Những góc nhìn Văn hoá

Chí sĩ Phan Bội Châu - Kỳ Đài Văn hóa Việt Nam

 “Cụ Phan Bội Châu là một thiên sứ” (Võ Nguyên Giáp)

 Duy tân và Đông du - “Không thành công cũng thành nhân”

Chí sĩ Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, 1867-1940), sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, thuộc vùng địa linh nhân kiệt (tại làng Đan Nhiễm, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Chính từ cái nôi ấy mà cuộc đời của người lúc tuổi thơ đến khi trở thành một kiệt hiệt của xứ Nam 40 năm đầu thế kỷ 20,luôn gần gũi với Nhân dân lao động nghèo khổ, cần cù và thông minh sáng tạo. Sẵn tư chất “thông minh vốn sẵn tính trời”, 16 tuổi đỗ đầu xứ, nên được gọi là đầu xứ San. Là một thanh niên sớm có lòng yêu nước, 17 tuổi đã thảo hịch Bình Tây thu Bắc (1882), khi kinh thành Huế thất thủ (1885) hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, đã tổ chức đội “thí sinh quân” (gồm 60 người) để hưởng ứng nồng nhiệt, song sớm bị thực dân Pháp đàn áp, tan rã. Vốn văn hay chữ tốt, ông làm nghề thầy đồ dạy học (khoảng 10 năm cuối thế kỷ 19), vừa miệt mài đèn sách tìm hiểu “Tân thư”/“Tân văn”, vừa tìm kiếm những người đồng tâm, đồng chí trên con đường cứu nước.

Năm 1900, Phan Bội Châu đỗ thủ khoa kỳ thi Hương (Giải nguyên) trường Nghệ, cũng là thời điểm ông chính thức bước vào cuộc đời đấu tranh cách mạng như sau này những hậu sinh khả úy đã noi gương sáng: “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu - Trăng trối). Năm 1904, ông cùng các đồng chí, bạn bè cùng chí hướng thành lập hội Duy Tân, chủ trương dùng bạo động và nhờ ngoại viện để đánh đuổi giặc Pháp, giành lại quyền tự chủ cho nước Việt Nam, thành lập chính quyền độc lập. Về phương diện này, ông khác xa (nếu không nói là đối lập quan điểm) với một kiệt hiệt xứ Nam cùng thời - chí sĩ Phan Chu Trinh (1872-1926), với lập trưởng “bất bạo động”. Nhưng xét mục đích tối thượng, hay gọi là cao vọng, của cả hai chí sĩ thì giống nhau: giành độc lập, tự chủ và vãn hồi hòa bình cho Việt Nam, theo cách nói của người Pháp thì: “Mọi nẻo đường đều dẫn đến tháp Eiffel”.

Đầu năm 1905, Phan Bội Châu lãnh đạo phong trào Đông Du, trong thời gian 1905-1908, ông đã tìm kiếm người hiền tài trẻ tuổi (khoảng 200) đưa sang Nhật Bản học tập ở các trường lớp tốt, với ý chí nuôi quân luyện võ, chờ thời cơ. Với tài quảng giao, ông còn mở rộng “giao diện” hoạt động, liên lạc với các hội, đảng phái yêu nước tiến bộ của học sinh, sinh viên cũng như chính khách các nước khác đang hiện diện ở đất nước MẶT TRỜI MỌC để học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ và ủng hộ nhau hành động. Tháng 3-1909, tổ chức Đông Du bị chính quyền giải tán, ông bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất, phải về Trung Quốc ẩn náu chờ thời, sau đó lại xê dịch sang Thái Lan mở trại cày Bạn Thầm để tính kế dài hơi. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc thành công, trở lại xứ sở của Kinh thi, Đường thi tập hợp bạn bè đồng chí, tại đây ông tuyên bố giải tán Duy Tân hội, thành lập Việt Nam Quang phục hội với tôn chỉ “Đánh đuổi giặc Pháp, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam”. Nhưng đúng là nghịch cảnh: “Núi cao gặp hổ mà vô sự/Đường phẳng gặp người bị tống lao” (Hồ Chí Minh - Thế lộ nan). Đầu năm 1914, Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam, mãi ba năm sau (1917) mới được tự do. Vào thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt này (chiến tranh thế giới lần I sắp kết thúc, Cách mạng Tháng Mười Nga và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới sôi nổi và lan rộng), với sự nhạy cảm chính trị, ông đã nghiêng về tìm hiểu tính chất quốc tế của các mạng (tiêu biểu là Cách mạng tháng Mười Nga), tìm hiểu thiên tài V. Lênin - Lãnh tụ cách mạng vô sản toàn thế giới. Năm 1924, mô phỏng mẫu hình Quốc Dân đảng của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu đã mạnh dạn cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng. Cùng năm này, ông đã bắt đầu tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, được góp ý chân thành và thiết thực, ông đã có dự định cải tổ Việt Nam Quốc dân đảng theo chiều hướng tiến bộ. Ngày 30-6-1925, ngay trên đất Trung Quốc, ông bị thực dân Pháp bắt cóc đưa về nước, đem ra xử ở tòa Đề hình Hà Nội. Phong trào xã hội rộng lớn (bãi khóa, bãi công, bãi thị) như làn sóng lớn nổ ra rầm rộ, rộng khắp cả nước đòi trả tự do cho chí sĩ họ Phan. Trước sức ép của dư luận, thực dân Pháp buộc phải tha bổng ông, song bắt an trí tại Huế. Từ 1926, Phan Bội Châu bị cách ly với phong trào cách mạng trong nước. Trong điều kiện bị bao vây và theo dõi, ông tìm ra phương pháp đấu tranh đặc thù - dùng thơ văn như một vũ khí tuyên truyền yêu nước. Chí sĩ Phan Bội Châu tạ thế ngày 29-10-1940 tại Bến Ngự (Huế). Lời di chúc của chí sĩ họ Phan đến nay vẫn vọng vang: “Chúc phường hậu tử tiến mau!”.

Tháng 10-2022, đoàn nhà văn Hà Nội thực tế tại tỉnh Yên Bái. Một địa chỉ lịch sử - văn hóa không thể không trực kiến: đó là không gian tri ân công lao của chí sĩ Nguyễn Thái Học và các đồng chí của mình đã hy sinh vì nghĩa lớn. Phía sau cụm tượng đài nghệ thuật tráng lệ về những con người bất tử được khắc ghi vào lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, là dòng chữ tạc bằng đá kỳ vĩ: “KHÔNG THÀNH CÔNG CŨNG THÀNH NHÂN”. Đó là câu nói nổi tiếng của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Khi viết về chí sĩ Phan Bội Châu, không riêng ai, đều tâm niệm triết luận: “Những tư tưởng lớn thường gặp gỡ nhau”.

Văn chương yêu nước - “Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”

Theo tài liệu chính thống, văn sản (với ý nghĩa không bó hẹp trong phạm vi nghệ thuật ngôn từ) của chí sĩ Phan Bội Châu bao gồm 41 trước tác, gồm nhiều thể loại (cáo, hịch, thư, phú, sử, truyện, thơ, ký, tuồng, câu đối chữ Hán, chính trị, luân lý-đạo đức,...), tạo nên một “tập đại thành”, “bách khoa thư” (Sách Phan Bội Châu về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2001). Trong những trước tác của chí sĩ họ Phan, tính đến thời điểm này, công trình Phan Bội Châu toàn tập (10 tập, Nxb Thuận Hóa, 1990, 2000) do nhà nghiên cứu Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, có thể coi là đầy đủ nhất, có giá trị bảo lưu bền vững. Công trình nghiên cứu Phan Bội Châu của người cùng thời và hậu thế lên tới con số 87. Thiết nghĩ, đó là những con số biết nói về một “Con người khổng lồ” (theo cách diễn đạt của C. Mác về thời đại Phục hưng).

Như lý thuyết đã chỉ ra, văn chương là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa. Vì thế, viết về chí sĩ - nhà văn hóa Phan Bội Châu là viết về một “người của hai thế kỷ” (như cách Hoài Thanh - Hoài Chân đã định vị Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu trong Thi nhân Việt Nam, 1942). Văn thơ Phan Bội Châu được đưa vào giảng dạy trong nhà trường (phổ thông và đại học) nhiều năm nay. Nó là một bộ phận quan trọng và tất yếu của chương trình “sử văn” Việt Nam thời cận - hiện đại. Là nhà văn tiêu biểu cho dòng văn chương yêu nước những thập niên đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu tất nhiên phải có lập trường, quan điểm rõ ràng về nghệ thuật ngôn từ. Thời nay, khi sống trong thế giới mở/phẳng người cầm bút viết văn đôi khi tự huyễn hoặc bằng những phát ngôn theo kiểu lộng giả thành chân: “Văn chương suy cho cùng là một trò chơi vô tăm tích”. Thậm chí một số người nghiên cứu trẻ đã “dấn thân” vào cõi mông lung về cái gọi là “chức năng trò chơi của văn chương” (!?). Xác định đúng đắn Phan Bội Châu thuộc “kiểu nhà văn” nào thì chúng ta sẽ thấu tỏ quan điểm văn chương của ông. Rõ ràng ông không còn tại vị trong phạm trù “nhà nho tài tử” như một mẫu hình nhà văn tiêu biểu trong văn học trung đại (thế kỷ 10-19). Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu xác tín: “Từ là một nhà nho, giống các nhà nho khác, Phan Bội Châu đã thành nhà hoạt động chính trị, từ hoạt động chính trị ông trở thành nhà văn. Trong thời gian hoạt động chính trị và viết văn, nhiều nhà nho khác cũng hoạt động chính trị, cũng viết văn. Nhưng con đường thành nhà văn chính trị của Phan Bội Châu trải qua nhiều hoàn cảnh cụ thể, độc đáo, qua đó thời đại khắc lại nhiều dấu ấn sâu sắc, làm cho ông khác họ, mà lại tiêu biểu nhất cho họ”. Như vậy thuật ngữ/khái niệm “nhà văn chính trị” là sát hợp nhất với trường hợp Phan Bội Châu. Sau này kiểu nhà văn chính trị hiện thân trong những trường hợp tiêu biểu khác như các nhà thơ Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu. Nên không có gì lạ khi nhà thơ tuyên bố: “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Hồ Chí Minh - Cảm tưởng đọc Thiên gia thi), hay: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng - Là thi sĩ). Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu: “Quan niệm văn học của ông vẫn là quan niệm chịu ảnh hưởng Nho giáo: văn học giáo huấn, ký ngụ, truyền đạt, chứ không phải mô tả, phản ảnh; có ích, chứ không phải đẹp”. Rõ ràng là, mục đích làm văn chương của chí sĩ họ Phan là thiết thực, phải có ích. Sau này hậu duệ Nguyễn Minh Châu cũng nêu quan điểm: “Tác phẩm văn học trước hết không phải viết ra nhằm mục đích an ủi người đọc. Mục đích của văn học trước hết là nhằm đánh thức dậy cái ý thức bất mãn với chính mình, hoài nghi về mình. Và những con người thỏa mãn như những trái cây khô bắt đầu sống lại đời sống tinh thần non tươi bằng cách lại đặt ra cho mình những câu hỏi: “Ta là cái gì? Ta là ai?” để tự trả lời. Loài người không ngồi ỳ ra một chỗ mà trở thành như ngày nay có một nền văn hóa như ngày nay là nhờ câu hỏi tự vấn ấy” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009).

Giới nghiên cứu đã bàn đến vai trò và đóng góp to lớn của chí sĩ Phan Bội Châu về phương diện văn hóa/văn chương, khẳng định thống nhất cao: “Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng”, “Phan Bội Châu nhà văn hóa”, “Phan Bội Châu với vấn đề đổi mới”, “Phan Bội Châu nhà khai sáng lịch sử và văn chương Việt Nam thế kỷ XX”, “Tầm vóc vĩ nhân qua bài Văn tế Phan Châu Trinh”, “Phan Bội Châu trong hiện đại hóa văn học dân tộc”,... Các nhà hoạt động văn hóa, các chính khách thế giới cũng không tiếc lời ca tụng chí sĩ Phan Bội Châu như một biểu trưng căn tính Việt trước nhân loại: “Trên đời này, làm gì có công lý? Chỉ có cường quyền mà thôi! Đọc lịch sử thế giới, tên nước kể có hàng ngàn, mà nay chỉ còn lại vài chục, còn thì đã bị tiêu ma! Ngay trong số vài chục nước ấy có được số phận vững vàng, thì mười phần còn bảy, tám thôi. Không nói đâu xa, nói ngay những nước liền cõi với nước ta, đến nỗi gà gáy chó sủa cũng nghe thấy, thế mà bây giờ cũng không còn nữa! (...). Gần đây tôi gặp một người Việt Nam vong mệnh thường khi nói chuyện với ta, ông hay giàn giụa nước mắt! Ta nghĩ nếu mình không biết thương mình mà lại đi thương người khác, thì có khi người lại thương cho số phận của mình đấy! Ta đọc sách này chẳng những đã thương mà lại còn sợ nữa” (Lương Khải Siêu, viết 9/1905 - Lời tựa tập sách Việt Nam vong quốc sử), “Phan Bội Châu không những là người có suy nghĩ về hiện trạng và tương lai của Việt Nam với tầm nhìn quốc tế, mà còn là một nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên theo đuổi hết sức thực tế mối quan hệ tiếp cận giữa phong trào dân tộc Việt Nam với thế giới bên ngoài” (Nhà hoạt động văn hóa - xã hội Nhật Bản Siraisi Masaya), v,v...

Thiết nghĩ, Phan Bội Châu viết mãi không cùng, như cách hậu thế nói về Đại thi hào Nguyễn Du - tác giả tuyệt phẩm Truyện Kiều, Danh nhân Văn hóa thế giới. Chí sĩ Phan Bội Châu là người tiếp lửa cho truyền thống yêu nước nồng nàn của người Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thời đại ngày nay chúng ta cần nhiều người “chạy tiếp sức” truyền thống quý báu đó. Nếu nó bị mai một thì vận nước sẽ đi về đâu? Ngọn đuốc truyền thống mà chí sĩ họ Phan trao cho thế hệ chạy tiếp sức chính là những Trùng quang tâm sử, Lưu cầu huyết lệ tân thư, Truyện Phạm Hồng Thái, Văn tế Phan Châu Trinh, Tuồng Trưng Nữ Vương, Phan Bội Châu niên biểu,...

Kỳ đài chí sĩ Phan Bội Châu - Lưu dấu trong không gian văn hóa xứ Nghệ

Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hậu

Đường Phan Bội Châu (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An): Tên đường Phan Bội Châu được đặt từ 1994 (thuộc phường Lê Lợi, TP. Vinh, Nghệ An, dài 980m, rộng gần 28m), giao cắt với các phố Nguyễn Lương Bằng, Tản Đà, Lê Lợi, Mai Hắc Đế. Tên đường/phố Phan Bội Châu được đặt ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố khác trong cả nước: Nam Định, Hạ Long, Hội An, Tam Kỳ, Đông Hà, Quảng Ngãi, Thái Bình, Sóc Trăng, Huế. Đường Phan Bội Châu (ở TP. Vinh) không đơn thuần là một tên gọi, nó thấm thía nghĩa tình vì: “Có lẽ ít có con đường nào trở nên thân thuộc, chở nặng những nhớ thương như đường Phan Bội Châu (TP. Vinh). Người dân phố thị dường như ít nhắc đến tên đường, mà vẫn thường gọi giản dị là “đường ra ga tàu”, “ đường chợ ga”. Có lẽ những người đã từng đi trên con đường này ra ga Vinh, đều mang trong mình một nỗi niềm khó tả: người mẹ chở con lần đầu tiên xa nhà học đại học, trên đường là những dặn dò và lo lắng. Người thương yêu chở nhau thật chậm, tay nắm bàn tay như ước muốn cái đích ga thật xa, thật lâu” (Báo Nghệ An. Online, 21/4/ 2014).

Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Nguyễn Hậu

Trường chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An): Tiền thân là các lớp Chuyên Toán của tỉnh Nghệ An được thành lập năm 1964-1965. Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu được chính thức thành lập 15/10/1974, là trường chuyên đầu tiên ở miền Bắc trước 1975; thời kỳ đầu chỉ có 2 lớp chuyên Toán và chuyên Văn. Niên học đầu tiên chỉ có hơn 100 học sinh, và gần 40 giáo viên. Khóa đầu tiên có 51 học sinh (trong đó có 27 học sinh vào đại học trong nước và 23 học sinh du học nước ngoài). Sau đó Trường Chuyên Phan bội Châu chuyển về số 48 đường Lê Hồng Phong, mở thêm các lớp chuyên Lý - Hóa - Sinh - Sử - Địa - Ngoại ngữ (tiếng Anh - Pháp - Nga). Trường Chuyên Phan Bội Châu hiện là một địa chỉ giáo dục - văn hóa của Nghệ An, Trường có đội ngũ giáo viên tinh hoa, học sinh ưu tú. Trường đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ Đổi mới (2013), có 11 giáo viên nhận danh hiệu NGUT, nhiều học sinh đoạt giải trong các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực (nhiều Huy chương Vàng/Bạc/Đồng), cùng các giải cao của kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia.

 Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An): Gồm 2 địa điểm cách nhau khoảng 1,5 km - quê nội thuộc xóm 2, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn và quê ngoại thuộc thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu gồm nhiều hạng mục (Cổng di tích, Sân /vườn, Nhà bia tưởng niệm, Khu tưởng niệm,...). Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn, Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, năm 2016 (theo Cổng thông tin điện tử Cục Di sản Văn hóa, 11/12/2002).

  Chí sỹ Phan Bội Châu vào tiểu thuyết đương đại: Trong tiểu thuyết bộ ba Nước non vạn dặm (Tập 1: Nợ nước non) của nhà văn Nguyễn Thế kỷ (Nxb Văn học, 2022), chí sĩ Phan Bội Châu xuất hiện với tư cách một nhân vật văn chương/tiểu thuyết (“Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa như thật”). Nhưng phần hư cấu trong trường hợp này không lấn át hay khuynh đảo sự thật lịch sử. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết mặc nhiên là Nguyễn Sinh Cung (về sau là Nguyễn Tất Thành). Đọc tiểu thuyết Nợ nước non độc giả cảm nhận được tính trung thực/chân thực của sự tái hiện nghệ thuật quá khứ thuộc về phạm trù lịch sử. Chí sĩ Phan Bội Châu, tuy ít tuổi hơn, nhưng là bạn vong niên của cụ đồ nho Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929, thân phụ Nguyễn Sinh Cung). Lần đầu diện kiến Phan Bội Châu (Nhân dân thường gọi thân thiết là Ông Giải San), Nguyễn Sinh Cung khi đó mới 15 tuổi đã khiến bậc túc nho cảm phục khi dám đối: “Tiết hậu đăng trình, lao cán thiên trùng, vọng hoàn thanh viện” (Sau Tết thì lên đường, công lao muôn vàn vất vả, chỉ mong trả được nợ nước ngoài viện trợ). Chàng thiếu niên 15 tuổi đã bộc lộ thiên bẩm khi đối: “Đông tiến thượng lộ, tri khu vạn lý, cầu đạt chính thư” (Trước Đông sẽ ra đi, bước đường vạn dặm rong ruổi, chỉ mong tìm được kế sách đúng). Trong câu chuyện với người bạn vong niên, Phan Bội Châu bộc trực: “Chúng ta sẽ nhờ nước Nhật giúp đỡ. Nhật Bản đồng văn, đồng chủng với chúng ta, lại đi theo con đường tư bản châu Âu đã giàu mạnh lên, đã đánh thắng đế quốc Nga và thoát khỏi họa đế quốc xâm lược. Họ vừa mạnh lại vừa có kinh nghiệm, tôi tin là ta có thể nhờ cậy được. (...). Tất nhiên là phải bạo động, anh ạ. Không thể giải quyết theo hướng ôn hòa trước một kẻ xâm lăng hùng hổ và xảo quyệt như Tây dương được”.

   Những lưu dấu văn hóa của chí sĩ Phan Bội Châu đã trở thành ký ức lương thiện trong công cuộc “ôn cố tri tân” - chấn hưng dân trí, dân khí, văn hóa, giáo dục, đạo đức Việt Nam ngày nay./.

 

Hà Nội - Vinh, Kỷ niệm 155 năm ngày sinh chí sĩ Phan Bội Châu (26/12/1867- 26/12/2022) - BTA

( Bài đã in trong Văn hóa = Thể thao Nghệ An số 07/2022)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443378

Hôm nay

2269

Hôm qua

2305

Tuần này

21191

Tháng này

218552

Tháng qua

112676

Tất cả

114443378