Những góc nhìn Văn hoá

Thời cơ và thủ lĩnh nhìn từ các cuộc cải cách trong lịch sử

Bất cứ xã hội, nhà nước, quốc gia dân tộc nào muốn phát triển đều phải liên tục vận động, phải tự làm mới mình theo hướng tiến bộ. Tự làm mới mình có thể ở nhiều mức độ và bằng nhiều cách khác nhau như cách mạng, cải cách, cải tổ… tùy vào nhu cầu và điều kiện cụ thể nhưng đều phải hướng đến Đổi Mới.

Những cuộc cải cách trong lịch sử

Cách mạng là hành động có tính quyết liệt, triệt để nhằm thay đổi hình thái kinh tế - xã hội nhưng cải cách chỉ hướng đến những thay đổi trong lòng hình thái kinh tế - xã hội, gạt bỏ những bất hợp lý, lạc hậu để làm mới nó theo hướng tiến bộ về thể chế, kinh tế, xã hội, văn hóa.

Cho đến nay, giới sử học cơ bản thống nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam đã có 8 cuộc cải cách quan trọng nhất. Đó là các cuộc cải cách của Khúc Thừa Dụ (830-907) - Khúc Hạo (860-971), của Lý Công Uẩn (974-1028), của Trần Thủ Độ (1194-1264), của Hồ Quý Ly (1336-1407), của Lê Thánh tông (1442-1497), của Đào Duy Từ (1572-1634), của Trịnh Cương (1686-1729), của Minh Mạng (1791-1841) và hai cuộc kiến nghị/vận động cải cách, giữa thế kỉ XIX của Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871), Phạm Phú Thứ (1821-1882), Nguyễn Lộ Trạch (1853-1895)…và phong trào/trào lưu Duy tân hồi đầu thế kỉ XX gắn liền với Phan Chu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940).

Cha con họ Khúc với tư tưởng “Khoan, Giản, Thư, Lạc” đã xác định trọng tâm là cải cách cơ cấu hành chính, thay đổi cách thức quản lý từ “nắm từ trên xuống”, nhằm mục đích là để đàn áp, bóc lột của nhà Đường sang cơ cấu hành chính “nắm từ dưới lên”, nắm từ cơ sở cấp “xã” mà nhà Đường chưa bao giờ với tay đến được. Họ Khúc đã đặt ra các chức xã quan “chánh lệnh trưởng” và “tá lệnh trưởng”; “định ra hộ tịch”, “lập sổ hộ khẩu, kê rõ họ tên, quê quán” nhằm nắm vững dân số và thông hiểu dân tình. Thực hiện chính sách “Bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực địch”; Bỏ hẳn thuế đinh. Người thu thuế không phải là xã quan mà là phó tri giáp, để tránh sự phiền hà sách nhiễu cũng như nạn thu thuế nhiều tầng nạn thất thu. Thực hiện “tha bỏ lực dịch”, “cởi trói cho dân”, thu phục nhân dân ổn định xã hội. Cuộc cải cách đã khẳng định và giữ vững được nền tự chủ, tạo nền tảng cho Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền giành quyền độc lập trong giai đoạn kế tiếp.

Lý Công Uẩn không chỉ sáng lập ra vương triều Lý mà đã làm một cuộc đổi mới địa - chính trị Đại Việt hồi thế kỷ XI khi quyết định dời đô ra Thắng Long, mở đầu cho sự chuyển biến toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự, đưa vương triều Lý và Đại Việt phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Trần Thủ Độ, người có công đầu trong việc sáng lập ra nhà Trần và cùng các vua Trần thực hiện một loạt chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội, đưa quốc gia Đại Việt hùng cường, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc để chiến thắng 3 cuộc xâm lược của giặc Nguyên - Mông.

Hồ Quý Ly là người gánh vác sứ mệnh hóa giải cuộc khủng hoảng của quốc gia hồi cuối thế thế kỷ XIV. Ông đã có một loạt chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, có những chính sách tiến bộ, thậm chí vượt trước thời đại. Đáng tiếc là cuộc cải cách chưa thành, vì vẫn còn những bất cập và vì đất nước bị quân nhà Minh xâm lược.

Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông đã đổi mới và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến luật pháp, kinh tế và văn hóa và đã đưa vương triều Lê trở thành vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử Đại Việt.

Trịnh Cương, trước bối cảnh khủng hoảng của thể chế Lê - Trịnh đã thực hiện cuộc cải cách khá toàn diện, nhất là về tài chính, đem lại hiệu quả tích cực. “Trong khi chúa giữ chính, chăm chỉ lo toan trị nước, cùng với các tể tướng ngày đêm trù tính. Phàm việc binh, dân, tiền của, thuế khóa đặt ra rõ ràng đầy đủ”.Bấy giờ [vua] nối nghiệp thái bình, không biết việc đao binh, trong nước vô sự. Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi đầy đủ, các phương xa đến cống hiến và Trung Quốc trả lại đất đai. Thực là đời rất thịnh”. (Phan Huy Chú).

Cũng vào thế kỷ XVII, ở Đàng Trong, có Đào Duy Từ, nhà kiến trúc chính sách của chúa Nguyễn. Bị chúa Trịnh ruồng bỏ, ông tìm đường vào Đàng Trong và tìm cách phục vụ chúa Nguyễn. Từ đổi mới vị thế của mình, ông đã giúp chúa Nguyễn đổi mới xã hội và phát triển Đàng Trong trở thành một lực lương đối kháng ngang sức ngang tài với tập đoàn Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài.

Cuộc cải cách hành chính của Minh Mệnh đầu thế kỷ XIX đã đổi mới và thống nhất được hệ thống hành chính quốc gia, kể cả phân cấp hệ thống hành chính và chế định ngạch, bậc quan lại từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên vẫn không giải quyết được khủng hoảng toàn diện vì nền tảng tư tưởng đã lỗi thời, xã hội phong kiến nhà Nguyễn suy tàn, đang cần chuyển sang một hình thái kinh tế - xã hội khác, trình độ phát triển cao hơn.

Sau cuộc cải cách của Minh Mệnh, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục đà suy thoái trong lúc đó lại bị thực dân Pháp xâm lược. Trước bối cảnh đó, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch… đã có những kiến nghị cải cách toàn diện và sâu sắc, phù hợp với nhu cầu nội tại và sự phát triển của thời đại. Mặc dù tư tưởng của các ông đã không được triều đình chấp nhận nhưng đãgóp phần mở mang dân trí, nhận thức ra con đường yêu nước và canh tân phù hợp với tình hình mới.

Bước sang thế kỷ XX, có trào lưu Duy Tân gắn liền với tên tuổi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và nhiều sĩ phu, trí thức yêu nước khác. Tuy không đồng nhất về phương pháp (Bạo động và bất bạo động) nhưng thống nhất cao về ý chí cứu nước và hướng đến xây dựng quốc gia theo thể chế mới. Trào lưu này cũng không thành công nhưng đã mở ra cho quốc dân một cách tiếp cận gần hơn với xu thế của thời đại.

Đi tìm nguyên nhân thành bại

Nhìn lại, có thể thấy có những cuộc cải cách cơ bản thành công, có hiệu quả (Khúc Thừa Dụ - Khúc Hạo, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Lê Thánh Tông, Trịnh Cương, Đào Duy Từ, Minh Mạng), có những cuộc không trọn vẹn (Hồ Quý Ly), có những ý tưởng, trào lưu không được thực hiện hoặc không thành công (Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh).

Vấn đề đặt ra là tại sao các cuộc cải cách thành hay bại?

Bất cứ cuộc cải cách nào cũng xuất phát từ nhu cầu phải thay đổi, đổi mới để tồn tại và phát triển của các chế độ/thể chế xã hội/quốc gia dân tộc. Mỗi một cuộc cải cách đều có nhiệm vụ của nó trong những bối cảnh cụ thể, những yếu tố chủ quan và khách quan cụ thể. Tất cả các yếu tố đều ảnh hưởng, chi phối đến tiến trình và kết quả cải cách. Đó là nhu cầu cải cách, thời cơ cải cách, tư tưởng/tư duy cải cách, lực lượng cải cách, thủ lĩnh cải cách… Ở đây xin phép chỉ bàn về yếu tố Thời cơ và Thủ lĩnh qua thực tiễn các cuộc cải trong lịch sử trung - cận đại Việt Nam kể trên.

Có nhu cầu cải cách vì sự khủng hoảng xã hội toàn diện hay bộ phận. Nhưng cuộc cải cách chỉ có thể tiến hành và có kết quả khi có thời cơ. Cha con họ Khúc sở dĩ giành được quyền tự chủ và tiến hành cải cách vì lúc bấy giờ nhà Đường đã suy yếu dẫn đến tình trạng “ngũ đại thập quốc”. Lý Công Uẩn lấy được ngôi vì nhà Lê (tiền) đến Lê Long Đĩnh đã quá suy nát, lòng dân oán hờn. Tương tự, Trần Thủ Độ lấy được ngôi cho nhà Trần và thực hiện cuộc cải cách vì nhà Lý đã suy tàn, xã hội khủng hoảng sâu sắc. Đến lượt Hồ Quý Ly, sở dĩ thâu tóm được quyền lực và thực hiện cải cách, rồi giành ngôi vua để tiếp tục đẩy mạnh cải cách vì cuộc khủng hoảng toàn diện của không chỉ cung đình triều Trần mà cả toàn xã hội cùng với nguy cơ bị ngoại xâm từ nhà Minh. Trường hợp cuộc cải cách của Lê Thánh Tông hoặc Minh Mệnh lại là do sự trì trệ của nền hành chính, kinh tế hoặc sự khủng hoảng cung đình buộc phải có nhu cầu đổi mới để phát triển của bản thân nhà Lê hay nhà Nguyễn. Đối với Đào Duy Từ, thời cơ đến khi chúa Nguyễn cần có tài năng của ông để xây dựng và phát triển Đàng Trong. Ông không những đã tận dụng được mà chính ông đã tự mình tạo ra thời cơ bằng cách nỗ lực tiếp cận chúa Nguyễn để được thi triển tài năng. Tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ và phong trào Duy tân của hai cụ Phan không được triển khai vì thời cơ chưa đến. Các vua Nguyễn bất lực, không dám cải cách trong lúc có cản trở rất lớn là quân đội thực dân Pháp mặc dù nhu cầu cải cách rất lớn.

Yếu tố thứ hai quy định sự thành bại các cuộc cải cách chính là vai trò thủ lĩnh của người đứng đầu. Thủ lĩnh tài năng là người có tầm nhìn vừa xa vừa rộng, nắm bắt được nhu cầu đổi mới, nắm bắt và tận dụng thời cơ một cách chính xác, mau lẹ. Trước hết, họ phải có tư tưởng, tư duy cải cách và phải có quyền lực, có sức mạnh để thực hiện cải cách theo đúng tư tưởng và mục tiêu đã xác định. Từ cha con họ Khúc đến Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Lê Thánh tông, Trịnh Cương, Minh Mệnh… tất cả đều phải có quyền lực, chưa có thì phải tạo ra, giành lấy để trở thành điều kiện cần cho cải cách. Tư tưởng cải cách của Đào Duy Từ được thực hiện là qua quyền lực của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Trong trường hợp này, nhà kiến trúc là Đào Duy Từ, người thực hiện là Chúa Nguyễn, người có thực quyền tối cao. Nếu không có quyền lực, nhà cải cách chỉ có thể dừng lại ở tầm mức nhà tư tưởng, ở vai trò thiết kế chứ không thể thi triển thành công. Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là trong trường hợp này.

Để thành công, thủ lĩnh cải cách phải có lực lượng thực hiện và sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp xã hội. Muốn vậy, ngoài việc xác định mục tiêu đúng đắn nhằm hướng tới giải quyết được các mâu thuẫn xã hội, đáp ứng được các nhu cầu phát triển, thủ lĩnh phải có lộ trình cải cách hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển của thể chế, của nền kinh tế - xã hội, của dân trí - văn hóa. Hồ Quý Ly có nhiều chính sách tiến bộ nhưng có những chính sách chưa phù hợp với trình độ phát triển lúc bấy giờ, như đổi tiền giấy, nên không có kết quả như ý, thậm chí phản tác dụng.

Để thành công, thủ lĩnh phải kiên định mục tiêu, kể cả lúc phải điều chỉnh lộ trình, biện pháp hay gặp khó khăn, chống đối cũng không nản chí. Điều đó có thể thấy rất rõ ở Khúc Thừa Dụ - Khúc Hạo, ở Trần Thủ Độ, ở Lê Thánh Tông nhưng không có ở giai đoạn sau của Trịnh Cương khi ông này không kiềm chế được sở thích cá nhân mà làm lệch mục tiêu cải cách.

Điều cuối, tất cả các cuộc cải cách thành công hay không, kết quả ít hay nhiều, phụ thuộc vào lòng dân. Ý tưởng cải cách hay, tiến bộ như Hồ Quý Ly nhưng không được lòng dân nên thất bại. Ngược lại, mới bước đầu giành quyền tự chủ (tương đối) nhưng với tư tưởng “Khoan, Giản, Thư, Lạc”, cha con họ Khúc đã thành công, đặt nền móng vững bền cho nền độc lập tự chủ của dân tộc.

Đổi mới là quy luật vận động của phát triển. Đổi mới như thế nào là bài toán khó luôn dành cho các thủ lĩnh và các nhà hoạch định chính sách. Nhìn lại lịch sử các cuộc cải cách vẫn thấy nhiều bài học quý cho hiện tại và tương lai./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443403

Hôm nay

2294

Hôm qua

2305

Tuần này

21216

Tháng này

218577

Tháng qua

112676

Tất cả

114443403