Những góc nhìn Văn hoá

Văn hóa gia đình trong phát triển du lịch cộng đồng

 

Du lịch cộng đồng là một hình thức du lịch văn hóathiên về những hoạt động trải nghiệm dành cho du khách để vừa được thưởng ngoạn thắng cảnh, vừa được khám phá văn hóa địa phương. Vậy nên, trong phát triển du lịch cộng đồng, văn hóagia đình giữ một vai trò quan trọng.

Chúng ta cần hiểu rằng, trong chuỗi hàng hóacủa du lịch thì du lịch cộng đồng thuộc phân đoạn cuối. Đó là các hoạt động đón tiếp, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ, trải nghiệm các sinh hoạt sản xuất cũng như sinh hoạt văn hóaở địa phương. Và các hoạt động này gắn với các gia đình cụ thể, là các gia đình làm du lịch cộng đồng. Chính vì vậy nên văn hóagia đình là một nguồn vốn quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng.

Văn hóagia đình, không chỉ là những sinh hoạt trong gia đình hay hệ giá trị văn hóagắn với các sinh hoạt gia đình. Với tư cách là một nguồn vốn để phát triển du lịch, văn hóagia đình được hiểu rộng hơn, là các giá trị văn hóagia đình, những danh hiệu, uy tín, nguồn lực mà gia đình đó tạo lập được qua các thế hệ cũng như mạng lưới xã hội mà các thành viên trong gia đình đó tạo lập được. Như vậy thì vốn văn hóacủa gia đình bao gồm cả cơ sở vật chất, danh hiệu và uy tín, nguồn lực tài chính cũng như mạng lưới xã hội của một gia đình. Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy được vai trò vô cùng quan trọng của văn hóagia đình với tư cách là nguồn vốn để phát triển du lịch cộng đồng.

Nhiều hộ gia đình ở xã yên Khê, huyện Con Cuông tham gia các sinh hoạt văn hóa phục vụ du khách tham quan tại địa phương

Trước hết, để phát triển du lịch cộng đồng, gia đình đó cần có một cơ sở vật chất nhất định. Thường là nhà cửa và khuôn viên gắn liền với các sinh hoạt gia đình. Đó là những ngôi nhà truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương hay tộc người. Từ đó, người ta bắt đầu tiến hành đầu tư thêm các hạng mục khác như xây dựng thêm nhà vệ sinh hiện đại, ngăn căn nhà thành các phòng nhỏ để du khách nghỉ lại, lắp các trang thiết bị hiện đại như bình nóng lạnh, điều hòa, quạt máy, tủ lạnh, rồi sắm giường, chiếu, chăn, ga, gối, đệm,…. Họ phải đối diện với mâu thuẫn thường gặp là vừa cố gắng giữ được vẻ truyền thống của ngôi nhà, lại vừa phải hiện đại hóa các trang thiết bị trong ngôi nhà để phục vụ du khách.

Có cơ sở vật chất nhưng để hoạt động du lịch thì phải có vốn tài chính để đầu tư. Khảo sát các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở Bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) cho thấy, khi bước vào hoạt động du lịch cộng đồng họ thường phải đầu tư từ 70-100 triệu đồng. Đây là một khoản tiền lớn đối với các hộ gia đình ở miền núi. Thường thì họ sẽ chấp nhận vay ngân hàng một khoản tiền với ưu đãi về lãi suất, kết hợp với việc bán một số tài sản có giá trị trong nhà như trâu, bò, lợn,…. để đầu tư cơ sở vật chất. Số tiền này chủ yếu tập trung vào việc tu sửa nhà cửa, mua sắm đồ đạc, trang bị hiện đại hóa ngôi nhà. Bên cạnh đó là đầu tư cho việc đi tham quan học hỏi, tìm các mối liên hệ với các doanh nghiệp,….

Một vấn đề quan trọng gắn với gia đình chính là nguồn nhân lực trong gia đình để phục vụ du lịch cộng đồng. Trước hết là nguồn lao động. Muốn đón tiếp khách thì trong gia đình phải có đủ nguồn lao động cần thiết để hướng dẫn khách trải nghiệm các sinh hoạt, đi chợ, nấu nướng…. Cả 5 gia đình làm du lịch ở bản Nưa đều có từ 4-6 lao động đáp ứng nhu cầu các công việc đó. Nhưng quan trọng hơn chính là kỹ năng, kiến thức về văn hóa địa phương, về giao tiếp với người ngoài. Những người làm du lịch cộng đồng ban đầu được tham gia một khóa tập huấn và được đi tham quan vài nơi để học hỏi kinh nghiệm. Nhưng chỉ từng đấy thôi chưa đủ. Họ cần phải có cả kiến thức và kỹ năng về làm du lịch, vừa phải có hiểu biết nhất định về văn hóa truyền thống. Những cái này giúp họ có nhiều lợi thế trong quá trình phát triển. Vì du khách, đặc biệt là người nước ngoài rất thích khám phá, tìm hiểu văn hóa địa phương nên sự hiểu biết về văn hóa truyền thống của chủ nhà sẽ là một sức hấp dẫn đối với du khách.

Để phát triển du lịch cộng đồng, các gia đình cũng phải tạo lập được một mạng lưới xã hội cho riêng mình trong quá trình phát triển. Mạng lưới xã hội càng rộng lớn thì giúp họ càng có lợi thế để hoạt động du lịch cộng đồng. Trước hết là mạng xã hội nội tại giữa gia đình đó với các gia đình, các nhóm khác trong cộng đồng. Một gia đình biệt lập khó mà làm du lịch cộng đồng. Họ phải liên kết với các gia đình khác để cùng làm. Khi có đoàn khách đông thì phải nhiều người tham gia để phục vụ. Rồi phải liên kết với các nhóm, các câu lạc bộ dân ca dân vũ để tìm kiếm chương trình văn nghệ cho khách khi họ có nhu cầu. Điều đó đòi hỏi gia đình làm du lịch cộng đồng phải có mạng lưới liên kết với các gia đình khác, các nhóm khác trong cộng đồng. Mặt khác, gia đình làm du lịch cộng đồng cũng phải xây dựng được mạng lưới xã hội bên ngoài cộng đồng. Đó là mạng lưới với các doanh nghiệp lữ hành, với các cơ quan thông tin quảng cáo du lịch, với chính quyền địa phương, với các nhóm xã hội khác quan tâm đến du lịch… Mạng lưới xã hội này càng rộng thì giúp họ càng tiếp cận được nguồn khách hàng của mình. Những gia đình thành công trong du lịch cộng đồng thường là người biết cách xây dựng và tận dụng mạng lưới xã hội của mình. Khi có khách đến thì họ thường chụp ảnh, xin facebook của khách để kết nối, rồi tab khách vào các bài giới thiệu của mình để quảng bá hình ảnh. Sự chủ động giúp họ mở rộng mạng lưới xã hội một cách hiệu quả hơn và góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch của mình. Còn ngồi chờ một cách thụ động thì gặp nhiều khó khăn và thất bại. Như bà Lô Thị Hoa, một người tiên phong trong làm du lịch cộng đồng ở bản Nưa chia sẻ: Mình không thể làm du lịch mà không có sự liên kết với các gia đình khác trong bản cũng như các doanh nghiệp hay các nhóm xã hội được. Bởi phải có quen biết, chia sẻ thì mới có khách đến với mình. Và khi có khách đông thì cũng phải có nhiều gia đình cùng hợp tác làm việc với nhau mới phục vụ được nhu cầu của khách. Nói chung, mình phải có quan hệ với nhiều người, phải nhiệt tình, vui vẻ, đi ra giao lưu học hỏi thì mới biết được. Ngày nay, mạng lưới xã hội trên internet cũng vô cùng quan trọng. Vậy nên các gia đình làm du lịch cộng đồng cũng phải biết sử dụng công nghệ thông tin, xây dựng trang mạng xã hội để mở rộng mạng lưới của mình. Bởi du khách giờ trước khi đi du lịch thường lên mạng tìm kiếm thông tin nên cần phải có kênh để cung cấp cho khách.

Và cuối cùng, một điều kiện không thể thiếu để các gia đình hoạt động du lịch cộng đồng, đó là các giá trị văn hóa gia đình. Truyền thống gia đình, quan hệ gia đình luôn là điều cần thiết để hoạt động du lịch cộng đồng được hiệu quả. Những gia đình có truyền thống văn hóa lâu đời thì các thế hệ thường truyền đạt cho nhau được những tri thức về văn hóa truyền thống. Nên những người hiểu biết về văn hóa truyền thống cũng thường ở trong những gia đình có văn hóa lâu đời. Họ giữ gìn được những nét gia phong của mình và khi phát triển du lịch điều đó rất quan trọng. Một mô hình lý tưởng là gia đình có những người lớn tuổi hiểu biết nhiều về văn hóa truyền thống để chia sẻ với những du khách có nhu cầu khám phá văn hóa địa phương; có những người trẻ tuổi năng động để đón khách và hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm; và có những đứa trẻ đáng yêu, chăm ngoan, biết múa hát để giao lưu, chi sẻ với du khách. Tuy nhiên, thực tế những gia đình như vậy không nhiều. Nhưng đã tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng thì các gia đình cần thiết phải có những giá trị văn hóa cơ bản. Đó là vợ chồng hòa thuận, vui vẻ, đầm ấm, con cái chăm ngoan. Và cũng phải là những gia đình có quan hệ hài hoad, thân thiện với các gia đình khác trong cộng đồng. Một người làm ở công ty du lịch chia sẻ: “Một gia đình mà vợ chồng hay cãi nhau, con cái nghịch phá hay nghiện ngập, thì không bao giờ làm du lịch cộng đồng được. Vì không du khách nào muốn đến ở tại những gia đình này. Các công ty dịch vụ du lịch cũng không bao giờ đưa du khách của mình đến những gia đình vì sẽ ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp”.

Nói tóm lại, du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa gia đình và cộng đồng nên văn hóa gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển loại hình này. Văn hóa gia đình ở đây được hiểu rộng hơn, bao gồm những nguồn lực vật chất, tài chính, nhân lực, trình độ, kỹ năng, mạng lưới xã hội mà một gia đình có được, và đương nhiên phải kể đến những giá trị nhân văn trong văn hóa gia đình. Những yếu tố này là điều kiện, là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng. Vậy nên, các ban ngành chức năng cần có những định hướng phát triển văn hóa gia đình gắn với phát triển kinh tế xã hội và xem đó là những định hướng quan trọng cho tương lai.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443361

Hôm nay

2252

Hôm qua

2305

Tuần này

21174

Tháng này

218535

Tháng qua

112676

Tất cả

114443361