Những góc nhìn Văn hoá

Đọc Ký ức chiến trận của Nguyễn Xuân Vượng!

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Nhưng còn đó những vết sẹo thời gian dường như vẫn chưa kịp kéo da non trong trái tim bao chiến sỹ - những người may mắn sống sót trở về. Với họ, nửa thế kỷ đã qua sống là để nghiền ngẫm, để chiêm nghiệm, và để tri ân bao nhiêu đồng bào đã nhường cơm sẻ áo, bao nhiêu đồng đội nằm lại chiến trường. Có biết bao nhiêu tác phẩm, bao nhiêu hồi ký của những người chưa một lần thành danh trên văn đàn đã khiến bạn đọc phải giành sự quan tâm đặc biệt!

Ký ức chiến trận của tác giả Nguyễn Xuân Vượng là một cuốn hồi ký đặc biệt như vậy!

1. Đặc biệt vì cuốn sách làm tôi cảm động - xúc động! Nhiều trang viết tôi đọc mà nước mắt cứ trào ra. Như trang viết về Liệt sỹ Đỗ Chu Bỉ với chi tiết bức thư viết dở gửi mẹ đẫm máu trong túi áo ngực anh khi đã hy sinh: “mẹ ơi con không thể chết được, dù kẻ thù tàn bạo đến thế nào, bởi con còn có mẹ. Mẹ mỗi ngày một già yếu, ai sẽ chăm sóc mẹ nếu không phải là con...”. Như chi tiết trong nhật ký ngày 21/6/1972, tác giả chuẩn bị rời Khe Ba - Vĩnh Thạnh, mạ An lúi húi thịt gà làm cơm chia tay, mạ nói: “mạ Đào gửi cho mi con gà mái ghẹ để mi mang theo ra mặt trận, gắng nuôi cho gà đẻ, lấy trứng mà bồi dưỡng sức khỏe nghe con”, tôi chợt bật cười (vì tình cảm các mạ sao quá đỗi gần gụi, đơn sơ, vì tưởng tượng hình ảnh trên ba lô hành quân của chiến sỹ Vượng lại mang theo con gà...), nhưng cũng ngay lúc ấy nước mắt tôi chảy ướt cả trang sách! Thương quá quân và dân một thời trên bom dưới đạn, đói khổ gian nan mà tình yêu thương không lúc nào vơi cạn!

2. Đặc biệt vì làm tôi ngạc nhiên! Những ghi chép, ghi nhớ của tác giả với độ lùi 50 năm quả thực làm bao nhiêu người cầm bút viết hồi ký, nhật ký phải suy nghĩ. Có thể đó là những ngày phải trả bằng tuổi thanh xuân, tình yêu, hy vọng, vô vọng, đau khổ thể xác, máu xương, thậm chí là sinh mạng của bao đồng đội... nên mọi chi tiết đã nằm trong đường gân thớ thịt. Ngạn ngữ Tây phương có câu: “tình yêu chân thành là tình yêu thông minh...”. Với Ký ức chiến trận cũng vậy, sức sống, sức hấp dẫn nằm trong sự chân thành, chân thật. Có những trang chân thành đến xót xa! Những tình cảm lứa đôi của anh với B., với Th.H., với T. đều là “không có câu trả lời cho ngày mai”, “phía trước là cầu lửa”... Với Thảo Nguyên (người con gái duy nhất anh viết tên thật) “lần đầu tiên dám liều lĩnh hôn lên mái tóc một người con gái với một trái tim nóng hổi như vậy” nhưng vẫn là “cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại” (tr.68)... Tôi cứ nghĩ nếu có một nhà làm phim đại tài, chỉ cần xâu chuỗi những bóng hồng trong tim, những bóng hồng lướt qua trong đời binh biến của anh Vượng ... hẳn đã được một sêri tình yêu thời chiến đẹp như cổ tích mà kết thúc không có hậu như cổ tích, đẹp mà buồn mà vô vọng! Có những trang chân thành đến...tội lỗi! Như cảnh anh bạn vừa nhập đội tự bắn vào chân để “cài số lùi” (tr.115), như cảnh bộ phận phản chiến không chấp hành lệnh hành quân, “họ đi bộ hàng trăm cây số, họ khước từ và khăng khăng không chịu lên xe ô tô của đơn vị đến đón, ngày đi đêm nghỉ, họ đi thành từng tốp nhỏ vài ba người, vừa đi vừa bắn súng chỉ thiên để làm ám hiệu gọi nhau. Hơn chục ngày sau hai toán quân sáp nhập làm một, những khuôn mặt đen đúa, hốc hác vì thiếu ăn thiếu ngủ, vì lo sợ và sốt rét rừng... Họ ôm lấy nhau chan hòa nước mắt vì thoát chết (tr.162 viết về Trung đoàn 45). Hay những trang viết về “B quay” (đào ngũ): “lính tráng chuyền tai nhau nếu muốn “quay” hãy tính trước khi vượt sông Gianh. Đêm trước, giao quân cho mặt trận ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, sáng dậy 1/3 quân số đã “tàng hình”! Đường ra trận, ngày nhập ngũ thật vui vì có trống, có băng rôn khẩu hiệu có loa phóng thanh trên khắp nẻo đường... chúng tôi tuyệt nhiên không ai nghĩ mình sẽ ngã xuống, không ai nghĩ mình sẽ không trở về” (tr.159). Nhưng trước ngày lên đường vào Nam đã mất 1/3 quân số, những ngày hành quân nghe chuyện lính tráng phản chiến, đào ngũ, những trận mưa, đói và rét, ghẻ lở, đái dắt khai mù... thì đường ra trận không thể “đẹp lắm” nữa! Thắng quân thù đã khó, thắng chính mình còn khó hơn! “Con người là người phải cam chịu sự tầm thường của mình vốn sẵn. Đừng che đậy sự tầm thường bằng dối-trá-huy-hoàng” (Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người, tr.22)... Rất may trong bao nhiêu “bóng mây” của cuộc chiến, tác giả cũng như bao đồng đội của mình dù là “hai mươi tuổi chưa qua vòng thơ bé” đã không quay đầu, không chùn bước, tiếp tục đấn thân, luôn luôn cống hiến. Bởi các anh có trí tuệ, có lòng quả cảm, có niềm tin, có tình yêu!

3. Đặc biệt vì những trang viết rất “văn” rất “nghề” của anh! Hãy đọc đoạn anh tả về hậu B52: “cách đây ít ngày, họ (dân công hỏa tuyến - chú thích của người viết bài này) đã bị B52 rải bom trúng đội hình trong đêm. Nghe nói thương vong khá nhiều. Rừng ở đây như bị cày lên cháy nham nhở. Những mảnh quần áo phụ nữ, những chiếc nịt vú dây dợ lằng nhằng vẫn còn vắt vẻo trên những cành cây còn sót lại. Từng đàn quạ đen sà xuống tìm kiếm những mảnh thịt người vung vãi khắp nơi... Mùi xú uế thoang thoảng đâu đây. Không có cơn mưa nào xả xuống để làm sạch không khí trong lúc này (nhật ký 20/7/1972, tr. 113). Khốc liệt, rùng rợn, ám ảnh!

Một trang khác, “chúng tôi bị khủng bố trắng. Máy bay B52 rải thảm xuống mọi nơi nghi ngờ có sự sống của chúng ta. Pháo bầy, pháo đàn hoạt động hết công suất về hướng Tây - Tây Bắc hòng bóp chết các đơn vị... các loại bom mìn dăng đầy khắp nơi... Có hôm địch đánh dữ quá, anh nuôi không thể nấu cơm vậy là cả đội phải ăn lương khô qua ngày. Ăn rồi khổ nhất là chuyện vệ sinh, lính tráng đành giải quyết nỗi buồn ngay cửa hầm, cho dị vật đó vào vỏ hộp thịt ném thật xa ra khỏi hầm. Cả tháng trời bị tra tấn thể xác như vậy lính tráng gầy rộc, thằng nào cũng bị tiểu dắt, dính ra quần khai thối mù...”. (tr.114)

Không có thơ ở những nơi này! Chỉ có mùi khai, mùi khét, mùi máu! “Máu chiến sỹ trộn với bùn đất hòa lẫn trong mưa” (tr.191)... “Trăng đêm nay treo lơ lửng trước mặt chúng tôi, to và loang đỏ như bị nhúng trong máu”(tr.214).

Rất nhiều những trang viết ám ảnh! Cũng rất nhiều những hình tượng các liệt sỹ (Liệt sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Liệt sỹ Đỗ Chu Bỉ, Liệt sỹ Nguyễn Quang Thông, Liệt sỹ Trần Quang Lộc, Liệt sỹ Ngô Việt Trung) đáng để cả dân tộc Việt nam và đời đời con cháu chúng ta tri ân trân trọng được khắc ghi dung dị, bình thường, rất sinh động mà vô cùng quả cảm!

Cám ơn những trang viết chân thành mà gợi cảm, giản dị mà da diết, bình thường mà cao đẹp... như cuộc đời, như sự hy sinh và cống hiến vô tư và vô tận của các anh, của anh Nguyễn Xuân Vượng!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442566

Hôm nay

280

Hôm qua

2299

Tuần này

2379

Tháng này

217740

Tháng qua

112676

Tất cả

114442566