Những góc nhìn Văn hoá

Kế sách ngoại giao của Nguyễn Trường Tộ

Danh nhân Nguyễn Trường Tộ là một người Công giáo yêu nước, sinh năm 1828 tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên). Ông được học chữ Hán từ nhỏ, sau đó được học tiếng Pháp. Ông nghiên cứu cả văn hóa phương Đông và phương Tây, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, giáo dục, quốc phòng, ngoại giao... Trong khoảng 10 năm, từ 1861- 1871, Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên Triều đình gần 60 văn bản bằng chữ Hán, đề nghị một chương trình cải cách có hệ thống và toàn diện theo gương các nước phát triển, làm cho dân giàu, nước mạnh, đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc một cách bền lâu. Trong bài viết này chỉ xin đề cấp đến một số kiến nghị nổi trội của ông về lĩnh vực ngoại giao.

Thời ấy, vào tháng 2/1859, thực dân Pháp đã đánh chiếm một số vùng ở Sài Gòn - Gia Định, nhưng lực lượng còn nhỏ lại bị quân ta đánh mạnh và bao vây nên chưa dám mở rộng vùng chiếm đóng. Chúng đòi ta cho các giáo sỹ tự do giảng đạo, kiều dân Pháp được tự do buôn bán và nước Pháp có một điểm tựa cho tàu bè qua lại. Nguyễn Trường Tộ cho rằng với tương quan lực lượng hiện thời, ta chưa thể đánh đuổi được quân xâm lược Pháp, mà phải tạm thời nhượng bộ và hòa hoãn để củng cố lực lượng. Ông đề nghị mở rộng quan hệ buôn bán với tất cả các nước. Cho người đi học các nước văn minh cách làm cho dân giàu, nước mạnh.

Trong bản điều trần gửi triều đình năm 1863, ông đề nghị tạm hòa hoãn với Pháp để yên dân: “Dân đã yên, sau sẽ khiến các kẻ hiền tài vượt biển sang các nước lớn học cách đánh trận giữ thành, học tập trí xảo của thiên hạ, giao thiệp với họ lâu dài, mới biết lường sức đo tài, biết hết tình trạng của họ. Học cho tinh vi mới sinh kỹ xảo, rất mực kỹ xảo mới mạnh. Bấy giờ ta sẽ dương uy súc nhuệ, đợi thời hành động… ” (Di cảo số 1) (1).

Tuy nhiên triều đình không tin theo. Trước sự kháng cự yếu ớt của quân ta, năm 1867, thực dân Pháp chiếm trọn 6 tỉnh Nam Bộ. Ông sốt ruột nhìn đất nước mình bị kẻ xâm lược thôn tính dần hết tỉnh này sang tỉnh khác. Ông viết tiếp bản điều trần tháng 9/1871, trong đó có đoạn: “Nay việc khẩn cấp là phải giữ cho được những cái gì chưa mất. Còn việc thu hồi 6 tỉnh là việc sau. Muốn giữ cái chưa mất, thì phải gấp rút thừa cơ mà canh tân chính là căn bản để mưu thu hồi và gìn giữ. Nếu không canh tân để tiến bộ thì dù có tạm thu hồi được, vá hôm nay mai lại rách, rốt cuộc cũng không thể không có chuyện gì xẩy ra. Nếu nhất luật canh tân để tiến bộ thì việc giữ không khó mà việc mưu thu hồi không chóng thì chầy cũng có thể hy vọng được” (Di cảo số 52) (2).

Ông nêu gương các nước đề nghị triều đình noi theo: “Xem Nhật Bản là một dân tộc lùn, từ Trung Diệp nhà Minh mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hợp Chủng Quốc (Hoa Kỳ-TG) giúp vào việc nước. Mở mắt nhìn rộng ra thiên hạ mới có được chí hướng lớn như vậy. Từ đó, họ đóng tàu bè, luyện tập võ bị, ưu tiên phát triển thương nghiệp, công nghiệp, đất nước mỗi ngày mỗi mạnh, được khen với mỹ danh là Tiểu Tây và Trung Quốc khó bắt được Nhật Bản phải thần phục. Tuy gần đây Anh, Pháp thường hay quấy nhiễu nhưng nhờ có nền nội trị, ngoại giao vững vàng mà họ không chịu hạ mình. Cách đây 3 năm Anh, Pháp đem binh thuyền đến toan đàn áp, nhưng nhờ Hợp Chủng Quốc, Hà Lan phân giải mà việc đã không xẩy ra

Còn như đối diện với ta là Xiêm La (Thái Lan-TG). Nước ấy trước đây chẳng có thế lực hùng mạnh gì. Nhưng từ khi nước Tây khuấy động khiến họ chợt tỉnh, bèn lấy Anh, Pháp làm bạn, lấy Ý, Bồ làm khách, mời hết các nước trên thế giới đến buôn bán, du lịch. Còn nước ấy nghiễm nhiên thành một ông chủ đàng hoàng… Hiện nay nước ấy nhờ ngoại giao mà được lợi ích, ngày một nhanh chóng trở thành giàu mạnh, nội loạn không sinh, kẻ địch bên ngoài không đến, thuyền buôn đi lại trên biển như mắc cửi, quan chức phân bố khắp các nước, dần dần đã thành cái thế rết trăm chân …” (Di cảo số 55) (3)

Triều đình Tự Đức, đã có lúc muốn thực thi các kế sách của Nguyễn Trường Tộ, nhưng các quan đại thần do đự. Người tán thành thì ít, người nghi ngờ thì nhiều, vua thì nhu nhược không thể đưa ra quyết sách đúng đắn. Tiếc thay!

Đất nước ta chìm đắm trong cảnh nô lệ suốt 80 năm, dẫn đến nạn đói kinh hoàng năm 1945, khiến hơn 2 triệu người con Lạc cháu Hồng chết đói thảm khốc.

Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đất nước ta không có tên trên bản đồ thế giới. Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, dân tộc ta giành được độc lập tự do. Nước Việt Nam được thế giới ca ngợi là dân tộc Anh hùng, đang từ nghèo đói đi lên, đang hội nhập thế giới, hy vọng không lâu nữa có thể sánh vai các cường quốc.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng ta xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.(4)

Đến năm 2021, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có quan hệ ngoại giaovới 18quốc gia thuộc tất cả châu lục.Trong đó quan hệ đặc biệt với 3 nước: Cu Ba (1960), Lào (1962), Campuchia (1967); Đối tác Chiến lược toàn diện với 3 quốc giaTrung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016); quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản (2014); quan hệ Đối tác Chiến lược với 1quốc gia gồm: Hàn QuốcTây Ban Nha (2009), Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (2010), Đức (2011), ÝPháp,  Indonesia, Thái Lan, Singapore  (2013), MalaysiaPhilippines (2015), Úc (2018), New Zealand (2020); và quan hệ đối tác toàn diện với 13 quôc gia, gồm: Nam Phi (2004), Venezuela, Chile, Brasil (2007), Argentina (2010), Ukraina (2011), Hoa Kỳ, Đan Mạch (2013), Myanmar, Canada (2017), Hungải (2018), Brunei, Hà Lan (2019) (5)

Nhân kỷ niệm lần thứ 150 ngày mất của danh nhân Nguyễn Trường Tộ (22/11/1871-22/11/2021), chúng ta tôn vinh một nười yêu nước thiết tha, có tư tưởng canh tân vượt tầm thời đại. Dù tâm nguyện chưa thành, nhưng những tư tưởng của Ông vẫn còn khích lệ các thế hệ người Việt Nam hôm nay phấn đấu hy sinh để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh./.

Chú thích:

(1), (2) Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Trung tâm nghiên cứu Hán - Nôm, 1991, tr 98.

(3), Trương Bá Cần, sđd, tr104.

(4)Báo cáo Chính trị của BCH TW Đảng khóa X tại Đại hội XI

(5) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443372

Hôm nay

2263

Hôm qua

2305

Tuần này

21185

Tháng này

218546

Tháng qua

112676

Tất cả

114443372