Những góc nhìn Văn hoá

Hổ quyền thời Nguyễn

Để vừa tôn vinh uy lực tuyệt đối của vương quyền, vừa thể hiện bản sắc văn hóa và tinh thần thượng võ dân tộc, các triều đình phong kiến Việt Nam xưa thường tổ chức các cuộc đấu thể thao chinh phục sức mạnh. Tiêu biểu phải kể đến hình thức đấu “hổ quyền” - trong đó voi (đại diện cho vương quyền, cho chính nghĩa) đấu với và chiến thắng hổ (đại diện cho sức mạnh của kẻ thù, của cái ác) - diễn ra dưới thời nhà Nguyễn.

 Nhằm thể hiện tinh thần thượng võ, đáp ứng nhu cầu giải trí đặc biệt và đồng thời để luyện tập voi chiến, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm biết tổ chức những cuộc đấu giữa hổ và voi, gọi là Hổ quyền. Từ thời Trần (1226 - 1400) và nhất là dưới thời Hậu Lê (1428 - 1786), đấu trường được lập trước sân Diễn Võ tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội) cho voi với hổ đọ sức quyết liệt. Dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) ở Phú Xuân (Huế) - thủ phủ của Đàng Trong (miền Nam) - những trận đấu như vậy cũng tiến hành tại cồn Dã Viên trên sông Hương. Một chứng nhân đương thời là Pière Poivre kể lại rằng, vào năm 1750, có lần chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng các quan ngự trên 12 chiếc thuyền đến đậu gần cồn để thưởng ngoạn cảnh voi - hổ đấu nhau và họ xem đến tận lúc 40 con voi giết hết 18 con hổ mới về.
Từ khi nhà Nguyễn lên ngôi (năm 1802), Hổ quyền được tổ chức thường xuyên hơn, mang tính chất lễ hội, với sự chuẩn bị công phu và quy mô rất lớn. Thời vua Gia Long (1802 - 1820), những cuộc đấu hổ - voi diễn ra ngay bên bờ Bắc sông Hương, trên dải đất trước mặt kinh thành Huế (khoảng trước cửa Thượng Tứ). Quân lính cầm vũ khí dàn thành một vòng tròn để làm hàng rào quanh đấu trường. Sau lưng họ, đông đảo dân chúng đứng xem. Vua cùng các quan ngồi trên khán đài cao thưởng ngoạn.
Đến thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), Hổ quyền càng được triều đình đặc biệt quan tâm. Tháng 6/1829, Thị lang Hồ Hữu Thẩm ở Võ Khố có nhiệm vụ điều khiển các lính tượng dịch buộc chặt hổ vào cọc trước một cuộc đấu; nhưng trong khi đấu, con vật đã giật đứt dây, lao xuống nước và bơi về phía thuyền rồng Minh Mạng đang đậu gần đó. Khán giả nhốn nháo, kinh hãi. Không sẵn vũ khí trong tay, chính vua phải dùng sào đẩy lui hổ! Cuối cùng, mấy người lính nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ, tiến lại gần con vật rồi giết chết nó trên sông. Sau vụ này, Minh Mạng nghiêm trách ông Thẩm và phạt ông phải tội cách lưu.
Nhận thấy việc tổ chức Hổ quyền giữa bãi đất trống trải là rất nguy hiểm đối với người xem nên ngay đầu năm sau (1830), Minh Mạng đã cho xây dựng đấu trường lớn tại gò Long Thọ ở làng Nguyệt Biều (nay thuộc thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế). Thời điểm ấy, ghi trong sách Đại Nam thực lục, cũng phù hợp với ngày tháng năm khắc trên tấm biển bằng đá xanh gắn vào mép tường trong đấu trường, hiện vẫn còn đọc rõ: "Minh Mạng thập nhất niên chính nguyệt cát nhật tạo" (xây dựng vào một ngày tốt tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 11). Tháng Giêng năm đó tương ứng từ ngày 25/1 đến 22/2 dương lịch năm Canh Dần 1830.
Đấu trường này có hình vành khăn, lộ thiên, cấu trúc đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch vồ, đất nén, đá và vôi trộn mật. Vòng tường bên trong (cao 5,80 m, mép trên dày 47 cm) và vòng tường bên ngoài (cao 4,75 m - kể cả lan can; mép trên dày 35cm) đều nghiêng chừng 10 độ so với phương thẳng đứng, chúc mép trên vào nhau, ôm chặt lấy mô thành bằng đất ở giữa, tạo nên một khối (thân đấu trường) dày tổng cộng 4 m ở đỉnh, 5 m ở đáy. Mặt phẳng đỉnh mô thành bằng đất đó (cao bằng đỉnh tường ngoài) chính là con đường vòng tròn để khán giả đi quanh và đứng xem hổ - voi đọ sức trong lòng chảo đấu trường. Chu vi vòng tường ngoài dài 140 m, đường kính lòng chảo 44 m. Khán đài vua ngồi quay về hướng Nam, cao hơn hẳn các khán đài bình thường xung quanh, bên trái là cầu thang để vua lên xuống. Ở phía tây bắc, có một cầu thang khác dành cho quan lại, binh sỹ, dân chúng. Khoảng giữa cầu thang này và khán đài vua, bên dưới có 1 cửa rất lớn để voi vào ra. Đối diện khán đài vua là cửa 5 chuồng hổ làm ngay trong thân đấu trường (3 cửa giữa kích thước bằng nhau, 2 cửa bên lớn hơn).
Thời Nguyễn, voi được coi là biểu tượng của sức mạnh vương quyền, đồng thời được sử dụng rất hữu ích vào vận tải, chiến trận... và hơn nữa, việc đấu voi - hổ nhằm luyện tập cho voi, nên kết quả cuộc đấu ấn định theo ý người tổ chức phải là voi thắng. Chính vì vậy, sự chuẩn bị đầy bất công đối với hai đấu thủ: trong khi voi được bồi dưỡng chu đáo, có quản tượng điều khiển và mấy người lính cầm vũ khí bảo vệ, hỗ trợ lúc đọ sức thì hổ lại bị nhốt lâu ngày, ăn uống kém, răng nanh bị bẻ, miệng bị khâu dính lại, móng vuốt bị cắt hết, chân bị đút vào túi da kín và cổ bị buộc bằng sợi dây chắc xích vào một cái cọc cắm sâu xuống đất. Dù vậy, trong cuộc đấu, hổ luôn xứng đáng là chúa sơn lâm. Vừa thấy voi bước vào, nó đã nhảy dựng lên, mắt trừng trừng nhìn quanh, gầm thét vang dội để khẳng định uy thế. Voi sợ hãi lùi lại. Quản tượng phải lấy búa đánh và hò la, voi mới tiến lên. Hổ hung hãn băng về phía voi nhưng bị sợi dây buộc ghìm giữ, đành tạm nép mình chờ đợi. Khi voi đến gần, hổ bất ngờ nhảy vọt lên đầu voi, tấn công quản tượng và mắt, cổ voi. Voi luống cuống hất hổ xuống đất nhưng hổ lại nhanh chóng bật dậy, bám chặt vòi voi. Voi hoảng hốt rú lên, giũ vòi. Móng vuốt bị cắt hết, chân bị bọc trong túi da nên được một lúc, hổ tuột khỏi vòi, ngã xuống đất. Voi xông tới dùng ngà, chân, vòi tấn công. Hổ tránh đòn và phản công... Cuộc chiến cứ thế kéo dài hàng tiếng đồng hồ cho đến khi hổ chết.
Nếu hổ mới bị bắt, còn giữ được gần như nguyên vẹn sức mạnh hoang dã thì dù hàm răng cùng bộ vuốt đã bị vô hiệu hóa, nó vẫn có thể gây cho voi tổn thương nặng và tạo nên những tình huống nguy hiểm. Trong tác phẩm Souvenirs de Hué (Những kỷ niệm về Huế) xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1867, Michel Đức Chaigneau - con trai của Jean Baptiste Chaigneau (làm quan triều Gia Long, với tên Việt là Nguyễn Văn Thắng) và bà Benoit Hồ Thị Huề - đã kể lại một trường hợp điển hình dưới thời Gia Long mà ông ta tận mắt chứng kiến. Lần đó, cửa chuồng vừa mở, con hổ to lớn nhảy vọt ra, gầm gào, cố gắng kéo đứt sợi dây buộc cổ nó, nhưng không được nên tạm nép mình sát đất. Khi quản tượng thúc voi tiến lại gần thì nhanh như tên bắn, hổ phóng lên đầu voi, tát mạnh vào thái dương quản tượng khiến ông ta ngã nhào xuống đất, ngất xỉu. Voi sợ hãi quay đầu chạy, dẫm cả lên quản tượng. Mọi người la rú kinh hoàng. Binh sĩ chạy vào đấu trường, đưa xác quản tượng đi và chuẩn bị cuộc đấu mới. Con voi thứ hai tiến vào với một số lính cầm giáo dài ngồi trên bảo vệ, thận trọng dừng trước giới hạn mà hổ có thể nhảy tới. Chúa sơn lâm lại lao lên tấn công nhưng bị sợi dây buộc cổ ghìm giữ. Nó lồng lộn và - bằng sức mạnh khủng khiếp - giật đứt tung sợi dây! Khán giả hoảng loạn xô nhau chạy trốn. Con hổ để mặc đối thủ đứng đó, tìm cách vượt khỏi đấu trường. Sau phút tan tác, bối rối, quân lính đã kịp củng cố hàng ngũ, vây kín và chĩa vũ khí về phía hổ. Không hề run sợ, nó xông tới mở đường máu, làm nhiều người bị thương và hàng rào binh sỹ buộc phải dãn ra. Viên quan chỉ huy buổi đấu hô lệnh cho quân lính phải bắt sống bằng được hổ, nhưng vô hiệu - chúa sơn lâm tiếp tục làm bị thương vài người nữa và sắp sửa tẩu thoát. Viên quan chỉ huy đành cho phép giết hổ. Lập tức mấy chục ngọn giáo sắc bay tới... Xác chúa sơn lâm bị mang ra giữa đấu trường cho voi giàu xéo đến nát nhừ.
Ngày Hổ quyền thời Nguyễn thực sự là ngày lễ hội lớn, tưng bừng và hấp dẫn. Từ sáng sớm, khán giả đã nô nức kéo tới, đứng chật quanh khu vực đấu trường. Dân địa phương đặt hương án, bày đồ bái vọng la liệt suốt từ bờ sông Hương vào. Quanh đấu trường trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Một đoàn lính mặc áo nỉ đỏ, đội nón sơn, cầm vũ khí đứng dàn hầu hai bên đường từ bờ sông đến cổng chính đấu trường. Buổi trưa, vua ngự thuyền rồng tới, rồi lên bờ ngồi kiệu che 4 lọng vàng và 4 tàn vàng. Đi bè là lính ngự lâm, thị vệ cầm cờ tam tài, cờ ngũ hành, cờ nhị thập bát tú, gươm tuốt trần. Kế tiếp là đội nhạc. Các quan nghênh đón quỳ ở chiếu hoa trải trên đường, rồi theo vua vào cổng chính, lên khán đài. Vua quan yên vị, cổng từ từ đóng lại, có tiếng loa vang xuống, dân chúng im lặng chờ đợi. Một viên quan võ đánh trống khai cuộc, cửa chuồng hổ mở, hổ nhảy ra; voi cũng từ bên kia tiến vào. Cuộc đấu quyết liệt bắt đầu trong tiếng reo hò cổ vũ, tiếng trống, tiếng pháo hiệu nổ, tiếng hổ gầm thét... Cảnh sôi động và dữ dội ấy kéo dài suốt cả buổi chiều.
Thời Nguyễn, Hổ quyền thường được tổ chức mỗi năm 3 lần, vào mùa xuân (cũng có năm tổ chức nhiều lần hơn và vào mùa khác - tùy thuộc ý vua). Lần cuối cùng diễn ra năm Thành Thái thứ 16 (tức năm Giáp Thìn 1904). Hiện nay, đấu trường Hổ quyền vẫn tồn tại khá nguyên vẹn ở Huế, trở thành một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt độc đáo của Việt Nam và thế giới.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441757

Hôm nay

2157

Hôm qua

2317

Tuần này

21661

Tháng này

216931

Tháng qua

112676

Tất cả

114441757