Những góc nhìn Văn hoá

Vài suy nghĩ về chuyện đọc sách

Niềm vui đọc sách ( ảnh minh hoạ)

Mỗi lần cầm sách đọc, rồi nghe những lời kêu gọi hay hưởng ứng về văn hóa đọc, tôi lại nhớ về lời dạy của một người thầy quá cố: “Mâm cỗ có nhiều thức ăn ngon, nhưng con người ta khỏe mạnh nhờ ăn cơm hàng ngày chứ không phải nhờ ăn một bữa cỗ thịnh soạn. Đọc sách cũng vậy. Muốn có một nền tảng tri thức vững vàng thì cần phải đọc sách hàng ngày, hàng tháng, hàng năm chứ không phải đọc một lúc là đủ”. Đây thực sự là một lời dạy có ý nghĩa.

Lâu nay, nhiều người trong chúng ta thường mắc một căn bệnh cố hữu trong đọc sách là mau chán. Khi cần một việc gì đó thì lao đầu vào đọc. Đọc đêm rồi đọc ngày. Đọc quên ăn, quên ngủ. Nhưng xong việc rồi lại tự cho mình được nghỉ ngơi sau mấy ngày chăm chỉ đọc. Và thế là lại sao nhãng việc đọc. Đây là sự biểu hiện của việc đọc sách chỉ để làm việc. Khi công việc cần đọc sách để giải quyết thì người ta tập trung đọc nhưng xong việc rồi lại buông xuôi việc đọc. Việc đọc như vậy không nhập tâm được lâu và thiếu tính hệ thống. Bởi công việc luôn thay đổi và nhiều khi có sự khác nhau lớn trong các giai đoạn nên việc đọc sách theo công việc cũng giống như lao động theo thời vụ vậy, có thể năng suất cao nhưng hiệu quả lại thấp và thiếu tính bền vững. Người đọc sách theo thời vụ công việc như vậy cũng bỏ qua mất một đức tính quan trọng của người đọc sách. Đó là sự kiên trì. Những ý tưởng, những sáng tạo nhiều khi như một tia chớp xẹt qua, nhưng nó phải dựa trên nền tảng tri thức sâu rộng. Nó như kiểu có hàng triệu người thấy trái táo rơi rụng nhưng chỉ Isaac Newton mới phát hiện ra định luật Vạn vật hấp dẫn bởi trong đầu ông có một hệ thống tri thức sâu rộng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhìn chung, đọc sách theo thời vụ và nhu cầu công việc là một thói quen thường thấy ở con người Việt Nam. Điều này không xấu, bởi khi làm việc mà sử dụng sách vở để tìm kiếm tri thức là điều vô cùng quan trọng. Và nó cũng là cơ sở nền tảng để xử lý công việc một cách phù hợp nhất. Nhưng đọc sách theo thời vụ như vậy, xét theo tiến trình phát triển của một con người để có một nền tảng tri thức bền vững thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Qua nhiều cuộc trao đổi thì có thể thấy rằng việc đọc sách của người Việt tùy thuộc nhiều vào cảm hứng. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng họ gặp khó trong việc tìm cảm hứng để đọc sách. Mỗi lần nghe một thầy giáo giảng về một vấn đề thú vị, gợi mở ra nhiều điều hấp dẫn thì các học trò lại có cảm hứng để tìm sách và đọc. Hay tham gia một cuộc hội thảo, một cuộc tranh luận về một vấn đề gì đó mà họ quan tâm và được mở rộng ra nhiều điều thì về lại tràn trề cảm hứng đọc sách. Lúc đó, người ta lao vào tìm tòi và đọc sách để xem xét lại những ý kiến của người khác đúng sai thế nào. Và cũng đọc theo kiểu tập trung quên ăn, quên ngủ. Thế nhưng sau dăm ngày, đọc một số sách vở liên quan thì nguồn cảm hứng lại vơi cạn dần. Và rồi lại rơi vào tình trạng chán đọc. Đúng là nguồn cảm hứng rất quan trọng trong văn hóa đọc. Đọc mà không có cảm hứng, không thấy thích thú thì khó mà hiệu quả và cũng khó duy trì bền bỉ, lâu dài được. Nhưng nên nhớ, cảm hứng cũng là một thứ cảm xúc nhất thời. Nó không kéo dài lâu nếu con người không biết nuôi dưỡng nó. Những người đọc sách theo cảm hứng khi được một người thầy uyên bác tạo ra qua một bài giảng, hay cảm hứng do một số người tạo ra cho mình qua một cuộc tranh luận thường đọc hăng say nhưng cũng nhanh chán. Bởi vì đó là nguồn cảm hứng do người khác mang lại chứ không phải nguồn cảm hứng xuất phát tự nội tâm của người đó. Mà dựa vào cảm hứng từ bên ngoài thì nhanh vơi cạn cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi không phải lúc nào cũng được thầy dạy bảo, không phải khi nào cũng có hội thảo để nghe người khác gợi mở cho mình.

Nhiều năm qua, một câu hỏi được nhiều người quan tâm là làm sao để chấn hưng và phát triển văn hóa đọc nhằm xây dựng nền kinh tế tri thức hay theo đuổi nền văn minh trí tuệ? Các cơ quan, tổ chức đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này bằng những cuộc phát động hưởng ứng phòng trào đọc sách hay những lời kêu gọi mọi người đọc sách. Nhằm khẳng định vai trò của sách và đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, năm 2017, Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”. Năm 2021, Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Hai năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc (21/4) được các địa phương trong cả nước tổ chức khá rầm rộ với nhiều hình thức (trưng bày sách, thi tuyên truyền, giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, tặng sách cho học sinh,…). Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách; tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động tổ chức Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng gần 1 triệu bài dự thi (riêng Nghệ An khoảng 69.000 bài). Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, từ cấp tỉnh đến toàn quốc được tổ chức trong 3 năm qua đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong học sinh từ cấp tiểu học đến THPT và nhiều “Đại sứ văn hóa đọc” đã có những cách làm thiết thực để lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng. Việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc vào tháng 4 hàng năm và cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” là rất cần thiết nhưng chưa đủ để chấn hưng văn hóa đọc. Vì đọc sách hay văn hóa đọc không phải là một phong trào, không phải là hiện tượng hay là một yếu tố nhất thời. Đó là một quá trình văn hóa xã hội thường xuyên và liên tục. Để chấn hưng và phát triển văn hóa đọc cần phải đồng thời có các liệu pháp văn hóa khác.

Người ta thường nhấn mạnh xây dựng văn hóa đọc để phát triển nền kinh tế tri thức hay đưa đất nước vào văn minh trí tuệ. Xem ra, những mục tiêu đó quá lớn lao, nhưng đọc sách là việc quan trọng thật sự. Bởi đọc sách giúp người ta hiểu những điều tốt đẹp và sống tử tế, hài hòa với mọi người hơn. Nói cách khác, đọc sách là một kênh quan trọng để con người ta sống văn minh hơn. Muốn vậy cần phải thấy được nhược điểm về văn hóa đọc của người Việt, mà hai điểm phân tích phía trên là rất quan trọng. Đúng là đọc sách là món ăn quan trọng để nuôi dưỡng tâm hồn của một con người. Cũng như cơ thể, muốn khỏe mạnh thì phải ăn cơm điều độ và phù hợp hàng ngày, chứ không ai béo khỏe vì ăn một bữa cỗ, dù ăn cỗ thì ngon hơn bữa cơm bình thường nhiều lần. Đọc sách cũng vậy, một tâm hồn mẫn tuệ khi được đọc sách hàng ngày, hàng năm và kéo dài trong cả cuộc đời chứ không phải dựa vào tập trung đọc dăm ba ngày là đủ. Đó là văn hóa của sự đọc. Để văn hóa đọc phát triển vững mạnh thì cần nhiều yếu tố, trong đó có thể kể để một số yếu tố quan trọng sau:

Trước hết, để hình thành văn hóa đọc thì truyền thống gia đình là một nhân tố quan trọng. Nhìn lại các vĩ nhân trên thế giới vốn đam mê đọc sách thì hầu hết đều được vun đúc trong một gia đình có truyền thống văn hóa đọc. Cha ông là những người hiểu biết và quan tâm chuyện sách vở thì sẽ rèn dũa con cháu đọc sách một cách có hệ thống. Từ nhỏ, họ đã được làm quen với sách vở qua nhiều cách thức khác nhau. Và niềm đam mê đọc sách được hình thành một cách tự nhiên. Trong nhà có nhiều sách vở và có người đọc sách thì một đứa trẻ cũng được trưởng thành trong cái nôi văn hóa đọc đó. Bắt đầu từ đọc những loại sách mình thích và dần hình thành một thói quen đọc sâu vào một số lĩnh vực mà mình quan tâm nhất. Nó hình thành hệ thống tri thức nền tảng và sau đó là tri thức chuyên môn. Thế nên gia đình, cha mẹ có vai trò quan trọng đối với sự đọc của con cái. Gia đình được coi là cái nôi của văn hóa đọc.

Nhân tố thứ hai hình quyết định đến văn hóa đọc chính là sự phát triển của nền giáo dục. Đọc sách gắn với các hoạt động trường lớp và nó là nội dung quan trọng của việc học. Mọi nền giáo dục đều yêu cầu và khuyến khích con người ta đọc sách. Người dạy phải đọc để dạy được. Còn người học phải đọc vì đó là nhiệm vụ của học trò. Nhưng tính chất và sự phát triển của nền giáo dục sẽ ảnh hưởng đến văn hóa đọc. Một nền giáo dục lạc hậu, máy móc hay một nền giáo dục chức năng sẽ đưa con người ta đến việc đọc thuộc lòng những cái có sẵn một cách xơ cứng, khuôn mẫu, thiếu cảm hứng. Một nền giáo dục khai phóng sẽ gợi mở cho con người những nguồn cảm hứng về đọc sách một cách thoải mái và hiệu quả. Nó khơi dậy tinh thần tự do, đam mê tìm tòi và tìm kiếm tri thức để bổ sung và hoàn thiện cho sự phát triển của bản thân chứ không phải để phục vụ một chức năng nhất định.

Yếu tố cuối cùng để phát triển văn hóa đọc chính là sự nỗ lực cá nhân của con người. Đọc sách cần có nguồn cảm hứng thì mới hiệu quả, nhưng phải là nguồn cảm hứng do chính mình tạo ra chứ không phải trông chờ vào bên ngoài. Do vậy nỗ lực cá nhân vô cùng quan trọng. Một người đọc khi có cảm hứng và biết xây dựng một chiến lược đọc sách phù hợp thì sẽ tạo cho mình một nền tảng tri thức bền vững, toàn diện và có hệ thống. Đọc từ rộng đến sâu, và từ sâu tìm ra rộng để đọc. Đọc sách thường xuyên. Đọc gắn liền với viết. Đọc gắn với việc đặt những câu hỏi và đi tìm câu trả lời của chính mình. Đọc gắn với chia sẻ và thảo luận với người khác, tạo ra sự tương tác để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng. Đọc gắn với công việc để giải quyết công việc một cách có chiều sâu và hiệu quả, thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, với tương lai. Và đương nhiên, đọc cần một sự kiên trì, bền bỉ, là công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, là đam mê của cuộc đời.

Tóm lại, người Việt đọc sách theo mùa vụ để phục vụ công việc hay theo cảm hứng nhất thời nên nhanh chán. Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc một cách bền vững thì cần phải quan tâm đến nhiều vấn đề mà cốt lõi nhất là các yếu tố gia đình, nền giáo dục và nỗ lực cá nhân. Trong đó, gia đình là cái nôi hình thành văn hóa đọc, nền giáo dục là môi trường để phát triển văn hóa đọc còn nỗ lực cá nhân là yếu tố quyết định đến văn hóa đọc. Khi phát triển hài hòa được các nhân tố này thì chúng ta sẽ có một nền văn hóa đọc bền vững./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441483

Hôm nay

2200

Hôm qua

2283

Tuần này

21387

Tháng này

216657

Tháng qua

112676

Tất cả

114441483