Những góc nhìn Văn hoá

50 năm Hiệp định Paris - Dấu ấn đậm nét của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: TL

Cách đây tròn 50 năm (27/01/1973 - 27/01/2023), Hiệp định Paris được ký kết, đây là một thắng lợi đỉnh cao của Mặt trận ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đàm phán Paris kéo dài và quyết liệt. Việc triệu tập hội nghị và ký kết Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu trí, đấu lực trên chiến trường và trên bàn đàm phán, thể hiện phương thức giải quyết chiến tranh của cả Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh cụ thể của mỗi nước và tình hình quốc tế lúc bấy giờ.

Ngày 27/01/1973, tại Paris, Thủ đô nước Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ VNDCCH, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ký chính thức hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Về phía Mỹ, nền ngoại giao rất hùng mạnh, có nhiều kinh nghiệm trên các vấn đề quốc tế. Mỹ có chiến lược đàm phán rõ ràng: Dùng đàm phán kết hợp với thế mạnh áp đảo trên chiến trường để buộc VNDCCH phải chấm dứt ủng hộ Nhân dân và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chế độ Sài Gòn trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi đó, ngoại giao Việt Nam rất non trẻ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), từ chiến khu trở về Hà Nội, ngoại giao Việt Nam hầu như “tay trắng”, không có các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Trên tinh thần vừa làm, vừa học hỏi, các nhà ngoại giao của Việt Nam đến Paris với ý thức dân tộc và ngoại giao đạo lý để chống chọi với ngoại giao trên thế mạnh của Hoa Kỳ.

Từ năm 1968 đến năm 1973, Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Việt Nam kiên trì đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân mà không được đòi điều kiện gì. Hoa Kỳ không ngừng đòi hỏi hai bên cùng rút quân, khôi phục Khu phi quân sự để cắt đường tiếp tế từ miền Bắc vào Nam. Phía Hoa Kỳ nhấn mạnh khẩu hiệu “hai bên cùng xuống thang chiến tranh” nhưng suốt 4 năm, họ không giành được kết quả nào. Phía Việt Nam không đưa khẩu hiệu đó, nhưng xoáy vào thế khó của Mỹ, đã nhiều lần tìm cách kéo được Mỹ xuống thang đơn phương.

Năm 1967, Hà Nội dùng đòn ngoại giao đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc để đàm phán, tạo sức ép lớn. Rồi đòn Tết Mậu Thân tác động mạnh, Mỹ buộc phải xuống thang, hạn chế ném bom miền Bắc (31/3/1968). Tháng 10/1968, lợi dụng khó khăn và yêu cầu của chính quyền Johnson trong năm bầu cử, đàm phán đã đưa tới thỏa thuận Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom VNDCCH. Từ năm 1969, Việt Nam bước vào thời kỳ vừa chiến đấu, vừa củng cố lực lượng. Phía Mỹ bắt đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mặt trận ngoại giao thời điểm này có nhiệm vụ chủ yếu là đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Mỹ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ.

Sau 3 năm kiên trì đấu tranh, phía Mỹ chấp nhận đơn phương rút trên 400.000 quân, mở ra một thế trận mới thuận lợi cho Quân Giải phóng. Trong quá trình đàm phán, Mỹ luôn đòi “hai bên cùng rút quân”. Nhưng đến mùa Thu 1971, trong đề nghị hòa bình ngày 10/11/1971, phía Mỹ đành gác lại yêu sách đòi “hai bên cùng rút quân”. Những thắng lợi từng bước đó cùng với thắng lợi cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã tạo thời cơ để Việt Nam đưa đàm phán đi vào thực chất từ tháng 7/1972.

Tháng 8/1972, với những toan tính mới, Mỹ cùng với chính quyền Sài Gòn hoãn không thời hạn các phiên họp tại Hội nghị Paris. Mặc dù vậy, Mỹ và VNDCCH vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc bí mật. Đến tháng 10/1972, hai bên đã tháo gỡ được những vấn đề khúc mắc và hoàn thành “Dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh” và “Dự thảo về thỏa thuận quyền tự quyết của Nhân dân miền Nam”. Nắm vững phương châm “Vừa đánh, vừa đàm” nhằm kéo Mỹ xuống thang, giành thắng lợi từng bước và lợi dụng sức ép của dư luận đối với Richard Nixon đang tăng lên từng ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tại Hội nghị Paris, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, ta mềm dẻo trong sách lược, kịp thời và chủ động đưa ra những đề xuất mới. Tổng thống Nixon và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trao đổi công hàm nhất trí với nội dung văn bản Hiệp định; đồng thời thỏa thuận việc Kissinger sẽ đi Hà Nội và ký tắt Hiệp định trong thời gian từ ngày 24 đến ngày 31/10/1972.

Tuy nhiên, ngày 25/10/1972, Mỹ lật lọng, không ký tắt văn bản Hiệp định theo dự kiến. Nixon gửi công hàm đề nghị hai bên có cuộc họp riêng để bàn thêm một số vấn đề và báo hoãn chuyến đi của Kissinger đến Hà Nội. Ngày 26/10/1972, Chính phủ VNDCCH cho công bố các văn kiện và đòi Mỹ phải ký Hiệp định theo thời gian đã thỏa thuận. Dư luận nước Mỹ và quốc tế lại tăng cường gây sức ép với chính quyền Nixon.

Với nỗ lực không để đàm phán bế tắc, từ ngày 20/11/1972 đến ngày 13/12/1972, cuộc họp hai bên VNDCCH và Mỹ lại tiếp tục, hoàn chỉnh văn bản, trừ vấn đề qua lại Khu phi quân sự phải tạm gác để xin ký kiến của lãnh đạo hai phía. Thế nhưng, trái với thỏa thuận mà phía Mỹ đã cam kết, Nixon lật lọng, trì hoãn việc ký kết Hiệp định để vượt qua tuyển cử và đề nghị sửa đổi những điều khoản cơ bản của dự thảo Hiệp định. Hơn thế, để buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện do phía Mỹ đưa ra trên bàn đàm phán, tập đoàn cầm quyền Mỹ ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược, sử dụng một lực lượng lớn không quân chiến lược và chiến thuật ồ ạt đánh phá dữ dội Hải Phòng, Hà Nội và nhiều nơi khác trên miền Bắc vào những ngày cuối năm 1972.

Hành động quân sự tàn bạo này của Mỹ bị cả loài người mạnh mẽ lên án. Bằng trí thông minh và lòng quả cảm, quân và dân ta ở miền Bắc đã giáng trả đích đáng, bắn rơi nhiều “pháo đài bay” B-52 và nhiều máy bay chiến thuật Mỹ, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” đập tan cố gắng quân sự cuối cùng và đánh bại âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mỹ.

Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho Nhân dân thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến và thiện chí hòa bình của Nhân dân Việt Nam; vạch trần những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, tính chất phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và chính quyền tay sai, đã góp phần quan trọng tạo nên phong trào nhân dân thế giới rộng lớn chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam. Phong trào đã có tác động rất lớn tới dư luận tiến bộ Mỹ, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ. Sau thất bại trong những toan tính cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đế quốc Mỹ buộc phải trở lại đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Với việc Hiệp định Paris được ký kết, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, có ý nghĩa quyết định xu thế phát triển tất thắng của cách mạng miền Nam Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn cách mạng rất vẻ vang của dân tộc, mở ra cho cách mạng miền Nam một giai đoạn mới: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Thắng lợi của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari đã phản ánh tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội nghị Pari và Hiệp định Pari mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Hiệp định Pari còn là minh chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Đồng thời, đây cũng là sự khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

Thắng lợi của Hiệp định Pari và Hội nghị Pari cách đây vừa tròn 50 năm đã để lại nhiều bài học sâu sắc, những bài học đó đã tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay thêm vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại và hợp tác quốc tế: Nâng cao năng lực hội nhập, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do; lồng ghép với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443245

Hôm nay

2136

Hôm qua

2305

Tuần này

21058

Tháng này

218419

Tháng qua

112676

Tất cả

114443245