siêu nghiệm” dưới nhan đề: “Diễn dịch về các khái niệm thuần túy của giác tính”. (AXVI).

Vấn nạn của những vấn đề triết học thời ông đã được Kant tìm ra giải đáp trong PPLTTT với một công thức gọn gàng bất hủ: “Khái niệm mà không có trực quan thì trống rỗng còn trực quan mà không có khái niệm thì mù quáng” (Begriff ohne Anschauung ist leer, Anschauung ohne Begriff ist blind). (B75).

Chất liệu (der Stoff) phải tương ứng với mô thức. Chất liệu theo Kant là yếu tố đa tạp (Magnigfaltige) của cảm năng, sự hỗn độn (Chaos) của cảm giác (Empfingdung), là “chất liệu thô” của những ấn tượng giác quan”, chất liệu ấy “thu hút” chúng ta, nhưng bên trong chưa được sắp đặt có thứ tự, mà còn cần phải được nhào nặn và sắp xếp thứ tự bởi mô thức tiên thiên (apriorische Form). Đối với chất liệu, chúng ta ở trong thế thụ động và chấp nhận (rezeptiv). Ngược lại trong các mô thức tiên nghiệm, tâm thức của chúng ta hành động linh hoạt, “bộc phát”, tự khởi (spontan).

“Mọi nhận thức của ta đều bắt đầu bằng kinh nghiệm, đó là điều không có gì phải nghi ngờ; bởi vì thông qua cái gì khiến quan năng nhận thức được đánh thức để đi vào hoạt động nếu không phải thông qua các đối tượng tác động đến các giác quan của ta (...). Vậy, về mặt thời gian, không có nhận thức nào trong ta lại đi trước kinh nghiệm và tất cả bắt đầu bằng kinh nghiệm”. (B1).

Đối với Kant, tâm thức con người cũng giống như một tờ giấy trắng và cần có giác quan cũng như các chất liệu, để được viết lên. Thế nhưng “tuy mọi nhận thức của ta đều bắt đầu từ kinh nghiệm song không phải vì thế mà tất cả đều bắt nguồn từ kinh nghiệm”. (B1).

Mớ hỗn độn mù quáng của giác quan cần phải được sắp xếp lại và sự sắp xếp này nhờ vào hoạt động của những mô thức tiên thiên hay những phạm trù, những hình thái này luôn luôn đem lại tính tất yếu cho tri thức... Với quan niệm ấy, như trên đã nói, Kant dành một phần có lý cho thuyết duy lý. Kant cho rằng tính tiên nghiệm của mô thức là điểm cách mạng của triết học ông.

Tuy Kant đặt vấn đề siêu hình học, nhưng những suy luận của ông trong PPLTTT trước tiênhoàn toàn chú trọng đến tri thức của con người. Do đấy dưới ảnh hưởng của những triết gia Tân-Kant (Neukantianer), PPLTTT đã được lý giải trong một khoảng thời gian dài như học thuyết tri thức, danh từ mà người ta đã gán cho Kant là kẻ nghiền nát siêu hình học - mặc dù nền siêu hình học mà Kant muốn nghiền nát là học thuyết duy lý - được hiểu về sau một cách tổng quát là Kant không còn dính líu gì đến siêu hình học nữa. Hiện nay người ta đã bắt đầu tìm hiểu Kant như một nhà siêu hình học. Dĩ nhiên, trong PPLTTT, Kant đã đặt nền tảng cho vấn đề tri thức, là một điều khách quan rõ rệt; nhưng đề tài trước hết và cấp bách là câu hỏi về khả thể của siêu hình học và cấu trúc của nó trong ý nghĩa của Kant, bởi lẽ: “những vấn đề không thể tránh khỏi của bản thân lý tính thuần túy là: Thượng đế, tự do [của ý chí] và sự bất tử [của linh hồn]. Nhưng, môn khoa học mà mục đích tối hậu - với mọi sự trang bị - chỉ nhắm vào việc giải quyết các vấn đề ấy chính là Siêu hình học, môn học đã tự tin đứng ra đảm nhận việc thực hiện, với phương pháp ngay từ đầu là giáo điều, tức là, không có sự kiểm tra trước đó về năng lực (Vermö-gen) hay sự bất lực (Unvermögen) của lý tính đối với công việc lớn lao như thế”. (B7).

Trước đó người ta đã bàn cãi những vấn đề siêu hình học như một loại giáo điều, không có sự kiểm tra khả năng của lý tính. Giờ đây, Kant muốn kiểm tra khả năng này của lý tính và tìm những dữ kiện của tâm thức trong những mô thức thuần túy và do đấy chúng có giá trị vượt thời gian, “bởi lẽ câu hỏi chính yếu vẫn là giác tính và lý tính có thể nhận thức được gì và được bao nhiêu khi độc 1ập với mọi kinh nghiệm”. (AXVII). Do đó siêu hình học của Kant là một siêu hình học lôgic siêu nghiệm.

(Về tóm lược và giải thích nội dung của PPLTTT xin xem “Chú giải dẫn nhập” của BVNS ở cuối mỗi chương).

 

4. PPLTTT trong trào lưu triết học đương đại.

4.1. Duy lịch sử hay “Tái thiết” siêu nghiệm (Retranszentali-sierung)?

Với chủ thuyết duy lịch sử, Rorty[39] (1978) theo chân Nietzsche là người dầu tiên đã nêu lên nghi vấn về tư tưởng nòng cốt của triết học siêu nghiệm cho rằng chỉ có một thế giới duy nhất của nhận thức (eine einzige Welt des Erkennens).

Rorty phê bình ý tưởng chỉ có một thế giới tri thức (eine epistemische Welt) dưới hình thức một đoản thiên lịch sử triết học đương đại. Ðoản thiên này gồm có hai phần lấy hệ thống triết học siêu nghiệm của Kant làm tiêu chuẩn phân biệt.

  • Phần đầu là giai đoạn “tái siêu nghiệm” (“Retranszendentali-sierung”): trong giai đoạn này nhiều xu hướng triết học khác biệt nhau gay gắt đều nhắm mục đích cách tân triết học siêu nghiệm, bởi lẽ những khuynh hướng khác biệt này như học thuyết thực dụng của Peirce, hiện tượng học của Husserl, chủ thuyết hiện sinh của Heidegger trong “Sein und Zeit”, Wittgenstein trong Tractatus và Husserl trong giai đoạn đầu, đều có đối tượng khảo sát nằm trong việc chứng minh hay truy tầm những điều kiện của tri thức độc lập với kinh nghiệm (Wissen) mà Kant đã đề ra.
  • Giai đoạn thứ hai là khuynh hướng “Hủy (hay giải) siêu nghiệm” (“Detranszendentalisierung”): Hủy siêu nghiệm bao gồm những học thuyết thực dụng (Pragmatismus) từ Peirce đến Dewey, từ hiện tượng học chủ thể chuyển qua triết học về “tha nhân”, từ triết học phân tích triển khai đến Quine, Sellars, sau đó Davidson và Putnam, từ Wittgenstein của Tractatus đến Wittgenstein của “Những khảo sát triết học” (Philosophische Untersuchungen), từ Heidegger của “Sein und Zeit” - triết học cơ bản (Fundamentalphilosophie) - đến Heidegger của Triết học “Suy tư về” (Philosophie des Andenkens). Trong giai đoạn này mọi người không còn tìm cách thiết lập một bộ sườn khái niệm tiên thiên và một dấu mốc thực tại Archimedes làm tiêu chuẩn cho tri thức nữa. Trong tiến trình tranh luận về nhận thức thực tại của triết học siêu nghiệm, kỳ vọng của Kant tìm cho triết học một thế đi vững chãi như khoa học cuối cùng lại nhường bước cho chủ thuyết tâm lý phản ứng tri thức luận (erkenntnistheore-tischer Behaviorismus).
  • Hãy đơn cử một ví dụ: Quine đã dẫn ra 3 luận cứ chống lại sự thiết lập cơ sở tiên thiên (Sđd): chân lý và nhận thức chủ yếu thuộc về bản chất khoa học hơn là triết lý; bộ sườn khái niệm chúng ta dùng để tri thức thực tại (faktisch) chỉ là một trong nhiều khả thể; ngoài ra những vấn đề triết học đều tùy thuộc vào hoàn cảnh (kontextabhängig).

Rorty từ chối một cách sôi nổi quan niệm có một tri thức (Wissen) trong nghĩa khoa học tuyệt đối mà Hegel đã sử dụng trong “Phänome-nologie des Geistes” (“Hiện tượng học của Tinh thần”) để phê bình Kant. Khái niệm “tri thức tuyệt đối” này còn vượt xa hơn sự đòi hỏi yếu tố tiên thiên trong tri thức mà Kant đã xem như là một bảo đảm cho tính khách quan của tri thức. (Hegel đã năng động hóa yêu sách về tính khách quan của Kant mà ông cho là còn “tĩnh” (statisch), bởi vì ở mỗi cấp bực khác nhau của tri thức sẽ có một đòi hỏi về tính khách quan (Objektivitätsanspruch) thích hợp với cấp bực ấy. Những yêu sách này lại được tương đối hóa trong viễn tượng dựa vào một cấp bực cao hơn của một tính khách quan vô giới hạn, và tính khách quan này lại được giải thể ở một cấp bực cao hơn nữa để cuối cùng là Tri thức tuyệt đối toàn thể).

Ngược lại với triết học siêu nghiệm, Rorty cho rằng giá trị khách quan của tri thức nằm trong “lịch sử” như là cơ sở tài liệu bao gồm những dữ kiện khách quan, từ đó Rorty chủ trương quá trình “lịch sử hóa phổ quát” (universale Historisierung).

Nhưng tình hình chung cho thấy là chưa có một quan điểm mới nào của các xu hướng nói trên có thể đứng vững lâu dài cả. Ngày nay các bộ môn khoa học không còn tạo nên một hiện tượng nhất quán mà chỉ tùy theo phương pháp và ý hướng tri thức, cho nên triết học nhất quán của khoa học nói chung mà PPLTTT biện minh cũng không còn có ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, thay vì thuật ngữ “khoa học” nói chung (die Wissenschaft) ta có thể nói đến những khoa học được thảo luận trong PPLTTT và ta sẽ thấy những luận cứ trong PPLTTT đều có những lý do chính đáng. Ví dụ khoa vật lý học chẳng hạn, khoa vật lý đã chuyển đổi khái niệm nhân quả theo hướng lý thuyết gần đúng (wahr-scheinlichkeitstheoretisch) nhưng trong bản chất đã không bãi bỏ tư duy nhân quả: cái đi trước đối với cái đi sau vẫn là nguyên nhân, vẫn là lý do tại sao cho cái đi sau. Ngoài ra môn toán học được PPLTTT sử dụng ngày nay đã phát triển xa hơn, nhưng một môn toán học nào đó, không nhất thiết là của Euklide vẫn được sử dụng như phương pháp khoa học không thể thiếu được.

Rorty cũng thường dùng khái niệm đặc thù “so sánh văn hóa” rất được ông ưa chuộng đối ngược lại với ý niệm tiên thiên. Tuy nhiên đến nay chưa có một nền văn hóa nào cũng như chưa có một thời đại nào mà tri thức không sử dụng mô thức trực quan “không gian thời gian” hay hình thức tư duy nhân quả. Như thế có thể nói có 4 điểm được xem như là những lựa chọn nghiêm túc cho khái niệm “tổng hợp tiên thiên”: không gian, thời gian, nhân quả và toán học vẫn được sử dụng như là ngôn ngữ cho những đo lường khách quan. Những loại văn hóa (Kulturen) chủ trương nghiên cứu tường tận thường chấp nhận một yếu tố thứ năm trong PPLTTT: những ý tưởng điều hành của Kant (regulative Ideen) và quan điểm văn hóa của Kant, văn hóa là “sự đào luyện lý tính con người” (B879) vẫn không mất giá trị của một tầm nhìn minh triết.

Như thế một khi muốn đưa những kiến thức thực hành vào khái niệm, thì có thể chấp nhận định luật yếu tố lệ thuộc hoàn cảnh, nhưng yêu sách đòi phương pháp khảo cứu hoàn toàn theo chủ thuyết hành vi hay tâm lý phản ứng (Behaviorismus) lại quá đơn giản và ngây thơ để không thể không hoài nghi tính sâu sắc của xu hướng ấy.

Hơn nữa trong PPLTTT, chủ đích của Kant không chỉ nằm trong lập luận về tính tiên thiên tổng hợp, mà còn chính là ở trong đặc tính “siêu nghiệm” hay “vượt” của sự phê phán lý tính trong công việc chính danh và nhất là trong công việc giới ước tri thức. Chúng ta biết, trong giai đoạn Tái thiết siêu nghiệm (Retranszendentalisierung), Peirce, Husserl, Wittgenstein giai đoạn 1, Heidegger và Husserl đã nghiên cứu các yếu tố tiên nghiệm, công trình của họ có thể nói đã tái thiết lại phần tích cực khẳng định của PPLTTT. Bao lâu còn thiếu phần thứ hai (phê phán, phủ định) của PPLTTT, những học giả này còn giữ niềm lạc quan lý tính ngây thơ (Vernuftoptimismus). Tinh thần này xa lạ đối với PPLTTT, và gần với quan điểm “duy cơ bản” (Fundamentalis-mus) của Descartes và học thuyết duy tâm (Idealismus) của Ðức hơn là gần Kant. Lịch sử triết học cho thấy cần thiết phải nêu lên khía cạnh tiêu cực của lý tính và làm rõ những giới hạn thường bị đẩy lùi sau hậu trường.

Như thế trong khái niệm lịch sử triết học của Rorty, hai giai đoạn Tái lập và Hủy diệt siêu nghiệm (Retranszendentalisierung và Detransen-dentalisierung) đã xa lìa nhau, trong khi đó, trong PPLTTT chúng được thảo luận như hai mặt của một vấn đề, tạo nên một hợp nhất và đem đến cho tác phẩm tầm cỡ của nó: chính danh và giới ước là cương lĩnh gấp đôi của PPLTTT. Cương lĩnh này không thừa nhận những đòi hỏi độc đoán của việc “Tái lập” (Re) theo kiểu duy cơ bản (fundamen-talistisch) cũng như khuynh hướng “Hủy diệt” (De) theo kiểu thực dụng-tâm lý học phản ứng. Và do đấy hứa hẹn nhiều thành công hơn.

Chính Descartes cũng không muốn tìm một điểm Archimedes trong triết học để làm tiêu chuẩn cho sự thiết lập thế giới tri thức. Nguyên tắc “Thượng đế” như là thực thể toàn hảo của Descartes chỉ có nhiệm vụ bảo đảm cho khả thể của chân lý. Kant, và đây cũng là luận điểm chống lại quan điểm của Rorty - đã không cần đến loại mệnh đề bảo đảm của Thượng đế như thế. Khi cần đưa ra các lập luận, thì chính “lý lẽ” (“reasons”), logoi theo nghĩa cổ điển, được sử dụng, có nghĩa là đưa ra các lý do (Gründe) và các luận cứ (Argumente) chứ không phải là đặt những cơ sở (“foundations”). Với tư cách những luận cứ siêu nghiệm, chúng được gọi là những điều kiện của khả thể của những luận cứ khoa học, chứ không phải chính luận cứ ấy (Bedingungen der Möglichkeit der transzendentalen Argumente). PPLTTT tìm kiếm những yếu tố xây dựng nhờ đó các khoa học có thể xây cất tòa nhà với cơ sở đặt biệt dành cho khoa học. Ngay cả thông giác siêu nghiệm (transz. Apperzeption) cũng chỉ là một yếu tố trong mạng lưới lập luận (Argumentationsnetz), mạng lưới này trong toàn thể của nó không nêu lên đòi hỏi kiểu Descartes hay của Fichte như là luận cứ cuối cùng. Tính nhất quán của lý tính theo Kant chỉ tìm được qua khái niệm mục đích mà thôi (Zweckbegriff). Ngoài ra, hình ảnh một điểm Archimedes không thích hợp, bởi vì Kant quan niệm tất cả những gì ngoài tri thức là sự vật tự thân (Das Ding an sich), đều bất khả tri, cho nên chỉ chú tâm đến phần nội tại của tri thức.

4. 2. Lật đổ lý tính hay phê phán bằng khẳng định loại trừ (subversive Affirmation)

Ðối với Kant, đối tượng của triết học nghiêm túc là “Lý tính”. Ngược lại đối với Rorty và những triết gia khác là “sự từ giã lý tính”. Ðối với Kant đó là chữ Lý tính viết lớn, số ít trong nghĩa hai mặt: lý thuyết và thực hành. Chỉ có lý tính mới có thể cho phép triết học lập ngôn bên cạnh những khoa học thành công đương thời khác không những trong hình thức của một lý thuyết về khoa học trợ giúp cho những khoa học kia mà còn có thể tự lập trong công việc triết lý của mình. Mục đích của Lý tính đối với Kant nằm hẳn trong công cuộc xây dựng cho triết học một nền tảng khoa học vững chãi.

“Lý tính” đối với Kant là hình thức cao nhất của tính suy lý (Rationa-lität), triết học có bổn phận hợp thức hóa và đặt giới hạn cho nó trong một dự án gấp đôi: một mặt trong khuôn khổ của tri thức và lý thuyết về tính khách quan (Objektivitätstheorie), PPLTTT đã đem đến hai hình thức suy lý có ý nghĩa, đó là toán học và vật lý học và chính danh chúng cho công tác triết học. Trong nghĩa đó, triết học là lý thuyết trợ lực cho khoa học. Mặt khác, sự giới ước ngăn ngừa rõ rệt nguy cơ tuyệt đối hóa tính suy lý: gián tiếp là ngăn ngừa đòi hỏi độc quyền của khoa học, trực tiếp là của triết lý lý thuyết và trực tiếp nữa là toàn thể tinh thần duy lý của khoa học cũng như của triết học. Ðồng thời tòa án lý tính của Kant cũng chống đối quan niệm cho rằng lý tính chế ngự vì đã được đặt định trước như thế.

Nhưng đặt một giới hạn để lý tính không đi quá đà, vượt khỏi khả năng thực sự của nó không có nghĩa là bãi bỏ hoàn toàn lý tính như cương lĩnh về một cuộc lật đổ lý tính toàn diện (Subversion) của Foucault[40](1961) hay chủ trương vô chính phủ (anarchistisch) chống lại lý tính của Feyerabend[41] (1987).

Cuộc “lật đổ” của Foucault nhằm tước hết quyền gương mẫu và thước đo của lý tính, cũng như cuộc nổi loạn vô chính phủ (anarchisch) của Feyerabend trong “Against the Methode/Wider den Methodenzwang” (“Chống lại sự bó buộc của phương pháp”) đả phá những tiêu chuẩn thuần lý chật hẹp trong nhận thức. Foucault đã có lý trong ý hướng “phục hồi” (“Rehabilitierung”) lại chỗ đứng cho những nhóm bên lề xã hội như những người bị tâm thần hay những người có vấn đề sinh lý khác thường. Phản ứng của Feyerabend cũng có thể hiểu đối với những quan điểm duy lý độc tôn. Nhưng cả hai thái độ muốn chôn vùi ý niệm lý tính Tây phương dù có cực đoan đến đâu vẫn chưa thực
hiện nổi.

Xét cho cùng, đến nay, không kể đến các lãnh vực tri thức (Wissen), phương pháp và sở thích (Erkenntnisinteresse)) tri thức, trên các lãnh vực nghiên cứu khác, chưa thấy có dấu hiệu từ bỏ lý tính của khoa học. PPLTTT đã có lý khi phản đối khuynh hướng cực đoan thuần lý trong khoa học. Nhưng, khuynh hướng đả phá mà Nietzsche, Heidegger, trường phái lý thuyết phê bình cổ điển, và sau đó Foucault, Feyerabend va Rorty chủ trương thì đến nay vẫn còn là… khuynh hướng, trong lúc PPLTTT từ lâu thật sự đã hợp thức hóa quá trình “hủy bỏ siêu nghiệm” (“DE”transzendentalisierung) ấy.

Thật vậy, duyệt lại lịch sử khoa học và triết học từ trước đến nay, ta lại nhận ra được ý hướng căn bản “Hủy bỏ siêu nghiệm” của PPLTTT sâu sắc hơn: không phải Tư duy (Denken) THAY VÌ Khoa học, mà là một khoa học vừa được TƯ DUY thừa nhận và chắp cánh nhưng đồng thời lại được khoanh giới hạn.

Thật thế, nếu quan sát bản văn phạm cốt lõi (Kerngrammatik) của xã hội hiện nay, đó là nền tảng quốc gia lập hiến cùng với toàn bộ những tiềm lực phê bình và cải cách và tất cả những nỗ lực trên lãnh vực toàn cầu tranh đấu cho pháp quyền và dân chủ, ta lại thấy một hiện tượng ngược lại là chính những người chủ trương bãi bỏ lý tính cứng nhắc thật ra lại rất một chiều phiến diện. Bởi vì nhiều lập luận chống lý tính lại chứng tỏ không hợp lý gì cả khi được xét kỹ hơn.

Dự án PPLTTT của Kant trên nguyên tắc cơ bản thừa nhận một sự lật đổ lý tính có ý nghĩa và theo tinh thần khoa học, nhưng đồng thời vẫn giữ thái độ cởi mở cho sự xác nhận khẳng định lý trí. Trên cơ bản như trong 1.5. đã nêu ra, PPLTTT là một sự khẳng định có tính từ khước (subversive Affirmation) hay nói cách khác khẳng định từ khước là thái độ của tinh thần phê phán siêu nghiệm.

Sau Kant, những khuynh hướng từ khước này đã được triển khai như một khía cạnh đặc thù của triết học từ Hegel với phản đề phủ định. Xét cho cùng nhân vật đề cao khuynh hướng này không phải là Kierkegaard hay Nietzsche, cũng không phải Frege, Wittgenstein, Heidegger, hay lý thuyết phê phán (kritische Theorie) của trường phái Frankfurt mà là Pascal với câu ngụ ngôn sâu sắc: “trái tim có những lý lẽ mà lý tính không biết được” (“le coeur a ses raisons, que la raison ne connait pas”).

Pascal từ khước lý tính nhưng để thừa nhận một lý lẽ cao hơn lý tính, chứ không hoàn toàn từ chối lý tính. Trong toán học ông thực hiện một tinh thần nghiêm túc của suy luận thuần lý đồng thời ông cũng xem đó như là một niềm tin. Từ khước lý tính của Pascal do đó là một từ khước để mở ra đa nguyên của các lãnh vực tinh thần khác.

So với tinh thần từ khước trong PPLTTT, ta thấy khẳng định từ khước của PPLTTT đòi hỏi nhiều hơn và đã được thực hiện từng chi tiết: PPLTTT biện minh cho yêu sách về tính khách quan của kinh nghiệm, đã chứng minh vai trò không thể thiếu được của toán học trong biện minh ấy, đã lột trần yêu sách tri thức của lý tính về những ý niệm siêu hình học là quá đáng, đã đem lại vị trí điều hành cho các ý niệm và khám phá đạo đức học cùng với sự nối tiếp của nó trong thần học đạo đức như một sự sử dụng thực hành, đặc thù của lý tính.

 

4.3.  “Tôi tư duy” (ich denke) hay là Siêu chủ thể (Übersub-jektivität)?

Trong lúc chính họ đề cao “duy tâm” tuyệt đối, chính những triết gia của học thuyết duy tâm Ðức (Idealismus) lại là những người đầu tiên phê bình tính chủ thể trong PPLTTT.

Ðối tượng phê phán mà trường phái duy tâm và các xu hướng hiện đại trong đó có Apel[42] và Habermas nhằm đến là khái niệm “Thông giác siêu nghiệm” (“transzendentale Apperzeption”, theo Kant được hiểu như “ý thức về ý thức đối tượng” hay “tự ý thức” hay “tổng hợp nguyên thủy làm điều kiện cho những tổng hợp khác, tức cho mọi nhận thức, Kant còn gọi là “nhất thể siêu nghiệm” = chủ thể “tôi tư duy” là điều kiện khả thể cho toàn bộ nhận thức có giá trị tiên thiên, B133, B134). Mặc dù Kant đã nhấn mạnh trong khảo sát siêu nghiệm rằng “tư duy thuần túy chủ quan lại là các hòn đá tảng tạo nên tính đối tượng khách quan” và nhất thể siêu nghiệm = “tôi tư duy” cũng chính là nhất thể khách quan (B139), những người phê bình vẫn xếp PPLTTT vào loại triết học tâm lý học thời cận đại, theo phương pháp duy chủ thể, chấp nhận một chủ thể lý tính trong suốt, trực tiếp và có khả năng nhận thức chân lý, một “chủ thể lý tính thuần túy, siêu thế giới (extramundan), và do đó không bị lịch sử hay thực tế xã hội ô nhiễm... được hiểu như một thực thể cô đơn trên nguyên tắc” (Kuhlman[43] 1987, 144).

Nhìn chung, những chủ trương đối nghịch lại với thuyết “duy ngã” nói trên có:

1.   trên bình diện đạo đức: chủ thuyết vị tha,

2.   trên bình diện lý thuyết xã hội: khả năng cộng đồng xã hội với lý luận: a. không có chủ thể riêng biệt, chủ thể luôn luôn ở trong liên đới chủ thể, không có sự thừa nhận chủ thể mà không có sự thừa nhận qua lại của nhiều chủ thể - b.: con người không phải là những cá nhân nguyên tử riêng lẻ mà là phần tử của một tổ chức, có tính cách cộng đồng, xã hội và cả của nhân loại trong quá khứ và tương lai.

3.   trên bình diện lý thuyết ngôn ngữ và ngữ nghĩa phản duy ngã của Wittgenstein: theo luận cứ về ngôn ngữ riêng tư (Privatsprachen-Argument) của Wittgenstein thì không có một loại ngôn ngữ riêng tư biệt lập đặc biệt, trong đó những chữ liên hệ với điều mà chỉ người phát ngôn có thể biết được mà thôi dựa trên những cảm nghiệm trực tiếp” (Philosophische Untersuchungen, §243)

4.   khuynh hướng chống duy chủ thể tri thức (epistemologischer Antisolipsismus) trong.

a.   dạng thức thực dụng siêu nghiệm (transzendentalpragmatisch) như của Apel với đồ đệ như Kuhlmann) hay b. dưới dạng thức thực dụng phổ quát “universaler Pragmatismus” (Habermas 2001) chống lại sự khinh miệt những dữ kiện đặc thù về văn hóa và lịch sử của lý tính.

Về điểm 1: Vấn nạn về duy chủ thể đã được đặt ra trong PPLTTT khi Kant bắt đầu phê bình triết gia điển hình về chủ thể tính là Descartes với “cogito ergo sum” (tôi tư duy cho nên tôi hiện hữu).Trong ý hướng cơ bản cũng như toàn thể kiến trúc và phương pháp cũng như những phát biểu trong tác phẩm, Kant đã triển khai một triết học chống khuynh hướng Descares và chống duy chủ thể rõ rệt. Trong BXXXII, khi gọi PPLTTT là một “Khảo luận về phương pháp” (“Traktat von der Methode”) (tương tự như Discours de la methode của Descartes), Kant tranh luận với chủ thuyết hoài nghi và đồng ý với Descartes ở hai điểm không dính líu đến duy chủ thể:

Trên lãnh vực đạo đức, Descartes không duy chủ thể bới vì ông cũng đề cao bổn phận tổng quát là “phải đóng góp phần của mình cho sự an vui của mọi người” (Discours 6.) Ở đây Kant cũng như Descartes đã theo gót tư tưởng gia đi trước là Bacon với khẩu hiệu “in commun consulant”: bàn luận về sự an vui chung “trong toàn tác phẩm cho đến cuối cùng. Ðoạn cuối của “Kiến trúc học của LTTT” (“Architek-tonik”) nói về sự phục vụ cho an vui cộng đồng là một trong những mục đích của PPLTTT: “Cơ quan tối cao này - (chính bản thân lý tính) - sẽ bảo đảm trật tự, sự hòa hợp và cả sự thịnh vượng của cộng đồng khoa học và giữ vững không để cho những nỗ lực dũng cảm và bổ ích của khoa học được xa rời mục đích chính yếu: đó là tạo dựng hạnh phúc chung cho nhân loại” (B879).

Một cách trực tiếp, PPLTTT phục vụ cho sư an vui về tri thức: phương diện tiêu cực là chiến thắng cuộc cãi vã không dứt trong địa hạt siêu hình học và phương diện tích cực là đối với “quyền lợi chung của một lý trí càng ngày càng được Khai Minh hơn” (Prol. IV 380). Một cách gián tiếp, PPLTTT đóng góp vào sự an lạc đạo đức được xác định tiêu cực bằng bổn phận “chấm dứt tất cả những vi phạm tính đạo đức và tôn giáo trong mọi hình thức tương lai” (BXXXI), và tích cực là cho lý tưởng sự Thiện tối cao. Khởi đầu của khẩu hiệu (Motto) của Bacon đã tăng sức mạnh cho quan điểm chống duy ngã: kẻ nào tự im lặng, để cho chỉ có sự việc lên tiếng, kẻ ấy nhân danh quyền lợi của mình phục vụ sự an vui cộng đồng. (Xem: Lời của Bacon được Kant mượn làm Đề từ cho ấn bản B quyển PPLTTT).

Tuy nhiên trên phương diện phương pháp học, Descartes đã theo mẫu duy ngã trong lý luận, trong Discours cũng như trong Meditationes tất cả đều được bắt đầu bằng “ego”: cái tôi ngôi thứ nhất số ít.

Kant đã từ chối kiểu mẫu đó. Với hình ảnh phiên xử của tòa án, ông theo một kiểu mẫu hoàn toàn chống duy ngã và mang tính thuần túy xã hội, ngay từ khởi đầu, trong cuộc tranh luận giữa học thuyết duy lý và duy nghiệm, cũng như trong phương pháp dung hòa biện luận suy lý (Diskurs), và trong sự đòi hỏi “chia sẻ”, “tương thông” (mitzuteilen B848f) về chân lý.

Theo Apel và Habermas, những mẫu Biện luận (Diskurse) nhằm đạt được sự đồng ý liên chủ thể sau khi cân nhắc một cách duy lý về những yêu sách giá trị đang đươc truy vấn, và sự đồng ý liên chủ thể thay thế ý niệm tính khách quan của Kant. Nhưng nếu nói về biện luận thì PPLTTT còn rốt ráo suy lý hơn thế nữa khi bàn về siêu hình học và triết học cơ bản. Tính suy lý đó đã bắt đầu bằng câu hỏi “Làm thế nào có thể có một nền siêu hình học?” (Wie ist die Metaphysik möglich?). Câu hỏi này được tiếp tục với tiêu chuẩn khoa học khách quan, nhằm tạo được “đồng ý với nhau” (einhellig zu machen) (BVII) và kết thúc bằng “một khảo hạch tự do và công khai” (“freie und öffentliche Prüfung”) (AXI, Chú thích). Trong cuộc khảo hạch này không phải “giá trị riêng của phán đoán” (B849) là đáng kể mà chính là lý tính con người tổng quát (allgemeinmenschliche Vernunft). Quan điểm này còn được định nghĩa theo tính cách xã hội: trong phiên tòa của “lý tính xử lý tính”, mỗi người vừa là kẻ tố cáo vừa là người biện hộ và kiêm luôn cả vai trò chánh án.

Ðối với con người Khai Minh (Aufklärer) như Kant thì không phải tri thức chuyên môn, cũng không phải địa vị đặc biệt hay một nhiệm sở dù đó là của Thượng đế hay của ân sủng cho con người là đáng kể. Kant chỉ từ chối mỗi sự “độc quyền trường phái” (BXXXII) để dành cho sự “đồng lòng của những công dân tự do” (B766). Triết học luôn luôn là nơi “lưu trữ của một khoa học ích lợi cho cộng đồng” (BXXXIV), trong đó mỗi người “đều có tiếng nói của mình” (“ein jeder seine Stimme hat”) là một quyền hạn thiêng liêng (heiliges Recht)” (B780). Mặc dù phương châm của thời đại Khai Minh chứa đựng một chút đạo đức cá nhân nhưng sự can đảm cần có để sử dụng trí tuệ của mình (“Trả lời câu hỏi: Khai Minh là gì?”) (VIII 35) hoàn toàn không dính líu đến sự chọn lựa giữa duy ngã hay phản duy ngã.

G. Höffe đã đề nghị một lý giải khác về tính chủ thể trong PPLTTT: “nếu chúng ta thay cách diễn tả “chủ thể lý tính” bằng từ ngữ “đối tượng” gồm cảm tính, giác tính và lý tính để phân biệt với Lý Tính đang giữ chức vụ phê bình, thì ta sẽ thấy trong khái niệm lý tính chẳng có yếu tố duy ngã nào cả. Ngược lại PPLTTT đã vượt khỏi tính duy ngã một cách rõ rệt, và cái gọi là kiểu mẫu (Paradigma) “truyền thông và biện luận” (Kommunikation-Diskurs) thật sự không bắt đầu ở Frankfurt [ám chỉ Apel, Habermas], cũng không trong Câu lạc bộ siêu hình Cambridge (Cambridge Metaphysical Club) cũng không ở tại điạ chỉ của G. Herbert Mead mà nơi sinh của nó nếu không kể những nguồn gốc xa hơn, phải là ở Königsberg” [chỉ nơi sinh và nơi ở của Kant] (Otfried Höffe[44], Kants Kritik der reinen Vernunft - Die Grund-legung der modernen Philosophie, C.H. Beck, 340).

Tuy nhiên, sự phê bình duy ngã vẫn còn đứng vững với đối tượng phê bình của lý tính: khái niệm tự ý thức siêu nghiệm là “điểm cao nhất” (B133 FN) của giác tính. Nhưng vai trò của “thông giác siêu nghiệm” lại thuộc về giác tính (Verstand) và không phải là điểm cao của cảm năng và lý tính lý thuyết. Chính nó cũng chưa đóng vai trò xây dựng đúc kết mà còn nằm trong “hệ thống” các nguyên tắc.

Dĩ nhiên khái niệm “tôi tư duy” (“ich denke”) gợi lên sự phê bình duy ngã nhưng so sánh nó như một độc thoại với thế giới nội tại riêng tư đối nghịch với thế giới ngôn ngữ và xã hội thật ra không đúng. Cái “tôi tư duy” của Kant là điều kiện của tri thức, nhưng nó không phải là môt ego nhất định đối lập với Alter ego, “cái Tôi khác”. “Tôi tư duy” phải được hiểu như một khả năng tri thức trong tương quan với đối tượng, như một điểm lựa chọn và “diễn dịch” (Deduktion) có thể chuyển từ “tôi” (Ich) sang “chúng ta” (Wir) và trở lại “tôi” (Ich).

Ðể tránh hiểu lầm, Kant đã đưa ra nhiểu điểm chọn lựa khác nhau, ví dụ ông dùng biểu tượng “X” để nói về một cái tôi tổng quát nhưng không thường nghiệm: “qua cái Tôi này hay Nó (Er) hay “Cái” hoặc “Con” (Es) (sự vật), khi cái ấy tư duy, chẳng có nghĩa gì khác hơn là một chủ thể siêu nghiệm của những tư tưởng bằng = X” (B404).

Với “X” như một “biến số” (variable) của “Tôi tư duy” (“ich denke”) có thể nói Kant đã đến gần với quan điểm “VÔ NGÔ của tri thức luận Phật học, như chính K. Schmidt[45] đã nhận định. Theo Kant khảo sát siêu nghiệm về “Tôi tư duy” như một động tác “Aktus” (B158) của chủ thể “như một hiện tượng… chứ không thể tự nhận thức mình là cái tôi bản ngã” (B159). Có thể nói sau David Hume là người phủ nhận tính đồng nhất của bản ngã (personal identity) làm cơ sở cho nhận thức, thì Kant là triết gia đã đem lại thành quả khảo sát tri thức luận về sự bất khả tri của ý niệm “NGÔ (Selbst) “do đó tôi không thể có nhận thức về mình như là cái tôi tự thân mà chỉ về cái tôi xuất hiện cho tôi như hiện tượng.Ý thức về mình còn lâu mới là nhận thức về mình” (B158), thành quả mà từ lâu tri thức luận Phật học sử dụng như một yếu tố cơ bản trong việc thiết lập tri thức “chánh kiến”, một điều kiện cho giác ngộ chân lý.

Hơn nữa, phản bác “tôi tư duy” cũng có nghĩa là phải chống những yếu tố khác cao hơn, chống lại mô thức trực quan, mô thức khái niệm, chống lại phạm trù, chống lại sơ đồ niệm thức (Schemata) và những nguyên lý nhận thức, chống lại ý niệm điều hành (regulativ), và chống lại cái hoàn cảnh là tri thức con ngưới khác với tri thức của Thượng đế ở điểm không tự khởi mà cũng không trực giác (spontan und intuitiv), bởi vì tất cả những yếu tố trên đều là sản phẩm tiên thiên của “tôi
tư duy”.

Có thể nói rằng “thông giác siêu nghiệm” trong chức năng thuần túy chủ thể của nó vượt lên tất cả chủ thể thường nghiệm cũng như liên chủ thể thường nghiệm, để chỉ là một ý niệm chủ thể phổ quát trong tương quan với đối tượng ngoại tại. “Thông giác siêu nghiệm” do đó có tính “siêu chủ thể” (Übersubjektivität). Như viên gạch căn bản đầu tiên xây dựng tri thức và khảo sát con người, nó vừa có khả năng vừa là điều kiện khả thể cho mọi thỏa thuận cộng đồng và đáng được sự chấp thuận của mọi công dân tự do (“Einstimmung freier Bürger”) (B767).

Hơn nữa câu hỏi có thể đặt ngược lại cho những người phê bình các yếu tố chủ quan căn bản của cơ cấu tri thức trong Triết học siêu nghiệm của Kant: nếu chúng ta loại bỏ tất cả những yếu tố mô thức trực quan, những khái niệm thuần túy, những quy luật siêu nghiệm về tự nhiên và những ý niệm điều hành, liệu chúng ta có thể có được một nhận thức có tính khách quan liên chủ thể hay cho mọi chủ thể trong mọi thời điểm được không? Thật sự chủ thuyết thực dụng duy lịch sử của Rorty, Pragmatik siêu nghiệm của Apel hay Pragmatik phổ quát của Habermas đã không thể là giải pháp chọn lựa thay thế PPLTTT góp phần vào khía cạnh xây dựng nhận thức cũng như phê phán về lý thuyết bản thể của toán học và vật lý học được.

Ngoài ra những yếu tố tiền cảm thông và phi lịch sử như khái niệm không gian thuần túy trong PPLTTT lại là những điều kiện cởi mở cho những phương thức thực dụng cũng như thực hành và những thể loại khác nhau về lịch sử, ngôn ngữ, truyền thống, đời sống, giới hạn vv. được tự do triển khai ở trong mô thức ấy.

Ngược lại với quan điểm duy ngã, PPLTTT là kẻ tiên phong xây dựng tính xã hội với một kiểu mẫu khác với Habermas và Apel chủ trương: không bằng con đường rút ngắn tính khách quan vào sự thỏa thuận theo liên chủ thể hay tính xã hội. PPLTTT chấp nhận đề án về một thế giới đồng cộng đồng chia. Nhưng đối với PPLTTT, lý do chấp nhận không nằm trong tính xã hội mà lại nằm trong tính khách quan, mà điều kiện cho tính khách quan này đồng thời lại tạo nên điều kiện cho tính xã hội ấy. Chính tính khách quan ấy làm cho tất cả những con người khác biệt nhau thành một con người duy nhất. Kant đã nhận xét rất sớm trong tiểu luận “Bàn về các giấc mơ...” (“Träume...”) của ông: “nếu giữa những con người khác biệt nhau, mỗi người đều có riêng một thế giới cho mình, thì ta có thể giả thuyết rằng họ đang nằm mơ” (Träume II 342), bởi lẽ một khi tỉnh giấc, chúng ta “đang sống trong một thế giới cộng đồng” (Träume II 342).

Quan điểm phản duy ngã của Kant trong PPLLTT có thể tóm tắt như sau: trên bình diện siêu nghiệm, đề cập đến một chủ thể được quy định theo quy tắc (regelbestimmtes Subjekt) cũng có nghĩa là đồng thời đề cập đến một xã hội mang dạng thức quy tắc (regelförmige Gesell-schaft).

 

5. Thay lời kết luận

5.1.

Chủ thể như điều kiện siêu nghiệm của nhận thức khách quan và phổ quát đồng thời cũng là điều kiện khả thể cho sự đồng tình của những công dân tự do tạo nên yếu tố cần và đủ để thiết lập khái niệm thế giới mà Kant gọi là hoàn toàn vũ, trong đó lý tính thuần túy và lý tính thực hành trở thành một thể nhất quán trong quá trình thực hiện tính toàn thiện mà con người vươn tới như mục đích tối hậu.

Sau bao nhiêu biến chuyển cách mạng và lật đổ lý tính trên đấu trường triết học từ thời Khai Minh đến ngày hôm nay, với viễn tượng xây dựng một thuyết toàn hoàn vũ tri thức luận có nền tảng đạo đức, triết học của Kant bỗng tìm lại được tính thời sự trên phương diện tri thức luận cũng như trên phương diện đạo đức nhân loại học trong tiến trình toàn cầu hóa không thể tránh được của ngày hôm nay.

Nhưng giá trị tư tưởng của PPLLTT không phải chỉ nằm trong những thành quả tri thức đã “lỗi thời” hay “phùng thời” thâu lượm được trong tác phẩm, mà thực sự nằm trong tinh thần phê phán triết học của triết gia. Với PPLTTT Kant đã chứng minh, - không phải bằng những chứng minh toán học mà ông đã đặt hết tin tưởng vào tính khách quan, mà bằng con đường trung đạo của lý tính con người, - một cách đạt đạo rằng tinh thần phê phán này là sự thức tỉnh của lý tính “thuần túy” trong ý nghĩa xuyên suốt thời gian và không gian của con người. Thức tỉnh với Kant phát xuất từ nguồn suối tự do và tự chủ của lý tính độc lập, ở đó mọi giáo điều, cuồng tín lý thuyết và những nghịch lý cần được chính con người bàn cãi và lý luận trở lại, căn cứ vào những nguyên tắc khách quan của lý tính để lấy lại thế quân bình trong tư tưởng mà đó chính là niềm vui triết học.

Thức tỉnh có nghĩa là lên đường truy tìm chân lý hay “sống” triết học “liều lĩnh bay bổng bằng đôi cánh của chính mình” (B878) như Kant kết thúc tác phẩm của ông:

“Vậy, chỉ còn con đường phê phán là còn để ngỏ. Nếu bạn đọc đã vui lòng quan tâm vàkiên nhẫn cùng tôi đi suốt chặng đường, xin bạn đọc hãy tự xét có thấy ham thích đóng góp phần mình để biến con đường mòn nhỏ hẹp này thành đại lộ của tư duy, con đường mà hằng bao thế kỷ chưa khai phá được và hy vọng rằng sẽ hoàn tất trước khi kết thúc thế kỷ này, nhằm mục đích: đưa lý tính con người - từ chỗ khao khát hiểu biết và đã nỗ lực bao đời nay mà vẫn không thành công - đến sự thỏa mãn hoàn toàn” (B884).

 

5.2.

Cho nên “đọc Kant hôm nay” không những vì những lý do đã nêu trên đây, mà rốt cùng chỉ vì một lý do: ham thích triết học như một niềm vui tri thức, một niềm hỉ lạc trong ánh sáng “minh minh đức”, hay nói như Kant trong một phút xuất thần khi nói về siêu hình học, niềm vui tìm đến với triết học của Kant - dù đường xa vạn dặm và sau bao trăn trở vẫn… “như trở lại với người tình cũ” (B878) trong tâm trạng của Nguyễn Du “hoa tàn mà lại thêm tươi, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”, có cả “mười phân chung tình” của tâm thức người Việt vốn từ nghìn xưa nổi tiếng hiếu học với Trần Nhân Tôn, Chu Văn An, Vạn Hạnh Thiền sư, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Lê Quý Ðôn, Phan Bội Châu… trong nghiệp sách đèn. Ðọc PPLTTT với một đam mê sách vở như Hölderlin đã diễn tả rất gần với truyền thống Việt Nam ham học ham tìm hiểu: “phải học, và ngay cả khi nếu bạn không còn tí tiền để mua được một cây đèn và dầu thắp, và không còn thời giờ nào ngoài khoảng cặm cụi từ nửa đêm cho đến lúc gà gáy sáng” (Hölderlin[46], Briefe 235).

Cho tôi, niềm hỉ lạc mà Bùi Văn Nam Sơn đã cảm nhận trong lúc “cặm cụi” chuyển dịch tư tưởng của Kant trở thành gấp đôi với nỗi hoan hỉ: tác phẩm Việt dịch và Chú giải đầy công phu - quả thật dày công “muôn một”! - và rất rõ ràng mạch lạc này đến tay bạn đọc Việt Nam nhân dịp cả cộng đồng khoa học trên thế giới long trọng kỷ niệm 280 năm ngày sinh (22.04.1724) và 200 năm ngày mất (12.02.1804) của triết gia, đồng thời cũng vào dịp mà tác phẩm trứ danh này được ra mắt lần đầu tiên trong mùa Xuân 1781*.

München, Tháng Ba, lập Xuân 2004


 

 

 

 


[1]Những trích dẫn trong tác phẩm “Phê phán Lý tính thuần túy” được ghi theo ấn bản A và B (bản tiếng Việt của Bùi Văn Nam Sơn). Những trích dẫn từ các tác phẩm khác của Kant căn cứ vào “Toàn tập Viện Hàn Lâm” (“Akademieausgabe”).

[2]A. Schopenhauer 1788-1860, Die Welt als Wille und Vorstellung (1818/1844).

[3]J. Hirschberger, Geschichte der Philosophie, Band II, Neuzeit und Gegenwart,
tr. 268.

[4]E. Bacon (1561-1626), Novum Organon (1620) London.

[5]R. Descartes (1596-1650) Discours de la méthode (1637); Meditationes de prima philosophia (1641).

[6]Th. Hobbes 1588-1679, Leviathan (1651).

[7]B. Pascal: Pensées (1669).

[8]G. W. Leibniz (1646-1716): triết gia lớn của Ðức thuộc trường phái duy lý Ðức.

- Die philosophischen Schriften von G.W. Leibniz, Berlin 1875-1890.

- Monadologie und andere metaphysische Schriften, Hamburg 2002.

[9]J. Locke (1632-1704): triết gia, sáng lập trường phái thực nghiệm Anh,

- An Essay concerning Human Understanding (1689)

  (tiếng Đức: Versuch über den menschlichen Verstand, Hamburg 1988).

[10]D. Hume (1711-1776): triết gia Anh, một trong những người đại biểu quan trọng trường phái thực nghiệm Anh.

- Treatise of Human Nature (1739) (tiếng Đức: Traktat über die menschliche Natur, Hamburg 1978).

- An Inquiry concerning Human Understanding (1748) (tiếng Đức: Eine Untersuchung über den menschlichen Verstand, Hamburg 1993).

[11]J.J. Rousseau 1712-1778: triết gia, văn hào và nhà mô phạm Pháp-Thụy sĩ.

[12]J. G. Fichte (1762-1814): triết gia Ðức thuộc trường phái duy tâm Ðức (Idealis-mus). Grundlage der gesamten Wissenschaftslehre (1794), Hamburg 1979.

[13]G. W. E. Hegel (1770-1831): triết gia Ðức, trường phái duy tâm chủ nghĩa Ðức: 

-   Werke in 20 Bände, 1986, Frankfurt/M.

[14]F.Nietzsche (1844-1900): triết gia Ðức: Kritische Studienausgabe, München 1993

[15]G. Frege (1848-1923): nhà toán học và triết gia Ðức.

- Die Grundlage der Arithmetik. Eine logisch-mathematische Untersuchung über den Begriff der Zahl, 1884, Breslau.

-   Der Gedanke, eine logische Untersuchung (1918/19) in Beitäge zur Philosophie des Deutschen Idealismus, 1. Band (1918/19).

[16]B. Russell (1872-1970): nhà toán học và triết gia nổi tiếng của nước Anh.

1901: Recent Works on the Principles of Mathematics, in Collected Papers London/newyork, NY 1993.

[17]M. Heidegger (1889-1976): triết gia Ðức, sáng lập chủ thuyết hiện sinh.

- Sein und Zeit, 1927 Tübingen.

- Kant und das Problem der Metaphysik, Frankfurt/M. 1991.

[18]- L. Wittgenstein (1889-1951): triết gia Áo,

1921:Tractatus logico-philosophicus, in: L. Wittgenstein, Werkausgabe, Frankfurt/M. 1997.

1953: Philosophische Untersuchungen ebd. Bd I.

- W.V.O. Quine 1953:    Two Dogmas of Empiricism, in: ders., From a Logical Point of View, Cambridge/Mass.

[19]Encyclopédie ou Dictionaire Raisonné des Sciences, des Arts et des Metiers (1751-1780). Bản tiếng Ðức: Enzyklopädie, Frankfurt/M. 1989.

[20]F. Mauthner: 1910/11: Wörterbuch der Philosophie. Neuere Beiträge zu einer Kritik der Sprache, ND Zürich 1980.

[21]K. Popper (1902-): triết gia Anh gốc người Áo, thuộc trường phái tân thực nghiệm. 1935: Logik der Forschung, Wien.

[22]Th. Adorno 1903-1969: nhà khoa học xã hội và lý thuyết âm nhạc, triết gia Ðức, thuộc trường phái “lý thuyết phê phán” (Kritische Theorie) của nhóm Frankfurt.

[23]Ch. S. Peirce (1839-1914): sáng lập học thuyết thực dụng Mỹ.

 - 1909: trong “Lời nói đầu về: Lý thuyêt thực dụng chủ nghĩa của tôi”, trong “Schriften zum Pragmatismus und Pragmatizismus” do K.O. Apel xuất bản, Frankfurt/M. 1976.

[24]H. Puttman: 1993: Von einem realistischen Standpunkt: Schriften zur Sprache und Wirklichkeit”, Reinbek bei Hamburg.

[25]F. Bretano (1838-1917): triết gia Ðức-Thụy sĩ, thầy của E. Husserl (Hiện tượng học) và tiền phong của M. Heidegger.

[26]N. Hartmann (1882-1950): triết gia Ðức, thoạt tiên thuộc phái Tân Kant sau đó thiết lập lý thuyết duy thực hữu thể học.

[27]P. Häberlin (1878-1960): triết gia và nhà mô phạm Ðức. Chủ trương khuynh hướng siêu hình học về chủ thể.

[28]J.G. Hamann (1730-1788): học giả và văn hào triết lý Ðức, đồng thời với I. Kant “Metakritik über den Purismus der Vernunft” (Siêu phê phán về chủ nghĩa thuấn túy của lý tính) 1784, trong: Sämtliche Werke, Wien 1945-57, Bd 3, 281-289.

[29]J. G. Herder (1744-1803): văn hào, nhà thần học và triết gia Ðức, đã học thần học và triết học do Kant và Hamann giảng từ 1762.

 1799: “Siêu phê phán về Phê phán lý tính thuần túy” trong “Werke in 10 Bänden”,

 Frankfurt/ 1881, Bd VIII, 303-640.

[30]G. E. Moore (1873-1958): triết gia Anh, sáng lập trường phái tân duy thực (Neurealismus) dựa theo lý tưởng tri thức khoa học tự nhiên.

[31]M. Mendelssohn (1729-11786): triết gia Ðức, bảo vệ tư tưởng Khai Minh.

[32]J. Habermas: trường phái Frankfurt

 1983: Moralbewußtsein und kommunikatives Handeln, Frankfurt/M.

 2001: Kommunikatives Handeln und detranszendentalisierte Vernunft, Frankfurt/M.

[33]E. Mach (1838-1916): nhà vật lý học và triết gia Ðức. E. Mach ảnh hưởng lên trường phái tân thực chứng (Neopositivismus). Triết học của ông cũng chuẩn bị cho lý thuyết tương đối.

[34]A. Whitehead (1861-1947): triết gia và toán học gia, sáng lập luận lý toán học và vũ trụ luận siêu hình.

[35]R. Carnap (1891-1970): triết gia, thuộc nhóm Wiener Kreis, chủ trương lý thuyết thực nghiệm luận lý.

[36]F. Julien: Un sage est sans idée ou l´autre de la philosophie, Seuil 1997, tr. 9.

[37]J. Capra (1939): Wendezeit, dtv 1983.

[38]C. Wolff (1679-1754): trường phái duy lý theo Leibniz; Kant đã theo học trường phái này.

*[Chú thích của người dịch:] Tôi tôn trọng cách hiểu của tác giả bài Dẫn luận về chữ “transzendental” của Kant “trong nghĩa “vượt” trên các cứ điểm lý thuyết”, từ đó lý giải nó trong quan hệ so sánh với tư tưởng phương Đông, nhất là với “tánh Không” của Long Thọ, (cũng như sau đó tác giả bài Dẫn luận lý giải thuật ngữ “tôi-tư duy” như là “đã đến gần với quan niệm “vô ngã” của tri thức luận Phật học” ở gần cuối mục 4.3 trong bài). Cả hai chữ đều có vai trò then chốt đối với Kant lẫn trong việc đọc Kant. Do đó, cách lý giải khá độc đáo và có tính khám phá này quả đáng dành cho một cuộc thảo luận khác, cặn kẽ hơn và chắc hẳn sẽ rất lý thú và bổ ích. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bản dịch này, để tránh sự lẫn lộn không cần thiết về thuật ngữ, tôi xin lưu ý:

  • Riêng đối với chữ “transzendental”, trong suốt quyển sách, chúng tôi dịch là “siêu nghiệm”, và phân biệt nó với “siêu việt” (transzendent). Trong thực tế, tác giả bài Dẫn luận vẫn dùng chữ “siêu nghiệm” trong bài viết của mình, nhưng lại có ý đề nghị một cách dịch khác: “transzendental” = siêu việt hay siêu “vượt” còn transzendent = siêu-ngoại haysiêu-ngoại vật. Như thế, có chăng chỉ là sự khác nhau về cách dịch sang tiếng Việt và cách lý giải chứ không có sự lẫn lộn ở đây về thuật ngữ. Khi gặp hai thuật ngữ ấy (“transzendental” và “transzendent”), bạn đọc có thể tự lựa chọn một trong hai cách dịch hoặc tốt hơn nữa, đề nghị thêm cách dịch khác.
  • Để hiểu rõ chính Kant nói gì về chữ “transzendental”“transzendent”, xin bạn đọc vui lòng tra lại các trang liên quan đến hai mục từ ấy trong “Mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ” ở cuối sách. Đặc biệt xin lưu ý đến mấy định nghĩa quan trọng sau đây:
    • B25: “Tôi gọi mọi nhận thức là “transzendental” (“siêu nghiệm”, BVNS), khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu chung về phương cách nhận thức của ta (Erkenntnisart) về các đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có được một cách tiên nghiệm. Một hệ thống các khái niệm như vậy sẽ được gọi là Transzendental-Philosophie (Triết học siêu nghiệm, BVNS)”.
    • B80: Không phải bất kỳ nhận thức tiên nghiệm nào cũng là siêu nghiệm, trái lại, chỉ những nhận thức tiên nghiệm cho ta biết tại saobằng cách nào một số biểu tượng (các trực quan hay các khái niệm [thuần túy] chỉ được hay chỉ có thể được áp dụng một cách tiên nghiệm mới được gọi là transzendental (siêu nghiệm, BVNS) (tức là khả thể của nhận thức hay là sự sử dụng nhận thức một cách tiên nghiệm)”.
    • B81: “Như vậy, sự phân biệt cái siêu nghiệm và cái thường nghiệm chỉ thuộc về công việc Phê phán các [loại] nhận thức chứ không liên quan đến mối quan hệ giữa các nhận thức này với đối tượng của chúng”.
    • B352: “Ta gọi các nguyên tắc được sử dụng hoàn toàn trong các ranh giới của kinh nghiệm khả hữu là các nguyên tắc nội tại (immanent) và ngược lại, vượt ra khỏi các ranh giới này là các nguyên tắc siêu việt (transzen-dent) (BVNS) [...]. Các nguyên tắc siêu việt là những nguyên tắc có thật [trong lý tính] yêu cầu ta kéo đổ hết các cột mốc ranh giới ấy để vươn đến mảnh đất hoàn toàn mới mẻ, không thừa nhận một đường giới tuyến nào. Do đó, siêu nghiệm (transzendental) và siêu việt (transzendent) không phải là một...”
    • Về cách lý giải của tôi đối với chữ “transzendental” xin xem Chú giải dẫn nhập: 3.59.6.4 cũng như Chú thích* cho B113 về “Triết học siêu nghiệm của người xưa”, tức triết học về các “siêu nghiệm thể” (Transzen-dentalien) của triết học kinh viện (khác với “triết học siêu nghiệm” của Kant) mà tác giả bài Dẫn luận có nhắc đến. Về vấn đề: “Tôi tư duy”, xin xem Chú giải dẫn nhập: 8.3.5.2, 8.3.5.3 và 11.2. (Bùi Văn Nam Sơn).

[39]R. Rorty: 1965: Mind-Body Identity, Privacy, and Categories, trong Review of Metaphysics 19/1, 24-54.

 1978: Epistemological behavorism and the De-Transcendentalization of Analytic Philosophy, trong Neue Hefte für Philosophie, Heft 14, Göttingen 115-142.

[40]M. Foucault: triết gia Pháp. 1961: Histoire de la folie à l´âge classique, Paris. (tiếng Đức: Wahnsinn und Gesellschaft. Eine Geschichte des Wahns im Zeitalter der Vernunft, übers. V. U. Köppen, Frankfurt/M, 1969).

[41]P. Feyerabend: 1975: Against the Methode. Outline of an anarchistic Theory of Knowledge; London. 1987: Farewell to Reason, London.

[42]K.O. Apel, 1976: Transformation der Philosophie, Frankfurt/M.

[43]W. Kuhlmann, 1987: Kant und die Transzendentalpragmatik, Würzburg.

[44]O. Höffe, 2003: Kants Kritik der reinen Vernuft- Die Grundlegung der modernen Philosophie, München.

[45]K. Schmidt, 1953: Leer ist die Welt, Verlag Christiani Konstanz, trang 155.

[46]E. Hölderlin: thi sĩ nổi tiếng của nước Ðức, 1969: Briefe, trong Sämtliche Werke, xb A. Beck, Stuttgart, Bd. IV.

*Bài viết này phần lớn dựa vào các tài liệu tham khảo từ các buổi giảng của tác giả tại đại học München cũng như từ các tham luận của Gs. G. Höffe, đại học Tübingen (Đức).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443490

Hôm nay

248

Hôm qua

2333

Tuần này

21303

Tháng này

218664

Tháng qua

112676

Tất cả

114443490