Những góc nhìn Văn hoá

Tết Nguyên đán ở làng quê xưa

Cũng giống như ngày xưa, thuở xưa, vào những ngày giáp tết làng quê Việt Nam rạo rực một không khí khác thường. Mọi người ai cũng tất bật, gấp gáp trong từng công việc để “đâu vào đó” trước phút giao thừa. Tìm về cái tết nguyên đán ngày xưa sau luỹ tre làng là tìm về nét đẹp đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và cũng để hiểu hơn đời sống sinh hoạt của ông cha ta xưa.

Công việc đồng áng tạm ổn, bắt đầu từ 26, 27 tháng chạp bà con lo mọi chuyện trong nhà. Đường sá, làng xóm được sửa sang, vệ sinh sạch đẹp. Tết về, dù chẳng có chi nhiều nhưng cũng phải cố gắng làm đẹp đường thôn, ngõ xóm để bà con đi lại hỏi thăm, mừng tuổi. Đình làng, đền chùa được quét lại nước vôi trắng xoá, tất cả trở nên mới mẻ và khang trang hơn ...
Không khí tết quê thể hiện rõ nhất là ở các chợ: chợ làng, chợ xã. Bác tôi bảo: Chợ tết ngày xưa đơn giản lắm. Hàng hoá chủ yếu là các sản phẩm cây nhà lá vườn của bà con. Người đi chợ là các bà, các mẹ. Đàn ông-con trai rất hiếm khi đến chợ. Nhà nhà, dù ít dù nhiều bắt đầu lo tết. Các bà, các mẹ xong việc ruộng vườn náo nức “trổ tài” nữ công gia chánh từ những sản vật được làm ra từ mảnh đất cày. Bánh tét, bánh chưng là “đặc sản” số một ở tết quê. Nếp nhà lá vườn thế là các mẹ tự tay gói lấy. Bắt đầu từ ngày 28 tháng chạp mùi thơm bánh tét theo gió mùa xuân toả ra muôn nhà. Mọi người quây quần bên bếp lửa vừa nấu bánh vừa tâm sự chuyện làng quê, họ mạc ... Bố tôi kể: “Nhiều nhà nấu một nồi bánh thật to để 3 ngày tết khỏi phải đỏ lửa”. Cuộc sống vật chất thiếu thốn trăm bề, vì thế chỉ khi tết đến trẻ con mới có cơ hội được bố mẹ sắm cho áo quần mới. Được mặc bộ đồ mới đi khoe tết là niềm vui sướng không gì sánh nổi của tuổi thơ ngày trước.
Và dẫu bận việc nhưng đến ngày 23 tháng chạp hằng năm ông bà ta không quên làm lễ đưa ông Táo về trời. : Trong lễ đưa ông Táo, các bà, các mẹ thường làm một mâm xôi chè cúng bếp. Các nhà khá giả có thêm một thau nước bỏ vào mấy con cá chép đặt trước bếp để làm ngựa đưa ông Táo lên trời. Và tấm lòng hiếu thảo, luôn ghi nhớ công ơn bậc sinh thành cũng thể hiện rõ trong dịp tết nguyên đán. Mỗi làng quê có một ngôi mộ lớn mà bà con gọi là “mả làng”. Ngày tết dân làng thường tổ chức xén cỏ, vun đắp, thắp nhang. Ngày “chạp mả làng” là ngày tập trung đông đủ. Hoa quả, trầm trà nghi ngút khói làm ấm lên những nấm mồ vắng vẻ hằng ngày. Tình làng nghĩa xóm càng thắt chặt, thiêng liêng ...
Nói về nét độc đáo của tết xưa ở các làng quê có lẽ ai cũng nhớ đến 2 câu đổi quen thuộc:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Thịt mỡ, dưa hành, câu đổi, tráng pháo, bánh chưng ... là đặc sản của “tết quê” xưa. Dù ít, dù nhiều hay đã biến đổi phần nào nhưng các thứ ấy vẫn còn cho đến ngày nay. Riêng “cây nêu” với việc “dựng nêu” - một tập tục phổ biến ngày xưa hầu như không còn.   Thời điểm dựng nêulà từ ngày 23 tết trở đi. Cây nêu làm bằng một cây trẻ có đủ gốc, ngọn, cành lá cao từ 2,5 đến 3 mét, dựng trước sân nhà hoặc trước các nhà thờ, nhà họ. Trên cây nêu được treo một mũ đen, đó là mũ ông Thổ công năm mới, một lá phướn có 4 chữ nho “Thái bình thiên hạ” hoặc hàng chữ nho với các nội dung mời gọi ông bà về ăn tết. Người xưa dựng nêu để doạ đám ma quỹ đến quấy phá đất đai. Cây nêu dựng lên còn có ý nghĩa nữa là đón rước, chào mời các vị phúc thần nhập cư đem lại điều tốt lành cho gia chủ. Cây nêu được dựng cho đến tiết khai hạ tức 15 tháng giêng năm mới, mới làm lễ hạ nêu”
Ngày 30 tết, nhà nào cũng làm mâm cơm cúng trên bàn thờ mời ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng gia đình. Mồng ba tết lại làm lễ “tiễn đưa” ông bà. Ngày mồng hai hoặc mồng bốn thường cúng đất đai, chuồng lợn, chuồng trâu ... trong 3 ngày tết, đặc biệt là sáng mồng một, bà con kiêng việc nói tiếng to hay la mắng nhau. Nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ trước giờ giao thừa. Sau 12 giờ không được cầm chổi quét nhà. Vì quét nhà là quét của cải năm đó ra khỏi nhà. Chuyện “đạp đất nhà người khác” cũng được người nông dân xưa rất coi trọng. Họ quan niệm “Nhà mình làm ăn ra sao trong năm mới này là phụ thuộc vào “vía” của người đạp đất”. Ai đến nhà ta đầu tiên vào sáng mồng một được gọi là “người đạp đất’. Và quan niệm này dường như vẫn còn phổ biến ở các làng quê hiện nay nhưng đã khác đi phần nào trong cách nghĩa, cách quan niệm của mọi người...
Thú vui tết ở các làng quê xưa là đàn ông thì chơi cờ tướng, đô mi nô, các bà, các mẹ thì vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa ngồi lại bên nhau chơi bài tới. Ngày mồng ba hoặc mồng bốn tết thì tổ chức đua ghe giữa xóm này, xóm khác, thôn này, thôn nọ ... Nam nữ thanh niên đi chơi bài chòi ở đầu làng hay cuối chợ ...
Tất cả những tập tục ngày xưa của bà con sau luỹ tre làng trong tất nguyên đán đã thể hiện nét đẹp sinh hoạt dân dã mà đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, giàu tính nhân văn ... Ngày nay , đi về ăn tết ở các làng quê   ta thấy một số tập tục sinh hoạt ngày xưa vẫn được bà con lưu giữ nhưng phần nào đã biến đổi ít nhiều ... Mong sao những tập tục có ý nghĩa cao đẹp khi tết đến, xuân về luôn được duy trì phù hợp ở khắp các miền quê, thôn dã .....
                                                         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434873

Hôm nay

2144

Hôm qua

2349

Tuần này

21523

Tháng này

211921

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434873