Những góc nhìn Văn hoá

Tìm hiểu chính sách dùng người của vua Lê Thánh Tông

Lễ “vinh quy bái tổ” tôn vinh những người đỗ đại khoa được đặt ra từ thời Vua Lê Thánh Tông.

Dưới thời Hậu Lê (1427 - 1527), có một vị vua mà tên tuổi và sự nghiệp vẻ vang của ông gắn liền với giai đoạn cường thịnh của nước Đại Việt. Đó chính là Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Lê Thánh Tông là vị Vua anh minh, văn võ song toàn, nhà cách tân vĩ đại. Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ, chúng tôi chỉ nói về chính sách dùng người của vua Lê Thánh Tông.

1. Việc tuyển chọn

Việc tuyển chọn quan lại (tuyển chọn cán bộ) được nhà Vua cho tiến hành theo hai cách: Thi tuyển và bảo cử

Thi tuyển

Chế độ thi tuyển có 3 kỳ thi: Thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hương là kỳ thi tại địa phương mà thí sinh sinh sống nhằm mục đích kén chọn người tài để vào thi Hội, thi Đình. Thi Hội là kỳ thi ở cấp tỉnh do Bộ Lễ (một Bộ của Nhà nước) tổ chức. Còn thi Đình là kỳ thi do Triều đình (trực tiếp là Vua) chỉ đạo, tổ chức ở Kinh đô (cấp Trung ương).

Các nội dung thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có 4 môn gồm: 1, 5 bài thi Kinh nghĩa để khảo sát nhận thức về kim, cổ, Đông, Tây, qua đó đánh giá trình độ hiểu biết về nhân tình thế thái của thí sinh. 2, Về pháp luật thì thi viết các chiếu, chỉ, mệnh lệnh của Vua, các chế, cáo (hiện nay ta gọi là văn bản pháp quy), các biểu, sớ (hiện nay gọi là các báo cáo, tường trình) lên các quan trên hoặc nhà Vua. 3, Thi làm thơ Đường luật. 4, Thi viết văn sách (ngày nay gọi là luận văn) để đánh giá thí sinh về mặt tri thức và cách ứng phó với thời cuộc.

Để đánh giá đúng tài năng thật sự của thí sinh, nhà Vua đặt ra quy trình rất chặt chẽ: trước khi thi 4 môn trên đây, các thí sinh phải thi môn Toán và môn Chính tả, nếu giải được các bài toán và viết chính tả không có lỗi thì mới được vào thi 4 môn. Khi vào thi 4 môn, nếu đỗ môn thứ nhất mới được thi tiếp môn thứ hai, đỗ môn thứ hai mới được thi tiếp môn thứ ba, đỗ môn thứ ba mới được thi tiếp môn thứ tư. Người nào đỗ thi Hương mới được dự thi Hội, đỗ thi Hội mới được dự thi Đình.

Đồng thời, nhà Vua cũng đặt ra kỷ luật thi cử rất nghiêm để nghiêm trị những kẻ gian dối trong thi cử, chẳng hạn: nếu thí sinh mang tài liệu vào phòng thi thì bị phạt 80 trượng và hủy bài thi, nếu nhờ người thi hộ thì thí sinh mượn người và người thi hộ bị phạt nặng hơn. Quy định về chấm thi cũng rất chặt chẽ, công bằng, chẳng hạn: nếu người chấm thi nâng điểm cho bài thi của người quen thân mà bị Hội đồng thi phát hiện thì bị phạt 50 roi và cử người khác chấm lại, v.v…

Các quy định trên đây nhằm mục đích chọn cho đất nước những người tài thật sự chứ không chọn con ông cháu cha, không chọn người quen.

Bảo cử

Ngoài cách chọn người tài bằng thi tuyển thì để không bỏ sót những người có khả năng thật sự nhưng vì lý do nào đó mà không đi dự thi được thì nhà Vua cho phép người đương chức có thể giới thiệu một người (không tham gia thi tuyển đúng ngày thi) có đủ đức hạnh và tài năng ra làm việc với một đơn vị, cơ sở nào đó của Nhà nước với điều kiện là người giới thiệu phải lấy tước vị, phẩm hàm (tức là chức tước) của mình để đảm bảo lời giới thiệu của mình là đúng, là chính xác. Nếu giới thiệu sai thì người giới thiệu và người được giới thiệu đều sẽ bị kỷ luật.

Ngoài ra, nhà Vua còn quy định rằng những con em gia đình quý tộc, quan lại mà chưa đủ trình độ để đi thi thì sẽ được ưu tiên nhận vào học ở một số trường (thời đó gọi là Chiêu Văn quán), học một thời gian để có trình độ để đi thi. Nhưng phải thi đỗ thì mới được bổ nhiệm, không có ngoại lệ (nhà Vua gọi đây là chế độ Tập ấm). Như vậy là rất công bằng.

2. Việc sử dụng

Trước hết nhà Vua quy định dứt khoát không được thêm hoặc bớt biên chế, quy định kỷ luật rất nghiêm: Nhà nước sẽ thường xuyên kiểm tra các cơ sở (công sở, cơ quan), nếu so với quy định của Nhà nước mà cơ sở thừa một người thì người đứng đầu sẽ bị phạt 60 trượng hoặc bị bãi chức. Vì vậy, không có hiện tượng tự động thêm hoặc bớt người.

Chế độ tập sự: Người mới được tuyển vào thì được hưởng một phần ba lương chính trong 3 năm, nếu sau 3 năm thì sẽ xét 3 tiêu chuẩn: 1, Làm cho dân giàu, khuyến khích, động viên được dân sản xuất. 2, Làm cho dân biết lễ nghĩa. 3, Có đóng góp vào việc sinh thêm con để tăng dân số cho đất nước. Nếu không đạt 3 tiêu chuẩn nói trên thì sẽ bị loại khỏi biên chế.

Chế độ khảo thí: Tất cả các quan lớn hoặc nhỏ (cán bộ) của Nhà nước cứ 3 năm phải qua khảo thí một lần, quan văn thì thi văn, quan võ thì thi võ. Nếu thi hỏng nhẹ thì bị phạt, hỏng nặng thì bị loại. Không ai được miễn thi (kể cả những người đỗ đại khoa hoặc những người được Vua sủng ái).

Chế độ khảo khóa: Cứ 3 năm một lần, Nhà nước kiểm tra năng lực thực hành của quan lại (cán bộ) theo 3 tiêu chí: 1, Đánh giá kết quả thực chất của công việc. 2, Đánh giá sự tín nhiệm cao hay thấp của nhân dân trong địa phương mà quan làm việc. 3. Đánh giá kết quả phát triển kinh tế, đời sống trong địa phương. Chế độ khảo khóa sẽ được tiến hành theo 2 bước là sơ khảo và thông khảo, quan trên khảo sát, đánh giá quan dưới, đánh giá nhân viên thuộc quyền.

Trong quá trình thực hiện chế độ khảo khóa, nếu phát hiện người có công lớn thì cho thăng thưởng ngay, người có tội to thì bãi chức ngay (nghĩa là sẽ linh động, không nhất thiết phải răm rắp theo quy trình. Còn những trường hợp bình thường thì cứ sau 4 đợt khảo khóa (tức 12 năm) thì xét thăng thưởng một lần.

Chế độ khảo khóa có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và giám sát các quan lại, nhằm mục đích cuối cùng là “phân biệt người hay kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước”. Kết quả của việc khảo khóa là cơ sở để Nhà nước quyết định thăng chức hay giáng chức đối với quan lại.

Chế độ 6 khoa: Nhà nước tổ chức ra 6 khoa để giám sát 6 Bộ (thời Vua Lê Thánh Tông chỉ mới có 6 Bộ), trong quá trình giám sát 6 Bộ sẽ kiểm tra, theo dõi công việc của từng Bộ và có ý kiến về các chủ trương của Bộ.

Chế độ Ngự sử đài: Ngự sử đài là tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến địa phương có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá đạo đức, phẩm chất, năng lực của các quan. Khi cần thì Ngự sử đài có quyền chất vấn, có quyền luận tội và kiến nghị cách xử lý.

Đáng lưu ý là tổ chức 6 khoa và tổ chức Ngự sử đài là những tổ chức độc lập với nhau, không nằm trong hệ thống tổ chức của các Bộ mà do Vua trực tiếp nắm.

6 điều nghiêm cấm đối với các quan lại:

          1. Cấm lấy vợ là người địa phương nơi trị nhậm.

          2. Cấm kết thông gia với người địa phương nơi trị nhậm.

          3. Cấm tậu ruộng vườn tại địa phương nơi trị nhậm.

          4. Cấm lấy người địa phương làm cấp phó cho mình.

          5. Cấm cha con, chú cháu, anh em và những người thân thuộc cùng làm quan ở xã hay cùng làm việc trong một cơ quan, công sở.

          6. Cấm đưa quan về trị nhậm ở nơi quê hương, bản quán.

Chính sách luân chuyển quan lại (còn gọi là luân quan):

Việc luân chuyển quan lại thể hiện trong việc điều động quan lại từ Trung ương về địa phương, từ địa phương về Trung ương, từ địa phương này sang địa phương khác. Nhằm tránh trường hợp quan lại cai trị lâu ở một nơi nên Nhà nước luôn luôn áp dụng chính sách luân quan (quy định này áp dụng với tất cả mọi vị trí, dù là quan to hay quan nhỏ).

Chủ trương giản thải quan lại:

Quan lại nếu không đáp ứng được nhu cầu của Nhà nước hoặc bất tài thì đều bị bãi nhiệm. Năm Hồng Đức thứ 9, nhà Vua quy định: “nếu quan lại không làm nổi việc, hèn kém, đần độn, bỉ ổi,… thì phải nghỉ việc, Nhà nước sẽ chọn người có tài năng, kiến thức, thạo việc để thay”. Chủ trương này tạo ra sự năng động sáng suốt trong việc bổ dụng quan lại, người có thực tài được bổ nhiệm vào đúng chức vụ.

Nếu khi thấy bộ máy quan lại phình to, tốn kém thì Nhà nước chủ trương giảm bớt bằng cách tiến hành rà soát đội ngũ quan lại, những ai đã từng bị kỷ luật nặng thì cho thôi việc, những ai 65 tuổi trở lên thì cho nghỉ hưu. Những việc này vừa góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ quan lại vừa trẻ hóa đội ngũ quan lại.

Có thể nói dưới thời Vua Lê Thánh Tông, các chính sách, chế độ đối với quan lại đã được phát triển đến đỉnh cao bằng hệ thống luật pháp được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc trong phạm vi toàn quốc. Nhờ đó Nhà nước đã tuyển chọn được đội ngũ quan lại có phẩm chất, năng lực, làm việc hiệu quả. Đội ngũ quan lại thực sự là những người tài giỏi, tận tâm, giúp Vua trụ vững ở ngôi báu suốt 38 năm, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nước Đại Việt cường thịnh.

Chính sách tuyển chọn và dùng người của Vua Lê Thánh Tông vẫn đang là bài học có giá trị cho chúng ta hôm nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443179

Hôm nay

270

Hôm qua

2305

Tuần này

2992

Tháng này

218353

Tháng qua

112676

Tất cả

114443179