Những góc nhìn Văn hoá

J.H.W.Dietz : Một hành trình hoạt động của nền xuất bản - báo chí dân chủ xã hội [ỳ 3]

Trong kỳ này, tác giả xin không đi sâu vào từng chi tiết về cuộc đời Heinrich như kỳ 1 mà chỉ xin nêu một vài nội dung về những hoạt động của Heinrich Dietz gắn với câu chuyện xuất bản của phong trào dân chủ xã hội thông qua một vài điểm kể từ khi ông cùng gia đình chuyển đến Stuttgart. Cùng với việc góp phần vào sự hỗ trợ về tài chính và in ấn cho các hoạt động xuất bản của các nhà lý luận dân chủ xã hội thì khối lượng công việc mà Heinrich Dietz đảm nhận thậm chí còn lớn hơn trước khi đồng thời ông còn kiêm thêm nhiệm vụ mới là ứng cử viên và sau đó là Nghị sĩ thuộc phái dân chủ xã hội tại Nghị viện sau cuộc bầu cử năm 1881[1].Từ đây ông đã trực tiếp có mặt trong đời sống chính trị của nước Đức, tham gia vào những cuộc thảo luận, phát biểu cùng với những thành viên SAPD trước những thành viên từ các khuynh hướng khác, tham gia vào những cuộc gặp mặt quan trọng của phái dân chủ xã hội, và cũng trải qua những lần bị đàn áp bắt bớ từ nhà cầm quyền Phổ trong giai đoạn trước khi Đạo luật chống xã hội chủ nghĩa hết hiệu lực vào năm 1890, hơn nữa ông cũng là một người trong cuộc khi các bất đồng nội bộ xảy ra và chứng kiến những diễn biến mới của châu Âu và nước Đức trong 20 năm đầu của thế kỷ 20 khi tuổi đã xế chiều.

 

Neue Zeit

Tờ Neue Zeit (NZ) với biên tập viên đầu tiên là nhân vật mà nếu xét về tuổi tác thì kém vị giám đốc NXB Stuttgart đến 11 tuổi. Karl Johann Kausky lúc này vẫn còn là một người xã hội chủ nghĩa trẻ tuổi, là thành viên của Đảng Dân chủ Áo từ năm 1875, đã cùng với Heinrich Braun và Victor Adler chủ trương một tạp chí lý luận theo phong cách Marxist. Khi đó Eduard Bernstein, một nhân vật nổi tiếng với chủ trương xét lại về sau vào lúc này đang là thư ký của Carl Hochberg đã gợi ý với Kausky rằng hãy liên lạc với Heinrich Dietz để thực hiện ý tưởng này và bản thân Carl Hochberg như đã biết là với tư cách là một nhà đầu tư cho các hoạt động kinh doanh của SAPD trong các thư từ cũng đã rất hoan nghênh tờ NZ với những lý do nhằm tăng số lượng lưu thông các ấn phẩm một lần nữa, “cũng như mang đến cho mọi người món ăn về tinh thần“, nhưng lại từ chối hỗ trợ vốn cho tạp chí này.

Vào tháng 9/1882, một cuộc gặp tại Salzburg giữa Karl Kausky, Heinrich Dietz, August Bebel và Wilhelm Liebknecht để thảo luận về việc xuất bản NZ. Theo đó, trước mắt của nhà cầm quyền thì tạp chí sẽ thuộc về tư nhân nhưng ngay từ khi bắt đầu nó là trong mối liên hệ gần gũi với SAPD. Một thỏa thuận chung đã được thảo ra về mức lương 250 Mark dành cho nhân sự biên tập làm việc trong tạp chí, khoản tiền cần thiết để khởi sự đã được đề ra là đến 9000 Mark với sự đóng góp của các bên (dù đóng góp thực tế từ các thành viên là không đạt đến con số đó), Heinrich Raun và Kautsky sẽ là biên tập viên, về sau Raun rời khỏi vị trí này mà không lấy lại phần vốn đã góp và chuyển vị trí này cho Wilhelm Liebneckt (Liebneckt còn đóng vai trò như là một giám sát để ngăn chặn bất kỳ kế hoạch nào bị chệch hướng trong tạp chí mới thành lập này).

Tờ NZ được bắt đầu vào tháng 1/1883 với số lượng phát hành là 5000 bản và ngay trong năm đầu tiên đã phải đối mặt với những thâm hụt và thua lỗ, làm phát sinh những thảo luận về tình hình tài chính và chi phí dành cho NZ giữa Heinrich và Kautsky (lương của Kautsky chỉ còn 150 Mark cũng vì lý do tài chính này theo quyết định của Heinrich). Thậm chí về sau đã có những tranh cãi nổ ra giữa các bên Karl Kausky, Bruno Geiser, Wilhelm Blos, đó cũng là giữa hai tờ Neue Zeit của Kausky và Neue Welt là một ấn phẩm khác của SAPD do Bruno Geiser điều hành, cũng đang gặp khó khăn về hoạt động, cả hai nhóm này đều từng có qua lại với Heinrich Dietz lúc này là nằm trong ủy ban báo chí của đảng vừa là nhà tài trợ, xuất bản cho các ấn phẩm, và dĩ nhiên là Heinrich cũng bị lôi vào cuộc tranh cãi này giữa hai bên.

Chủ ý của phe Geiser và Blos vốn dĩ bắt nguồn từ những tranh chấp trong nội bộ đảng, họ vốn dĩ đã không ưa thích sự có mặt của tờ NZ trong SAPD, cùng với tính Marxist trong tạp chí này, còn Kautsky thì phê phán Geiser và Blos về những nội dung được đăng trên NZ trong mục Bình luận chính trị (Politischen Rundschau) được Kausky thêm vào NZ với sự chấp thuận của Heinrich, hơn nữa là chính Heinrich đề nghị với Kausky rằng Blos sẽ tham gia vào mục này “Tôi sẽ đảm bảo rằng nó sẽ sắc bén và không gây tổn hại gì”[2]. Nhưng sự việc xảy ra sau đó đã không phải không gây nên điều gì khi bài báo của Geiser về tính phi khoa học của chủ nghĩa vô thần, mà Kautsky ngờ rằng là nhắm vào August Bebel, và về phía Blos lại xem cái gọi là “quyền lao động” được đề xướng bởi Bismarck như là cải cách xã hội sẽ có mặt trong số tháng 6/1884 trên NZ khiến Kausky lo ngại rằng điều này sẽ khiến ông phải chịu trách nhiệm, và quyền điều hành biên tập có thể rơi vào tay Blos, ông đã cho rằng Heinrich thuộc về phe chống Marxist. Kautsky đã có những phản ứng qua thư từ với Heinrich về động thái của phe Blos và Heinrich đã cố bác bỏ sự liên quan của mình trong sự việc (“Blos đối với tôi là đồng nghiệp và là cây viết trong đảng cũng như anh, cả hai người đều có quyền được là chính mình trong sách báo của chúng ta […]”, “Số tháng 6 phải được hoàn thành ngay lập tức khi tôi trở về từ Berlin vào ngày 16 tháng 6 […])[3]. Những động thái của Heinrich trong sự việc được lý giải theo các hướng khác nhau, một là ông chỉ nhìn nhận theo hướng kinh doanh đối với ấn phẩm NZ còn Kautsky lại theo hướng ý thức hệ; hai là những trao đổi với Kautsky có những lời lẽ gay gắt không cần thiết từ Heinrich, rất có thể đó thật sự là những thái độ có chủ ý nhất định, muốn chuyển quyền biên tập NZ cho Wilhem Blos (Blos dù gì cũng là người đồng hành rất lâu với Heinrich thời kỳ ở Hamburg), những phản ứng của Heinrich với những sự việc có thể là một lối vừa thanh minh vừa nỗ lực tấn công vào Kausky[4]. Cuộc tranh cãi về Neue Zeit và Neue Welt lúc này đã nhận được sự can thiệp từ các yếu nhân của SAPD mà quan trọng nhất là từ Wilhelm Liebneckt và August Bebel. Những hành động của Kausky trong cuộc tranh cãi đã nhận được sự chia sẻ từ lãnh đạo đảng, cũng như trong bức thư gửi cho Friedrich Engels vào tháng 10/1884, Kausky đã viết: “Không phải Dietz mà chính đảng đã có những quyết định sau cùng với tờ Thời đại mới”[5].

Các hoạt động kinh doanh ở Stuttgart đã bị khuấy động vì những hành động của cảnh sát, có nguyên nhân một phần từ những hoạt động in ấn những tờ rơi, cương lĩnh cổ động cho cuộc tranh cử vào Nghị viện năm 1884 của phái dân chủ xã hội mà trong đó có sự góp phần của các hoạt động in ấn mà chắc chắn không thể thiếu sự tham gia của Heinrich. Những quan điểm bất đồng về vấn đề xảy ra trong Nghị viện (như đã nêu, Heinrich lúc này đã là Nghị sĩ) hình thành nên những quan điểm đối lập ngày càng căng thẳng giữa những Nghị sĩ dân chủ xã hội với nhau về những vấn đề tại Nghị viện mà điều này khiến Karl Kausky cho rằng, với khuynh hướng Marxist của mình, sẽ có những áp lực xảy đến cho tờ NZ từ Heinrich Dietz. Tuy tình hình có vẻ rất gay cấn nhưng thật bất ngờ là năm 1885 cũng là năm kết thúc câu chuyện giữa Heinrich và Kautsky với tờ NZ, khi Heinrich vẫn đề nghị Kausky bảo lưu vị trí biên tập của NZ ,“chừng nào mà sự chia rẽ chung vẫn không làm cho sự hợp tác trở thành bất khả thi”[6], bên cạnh đó Kausky cũng nhận được những lời cố vấn và trấn an từ những người bạn, đặc biệt là từ Eduard Bernstein để giúp cho bản thân Kausky hiểu được vị trí, áp lực, tính cách của Heinrich và khuyên rằng không nên quay mặt đi với Heinrich.

Tờ NZ từ khi có mặt vào năm 1883 vẫn tiếp tục được duy trì đến 40 năm sau với phong trào dân chủ xã hội mặc dù đã có những khó khăn, đụng độ lúc ban đầu và Karl Kautsky vẫn là biên tập viên cho đến năm 1917. Phải thêm vào một điều đặc biệt nữa đối với NZ: nó là tạp chí về lý luận duy nhất của phái dân chủ xã hội tồn tại một cách hợp pháp mà không gặp phải phản ứng gì từ nhà cầm quyền trong thời kỳ của Đạo luật chống xã hội chủ nghĩa. Đáng lưu ý là chỉ riêng việc có thể hợp tác được với Karl Kautsky và NZ về lâu dài bất chấp có những sự khác biệt thì có thể xem đây là một dấu mốc rất quan trọng của nền sách báo xã hội chủ nghĩa đến từ mối quan hệ giữa Heinrich Dietz với những người Marxist. Mối quan hệ này không chỉ có lợi cho bản thân Heinrich trong tham vọng về kinh doanh xuất bản của ông mà còn mở đường cho việc xuất bản tác phẩm của các nhà kinh điển xã hội chủ nghĩa về sau của Dietz Verlag.

 

Marxist với J.H.W.Dietz Verlag và những năm tháng về sau

Liên hệ giữa Karl Marx và Friedrich Engels với Heinrich Dietz quả thật là mối liên hệ giữa tiền bối và hậu bối của phong trào công nhân - dân chủ xã hội. Sinh trong những năm 40 của thế kỷ 19 ở nước Đức thì Heinrich đã không được chứng kiến những gì đã xảy ra với những thế hệ cấp tiến gạo cội của ông, khi đó Marx - Engels đã trải qua những giờ phút gay cấn của những người cấp tiến, bị đàn áp, bị trục xuất, tham gia vào Liên minh Cộng sản, thảo ra bản Tuyên ngôn Cộng sản, tham gia vào những chuỗi ngày của cuộc cách mạng 1848/1849, thành lập Quốc tế I, Quốc tế II, nhận định về tình hình chính trị, phong trào công nhân quốc tế, viết nên những trước tác mang tính chất phê phán về triết học và khoa kinh tế chính trị góp phần gây ảnh hưởng về mặt tư tưởng và đường lối của Đảng Dân chủ Xã hội Đức lúc bấy giờ cũng như phong trào xã hội chủ nghĩa về sau. Riêng phong trào cánh tả tại Đức trong những ngày đầu của họ, Marx - Engels đã không hề vắng mặt với các sự vụ và diễn biến của phong trào này, nếu tìm hiểu trong bộ Toàn tập Marx - Engels sẽ thấy một số lượng rất lớn các thư từ trao đổi qua lại giữa Marx - Engels với các yếu nhân thuộc các khuynh hướng khác nhau (không kể August Bebel, Wilhelm Liebneckt, Bakunin….riêng đối với Ferdinand Lassalle thì cả Marx và Engels đều đã từng có những bức thư dài bình luận về một vở kịch được sáng tác bởi vị này[7]).

Bản thân Heinrich Dietz và giới dân chủ xã hội cũng đã có những hành động góp phần tôn vinh các nhà tư tưởng tiền bối. Marx qua đời tại London vào ngày 14/3/1883 chỉ hai tuần trước khi phái dân chủ xã hội chuẩn bị triệu tập một Hội nghị tại Copenhagen thì lúc đó NXB tại Stuttgart đã chuẩn bị in một bức ảnh lưu niệm của Marx. Năm 1890 là một năm chiến thắng của phái dân chủ xã hội khi Đạo luật chống xã hội chủ nghĩa bị bãi bỏ vào tháng 9/1890, giới dân chủ xã hội ở Đức trước đó đã tổ chức một cuộc diễu hành ngày 1/5 (đã được Đại hội Quốc tế II ở Paris vào năm 1889 chọn làm ngày đấu tranh, yêu sách cho quyền lợi của giới công nhân quốc tế) với khẩu hiệu “8 giờ nhàn rỗi, 8 giờ lao động, 8 giờ nghỉ ngơi” (“8 Stunden Muße, 8 Stunden Arbeit, 8 Stunden Schlaf”) và sau đó tại Đại hội đảng vào tháng 10/1890 tại Halle, SAPD đổi tên thành Đảng Dân chủ Xã hội Đức, chính thức trở thành một đảng hợp pháp.Đại hội Halle thực sự là một Đại hội đặc biệt và Heinrich Dietz đã có mặt ở trên bục cùng với các đại biểu dưới biểu ngữ “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” và trong hội trường lúc đó còn được trang trí bằng cờ và những chân dung của Marx và Lassalle.

Kể từ sau Đại hội SPD tháng 10/1891,với Cương lĩnh Erfurt thì phái Marxist đã chiếm ưu thế trong đường lối của SPD so với phái Lassalle. Kết quả từ sự bãi bỏ Đạo luật khiến HeinrichDietz trở thành một trong những nhà xuất bản thuộc SPD một cách chính thức vì SPD đã thu hồi lại cơ quan sự nghiệp của đảng vốn trước đây thuộc về tư nhân. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề nhân sự đến từ sự cộng tác lâu dài với những người Marxist trong đó có Karl Kautsky là một tiền đề quan trọng cho việc xuất bản các tác phẩm của Marx - Engels. Heinrich trong suốt cuộc đời là một doanh nhân ngành xuất bản - in ấn, chính trị gia và không phải là một nhà học giả - lý luận thực thụ nên ông rất cần đến sự trợ giúp của những trí thức trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh và xuất bản của phái dân chủ xã hội, cũng như cần những chất xám để thiết kế và hiện thực hoá những kế hoạch xuất bản các tác phẩm của chủ nghĩa xã hội khoa học, ngược lại những người trí thức cũng được cung cấp những kỹ thuật để vừa làm những công việc biên soạn sách vở, đóng góp vào lý luận nói chung, vừa là nguồn thu nhập cho cá nhân họ. Đây là công việc mà Heinrich đã làm việc cùng với những người Marxist như một mối quan hệ cộng sinh có thể thấy ở trường hợp Karl Kautsky khi Kautsky là biên tập đắc lực cho các tác phẩm chủ nghĩa xã hội khoa học của Thư viện Quốc tế (Internationalen Bibliothek - một công trình xuất bản của Heinrich được thành lập vào năm 1886, thư viện này tồn tại bên cạnh Sozialdemokratische Bibliothek - Thư viện Dân chủ Xã hội - do Hermann Schlueter thành lập trước đó vào tháng 9/1885).

Tìm hiểu tiểu sử của Heinrich Dietz và Toàn tập Mác - Ăngghen không cho thấy có bất kỳ thư từ qua lại nào giữa Heinrich với Marx nhưng với Engels thì có nhiều vì ông là người đã sống tiếp đến 12 năm sau khi Marx qua đời nên Heinrich đã có cơ hội được giao thiệp. Qua thư từ trao đổi của Engels với các nhân vật thì ta được biết rằng một số các công trình tư tưởng Marxist đã được Heinrich lên kế hoạch cho NXB Stuttgart, có thể kể một vài ví dụ như bản tiếng Đức của Sự khốn cùng của Triết học của Marx (E.Berstein và Kautsky dịch, Engels hiệu đính và viết lời tựa), Tình cảnh giai cấp công nhân Anh cho xuất bản lần thứ 2, ấn bản thứ hai của Nguồn gốc của gia đình, tư hữu và nhà nước, Chống Duhring… Sau khi Marx qua đời thì kế hoạch cho tập II của bộ Tư bản của Marx tại Stuttgart đã không thành vì lý do bản quyền của tác phẩm vĩ đại này thuộc về NXB Meißner ở Hamburg, nơi xuất bản tập I của Tư bản vào ngày 14/9/1867, nhưng qua thư từ lại cho thấy có vẻ như Heinrich đang muốn thương thảo với Meißner cho lần xuất bản thứ ba của Tập I bộ Tư bản tiếng Đức[8].

Cũng qua những thư từ, ta thấy mối quan hệ giữa Heinrich và Engels là mối quan hệ giữa một nhà lý luận và doanh nghiệp xuất bản, mặc dù Engels như chúng ta biết cũng là một doanh nhân đã làm kinh tài cho Marx trong thời gian dài vào những lúc gia đình Marx gặp khó khăn. Mối quan hệ này rất hữu hảo, Engels đánh giá cao tài năng kinh doanh của Heinrich và vai trò của NXB Stuttgart cùng với tờ Neue Zeit[9] và Heinrich cũng rất biết ứng xử với bậc tiền bối của phong trào (ông đã gửi đến những bức tranh của họasĩ Reinicke đương thời làm quà mừng sinh nhật 70 tuổi của Engels và được nhận trở lại lá thư hỏi thăm và cám ơn từ Engels). Về công việc xuất bản, Engels đã tạo điều kiện cho Heinrich và Kautsky xuất bản những tác phẩm và bài viết của mình và của Marx, chẳng hạn như ông đã ủythác cho Heinrich làm rõ và đàm phán với NXB Otto Wigan về vấn đề hợp đồng, pháp lý trong việc nhượng quyền để tái bản quyển Tình cảnh giai cấp công nhân Anh của mình, cũng như xem xét duyệt lại bản in cho quyển Nguồn gốc gia đình, tư hữu, nhà nước cho ấn bản lần thứ 4 mặc dù đang rất bận rộn với việc xử lý tập III của bộ Tư bản và thị lực kém dần vì tuổi già (Engels cũng đã từ chối rất quyết liệt những nhân vật trong đảng SPD vì đề xuất những dự án xuất bản những tập hợp các tác phẩm của Marx trong thời gian này[10]) hay giới thiệu NXB Stuttgart cho một học giả Nga ở St.Peterburg khi vị này muốn xuất bản một bản tiếng Đức quyển Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị; với Kausky, thì ngoài những bài viết cộng tác cho tờ NZ thì Engels còn cố vấn về mặt dịch thuật và xem xét phương án xuất bản cho một phiên bản rút gọn bộ Tư bản của Marx của Gabriel Deville từ tiếng Pháp sang tiếng Đức do Kautsky dịch, Kausky cùng với E. Bernstein cũng tham vấn Engels về dự định xuất bản loạt sách về lịch sử chủ nghĩa xã hội… Không chỉ là khâu xuất bản mà vấn đề nhuận bút cho các bên cũng được đề cập trong các bức thư, Engels đã phân định rất rõ thù lao cho từng thành viên tham gia vào công việc dịch thuật, xuất bản, đối với các tác phẩm của Marx thì nhuận bút sẽ dành cho gia đình Marx và những người dịch thuật; với tác phẩm của mình thì đơn cử như quyển Tình cảnh ấn bản năm 1892 sau khi được xuất bản bởi NXB Stuttgart thì Engels đã đề nghị với Heinrich về cách thức thanh toán nhuận bút dựa trên số lượng bản in của 3 đợt in ấn trong tổng số 10000 bản mà Heinrich được uỷ quyền cho phép in trong lần xuất bản này, bên cạnh đó đôi khi Engels cũng yêu cầu Heinrich chuyển nhuận bút đến những địa chỉ nhất định để ủng hộ tài chính cho phong trào công nhân, ở một dịp khác ông còn đề nghị trả nhuận bút kha khá cho một học giả sau khi giới thiệu vị này đến viết cho tờ Neue Zeit…. Sự hợp tác nhìn chung có vẻ rất trôi chảy nhưng lắm lúc cũng gặp những vấn đề khi cả Heinrich lẫn Kautsky cũng nhận lấy những cơn nổi đóatừ Engels và có những “phốt” dành riêng cho Heinrich lại có nguyên nhân từ cả tính cách nhà buôn và nghề nghiệp xuất bản của ông, ví dụ như Engels đã rất không vừa lòng khi bài báo Chính sách đối ngoại của chế độ Nga hoàng được đăng trên NZ đã bị chỉnh sửa bởi Heinrich mà không có sự đồng ý của ban biên tập tờ NZ và của ông, (“[…]bằng chính bức thư này, tôi cấm ngài xuất bản phần cuối của bài viết, nếu nó không đúng từng từ với bản in thử mà tôi đã sửa[…].Lẽ dĩ nhiên là sau này tôi sẽ tránh viết cho tạp chí đã đối xử với tôi như vậy”[11]); trong một trường hợp khác thì Engels đã cho rằng Heinrich đã hành xử một cách tùytiện trong việc xuất bản quyển Nguồn gốc lần thứ 2, sau khi nhận được 1000 bản từ NXB ở Zurich thì Heinrich đã cho đóng những quyển sách ấy bằng bìa lót mới và đưa vào bản ở Đức như lần xuất bản thứ 2 mà không hỏi ý kiến Engels[12], cũng như có lần Engels lấy Heinrich để làm gương cho những người khác trong ngành xuất bản của đảng về những “phương thức kinh doanh sai lầm” (khi Henrich hạ giá bán quyển Chống Duhring của Engels xuống một mức thấp để nó có thể được tiêu thụ với số lượng lớn bên cạnh một số quyển sách “vớ vẩn đủ màu sắc” [câu của Engels])…[13].

Heinrich Dietz tiếp tục cộng tác với những người Marxist trong những năm tháng sau này, ông tham gia vào công việc biên tập và xuất bản thư từ của Marx và Engels cùng với Laura Lafargue, con gái của Marx; bên cạnh đó ông cũng dự phần vào việc xử lý những bức thư của F.Lassalle, ngoài ra trước đó Heinrich cũng đã đề nghị Franz Mehring viết quyển Lịch sử nền dân chủ xã hội Đức (Geschichte der deutschen Sozialdemokratie, 2 tập, NXB Dietz, Stuttgart,1897/98), còn về nhân sự thì trong những năm 1890 thì NXB Stuttgart của ông lại chào đón một nữ thành viên Marxist mới: Clara Zetkin. Đến những năm 1900 thì NXB Stuttgart và tờ Neue Zeit đã hợp tác xuất bản và hoạt động lý luận với các nhân vật của phong trào cấp tiến Nga với những cái tên như G.Plekhanov, Pavel Axelrod, David Riazanov…và kể cả V.I.Lenin khi NXB Stuttgart đã cho xuất bản tác phẩm kinh điển của phái Bolshevik Chto delat'? (Làm gì?) của Lenin vào năm 1902, tác phẩm này cũng làm gợi nhớ đến cố nhân của Heinrich trong những năm tháng sắp chữ ở St.Peterburg khi cái tựaChto delat'? cũng chính là tên của một tiểu thuyết nổi tiếng của Nikolai Chernyshevsky.

Thế kỷ 20 đến với phong trào cánh tả Đức và châu Âu bằng những tình hình mới bên trong nội bộ phong trào. Sự có mặt thêm những nhà cấp tiến cùng với những khác biệt về tư tưởng đã làm hình thành nên những tổ chức mới trong phong trào; Karl Kaustky lúc này đã thôi làm biên tập tờ NZ và thành lập Đảng Dân chủ Xã hội Độc lập Đức, sau đó một nhóm Marxist khác từ Đảng Dân chủ Xã hội Độc lập Đức bao gồm Clara Zetkin, Rosa Luxemburg, Karl Liebneckt (họ còn được gọi với cái tên là Liên đoàn Spartacus) lại tách ra để thành lập nên Đảng Cộng sản Đức vào năm 1918. Heinrich chào đón tuổi 70 của mình vào năm 1913 và chỉ 1 năm sau đó thôi thì ông cùng gia đình và các đồng sự phải trải qua Thế chiến thứ I và những biến động về kinh tế sau chiến tranh làm ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của cá nhân ông và gia đình. Đến giờ phút này, thế hệ của Heinrich Dietz cùng với những nhà dân chủ xã hội của những năm 60 - 70 trước kia đã trở thành lão làng, Wilhelm Liebneckt đã qua đời từ nhiều năm trước, August Bebel mất năm 1913, trong phong trào cánh tả lúc này đã bắt đầu một sự chuyển giao thế hệ, Heinrich với tuổi già của mình đã không còn có thể tham gia những cuộc họp của đảng và phải chịu những trận ốm. Mặc dù vậy, người bạn bè lâu năm nhất với Heinrich vẫn chính là Karl Kautsky, cho đến những năm 20 của thế kỷ 20 thì nhà Marxist người Czech - Áo trẻ tuổi ngày nào giờ cũng đã gần 70 tuổi, cả hai Heinrich và Kautsky đều trải qua những ngày tháng khắc nghiệt trong thời kỳ Đạo luật cho đến những ngày hoạt động hợp pháp và giờ đây đã chứng kiến thêm những gì mà thế kỷ 20 mang lại cho phong trào của họ.

J.H.W.Dietz qua đời năm 1922 ở tuổi 79 tại Stuttgart trong giấc ngủ sau khi trở về nhà từ NXB, ông đã làm việc cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời và để lại cho phong trào cánh tả Đức một cơ đồ sự nghiệp xuất bản sách báo xã hội chủ nghĩa cùng với sự khởi đầu của “Dietz Verlag”. 

***

 

Sau khi J.H.W.Dietz qua đời vào năm 1922, NXB mang tên ông - “Verlag J.H.W.Dietz Nachf.” tại Berlin - đã hoạt động trong bối cảnh có sự sát nhập của các nhà xuất bản của đảng dân chủ xã hội lại với nhau, do đó mà NXB Diez đã tiếp thu nhiều các sản phẩm từ các nhà xuất bản khác. Chương trình xuất bản của NXB Dietz đã được đa dạng hoá ngay từ khi Heinrich còn sống, ngoài các tác phẩm kinh điển xã hội chủ nghĩa, các văn bản, trước tác mới của các nhà dân chủ xã hội và Thư viện Quốc tế thì Heinrich Dietz đã hướng đến những người đọc khác, những tựa sách dành cho trẻ em của NXB Dietz đã có mặt vào năm 1893.

Vào đầu năm 1930, NXB dân chủ xã hội bắt đầu cho xuất bản những văn bản chống phát xít, đây là sự phản ứng của phái dân chủ xã hội với sự trỗi dậy của Adolf Hitler và khuynh hướng Quốc xã bắt đầu bao trùm lấy nước Đức. Hitler trở thành Thủ tướng vào ngày 30/1/1933 và sau vụ hoả hoạn ở toà nhà Nghị viện ngày 27/2/1933, Hitler đã xem đó như một cái cớ tốt để củng cố quyền lực và đàn áp các khuynh hướng chính trị khác, phe Quốc xã đã đổ lỗi cho những người Cộng sản Đức là thủ phạm gây ra vụ hoả hoạn. Ngay sau đó, Sắc lệnh ngày 28/2/1933 (Reichstagsbrandverordnung) được ban hành bởi Tổng thống Paul von Hindenburg (có sự nhúng tay của Hitler), Sắc lệnh này mà ngay tại Điều 1 của nó đã làm vộ hiệu hoá các quyền tự do dân sự, hội họp, báo chí….được hiến định trong Hiến pháp của nền Cộng hoà Weimar [14].

Những động thái đàn áp từ phe Quốc xã cùng với bộ máy tuỳ tùng tay sai đắc lực đã khiến cho những người đứng đầu SPD phải lưu vong, SPD bị cấm hoạt động vào ngày 22/6/1933 với cáo buộc “chống lại nhân dân và nhà nước”, cùng với đó, dựa trên Đạo luật “Tịch thu tài sản chống lại nhân dân và nhà nước”(Gesetzes über die Einziehung volks- und staatsfeindlichen Vermögens), toàn bộ tài sản của SPD trong đó có các cơ quan kinh tài đã bị tịch thu bởi Lực lượng Cảnh sát mật Nhà nước (tức Gestapo - một lực lượng thuộc SS - một tổ chức vũ trang khét tiếng dưới chế độ Quốc xã). Nước Đức từ đây bắt đầu chìm đắm trong chế độ độc tài toàn trị của Adolf Hitler và tiếp sau đó chính là Thế chiến thứ II, tuy vậy trước khi tất cả bị gián đoạn trong giai đoạn đen tối này của nước Đức, NXB Dietz cũng đã kịp cho ra đời một quyển sách kỷ niệm 50 năm ngày mất của Karl Marx, “Marx, nhà tư tưởng và nhà tranh đấu” (“Marx, der Denker und Kämpfer”). “Verlag J.H.W Dietz Nachf.” bị xoá tên khỏi sổ đăng ký thương mại vào ngày 24/8/1934.[15]

Sau Thế chiến II, cùng với chiến thắng lịch sử của quân Đồng minh trước phe Trục, cục diện của nước Đức lúc này được định đoạt bởi các lực lượng Đồng minh đang hiện diện. Thắng lợi quân sự kéo theo các hệ quả chính trị không những làm khôi phục lại sự nghiệp, công tác bị gián đoạn trước kia mà còn góp phần làm nên những nội dung mới cho các hoạt động xuất bản - báo chí của phong trào cánh tả Đức. Ở Berlin, trong vùng chiếm đóng của quân đội Liên Xô, Uỷ ban trung ương SPD được thành lập, đứng đầu bởi Otto Grotewohl, trong khi đó ở phía Tây, tại Hannover, trong vùng chiếm đóng của các nước phương Tây, cơ quan trung ương được dẫn dắt bởi Kurt Schumacher; đáng lưu ý là cả hai nhóm này đều muốn khôi phục lại J.H.W Dietz Verlag.

Những nỗ lực từ các nhân vật của phong trào cánh tả Đức ở cả hai vùng chiếm đóng của quân Đồng minh mà về sau trở thành hai thực thể lãnh thổ Cộng hoà Dân chủ Đức và Cộng hoà Liên bang Đức đã trải qua một số vấn đề về pháp lý và giấy tờ nhưng kết quả sau cùng đó là sự ra đời của hai nhà xuất bản : “Dietz Verlag” của Đông Đức với giám đốc đầu tiên là Karl Dietz trực thuộc Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức vào năm 1948 và “Verlag J. H. W. Dietz Nachf. GmbH” do Gustav Schmidt-Küster làm giám đốc vào năm 1955. Cả hai NXB của Đông Đức và Tây Đức đều có những đóng góp nhất định trong sự nghiệp sách báo xã hội chủ nghĩa nói chung. Dấu ấn từ sự hợp tác về mặt lý luận trong việc xuất bản tập hợp các tác phẩm của Marx và Engels có sự tham gia của Dietz Verlag của Đông Đức trong khuôn khổ các quốc gia xã hội chủ nghĩa là điều có thể dễ dàng nhận thấy (nhất là đối với độc giả Việt Nam, điển hình nhất chính là bộ “Tuyển tập Mác - Ăngghen” gồm 6 tập được xuất bản trong những năm 80 của thế kỷ trước bởi NXB Sự thật Hà Nội). Riêng với Tây Đức, Verlag J. H. W. Dietz Nachf. GmbH đến năm 1973 là thuộc sở hữu của Quỹ Friedrich Ebert, tiếp tục những dự án xuất bản, tái bản các tác phẩm kinh điển Marxist và tư tưởng về chủ nghĩa xã hội dân chủ, lịch sử phong trào công nhân; không những thế hoạt động xuất bản của NXB Dietz của Tây Đức còn tiếp xúc với thuyết duy lý phê phán của Karl Popper - một triết gia người Áo vốn nổi tiếng là người có những luận điểm mang tính cách phản biện gay gắt với chủ nghĩa Marx - tác phẩm “Thuyết duy lý phê phán và Dân chủ xã hội” (Kritischer Rationalismus und Sozialdemokratie) ra đời vào năm 1982 với lời tựa được viết bởi Thủ tướng Tây Đức lúc bấy giờ là Helmut Schmidt….[16]

Cho đến hiện nay, dù nước Đức trải qua đã tái thống nhất vào tháng 10/1990 và đã xảy ra tranh chấp về mặt pháp lý với nhau về cái tên, nhưng sau cùng thì “Dietz Verlag” hiện tại vẫn tồn tại hai NXB hoạt động độc lập có nguồn gốc từ Đông Đức và Tây Đức trước kia, đó là Karl Dietz Verlag có trụ sở tại Berlin, thuộc sở hữu của Quỹ Rosa Luxemburg và Verlag JHW Dietz Nachf trụ sở tại Bonn, thuộc sở hữu của Quỹ Friedrich Ebert. Cả hai NXB tuy hoạt động độc lập nhưng nếu truy cập vào địa chỉ của họ thì ta có thể thấy xuất bản phẩm của họ đều có thể nói là tương đồng về nội dung nhiều hơn là khác biệt, cả hai đều có “Dietz” trong cái tên của họ và cả hai NXB vừa rồi đều có những ấn phẩm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx vào năm 2018, hơn thế cả hai đều có dấu ấn của họ trong hoạt động xuất bản cho phiên bản lần thứ hai của Marx - Engels Toàn tập (MEGA II) hiện vẫn đang được thực hiện, và đây cũng là dự án xuất bản xứng đáng để nhận được sự quan tâm và đặc biệt chú ý đối với những ai đam mê kho tàng tư tưởng Marxist và đang thực hiện công tác nghiên cứu lý luận về Marx - Engels và các tiền bối về tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói chung. [17]

Thật vậy, đó là những di sản rất đặc biệt và quý báu từ J.H.W Dietz và các nhân vật của phong trào dân chủ xã hội của nước Đức đã để lại cho thế hệ sau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Các con số từ kết quả bầu cử của Nghị viện Đức lúc bấy giờ đã chỉ ra rằng phái Dân chủ Xã hội qua các cuộc bầu cử Nghị viện từ 1871 - 1887 chỉ có một số lượng rất khiêm tốn các Nghị sĩ có mặt trong Nghị viện lúc bấy giờ. Nhưng từ năm 1890 khi Đạo luật chống xã hội chủ nghĩa bị bãi bỏ thì số ghế tăng nhanh rõ rệt và đến năm 1912 thì SPD trở thành đảng có nhiều ghế nhất tại Reichstag, vượt qua phái Tự do, Bảo thủ, Trung dung là ba phái chiếm nhiều ghế nhất trong Nghị viện trước đây. Đến năm 1919,thì SPD đạt được thành tựu chính trị lớn lao khi Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòaWeimar là Friedrich Ebert lại chính là người thuộc Đảng Dân chủ Xã hội. Có thể xem chi tiết về kết quả bầu cử tại đây http://ghdi.ghi-dc.org/section.cfm?section_id=10.(Election to the German Reichstag 1871 - 1890 : A Statical Overview).

[2]Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 3. 1878 - 1890. 3.5  Kopenhagen und die Folgen (1883/1884). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[3]Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 3. 1878 - 1890. 3.5  Kopenhagen und die Folgen (1883/1884). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[4]Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 3. 1878 - 1890. 3.5  Kopenhagen und die Folgen (1883/1884). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[5]Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 3. 1878 - 1890. 3.5  Kopenhagen und die Folgen (1883/1884). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[6]Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten : biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 3. 1878 - 1890 .3.6 Am Rande der Parteispaltung (1884/1885). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[7] Xem Thư Marx gửi Ferdinand Lassalle ỏ Berlin ngày 19/4/1859 và Thư Engels gửi Ferdinand Lassalle ở Berlin ngày 18/5/1859 (Tuyển tập Mác - Ăngghen tập II, NXB Sự Thật)

[8] Đối với vấn đề pháp lý về bảo hộ tác phẩm, Heinrich Dietz đã có những đóng góp, vận động trong vai trò là Nghị sĩ tại Nghị viện Đức về Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, trong đó ông ủng hộ quan điểm là 30 năm thay vì 50 năm (mà với ông là quá lâu) đối với thời hạn bảo hộ kể từ khi tác giả qua đời. Vì thế, mãi đến năm 1913 thì Heinrich mới có quyền hạn chính thức đối với bộ Tư bản tập I của Marx. Xem thêm Chú thích 55: Graf, Angela. Wie alles begann -Von der Verlagsgründung bis zum Ende der Weimarer Republik, Bonn, 2006,p. 28. Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung và Graf, Angela. Johann Heinrich Wilhelm Dietz - Verleger der Sozialdemokraten: biographische Annäherung an ein politisches Leben, Bonn, 1998, Teil 4, 4.1. 30 Jahre im Dienste des Parteiverlages und der Gesamtpartei (1891 - 1922). Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[9] Xem thư Engels gửi Kautsky ngày 11/4/1890 (Toàn tập Mác - Ăngghen, Tập 37, NXB Chính trị Quốc gia) có đoạn: “[…] “Neue Zeit” đã trở thành một pháo đài đảng phải giữ đến cùng; còn khả năng gây ảnh hưởng đối với toàn bộ nhà xuất bản của Đít-xơ, nhà xuất bản mà từ nay về sau sẽ trở thành đòn bẩy ngày càng quan trọng trong đời sống của đảng, hơn cả thời kỳ bị áp bức,[…]”.

[10] Tìm hiểu thông tin qua thư từ của Engels trong những năm 80 đến 90 thì có thể nhận thấy rằng các nhân vật của SPD (trong đó có Heinrich Dietz) đã có những ấp ủ và nỗ lực để thuyết phục Engels nhằm xuất bản một tập hợp các tác phẩm, bài viết của Marx, mặc dù họ bị Engels từ chối vì ông phải chú tâm vào những bản thảo của bộ Tư bản của Marx nhưng những nỗ lực này có thể được xem như là những nỗ lực đầu tiên trước khi có mặt bộ Toàn tập Mác - Ăngghen sau này hay nói cách khác đó là những giai đoạn tiền kỳ trong công tác biên soạn bộ Toàn tập (pre - MEGA). Có thể tìm hiểu tóm tắt quá trình công tác trên tại Lời nói đầu của David Riazanov cho Toàn tập Marx - Engels năm 1927 ở Moscow (Vorvort zur MEGA 1927).Ngoài ra xem thêm hai bức thư Engels gửi cho nhà xuất bản ở Hamburg ngày 11/9/1886 (Toàn tập Mác - Ăngghen, Tập 36, NXB Chính trị Quốc gia) và Engels gửi Kautsky ngày 29/6/1891 (Toàn tập Mác - Ăngghen, Tập 38, NXB Chính trị Quốc gia). Trong bức thư năm 1886 nêu trên của Engels tiết lộ rằng Heinrich có thời gian phải tiếp tục quán xuyến công việc của mình trong khi đang ngồi tù 6 tháng vì bị cáo buộc và kết án tham gia một hội kín âm mưu chống nhà cầm quyền cùng với một vài nhân vật khác của SPD.

[11] Xem bức thư Engels gửi Johann Heinrich Wilhelm Dietz ngày 1/4/1890 (Toàn tập Mác - Ăngghen, Tập 37, NXB Chính trị Quốc gia).

[12 ] Xem bức thư Engels gửi Herman Schlueter ngày 12/3/1886 và chú thích 444  (Toàn tập Mác - Ăngghen, Tập 36, NXB Chính trị Quốc gia).

[13] Xem bức thư Engels gửi August Bebel ngày 3/12/1892 (Toàn tập Mác - Ăngghen, Tập 38, NXB Chính trị Quốc gia).

[14]  Xem nguyên văn Đạo luật tại : https://www.1000dokumente.de/pdf/dok_0101_rbv_de.pdf

[15] Xem : Wiederauferstehung und Wiederaufstieg – J. H. W. Dietz von 1945 bis heute và Wie alles begann – Von der Verlagsgründung bis zum Ende der Weimarer Republik. Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[16]  Xem : Wie alles begann – Von der Verlagsgründung bis zum Ende der Weimarer Republik. Phiên bản điện tử của Friedrich Ebert Stiftung.

[17]  Xem thêm phần trình bày về lai lịch và hoạt động của hai nhà xuất bản Dietz tại trang web của họ: http://dietz-verlag.de/geschichte.htm ; https://dietzberlin.de/Ueber-uns

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434733

Hôm nay

24

Hôm qua

2349

Tuần này

21383

Tháng này

211781

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434733