Những góc nhìn Văn hoá

Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam (1)

Từ khi nghiên-cứu và phiên-dịch LĨNH NAM CHÍCH QUÁI (1960) đến nay, tôi vẫn chú-trọng tới hai vấn-đề, thứ nhất là vấn-đề tác-giả và tôi vẫn khẳng-định là Trần Thế Pháp, một nhà nghiên-cứu vô-danh, thích dã-sử hơn chính-sử; tác-giả ấy không thể lầm lẫn với Vũ Quỳnh (1452-1516), tiến-sĩ năm 1478, tác-giả Đại Việt thông giám (1511), một sử-quan tuy có nhiều đóng góp vào việc biên-soạn bộ Đại Việt sử-kí toàn-thư nhưng khi hiệu-đính cuốn Lĩnh-nam chích quái của Trần Thế Pháp đã tự ý sửa lại nhiều chi-tiết độc-đáo của tác-giả.

Vấn-đề thứ 2 là tôi vẫn tiếp-tục nghe thấy tiếng nước chảy rì-rào suốt tác-phẩm Lĩnh-nam chích quái. Trong nhiều bài diễn-văn đọc nhân dịp các ngày lễ hội tại Việt Nam (Huế, Sài-gòn, Đà-lạt, Nha-trang, Long-xuyên, Tây-ninh) hoặc tại hải-ngoại (Montréal, Ottawa, Edmonton, Santa Ana, Los-Angelès, Houston, Oklahoma, Orsonnens, Fribourg, Paris, Nancy vv…), tôi đã nhiều lần trình-bày giả-thuyết của tôi về nguồn gốc nước của văn-hoá Việt Nam. Giả-thuyết của tôi càng ngày càng được củng-cố, hoặc một cách gián-tiếp như từ phía sử-gia Trần Quốc Vượng, giáo-sư Cao Xuân Hạo, học-giả Huỳnh Sanh Thông, hoặc một cách trực-tiếp từ phía các giáo-sư Khiếu Đức Long, Nguyễn Văn Phú, Thái Công Tụng, bác-sĩ Hà-thúc Như Hỷ, kĩ-sư Nguyễn Đình Cường, Đỗ Thị Tiến vv… Tình cờ được đọc cuốn Tư-tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham-chiếu, do học-giả Nguyễn Huệ Chi sưu-tập nghiên-cứu về các giáo-trình triết-học của giáo-sư Cao Xuân Huy (Văn Học, Hà-nội, 1994), tôi đã rất thích thú khi đọc câu này: “Sau này, khoảng 1970, khi gợi ý cho ban đề-cương lịch-sử tư-tưởng Việt Nam của Viện Triết-học, ông (giáo-sư Cao Xuân Huy) sẽ gọi một cách hình-tượng rằng đấy là “nước”. Mềm-mại, uyển-chuyển mà cũng rất mạnh-mẽ, không có hình-thù nhất-định mà hình-thù nào cũng có, “nước” chính là một đặc-trưng hình-thái của tư-tưởng Việt Nam” (Sđd, tr.23). Mà có nhà trí-thức nào không bị ám-ảnh bởi nước, đúng như nhận-xét của Khổng-tử: trí giả nhạo thuỷ (Luận-ngữ, VI, 21) và không thấy dòng nước lững-lờ trôi cùng năm tháng: thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ (Luận-ngữ, IX, 16): cứ chảy hoài như vậy, đêm ngày không bao giờ ngừng. Từ Héraclite trong thời xa-xưa, đến Bergson, Bachelard, rồi Phạm Công Thiện, Derrida, Lê Tuyên, Nguyễn Đăng Trúc, không một triết-gia nào muốn hoá-giải những giáo-điều của các hệ ý-thức mà lại không liên-tưởng đến nước. Đúng như giáo-sư Cao Xuân Huy đã đề-nghị, nước chính là đặc-trưng hình-thái của tư-tưởng Việt Nam hay nói tổng-quát hơn, của văn-hoá Việt Nam. Tôi sẽ căn-cứ trên các dữ-kiện lịch-sử, địa-lí, nhân-chủng-học, sinh-thái-học, ngôn-ngữ-học, và nhất là ngữ-âm-học lịch-sử để chứng-thực nguồn gốc nước của văn-hoá Việt Nam và những hệ-quả to lớn của nó trong việc hình-thành nền văn-hoá lâu đời của dân-tộc.

 
1. Từ LÁC & ĐÁC đến NÁC & NƯỚC:
 
Từ nước từ ngàn xưa đã nằm sẵn trong những danh-xưng LẠC ĐIỀN 貉田và LẠC DÂN 貉民 mà không ai mà không biết khi nghiên-cứu về nguồn gốc dân-tộc Việt Nam. Hai danh-xưng này được trích từ một đoạn văn nổi tiếng trong Thuỷ-kinh chú (thế-kỉ VI) chép lại nguyên-văn một câu trong cuốn Giao-châu ngoại-vực kí (thế-kỉ VI): “Giao-chỉ tích vị hữu quận-huyện chi thời, thổ-địa hữu LẠC ĐIỀN, kì điền tùng thuỷ-triều thướng há, dân khẩn-thực kì điền, nhân danh vi LẠC DÂN” (Lịch Đạo Nguyên, Thuỷ-kinh chú, q.VI, tr.62, Thương-vụ ấn thư quán, Bắc-kinh, 1958). Câu này đã được nhiều sử-gia dẫn-chứng (như giáo-sư Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương) và do đó có nhiều bản dịch giống nhau, chỉ hơi khác nhau về 2 chữ khẩn-thực mà người thì dịch là cày-cấy, người thì dịch là khẩn ruộng đó mà ăn. Ở đây, tôi không đi vào chi-tiết này, tôi chỉ chú-trọng tới hai chữ Lạc trong Lạc điềnLạc dân. Tất cả các sử-gia chú-ý tới vấn-đề đề dịch Lạc điềnruộng LạcLạc dândân Lạc, nhưng không chú-giải ý-nghĩa của chữ Lạc; riêng giáo-sư Hà Văn Tấn, trong cuốn Lịch-sử Việt Nam, tập I, Hà-nội, 1983, tr.108) có cho biết thêm rằng: “Khuynh-hướng chung của nhiều người đều coi Lạc điền là loại ruộng nước (tôi gạch dưới)… Ruộng nước nói chung là loại ruộng cố-định, được trồng-trọt thường-xuyên…” (nt). Tôi căn-cứ vào lời khẳng-định tuy có tính-cách trực-giác nhưng rất mạnh-mẽ của sử-gia Hà Văn Tấn đọc chữ Lạc theo chữ nôm là LÁC và hiểu LÁCnước theo quá-trình phát-triển của nó từ LÁC đến ĐÁC và từ ĐÁC đến NÁC để dừng lại cuối cùng ở âm NƯỚC như ta biết hiện nay.
 
* LÁC
Các nhà nghiên-cứu về lịch-sử văn-học Việt Nam đời Trần đều biết chữ LÁC này nhờ công ghi chép của Lê Quý Đôn (thế-kỉ XVIII). Trong cuốn Kiến Văn tiểu lục, chương nói đến thể-lệ về phong-tục, Lê Quý Đôn cho biết khi Trần Phu, tức Trần Cương Trung đi sứ ở Thăng-long vào những năm trước sau 1288, ông có ghi được vào khoảng 30 chữ nôm, có ghi âm và nghĩa rất rõ-ràng. Riêng về chữ thuỷ nghĩa là nước, ông ghi là , đọc là LÁC (đọc theo âm hán là lược). Cách ghi âm của Trần Phu rất đáng tin cậy, nhưng có người lại sợ rằng các chữ lạc của hán-ngữ như , , vv… đều được phát-âm là /lo/, vậy nếu đã đọc các chữ ấy theo âm nôm thì nên đọc là tức LÚA (ló là âm cổ của lúa, hiện nay còn thông-dụng trong thổ-ngữ miền Trung). Đây là gợi ý của bác-sĩ Hà-thúc Như Hỉ, ngoài chuyên-môn về y-khoa, rất giỏi về hán-ngữ. Thi-sĩ Cao Tiêu, ông vua thơ chữ hán của Việt Nam hải-ngoại, cũng gợi ý đọc là , vì là một thứ nước thuần-tuý. Thực ra, ghi phát-âm một từ nào, ta phải chú-trọng đến vấn-đề thời-gian. Trước thế-kỉ thứ VI, nhà hán-ngữ-học Bernard Karlgren cho biết các từ có âm cuối K (như từ lạc) đều vẫn được phát-âm với âm K cuối, âm cuối này chỉ rụng (cùng với những âm cuối khác, tỉ-dụ NG) sau thế-kỉ thứ VI. Câu chuyện của chúng ta xảy ra vào thế-kỉ thứ IV, vậy chữ LẠC được phát-âm với âm K cuối là hợp cách. Âm lác còn có chứng-tích trong danh-xưng Đà-lạt mà cách viết chính-thức phải là Darlak.
 
ĐÁC
Âm L và âm Đ dễ trao-đổi với nhau vì cấu-âm tương-tự. Trong kinh Phật, ta hay gặp những từ như valisa còn đọc là VADisa, naraca phát-âm theo tiếng hoa là lạc già; chữ thuỷ nguyệt (trăng nước) được dịch ra tiếng phạn là UDACACANDRA và JALACANDRA, trong đó, ngoài chữ CANDRA nghĩa là trăng, chữ nước vừa được dịch là lac vừa được dịch là đac (X. W.E.SOOTHILL, A dictionary of chinese buddhist terms, London, 1934).
Theo các nhà ngữ-âm-học lịch-sử các ngôn-ngữ Đông Nam Á như B.Karlgren, H.Maspero, Haudricourt, Ferlus vv… , đa-số các tiếng Đông Nam Á hiện còn sử-dụng từ đác như tiếng môn, tiếng môn cổ, môn mới, tiếng mnong-gar, tiếng biat, tiếng bahnar và tất cả các phuơng-ngữ mường như Thạch-bì, Vân-mông, Ngọc-lặc, Lâm-la, Làng-lỡ, Hạ-sửu, Úy-lô, Thái-thịnh, Hung, Khong-khen, Sách. Người Rục, mà tôi nghi là người LÁC cổ-xưa, vẫn còn gọi nước là đác. Người Việt chúng ta vẫn còn dùng từ đác này khi nói về nước trong mình người đàn bà, từ này biến thành đếch khi nói về chất nước trong mình người đàn ông, có nghĩa là tinh-khí mà Alexandre de Rhodes dịch là saemen humanum (x. Alexandre de Rhodes, Dictionarium Annamticum, Lusitanum et Latinum, Roma, 1651, chữ đếch, tr.214).
Tiếng Việt còn giữ được nhiều tương-quan L/Đ. Ta còn nói:
                   L                           Đ
                   (thêm) lơm             (thêm) đơm
                   lèo (con)                đèo (con)
                   lãng trí                   đãng trí
                   lộc bình                 độc bình
                   lười ươi                đười ươi
                   lòi tó                      đòi tó                   vv…
Trong An-nam dịch-ngữ, tác-phẩm thế-kỉ XVI:
                   lặc biểu-âm cho đực (số 289)
                   lụy biểu-âm cho đòi (số 464)
Trong chữ nôm, nhiều chữ có phụ-âm L được biểu-âm bằng một từ có phụ-âm Đ, như chữ lụt được viết bằng chữ đụt (thêm bộ thuỷ) .
Người Trung-hoa đã không quên ghi âm đác này trong chữ [ x ] đọc là đắc hay đức.
 
ĐÁC > NÁC
Từ đác chuyển sang từ nác là một hiện-tượng tự-nhiên. Tiếng Việt hiện còn giữ nhiều liên-hệ Đ/N:
                   Đ                          N
                   đai                        nai
                   êm-đềm                 êm-niềm
                   đệm                      nệm
                   đỏ đọc                   đỏ nọc
                   độc                       nọc
                   đỗi                        nỗi
                   gò đống                 gó nống (TK: gò nống kéo lên)
                   đơm                      nơm
                   đổ đom-đóm mắt    nổ đom-đóm mắt
                   trả đũa                   trả nũa     vv…
Trong chữ nôm, nhiều chữ có phụ-âm đầu N đọc cấu-tạo bằng những chữ có phụ-âm đầu N, như NỌC (cái nọc), được viết bằng chữ độc + bộ mộc

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434893

Hôm nay

2164

Hôm qua

2349

Tuần này

21543

Tháng này

211941

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434893