Những góc nhìn Văn hoá

Một số vấn đề về ngành Nôm học

1/ Hiện chúng ta có 2 lọai văn bản Nôm : lọai  đã được khắc in mộc bản và lọai đang giữ ở dạng sao chép bằng tay. Trong bài này chúng tôi xin nói về lọai đầu vì nhiều cuộc tranh luận hiện nay ( như về Truyện Kiều , về Chinh phụ ngâm, về Hoa Tiên v.v.) đang liên quan đến lọai văn bản này .

2/ Trong các văn bản đã được khắc gỗ có nhiều điểm chúng ta chưa hiểu được thực rõ :

--- như vì sao  thỉnh thoảng  giữa văn bản có thể gặp những ô trắng  , như ở các câu  960 ,1510, 1532 ,2523 bản Duy Minh Thị   ( DMT / 1872 )  hay những ô đen  như ở các câu 1656 , 1682 , 2738 , 2740 , 2744  bản Liễu Văn Đường (  LVĐ /1871 ) ?

---hay  vì sao  có những chữ , những câu , những diện tích liên quan đến nhiều câu mà lại có tự dạng hơi lớn hơn và hơi tách rời khỏi  xung quanh ? Vài ví dụ  rút từ rất nhiều trường  hợp của LVĐ : như chữ GIỜ  cuối câu 1148,  3 chữ CÀNG NÃO NHÂN ở câu  34, cả câu  2922 hay cả diện tích  bao gồm 2 chữ cuối các câu bát từ câu  106 đến câu 120 v.v.

       Về những trường hợp trên đây chúng tôi đều có thử đưa ra những cách giải thích , như :

---Ô để trắng có lẽ là ô bị hỏng , phải đục bỏ  nhưng sau quên chêm vào ; ô đen là ô chưa khắc , để lại để suy tính, cân nhắc  nhưng sau  cũng quên đi ;

---Trường hợp có chữ khắc in khác thường  và hơi tách rời khỏi xung quanh  có lẽ bắt nguồn từ hai khả năng :

   *** khả năng  thứ nhất : đó là những chữ mới khắc lại chêm vào sau ;

   ***khả năng thứ hai : đó là những chữ thợ mới vào nghề khắc thay cho thợ chính .

        Có điều những sự giải thích như trên cũng chỉ mới là những sự đoán mò , không có gì lấy làm chắc chắn.

       Hơn  nữa có nhiều trường hợp ngay  đoán mò cũng không phải dễ . Khi so sánh  bản in này với bản in khác  , tìm hiểu  sự diễn biến từ lần in trước đến lần in sau ,chúng tôi đã gặp những hiện tượng như :

--- Trong  hai bản Thịnh Mĩ Đường cùng in một năm 1879 cả , sao lại có những chỗ khác nhau ? (so sánh NÉT NGÀY ở câu  20 , CŨNG ...CŨNG ở câu 436 , NGỤ TÌNH ở câu 1314  của bản H.X.Hãn  với NÉT NGÀI, DỞ .....DỞ ....., TẢ TÌNH   của bản N.K.Bảo chẳng hạn )

--- Bản LVĐ 1866 chỉ cách  bản 1871 năm năm  nhưng vì sao lại có nhiều hệ ván chứ không phải        hai hay một ? Chúng ta biết  không phải chỉ có một hệ ván khắc vì không có một tờ nào hoàn toàn giống nhau giữa LVĐ/1866 với LVĐ/ 1871 .Chúng ta lại thấy trong bản LVĐ/1871 rõ ràng có những tấm đã  mòn ( như ở các câu 913-960) , những tấm có chỗ hỏng phải khắc chêm ( như đã dẫn ví dụ ở trên ) , những tấm bị sứt mẻ ( xem tờ 51, ở đầu các câu 2440,2442,2444,2446, bản Đ. Thái Tôn  ) , lại có những tấm thuộc những lần  khắc in theo những phong cách  hoàn toàn khác nhau( so sánh 3 trang có các câu 409-432; các câu 3097-3120 ; các câu 3121-3144 ) .Vậy có thể đã có mấy lần in khác nữa  giữa hai cái mốc 1866--1871 hay trước cả cái mốc 1866 ?Chuyện đó rất quan trọng đối với lịch sử Truyện Kiều  nhưng chúng ta hiện chưa trả lời được  vì chúng ta chưa biết  mỗi bộ ván mới thường dùng in được bao nhiêu bản thì bị mòn  ? khi  có chữ mòn quá có thể thay chữ mới được không ? thay bằng những cách nào ? vân vân .

 

     Rõ  ràng muốn có những sự giải thích có giá trị để thay cho những sự phỏng đoán  thì cần phải hiểu rõ kĩ thuật . Mà muốn hiểu kĩ thuật của người xưa thì rõ ràng là phải tìm hiểu , học tập đến nơi đến chốn. Nếu ngành khảo cổ học đã phải tìm cách thí nghiệm chế tác lại các công cụ bằng đá , thí nghiệm dùng công cụ đá để chặt cây , để mổ thịt thú rừng... thì ngành Hán Nôm cũng phải cử người về các làng nghề truyền thống như Liễu Tràng  để  điều tra , học hỏi các cụ già , để mua các lọai dụng cụ ,  rồi để tự mình  đứng ra tự tiến hành thử tập khắc ván , thử tập in sách để rút kinh nghiệm .

 

 

2/ Chữ Nôm là một nền văn tự dùng để ghi tiếng Việt , nhưng nó chưa bao giờ được chuẩn  hóa , cố định hóa ở nhiều bộ tự điển có giá trị như  những bộ tự điển  tiếng Hán. Hơn nữa  từ thời Lý Trần đến nay tiếng Việt đã có nhiều thay đổi . Và  không phải tiếng Việt vùng nào cũng giống như vùng nào. Do đó , nhận được một văn bản Nôm , muốn đọc đúng ,trước hết  cần phải xác định được 2 điểm  :

---Đây là một văn bản biên tập vào khoảng thời đại nào ?

---Và đây là một văn bản viết ở vùng phương ngữ nào ?

   Để dẫn chứng cho điểm đầu ,  trước hết xin nói thêm , tuy trong nước , ngoài nước đã nghiên cứu nhiều, về một bản Nôm quen thuộc  : bản phiên Nôm của bộ Kinh PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ÂN TRỌNG KINH . Bản đó do Trịnh Quán khắc in thế kỉ 18, nhưng in dựa trên một bản thế kỉ 15 ,đầu đời Lê :chứng cớ là ở trang 6/a đã có một chữ LỢI  kị húy hoàn toàn theo lối gia dạng điển hình của triều đại này .Nhưng lối thay hai sổ đứng bằng chữ Đao vẫn nhiều gấp đôi :ở trang 25/a và 41/ b. . Còn hiện tượng quên kị húy LỢI  lại càng nhiều hơn nữa : 1 lần ở ba trang 6/a ,25/ b, 41/b , 1 lần ở trang 44/a và 2 lần ở trang 45/a !

  Nhưng căn cứ nhiều mặt  , bản in đầu Lê này còn mang đậm nét  của một bản gốc xưa hơn nữa, biên tập vào khoảng dưới đời  Trần . Vì ít nhất còn có 4 vết tích kị húy làm chứng cớ :

---Tuy ở dòng 2 trang 22/b có chữ TRẦN vẫn khắc bình thường , nhưng ngay ở dòng  5 trang 42/b và ở dòng 4 trang 43 /a , có 2 lần chữ TRẦN tên cả dòng họ đã  nhất luật khắc in theo một lối tự dạng rất ít phổ biến  , bao gồm một chữ ĐÔNG bên trái và một bộ TRUY bên phải (tên bộ ghi theo tự điển TVKiệm );Chúng tôi không nghĩ rằng đây là việc thực hiện lệnh  kị húy chữ TRẦN do nhà Lê đưa ra : vì theo lệnh đời Lê, TRẦN phải đổi thành TRÌNH !  Ở đây TRẦN vẫn là TRẦN , nhưng viết với lối chữ né tránh để ít ai biết đến ,  nghĩa là để tỏ lòng kiêng húy một cách rất kính cẩn.

---Theo Tiến sĩ Ngô Đức Thọ , các chữ như KIỀN( như trong KIỀN KHÔN), HÂM ( như trong HÂM MỘ) , ANH ( như trong ANH HÙNG ) ... cũng đều là chữ triều Trần bắt phải kị húy.

Nhưng chữ ANH này ở chữ Nôm xưa nay thường lại có thể dùng để ghi chữ ANH như  trong ANH EM: chẳng hạn  xưa thì  xin xem  ANH TAM ở bài thơ số 174 của  Nguyễn Trãi ,ANH ANH CHÚ CHÚ  ở bài thơ số  80 của Nguyễn Bỉnh Khiêm , gần sau này thì xin xem 4 câu 57, 838 , 1596 , 1643 ở HOA TIÊN KÍ , bản  AB-269 , cũng như 2 câu 832 ,2538  bản HOA TIÊN NHUÂN CHÍNH /1875,hoặc đọan thứ 33 trong THU DẠ LỮ HOÀI NGÂM của Đinh Nhật Thận (trong  bản chép tay dòng họ tặng Nguyễn Tài Chất cũng như trong bản in năm 1802 đời Thành Thái ) ...Thế nhưng trong bản Kinh Phật này , cả 5  lần chữ ANH ( trong ANH TAM ) lại đều nhất luật né tránh cách viết đó , để chuyển sang viết  thành chữ ANH (trong  DỤC ANH ) ,với dạng viết thu gọn trên là chữ Á viết tắt , dưới là chữ NỮ.(Xin xem dòng 3 , dòng 5 trang 18/b ; dòng 4 trang 20/b ; dòng 3 trang 22/a ; dòng 3 trang 42/a ).Một sự né tránh rất có ý thức , rất triệt để như vậy ,rõ ràng đó là những vết tích của một thời kì kị húy.

   Nhưng không phải kị húy  theo lệnh năm 1443 ! Đời Lê , ANH là một chữ húy không quan trọng bằng 3  chữ LỢI , TRẦN ,HỌC đã được ban bố trong lệnh 1428 trước đó . Chữ LỢI đã 6 lần quên kị húy , chữ  TRẦN đã  3 lần không đổi thành TRÌNH ; chữ HỌC cũng 2 lần ( ở trang 18/a và trang 20/b ) không né tránh  theo lệnh đời Lê thì lẽ nào chữ ANH  lại đi ngược hẳn thế. Theo ý chúng tôi, vết tích  kị húy của chữ ANH ở đây là vết tích kị húy của một chữ ANH đời Trần.

---Chữ HÂM  có  thể dùng để ghi Nôm HĂM  hay  HÔM . HĂM , HÔM thì không phạm húy về âm : có lẽ vì như vậy , lúc đầu chúng vẫn khắc in bình thường  , HĂM ở dòng 5 trang 5/b và HÔM ở dòng 3 trang 9/a .. Nhưng lạ một điều là cũng  trong dòng 3 trang 9/a này ,ở hai chữ HÔM DAO liền ngay sau đó , chữ HÂM lại không viết bình thường như trước nữa  ,mà đổi hẳn thành một dạng gần như “bất thành tự “: chắc người biên tập văn bản bỗng sực nhớ đến lệ phải kị húy cả tự dạng chữ HÂM nữa nên mới lâm thời tạo ra  dạng né tránh như vậy.Và quả  đến trang 15/b , trong HÔM MAI , chữ HÂM lại kị húy : thay bộ KHIẾM  bằng một kí hiệu trông nửa như chữ KHIẾM, nửa như chữ PHU !

---Chữ  KIỀN  cũng  3 lần không còn lưu lại vết tích kị húy khi đọc CAN: ở dòng 1 , dòng 2 trang 14 /a và ở dòng 3 trang  41/b.Nhưng về mặt tự dạng ,vẫn may mắn còn lại cách viết đã thay chữ KHẤT ở bên phải bằng một nét sổ  đứng dưới  có đá móc lên , như ở dòng 4 trang  11/b , ở dòng  1 trang 18/ a và ở dòng  2 trang  34/b ! Theo T.S. Ngô Đức Thọ thì đó chỉ là cách kị húy chữ CAN//KIỀN bằng một biến thể  hiếm gặp nhưng vẫn đọc CAN //KIỀN, cách kị húy đó có khi đã nhầm thành chữ  YẾT ! Nhưng trong bộ kinh này, ngay chỉ ở dòng 1 trang 14/a đã 2 lần dùng chữ YẾT để ghi ÁT// ƯỚT tức là ghi một nội dung hoàn toàn ngược lại với cái nghĩa “khô ráo” của chữ CAN , nên không thể có sự nhầm lẫn đó.

 

3/Về mặt ngôn ngữ , bản kinh biên tập đời Trần này cho chúng ta thấy một trạng thái  tiếng Việt cổ ,rất khác ngày nay :

---chỉ trong vài mươi trang Nôm mà  hai nhà nghiên cứu HoàngThị Ngọ và Masaaki SHIMIZU đã phát hiên trên 70 trường hợp nay là từ đơn tiết nhưng trong bản Kinh còn ghi theo dạng song tiết hay dạng có tổ hợp phụ âm ở đầu ! Ngoài  ra lại còn nhiếu nét cổ khác nữa ! Kết quả là  tiếng gốc Hán mà  có khi còn giữ được cách đọc cổ nghe gần  như còn lưu lại  từ những thế kỉ 4-5 ; tiếng Nôm thuần Việt mà có khi đọc nghe gần như tiếng Rục ! Xin so sánh :

          Tiếng Việt hiện đại         Cách ghi Nôm đời Trần                Dạng đối chiếu

                 THẦY                                 Xá lại                                      sơ rơi  ( thanh mẫu

                                                                                                 của SƯ xưa có tổ hợp SR,

                                                                                                 vận mẫu của SƯ đến thế kỉ

                                                                                                 4-5 còn gần  như ƠI )

                 ĐÁ                                      La đả                                      La ta  (tiếng RỤC)

                                                                                                           Là đá  (Nguyễn Trãi )

---Cho nên phần Nôm bản kinh này vô cùng khó đọc . Nhiều trường hợp hiện nay chúng ta vẫn chưa có được một cách đọc nhất trí vì chúng ta còn thiếu hẳn một sự hiểu biết thực sự chắc chắn về tiếng Việt cổ giai đọan này.

 

 

4/ Dẫn chứng về cách ghi Nôm theo tiếng địa phương có khá nhiều . Nhưng chúng tôi chỉ xin dẫn một trường hợp ghi theo cách phát âm địa phương , và một trường hợp dùng theo tự dạng địa phương :

----Trong Truyện Kiều có 2 chữ KHỦNG KHỈNH. Đó là một từ phổ thông ở Nam Bộ mọi người cũng đều chấp nhẩn cả. Khổ nỗi , trong tiếng nói dân dã vùng này , vần INH lại thường diễn biến thành IÊNG // IÊN  như ở CÁI  KÍNH > CÁI KIẾNG ; rồi IÊN lại hòa nhập cùng UYÊN ,như NÓI CHUYỆN > NÓI CHIỆN ! Thành thử cuối cùng  , ở câu 1734 ,  bản DMT /1872 , KHỦNG KHỈNH đã in thành KHỦNG KHUYỂN !

----Ở miền Bắc , chữ NÍN thường viết với dạng KHẨU+ NẢN : rất hợp lí vì thanh phù vần AN có thể đọc thành IÊN , IN, và nghĩa phù KHẨU cũng rất phù hợp . Nhưng vào Nam Bộ cách viết đó lại đọc THẸN như trong câu   78787 bản Duy Minh Thị (DMT/1872)

                                    Ngập nhừng THẸN lục e hồng

BẢNG TRA CHỮ NÔM MIỀN NAM của V.V. Kính cũng chấp nhận như vậy . Và chấp nhận là có lí : trong miền Nam , chữ này được coi là một chữ hội ý gồm 2 nghĩa phù : NẢN ở tiếng Hán vốn có nghĩa là “đỏ mặt ,xấu hổ” , còn KHẨU  thì mô tả thái độ thẹn thùng khi nói năng !

  Rõ ràng khi gặp những bản Nôm của các địa phương cần phải rất cảnh giác khi đọc , nhất là những trường hợp rắc rối như vừa nêu trên.

 

 

5/ Cuối cùng cũng cần nói thêm một thực tế : các bản Nôm thường khó đọc hơn các bản Hán.
Vì nhiều lẽ  :

---Các nhà Nho thường chỉ học chữ Hán chứ không học chữ Nôm : khi viết văn bản Nôm , ngoài

những chữ Nôm quen thuộc do thông dụng , lắm khi họ gặp những trường hợp không nghĩ ngay ra được nên  viết thế nào ? Thế là họ đành phải tự ý sáng tạo. ra những tự dạng chưa ai từng gặp ..Bản DMT hiện đang lưu lại cho chúng ta những sáng tạo như vậy của cụ Nguyễn Du : như viết KHOA để ghi THUA ở câu  22, viết NGÀY để ghi NGAY ở câu 229 chẳng hạn .

---Các cụ Đồ  được thuê chép và các anh thợ được thuê khắc mộc bản nhiều khi cũng  góp  phần làm cho bản Nôm thêm rắc rối : do không hiểu nguyên bản hay do sơ  suất , có khi họ thay nguyên văn bằng  những cách ghi có khi  mất nghĩa , có khi mất vần thậm chí có khi koàn toàn không nhận diện được .Chứng cớ là chữ ƠN ở câu 2489 của cụ Nguyễn Du (=SỦNG+ ẤN) đã bị người sao bản gốc  LNP  chép nhầm thành  chữ TRONG ( =LONG+TRUNG) , chữ NGAY ( viết NGÀY theo âm Nghệ Tĩnh ) ở câu  229 bị bản gốc LVĐ đổi thành một chữ BUỔI sai ngữ pháp , chữ SẮM (SÁM viết tắt+dấu cá nháy ) ở câu 2128 đã bị thợ khắc bản DMT/1879 khắc thành TÂM+ NÃI với một thanh phù NÃI cực kì vô lí ...

---Thậm chí  những nhà biên tập có trình độ mà ngay có khi, vì chủ quan, cũng làm cho bản Nôm thêm sai lầm .. Tiết thanh minh , ở hai câu 97,98 , cụ Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tuyệt vời :

                       Một vùng cỏ áy bóng tà

                   Gió hiu hiu thổi một và NGỌN LAU

Thế nhưng  hai bản KOM và VNB-60 vẫn chưa bằng lòng : họ thay NGỌN LAU bằng BÔNG LAU , tưởng để cho hay hơn, đẹp hơn , nhẹ nhàng hơn. Nhưng họ đã sai lầm : loài lau lách , chỉ đến mùa thu mới có thể có hoa !

---Cuối cũng cũng phải nói đến một nhân tố  đẻ ra rất nhiều cái dở, cái khó cho các văn bản Nôm : đó là các lệnh bắt kị húy của Triều đình .THIẾP LAN ĐÌNH mà bắt phải đổi thành THIẾP HƯƠNG ĐÌNH  hay CẢI NHẬM NAM BÌNH mà bắt phải đổi thành CẢI ĐIỆU NAM BÌNH ( như trong LNP ) thì còn có gì tệ hại hơn !

 

 

6/ Qua một số điểm vừa gợi ý như trên , rõ ràng muốn giải quyết tốt các khó khăn hiện thấy trong các văn bản Nôm , thì chúng ta cần phải có một sự nỗ lực rất lớn , mà trước hết là cần phải nỗ lực  tìm hiểu tinh tường kĩ thuật in ấn thời xưa, đồng thời cũng phải cố gắng  nỗ lực tiếp thu cho hết , ứng dụng cho hết kho  kinh nghiêm và  thành tựu hiện đại của một số ngành khoa học anh em khác ,tuy độc lập với ngành Hán Nôm , nhưng rất có khả năng soi sáng cho nền văn tự thuộc lọai hình rắc rối này :kinh nghiệm và thành tựu của các ngành văn bản học ,kị húy học , ngữ âm học lịch sử, ngữ văn học , thi pháp học v.v.                 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441851

Hôm nay

2251

Hôm qua

2317

Tuần này

21755

Tháng này

217025

Tháng qua

112676

Tất cả

114441851