Những góc nhìn Văn hoá

Nhận thức về thế giới và vị thế của Việt Nam qua một số trước tác của Nguyễn Trường Tộ

1. Bối cảnh chính trị, xã hội

Trong số các nhà cải cách Việt Nam thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) được coi là nhân vật lớn nhất. Di sản mà ông để lại gồm 43 bản điều trần thể hiện nội dung và tư tưởng cải cách trên rất nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, chính trị, quan hệ đối ngoại v.v... Giới nghiên cứu Việt Nam và quốc tế đã có không ít công trình khảo cứu chuyên sâu về nội dung và tư tưởng của Nhà cải cách đồng thời là Nhà yêu nước nổi tiếng này(1). Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi cố gắng tập trung vào một khía cạnh cụ thể đó là nhận thức về thế giới của Nguyễn Trường Tộ để từ đó thấy được vị thế của Việt Nam qua một số trước tác của ông.

Nhận thức lớn nhất của Nguyễn Trường Tộ về thế giới được đặt ra trong bối cảnh các nước tư bản châu Âu như Anh, Pháp, Nga... đang chuyển nhanh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Thời đại mà ông sống không còn là thời đại của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh nữa. Các tuyến giao thương giữa phương Tây với phương Đông một thời sôi động, phồn thịnh đã bị thắt chặt. Đến đến thế kỷ XIX, các nước đế quốc ra sức tranh giành thuộc địa, tìm mọi cách đặt ách nô dịch và thống trị trực tiếp lên các dân tộc phương Đông.
Trước cơn lốc xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, các dân tộc phương Đông đã có những phản ứng khác nhau và điều đáng chú ý là ngay trong một quốc gia cũng xuất hiện nhiều quan điểm và tư tưởng khác biệt trong nhận thức và ứng đối với các cường quốc Âu - Mỹ. Tựu chung, có thể thấy ba thái độ và phản ứng cơ bản: 1. Cương quyết đấu tranh đặc biệt là đấu tranh vũ trang để bảo vệ nền độc lập dân tộc; 2. Khuất phục trước sức mạnh của thực dân phương Tây; 3. Đề xuất cải cách và chủ trương hướng dân tộc đi vào con đường cải cách. Thực tế lịch sử cho thấy, dù theo đuổi khuynh hướng tư tưởng và đường lối chính trị nào, nhìn chung cuối cùng, trừ một số trường hợp ngoại biệt, các dân tộc phương Đông đều sớm muộn trở thành các dân tộc thuộc địa, chịu ách nô dịch của các nước phương Tây!(2). Trên nhiều phương diện có thể thấy, lịch sử cận hiện đại thế giới là lịch sử của sự phát triển mạnh mẽ của các quốc gia tư bản Âu - Mỹ; của nền sản xuất đại công nghiệp trên cơ sở giải phóng sức lao động của con người; là thời kỳ bành trướng, xâm lược của chủ nghĩa thực dân; là thời đại thắng thế của văn minh công nghiệp so với văn minh nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, nhìn chung đến thế kỷ XIX xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội Nho giáo - nông nghiệp. Tuy nhiên, trước các vận động trong nước và tác động của môi trường chính trị quốc tế, đến giữa thế kỷ XIX trong xã hội Nông thôn - Nông nghiệp - Nông dân ấy bắt đầu xuất hiện đồng thời một số khuynh hướng và quan điểm chính trị. Các xu thế chính trị đa dạng và phức tạp đó là thể hiện sự vận động mới của xã hội nhưng đồng thời cũng là hiện tượng giải cấu trúc xã hội truyền thống, chuẩn bị cho sự chuyển hoá sang một cấu trúc và mô hình mới.
Trước áp lực ngày càng tăng của thực dân Pháp, ở trong nước đã xuất hiện các khuynh hướng tư tưởng và phong trào đấu tranh khắp từ Bắc đến Nam. Các phong trào đó có điểm chung là đều có tinh thần yêu nước tha thiết, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc nhưng cách thức và con đường đấu tranh thì có nhiều khác biệt. Hơn thế nữa, nhận thức về thế giới, về đối tượng đấu tranh tức giới tư bản Âu - Mỹ (mà cụ thể trong trường hợp Việt Nam là thực dân Pháp) không phải ở đâu và bao giờ cũng có những điểm giống nhau. Mục tiêu hướng tới của các cuộc đấu tranh cũng không phải đồng nhất. Nói cách khác, diễn tiến tư tưởng của dân tộc trong thời kỳ này là cuộc đấu tranh, sự giằng xé giữa các khuynh hướng: Chủ chiếnChủ hoà, Duy tân Thủ cựu. Như vậy, đứng trước những thách thức mà dân tộc chưa từng qua cuộc trải nghiệm, các phương cách ứng đối truyền thống tỏ ra không còn hữu hiệu nữa. Trên thực tế, phong trào kháng chiến yêu nước của các văn thân, sĩ phu như: Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Trung Trực cho đến các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng... hội tụ trong phong trào Cần Vương (1885-1896) nổi tiếng, trước sau đều bị đàn áp và thất bại. Một bộ phận dân tộc chờ mong một cách thức và con đường đấu tranh mới, ít đổ máu hơn, giàu lý trí và tỉnh táo hơn hơn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đó chính là tư tưởng và con đường cải cách.
 
2. Nhận thức về thế giới và sức mạnh của nước Pháp
Vào thế kỷ XIX, ở Việt Nam đã đồng thời xuất hiện nhiều nhân vật có tư tưởng canh tân. Họ thuộc nhiều tầng lớp xã hội và địa vị khác nhau. Từ trong giới quan lại có Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Công Trứ, Đặng Huy Trứ, Đặng Xuân Bảng, đến các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện... Họ đều trăn trở, băn khoăn trước vận nước và có những bản điều trần, kiến nghị gửi lên hoàng triều mong muốn được canh tân đất nước, đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện. Từ đó, dân tộc ta có thể trở thành dân tộc tự cường, đủ khílực chống lại ách đô hộ của ngoại bang.
Những chủ trương cải cách đó được đặt ra trong bối cảnh sau khi nổ súng tấn công Đà Nẵng, thực dân Pháp đã bắt đầu huy động một lực lượng binh lực lớn đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ(2). Trong bản điều trần “Thiên hạ đại thế luận” viết tháng 2 năm Tự Đức thứ 16, tức năm 1863, Nguyễn Trường Tộ chỉ rõ: “Ngày nay các nước phương Tây, đã bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, toàn lãnh thổ châu Phi cho tới Thiên Phương, Thiên Trúc, Miến Điện, Xiêm La, Tô Môn Đáp Lạt, Trảo Oa, Lữ Tống, Cao Ly, Nhật Bản, Trung Quốc và các đảo ngoài biển, kể cả Tây châu, không đâu là không bị họ chẹn họng, bám lưng. Nước Nga thì từ Tây Bắc đến Đông Nam gồm tất cả các nước Đại Uyển, Cốt Lợi Cán, Mông Cổ và các xứ Bắc Mãn Châu, không đâu là họ không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó. ở trên địa lục tất cả những nơi nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân tới, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì hoạ; ai hoà với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ. Như thế, nếu đó không phải là ý trời định, địa thế xoay vần, thì làm sao lấy số đông của bốn đại châu mà kháng cự lại người Tây phương? Huống hồ, nước Việt ta là một nước bé nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được”(3).
Theo quan điểm của ông, ngay như Trung Quốc có diện tích “chiếm 1 phần 3 Đông phương, dân số 360 triệu, uy thế lẫy lừng, ai cũng phải thần phục họ cả, thế mà từ thời Minh về sau, người Tây phương vượt biển sang Đông, hai bên đánh nhau, thây chất thành đống, sau phải giảng hoà không biết bao nhiêu lần”(4). Nhìn sang các nước châu á, ông nhận thấy: “ấn Độ đã thuộc Anh không phải bàn nữa. Miến Điện và Xiêm La là thân cá chậu. Còn lại nước ta và Nhật Bản coi như đô thị lớn của vùng Biển Đông, Triều Tiên bên cạnh như một cái phố nhỏ chỉ đủ cho bọn chúng điểm tâm buổi sáng”(5). Xuất phát từ quan niệm coi Việt Nam, Nhật Bản là hai quốc gia nằm ở hai đầu của thị trường lớn Trung Quốc, về vị thế địa - kinh tế ông phân tích: “nước ta và Nhật Bản như là hai con đường của hai đầu chợ ấy, chắc chắn sẽ là nơi bọn chúng buông gánh nghỉ vai. Điều đó sớm muộn cũng sẽ xảy ra không sao tránh khỏi”(6).
Vậy thì, căn nguyên vì sao mà phương Tây có thể đánh chiếm phương Đông?, Pháp có thể đưa quân xâm lấn các tỉnh Nam Bộ?... Qua các trước tác của mình, ông cho rằng, căn bản là do vị thế của mỗi nước. Theo Nguyễn Trường Tộ thì mọi việc trong thiên hạ đều do “thế”. Chữ “thế” chứa đựng trong đó bao gồm thiên thời nhân sự. “Cho nên, người biết rõ “thế” thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc”(7). Theo cách hiểu của ông, các nước phương Tây đang nắm giữ được cái “thế” ấy. Chính các nước ấy đang nắm giữ được “chân lý của kẻ mạnh” bởi các nước đó có binh lực hùng hậu vượt trội hơn hẳn các vũ khí truyền thống của các dân tộc phương Đông. Vũ khí hiện đại của nền công nghiệp phương Tây đã làm thay đổi kỹ thuật tác chiến cũng như chiến lược, chiến thuật quân sự của các quốc gia châu á. Với những trải nghiệm của bản thân, ông chỉ rõ: “Quân Pháp đánh thành không cần dùng những phương pháp bắc thang đường hầm, xe kiếm, bao đất mà đại pháo bắn ra thì núi lở gò sập, thành đã vỡ thì ta tuy có lương tiền nhiều, gươm giáo sắc cũng trở nên vô dụng”(8). 
Hơn thế nữa, sau khoảng 3 thế kỷ phát triển, các quốc gia tư bản phương Tây nhất là các nước ven Địa Trung Hải và Đại Tây Dương ngày càng khẳng định được những ưu thế về hàng hải. Đến thế kỷ XIX, thay thế cho các Đế chế lục địa là sự xuất hiện của các Đế chế đại dương. Ai làm chủ được đại dương tức là làm chủ được thế giới. Cũng như các cường quốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Mỹ... trên con đường bành trướng sang phương Đông, quân Pháp đã phát huy tối đa sức mạnh của các đoàn tàu vận tải và chiến hạm. Đánh giá về sức mạnh đó, theo Nguyễn Trường Tộ: “Ngày nay, quân Pháp có hoả thuyền để vận tải thì việc vượt muôn dặm cũng bằng chèo một mái chèo mà thôi. Nếu ta muốn ngăn bể để tuyệt lương của họ cũng không thể được. Họ muốn tăng thêm quân sang ta thì theo đường Biển Đỏ chỉ độ bốn, năm tuần là đến nơi. Nếu cần lắm thì gởi giấy xin quân Anh đóng ở ấn Độ, Tức Lực, Hương Cảng, Thượng Hải... thì sớm chiều là có thể đến nơi để giúp. Lại có quân Y Pha Nho ở Lữ Tống, đến dồn sức tấn công”(9). Do có hạm đội mạnh nên quân Pháp có thể “vượt biển cũng như đi trên đất bằng”. Trong thế nước suy vi, năm 1858 Đà Nẵng bị tấn công rồi mau chóng thất thủ, theo Nguyễn Trường Tộ thì “Khi ấy giả sử ta có 10 vạn quân cũng không thể đánh nhau được với họ”! Phân tích vị thế địa chiến lược, ông cho rằng: “Nước ta tựa núi kề biển, địa thế như một con rắn dài. Nếu họ dùng hoả thuyền chia nhau đánh cắt các tỉnh dọc bờ biển, lại cho các tàu đậu ngoài cửa sông lớn để triệt sự vận tải đường biển của ta, lại cho một đạo quân đóng giữ ở Hoành Sơn để chặn đường tiếp tế bằng đường bộ và cắt đường qua lại của quân đội Cần Vương, rồi lại đổ bộ tiến đánh các chỗ xung yếu, gấp rút truyền hịch khắp Nam Bắc, chiêu mộ bọn giặc cướp ẩn náu dùng làm bọn dẫn đường thì thuỷ binh của ta sẽ trở thành vô dụng”(10).
Với cái nhìn tương quan so sánh, Nguyễn Trường Tộ cho rằng: “Nói về lực lượng thì người Anh không bằng người Nga, nhưng nói về kỹ thuật thì người Nga không bằng người Anh, mà sau người Anh là đến người Pháp. Việc chiếm đoạt phương Đông, Anh, Nga đến trước Pháp đến sau”(11). Điều quan trọng là, theo kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Xiêm La, phải biết giữ cân bằng lực lượng đồng thời cũng phải triệt để khai thác mâu thuẫn giữa các cường quốc để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, canh tân tự cường và tránh áp lực từ một phía. Trong Lục lợi từ, Nguyễn Trường Tộ đề nghị tìm cách giao dịch với Anh và khai thác mâu thuẫn giữa Anh với Pháp. Trong lúc chờ tàu đi Pháp cuối năm 1866, ông còn tìm cách liên hệ với lãnh sự Tây Ban Nha đồng thời đề nghị triều đình thiết lập quan hệ với nước này. Về sau, trong những lần triều đình dự định cử sứ bộ sang Pháp vào đầu năm 1868 và 1871 với mục đích xin chuộc lại 6 tỉnh Nam Kỳ, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị triều đình Huế phải mở rộng quan hệ với Anh, Tây Ban Nha, Nga... để làm áp lực với Pháp chứ không thể trông chờ vào sự nhân nhượng của Pháp. “Đối với Nguyễn Trường Tộ, mở rộng quan hệ bang giao với các nước quan trọng hơn việc đòi lại đất đai. Bởi vì không dễ gì mà Pháp trả lại đất đai cho mình, mà phải tạo thế bắt buộc chúng phải trả mà thôi”(12).
Trước “thế” và “lực” cùng những tham vọng của các cường quốc phương Tây, từ kinh nghiệm và điển tích nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, Nguyễn Trường Tộ đi đến kết luận: “Sự thế hiện nay chỉ có hoà. Hoà thì trên không cưỡng lại ý trời, dưới có thể làm cho dân khỏi khổ, chấm dứt được sự dòm ngó của bọn gian nghịch, ngăn chặn được sự tranh giành của nước ngoài, thật là hay không thể kể xiết. Còn việc binh đao thì thật là tai hoạ nó làm cho vợ goá con côi, tổn thương hoà khí của trời đất, sinh ra hạn hán lụt lội. Thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dụng binh dẹp loạn”(13). Nhưng chủ trương hoà hoãn với Pháp của ông cũng như các nhà cải cách khác không phải là đầu hàng kẻ xâm lược, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Vấn đề mấu chốt là, cần phải “yên” về xã hội và cũng cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng. Theo ông: “Dân đã yên sau sẽ khiến kẻ hiền tài vượt biển sang các nước lớn học cách đánh trận giữ thành, học tập trí xảo của thiên hạ, giao thiệp với họ lâu dài mới biết lường sức đo tài, biết hết tình trạng của họ. Học cho tinh vi mới sinh kỹ xảo, rất mực kỹ xảo mới mạnh, bấy giờ sẽ dưỡng sức súc nhuệ, đợi thời hành động, mất ở phía Đông thì lấy lại ở phía Tây, cũng chưa muộn gì”(14).
Bên cạnh đó theo ông, hoà với Pháp, nhân nhượng một số lợi ích cho Pháp cũng còn là nhằm để khẳng định “” và “thế” từ đó bảo vệ quyền làm chủ của một quốc gia. Nếu khẳng định được quyền làm chủ, phân định được vị thế chủ - khách thì có thể chủ động đón nhận các luồng đầu tư từ bên ngoài, dựa vào sức mạnh bên ngoài để trấn hưng kinh tế, mở mang giao thông, khai mỏ...(15). Khi thế nước đã mạnh thì có thể giành lại những lợi ích đã mất, khôi phục lại chủ quyền dân tộc. Hơn thế nữa, cũng như một số nhà tư tưởng cải cách đương thời, Nguyễn Trường Tộ cũng hiểu rằng người Pháp không phải và không thể là một khối thuần nhất; thực dân Pháp cũng liên tục phải đối chọi với những khó khăn trong nước, quốc tế. Nếu thời cơ đến, có thể khôi phục lại những lợi quyền cho dân tộc Việt Nam. 
 
3. Tình thế của Việt Nam
Nhận xét về xã hội Việt Nam (Đại Nam) giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ cho rằng: “Hiện nay, tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sinh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi, trong triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát lẫn nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều. Ngoài các tỉnh thì quan tham, lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước việc đó đã xảy ra từ lâu rồi... Thế mà đối ngoại thì không có cách nào để một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát dân mình, giận cá chém thớt, khiến cho dân bị cát hại “cháy nhà vạ lây”... Như thế loạn không phải từ bên ngoài mà ở ngay trong nước vậy”(16). Do vậy, “không sợ thế giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc. Lòng người đã rời rạc, đã muốn chóng mất, thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi cũng phải bỏ mà chạy, ai ở đó chịu chết mà giữ cho”(17).
Trong cách nhìn nhận của ông, đó là tình thế hết sức hiểm nghèo đối với một đất nước vốn có truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc. Nhìn một cách toàn diện, đến cuối thế kỷ XIX xã hội Việt Nam đã trở nên suy thoái và ngưng trệ. Qua các trước tác, Nguyễn Trường Tộ đã nhiều lần phân tích căn nguyên dẫn đến hiện trạng đó nhưng nguyên nhân cơ bản là: Do sự tác động, kiềm toả của thể chế và hệ tư tưởng Nho giáo đã trở nên bảo thủ nên dân tộc không thể có được những tư duy sáng tạo và sinh lực phát triển mới. Vì thế, cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước, hoà nhập với những biến chuyển chung của thời đại. Nhìn lại lịch sủ chúng ta thấy, là một thành viên của xã hội Đông á, trong một số giai đoạn, quốc gia Đại Việt từng là cường quốc ở Đông Nam á. Nhưng, đến thế kỷ XIX nước Đại Nam triều Nguyễn đã không thể tiếp tục duy trì vị thế đó và phát huy những giá trị, hào khí của dân tộc.
Nhìn sang các quốc gia khu vực, Nguyễn Trường Tộ càng có thêm nhiều trăn trở bởi lẽ ngay cả dân tộc Trung Hoa dưới các thời Minh (1368-1644), Thanh (1644-1911) từng thực thi chính sách đóng cửa đất nước hết sức hà khắc nhưng cuối cùng cũng đã phải mạnh dạn mở cửa, sử dụng nhiều chuyên gia nước ngoài, nỗ lực phát triển quan hệ hải thương. Tương tự như vậy, Nhật Bản, Xiêm La cũng đều chủ trương mở rộng quan hệ giao thương quốc tế, đa phương hoá chính sách đối ngoại để một mặt các cường quốc tự kiềm chế lẫn nhau mặt khác tranh thủ các điều kiện thuận lợi bên ngoài để phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Điều quan trọng là, do có được quan hệ đối ngoại rộng mở mà Nhật Bản, Xiêm La... mới có được tầm nhìn rộng lớn, mới có thể đánh giá đúng xu thế phát triển của thời đại và nhận thức chính xác vị thế của chính mình. Trước sự đổi thay mau chóng của thế giới và khu vực, Nguyễn Trường Tộ đã tự đặt ra cho mình một câu hỏi thể hiện tư duy phức cảm của ông: “Nước ta xưa nay, mọi việc đều bắt chước Trung Quốc, mà chỉ có một kế hoạch lớn là giao thông với các cường quốc là ta không nghe theo, có phải toan lập được một mưu kế kỳ diệu riêng hơn hẳn Trung Quốc một bậc chăng?”(18).
Trên thực tế, với tư cách là chính thể cầm quyền, triều Nguyễn đã không có được cái nhìn thực tế và năng động như một số quốc gia láng giềng khu vực. Nguồn tri thức và tài năng thi ca của các ông vua triều Nguyễn như Tự Đức (1829-1883) đã không thể tạo ra những cơ sở lý luận và tư duy thực tiễn cho việc đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn nền độc lập dân tộc đồng thời xác định con đường đi mới cho đất nước trước những thách đố lịch sử gay gắt và sự tồn vong của dân tộc.   
Qua các bản điều trần, có thể thấy những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ là sâu sắc và toàn diện. Nhưng vì nhiều nguyên nhân đặc biệt là do tư tưởng bảo thủ, lạc hậu của vua tôi nhà Nguyễn nên những cải cách, canh tân mang tầm chiến lược ấy đã không được thực hiện. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những đề nghị cải cách không được thực hiện vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng nguyên do chính yếu là vì những người đề xuất chương trình cải cách không nắm giữ những trọng trách do vậy không thể có ảnh hưởng và vai trò quyết định(19). Trong khi đó, “Người nắm quyền điều hành quyết định là Tự Đức đã không đủ trình độ, tầm nhìn và bản lĩnh để nhận thức được cùng với hệ tư tưởng Nho giáo bảo thủ và lạc hậu đã chôn vùi những cải cách cuối thế kỷ XIX”(20).
Tuy nhiên, cũng không thể không công nhận một thực tế rằng, Tự Đức là một ông vua học rộng, tài cao và ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng cải cách. Chính ông đã ra lệnh chọn 8 người có sức khoẻ, thông minh, siêng năng đi học nghề chế tạo tàu máy chạy biển. Tháng 7-1867 nhà vua cũng đã chỉ thị cho Viện cơ mật tiến hành dịch các sách khoa học, kỹ thuật của phương Tây ra chữ Hán để tiện phổ biến trong nhân dân. Tháng 5-1868, tức là năm mà ở Nhật Bản diễn ra cuộc cải cách Minh Trị và ở Thái Lan diễn ra cuộc cải cách của Chulalongkorn, triều Nguyễn đã cử một đoàn 8 người vào Gia Định học chữ Pháp(21). “Nhưng kiểm điểm lại, tất cả các việc làm đó đều còn rụt rè, có tính chất thăm dò, và thường là để đối phó với thời cuộc nên đều thiếu kiên trì và triệt để”(22). Người đứng đầu triều đình đã không có đủ bản lĩnh để chấp nhận và thực thi các đề nghị cải cách với các bản điều trần tâm huyết như Thiên hạ đại thế luận, Tế cấp luận, Khai hoang từ... của Nguyễn Trường Tộ và Thời vụ sách của Nguyễn Lộ Trạch cùng các điều trần của các nhà cải cách khác.
 
4. Giả thuyết và kiến giải nghiên cứu
- Giả thuyết đặt ra là: Nếu như xã hội Việt Nam lúc đó có được một đấng minh quân và đội ngũ quan lại sáng suốt thì đất nước đã có những đổi thay khác biệt(23). Hiển nhiên trong lịch sử, vai trò của các cá nhân (vĩ nhân) là hết sức quan trọng. Nhưng cá nhân đó luôn gắn bó với thời đại mà họ sống, với quan hệ giai cấp và lợi ích của bản thân, gia đình, dòng họ. Nếu như Nguyễn Trường Tộ, một trí thức, luôn tự coi mình là hạng “thứ dân” thì đối diện với ông, đối tượng tiếp nhận các bản điều trần, nơi gửi gắm nhiệt huyết và tấm lòng yêu nước tha thiết của ông là triều đình Nguyễn mà cao nhất là vua Tự Đức. Giữa hai người đại diện cho hai bộ phận xã hội đã không có được tiếng nói chung. Nói cách khác, giữa họ không đạt được sự chia sẻ chung về tâm lý, tình cảm và ước nguyện dân tộc. Giai cấp thống trị, bộ phận tinh hoa (elite) không còn có đủ năng lực nhận thức và hoà nhập với những biến chuyển chung của khu vực, thế giới. Họ không thể tiếp tục giữ vị thế trung tâm, là đại diện tiêu biểu, giai cấp tiên phong dẫn dắt phong trào dân tộc và hợp tụ sức mạnh của dân tộc.
- Qua các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ chúng ta thấy so với các nhà cải cách đương thời ông không chỉ là người có số bản điều trần nhiều nhất mà còn là người hết sức tâm huyết với tư tưởng cải cách cho đến lúc lâm bệnh rồi qua đời ở tuổi 41! Là người học rộng và trải nghiệm, nguồn lực tri thức và kiến thức của ông là tiêu biểu cho tầng lớp trí thức cho trí tuệ Việt Nam một thời đại. “Con người Nguyễn Trường Tộ là hiện đại và tấm gương Nguyễn Trường Tộ là hình ảnh của con người nghị lực vô song”. Trên thực tế: “Ông là con người hiện đại ở điểm mọi nhận xét của ông đều có căn cứ và xây dựng trên một ý thức phê phán độc lập”. Hơn thế, so với các trí thức đương đại thì ông là hiện thân của một năng lực sáng tạo, “biết áp dụng một kiểu tư duy mới, hoàn toàn trái ngược với lối tư duy giáo điều chỉ để minh hoạ cho một chân lý có sẵn và xong xuôi”(24).
Tiếp nhận truyền thống giáo dục và tư tưởng Nho giáo do vậy khi đã trở thành một trí thức Tây học các bản điều trần của ông vẫn thấy trong đó sức nặng tư tưởng và cơ tầng lý luận Nho giáo với thuyết “Lý học” chịu ảnh hưởng tư duy “Thiên mệnh” nổi tiếng của Tống Nho(25). Trong tâm thế giằng xé giữa Một người con đất Việt yêu nước với Một tín đồ Công giáo (từng chịu ơn và được sang một số nước châu Âu lưu học) đồng thời là Thần dân của chính thể phong kiến quan liêu hẳn là, dù đã rất mạnh dạn, tâm huyết nhưng chắc hẳn vẫn còn và vẫn có nhiều điều ông cũng không thể trực tiếp kiến nghị, giãi bày thẳng thắn. Bên cạnh đó, cùng với những tư tưởng và quan điểm khai mở, ngày nay đọc lại chúng ta cũng thấy không ít những nhận thức mơ hồ, có phần ngây thơ của ông về thế giới cũng như về bản chất của chủ nghĩa đế quốc! Có thể coi đó là những khiếm khuyết khó tránh khỏi của một con người, một bộ phận trí thức trong cuộc chuyển giao trọng đại của dân tộc và thời đại. Cũng cần phải nói thêm là, dù có tư tưởng khai mở, khoáng đạt và tầm nhìn xa rộng nhưng Nguyễn Trường Tộ và các nhà cải cách cùng thời với ông đã không thể vạch ra một lộ trình và mục tiêu hướng tới cho công cuộc cải cách của dân tộc rõ ràng, kiên định như kiểu: “Học tập phương Tây, tiến kịp phương Tây và vượt phương Tây” của người Nhật Bản(26).
- Trên phương diện học thuật, trong khi chúng ta đang có khuynh hướng hướng tới một nhận thức sâu sắc và toàn diện về các vấn đề lịch sử để làm sao lịch sử không còn là lịch sử của một cá nhân, lịch sử của một giai cấp, của một tôn giáo hay hệ tư tưởng thì chúng ta cũng phải có một cái nhìn bình tâm và công tâm về trách nhiệm của từng giai tầng trong xã hội dẫn đến bi kịch mất nước của dân tộc ta thế kỷ XIX. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, xã hội Việt Nam thế kỷ XIX nói riêng cũng như các xã hội phương Đông nói chung đang ở vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện. Như K. Marx đã từng chỉ ra, việc các dân tộc phương Đông bị mất độc lập dân tộc trước trào sóng xâm lược, bành trướng của các nước đế quốc là hiện tượng khó tránh khỏi. Do vậy, khi xem xét những hệ quả nhiều mặt mà triều Nguyễn để lại chúng ta cũng cần có cái nhìn khoan dung hơn đối với không ít những nhân vật, vấn đề lịch sử(27). Bởi lẽ, nhìn rộng ra ngay cả việc Tự Đức lên ngôi cũng là một bi kịch lịch sử. Có thể thấy: “Tự Đức đã bước lên sân khấu chính trị vào một thời điểm bi thảm trong chính những hoàn cảnh khó khăn ở trong nước”(28). Nhưng không phải vì thế mà có thể đi đến việc chối bỏ trách nhiệm của một số cá nhân, một triều đại trước dân tộc và chấp nhận thuyết định mệnh. Trên thực tế, tuy không có được những điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị có nhiều thuận lợi như Nhật Bản, Xiêm La nhưng nếu như triều Nguyễn có đường lối, chính sách đúng đắn, tích cực thì vẫn có thể hợp tụ sức mạnh và các lực lượng dân tộc để đưa dân tộc đến những chuyển biến quan trọng. Trong Tế cấp bát điều Nguyễn Trường Tộ từng cho rằng: “những bọn âm mưu dòm ngó nước ta đã từ bốn phía kéo đến rồi. Thật là nguy cấp! Tuy nhiên, nếu ta đón trước thời cơ, làm hết sức mình thì cũng có thể cứu vãn được”(29).
Do vậy, lịch sử cận đại thế giới trong đó có lịch sử cận đại Đông á, Việt Nam với vai trò, ý nghĩa quan trọng của nó, đã và đang được nhiều trung tâm học thuật khu vực, thế giới quan tâm khảo cứu và xem xét lại. Bởi lẽ, thời cận đại là thời đại của văn minh công nghiệp; là thời kỳ bành trướng, khai phá và bóc lột của chủ nghĩa thực dân; là thời đại mà các dân tộc phương Đông phải đối diện với đồng thời nhiều áp lực chính trị của thế giới phương Tây và đứng trước những sự lựa chọn khác nhau trên con đường phát triển. Thời cận đại còn là thời đại của quá trình chuyển hoá những giá trị cũ và mới, của các xu thế tâm lý và tư tưởng, của sự xen cài, hỗn dung giữa các hệ giá trị. Trong ý nghĩa đó, đây còn là thời kỳ kiến lập những mô hình và cấu trúc xã hội mới trên cơ sở xuất hiện những cơ sở kinh tế và nhân tố xã hội mới đồng thời chuẩn bị những nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của giai đoạn lịch sử tiếp theo.
Trước xu thế khu vực hoá, toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay mỗi dân tộc đều phải xác định rõ vị thế của chính mình để từ đó có chiến lược phát triển và đối sách phù hợp. Bởi lẽ, toàn cầu hoá đã và đang đem lại vận hội phát triển mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với đời sống kinh tế, môi trường văn hoá, quyền tự chủ của mỗi quốc gia đặc biệt là việc xác định con đường phát triển cũng như khẳng định bản sắc, bản lĩnh của một dân tộc.
 
 
Chú thích:
1. Có thể xem ch?ng h?n như Mai Cao Chương - Đoàn Lê Giang: Nguyễn Lộ Trạch - Điều trần và thơ văn, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1995; Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Văn Hồng: Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá thông tin, H., 1998; Phạm Đình Nhân (Cb.): Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam - Những gương mặt tiêu biểu, Nxb. Văn hoá - Thông tin, H., 1998; Shiraishi Masaya: Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu á, 2 tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000; Hoàng Thanh Đạm: Nguyễn Trường Tộ - Thời thế và tư duy cách tân, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001; Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 2002; Lê Thị Lan: Tư tưởng cải cách ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 2002; Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG HN: Quan hệ văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du, Nxb. ĐHQG HN, H., 2006; Vũ Dương Ninh (Cb.): Phong trào cải cách ở một số nước Đông á giữa thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Nxb. ĐHQG HN, H., 2007. Trong Lời tựa cho cuốn sách của Hoàng Thanh Đạm, GS. Phan Ngọc cho rằng Nguyễn Trường Tộ đã để lại tất cả 58 bản điều trần, Sđd, tr.8.
2. Ngày 7-2-1861, Pháp tập trung 4.000 quân và 50 thuyền chiến ở Bến Nghé. Đến ngày 23-2-1986 thì chiếm Đại Đồn tức vùng Chí Hoà, Phú Thọ để từ đó đánh sâu vào bên trong. Ngày 16-12-1961 Pháp chiếm Biên Hoà rồi Vĩnh Long ngày 23-3-1862. Hơn thế, đô đốc Bonard còn ra lệnh cho trung tá hải quân Simon đưa chiến thuyền ra miền Trung, tiến vào cửa biển Thuận An gây sức ép buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) “nhường” cho Pháp ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hoà và Côn Đảo và chấp nhận các điều kiện do Pháp đưa ra. Để rồi, đến tháng 6-1867 Pháp đã chiếm luôn ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Năm 1874, triều đình Huế lại phải tiếp tục ký với Pháp hiệp ước Giáp Tuất xác nhận quyền chiếm đóng lâu dài và vĩnh viễn của thực dân Pháp trên toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ! Với tư cách là trí thức, học rộng, biết nhiều, điều chắc chắn là Nguyễn Trường Tộ không chỉ đau thiết với tình thế chính trị trong nước mà ông còn hiểu rất rõ tình thế của Trung Quốc sau Chiến tranh thuốc phiện. Đối với Nhật Bản, sau thất bại của nhà Thanh trong Chiến tranh thuốc phiện lần thứ I năm 1841 và lần thứ hai 1856, Nhật Bản đã quyết tâm lựa chọn con đường phát triển khác, đoạn tuyệt với những ảnh hưởng và mô hình truyền thống Trung Hoa để tìm một con đưòng đi mới cho đất nước trên cơ sở quyết tâm cải cách mau chóng, mạnh mẽ. Xem Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản - Ba lần mở cửa, ba sự lựa chọn, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5(336), 2004, tr.48-60.  
3. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận). Dẫn theo Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 2002, tr.122. Để thuận tiện cho bạn đọc xin được chú thích: Thiên Phương (Ai Cập), Thiên Trúc (ấn Độ), Miến Điện (Myanmar), Xiêm La (Thái Lan), Tô Môn Đáp Lạt (Sumatra), Trảo Oa (Java), Lữ Tống (Luzon), Cao Ly (Triều Tiên), Tây châu (châu Mỹ).
4. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận), Sđd, tr.122.
5. Nguyễn Trường Tộ: Tám việc cần làm gấp  (Tế cấp bát điều), Sđd, tr.263.
6. Nguyễn Trường Tộ: Tám việc cần làm gấp, Sđd, tr.266.
7. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.122.
8. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.125.
9. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.125.
10. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.124.
11. Nguyễn Trường Tộ: Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, Sđd, tr.171.
12. Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 2002, tr.88. Xem Di thảo số 36 “Bãi bỏ việc cử sứ bộ đi Pháp”, viết ngày 7-4-1868 và Di thảo số 39 “Kế hoạch thu hồi sáu tỉnh”, ngày 1-2-1971.
13. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.126.
14. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.127.
15. Nguyễn Trường Tộ: Kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước (Khai hoang từ), Sđd, tr.184.
16. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.125-126.
17. Nguyễn Trường Tộ: Nên mở cửa chứ không nên khép kín, Sđd, tr.484-485.
18. Nguyễn Trường Tộ: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, Sđd, tr.125-126.
19. Các nguyên nhân được đưa ra là: 1. Các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đều nặng về sự mô phỏng, sao chép bên ngoài mà thiếu một cơ sở vật chất bên trong; 2. Chính sách của triều Nguyễn đã làm triệt tiêu các mầm mống phát triển tư bản chủ nghĩa; 3. Các bản điều trần chưa đề cập và tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản của thời đại là và dân tộc Việt Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân xâm lược Pháp và giữa nhân dân lao động với giai cấp phong kiến mà có phần nghiêng về về mặt điều chỉnh, hoà giải, nên chính nhân dân đang sục sôi tinh thần yêu nước kháng chiến cũng tỏ ra lãnh đạm, tình hình đó đã tạo thêm cớ để triều đình Tự Đức bỏ rơi các bản điều trần đó. Xem Đinh Xuân Lâm: Nguyễn Trường Tộ - Vị trí trước kia trong xu thế đổi mới và ảnh hưởng hiện nay; trong: Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Văn Hồng: Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá thông tin, H., 1998, tr.32. Trong nghiên cứu so sánh với các quốc gia khu vực, theo chúng tôi, có thể bổ sung thêm một số nguyên nhân quan trọng khác nữa để lý giải về sự thất bại của phong trào cải cách ở Việt Nam thế kỷ XIX. Các nguyên nhân đó cũng tác động không nhỏ đến các phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX mà tiêu biểu là các phong trào của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
20. Phạm Đình Nhân: Điểm lại những canh tân chính trong lịch sử Việt Nam; trong: Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam - Những gương mặt tiêu biểu, Nxb. Văn hoá - Thông tin, H., 1998, tr.288.
21. Trên thực tế, dưới thời Minh Mạng (1820-1841) nhà vua đã có một số biện pháp và chính sách hướng đến việc canh tân đất nước. Trong khoảng thời gian 1837-1838, ông đã cho lập quan xưởng theo mô hình châu Âu. Quan xưởng có thể chế được máy cưa, máy xẻ gỗ chạy bằng sức nước và làm được máy bơm nước. Đặc biệt năm 1839, dưới sự chỉ đạo của đốc công Hoàng Văn Lịch và Vũ Huy Trinh, nhà Nguyễn đã chế tạo được chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên. Sau đó, quan xưởng còn đóng thêm được một số tàu hơi nước nữa lớn hơn và hiện đại hơn. Nhưng vì một số nguyên nhân, trong đó có lý do tài chính, nhà Nguyễn đã phải huỷ bỏ chương trình công nghệ nhiều triển vọng đó. Mặt khác, trong quan hệ giao thương với các nước, chính quyền Minh Mạng cũng chủ trương phái cử nhiều đoàn thuyền đi buôn bán với nước ngoài. Có thể tham khảo thêm Choi Byung Wook: Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng (1820-1841) - Central Policies and Local Response, Cornell University Press, 2004; và bài viết của tác giả: Foreign Trade of Vietnam in the First Half of the XIXth Century - From the Hands of Chinese Settlers to Those of Ethnic Vietnamese; trong: Trường ĐHKHXH & NV: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế Giới, H., 2007, tr.601-609.  
22. Đinh Xuân Lâm: Có một xu hướng đổi mới ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX không?; trong: Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Văn Hồng: Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá thông tin, H., 1998, tr.17.
23. Trong các công trình của mình một số nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ Nhật Bản và Xiêm La có thể tiến hành công cuộc cải cách và cải cách thành công là do có vai trò hết sức quan trọng của Nhật hoàng Minh Trị (Meiji) và vua Xiêm Chulalongkorn. Thực tế lịch sử cho thấy, ảnh hưởng của các ông là rất lớn trong các phong trào cải cách nhưng sự thành công của các cuộc cải cách đó còn bắt nguồn từ rất nhiều nhân tố và điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị trong nước, quốc tế khác nữa. 
24. Phan Ngọc: Con ngưòi của thế giới hiện đại; Lời tựa cho cuốn sách của Hoàng Thanh Đạm: Nguyễn Trường Tộ - Thời thế và tư duy cách tân, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.8-10.
25. Nhưng cũng có thể thấy, việc Nguyễn Trường Tộ luôn đề cao và sử dụng thuyết “Thiên mệnh” cùng một số khái niệm truyền thống khác trong các trước tác của mình cũng đồng thời cho thấy tầm tư duy và sự lựa chọn cách thức biểu đạt chủ trương cải cách của ông nhằm hạn chế đến mức tối đa những phản cảm tâm lý từ phía chính thể phong kiến.
26. Michio Morishima: Tại sao Nhật Bản “Thành công”? – Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991, tr.75-117. Trên thực tế, sau những thất bại trong các cuộc xung đột với phương Tây giữa thế kỷ XIX, người Nhật đã thay đổi hoàn toàn thái độ, kiên quyết từ bỏ Chính sách toả quốc (Sakoku) để thực hiện Chính sách khai quốc (Kaikoku), từ bỏ khẩu hiệu “Loại trừ lũ man di” (Sono joi) bằng cách ra sức học tập phương Tây, phát triển giao thông, quân đội, hải quân và các ngành công nghiệp hiện đại. Do vậy, chỉ sau một thời gian tương đối ngắn Nhật Bản đã tự mình trở thành một nước đế quốc trong khu vực.
27. Wynn Wilcox: Transnationalism and Multhiethnicity in Early Nguyễn ánh Gia Long Period; in Nhung Tuyet Tran and Anthony J.S. Reid (Ed.): Việt Nam - Borderless Histories, The University of Wisconsin Press, 2006, p.194-218. Có thể xem Nguyễn Mạnh Dũng: “Xuyên quốc gia và đa chủng tộc đầu thời Nguyễn ánh Gia Long” - Thêm một góc nhìn về lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu XIX, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7(387), 2008, tr.68-79 & 64.
28. Yoshiharu Tsuboi: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr.296. Tham khảo thêm Phan Huy Lê: Phan Thanh Giản (1796-1867) - Con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời; trong: Tìm về cội nguồn, Tập II, Nxb. Thế Giới, H., 1999, tr.713-736.
29. Nguyễn Trường Tộ: Tám việc cần làm gấp, Sđd, tr.266.
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441818

Hôm nay

2218

Hôm qua

2317

Tuần này

21722

Tháng này

216992

Tháng qua

112676

Tất cả

114441818