Những góc nhìn Văn hoá

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua các tài liệu nghiên cứu về tiểu sử

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh: Bá Siếu

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được nhắc tới khá sớm trên văn đàn là trong Bài tựa tập thơ "Lưu Hương ký tự" (Phụ tại Du Hương Tích động ký) của Nham Giác Phu Tốn Phong Thị do chính nữ sĩ trao cho ông đọc và đề tựa. Vào năm Đinh Mão (1807), Tốn Phong từ quê Nghệ An ra Thăng Long đã đến Cổ Nguyệt Đường để thăm Xuân Hương, ông viết (Phần dịch):

Mùa xuân năm Đinh Mão [1807] tôi đến thành Thăng Long, nhân cùng bạn là Cư Đình nói chuyện về các tài nữ xưa nay, bạn ấy nói cho tôi biết cùng tỉnh với tôi, có người phụ nữ là Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ.

Tôi liền tìm tới nơi hỏi thăm. Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn Hồ, đậu Hoàng giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Chúng tôi mới tình cờ gặp nhau lần đầu mà đã thành ra đôi bạn thân thiết…

Sang mùa xuân năm Giáp Tuất [1814], tôi tìm đến chỗ ở cũ của cô, hai bên vừa mừng vừa tủi. Xuân Hương liền cầm tập Lưu Hương ký đưa cho tôi xem mà bảo tôi rằng: "Đây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước đến nay, nhờ anh làm cho bài tựa"…(1)

Hồ Xuân Hương đã trao tác phẩm của mình cho Tốn Phong vào năm 1814, nhưng Tốn Phong lại được gặp và kết bạn với bà từ năm 1807. Vì Bài tựa tập Lưu Hương ký, chép trong tập Du Hương Tích động ký bằng chữ Hán nên ít người để ý và nằm trong kho sách Thư viện Viện Hán Nôm (Ký hiệu: A.2814) cho mãi đến năm 1964, ông Trần Thanh Mại mới công bố toàn văn tài liệu mới phát hiện này trong bài Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương trên Tạp chí Văn học số 10/1964.

Sau khi Hồ Xuân Hương mất, mộ bà được táng tại nghĩa địa Nghi Tàm, bên bờ Hồ Tây và đã có các tao nhân mặc khách thường đến viếng thăm, thắp hương tưởng nhớ một tài năng nữ sĩ bạc mệnh. Trong số đó có thi sĩ người Hoàng tộc triều Nguyễn là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Ông là con trai thứ 10 của vua Minh Mạng với Hoàng hậu Thục Tân. Ông được mẹ và các quan thầy dạy bảo rất cẩn thận cả văn lẫn võ, nên 17 - 18 tuổi đã nổi tiếng hào hoa, phong nhã và giỏi võ nghệ. Ông rất có hiếu với mẹ, còn rất mực trung thành, yêu nước, thương dân. Ông là người sáng lập ra "Mặc Vân thi xã", tập hợp được nhiều nhà thơ nổi tiếng đất nước ở Huế. Ông sáng tác nhiều thơ hay, được người đương thời ca tụng: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường. Vua Tự Đức từng thủ bút khen tặng câu: Nhất đại thi ông. Ông rất phục tài thơ của Hồ Xuân Hương, nên trong lần tháp tùng vua Thiệu Trị ra Hà Nội nhận phong Vương của triều Thanh (năm 1842), ông đã tranh thủ đến Tây Hồ thắp hương tưởng niệm để tỏ chút tình thương cảm với Hồ Xuân Hương tài nữ.Việc này được ông ghi rõ trong bài thơ Long Thành trúc chi từ (Thập tứ thủ) [Thể trúc chi từ về thành Long Biên (14 bài ngắn)] (2). Xin ghi lại bài 7 - 8 - 9 (tỏ rõ cảm xúc khi nhắc cô hầu gái xuống Hồ Tây hái hoa sen đừng qua dẫm lên mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương…).

Phiên âm:

- 7.

Diễm diễm Tây Hồ yên thủy du/Liên hoa thâm sứ phát thanh âu,

Tiểu hoàn mãi đắc phường ngư khoái/Bán túy hô lang thái tịnh đầu.

- 8.

Tịnh đầu liên hoa khai mãn trì/Hoa nô chiết khứ, cung thần từ.

Mạc hương Xuân Hương phần thượng quá/Tuyền đài hữu hận, thác khiên ty.

- 9.

Trụy phấn, tân chi, thổ nhị huỳnh/Xuân Hương qui khứ thảo thanh thanh.

U hồn đáo để kim như túy/Kỷ độ xuân phong suy bất tinh.

Dịch thơ (Ngô Linh Ngọc - Ngô Văn Phú):

(7)

Hồ Tây kiều diễm mấy lòng sông/Tiếng hát trong ngần giữa đám sen,

Tiệc gỏi ngà say người tớ gái/Giục chồng hái khóm tịnh đầu liên.

(8)

Tịnh đầu liên nở đầy ao đó/Cô gái hầu kia hái lễ chùa,

Tránh mộ Xuân hương đừng đến nhé/Suối vàng còn hận nỗi se tơ!

(9)

Phấn nhạt, son nhòe, hai nấm đất/Xuân Hương khuất dấu, cỏ xanh nhòa,

U hồn dường vẫn còn say ngất/Mãi gió xuân về chẳng tỉnh ra!

Hoàng Xuân Hãn cũng đã ghi chép lại sự kiện này trong sách Hồ Xuân Hương thiên tình sử (H., Văn học, 1999.- Tr. 266-267) và dịch phần thơ trên như sau:

Đầy hồ rực rỡ hoa sen/Sai người xuống hái để lên cúng dàng.

Chớ trèo qua mộ Xuân Hương/Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng.

Son tàn, phấn rữa mồ hoang/Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh.

U hồn say tít làm thinh/Gió xuân mấy độ thổi tình không hay.

Tùng Thiện Vương xong việc ở Hà Nội, có đưa thơ Hồ Xuân Hương về Huế để đọc họa và cung cấp cho các nhà thơ khác họa lại. Danh sĩ Trương Đăng Quế (1794-1865), tự Diên Phương, hiệu Đoan Trai, Quảng Khê, đỗ Cử nhân, làm quan đến Thượng thư Binh bộ, sung Cơ mật viện Đại thần, thăng Hiệp biện Đại học sĩ, Phụ chánh Đại thần, Văn minh điện Đại học sĩ đời Thiệu Trị. Đến đời vua Tự Đức thăng Cần chánh điện Học sĩ, tước Quận công. Ông giỏi thơ văn, có lưu tập Trương Quảng Khê tiên sinh tập tại Thư viện Viện Hán Nôm (VHv. 1141). Sách này có bài: 有人自北城來把似名媛胡春香送別詩索次其韻 Hữu nhân tự Bắc Thành lai bả tự danh viện Hồ Xuân Hương tống biệt thi sách thứ kỳ vận (Có người từ Bắc Thành về mang theo bài thơ "Tống biệt" của người đẹp Hồ Xuân Hương đòi họa vần): Thủy hướng Giang Nam xướng trúc chi/Thu phong tưởng kiến liễu mi thùy/Lục triều yên vũ hưu đa quản/Lưu tác đương niên nhất diễm từ. (3)

Một Đại thần triều đình như Trương Đăng Quế cũng đã công nhận có một nữ sĩ Hồ Xuân Hương xinh đẹp có tài thơ và đã làm thơ họa bài của Bà.

Thêm một cuốn sách sử cũng cho ta biết đến cái tên Hồ Xuân Hương đã xuất hiện khoảng từ năm Tự Đức 4-5 (1851-1852), đó là sách Quốc sử di biên của Thám hoa Phan Thúc Trực (4) có ghi về tên nữ nhân có tài văn chương là Xuân Hương:

Hiệp trấn Yên Quảng vì tội hống hách lấy của dân nên bị khép án tử hình.

Nguyên ruộng châu Vạn Ninh [Quảng Yên] phần nhiều bị bỏ hoang, quan Tham hiệp ép người dân phải khai nhận làm ruộng nộp thuế để yêu sách lấy tiền bạc có đến mấy nghìn. Dân châu bèn kêu kiện lên cấp trên. Cho lấy bằng chứng và lời khai của án lại Thủ Dung kết thành tội trạng, tống bị cáo vào ngục. Quan Tham hiệp bị giam trong ngục tối một năm.

Người vợ bé của quan Tham hiệp trấn Yên Quang lúc ấy tên là Xuân Hương vốn hay văn chương và chính sự nên được người đời khen là "Nữ tài tử". Tham hiệp thường sai Xuân Hương can dự vào việc chính sự nên Thủ Dung rất ghét.

Sự kiện này xảy ra vào năm Kỷ Mão [niên hiệu Gia Long] thứ 18 (1819), còn sách thì được Thám hoa Phan Thúc Trực viết vào khoảng năm niên hiệu Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852) và chép các sự kiện diễn ra vào triều Nguyễn, bắt đầu từ vua Gia Long đến đời vua Thiệu Trị. Phan Thúc Trực (1808-1852), còn có tên là Phan Dưỡng Hạo, Phan Sư Mạnh, hiệu là Hành Quý, Cẩm Đình, Dưỡng Hạo Hiên, quê ở L. (làng) Vân Tụ, H. (huyện) Đông Thành (nay là X. (xã) Khánh Thành, H. Yên Thành, T. (tỉnh) Nghệ An). Ông thông minh, học giỏi, 10 khoa liên tiếp đều đậu Tú tài, nên người đương thời đều gọi là "Thầy Tú Mười"; thi Hội, thi Đình đỗ Đình nguyên - Thám hoa khoa Đinh Mùi - Thiệu Trị 7 (1847); làm quan trải Hàn lâm Trước tác, Tập hiền viện Thị giảng, Kinh diên khởi cư chú, vâng lệnh vua đi sưu tầm sách ở Bắc Kỳ, lâm bệnh mất, truy tặng Thị giảng Học sĩ. Ngày vinh qui bái Tổ, vua ban cho biển chữ vàng "Khôi đa sĩ" (đỗ đầu trên nhiều sĩ tử khác). Sử gia Phan Thúc Trực đã cho chúng ta biết có một nàng tên là Xuân Hương, là một nữ sĩ có tài văn học, vợ bé của Tham hiệp trấn Quảng Yên như nhiều tài liệu khác đã viết về sự kiện này vậy.

Sau Quốc sử di biên là nhiều cuốn sách khác ghi chép về tiểu sử, sự nghiệp Hồ Xuân Hương và đều ca ngợi bà là một tài thơ hiếm gặp trong lịch sử văn học dân tộc. Năm 1921, một nhà thơ ở H. Quỳnh Lưu có làm bài ca Tùng Mai phong thổ, tức phong thổ H. Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai bây giờ. Bài ca theo thể truyền thống lục bát với 278 câu, trong đó dành 12 câu để ca ngợi Hồ Xuân Hương:

Người nghệ sĩ bậc tài hoa/Cháu Hồ Phi Tích tên là Xuân Hương

Giai nhân đáng giá nhà vàng/Văn tài thước ngọc lại càng nên trao.

Qua chơi lắm khách anh hào/Bấy lâu chưa để ai vào mắt xanh.

Khi gió mát lúc trăng thanh/Ngâm nga câu gấm tung hoành bút hoa.

Quỳnh Đôi nếp cũ quê nhà/Vui duyên hàn mặc để nhòa phấn son

Thường khi để vịnh nước non/Mượn câu du hý gửi hồn bèo mây.

Để khẳng định là có một nữ sĩ Xuân Hương thật sự có tài và được tôn vinh là một danh nhân đất nước thì sách Lịch sử Việt Nam (Tập 1, Tr. 393) có ghi:

Hồ Xuân Hương. Nhà thơ phụ nữ tiêu biểu

Hồ Xuân Hương là một phụ nữ tài hoa mà cuộc đời đã trải qua nhiều nỗi đày đọa như số phận nói chung của phụ nữ dưới triều đại phong kiến.

Theo một số tài liệu, Hồ Xuân Hương quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sinh vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Bà lớn lên ở Thăng Long và đã trải qua nỗi đau khổ, chua chát của cảnh góa chồng, kiếp lẽ mọn và những thành kiến khắt khe của xã hội.

Hồ Xuân Hương là nhà thơ có ý thức sâu sắc đấu tranh cho quyền sống của người phụ nữ. Bà lên tiếng bênh vực những người phụ nữ lao động bình thường đã từng "đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi", "Bảy nổi ba chìm với nước non", "Chịu đấm ăn xôi, xôi chắng có - Cầm bằng làm mướn, mướn không xong" Bà kịch liệt lên án chế đô đa thê: "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung" và phê phán mọi thành kiến xã hội đối với phụ nữ. Thơ của bà mang tính chiến đấu sắc bén.

Hồ Xuân Hương là một nhà thơ kiệt xuất, một tài năng văn học độc đáo. Châm biếm, trào lộng là vũ khí đấu tranh của bà. Nhà thơ tiếp thu truyền thống văn học dân gian phong phú và vận dụng rất tài tình ngôn ngữ bình dân với giá trị gợi tả dồi dào về nhạc điệu và hình tượng của nó

Qua các tài liệu tiêu biểu như trên thì cái tên Xuân Hương, hay Hồ Xuân Hương là con người thật, có quê gốc ở xã Quỳnh Đôi, H. Quỳnh Lưu. Bà là một nữ thi sĩ tài năng kiệt xuất, dùng tài thơ để đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong thời đại phong kiến. Do trong xã hội phong kiến, con người luôn có thái độ trọng nam khinh nữ nên Hồ Xuân Hương dù có tài năng đến mấy cũng ít được quan tâm đến tiểu sử, sự nghiệp. Do đó, trong gia phả dòng họ chỉ chú trọng tới các đinh (con trai), mà phụ nữ chỉ ghi rất sơ sài, hoặc không ghi gì cả, như trong Bản chi phổ, ngánh Hồ Phi Quỳnh Đôi chỉ thấy phụ chú về Hồ Xuân Hương, do sau mới bổ sung và tìm ra năm sinh, năm mất của bà. Một số tư liệu họ Hồ và một số sách đã xuất bản khi giới thiệu về tiêu sử Hồ xuân Hương thì có kèm thêm năm sinh năm mất (1772-1822).

Sách Những trang sử họ Hồ - Hồ tộc ở Việt Nam (5) có ghi về Bà Hồ Xuân Hương:

Nữ sĩ, nhà thơ lỗi lạc, được đời sau ca ngợi là "Bà chúa thơ Nôm", đời 12 (1772-1822)

Người con trai thứ hai của Tam trường Hội thí Hồ Thế Anh là Hồ Phi Cơ là cụ nội nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Ông Hồ Phi Cơ sinh năm 1654, đậu Sinh đồ (Tú tài) đầu phủ năm 17 tuổi (1670), đậu Hương cống thứ 2 (Á nguyên) năm 22 tuổi (1675) và thường đứng đầu hàng Giám khoa, đậu Tam trường Hội thí năm 1680. Có nhiều công về ngạch võ: Giữ chức Phụng thị Chưởng tế phủ, sau thăng lên là Tri thủy binh phiên Tán trị thừa Chánh sứ, tước tử, Chánh ngũ phẩm.

Ông nội Hồ Xuân Hương là Hồ Phi Gia, sinh năm 1679, năm 18 tuổi đậu Sinh đồ đầu huyện (1696), năm 21 tuổi đậu Hương cống (1699) và 2 lần đậu Tam trường Hội thí (1703; 1710), làm Huấn đạo phủ Đức Quang.

Ông Hồ Phi Gia có 2 người con đều đậu Sinh đồ: Hồ Phi Diễn sinh năm 1703, đậu Sinh đồ năm 1723 là cha Hồ Xuân Hương; Hồ Phi Lãng sinh năm 1705, đậu Sinh đồ năm 1725 là chú ruột Hồ Xuân Hương.

Sách Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam (NXB Hồ Chí Minh, 2005), do Hồ Sĩ Giàng biên soạn có căn cứ vào Hồ gia hợp tộc phả ký để ghi chép về thế thứ các danh nhân của họ Hồ, trong đó có vẽ phả hệ và ghi thế thứ vua Quang Trung và Hồ Xuân Hương:

Đời thứ mười ba:

Vua Quang Trung (Hồ Thơm 1752-1792: Anh hùng dân tộc, lập nên triều đại Tây Sơn, đánh tan các tập đoàn phong kiến Đàng Trong, Đàng Ngoài và đánh tan quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc).

- Hồ Xuân Hương (1772-1822) nữ sĩ.

Theo phả hệ, vua Quang Trung và Hồ Xuân Hương cùng gốc ông tổ 4 đời là Hồ Sĩ Anh. Sĩ Anh sinh ra Hồ Thế Viêm, Hồ Phi Liễu, Hồ Doan và Hồ Phi Tích. Thế Viêm sinh ra Phi Khang. Phi Khang sinh ra Phi Phúc, Phi Huống, Phi Trù, Phi Thọ, Phi Phú. Hồ Phi Phúc sinh ra 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (họ Hồ di cư vào Bình Định và đổi sang họ Nguyễn). Nhánh em Hồ Phi Cơ sinh ra Phi Gia. Phi Gia sinh ra Phi Diễn và Phi Lãng. Hồ Xuân Hương là con gái của Hồ Phi Diễn.

Gia phả họ Hồ Quỳnh Đôi. Quyển 2: Gia phả tiểu chi 7, trung chi 2 họ Hồ Quỳnh Đôi (Cháu đời 19 - Hồ Đình Tá biên soạn vào Xuân Đinh Sửu - 1997). Gia phả này được soạn tóm lược có 4 phần:

Phần 1: Văn bia họ Hồ Quỳnh Đôi (giới thiệu khái quát dòng họ)

Phần 2: Sơ đồ thế thứ:

Bảng 1: Từ cụ Thủy Tổ đến các cụ Tổ Trung chi

Bảng 2: Từ cụ Tổ Trung chi 2 đến các cụ Tổ Tiểu chi

Bảng 4: Danh sách các tộc trưởng, tự tôn các Tiểu chi, Trung chi 2

Bảng 5: Danh khoa Tiểu chi 7

Phần 3: Danh bạ Tổ tiên và con cháu Tiểu chi 7, Trung chi 2

Phần 4: Phần gia đình (Từng gia đình tự biên soạn)

Tổ đời 3. Tổ Trung chi 2, cụ Hồ Khắc Kiệm:

Cụ là con thứ của Tiến sĩ Hồ Ước Lễ, sinh năm 1478. Học giỏi nổi tiếng. Đậu Giám sinh năm 1496 (đồng khoa với anh và em. Sau đó đậu Tam trường thi Hội (Phó bảng), giữ chức Tri phủ phủ Lâm Yên, rồi làm Đồng Tri châu Quỳ Hợp. Bà họ Dương, hiệu Từ Huệ, sinh 3 trai:

- Hồ Phi Chiêu (Ông Pháp), Tổ chung các Tiểu chi 1,2,3,4

- Hồ Khắc Triết (Ông Hóa), Tổ chung các Tiểu chi 5,6,7,8

- Hồ Hân, sinh con gái.

Trung chi 2 là một trong các Trung chi có con cháu phát triển rực rỡ. Có những danh nhân quốc gia như Hồ Thơm, tức Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; Hồ Nhạc, tức Nguyễn Nhạc, lãnh tụ Nghĩa quân Tây Sơn; Hoàng giáp Thượng thư Bồi tụng Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích; Hồ Xuân Hương (đều thuộc Tiểu chi 3).

Theo Phả đồ vẽ trong Gia phả, xin ghi lại thế thứ nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Đời 8: Hồ Thế Anh

Đời 9: Hồ Phi Doan - Hồ Danh Liễu - Hồ Thế Viêm - Hồ Phi Tích - Hồ Phi Cơ.

Đời 10: Hồ Phi Khang [con Hồ Thế Viêm], Hồ Phi Gia [con Hồ Phi Cơ].

Đời 11: Phi Huống - Phi Phúc - Phi Trù - Phi Thọ - Phi Phú [con Hồ Phi Khang]. Phi Diễn - Phi Lãng [con Hồ Phi Gia]

Đời 12: Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) - Nguyễn Lữ [con Hồ Phi Phúc]. Hồ Xuân Hương [con Hồ Phi Diễn]…

Trong sách Tác gia Quỳnh Đôi.- H., VH-TT, 1998, do Song Nguyệt (tức Hồ Sĩ Bằng) biên soạn, có ghi: Hồ Xuân Hương (1772-1822). 1. Tiểu sử tóm tắt:

Con gái Hồ Phi Diễn, dòng dõi gia đình khoa bảng thế phiệt.

Quê gốc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trú tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, sau dời đến thôn Tiên Thị, thành Thăng Long, nay ở vào quãng phố Lý Quốc Sư, thành phố Hà Nội.

Có người nói húy là Mai, theo "Lưu Hương ký" thì có hiệu là Cổ Nguyệt Đường. Bà thông minh, tài hoa, nhạy cảm, học rộng nhưng lại hết sức gần gũi quần chúng và hay đi du ngoạn ở nhiều nơi. Theo sự đánh giá của Nham Giác Phu họ Phan, người cùng quận với nữ sĩ thì bà "học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ".

Bà là bạn thơ của Dương Trí Tản, một danh sĩ của làng Quỳnh Đôi và Nguyễn Du (theo tài liệu của Vũ Ngọc Khánh và Thái Kim Đỉnh). Bà là một phụ nữ Việt Nam có khí phách và là một nhà thơ lớn của thế giới (theo lời một bà giáo sư Mỹ). Bà lớn lên ở Thăng Long và đã chịu nhiều chuyện chua chát của cảnh góa chồng, kiếp lẽ mọn và những thành kiến khắt khe của xã hội. Bà là nhà thơ phụ nữ tiêu biểu, là đỉnh cao của thơ Nôm (Bà Chúa thơ Nôm).

Hồ Xuân Hương được tôn vinh đưa vào sách Từ điển nhân vật xứ Nghệ. Ninh Viết Giao chủ biên (NXB Tổng hợp Tp. HCM, 2008.- Tr. 249-250) như sau:

Hồ Xuân Hương (1772-1822) nhà thơ kiệt xuất, người họ Hồ, quê gốc ở làng Quỳnh Đôi, H. Quỳnh Lưu, T. Nghệ An. Bố là Hồ Phi Diễn, một ông đồ rời quê ra Bắc dạy học, kết duyên với một cô gái họ Hà làm vợ lẽ và sinh ra Hồ Xuân Hương. Gia đình có thời gian sống ở phường Khán Xuân, gần Hồ Tây, về sau dọn đến thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, H. Thọ Xương, nay là phố Lý Quốc Sư. Ở đây khi trưởng thành bà có một ngôi nhà lấy tên là Cổ Nguyệt Đường

Sách Thơ Quỳnh Lưu bốn thế kỷ (XVIII-XXI) (H., Văn học, 2011, Tr. 14) có ghi tóm tắt tiểu sử Hồ Xuân Hương:

Hồ Xuân Hương (1772-1822), quê X. Quỳnh Đôi, lớn lên ở Hà Nội, được vinh danh nhân vật xứ Nghệ. Bà là nhà thơ kiệt xuất, một tài năng văn học độc đáo (Lịch sử Việt Nam. T.1).

Tên của Bà chúa thơ Nôm đã được đặt cho một con đường ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Vinh (đường Hồ Xuân Hương, thuộc phường Cửa Nam, thông giữa hai đường lớn là Phan Đình Phùng và Đặng Thái Thân).

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn được dựng bia đá tôn vinh tại xã Quỳnh Đôi quê hương. Bia ghi: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương (1772-1822). Bà người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là một nhà thơ nữ kiệt xuất nổi tiếng về những bài thơ không công thức chống phong kiến ở thế kỷ 18 - 19. Tác phẩm: Xuân Hương thi tập; Lưu Hương ký; Đồ Sơn bát vịnh…

Qua nhiều tư liệu quý mà chúng tôi đã kể trên, rõ ràng nữ sĩ Hồ Xuân Hương là con người có thật. Bà quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An đã cho lập Hội đồng để lập hồ sơ trình lên UNESCO để xét duyệt vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Kết quả: Lúc 16h35 (giờ Việt Nam), ngày 23/11/[2021], tại Phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra buổi sáng ở Paris (Pháp), Chủ tịch Đại Hội đồng UNESCO đã chính thức gõ búa thông qua Nghị quyết về danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, theo đó UNESCO sẽ cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của hai thi sĩ Việt Nam là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.

Đây là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Nghệ An với Ủy ban quốc gia UNESCO, Bộ Ngoại giao, các chuyên gia và nhà khoa học của Việt Nam… Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của VN, được biết đến như "Bà Chúa thơ Nôm". Thơ HXH là biểu hiện của sự vận động, lạc quan. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá, việc thông qua Nghị quyết cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương lần này khẳng định sự đánh giá cao của Quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển tự do, bình đẳng và đặc biệt là bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người mà UNESCO đang thúc đẩy.

 

……………….

 

Chú thích:

1. Trích phần dịch Lưu Hương ký tự (Phụ tại Du Hương Tích động ký) trong sách: Đào Thái Tôn. Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục - (Tr.105-110)- H., Giáo dục, 1995, 282 tr., 19cm.

 

2. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Thơ Tùng Thiện Vương/Ngô Văn Phú tuyển chọn, sưu tầm; Ngô Linh Ngọc - Ngô Văn Phú dịch thơ và chú thích.- H., Văn học, 1991.- 113 tr., 19cm.- Tr. 41-45: Long Thành trúc chi từ (Thập tứ thủ) [Thể trúc chi từ về thành Long Biên (14 bài ngắn)].

 

 

 

3. Hoàng Ngọc Cương. Sức lan tỏa của thơ Hồ Xuân Hương với các danh sĩ triều Nguyễn trường hợp Trương Đăng Quế/ Tr. 346-354: Nữ sĩ Hồ Xuân hương (1772-1822) Danh nhân Văn hóa và giá trị di sản. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế. T1.- Nghệ An, 2022.

 

4. Quốc sử di biên (Thượng-Trung-Hạ)/ TS Nguyễn Thị Oanh giới thiệu, tổ chức dịch chú cùng nhóm với Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Tô Lan ở Viện nghiên cứu Hán Nôm.- H., KHXH, 2010; Tr.225.

5. Những trang sử họ Hồ - Hồ tộc ở Việt Nam (Rút ra từ các tập "Tư liệu phả hệ họ Hồ"). A; B.- In lần thứ 2 (có bổ sung và sửa chữa - Lưu hành nội bộ), 2003, do Hồ Bá Hiền, cháu đời thứ 31 biên soạn. Quyển A, trang 167.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440567

Hôm nay

2162

Hôm qua

2309

Tuần này

2471

Tháng này

215741

Tháng qua

112676

Tất cả

114440567