Những góc nhìn Văn hoá

Khám phá nội tâm trên tinh thần đạo Phật

Các tôn giáo lớn trên thế giới đều hướng con người đến Chân-Thiện-Mỹ, hướng đến xây dựng cuộc sống tốt đẹp và làm cho con người thiện lương hơn. Nhưng nhìn chung, mỗi tôn giáo đều có những nét đặc trưng trong sự tiếp cận vào thế giới của mỗi con người một cách khác nhau. Trong đó, khơi gợi cho con người đi vào con đường khám phá thế giới nội tâm của bản thân, hiểu bản thân để hướng đến tu đạo là một điều quan trọng. Trên phương diện này, không có tôn giáo nào tạo nên tính phản tư (hay tính phản thân) mạnh mẽ đối với con người như Đạo Phật.

Đến với Đạo Phật, con người học được cách tu tâm hướng thiện. Tu tâm thực ra là con đường khám phá thế giới nội tâm của chính mình trên tinh thần Đạo Phật để đạt được “Ngộ”, tức là tìm được con đường sáng đi đến hạnh phúc. Từ giáo lý nhà Phật, con người được định hướng trong việc điều chỉnh hành vi và cao hơn là điều chỉnh tâm trí để hướng đến sự thiện lương. Không phải ai theo Phật giáo cũng đi theo con đường tu luyện để thành Phật (thường dành cho các bậc chuyên  tu, các cao tăng), phần còn lại theo Phật để tu thân, tu tâm dưỡng tính để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn của chính mình. Vậy nên, nhiều người họ vẫn đi lễ chùa, vẫn tự nhận mình là theo Đạo Phật dù không xuất gia đi tu, cũng không thuộc lòng Kinh Phật, cái quan trọng là họ đến với Đạo Phật bằng tấm lòng (tu tâm, Phật tại tâm) và họ tự tu tại nhà. Một điều quan trọng mà Đạo Phật hướng đến là khuyến khích con người đi tìm thiện tính trong tâm hồn mình. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người theo Đạo Phật dù là xuất gia đi tu hay là những Phật tử bình dân đi lễ chùa, hướng lòng theo Phật. Họ luôn tự xem xét lại bản thân trong cuộc sống hàng ngày, nhìn vào thiện tính của Phật để điều chỉnh hành vi và tâm trí của mình sao cho hài hòa mà họ cho rằng đó là tạo phúc cho đời sau. Nếu làm chưa được thì họ luôn cảm giác áy náy, sám hối. Đó là những thể hiện tính phản tư-một đặc điểm rất quan trọng của Phật giáo. Tính phản tư ở đây được hiểu là từ tinh thần của Đạo Phật làm cho con người ta quay lại suy nghĩ, khám phá bản thân mình để điều chỉnh hành vi và tâm trí sao cho phù hợp hơn, trong sáng hơn. Con đường thành Phật của Phật Tổ cũng là một quá trình khám phá thế giới nội tâm. Từ nội tâm của con người xung quanh đến nội tâm của chính mình. Sau khi tu thành Phật thì đem phương pháp khám phá thế giới nội tâm của mình ra truyền bá giúp người khác tự biết tìm con đường để khám phá thế giới nội tâm của mình mà hướng Phật, tu Phật.

Lên chùa lễ Phật. nguồn ảnh giacngo.vn

 Trước hết, tính phản tư của Đạo Phật ảnh hưởng tích cực đến sự điều chỉnh hành vi của các Phật tử. Một cuộc khảo sát nhỏ của chúng tôi tại thị trấn Yên Thành (Nghệ An) phần nào chứng minh điều đó. Đối tượng mà chúng tôi hướng đến là nhữngngườihay đi lễ chùa, có người lập bàn thờ Phật tại nhà để thực hành, có người không thờ phụng mà đi chùa hàng tháng để lễ Phật. Họ tự cho rằng mình theo Phật giáo, là Phật tử nhưng không xuất gia vào chùa để tu đạo. Nội dung khảo sát là những hành vi ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày của họ dưới tác động của Phật giáo qua việc họ đi lễ chùa, tụng kinh niệm Phật và nghe các nhà sư giảng đạo. Kết quả cho thấy, những người là Phật tử hay đi lễ chùa và chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo thường ứng xử hài hòa hơn với những người xung quanh. Họ ít khi tỏ ra giận giữ hay để xẩy ra mâu thuẫn, tranh chấp với những người khác. Trong cuộc sống gia đình, họ cũng ít khi la mắng con cháu, thường nhẹ nhàng khuyên bảo và cũng ít khi nổi giận. Bà Liên, trưởng của một nhóm Phật tử ở thị trấn Yên Thành hay đi lễ chùa với nhauchia sẻ: “Mình đi chùa lễ Phật nhiều, nghe các đại sư giảng dạy, về biết tụng kinh hay ăn chay niệm Phật thì tính tình và tinh thần cũng thay đổi. Ngày trước hay giận giữ, nóng nảy, nhiều lúc lại buồn sầu hay cáu gắt với con cái. Khi giận lên còn đánh mắng con cháu vì cho rằng chúng sai. Nhưng say khi hiểu chuyện, hiểu về duyên nghiệp của nhà Phật thì mình thay đổi. Mọi thứ đều có nhân có quả, có duyên có nghiệp. Già rồi phải biết coi nhẹ dần mọi thứ, biết buông bớt dần để cho tâm thần luôn nhẹ nhàng và thanh thản”. Con đường để cho các phật tử tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp chính là tính phản tư, là luôn suy nghĩ về tính thiện lương trong con người mình. Hiểu biết về Phật giáo làm cho con người luôn khao khát thể hiện những điều tốt đẹp trong mình, luôn tự bảo mình phải sống lương thiện.

Về mặt tâm trí, những người theo Đạo Phật cũng có sự thay đổi nhất định. Nhà Phật luôn khuyến khích con người tìm hiểu bản thân, xem bản thân là một tiểu thế giới và việc khám phá tiểu thế giới đó là con đường để đi đến hình thành Phật tính trong mỗi người. Khoa học cho thấy rằng sự phát triển của tâm trí con người cũng bị hoàn cảnh, môi trường chi phối. Nếu trong môi trường chiến tranh, con người phải đối diện với cái chết, với sự sinh tồn thì bản năng chém giết của họ sẽ tăng lên. Trong triết lý dân gian đã tổng kết lại rằng “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy” là nói đến điều này. Trên phương diện đó, Phật giáo lại hướng con người sống hiền hòa với nhau, hài hòa với tự nhiên nên tâm trí con người cũng trở nên thanh thoáng hơn. Nhà Phật hướng con người đến sự thánh thiện bằng cách tu thân trong cuộc sống thường ngày. Ở đó, đề cao sự hy sinh. “Ta không vào bể khổ thì ai vào bể khổ”. Người theo Đạo Phật chân chính luôn tự vấn bản thân mình về mọi hành vi và suy nghĩ làm sao để mình hướng đến cái tốt đẹp nhất. Tâm trí con người luôn được hướng đến sựbao dung, vị tha, tình yêu thương và sự hiền hòa. Nó giúp cho con người có một tâm thế vững vàng hơn trước sự biến đổi của cuộc sống. Có lẽ vì vậy, mà ở những khu vực Đạo Phật phát triển trong môi trường lành mạnh thì cuộc sống con người trở nên hài hòa hơn, ít có mâu thuẫn, xung đột như một số tôn giáo khác. Điều đó cho thấy Phật giáo đã hướng tâm trí con người đến chỗ thiện lương hơn, làm cho họ điều chỉnh hành vi của mình hài hòa hơn trong cuộc sống.

Nói tóm lại, Đạo Phật có một giá trị quan trọng ảnh hướng đến sự hình thành tích cách cũng như sự điều chỉnh hành vi của Phật tử thông qua tính phản tư hay quá trình tự khám phá thế giới nội tâm của chính mình. Người theo Đạo Phật thật sự, dù xuất gia hay không thì họ vẫn luôn tự đặt ra những câu hỏi về bản thân và khám phá sự lương thiện trong bản thân để sống hài hòa hơn với người khác. Trước mỗi sự việc, hiện tượng, họ luôn suy nghĩ trên nền tảng tư tưởng của nhà Phật để lựa chọn, điều chỉnh chính mình. Phật giáo đã tạo ra tính phản tư mạnh mẽ cho những người Phật tử chân chính, làm cho niềm tin về sự lương thiện trong họ vượt qua được những nhu cầu trần tục và hướng đến thiện chân. Khám phá tính phản tư của Đạo Phật đối với những người Phật tử cũng như những người chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhà Phật có rất nhiều giá trị khác nhau. Bản thân mỗi con người là một thế giới và tính phản tư là con đường khuyến khích người ta khám phá thế giới trong mình. Khi mỗi con người hiểu biết về chính mình, cuộc sống của họ sẽ thay đổi theo chiều tích cực và đến gần với hạnh phúc hơn. Vậy nên, chẳng phải đùa vui khi mà một tập đoàn công nghệ lớn bậc nhất thế giới như Google lại đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và trí tuệ nhằm đi tìm kiếm, xây dựng công cụ search trong trí não con người. Họ đã thành công trong việc xây dựng công cụ search trên hệ thống máy tính với dữ liệu siêu lớn. Và họ tin rằng, sau hoặc song song với công cuộc khám phá thế giới ngoài Trái Đất là công cuộc khám phá thế giới trong mỗi con người. Và họ nghiên cứu kỹ về Phật giáo như là một con đường để tìm lời giải cho vấn đề này./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443286

Hôm nay

2177

Hôm qua

2305

Tuần này

21099

Tháng này

218460

Tháng qua

112676

Tất cả

114443286