Những góc nhìn Văn hoá

Thuyết Bất Vô (1)

Tư-tưởng là phần cốt lõi của văn-hoá. Văn-minh là thời-kì tư-tưởng ấy được thực-hiện rồi dừng lại trong những tác-phẩm kiến-trúc, điêu-khắc, hội-hoạ, trong những công-trình khoa-học, kĩ-thuât, văn-chương v.v… Văn-hoá Việt Nam sở dĩ trường-tồn và càng ngày càng phong-phú là nhờ ở nguồn tư-tưởng vô-tận mà nó chứa đựng trong lòng, đó là nguồn nước mà ta đã phân-tích ở trên.

Vấn-đề là làm thế nào để vân-dụng nguồn nước ấy, nguồn tư-tưởng sinh-động ấy để bảo-đảm sự sinh-hoá của con người Việt Nam? Đó là nhờ thuyết bất-vô mà thiền-sư Đạo Huệ đã công-bố vào năm 1172. Khi tiết-lộ cho môn-đệ hiểu rõ yếu-chỉ của đời ông, Đạo Huệ không hẳn chỉ đơn-thuần áp-dụng một phương-pháp giáo-dục cá-nhân. Trước ông là hành bao nhiêu thế-kỉ đã suy-nghĩ như ông trước những vấn-đề mà đời sống đặt ra và phải giải-quyết. Trước ông đã có những nhân-vật kiệt-xuất như LẠC LONG QUÂN đã uy-dũng đánh thắng con ngư-tinh để giúp cho dân-chúng ổn-định đời sống. Con ngư-tinh ấy không phải chỉ là một con vật huyền-thoại. Nó là thuồng-luồng, là những con sấu hung-dữ phá-hoại mùa-màng, vườn-tược, nói chung là hệ sinh-thái của quần-chúng. Lạc Long Quân đã có công thuần-hoá những con quái-vật đó, bắt chúng phải sống hiền-lành hơn, có ích hơn cho loài người, nhờ đó mà lịch-sử thuần-hoá thiên-nhiên để phục-vụ cho quyền sống của con người được diễn ra rộng khắp, đáp-ứng với mọi vấn-đề trong đó có tư-tưởng. Thuyết bất-vô đã được hình-thành như thế nào? Nó có những liên-hệ gì với tư-tưởng sắc sắc không không của Phật-giáo, thuyết vô-vi của Lão-giáo, thuyết vô khả vô bất khả của Khổng-giáo?

Khái-quát về thuyết bất-vô trước Đạo Huệ.
Đạo Huệ sinh vào đời Lý ( ?-1172). Trước thiền-sư, cuộc tranh-luận về hữu vẫn còn sôi-nổi giữa các thiền-sư Ấn-độ, Trung-hoa, kéo theo vấn-đề bất vô bất hữu cũng tranh-luận sôi-nổi không kém. Trong khuôn-khổ nhỏ hẹp của bài nói chuyện này, Tôi chỉ nhắc sơ qua đến hai quan-niệm đối-lập nhau, một bên chủ hữu là thuyết của Tăng Triệu, một bên chủ bất-vô của Huệ Năng.
Tăng Triệu (384-414) và thuyết bất chân không.
Tăng Triệu có hai chủ-trương chính gọi là thuyết chủ hữu, khẳng-định rằng những hiện-tượng ngoại-giới là có thực (Tăng Triệu, Bảo tạng luận). Thuyết thứ 2 trình-bày trong tác-phẩm Bất chân-không luận, cho rằng thế-giới hiện-tượng, chính vì nó là hiện-tượng, cho nên cũng có thể cho nó là giả, cho nó là “vô”, nhưng đã cho rằng có hiện-tượng thì cũng không thể không gọi chúng là “hữu” (Cao Xuân Huy, Tư-tưởng phương Đông, 1995, tr.600). Thuyết này được gọi là thuyết “bất chân-không”, coi hiện-tượng chẳng phải là chân vô, chẳng phải là thực hữu.
Huệ Năng (638-713) và thuyết bất -nhị. 
Huệ Năng không tán-thành thuyết chủ-hữu. Thiền-sư là học-trò của Hoàng Nhẫn đệ-ngũ tổ và đã được thầy trao y-bát sau khi trình-bày bài kệ chủ vô. Hai chủ-thuyết của Huệ Năng được thế-nhân truyền-tụng là thuyết vô-niệm và thuyết bất-nhị. Thuyết vô-niệm thường bị hiểu sai lầm là trạng-thái hoàn-toàn không có ý-niệm, trạng-thái tinh-thần của một người đầu ốc rỗng tuếch. Suzuki hiểu như vậy là dịch vô-niệm là no-mind (tiếng pháp là le non-mental). Nhà Phật-học Lucien Houlné, tác-giả cuốn Discours et sermons, nghiên-cứu  và phiên-dịch Pháp bảo-đàn kinh, tác-phẩm của Huệ Năng, đã kịch-liệt phê-bình quan-điểm của thiền-sư Suzuki và dịch vô-niệm là le non-attachement, nghĩa là không nắm bắt được. Ông Lucien Houlné dịch như vậy là đúng với chữ-nghĩa Kinh Kim Cương, đúng với chữ vô sở trụ trong câu ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm, chữ trụ này được từ-điển Phật-giáo dịch ra tiếng anh là: to maintain, firmly hold to, nghĩa là giữ chặt, nắm chặt (X. A dictionary of chinese buddhist terms của W.E. Soothil, tr. 224) Tôi căn-cứ vào cách hiểu từ vô-niệm của Lucien Houlné để tán-thành quan-điểm của Hoà-thượng Thích Mãn Giác khi thiền-sư rảo khắp cả nội-dung của Pháp bảo-đàn kinh để chứng-thực Huệ Năng là một người Việt Nam, bởi vì nếu vô-niệm có ý-nghĩa là không nắm bắt được thì chính chữ niệm phải được đọc bằng âm nôm là NẮM (vào thời cổ chắc phải phát-âm là NÁM, như cách đọc của đồng-bào Quảng-ngãi ngày nay). Nếu Huệ Năng là người Việt Nam thì học-thuyết phụ của ngài là thuyết bất-nhị phải có họ-hàng với thuyết bất-vô của Đạo Huệ. Hai thuyết bổ-sung cho nhau để nói lên một sự thật sâu-xa trong tâm-thức người Việt Nam là: “Ở trong tướng mà vẫn xa lìa tướng; tuy ở trong không mà vẫn không chấp-trước không”. (Pháp bảo-đàn kinh, bản dịch của Thích Mãn Giác, đoạn 46, tr. 86). Lục-tổ giảng rõ hơn: “Bóng tối tự nó không phải là bóng tối, vì có ánh sáng cho nên có bóng tối, bóng tối không tự nó là bóng tối bởi vì ánh sáng biến thành bóng tối, và bóng tối làm hiển-hiện ánh sáng. Ánh-sáng và bóng tối là sinh-nhân của nhau”(Nt). Ta có thể biết thêm 36 đối-pháp mà Huệ Năng liệt-kê đầy-đủ để nêu rõ những cặp mâu-thuẫn như trời / đất, mặt trời / mặt trăng, bóng tối / ánh sáng, âm / dương v.v… nhưng bằng nấy cũng tạm đủ để ta có thể đi vào học-thuyết bất-vô của Đạo Huệ
ĐẠO HUỆ ( ?- 1172) VÀ THUYẾT BẤT-VÔ.
Trở lại 36 cặp đối-pháp mà Huệ Năng cẩn-thận liệt-kê trong Pháp bảo-đàn kinh, ta thấy có 5 cặp thuộc ngoại-cảnh vô-tình (5 extérieures inanimés), đó là:
                   Trời                          Đất
                   Mặt trời                 Mặt trăng
                   Bóng tối                 Ánh sáng
                   Âm                        Dương
                   Lửa                       Nước
12 cặp thuộc về ngôn-ngữ và pháp-tướng:
                   Hữu-vi                   Vô vi
                   Hữu-sắc                Vô-sắc
                   Hữu-tướng            Vô-tướng
                   Hữu lậu                 Vô lậu
                   Sắc                       Không
                   Động                     Tĩnh
                   Trong                     Đục
                   Phàm                    Thánh
                   Tăng                      Tục
                   Già                        Trẻ
                   Lớn                       Nhỏ
                   Dài                        Ngắn
19 cặp trong dụng-khởi từ tự-tính:
                   Tà                         Chánh
                   Si                             Huệ
                   Ngu                       Trí
                   Loạn                      Định
                   Giới                      Sai
                   Thẳng                    Cong
                   Thực                     Hư
                   Dốc                       Bằng
                   Phiền-não              Bồ-đề
                   Từ                         Hại
                   Vui                        Giận
                   Xả                         Tiếc
                   Tiến                       Thoái
                   Sinh                      Diệt
                   Thường                 Vô thường
                   Pháp-thân              Sắc-thân
                   Hoá-thân                Báo-thân
                   Thể                       Dụng
                   Tính                       Tướng
                   Hữu tình                Vô tình
Tổ-tiên của Đạo Huệ, những người mà lịch-sử quen gọi là Lạc Việt, (mà ta hiểu là những người sống trên nước và dùng vớt để đánh cá) chắc sống với nước nên đã không lạ gì những vận-động có tính qui-luật của nước: chảy ngược chảy xuôi, chảy lên chảy xuống, chảy ngang chảy dọc v.v… Qui-luật phát-hiện ra là sự-vật nào cũng có bản-chất (nước) và hiện-tượng (sóng), cũng có những cặp đối-lập như nước rặc (xuống) nước ròng (lên), nắng / mưa, nóng / lạnh, nước / lửa. Long-quân nói với Âu-cơ: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thuỷ-tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm-dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng nước lửa khắc nhau, dòng giống bất-đồng, khó ở với nhau được” (Trần Thế Pháp, Lĩnh-nam chích quái, Truyện Hồng-bàng), đó là tổ-tiên chúng ta đã phát-hiện được một cặp đối-lập mà dần-dần qua kinh-nghiệm của đời sống, ông và con cháu sẽ khái-quát hoá thành triết-lí âm-dương. Hai từ âm-dương này, gốc của nó hiển-nhiên xuất-phát từ miền Nam theo lời khẳng-định của nhóm triết-học Kim Định, nhưng ngay cả cái âm-ngữ, của từ này nhất-định cũng là gốc-gác thổ-âm miền Nam, đó là những âm IM và DANG. Im là trạng-thái không có biểu-hiện của hoạt-động, không có sự di-động, sự đổi chỗ (TĐTV, tr.301); dang là mở rộng ra cả hai phía, như nói dang tay (TĐTV, tr.260). Người Việt đã quan-sát thấy hiện-tượng này từ khi bắt đầu biết trồng lúa nước, vào khoảng 6.000 năm trước TCGS, sau Ấn-độ 3.000 năm, nhưng trước Trung-quốc khoảng 3.000 năm (Tôn-thất Trình, ngành trồng lúa ở Việt Nam, Vietnamologica số 4, Montréal, 1999). Lạc Long quân trong Lĩnh-nam chích quái có dùng từ âm-dương. Có thể từ nay chỉ là một từ hán mà các nhà nho đều biết và yên trí đó là những chữ hán gốc; tác-phẩm Lĩnh-nam chích quái lại chỉ được viết vào thế-kỉ XIV, XV thì lại càng biết chắc rằng chính tác-giả đã dùng từ âm-dương đó thay cho nhân-vật của ông. Nhưng vào thời Lạc Long quân, giả-định là khoảng thế-kỉ thứ 3, TTCGS, tôi khẳng-định là từ âm-dương đã xuất-hiện, nếu không dưới dạng yin / yang kiểu Trung-hoa thì cũng là im / dang kiểu Lạc Việt mà Trần Thế Pháp không có cách nào khác hơn là mượn hai chữ hán để biểu-âm, theo phương-pháp giả-tá. Cũng có thể chữ yin / yang của Trung-hoa là do từ việt-cổ ná / áng mà ra vì ná / áng hay áng / ná có nghĩa là cha mẹ, đúng như đầu-đề cuốn Cả blả ơn áng ná cực nặng giả-thiết là tác-phẩm của Nguyễn Trãi, dịch từ nguyên-bản hán-văn Đại báo phụ-mẫu ân trọng kinh, trong đó từ phụ-mẫu được dịch nôm là áng ná (Génibrel, tr.4) Tuy nhiên, khái-niệm âm-dương được hình-thành từ sự đối-lập giữa hai thao-tác mâu-thuẫn im / dang có thể là hợp-lí nhất.
Sau khi đã chiêm-nghiệm các cặp đối-lập về mặt cơ-cấu, tổ-tiên ta quan-sát những cặp ấy về mặt liên-hệ. Vì sống ở những vùng sông nước, các cụ ta được hưởng một đặc ân của trời đất là rất bén-nhậy, rất thính, thính về mắt, về mũi, và nhất là về tai. Về phương-diện này có thể nói mỗi một người Việt Nam là một nhạc-sĩ. Khi chú-ý đến các cặp đối-lập, người xưa đã không quên lắng nghe những âm-thanh và những nhịp-điệu phát ra, cứ hai thanh ngắn đi trước thì một thanh sau kéo dài, cứ hai nhịp nhẹ đi trước thì một nhịp nặng đến sau, tỉ-dụ:
Hiện nay ta vẫn còn được nghe nhịp-điệu này trong những đám múa lân. Múa lân gốc là một trò chơi của trẻ em Việt Nam, nguyên là múa long, sau chuyển sang tay người Trung-hoa trở thành múa lân. Mỗi lần nghe các em múa lân gõ trống, ta phải để ý tới nhịp 2 dồn-dập thoát ra từ chiếc trống cái và các trống con. Cụ Sáu đã giữ được nhịp-điệu này trong ban trống của nhà xứ Phát Diệm. Đây là nhịp trống mà ai gốc Phát Diệm cũng đã được nghe từ hồi còn nhỏ, trong những ngày lễ lớn:
Nhịp-điệu cổ-sơ này dần dần được khái-hoá thành - - — hai vạch ngắn là hai vạch con tượng-trưng cho 2 tiếng nhẹ, ngắn, nhỏ, nét dài tượng-trưng cho 1 tiếng nặng, mạnh kéo dài. Khi khái-niệm âm-dương thành hình thì 2 vạch ngắn bắt-buộc là phải được dùng để chỉ âm, vạch dài chỉ dương. Tại sao hai vạch nhỏ lại đi trước vạch lớn lại đi sau? Đó là vì sự tất-yếu của nhịp-điệu, phù-điệu dài bao giờ cũng chấm dứt nhạc-phẩm, trong khi nhịp ngắn dùng để bắt đầu, điều này rất dễ hiểu nếu ta quan-sát một bản nhạc dù là nhạc phổ-thông. Phù-điệu đi trước đứng về mặt trái, phù-điệu đến sau đứng về mặt phải, do đó phía trái bao giờ cũng quan-trọng hơn phía bên phải. Chúa Kitô lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, tức là Đức Chúa Cha ngồi bên trái, quan-trọng hơn Đức Chúa Con.
TUYÊN NGÔN CỦA ĐẠO HUỆ NĂM 1172.
 
Năm 1172, trước khi mãn-phần, thiền-sư Đại Huệ, giáo chủ phái thiền-học bất-vô, đọc cho môn-đệ nghe bài thơ kết thúc tư-tưởng của ngài.
 
                             鑪若不色
                       中人合身
                       花要不與
                       一真分妙
                       枝別離体
                      
Sắc-thân dữ diệu-thể
Bất hợp bất phân-li
Nhược nhân yếu chân biệt
Lô trung hoa nhất chi.
 
Tạm dịch:
 
Sắc-thân và diệu-thể
Chẳng hợp chẳng phân-li.
Người nếu ưng phân-biệt
Trong lò nhìn hoa kia.
Để hiểu rõ bài thơ này, xin đọc báo VIETNAMOLOGICA số 4 (1999). Cũng xin đọc thêm cuốn The Literature of the Personalists of early Buddhism của tì-kheo Thích Thiện Châu do Vietnam buddhist research institute xuất bản, Paris, 1978. Trong khuôn-khổ của bài nói chuyện này, tôi chỉ nhấn mạnh vào câu 2 - Bất hợp bất phân li mà tôi cho đó là khẩu-hiệu mà Đạo Huệ đưa ra để làm tiêu-chuẩn cho văn-hoá Việt Nam. Khẩu-hiệu đó là nguyên-lí bất vô. Nguyên-lí này có những đặc-điểm như sau:
* Đặc tính giao-thoa: đầu tiên là giao-thoa giữa cái tiền-nghiệm và cái hậu-nghiệm. Các triết-gia Ấn-độ và Trung-quốc đã mỏi miệng tranh cãi về những vấn-đề nguồn gốc của tri-thức, của luật nhân-quả. Tăng Triệu chẳng hạn đã quả-quyết, như Huma, là không có luật nhân-quả. Ông nói ngược đời như vậy mà từ trước đến giờ có ai bắt-bẻ được ông đâu!
Đạo Huệ trả lời một cách nhẹ-nhàng: làm gì có một tri-thức nào hoàn-toàn tiền-nghiệm và hoàn-toàn hậu-nghiệm; nó là kết-quả của một cuộc giao-thoa giữa cái tiền-nghiệm và cái hậu-nghiệm. Nói cách khác, trong cái tiền-nghiệm có cái hậu-nghiệm và trong cái hậu-nghiệm có cái tiền-nghiệm. Hoạt-động tinh-thần của con người được điều-động bởi nguyên-lý bất-vô: bất hợp bất phân-li.
- Giao-thoa giữa cái cụ-thể và cái trừu-tượng: Nho-giáo chẳng hạn vẫn tin rằng tri-giác con người chỉ đạt đến những đối-tượng cụ-thể. Lão-tử cười và cỡi lừa đi vào rừng. Thực ra sự trực-giác thuần-tuý về cái cụ-thể cũng phù-du không kém gì cái biểu-tượng hoàn-toàn trừu-tượng. Làm sao mà tinh-thần có thể đứng trụ mãi trong trừu-tượng được, nó phải dựa vào một biểu-tượng giác-quan, tỉ-dụ, có màu sắc để thấy, có hương-vị để ngửi, v.v… Một từ-ngữ hoàn-toàn trừu-tượng, nghĩa là không gợi ra được một thực-tại cụ-thể nào, là hoàn-toàn vô-nghĩa. Cụ-thể và trừu-tượng không tích-hợp mãi với nhau được, nhưng cũng không phân-li. Cụ-thể và trừu-tượng đi đi lại lại với nhau luôn luôn không khi nào rời. Chính cái quá-trình đi từ sự-vật tới khái-niệm, từ khái-niệm đến sự-vật ấy nó tạo ra thuyết bất-vô.
- Giao-thoa giữa đối-thể và chủ-thể, giữa sự-vật và tinh-thần, nói một cách khác, không có tính chủ-quan thuần-tuý, cũng không có tính khách-quan tuyệt-đối, hay nói đúng hơn, đối-thể thông-tin cho chủ-thể, ngược lại, chủ-thể thông-tin cho đối-thể, một thể mà là hai, hai thể mà là một. Tinh-thần đâu có đúc được những cái khuôn có sẵn để chứa đựng sự-vật, và chính sự-vật thì cũng không có trước như chúng ta tri-giác thấy trước khi hoạt-động đồng-hoá của tinh-thần diễn ra. Qui-luật của thực-tại khách-quan không độc-lập đối với cơ-cấu của tinh-thần, và cơ-cấu của tinh-thần cũng không độc-lập đối với cơ-chế của thực-tại. Nói cách khác, không có sự-vật nào được gọi là đã thành-tựu sẵn-sàng. Tất cả là đang đi tới, đang diễn-biến, đúng như Lão-tử đã nhìn thấy. Như vậy, không có cái gì là tuyệt-đối. Mọi giá-trị đều tương-đối và khởi-sắc nhờ những liên-hệ của nó đối với một vật khác.
Để kết luận, ta có thể đối-chiếu thuyết bất vô với một vài qui-luật của luận-lí-học tây-phương, tỉ-dụ, với luật đồng-nhất, luật lí-do đầy-đủ, tức luật nhân-quả, phép biện-chứng. Ta thấy sự đối-chiếu sẽ khó-khăn, chẳng khác gì ta đem đối-chiếu cái động với cái tĩnh riêng-biệt, trừ phi cái động và cái tĩnh ấy có quan-hệ qua lại mật-thiết với nhau. Đối với phép biện-chứng tây-phương, trong khi phép biện-chứng của các triết-gia Hi-lạp, của Hégel và Marx ngày nay đã trở thành kinh-viện khô-khan, nếu không nói là đã bị đào-thải trước phép biện-chứng khoa-học thì thuyết bất-vô của Đạo Huệ, trên nền tảng của tư-tưởng Việt Nam, Trung-hoa và Ấn-độ, vẫn còn giá-trị để làm chứng cho sự trường-tồn của văn-hoá Việt Nam.
* Đặc tính bổ-túc.
Ngoài tính giao-thoa, thuyết bất-vô của Đạo Huệ còn có giá-trị nhờ ở đặc-tính bổ-túc. Ở trên, ta đã biết âm và dương tự khẳng-định một cách lần-lượt như thế nào nhưng ta cũng thấy tuy chúng không phủ-nhận nhau mà lại cũng không thể nào đạt đến được một tổng-hợp hoà-hài và rõ ràng. Những khẳng-định ấy đều được coi là bổ-túc mặc dầu người ta không có thể nhìn thấy một cách hợp lí chúng bổ-túc cho nhau như thế nào. Khái-niệm bổ-túc mới được nhà bác-học Niels Bohr (1885-1962), giải thưởng Nobel về vật-lí-học (1922), công bố mới đây, nhưng nó có giá-trị củng-cố cho thuyết bất-vô đứng trước phép biện-chứng duy-linh của Hegel và phép biện-chứng duy-vật của Marx. Nói chung, các nhà biện-chứng người Đức đều chủ-trương có sự đối-kháng đấu-tranh quyết-liệt và gay-gắt giữa chính-đề và phản-đề. Đối với màu-sắc chẳng hạn, từ đen đến trắng, xanh, vàng, đỏ, ta chỉ thấy có một thang độ âm-dương rõ-ràng, có đối-kháng gì đâu? Không có mâu-thuẫn, không có đấu-tranh, chỉ có bổ-túc hỗ tương, mặc dầu sự bổ-túc này không đưa tới một tổng-hợp hoà-hài, lí-do chỉ là vì vấn-đề mức-độ. Chỉ có xẩy ra những cái không thích-đáng, không thích-hợp một khi những biểu-tượng mà ta dùng trong mức-độ vĩ-mô lại được đem dùng trong mức-độ vi-mô. Điều này rất đúng đối với những cuộc thí-nghiệm vật-lí-học, nhưng nó cũng rất phù-hợp với đời sống tinh-thần của người Việt Nam.
- Tỉ dụ về vấn-đề đời sống. Một bên là sắc thân, được nói đến rất nhiều trong Pháp bảo-đàn kinh của Huệ Năng, một bên là diệu-thể, mà Huệ Năng hiểu là Pháp-thân. Lí-tưởng là ta phải hiểu sắc thân và diệu-thể trong một tổng-thể hoà-hài, nhưng trong thực-tế, khi phải dùng ngôn-từ để giải-thích hiện-tượng đó, ta bắt buộc phải nắm bắt chúng một cách riêng biệt và lần lượt. Điều đó không trái ngược với quan-điểm bất vô của Đạo Huệ, bởi vì, sau khi đã lần-lượt tìm hiểu hai sắc-thái đó một cách phân-biệt, ta sẽ rõ cơ-cấu bất-nhị của chúng: không hợp cũng không phân-li, không phân-li mà hoà-hợp, bởi vì xét về quan-hệ giữa chúng, chúng vẫn gắn bó mật-thiết với nhau, vẫn hoạt-động và chuyển-hoá lẫn cho nhau, vẫn bổ-túc cho nhau như những cặp đôi khó tách rời, như non với nước, như tiên với rồng, như cha với mẹ, như vợ với chồng, như anh với em v.v…Tính cặp đôi này được diễn ra trong mọi mặt của cuộc sống, tỉ-dụ luận về chữ hiếu thì có cặp từ công cha / nghĩa mẹ, nói về thiên-văn thì trời tròn / đất vuông. Ngay cả những từ đã rõ nghĩa vẫn còn phải chú-thích cho đủ cặp: núi Thái-sơn, sông Hương-giang. Chữ Bố-cái đại-vương nằm trong qui-luật này vì thực ra đại-vương là chữ hán, được Phùng An dịch ra chữ nôm là bua [бua?] cái, bua [бua?]  là vương (tức vua), cái là cả, là lớn, dịch chữ đại như nói sông cái (sông Hồng chính là tên hán-hoá của chữ Cái, Hồng nghĩa là lớn, không phải là màu đỏ), ngón tay cái, đường cái v.v…Đọc bua [бua?] cái thành bố-cái là đọc sai 1 lần, đọc Bố Cái Đại-vương là sai một lần thứ 2, nhưng tinh-thần dân-tộc như thế thì làm thế nào? Cũng trong tinh-thần ấy, các từ nước ngoài nhập vào Việt Nam đều bị khuôn theo một qui-luật: ông Tơ (Trung-hoa) thì lập tức có bà Nguyệt, Phật-ông / Phật-bà, Chúa / Mẹ v.v…Các từ nước ngoài như affaires trở thành phe (áp-phe) chưa đủ, phải có phẩy là phe-phẩy mới có tính việt-nam, chữ good-bye hiền-lành thế mà khi nói gút bai là người Việt thêm ngay yếu-tố mai gặp, thành gút bai / mai gặp nhịp-nhàng và rất Việt-nam.
- Tỉ-dụ 2: về vấn-đề tự-do và định-mệnh (hay quyết-định luận). Đời sống xã-hội cho ta có kinh-nghiệm rằng không có định-mệnh không thể có tự-do. Tôi chỉ có thể theo mục-đích mà tôi đã nhắm là nhờ ở việc tôi có biết những qui-luật điều-động sinh-hoạt bên trong của tôi. Người Việt Nam sống trong nền văn-hoá nông-nghiệp trọng tĩnh hiểu rõ hơn ai hết là con người chỉ sống được với thiên-nhiên bằng cách hoà-hợp với nó (Trông cho chân cứng đá mềm, Trời yên biển lặng mới êm tấm lòng). Ngược lại, không có tự-do, chúng ta không có một ý-niệm gì về định-mệnh cả, và do đó, ta dễ sống buông xuôi, ta sẽ không có ý-thức về bất cứ một vấn-đề gì. Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều (đúng ra phải nói là Đoạn-trường tân thanh) để giải vây cho con người trước sự thống-trị của định-mệnh. Nhà thơ kiệt-xuất của chúng ta chủ-trương ta chỉ thắng định-mệnh bằng cách hoà-hợp với nó, nghĩa là bằng cách dùng tự-do của ta trong vòng phối-hợp với định-mệnh. Hình như đó cũng là quan-điểm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong tác-phẩm Dòng sông định-mệnh thì phải?
* Đặc-tính hữu-cơ của thuyết bất-vô.
Đây là hệ-luận của đặc-tính bổ-túc. Thật ra tất cả mọi tri-thức khoa-học, khoa-học tự-nhiên cũng như khoa-học xã-hội, đều có khả-năng bổ-sung cho nhau. Tư-duy đâu chỉ là một tấm thảm, một bức khảm hoạ hoành-tráng không cần đến cái gì khác ngoài nó? Như trong một cơ-thể, tung-hoành một tinh-thần nhất-trí cao-độ, đến nỗi chỉ thay đổi một bộ-phận là làm rung-rinh cả kiến-trúc sinh-lí. Vì vậy mà xuất-hiện môn học liên-ngành lần đầu tiên được tổ-chức tại Đại-học Huế năm 1960 về hệ sinh-thái học, cũng như về đời Lý năm 1060, 1065, đã được thiết-lập môn Tam-giáo đồng-nguyên tại Quốc-tử giám, trường Đại-học đầu tiên của Việt Nam. Xin nói ngay rằng chính nhờ ở tinh-thần hoà-đồng tôn-giáo mà nước Việt Nam vào những thế-ki XII, XIII trở thành một quốc-gia mạnh nhất Đông Nam Á vì đã đánh thắng được giặc Mông-cổ hung-dữ nhất thế-giới.
- Tính hữu-cơ trong ngôn-ngữ văn-chương.
Cứ xét hình-thức và nội-dung của ngôn-ngữ văn-chương, ta đủ thấy rõ tính hữu-cơ (organique) của văn-hoá do thuyết bất-vô qui-định. Ta thấy ngay ý-nghĩa không lúc nào cũng đến với từ-ngữ một cách như tiền-định: ý-nghĩa này tuỳ-thuộc vào cách sử-dụng của người viết, nó thay-đổi dễ-dàng theo văn-mạch và chỉ cần thay đổi một từ là những từ-hạng còn lại của câu văn mang một sắc-thái khác ngay. Ví-dụ lấy trong Chinh-phụ-ngâm, bản dịch của Đoàn thị Điểm: Dòng nước sâu ngựa nản chân bon (Sđd, c.70). Bon nghĩa là gì? Một từ vô-nghĩa, bởi muốn có nghĩa là chạy nhanh và nhẹ-nhàng thì phải nói là bon-bon, không thể cắt đôi một từ kép mà bắt nó phải giữ nguyên-nghĩa. Do đó, và đối-chiếu với nguyên-bản hán-văn có động-từ súc nghĩa là co rúm lại, ta phải phiên-âm chữ bonblun, một từ cổ thế-kỉ XVII-XVIII mà Alexandre de Rhodes còn giữ được trong từ-điển của ông, với nghĩa là co rúm. Từ blun sau chuyển thành tlun (cuối thế-kỉ XVIII), trun (thế-kỉ XIX), chun, xun, thun (dây thun) thế-kỉ XX. Vì không biết từ blun cổ này, các nhà phiên-âm, kể cả học-giả lão-thành Hoàng Xuân Hãn, đã làm sai lạc ý-nghĩa của câu thơ số 70. Cái sắc-thái co rúm lại vì sợ khác với ý “không dám bước mau” mà giáo-sư Hãn đã giải-thích đã làm cho ý của câu thơ yếu đi nếu không nói là khác hẳn. Cái sắc-thái bị biến-đổi này không phải chỉ đơn-thuần là một hệ-quả có thể tính-toán được trong trừu-tượng: ta chỉ thấy nó một khi câu văn được viết lại, tuồng như tổng-hợp là một cái gì tương-đối độc-lập đối với những thành-tố mà nó tụ-tập. Câu thơ được viết lại là: Dòng nước sâu, ngựa nản, chân blun (Chinh-phụ-ngâm, bản nôm của Đoàn thị Điểm do Lê Hữu Mục phiên-âm, Vietnamologica, IV, 1999) So với câu chữ hán: “Thuỷ thâm-thâm, khiếp đắc mã đề súc”, câu thơ dịch đúng từng chữ: Thuỷ thâm-thâm = dòng nước sâu, khiếp = nản (nghĩa là sợ, chứ không có nghĩa là chán nản) chân blun: (mã) đề súc. Trong phần chú-thích bản hán-văn của Đặng Trần Côn, giáo-sư Hoàng Xuân Hãn đã chữa lại câu phiên-âm của ông. Ông viết: “chữ súc đây, nghĩa là co, có lẽ hợp ý và cách đặt câu hơn… Với thoại súc , phải đổi…ra là: vó ngựa sợ phải co chùn” (Chinh-phụ ngâm bị khảo, Paris, 1952, tr.239) Nếu đã là co chùn thì không phiên-âm là bon được; phải phiên-âm là blun, vì vào tiền bán thế-kỉ XVIII, từ này còn thông-dụng với phụ-âm đầu /bl/. Tính hữu-cơ của thuyết bất-vô như vậy là rất rõ và rất cần-thiết để kiểm-soát tính chính-xác của những bản phiên-âm nôm.
* Ngôn-ngữ Việt Nam phong-phú là nhờ ở tính hữu-cơ.
- Đầu tiên là nhờ một số rất nhiều từ láy. Hình-thức láy đơn-giản nhất là loại từ điệp nghĩa là tự nhắc lại nó như nao-nao, thanh-thanh, vặc-vặc, sát-sát; thứ đến loại điệp biến vế đầu, nhưng vẫn tôn-trọng luật thuận-thanh, tỉ-dụ vặc vặc → vằng-vặc, sát sát → san-sát; gọi là tôn-trọng luật thuận-thanh là vì vần cuối /K/ đi với /NG/, như vặc thì biến thành vằng, nếu viết vằn là sai luật thuận-thanh, vần cuối /T/ đi với /N/, cho nên sát-sát → san-sát, nếu viết sang-sát là sai luật thuận-thanh. Hệ-thống thuận-thanh rất chặt-chẽ. Ta có bảng thuận-thanh được đặt như sau cho dễ nhớ: Sắc không hỏi, Huyền ngã nặng (Ông Sắc mà không hỏi cô Huyền thì cô Huyền sẽ ốm nặng). Tỉ-dụ:
sắc không / không sắc: chứa-chan / mang-máng.
không hỏi / hỏi không: thon-thả / hở-hang.
sắc hỏi / hỏi sắc: sắc-sảo / ngổ-ngáo.
huyền ngã / ngã huyền: còm-cõi / sỗ-sàng.
ngã nặng / nặng ngã: nhã-nhặn / vật-vã.
huyền nặng / nặng huyền: vừa-vặn / nặng-nề.
Ta còn thiết-lập nhiều bảng khác tương-tự. Ta cũng có thể nghiên-cứu mọi hình-thức láy, như láy toàn bộ, láy bộ-phận, láy âm đầu, láy vần v.v… nhưng ở đây tôi chỉ cần nhấn mạnh đến tính hữu-cơ của ngôn-ngữ, chứng-thực rằng nhờ tính hữu-cơ này mà tiếng việt đã biến-đổi âm-ngữ, hình-thức, thanh-điệu một cách vô cùng phong-phú, đa-dạng mà ngoạn-mục, làm cho tiếng việt càng ngày càng giàu có để thích-ứng với mọi môi-trường ngôn-ngữ.
Ta cũng nên để ý đến tính song-tiết của tiếng việt. Ngay từ buổi đầu lịch-sử, tiếng việt đã là một tiếng nói song-tiết, ngày nay ta vẫn còn dùng những từ như bồ-nông, bù nhìn, mồ hôi, mồ côi v.v…mà giáo sư Trần Ngọc Ninh đã dày công nghiên-cứu trong 3 tác-phẩm ngữ-pháp học của ông (X. Trần Ngọc Ninh, Cơ-cấu Việt-ngữ, I,II, III, Sài-gòn, 1972-1974). Các danh-xưng địa-lí còn mang nhiều dấu-tích song-tiết ấy, như: Cổ-lộng (thực ra là Klống → Trống, kẽm Trống), Cổ-loa (thực ra là klủ, Trủ → chủ), Từ-liêm (tức Tlèm → Trèm → Chèm). Trong Quốc-âm thi tậpCả blả ơn áng ná cực nặng của Nguyễn Trãi, những từ song-tiết ấy còn được đọc tách rời, cho ta thấy sự gần-gũi của tiếng Việt và tiếng Mường, đặc-biệt là tiếng Rục, tỉ-dụ:
KULỐOK     → TRỐC (đầu)
PATỐI         → DỐI
KUHAL        → KHÁI (con cọp)
KHAHÓI      → KHÓI
Trong QATT, những từ trốc, dối còn giữ 2 chân trong câu thơ, làm cho câu 7 chữ rút lại chỉ còn 6 chữ, nhiều nhà nghiên-cứu (trong đó có  giáo-sư Hoàng Xuân Hãn) cho rằng lối thơ 7 chữ xen 6 chữ đó là một thể thơ mới của Việt Nam, thực ra nếu đọc các từ đó trong tiếng Việt-cổ song-tiết, (như trốc đọc là tờ-rốc, dối là děối) thì câu thơ trở lại hình-thức bình-thường.Tính song-tiết cổ dần dần mất đi theo với thời-gian, tiếng việt lại tự-tạo ra loại từ song-tiết mới do các hình-thức láy đã nói ở trên. Thành-ngữ, tục-ngữ tiếng Việt xuất-hiện tưng-bừng trong cấu trúc hai vế đối ứng như: ăn vóc / học hay; biết thì thưa thốt / không biết thì dựa cột mà nghe, vv…
Tính hữu-cơ của tiếng Việt đã tạo ra loại văn câu đối rất được dân-chúng yêu-chuộng vì tính nhịp-nhàng cân-xứng của nó. Từ những câu đơn-giản như lời nói (nước trong leo-lẻo cá đớp cá, Trời nắng chang-chang người trói người, Cao Bá Quát), đến những câu có ý-nghĩa sâu-xa (Thấy xe thiên-cổ xịch đưa ra, không thân-thích lẽ đâu mà khóc mướn, Tưởng sự bách niên dừng nghĩ laị, não can-tràng nên mới phải thương vay, Cao Bá Quát), văn câu đối đã phát-huy được hết tính hữu-cơ làm cho bất cứ nơi đâu, trong bất cứ cơ-hội nào, câu đối cũng được sử-dụng làm tăng thêm ý-nghĩa cho buổi lễ.
Văn xuôi kiểu hiện-đại không thịnh-hành ở Việt Nam vì nó thiếu tính hữu-cơ. Lối văn xuôi cổ cũng được sử-dụng đôi chút vì dù sao tính hữu-cơ của nó tuy ít nhưng vẫn có, nhưng một khi nó biểu-hiện được đôi chút hữu-cơ thì văn xuôi trở thành thông-dụng, tỉ-dụ đoạn văn ghi lại lời chửi của một người đàn bà trong tiểu-thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Đoạn văn này đã được nghệ-sĩ Hồng Vân đọc biểu-diễn trong một băng vi-đê-ô nổi tiếng như sau:
“Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi thì buông tha thả bỏ nó ra, không tôi chửi cho đớơi!
Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ nó bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày thì buông tha thả bỏ nó ra cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật lật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.
Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ, mày bị quỉ sứ thần linh rút ruột ra. Ới cái thằng chết đâm cái con chết xỉa kia.”
Xét theo hàng ngang, câu văn mô-phỏng cách đối-xứng của văn-chương bình-dân, lợi-dụng tính hữu-cơ của từ-ngữ để tạo nên một câu đối nhau thật nhịp-nhàng như: bên sau bên trước / bên ngược bên xuôi, hoặc, đứa ở gần mà qua / đứa ở xa mà lại, hoặc: nó dang tay mặt / nó đặt tay trái. Những câu này chỉ đọc thôi cũng đã thấy hay nhờ tính cân-xứng của các đậu, nhưng được đọc lên to tiếng thì tiết-tấu nhịp-nhàng kiểu nhạc hành-khúc sẽ lôi-cuốn người đọc một cách rất mạnh-mẽ. Xét về hàng dọc, bài chửi được chia ra làm 3 phần như một bài nhạc, đoạn 1 là phần giáo đầu, âm-thanh còn nhẹ nhẹ với những tiếng “tôi” hiền-lành, lời doạ “chửi” còn yếu-ớt. Sang phần 2, âm-thanh mạnh lên tối-đa, chữ tôi đã được thay thế bằng chữ bà cong-cớn và láo-xược! Những từ “mày muốn sống”, “bà đào mả”, “mổ chồng mổ con” dồn-dập nối tiếp nhau bùng nổ ầm-ầm như sấm-sét. Phần 3 dần-dần thu nhỏ lại và bài chửi tạm chấm dứt. Nói tóm lại, đoạn văn này được nhiều người thích vì nó đáp-ứng tâm-lí của người Việt Nam, những người có tai âm-nhạc, thích âm-thanh biến-chuyển, thích tiết-điệu nhịp-nhàng, đi đôi với những lời ví-von đủ kiểu-thức dựng nên cả một quang-cảnh đầy âm-nhạc-tính. Cũng đoạn văn này mà đọc cho một người Pháp, Mỹ, Nhật nghe thì họ không thấy có gì là hứng-thú.
Tính hữu-cơ còn có công-dụng làm tăng-gia tính biểu-cảm của ngôn-từ Việt Nam. Một từ gốc được khẳng-định thêm về sắc-thái, về mùi vị, về hình-thức bằng một yếu-tố thêm ra hay cộng vào, làm cho từ gốc ấy rõ nghĩa hơn, tỉ-dụ: to, nhưng to cũng chưa đủ, phải tát, do đó có từ to-tát, nhẵn cũng chưa đủ, phải nhẵn-nhụi, bảnh cũng chưa đủ, phải bảnh-bao. Những phụ-tố thêm vào có khả-năng tăng thêm kích-thước cho từ, có khi còn tạo ra những sắc-thái mới rất gần-gũi nhau, rất tinh-tế. Tỉ-dụ, chung quanh từ lạnh, ta có lạnh-lùng, lạnh lẽo, lạnh tanh, lạnh ngắt, hoặc nói gộp để tăng-cường ý gốc: nguội tanh nguội ngắt. Cách đặt chữ ghép của người Nam tỏ rõ tính-tình thiết-thực của họ: tùm lum, rồi tùm-lum tà-la, hết trọi, hết trơn hết trọi. Các nhà thơ lớn đều nổi tiếng về cách dùng từ theo kĩ-thuật này:
Bà huyện Thanh Quan:    thấm-thoắt, cảnh đấy, người đây.
Nguyễn Công Trứ:           vay trả, trả vay, vẫy-vùng, ai nhục ai vinh, thảnh-thơi v.v…
Hồ Xuân Hương:             cỏ gà lún-phún, cá giếc le-te
Nguyễn Du:                    mày râu nhẵn-nhụi, áo quần bảnh-bao.
Có những từ biểu-hiện tính hữu-cơ một cách cụ-thể theo những thể-cách đều-đặn có tính qui-luật, tỉ-dụ xét về tác-dụng của từ-pháp, ta có: giảm nghĩa (hồng-hồng), tăng-nghĩa (bạc-bẽo), diễn-tả ấn-tượng (sờ rậm-rạp, mó lam-nham), hình-ảnh (chênh-vênh), âm-thanh (ầm-ầm, sầm-sập), khái-quát hoá (đau-đớn), cụ-thể hoá (thon-thả, nhỏ-nhắn), tổng-hợp hoá (hát-hỏng, múa may). Xét về phương-thức cấu-tạo các từ ghép, cấu-tạo song-song bằng cách dùng những từ gần-gũi (mắt mũi), từ cặp đôi (ăn mặc, xe cộ), từ đối (may rủi), hoặc cấu-tạo bằng cách ghép chính-phụ (nhà thơ, ăn cánh, chạy làng, áo dài).
Xét về mặt tu-từ ngữ-âm, ta còn thấy tính hữu-cơ của từ đưa đến nhiều trường-hợp thú-vị, ở đây chỉ nêu vắn-tắt vì đoạn này đã quá dài. Xét về những đặc-sắc của âm-tiết tiếng việt, về âm đầu, ta có những âm cứng, tắc, không vang b, t, tr, c, ch, đ, th, kh gợi ra những cảm-giác mạnh-mẽ, rắn-rỏi: trúc-trắc, trục-trặc, điệp-điệp, trùng-trùng, đẫy-đà, khoẻ-khoắn, bấp-bênh, tục-tĩu, v.v… Hoặc những âm mềm, tỉ-dụ âm xát (x, s, v, d, r, g, l), âm mũi (m, n, ng, nh) gợi lên những ấn-tượng mềm-mại, êm-ái, nhẹ-nhàng: ríu-rít, run-rẩy, rung-rinh, lập-loè, long-lanh, xao-xác, xốn-xang, nũng-nịu, nâng-niu. Nguyên-âm cũng có tính hữu-cơ, và chia ra các nguyên-âm sáng: a, ă, oa (mở rộng): sảng-khoái, rộng-rãi, oang-oang, vang dội. Nguyên-âm tối: i, u, ư (hẹp): tối-tăm, âm-u, tức-tối. Nguyên-âm tròn: o, ô, gợi ra những hình-ảnh vòng tròn: tròn-trịa, đầy-đặn, căng-phồng. Nguyên-âm dẹt: e, ê như nói: le-te, sè-sè, bé-bỏng, hẹp-hòi, ủ-ê, đê-mê.
Thú-vị nhất là nói về tác-dụng tu-từ của âm-tiết. Ở đây, ta có thể trưng ra những trường-hợp có tính qui-luật:
• luật KW, gợi hình cong (quắm, quặm, quặp, quắp, queo, quéo, quanh-quẩn)
• luật x (ap) - x (ng), gợi cặp đôi mờ / tỏ (thấp-thoáng, lấp-loáng)
• luật x (ap) - x (o), gợi cặp đôi  có / không (thập-thò, lấp-ló, mập-mờ)
Hoặc có ý-nghĩa giảm thể-tích, hạ chiều cao: các vần óp, ép, ọp, ẹp (óp, tóp, lẹp xẹp, lúa lép)
Hoặc có ý-nghĩa che đậy kín mít: các vần it, et (khít, sít, bít, mù-mịt)
Hoặc chỉ ý-nghĩa cong, tròn: các vần ong, om (cong, cõng, khom, vòm)
Hoặc chỉ trạng thái lớn dần ra: các vần oe,oa (loe, xoè, xoã)
Hoặc chỉ trạng thái nhỏ dần đi: các vần eo, ui (eo, tẻo-teo, xìu).
Phải đi sâu vào tính hữu-cơ của tiếng việt mới thấy tiếng việt hay như thế nào, và phong-phú chừng nào. Trong cuốn Truyện Kiều và tuổi trẻ viết chung với bà giáo-sư Phạm thị Nhung và dược-sĩ Đặng Quốc Cơ do Làng văn xuất-bản năm 1998, tôi có giới thiệu một câu thơ hay của Nguyễn Du, đó là câu: Vó câu khấp-khểnh, bánh xe gập-ghềnh (TK, c.870), xây dựng theo luật x (ap) – x (ng). Xin đọc trong tác-phẩm của chúng tôi để thấy cái hay của tính hữu-cơ tiếng việt.
Cuối cùng, muốn nói đầy đủ về tính hữu-cơ của từ tiếng việt, phải chú-trọng đến tính biểu-ý, tỉ-dụ từ khôn. Nếu chỉ có khôn mà thôi, chưa đủ, vì khôn là khôn cho mình, cho gia-đình mình, cho cá-nhân, như vậy muốn khôn một cách đầy-đủ, phải ngoan nữa, vì ngoan là khôn cho người khác, là lập nhi lập nhân (xây- dựng cho người) như thầy Khổng vẫn dạy. Khôn-ngoan, đó mới là một từ đầy-đủ ý-nghĩa. Cô ấy đã khôn lại ngoan, đó là một lời khen chân thực. Khi người xưa dạy ta: Khôn-ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, đó là một lời khuyên chí-lí, gồm đầy đủ những bổn-phận đối với cá-nhân và đối với xã-hội. Ngược lại, người khôn họ không đối đáp với người ngoài đâu, họ chỉ biết đi về đá gà nhà, bởi vì làm như thế là không thiệt gì cho họ cả. Tục-ngữ chê hạng người này là: Khôn nhà dại chợ.
Cuối cùng nữa, tính hữu-cơ tạo ra kĩ-thuật nói lái và thể thơ thuận-nghịch độc chỉ có tiếng Việt vì tính hữu-cơ của nó có thể tạo được.
TÍNH LỊCH SỬ CỦA THUYẾT BẤT VÔ
Từ bất-vô không trừ-khử ý tiến-hoá, bởi vì nếu thực-sự không tiến-hoá, tư-tưởng của Đạo Huệ đã chết từ thế-kỉ XII, khi mà các nho-sĩ trẻ xuất-thân từ Quốc-tử giám đã đủ uyên-bác và đủ số đông để tạo thành một giai-cấp, giai-cấp sĩ-phu. Năm 1304, đại-diện cho giai-cấp mới hình-thành, Mạc Đĩnh Chi đã long-trọng tuyên-bố sự nhập-cuộc của giai-cấp sĩ-phu vào sinh-hoạt xã-hội. Điạ-vị các thiền-sư lung-lay suốt những thế-kỉ XIV, XV, XVI nhường bước cho các nho-sĩ trẻ đi vào xã-hội, nhưng chính nhà nho Nguyễn Trãi đã tuyên-bố một câu xanh rờn: Phải tu-thân khác, mặc Thi, Thư (QÂTT), nghĩa là nhà thạc nho này đòi dẹp các sách thánh-hiền, kêu gọi một công-thức tu-thân không theo phương-pháp Nho-giáo. Thái-độ phản nho của Nguyễn Trãi đã gây ra cái chết của bản thân ông, nhưng nhờ vào sự trợ-lực của môn-đệ, vua Lê Thánh-tông, nhờ vào các nhà nho có ý-thức, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhờ vào hành-động tích-cực của giới thiền-sư, ảnh-hưởng của Nguyễn Trãi đã phát-động được một phong-trào văn-hoá mạnh-mẽ vào đầu thế-kỉ XVII mà khẩu-hiệu là diệt lí, tôn tình. Tinh-thần bất-vô hồi sinh trong văn-học. Đó là phong-trào văn-học nôm na trong đó thành-viên đòi hỏi mọi quyền sống, trong đó có quyền đoạn-tuyệt với quá-khứ và những uy-quyền vô-lí của nó. Cái tính bất-vô của phong-trào này nổi bật ở chỗ tuy đòi hỏi đoạn-tuyệt với quá-khứ nhưng khi khẳng-định những quyền làm người tự-do (quyền yêu và được yêu, quyền tự mình lựa chọn người yêu, quyền chống đối nhà vua khi nhà vua đã mất sứ-mệnh v.v…), các nhà văn trẻ thời ấy cũng phải dựa vào quá-khứ. Tuy vậy ảnh-hưởng của phong-trào vẫn lớn mạnh, dù phải cạnh tranh gay-gắt với ảnh-hưởng của văn-hoá tây phương, nhưng phong-trào vẫn tiếp tục nhiệm-vụ giáo-dục quảng-đại quần-chúng. Kết-quả mà chưa một quốc-gia nào trên thế-giới thực-hiện được là chính quốc-gia này lại bãi bỏ chính văn-tự của chính mình để chấp-nhận văn-tự của địch thủ: Việt Nam đã xoá bỏ chữ nôm để chấp-nhận chữ quốc-ngữ. Có thể đó là một hành-động bất-đắc-dĩ mà người Việt phải thi hành trước áp-lực của thực dân pháp. Cũng có thể là tình cờ? Nói như vậy là không thấy ảnh-hưởng ghê-gớm của thuyết bất-vô. Vì tương-lai của đất nước, vì quyền-lợi của con em, dân Việt Nam sẵn-sàng đánh đổi bất cứ điều gì miễn là điều ấy được mọi người Việt Nam công-nhận và xác-định là thực-sự có ích-lợi cho công-cuộc tiến-hoá. Chính Nguyễn Trường Tộ là một trong những người có công sáng-lập và cải-thiện chữ quốc-ngữ, khi đề-nghị với triều-đình lựa chọn một văn-tự thích-hợp, ông đã đề-nghị một thứ chữ nôm mới chứ đâu dám đề-nghị chữ quốc-ngữ? Thế mà toàn-thể nhân-dân Việt Nam, vì quyền-lợi của mình trong tương-lai, đã thẳng thắn và mạnh bạo, muôn người như một, chính-thức chấp-nhận chữ quốc-ngữ, mặc dầu chữ ấy không phải của dân-tộc mình sáng-chế ra. Ta thấy phải thấm-nhuần thuyết bất-vô một cách sâu-xa mới dám có một quyết-định táo-bạo và đầy nghịch-lí như thế.
 
THUYẾT BẤT - VÔ VÀ THƠ LỤC - BÁT
Lục-bát là con đẻ của ca-dao. Ca-dao với cách diễn-tả cân-đối nhịp-nhàng của nó là con đẻ của tiếng việt giàu tính hữu-cơ. Tính hữu-cơ do thuyết bất-vô mà có. Thuyết bất-vô do nước mà hình-thành. Vì vậy, thơ lục-bát là con đẻ của văn-hoá nước. Xét lục-bát về cơ-cấu, ta thấy những điều đó rất rõ. Tỉ-dụ một câu lục-bát quen thuộc:
                           Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.
1. Về cơ-cấu bằng trắc, ta có:
                                       – B – T – B
                                       – B – T – Bb  – Ba
- B là bằng như: làm, trai, cho, nên, nhưng có loại bằng nổi (nhà nho gọi là phù) và bằng chìm (nhà nho gọi là trầm). Nổi tức là không có dấu huyền, như: trai, cho, nên. Chìm là có dấu huyền: làm, đoài. Qui-luật là: chữ thứ 6 chìm (dấu huyền) thì chữ thứ 8 nổi, chữ thứ 6 nổi thì chữ thứ 8 chìm. Chính mấy cái chữ chìm với nổi, rồi nổi với chìm này nó giải-thích nguồn-gốc của thơ lục-bát. Nếu chìm là b, thì nổi là a, và do đó, ta có 2 hình-thức ở câu 8:
                           Bb – Ba: lên đoài đoài tan.
                           Ba – Bb: xuống đông đông bình.
 - T là trắc, như: đóng (dấu sắc), xuống (dấu sắc), tĩnh (dấu ngã)
                           trải (dấu hỏi), cuộc (dấu nặng)
Ta thấy, cứ          T ở giữa thì 2 bên B: – trai – đáng – trai (1)
               B ở giữa thì 2 bên T: Bước tới đèo Ngang bóng xế tà (2)
Hình (1) là chung cho tất cả mọi loại thơ. Hình (2) thơ lục-bát không có.
 
- Do đó, điểm đặc-biệt của thơ lục-bát nằm ở vế 2 câu 8:
               1          2          3          4          5          6          7          8
                           vế I                                           vế II
2. Về nhịp-điệu, ta thấy:
               - Câu 6 nhịp-điệu bình thường:    B T B.
               - Câu 8 nhịp-điệu chia ra làm 2: vế 1, nhịp-điệu bình thường, vế 2, bất bình thường. Nếu gọi bằng nổi là nốt sol, thì bằng chìm là nốt do, và ngược lại, tỉ-dụ:
- Đây là hai nốt dùng làm nguyên-mẫu, sự thực thì thiên hình vạn trạng kể ra không hết tất cả những phối-thể có thể thực-hiện. Sự giao-thoa giữa hai nguyên-mẫu ấy tạo ra những âm-sắc đa-dạng phong-phú.
- Bây giờ ta xét đến vế 2 của câu 8 về phương-diện tốc-độ. Đây là vùng đầy sóng gió. Nếu thơ Việt Nam có giá-trị là có giá-trị về nhịp-điệu, thì chính vùng sóng gió này là cơ-xưởng tạo ra mặt hàng nhịp-điệu. Tôi ghi lại đây mấy nhịp-điệu chính làm mẫu:
Sự giao-thoa giữa các âm nổi âm chìm là nguyên-nhân giá-trị của câu thơ lục-bát. Nguồn gốc của tác-động giao-thoa là thuyết bất-vô. Tổ tiên ta khi suy-nghĩ về sự di-động của nước đã nghe thấy những tiếng nặng tiếng nhẹ lần-lượt nối đuôi nhau xuất-hiện, những nhịp dài nhịp ngắn, những tiếng cao tiếng thấp đối-đãi nhau tạo nên những mô-hình nhịp-điệu liên quan với nhau một cách khi thì êm-đềm, khi thì uyển-chuyển nhưng lúc nào cũng bẻ-bai, cũng rủ-rỉ nhịp-nhàng. Riêng đối với thơ lục-bát, nhịp-điệu ấy bắt nguồn từ tương-phản giữa nốt bổng và nốt chìm của từ-ngữ tạo thành. Lấy tỉ-dụ mấy câu đầu của Truyện Kiều: khéo ghét nhau (c.2) mà đau đớn lòng (c.4) v.v… Chữ chìm xuống thì chữ nhau nổi lên, chữ đau nổi lên thì chữ lòng chìm xuống. Đó là sóng lượn. Đó là nước trôi man-mác biết là về đâu vì dẫn người đọc vào những thế-giới thần-tiên huyền-ảo của nghệ-thuật.
Quả thật, phải yêu nước và thuyết bất-vô mới sáng-chế ra được thể thơ lục-bát. Tiền-nhân ta đã để hàng 10 thế-kỷ đằng-đẳng mới định-hình được thể thơ này vào thế-kỷ XVII. Thế-kỷ XVIII ghi nhận sự biến-thể đầu tiên của lục-bát (song thất lục bát). Thế-kỷ XIX, lần biến-thể thứ 2 (hát nói). Hiện nay đang diễn ra nhiều hình-thức biến-thể rất đáng chú-ý từ phía các [thiếu hàng cuối trong bản photocopy trang 51]
Tính bất-vô trong các định-chế
• Đầu tiên,về gia đình. Theo định-chế làm chủ trong gia-đình là người cha. Vai trò của bà mẹ rất mờ-nhạt. Sự thực, chính người đàn bà mới là nhân-vật chủ chốt trong gia-đình. Khi muốn tìm vợ cho con, nhà trai không nhắm vào chức-vị của ông bố, mà nhìn vào bà mẹ = lấy con xem nạ (nạ là mẹ). Người ta quan-sát xem bà ấy có biết chiều chồng không. Họ quan-sát cái lưng ong, cái lưng chữ cụ của bà. Họ xem bà có nhiều con không,vì nhiều con là dấu-hiệu của tính hiền-lành, của sức khoẻ tốt: mua heo chọn nái, lấy gái chọn dòng – Người ta khuyên các cậu nghè, cậu cử khi lấy vợ phải chọn một cô gái có đông anh chị em: ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con. Các bà đông con nhiều cháu là những bà có tuổi thọ cao, tính tình phúc-hậu, vợ chồng bao giờ cũng song toàn. Các bà may-mắn thường được xã-hội yêu-quí và trọng-đãi. Như vậy, về phương-diện tổ-chức gia-đình, người chồng chiếm địa-vị số 1, bà vợ số 2, nhưng trong thực-tế, bà vợ thực sự đóng vai số 1, ông chồng thứ 2. Bà là nội-tướng, chẳng khác gì trong tổ-chức chính-trị chế-độ đại-nghị, tổng-thống chỉ đóng một vai trò tượng-trưng, thủ-tướng mới là người hoạt-động.
• Thứ hai, về chế-độ chính-trị:
Về đời Lý, vua là nhân-vật tối-cao của nước, nhưng đồng thời vua cũng là triết-gia, một người có tư-tưởng lớn, biết những vấn-đề khái-quát và trừu-tượng vượt ra khỏi phạm-trù chính-trị nhiều khi hạn-hẹp.
Về đời Trần xuất-hiện chế-độ thái-thượng-hoàng. Uy-quyền được tách đôi. Nhà vua cai-trị nhưng thái-thượng-hoàng quyết-định.
Về đời Lê, uy-quyền được chia đôi cho vua và chúa. Vua chỉ có tiếng là làm vua cai-trị thiên hạ nhưng uy-quyền của phủ chúa lấn át cả triều-đình. Có lẽ chính nhờ vậy mà vận-mệnh của triều Lê được kéo dài.
Đến đời Nguyễn, khi các chúa Nguyễn chỉ là chúa đối với vua Lê thì giang-sơn của nhà Nguyễn rất vững-mạnh và càng ngày càng được củng-cố, nhưng từ khi chúa Nguyễn Ánh trở thành vua Gia-long thì nhà Nguyễn đi từ thất-bại này đến thất-bại khác. Uy-quyền càng ngày càng suy-giảm. Sự lạc-hậu về tư-tưởng, về chính-trị, về ngoại-giao do chế-độ quân chủ khuôn theo triết-lý nho-giáo đã đưa đến sự sụp-đổ của chế-độ vào tay người Pháp. Có nhà sử-học nói nhà Nguyễn mất nước là do lòng hiếu của vua Tự Đức. Không có con, ông tự kết-án là có tội với mẹ, do đó, ông đã làm như Lão Lai để đẹp lòng mẹ. Vì chữ hiếu đối với mẹ, ông đành để mất hết, trừ mấy thước đất ở quê mẹ ông ở Gò Công.
Nói tóm lại, thuyết bất-vô đòi hỏi mọi tổ-chức dù là gia-đình, xã-hội, chính-trị, tôn-giáo tất cả phải được đặt trên một liên-hệ hai chiều, đối-đãi nhau và bổ-sung cho nhau trong những kết-hợp rõ-ràng. Không có kết-hợp hai chiều, không có một cơ-cấu, một thể-chế, một tổ-chức nào đứng vững: “Quân-tử nhất ngôn là quân-tử dại, quân-tử nói đi nói lại là quân-tử khôn”.
Tính bất-vô và tam-giáo đồng-nguyên.
Văn-hoá Việt Nam xây-dựng trên nền-tảng của thuyết bất-vô đã kết-hợp mau-chóng với những tôn-giáo có mẫu-số chung là trọng tình trong hai chiều đối-đãi bình-đẳng.
ĐẠO TỪ BI
Chủ-trương từ-bi của đạo Bụt đã đến Việt Nam rất sớm bằng đường thuỷ và cả đường bộ. Từ Bụt là bằng-chứng của sự du-nhập sớm-sủa ấy, sau này đạo Phật mới lan sang Trung-quốc rồi tràn xuống nước ta dưới danh-xưng Phật với 3 tông-phái là Thiền-tông, Tịnh-độ tông và Mật-tông. Đến Việt Nam, đạo Bụt hoà tan vào các tín-ngưỡng địa-phương, do đó có thành-ngữ tiền Phật hậu Thần, có nhiều thiền-sư nổi tiếng giỏi pháp-thuật làm mây mưa sấm chớp. Đạo Phật kết-hợp chặt-chẽ với Nho-giáo, Lão-giáo và sau này Thiên Chúa-giáo và Công-giáo, từ một tôn-giáo xuất-thế trở thành nhập-thế, hoạt-động chính-trị, văn-hoá, xã-hội đắc-lực. Đạo Phật đến Việt Nam thiên về nữ-tính, từ Quán Thế Âm Bồ-tát biến thành Phật Bà Quan Âm, Quan Âm Nam Hải. Lĩnh Nam chích quái khi kể chuyện Man-nương (nàng Man) cho biết rõ gốc tích của Phật-tổ Việt Nam và Phật mẫu. Ta còn có Phật bà Quan Âm Thị Kính, Phật-bà chùa Hương tức bà chúa Ba Diệu Thiện. Khuynh-hướng thiên về nữ-tính còn được thể-hiện trong việc đặt tên chùa theo tên các bà: chùa Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Đanh, Bà Đá. Với tư-cách ấy, đạo Phật đã công lớn kiến-tạo tinh-thần hoà-đồng các tôn-giáo, làm mềm tính hữu-vô cứng-cỏi của đạo Nho, làm cứng đạo vô-vi đôi khi quá mềm-yếu và tiêu-cực.
ĐẠO VÔ-VI.
Đạo vô-vi của Lão-tử phù-hợp với đời sống và tư-tưởng Việt Nam đến nỗi có học-giả đã khẳng-định gốc Việt Nam của ông tổ đạo vô-vi. Lão-tử cũng như Khổng-tử rất thích nước, nước cho ông những kinh-nghiệm quí-báu về khuynh-hướng trọng tĩnh, về tính nhường-nhịn không lấn-lướt tranh giành. Ông nói như một người Việt Nam: nước là một vật khéo làm lợi cho muôn vật mà không có tính tranh giành, ở chỗ thấp mọi người đều chê. Ông khuyên mọi người bắt chước nước. Ở thì cần chỗ đất vừa phải, lòng cần phải rộng-rãi, đối với người thì cốt lấy điều nhân, lời nói cần tín-cẩn, làm việc cần tài-năng, hành-động cần hợp-thời. Bởi không cạnh-tranh cho nên không bao giờ lầm-lỗi. Nước còn là một bằng-chứng yếu thắng mạnh. Lão-tử nói: Trong thiên-hạ không gì mềm-yếu bằng nước, nhưng để công-phá cái cứng-rắn thì không có cái gì hơn được nó, không có gì thay-thế được nó. Yếu mà thắng mạnh, mềm mà thắng cứng, thiên hạ không ai không biết nhưng không ai làm được như nước. Từ đó, Lão-tử suy ra, vạn vật trong trời đất, cái gì mềm-mại cũng thắng được cái cứng-cỏi. Cong thì được toàn, thẳng thì phải gẫy…Kẻ kiễng chân lên thì không thể đứng vững, người muốn nhảy cho nhanh thì không bước được bước nào.
Kết-luận, Lão-tử chủ trương vô-vi. Ở Trung-quốc, vô-vi của Lão-tử có tính rất tiêu-cực, điển-hình là tư-tưởng và hành-động của 7 ông già trong Trác-lâm thất-hiền. Sang Việt Nam, đạo của Lão-tử trở thành tích-cực. Vô-vi cư điện-các, Xứ-xứ tức đao-binh (Vô-vi ngồi điện-các, Xứ-xứ dứt đao-binh), đó là lời khuyên vua Lê Đại-hành năm 981 của thiền-sư Pháp Thuận (914-990). Đạo Lão hoạt-động tích-cực cho đến năm 1663, Trịnh Tạc đã ra lệnh cho tiến-sĩ Phạm Công Trứ thảo Lê-triều tứ thập thất điều (47 điều về văn-hoá của triều Lê) trong đó điều-khoản số 35 kết án tư-tưởng và tác-phẩm của giới Đạo-học là mê-tín dị-đoan và có hại cho phong-tục.
ĐẠO NHÂN.
Đạo Nho đã được truyền vào Việt Nam từ thời Bắc-thuộc. Công của Sĩ Nhiếp và những nhà cai-trị tốt của Trung-hoa là đã thẳng-thắn truyền-bá đạo Nho như là một món ăn tinh-thần cần-thiết cho tuổi trẻ Việt Nam. Nhờ thái-độ cởi mở của giới Phật-giáo, của các vua thiền-sư và của chính các thiền-sư tên tuổi, đạo Nho phát-triển rực-rỡ. Đại-học dạy Nho-giáo được xây cất (Quốc-tử giám năm 1070). Thi-cử kiểu Trung-quốc được tổ-chức từ năm 1075 để tuyển-chọn nhân-tài. Năm 1304, Mạc Đĩnh Chi tuyên-bố nho-sĩ nhập-cuộc, đánh đổ văn-học thiền-tông sáng-lập ra phong-trào văn-học nho-điển. Vì cuộc chống đối của Nguyễn Trãi, tính bao-dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nho-giáo tuy được phổ-biến ở Việt Nam nhưng với chiêu-bài Tống-nho, học-thuyết của Khổng-tử không có chỗ đứng trong quần-chúng. Nó chỉ tạo được một ảnh-hưởng rất mong-manh trong giới quan-lại. Trong tất cả những tư-tưởng lớn của Nho-giáo về nhân-sinh vũ-trụ, chỉ có đạo nhânđạo trung-dung là lặn vào được trong lòng xã-hội Việt Nam. Trong hoàn-cảnh này, nó đồng-nghĩa với những quan-niệm đạo-đức của Phật, Lão và Thiên Chúa giáo.
ĐẠO BÁC ÁI.
Đây là chủ-trương của Thiên Chúa giáo. Nó đồng-nghĩa với từ-bi, với nhân-ái; xuất-phát từ các bờ biển, bờ sông, đạo Thiên Chúa dễ đi vào hoà-nhập với những tôn-giáo đã có trước ở Việt Nam từ lâu đời. Tính cách duy-lí của phương Tây đã làm chậm sự phát-triển của đạo này ở Việt Nam, nhất là có một số đụng chạm đến phong-tục đã xẩy ra gây thành những hiểu lầm tai-hại. Cũng may nhờ có tinh thần bác-ái mà những điểm tương-đồng với lòng từ-bi nhân ái càng ngày càng hiện ra rõ-rệt, đạo Thiên Chúa dần dần tạo được một chỗ đứng khả-quan trong lòng dân-tộc. Được như vậy là nhờ công của các học-giả tiền-phong: Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, các viện-sĩ Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Lập, các học-giả Nguyễn Văn Thích, Trần Hữu Thanh, Nguyễn Gia Tường, những tiến-sĩ triết-học Lương Kim Định, Trần Văn Toàn, Trần Văn Đoàn, Vũ Đình Trác, Nguyễn Đăng Trúc, Đức-ông Trần Văn Hoài, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Các thi-sĩ như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, các nhạc-sĩ như Hùng Lân. Đạo bác-ái dễ bắt tay với đạo tình của Việt Nam đã đành, học-thuyết Thiên Chúa giáo có nhiều điểm tương-đồng với thuyết bất-vô, không nhất nguyên cũng không nhị nguyên, tính bất-hợp bất phân-li được chứng-thực giữa con người thấp hèn và Thiên Chúa cao cả.
 ....................................................................
(1): Trích Văn hoá Việt Nam và những thách đốc của nó đối với giới trẻ Việt Nam sống trên đất Mỹ
 Nguồn:dunglac.org

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441748

Hôm nay

2148

Hôm qua

2317

Tuần này

21652

Tháng này

216922

Tháng qua

112676

Tất cả

114441748