Những góc nhìn Văn hoá

Lễ hội mùa Xuân & tín ngưỡng phồn thực

Trai gái chơi đu trong lễ hội Làng Vạc, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Ảnh Phan Văn Toàn

Mùa Xuân là mùa đơm hoa kết trái, là chất xúc tác diệu kỳ cho tuổi trẻ, nhất là cho tình yêu đôi lứa. Nói đến mùa Xuân là nói đến lễ hội. Sau màn sương khói tín ngưỡng - tôn giáo cổ truyền (phần lễ) là biểu diễn văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian… (phần hội). Trong một số trò chơi dân gian, dấu ấn tín ngưỡng phồn thực rất đậm nét.

1. Tín ngưỡng phồn thực (culte de fécondité) là một hiện tượng tôn giáo có tính toàn cầu.Con người cần sinh sôi, mùa màng cần tươi tốt để duy trì và phát triển sự sống, nên đã nảy sinh tín ngưỡng phồn thực. Ở cư dân nông nghiệp Đông Á & Nam Á, trước sự sinh sôi để duy trì sự sống của con người, vật nuôi & cây trồng, những trí tuệ sắc sảo thì tìm đến các quy luật khoa học để lý giải hiện thực và họ xây dựng nên triết lý âm dương (陰 陽); còn những trí tuệ bình dân thì nhìn thấy ở thực tiễn một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà họ sùng bái nó như thần thánh và xây dựng nên tín ngưỡng phồn thực (蕃 殖). Bản chất của nó là sự tin tưởng, sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên & con người (phồn: nhiều; thực: sinh đẻ, sinh sôi nảy nở). Đây là tín ngưỡng mang tính biểu tượng linh thiêng được thể hiện rõ nhất trong các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, mùa của sự sinh sôi, nảy nở. Ở nước ta, tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, được thể hiện ở hai dạng: thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ và thờ bản thân hành vi giao phối. Các cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh. Người xưa, qua trực giác, tin rằng năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay ở con người có khả năng truyền sang vật nuôi và cây trồng. Do vậy tín ngưỡng phồn thực, với nhiều nghi thức thờ cúng, phát sinh và phát triển đa dạng.

 Hình nam nữ với bộ phận sinh dục phóng đại được tìm thấy trên tượng đá với niên đại hàng nghìn năm tr. CN ở Văn Điển (Hà Nội), ở những hình khắc trên đá trong thung lũng Sa-pa, ở nhà mồ Tây Nguyên… Ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam - thuật ngữ dân tộc học thế giới gọi là linga; nường: nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ - thuật ngữ dân tộc học thế giới gọi là yoni).(1)

 Tiến vào thời đại văn minh, người Việt cổ đã có chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng đại diện cho Văn hóa Đông Sơn (đầu thiên niên kỷ I tr.CN đến vài thế kỷ sau CN). Trống đồng là một biểu tượng tiêu biểu cho chính sức mạnh cũng như quyền lực người thủ lĩnh & của cả một cộng đồng, đồng thời cũng là biểu tượng toàn diện cho tín ngưỡng phồn thực. Cách đánh trống đồng theo một kiểu cầm chày dài mà đâm lên bề mặt của trống được khắc trên chính các trống đồng cũng như bảo lưu ở người Mường hiện nay là mô phỏng động tác giã gạo - động tác giao phối. Trên tâm mặt trống được in rõ hình mặt trời với nhiều tia sáng như biểu tượng cho sinh thực khí nam, ở giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung quanh mặt trống thường gắn các tượng cóc - con cóc trong ý thức của người Việt là “cậu ông trời”, mang theo mưa, khiến cho mùa màng tốt tươi, cũng là một dạng biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực. Đặc biệt, trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái, niên đại 500 năm tr.CN) có 4 khối tượng nam nữ đang ở tư thế giao hợp, nữ nằm ngửa phía dưới, nam nằm úp phía trên, hai tay khuỳnh ra và chân duỗi thẳng. Nam xõa tóc, có dao găm đeo ngang hông và đóng khố. Nữ thì bận váy ngắn. Người nữ có vú nhọn, hai tay ôm đỡ người nam. Người nam 2 tay ôm quấn lấy bạn tình, dương vật lớn quá cỡ (2)

                              

Tượng nam nữ giao hoan trên nắp thạp đồng Đào Thịnh. Ảnh: Giang Huy.

Tín ngưỡng phồn thực tiếp tục phát triển dưới thời Bắc thuộc & thời phong kiến, diễn ra quá trình đan xen văn hóa giữa các tín ngưỡng nội sinh & các tôn giáo ngoại nhập, nhất là vào những thời kỳ tam giáo đồng nguyên hay Nho giáo không còn giữ được địa vị độc tôn, hoặc chính sách nhà nước khai phóng (như thời Mạc chẳng hạn). Chùa quán, đền miếu được xây dựng. Các nhân vật hề chèo, chú Tễu xuất hiện. Hát cửa đình thành hát ả đào. Các trò hát ví, hát đúm, hát xoan, hát ghẹo nảy nở khắp nơi. Chuyện tiếu lâm, những câu đố tục giảng thanh rầm rộ ra đời. Ngay giữa chốn đình làng thâm nghiêm còn có những bức tranh khắc gỗ tả cảnh nam nữ tắm ao, vui vẻ đùa giỡn… Chính niềm tin vào sự phồn thực, phồn sinh khiến những hiện tượng trên trở nên gần gũi, quen thuộc với mọi người. 

 2. Tín ngưỡng phồn thực còn được phản ánh trong một số trò chơi diễn ra vào hội xuân. Một trong những trò chơi tiêu biểu là trò bắt chạch trong chum thường tổ chức vào dịp hội làng ở nhiều địa phương của vùng đồng bằng miền Bắc. Đây là một trò chơi nghi lễ có thể tìm thấy trong lễ hội làng Hoa Sơn, Đường Yên (Hà Nội), Văn Trưng, Thạc Trục, Bạch Trữ (Vĩnh Phúc), Tiên Du, Mẫn Xá (Bắc Ninh), Phan Xá (Hà Tĩnh)...Nội dung trò chơi là từng cặp nam nữ, người nọ ôm lưng người kia cùng nhau thọc tay vào chum bắt chạch. Thực chất của trò chơi này nhằm lôi kéo nam nữ gần gũi với nhau để cuộc đời sinh sôi nảy nở. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình, sân đền với hàm ý để thần, thánh hay thành hoàng làng chứng giám, ban cho tình yêu đôi lứa và cầu sự sinh sôi… Bắt đầu vào trò chơi, các thanh niên khênh những chum nước đặt thành hàng trước sân đình. Trong mỗi chum có từ 1 đến 3 con chạch. Sau ba hồi trống lệnh, trọng tài tuyên bố cách chơi và các quy định của trò chơi. Sau tiếng trống báo hiệu cuộc thi bắt đầu, từng đôi “nam thanh nữ tú” làm thành một cặp đến lễ trước ban án thành hoàng làng. Sau khi lễ xong, họ vừa đi về phía chum chạch vừa hát những câu ca giao duyên. Đến cạnh chum, hai người cầm tay nhau, tay còn lại cho vào chum tìm bắt chạch. Cùng với tiếng reo hò, tiếng chiêng, tiếng trống lúc dồn dập cổ vũ, lúc gõ từng tiếng báo phạt cặp chơi nào vi phạm quy định.

 Tuy cùng là trò chơi bắt chạch trong chum nhưng ở mỗi địa phương có cách tổ chức khác nhau. Có nơi, các cô gái đứng cạnh chum khi có tiếng trống lệnh, các chàng trai dự thi phải chạy đến, một tay nắm lấy tay cô gái không cho chạy, còn tay kia thò vào chum bắt chạch. Sau hồi trống giục, người nào bắt được cả ba con, quăng ra sân thì được thưởng. Có nơi lại chỉ đặt một chum nước, từng đôi trai gái lần lượt tiến đến đứng đối diện qua miệng chum, tay phải nắm chéo nhau giơ cao qua đầu, còn tay trái thò vào chum bắt chạch. Chỉ khi nào tay hai người cùng bắt được chạch và đưa ra khỏi chum mới được coi là thắng cuộc. Lại có nơi đôi nam nữ này phải tuân theo lệ làng: vừa ôm nhau vừa bắt chạch! Gái dùng tay phải ôm ngang lưng trai còn tay trái khoắng vào chum nước. Trai tay phải khoắng vào chum nước còn tay trái ôm qua người con gái. Hai người vừa ôm nhau vừa bắt cho đến khi được chạch thì thôi. Đôi trai gái nào bắt được chạch đầu tiên sẽ giành giải. Giải thưởng là khăn lụa hồng, trà mạn, trầu cau, có khi có cả tiền.

Ban giám khảo là các bô lão và quan viên trong làng. Ngồi ngắm các đôi trai gái bắt chạch, các cụ sẽ bắt bẻ nếu thấy họ mải bắt chạch mà bỏ tay ôm nhau. Vây quanh những chiếc chum để theo dõi cuộc thi hấp dẫn này, các “khán giả” vừa cười vui vẻ vừa thúc giục các đôi trai gái ôm nhau cho chặt. Cùng với một số cổ tục khác như: tế nõ nường, rước sinh thực khí, lễ hội tắt đèn, lễ hội rước đêm... được tổ chức ở nhiều vùng nông thôn trên khắp đất nước, tục “bắt chạch trong chum” đã kín đáo thể hiện quan niệm hòa hợp âm dương của cha ông ta. Qua trò chơi này, nhiều đôi nam nữ trong làng đã kết tóc xe duyên, thành chồng thành vợ.(3)

 3. Một trò chơi khác được coi như một môn thể thao dân tộc, lại hết sức lãng mạn, tình tứ mang dấu ấn tín ngưỡng phồn thực mà hầu hết các làng quê nước ta đều tổ chức trong dịp vui xuân, đón xuân đó là chơi đu.

Nữ thi hào xứ Nghệ Hồ Xuân Hương trưởng thành trên đất Thăng Long đã có bài thơ tuyệt bút Đánh đu:

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân có biết xuân chăng tá,
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!

 Cây đu thường được cấu tạo bằng 4 cây tre lớn tạo thành 2 trụ đu, bàn đu và thượng đu. Thượng đu làm bằng thanh tre ngang nối 2 phần trụ đu với nhau. Tay đu là 2 cây tre già nhỏ vừa với tay cầm và được chốt rất chắc chắn để người đu cầm được khi đu, bàn đu là chỗ để người chơi đặt chân đứng lên đó. Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi, đu đơn là đu một người, đu đôi là đu hai người. Đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng và duyên dáng của người chơi; đu đơn nam lại trình diễn sự cường tráng, sôi nổi & bay bổng nhất là khi cánh đu bay tít lên cao. Đu đôi gồm có đôi nam, đôi nam nữ. Tuy nhiên đẹp nhất, hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ, bởi giữa đất trời mùa Xuân vạn vật, hoa cỏ đang khoe sắc đua hương, những đôi trai gái đang độ tuổi xuân tràn trề hạnh phúc thì đều phơi phới đam mê muốn kết duyên, tìm bạn.

Ngoài ra khi chơi đu đôi nam - nữ thể hiện rất rõ quan niệm cổ xưa có âm - dương, trời - đất, núi - sông, nam - nữ giao hòa… khiến cho cảnh vật, không khí ngày xuân thêm  đầm ấm, nhịp nhàng và hứng khởi hơn. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức nhún từ đôi chân đẩy cho đu bay bổng càng vượt cao càng hay và giật giải treo trên ngọn đu. Càng nhún mạnh đu càng lên cao, cần đu đưa lên vun vút, bên nọ sang bên kia.

 Ngày nay chơi đu vẫn còn là trò chơi mang tính phổ biến và dân dã ở nhiều vùng nông thôn, không phân biệt đẳng cấp, giới tính, lứa tuổi… ai cũng có thể tham dự. Thế nhưng đây lại là trò chơi yêu cầu người chơi phải thật bình tĩnh, có sức khỏe và sự can cảm, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu hưng phấn lên thì có thể điều chỉnh đu bay lên cao tít. Trò chơi đánh đu thu hút từ trẻ nhỏ đến nam thanh nữ tú và cả người lớn tuổi tham gia vì trò này không khó và không có quy định cụ thể nào.(4)

Còn nhiều trò chơi hấp dẫn khác trong lễ hội Xuân in đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, nhất là tục tắt đèn đêm rã đám hội làng La. Ca dao có câu quen thuộc:

        Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy,
      Vui thì vui vậy, chẳng tầy rã La.

Xin chú thích thêm: rã La là nói đến tích làng La Khê, La Cả nay thuộc quận Hà Đông, TP. Hà Nội có tục tắt đèn vào đêm rã đám hội làng để trai gái có dịp bày tỏ tình cảm nồng nhiệt một cách tự nhiên hơn. Rước Giá: Lễ hội làng Giá được tổ chức từ ngày 10 đến 26/3 âm lịch hàng năm. Làng Giá, thuở trước có tên là Kẻ Sở, sau đó đổi là Cổ Sở và nay là đất thuộc hai xã Đắc Sở và Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội). Còn bơi Đăm: Lễ hội bơi Đăm diễn ra từ mồng 9 đến 11 tháng Ba âm lịch là một hoạt động văn hóa tâm linh của người làng Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhằm tưởng nhớ đến Thành hoàng làng Bạch Hạc Tam Giang, vị thần che chở, chăm lo việc nước nôi cho dân cày cấy. Hội chùa Thầy: Được lập từ thời nhà Đinh (968 - 980), ngay chân núi Thầy trên thế đất rồng của xứ Đoài xưa (nay thuộc làng Hoàng Xá, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội), Chùa Thầy là ngôi chùa thuộc hàng cổ kính nhất Việt Nam. Hội chùa Thầy hằng năm diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Ba âm lịch, thu hút tăng ni phật tử cùng du khách từ khắp nơi đến tham quan, trẩy hội. Tiếc là bài viết đã dài, chưa thể nói thêm chi tiết những lễ hội này. Xin hẹn gặp lại bạn đọc vào một dịp khác.

CHÚ THÍCH:

(1) Thế nào là tín ngưỡng phồn thực? trong: Hỏi & đáp về văn hóa Việt Nam NXB Văn hóa dân tộc. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. H.2000.

(2) Nguyễn Văn Huyên: Từ những tượng nam nữ yêu nhau trên thạp Đào Thịnh nghĩ về ước vọng phồn thực lâu dài của nhân dân ta. Tạp chí Văn hóa Dân gian.

(3) Hồ Sĩ Vịnh: Phong tục mùa xuân & tình yêu thuở trước trong sách của Nhiều tác giả Mùa Xuân phong tục nghệ thuật võ thuật & tình yêu NXB KHKT. H.1987.

(4) Trường Lưu: Cánh đu bay bổng trời xuân trong sách của Nhiều tác giả Mùa Xuân phong tục nghệ thuật võ thuật & tình yêu NXB KHKT. H.1987


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443168

Hôm nay

259

Hôm qua

2305

Tuần này

2981

Tháng này

218342

Tháng qua

112676

Tất cả

114443168