Những góc nhìn Văn hoá

Đập tan luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị và thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám (CMT8) năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc, mở ra thời kỳ lịch sử mới, có ý nghĩa trọng đại của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cứ vào dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử quan trọng này, các thế lực thù địch lại xuyên tạc, bóp méo sự thật, chúng rêu rao: “Thắng lợi của CMT8 là sự ăn may của lịch sử!”, nhằm hạ thấp ý nghĩa của CMT8, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là luận điệu phản khoa học, hoàn toàn bịa đặt.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Trí tuệ đỉnh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự do

Nguyến Tất Thành đã ra đi để tìm đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào vào năm 1911. Sau 30 năm bôn ba khắp thế giới, Người đã trở về nước vào năm 1941 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Tám. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là mốc son chói lọi trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này gắn liền trực tiếp với tư duy sáng tạo và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1941, Người về Cao Bằng để chỉ đạo cách mạng. Nhận định tình hình dù phát xít Đức, Ý, Nhật đang mở rộng chiến tranh, chúng đã đánh vào Liên Xô, nhưng nhất định chúng sẽ thất bại và đây là thời cơ lớn đối với cách mạng nước ta. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) của Đảng từ ngày 10 đến 19.5.1941. Hội nghị quyết định tất cả tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên trước, giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đây là chủ trương phản ánh nhãn quan chính trị nhạy bén, tầm nhìn chiến lược bao quát, tư duy lý luận vì độc lập tự do gắn liền với thực tế sinh động. Chính nhờ vậy mà chủ trương đó nhanh chóng đi vào cuộc sống, cháy bùng lên ngọn lửa giải phóng dân tộc, thúc giục toàn dân tộc quyết đứng lên làm cách mạng.

Trong điều kiện Đảng đang hoạt động bí mật, để tập hợp lực lượng làm cách mạng Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh. Đây là một sáng tạo đáp ứng yêu cầu lịch sử cần tập hợp và đoàn kết được đông đảo quần chúng thành lực lượng của toàn dân tộc đứng lên giành chính quyền. Có thể nói sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là yếu tố trực tiếp và quyết định cho sự thắng lợi cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Hồ Chí Minh đã quyết định phải xây dựng lực lượng vũ trang. Đầu tiên là thành lập đội vũ trang ở Cao Bằng làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị và quân sự cho dân quân, du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng. Trên cơ sở đó, Người quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22.12.1944). Ngay sau khi thành lập, Đội đã đánh chiếm và tiêu diệt gọn 2 đồn địch là Phay Khắt và Nà Ngần, gây tiếng vang lớn và tạo niềm tin để nhiều địa phương chủ động thành lập các đội vũ trang. Người cùng Trung ương Đảng chủ trương phải nhanh chóng thống nhất các lực lượng vũ trang, thành lập Việt Nam giải phóng quân và đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu. Cùng với lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang không ngừng trưởng thành đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Trong điều kiện rất khó khăn, Hồ Chí Minh đã sáng tạo tìm mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Người đã trực tiếp gặp Chu Ân Lai đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc để bàn phối hợp hoạt động giữa cách mạng hai nước. Cử người đi Diên An mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố đường dây liên lạc với Quốc tế Cộng sản. Tháng 2.1942, Người đích thân đi Trung Quốc gặp đại diện Chính phủ Tưởng Giới Thạch với mục đích cải tổ tổ chức “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” để lôi kéo những người yêu nước trong tổ chức đó đứng về phía cách mạng. Người cũng đã quyết định gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh để bàn phương thức hợp tác Việt - Mỹ. Yêu cầu Mỹ giúp Việt Nam súng đạn, điện đàm, thuốc men, cử chuyên gia để huấn luyện cho lực lượng vũ trang Việt Nam… Những hoạt động quốc tế đa phương và đa dạng của Hồ Chí Minh đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám.

Với tầm cao trí tuệ, với kinh nghiệm hoạt động thiên tài phong phú, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương và kế hoạch tổng khởi nghĩa. Tháng 8.1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng Minh, ở Đông Dương quân đội Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, Hồ Chí Minh khẳng định lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh đến đâu cũng phải giành cho được độc lập dân tộc. Người nói: “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Người triệu tập Đại hội đại biểu Quốc dân ở Tân Trào và phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh kéo vào nước ta. Người gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ của mặt trận Việt Minh triệu người như một đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa thành công. Ngay sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và ấn định ngày 2.9.1945 là ngày Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới.

Với những chủ trương sáng suốt và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời một cách toàn diện và chủ động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cách mạng Tháng Tám, là bằng chứng lịch sử để khẳng định trí tuệ đỉnh cao, vai trò to lớn của Người trong việc nhận định tình hình, tổ chức lực lượng, chuẩn bị các điều kiện, kịp thời nắm bắt thời cơ theo mạch tư duy vì độc lập tự do tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công.

Giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc của CMT8, không thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận

Để CMT8 năm 1945 giành thắng lợi, bằng trí thông minh, tinh thần cách mạng triệt để, nghệ thuật lãnh đạo và phương pháp cách mạng khoa học, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhân dân ta trải qua 3 cuộc đấu tranh GPDT vô cùng gian khổ, khốc liệt, với ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng GPDT (1939 - 1945). Trong thời khắc quyết định của lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”.

Để CMT8 giành thắng lợi, ngay từ năm 1939, Đảng ta đã trực tiếp chuẩn bị cả về đường lối, căn cứ địa và lực lượng cách mạng để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Đảng ta xác định phải xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc vững chắc, hoàn chỉnh, trong đó, Tuyên Quang được xác định là “Thủ đô kháng chiến”. Việc xây dựng căn cứ địa vững chắc nhằm “tạo thế” quan trọng để Tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi sau này.

Hoàn cảnh lịch sử thời điểm tháng 8/1945 đã tạo ra thời cơ vàng để cả dân tộc đứng lên làm một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Đây là thời điểm mà quân Nhật đã thất bại tuyên bố đầu hàng Đồng minh vào ngày 15/8/1945. Thời khắc này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến. Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”[1].

Lúc này, quân Nhật hoảng loạn, quân Pháp chưa đủ sức quay lại, chính quyền tay sai hoang mang cực độ, tạo điều kiện khách quan chín muồi, Đảng ta đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam, triệu người như một, đồng lòng theo Đảng đứng lên bẻ gãy gông xiềng lệ thuộc, tự giải phóng mình, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Có thể nhận thấy, trong cùng thời điểm năm 1945, không phải bất cứ nơi nào đang chịu ách thống trị của quân Nhật đều có thể bùng nổ phong trào cách mạng và thành công. Chỉ có quốc gia nào có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có Đảng đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với tầm nhìn xa, trông rộng, dự báo chính xác thời cơ cách mạng, chớp được thời cơ và tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, mới giành được thắng lợi. Điều này thể hiện thắng lợi của cuộc CMT8 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Nó chẳng những khẳng định gia cấp công nhân và Nhân dân lao động Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực, chiến đấu quả cảm đã “vung ra nghị lực phi thường” nhất tề đứng lên giành độc lập tự do mà còn khẳng định sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng Cộng sản VN, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ không phải là sự “may mắn” như bọn xấu vẫn tung tin, xuyên tạc; đồng thời, nhấn mạnh giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của CMT8 là không thể phủ nhận. Mọi mưu toan suy diễn, chống phá của thế lực thù địch về cuộc cách mạng này đều không có giá trị.

Thành quả của Cách mạng Tháng Tám - Bản anh hùng ca bất diệt

Thắng lợi của CMT8 năm 1945 là bản anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, đưa Nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ; đưa Việt Nam từ một nước nhỏ trở nên có tên tuổi trên thế giới. Cuộc cách mạng “long trời lở đất” đó, là thành quả đấu tranh bền bỉ gian khổ song vô cùng anh dũng rất đáng tự hào của Đảng, quân đội và Nhân dân ta. Đồng thời, CMT8 đã sáng tạo ra những bài học lịch sử, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến lâu dài chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. CMT8 đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Thắng lợi của CMT8 năm 1945 đã khẳng định tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta, trước hết và chủ yếu là do đường lối chiến lược và sách lược của Đảng đúng đắn ngay từ đầu, bảo đảm thông suốt và quán triệt đường lối đó trong thực tiễn chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh và ăn sâu bám rễ trong quần chúng, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại theo lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do”. Đồng thời, thắng lợi này đã khơi nguồn để Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống Nhân dân được được nâng lên, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.

Thực tế lịch sử nêu trên đã hoàn toàn bác bỏ luận điệu sai trái, tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị cho rằng, thắng lợi của cuộc CMT8 “là sự ăn may của lịch sử!”. Sự thật hiển nhiên chỉ có một, với chân lý đã khẳng định giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại của CMT8 năm 1945 luôn tỏa sáng và không bao giờ bị phai mờ theo thời gian. Hơn nữa giá trị và ý nghĩa đó của CMT8 đã và đang định hướng thực tiễn xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc ngày nay.

 


[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.196.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441910

Hôm nay

2310

Hôm qua

2317

Tuần này

21814

Tháng này

217084

Tháng qua

112676

Tất cả

114441910