Những góc nhìn Văn hoá

Sụ thực về Mộng mai từ lục của Đào Tấn

Nói đến Đào Tấn (1845-1907) người ta nghĩ ngay đến ông với tư cách là tác giả của các vở tuồng nổi tiếng. Tuy nhiên, theo các tư liệu đã công bố, Đào Tấn không chỉ viết các tác phẩm tuồng, hay lí luận về tuồng (như Hí trường tùy bút), mà còn sáng khá nhiều thơ và đặc biệt hơn nữa, ông còn sáng tác theo thể từ - một thể loại khá hiếm trong văn học trung đại - hiện để lại một từ tập mang tên là Mộng Mai từ lục (từ đây viết tắt là MMTL), gồm 60 bài từ, trong đó có không ít bài đạt đến trình độ nghệ thuật trác tuyệt.

Cũng như sáng tác của hàng loạt tác gia Trung đại khác, sáng tác từ của Đào Tấn hiện không còn bản thảo gốc do đích thân tác giả chấp bút, các tác phẩm được chép rải rác trong nhiều sách khác nhau, bản đầy đủ hơn cả và được coi là “đáng tin cậy hơn hết” do hai con gái của tác giả là Trúc Tiên và Chi Tiên kí lục, Tịnh Ba (hay Tĩnh Ba) phụng sao vào thượng tuần tháng Chạp năm Giáp thìn (1964)(1). Nhờ sự nỗ lực của một số dịch giả, nhà nghiên cứu, 24 bài từ của Đào Tấn đã được dịch, giới thiệu lần đầu vào năm 1987, qua sách Thơ và từ Đào Tấn (Nhà xuất bản Văn học, H, 1987), và được giới thiệu toàn bộ (60 bài) vào năm 2003, qua sách Đào Tấn thơ và từ (Nhà xuất bản Sân khấu, H, 2003).
Vào tháng 1 năm 1979, trong dịp tiếp xúc với bà Chi Tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Ngọc Liễn, người dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đào Tấn đã đem toàn bộ danh mục tác phẩm của Đào Tấn mà ông đã sưu tập được “hỏi ý kiến bà để tìm giải đáp về những điều tồn nghi”, đặc biệt là “những điều tồn nghi về từ”. Nói về các tác phẩm từ của Đào Tấn, bà Chi Tiên cho biết: “Từ của Tiên nghiêm tôi có những bài phỏng theo điệu Sở từ, hoặc Tống từ, có nhiều bài do Tiên nghiêm tôi viết theo điệu riêng của mình...”(1).
Xét sơ lời bộc bạch của bà Chi Tiên, có hai cái sai, một trong hai cái sai đó rất hiển nhiên.
Thứ nhất, bà Chi Tiên cho rằng Đào Tấn đã phỏng theo Sở từ để sáng tác. Điều này hoàn toàn sai. Lí do vì Sở từ là thể loại riêng (có liên quan đến thể phú - từ phú), không có quan hệ gì với thể loại từ - khúc tử từ - như ta đang đề cập.
Thứ hai, bà Chi Tiên đã đúng khi nói rằng thân phụ bà đã sáng tác theo Tống từ, song khảo sát kĩ các tác phẩm từ trong MMTL sẽ nhận thấy tất cả các bài từ trong từ tập này đều được sáng tác theo các từ điệu vốn có của Trung Quốc, từng lưu truyền rộng rãi và được từ phổ ghi nhận; không có bất cứ một bài từ nào là do tác giả “viết theo điệu riêng của mình”.
Lời người chép lại tác phẩm từ của Đào Tấn đồng thời cũng là con gái tác giả sai lẫn đến thế, thì cái mà bà chép ra, rồi được những người sau đó sao lục lại phỏng có thể tin được mấy phần? Tuy các tác giả sách Thơ và từ Đào Tấn, rồi sau đó là Đào Tấn thơ và từ đã có những thận trọng cần thiết về văn bản, song kể từ khi các tác phẩm từ của Đào Tấn bước đầu được giới thiệu vào năm 1987, giới thiệu đầy đủ hơn vào năm 2003, đến nay, dường như chưa thấy ai nghi ngờ về sự xác tín của MMTL. Và vì thế, vấn đề văn bản học của MMTL chưa được giải quyết. Các bài viết về từ của Đào Tấn, ngoài một số bài kiểu phân tích, cảm thụ, điểm bình… mà cảm cơ bản là tụng ca… đáng chú ý nhất là bài viết mang tên Vấn đề văn bản học của một số bài từ Đào Tấn của Trần Văn Tích(2). Tiếc rằng bài viết của ông Trần không cập nhật tư liệu, không vận dụng đến tư duy biện ngụy, nên tuy nghiêm túc, công phu, nhưng mới dừng ở chỗ bước đầu chỉ ra những lầm lẫn về từ điệu, từ đề và tình trạng tàn khuyết của một số tác phẩm trong phạm vi 24 bài từ Đào Tấn trong Thơ và từ Đào Tấn in năm 1987, mà không đủ để minh định về tính khả tín của MMTL.
Với MMTL, vấn đề trước tiên cần làm sáng rõ là trong văn học Trung đại Việt Nam, có rất ít tác giả sáng tác theo thể loại từ, vậy Đào Tấn có thực đã từng sáng tác từ và MMTL có phải là từ tập của ông hay không?
Về vấn đề này Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, và sau đó là con gái tác giả đã khẳng định. Đương thời, Nguyễn Trọng Trì trong bài thơ Đọc Mộng Mai từ lục đánh giá rất cao về các tác phẩm từ của Đào Tấn, cho là từ của ông có cái hào mại, phóng khoáng theo phong cách của phái từ hào phóng kiểu Tô Đông Pha; lại kiêm thâu nét diễm tình lả lướt của Liễu Tam Biến - Liễu Vĩnh:
Gối lạ đèn côi giấc chẳng thành,
Mộng Mai từ lục đọc thâu canh.
Luật âm phóng khoáng Tô khôn sánh,
Ý tứ cao xa Liễu khó bằng.
Sông núi, nước nhà, oằn nặng nghĩa;
Trăng hoa, oanh liễu, láng lai tình.
Ba năm chưa gặp ông Đào được,
Đọc hết từ ông, tựa thấy hình.
(Vũ Ngọc Liễn và Mịch Quang dịch).
Tô Thức (1037-1101), người khai sinh ra phái từ hào phóng, một trong hai phái từ căn bản nhất trong từ sử, làm biến đổi tiến trình phát triển của từ, “khiến cho người ta lên cao trông xa, ngẩng đầu cất cao giọng hát, mà cái hạo khí hoài cổ siêu vượt ra ngoài cõi bụi bặm” (Hồ Dần: Tửu Biên từ tự), “chỉ ra một con đường mới mẻ, làm mới tai mắt của thiên hạ, người cầm bút mới biết tự mình phát huy” (Vương Chước: Bích Kê mạn chí). Tô Thức không chỉ là một từ nhân “tự thị nhất gia” (Dữ Tiên Vu Tử Tuấn) thời Bắc Tống, mà còn là từ nhân kiệt xuất trong từ sử Trung Hoa.
Liễu Vĩnh (987-1053), một trong những tác giả tiêu biểu nhất của phong cách từ uyển ước. Tác phẩm của ông được “thiên hạ ca vịnh” (Hậu Sơn thi thoại), “phàm những nơi có giếng uống nước đều hát từ của của Liễu Vĩnh” (Tị thử lục thoại)... Trong các từ gia thời Bắc Tống, Liễu Vĩnh không những được đánh giá là từ nhân chuyên nghiệp nhất mà còn là từ nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thể loại từ, đồng thời tạo được ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội(3).
Sơ lược vài nét về hai từ gia kiệt xuất vào bậc nhất, tiêu biểu cho hai phong cách từ học chính trong từ sử là Tô Thức và Liễu Vĩnh đủ thấy lời thơ của Nguyễn Trọng Trì là những lời tán dương đầy hữu nghị đối với tác giả họ Đào. Điều đáng chú ý là thông qua bài thơ, Nguyễn Trọng Trì không chỉ khẳng định Đào Tấn từng sáng tác theo thể loại từ mà còn cho biết ông từng sáng tác hẳn một từ tập mang tên MMTL. Như vậy, Đào Tấn là tác giả của MMTL là điều có thể tin được.
Ta đều biết, trong thời đại văn hóa cảo bản, tác phẩm lưu hành chủ yếu qua các bản chép tay, qua sự sao lục nhiều lần, nhất là khi người sao lục không thông tường về những tác phẩm mình đang chép, thì tình trạng “chữ tác (作) thành chữ tộ (祚), chữ ngộ (遇) thành chữ quá (過)” e khó lòng tránh khỏi. Do vậy, vấn đề tiếp theo được đặt ra là, MMTL là từ tập của Đào Tấn, nhưng các tác phẩm từ trong MMTL hiện còn liệu có phải đều là của Đào Tấn hay không?
Nhìn về tổng quan, MMTL là một từ tập khá dày dặn. Nếu tất cả các bài từ này đều đích thực là sáng tác của Đào Tấn, thì trong từ sử Việt Nam, xét riêng về số lượng tác phẩm, Đào Tấn có thể xếp thứ ba (Sau Miên Thẩm – 104 bài, Thiếu Tuấn – 75 bài).
Xét về phong cách nghệ thuật, MMTL phần lớn thuộc về phong cách từ uyển ước, nhiều tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật điêu luyện, trong đó có một số có thể sánh với các từ phẩm thuộc hàng xuất nhất trong từ sử Trung Hoa. Trên phương diện này, có thể nói Đào Tấn là từ gia hàng đầu trong từ sử Việt Nam.
Về đề tài, MMTL phản ánh một phạm vi rất rộng lớn, có niềm ưu tư quốc nạn, lữ thứ hoài hương, li tình biệt hận, nam nữ tương tư… Về phương diện này, MMTL cơ bản đều rất đúng với “bản sắc đương hành” của thể loại.
Tiến hành khảo sát sơ bộ (số thứ tự các bài được khảo sát vẫn giữ nguyên như trong Đào Tấn thơ và từ, Nhà xuất bản Sân khấu, H, 2003), kết quả cho thấy, bản MMTL hiện còn có nhiều dấu hiệu bất ổn: nhiều bài ghi sai từ điệu (như các bài: 1, 7, 28), nhiều bài tàn khuyết (như các bài: 2, 7, 40, 44, 54, 60), nhiều bài chỉ có từ đề, không có tên từ điệu (như các bài số: 4, 5, 14, 15, 16, 32, 41, 50 .
Đọc kĩ toàn tập, nội dung nhiều bài hết sức “khả nghi”, chẳng hạn xét về địa danh được nhắc đến trong các bài từ:
Nếu như trong bài từ thứ 6, điệu Lâm giang tiên, câu thứ hai phần hạ phiến bài từ này ghi: “Tung khâu kỉ độ đăng lâu” (嵩丘幾度登樓 – Non Tung mấy độ lên lầu) - “Tung khâu”, tức núi Tung Sơn của Trung Quốc - thì ở bài từ thứ 56, điệu Trường tương tư, câu thứ hai phần thượng phiến lại nói cảnh mưa gió ở Giang Nam (Tam nguyệt Giang Nam yên vũ thì – Tháng Ba lúc Giang Nam mưa, khói). Còn trong bài từ thứ 13, điệu Tiểu trùng san, bốn câu cuối lại nói về tâm trạng hoài vọng về cố quốc của tác giả khi sống ở khu vực sông Tiêu, sông Tương. Phải chăng Đào Tấn từng đi sang Trung Quốc, nhiều lần lên Tung Sơn, du ngoạn đất Giang Nam tươi đẹp, lênh đênh trên vùng Tiêu Tương?
Xét về phong cách từ học, bài từ thứ 31, điệu Mộc lan hoa ngôn từ thướt tha, tình điệu bi sầu não nuột. Bài này gần với phong cách từ Trung Quốc giai đoạn từ Ôn Đình Quân (Hoa gian tị tổ) đến đầu thời Tống, đặc biệt xa lạ với phong cách từ của các từ gia Việt Nam.
Bài từ thứ 34, điệu Cán khê sa, đọc lên, người tinh ý dễ nhận thấy hạ phiến phảng phất ý vị hai câu nổi tiếng trong bài từ cùng điệu của Yến Thù thời Bắc Tống: Chẳng biết làm sao hoa rụng hết/ Như từng quen biết, én bay về (無可奈何花落盡/ 似曾相識燕歸來: Vô khả nại hà hoa lạc tận / Tự tằng tương thức yến quy lai).
Bài từ thứ 52, điệu Ngu mĩ nhân, câu thứ hai của phần thượng khuyết: “Nguyện nguyệt viên vô khuyết” (願月圓無缺/ Mong trăng tròn chẳng khuyết) gợi cho người đọc liên hệ đến hai câu trong bài từ nổi tiếng điệu Minh nguyệt kỉ thời hữu (明月幾時有) điệu Thủy điệu ca đầu (水調歌頭) của Tô Thức: “Nhân hữu bi hoan li hợp/ Nguyệt hữu âm tình viên khuyết” (人有悲歡離合/月有陰晴圓缺: Người có buồn vui li hợp/ Trăng có mờ, tỏ, tròn, khuyết).
Phải chăng chí ít Đào Tấn đã ảnh hưởng phong cách từ của Hoa gian phái, Yến Thù, và cả Tô Thức?
Để giải đáp các nghi vấn xung quanh từ tập này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, giám định văn bản, kết quả như sau:
MMTL hiện còn là một từ tập hết sức bác tạp, nhiều lần lẫn, trong đó ít nhất có đến 38 bài (trên tổng số 60, chiếm tỷ lệ 63,33%) chép y nguyên các tác phẩm từ của Trung Quốc từ thời Tống đến thời Thanh (Một số bài có sai khác, song sự sai khác đó chỉ là do chép thiếu, chép nhầm mà thôi. Về tác phẩm của các tác giả Trung Quốc này, có thể xem trong các bộ toàn tập, tổng tập về từ như: Toàn Tống từ, Minh từ tổng…). Các tác giả Trung Quốc có tác phẩm được chép nhiều nhất thuộc các từ gia thời Tống, gồm: Ngô Tiềm (4 bài), Lý Thạch (3 bài), Tô Thức (2 bài), Yến Cơ Đạo (2 bài), Chu Đôn Nho (2 bài) và Lưu Học Cơ (2 bài).
Tổng hợp các kết quả biện ngụy, giám định văn bản sau khi đã đính chính một số nhầm lẫn về từ đề, bổ sung về từ điệu, ta được bảng thống kê các bài từ của các tác giả Trung Quốc chép lẫn trong MMTL như sau:

STT
Bài số
Từ điệu (Từ đề)
Tác giả
Thời đại
1.         
1
Ngu mĩ nhân
Tưởng Tiệp (蔣捷)
Tống - Nguyên
2.         
2
Nhất lạc sách
Chu Bang Ngạn (周邦彥)
Tống
3.         
6
Lâm giang tiên
Nguyên Hiếu Vấn (元好問)
Nguyên
4.         
8
Trường tương tư
Vương Sưởng (王昶)
Thanh
5.         
10
Ức vương tôn
Uông Nguyên Lượng (汪元量)
Tống
6.         
12
Ngu mĩ nhân
Ngô Bang Trinh (吳邦楨)
Minh
7.         
13
Tiểu trùng sơn
Lưu Cơ (劉基)
Nguyên - Minh
8.         
15
Bồ tát man
(Lưu xuân)
Trịnh Bản Kiều (鄭板橋)
Thanh
9.         
16
Điểm giáng thần
(Tống xuân)
Tạ Chương Đĩnh (謝章鋌)
Thanh
10.     
17
Bồ tát man
Trương Chứ (張翥)
Nguyên
11.     
19
Như mộng lệnh
Ngô Tiềm (吳潛)
Tống
12.     
21
Điệp luyến hoa
Ngô Tiềm
Tống
13.     
23
Chuyển ứng khúc
Giải Tấn (解縉)
Minh
14.     
31
Mộc lan hoa
Yến Cơ Đạo (晏几道)
Tống
15.     
32
Tây giang nguyệt
(Thu hứng)
Trình Bột (程馞)
Minh
16.     
33
Phượng thê ngô
Ngô Trúc Dự (吳竹嶼)
Thanh
17.     
34
Cán khê sa
Yến Cơ Đạo
Tống
18.     
35
Triều trung thác
Trương Chứ
Nguyên
19.     
36
Trường tương tư
Lưu Học Cơ (劉學箕)
Tống
20.     
37
Như mộng lệnh
Ngô Tiềm
Tống
21.     
39
Như mộng lệnh
Tần Hàn Sinh (秦瀚先)
Minh
22.     
40
Điệp luyến hoa
Hoàng Hồng (黃鴻)
Minh
23.     
41
Bồ Tát man
(Tống xuân)
Nghê Phủ (倪撫)
Minh
24.     
42
Ức vương tôn
Cát Nhất Long (葛一龍)
Minh
25.     
43
Ngu mĩ nhân
Hàn Tăng Câu (韓曾駒)
Minh
26.     
44
Hoa phi hoa
Kế Nam Dương (計南陽)
Minh
27.     
48
Canh lậu tử
Ngô Tiềm
Tống
28.     
49
Ức Tần nga
Lưu Bính (劉昺)
Minh
29.     
51
Ngư phủ
Tô Thức (蘇軾)
Tống
30.     
52
Ngu mĩ nhân
Tô Thức
Tống
31.     
53
Nguyễn lang quy
Trương Luân (張掄)
Tống
32.     
54
Phong nhập tùng
Hàn Hổ (韓淲)
Tống
33.     
55
Lâm giang tiên
Lí Thạch (李石)
Tống
34.     
56
Trường tương tư
Lí Thạch
Tống
35.     
57
Ngư gia ngạo
Lí Thạch
Tống
36.     
58
Tương kiến hoan
Chu Đôn Nho (朱敦儒)
Tống
37.     
59
Nhất lạc sách
Chu Đôn Nho
Tống
38.     
60
Giá cô thiên
Lưu Học Cơ
Tống

Như vậy, để khỏi nghiên cứu nhầm, tránh dẫm vào vết xe đổ như một số nhà nghiên cứu về từ của Đào Tấn trước đây đã phạm phải, cần dứt khoát loại 38 bài này khỏi MMTL.
Sau khi đã loại bỏ 38 bài từ của các giả Trung Quốc khỏi MMTL, số lượng từ trong MMTL chỉ còn 22 tác phẩm. Trong một tập sách có lẫn quá nhiều tác phẩm từ của Trung Quốc, câu hỏi được đặt ra là: Trong số 22 tác phẩm còn lại, liệu có phải tất cả đều là của Đào Tấn?
Ta đều biết rằng, Đào Tấn (陶進) sinh năm 1845, mất năm 1907. Ông quê ở làng Vinh Thạnh, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định; là người có hàm dưỡng sâu sắc về nho học, thi đậu Cử nhân khoa thi năm Đinh mão (1867, dưới thời Tự Đức), từng nắm giữ các chức vụ quan trọng (Phủ doãn Thừa Thiên, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hình…) và làm quan nhiều nơi như Huế, Nghệ An – Hà Tĩnh… Khi Đào Tấn tại thế, hẳn không ai ngụy tạo ra tác phẩm từ của ông. Sau khi ông mất ít năm, chế độ khoa cử cũng bị bãi bỏ, số người tinh thâm Hán học ngày một hiếm, dẫu vì động nào đi chăng nữa, người đời sau dù có muốn ngụy tạo ra các tác phẩm từ trình độ nghệ thuật cao, giàu cảm xúc như các bài từ trong MMTL cũng là việc “lực bất tòng tâm”.
Xem xét kết quả giám định ở trên. Trong số 60 bài thuộc MMTL tuy có đến 38 (chiếm tỉ lệ 63,33%) bài là tác phẩm từ của Trung Quốc. Số lượng đó tuy rất lớn song không có dấu hiệu chứng tỏ có sự ngụy tạo. Lí do dẫn đến hiện tượng trên có thể do trước nhiều tư liệu khác nhau do Đào Tấn để lại, người sao lục không phân biệt được đâu là tác phẩm đích thực của Đào Tấn, đinh ninh tất cả đều là của ông nên chép gộp vào, vô tình đã chép nhầm cả tác phẩm từ của Trung Quốc.
Từ các lí do trên đây, ta có thể chắc MMTL không phải tác phẩm ngụy tạo, mà chỉ bị lẫn tác phẩm từ của các tác giả Trung Quốc. Do vậy, muốn xác định các bài từ đích thực của Đào Tấn chỉ cần tìm ra yếu tố Việt Nam trong tác phẩm. Theo hướng này, trước hết ta đi tìm các bài từ có nhắc đến các các sự kiện xẩy ra ở Việt Nam, đặc biệt là các sự kiện xẩy ra vào giai đoạn Đào Tấn còn tại thế cùng các bài có nhắc đến các nhân danh, địa danh thực của Việt Nam. Trong 22 bài còn lại, không có tác phẩm nào nhắc đến các sự kiện, tên người cụ thể. Tác phẩm có nhắc đến địa danh thực của Việt Nam gồm các bài:
1) Bài từ thứ 3, điệu Ngư phủ từ; 2) Bài từ thứ 4: Quá Kim Long dịch, điệu Tiểu trùng san; 3) Bài từ thứ 7, điệu Tô mạc già; 4) Bài từ thứ 25, điệu Ngu mĩ nhân; 5) Bài từ thứ 26, điệu Điệp luyến hoa; 6) Bài từ thứ 29, điệu Lâm giang tiên; 7) Bài từ thứ 30, điệu Bồ tát man; 8) Bài từ thứ 50, Yết Hương Bình.
Các địa danh được nhắc đến gồm: 1) Sông Hương (được nhắc 6 lần), 2) Núi Ngự (2 lần), 3) Trạm dịch Kim Long (hay còn gọi là Kim Luông, tại Huế, 1 lần), 4) Thành Quy Nhơn (1 lần).
Dễ nhận thấy, các địa danh kể trên đều ở Quy Nhơn và đặc biệt là xứ Huế.
Tại sao lại có hiện tượng như trên? Tại sao trong các bài từ không nhắc đến các địa danh khác ngoài Quy Nhơn và Huế? Rất đơn giản, là vì Quy Nhơn là quê hương của Đào Tấn, còn xứ Huế là nơi ông làm quan gần 20 năm. Kết quả khảo sát trên đây cũng khiến ta tin chắc rằng MMTL không phải tác phẩm ngụy tạo, chỉ có lẫn các tác phẩm từ của Trung Quốc. Đồng thời cũng từ kết quả khảo sát trên, ta có thể đoán định rằng Đào Tấn sáng tác MMTL trong thời gian ông làm quan tại Huế(4).
Như vậy, dựa vào địa danh được nhắc đến trong các bài từ, ta xác định được 8 tác phẩm từ của Đào Tấn, gồm các bài số: 3, 4, 7, 25, 26, 29, 30, 50.
Sau khi tìm được 8 tác phẩm của Đào Tấn trong MMTL, số còn lại gồm 14 bài vẫn chưa được minh định về tác giả. Vậy phải dựa vào tiêu chí nào để xác định tác giả của 14 bài đó?
Đọc 8 bài từ trên có thể thấy tuy sống ở đất thần kinh nhưng Đào Tấn vẫn không nguôi ngoai nỗi lòng nhớ nhung da diết về quê xa, nơi ấy có trống vẽ, thuyền lầu, suối hoa, bến liễu, nước đồng, khói lạnh… Giấc mộng về quê xa không thành, tất cả chỉ hiện về trong tâm tưởng: Thượng phiến: “Mây trắng đến / Mặt trời hồng đi / Sớm sớm chiều chiều / Đã bao lần nắng nực/ Nhà ở ngoài thành Quy Nhơn / Trống vẽ thuyền lầu / Thảy là nỗi đau lòng. Hạ phiến: “Khe hoa [?] / Bến dương liễu / Nước đồng, khói lạnh / Dứt mộng về con đường thôn trước / Từng nhớ năm nao ngoạn du nơi bến sông / Một nhánh lau vàng / Vô vàn bông tơ bay” (Bài từ thứ 7, điệu Tô mạc già).
Rồi một ngày kia, bên sông Hương núi Ngự, ông lại tái tê với niềm li hận, não nuột khi nhìn bóng trăng tròn: “Niềm li biệt rầu rĩ trời mây tối / Cớ sao trăng đêm nay / Vẫn tròn soi nhà khác?” (Bài từ thứ 29, điệu Lâm giang tiên).
Nỗi niềm ấy lên đến cùng cực qua bài từ điệu Ngu mĩ nhân: Thượng phiến: “Bóng hoa rung rinh, sương lạnh dầy / Mộng về quê thê thiết / Nhà ai ngoài rèm tơ liễu rủ / Một đêm gió lạnh thổi tan bay khắp thành. Hạ phiến: Én lẻ lênh đênh về nơi đâu / Không về rường nhà mà đậu / Đáng thương lệ buồn đã không còn nhiều / Chảy đến sông Hương, giọt giọt thảy thành sóng” (Bài từ thứ 25, điệu Ngu mĩ nhân). Trong bài, Đào Tấn tự ví mình như con én lẻ bầy lênh đênh, phiêu dạt, chẳng biết về đâu; cuối cùng cảm xúc vỡ ào, nước mắt đầm như hòa cùng sóng nước sông Hương. Xứ Huế, nơi Đào Tấn gắn bó bao năm, nhưng không thể thay thế được hình bóng quê nhà, trong ông luôn khắc khoải tâm trạng bi hoài của một người lữ khách. Và điều này dường như là một trong những cảm xúc thường trực của ông.
Đào Tấn trưởng thành trong giai đoạn thực dân Pháp từng bước đô hộ nước ta, biến nước ta từ một nước có độc lập, chủ quyền thành một nước nô lệ. Trước hoàn cảnh đó, một mặt ông ra sức ủng hộ các phong trào yêu nước khi có điều kiện, mặt khác, ông gửi gắm nỗi niềm ưu tư quốc nạn vào các tác phẩm của mình. Nếu như ở các tác phẩm tuồng, Đào Tấn luôn dụng ý “đề cao những người hùng có nghĩa khí, yêu nước, sẵn sàng hi sinh tính mệnh của mình cho sự nghiệp cao cả”(5). Trong các tác phẩm thơ, ông nhiều lần bày tỏ sự đồng tình với các nhà ái quốc như Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu… thì trong từ, ngay cả khi ngắm cảnh sông Hương thơ mộng, ông cũng không nguôi ngoai xúc cảm về lẽ hưng vong: “Ải bắc, trời Nam binh tình nguy cấp / Thân này không chết, rốt cục phải giệt giặc” (Bài từ thứ 26, điệu Điệp luyến hoa).
Yêu nước nhưng không thể làm gì để vãn hồi nạn nước, khi bụi giặc mù trời, một mình nâng chén dưới trăng thanh mà nước đầm đìa, Đào Tấn hận mình bất lực: “Đêm thanh tự rót ba chung rượu / Lệ châu đầm đìa đong đầy đấu / Trông khói lửa mạn Bắc / Bụi giặc đang mờ trời / Hoa mai hồng tựa máu / Chẳng bằng máu nóng trong lòng / Ngồi mãi ở sông Hương / Ôm thẹn cùng vầng trăng” (Bài từ thứ 30, điệu Bồ tát man).
Có thể nhận thấy, cùng niềm nhung nhớ quê xa, tâm trạng của một lữ khách hoài hương, tinh thần yêu nước là một trong những nội dung quan trọng trong các tác phẩm từ của Đào Tấn.
Như vậy, qua các bài từ của Đào Tấn, nhung nhớ quê xa và ưu tư quốc nạn là hai cảm hứng quan trọng bậc nhất, khả dĩ coi như tiêu chí giúp ta nhận chân một số tác phẩm khác của ông trong MMTL.
Dựa vào hai cảm hứng chủ đạo trên, tham khảo thêm một số yếu tố khác để khảo sát các tác phẩm còn lại trong MMTL, kết quả cho thấy có thêm 5 tác phẩm có thể tin được đó đích xác là sáng tác của Đào Tần, gồm các bài sau số: 9, 11, 18, 27, 28.
Tổng hợp kết quả trên, trong MMTL hiện còn có tất cả 13 bài khả dĩ đáng tin là các phẩm đích thực của Đào Tấn.
Ngoài các bài từ của Trung Quốc chép lẫn trong MMTL và các bài đã xác định là tác phẩm đích thực của Đào Tấn, trong số 9 bài còn lại, nhiều bài rất chung chung, không có dấu hiệu cụ thể để xác định vấn đề tác quyền của tác giả. Chẳng hạn bài từ số 5 – Thu oán. Bài từ này MMTL không ghi từ điệu, Trần Văn Tích khảo cứu, xác định bài từ thuộc điệu Ức vương tôn. Toàn văn tác phẩm như sau:

Nguyên văn:
Phiên âm:
秋怨 - 憶王孫
秋風一夜滿天涯,
幾樹丹楓葉作花.
漫倚高樓對落霞.
不歸家,
又見橫空雁影斜.

Dịch từ:
NỖI OÁN MÙA THU - ĐIỆU ỨC VƯƠNG TÔN
Thu phong một tối ngập trời xa,
Mấy cội phong già, lá tựa hoa.
Biếng tựa lầu cao ngắm ráng sa.
Chẳng về nhà,
Lại thấy ngang trời bóng nhạn tà.
(Changfeng dịch)
Bài từ là bức tranh phong cảnh của một buổi chiều thu, ẩn trong cảnh là tâm trạng cô đơn của nhân vât trữ tình. Tác phẩm có sự thống nhất cao độ giữa từ điệu, từ đề với nội dung. Người đọc dễ dàng nhận ra bài từ diễn tả tâm trạng của một thiếu nữ buổi chiều tà ngóng đợi hành nhân quay về, mong mãi chẳng thấy, nàng cố chờ rốt cục chỉ thấy cánh nhạn lẻ loi bay trong chiều tà. Bài từ ngắn gọn song song hết sức tinh tế, phảng phất ý vị bài từ điệu Mộng Giang Nam (Lưu tảy bãi / Độc ỷ vọng giang lâu…) của “Hoa gian tị tổ” Ôn Đình Quân. Có thể nói đây là một trong những bài tinh tế nhất trong MMTL, không thua kém bất cứ giai tác nào trong từ sử Trung Hoa.
Về phong cách từ học, bài này có phần hơi xa lạ với các từ gia Việt Nam, nhất thời chưa tìm được bài từ này trong bất cứ từ tập nào khác nên chúng tôi tạm coi đây là sáng tác của Đào Tấn, chờ khảo cứu thêm. Tương tự trường hợp bài từ số 5, 20, 22, 24, 38, 46, 47.
Riêng trường hợp bài từthứ 14, Hương thủy đạo trung vốn không ghi từ điệu. Trần Văn Tích xác định đây là điệu Hảo sự cận. Nguyên văn bài từ sau khi đã xác định từ điệu, ngắt câu, phân phiến như sau:

Nguyên văn:
Phiên âm:
香水道中 – 好事近
極目總悲秋,
哀草似黏天末.
多少無情烟樹,
送年年行客.
 
亂山高下沒斜陽,
夜景更清絕.
幾點寒鴉風裏,
趁一梳冷月.
HƯƠNG THỦY ĐẠO TRUNG -
HẢO SỰ CẬN
Cực mục tổng bi thu,
Ai thảo tự niêm thiên mạt.
Đa thiểu vô tình yên thụ,
Tống niên niên hành khách.
 
Loạn sơn cao hạ một tà dương,
Dạ cảnh cánh thanh tuyệt.
Kỉ điểm hàn nha phong lí,
Sấn nhất sơ lãnh nguyệt.

Khảo cứu sâu thêm một bước, kết quả cho thấy, bài từ này tuy từ đềHương thủy đạo trung, nghĩa là “Trên đường sông Hương”. Sông Hương là địa danh ở Huế, theo lẽ thường, có thể kết luận bài này đích thực là tác phẩm của Đào Tấn. Tuy nhiên, MMTL chỉ ghi từ đề, không có từ điệu, trong khi đó về căn bản các bài đều ghi từ điệu, vì trong thể loại từ, giữa từ đềtừ điệu, từ điệu quan trọng hơn từ đề; không ghi từ điệu, chỉ có từ đề, đó là một chi tiết cần phải lưu ý. Qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện hai câu đầu tiên trong bài từ này giống hệt bài từ cùng điệu của tác giả Trung Quốc Cung Tường Lân (龔翔麟)(6), người thời Thanh. Chúng tôi lấy làm ngờ rằng bài này tương tự một số bài từ khác như đã khảo ở trên, chỉ là chép nguyên văn tác phẩm từ của Trung Quốc. Nhất thời, do chưa tìm được nguyên văn bài từ của Củng Tường Lân, nên chúng tôi tạm chưa có kết luận cuối cùng, tạm để tồn nghi, chờ khảo cứu thêm.
Tổng hợp kết quả khảo đính, giám định văn bản 22 bài từ còn lại trong MMTL, ta được kết quả như sau: 13 bài đáng tin là tác phẩm đích thực của Đào Tấn, 8 bài tạm chấp nhận là tác phẩm của Đào Tấn, nhưng cần tiếp tục khảo cứu thêm; 1 bài tồn nghi, cần tiếp tục giám định.
 
KẾT LUẬN:
          Qua khảo cứu văn bản MMTL, kết quả khảo cho thấy MMTL là một từ tập có nhiều bất ổn về văn bản, ghi chép nhiều sai lầm, hỗn độn.
          Kết quả biện ngụy cho thấy có đến 38/ 60 (xấp xỉ 63.3%) trong MMTL là của tác phẩm từ của các tác giả Trung Quốc.
          Sau khi loại bỏ các tác phẩm từ Trung Quốc chép lẫn trong MMTL, MMTL chỉ còn lại 22 tác phẩm. Tuy nhiên, do từ tập này lẫn quá nhiều tác phẩm của Trung Quốc, thêm nữa thư tịch Trung Quốc rất bề bộn, nhất thời không thể kiểm chứng được tất cả tác phẩm, do vậy, xác định các tác phẩm từ đích thực của Đào Tấn là việc làm phức tạp và cần được tiến hành một cách cẩn trọng.
Qua khảo cứu, chúng tôi xác định 13/22 bài có thể tin được đó đích thực là tác phẩm của Đào Tấn.
          8/22 bài nội dung và phong cách nhiều khác lạ so với các tác phẩm đích thực của Đào Tấn, nhưng do hiện chưa tìm thấy trong bất cứ từ tập nào khác, vậy tạm coi chúng là tác phẩm của Đào Tấn, chờ khảo cứu thêm. Trong khi giới thiệu, nghiên cứu các bài này, cần hết sức thận trọng.
          1/22 bài hai câu đầu tiên giống hệt hai câu đầu trong bài từ cùng điệu của tác giả Trung Quốc Cung Tường Lân. Nhất thời chúng tôi chưa tìm được toàn văn tác phẩm của Cung Tường Lân để kiểm chứng, vậy tạm để tồn nghi.
C. F. 15. 02. 2009
--------------------------
(1). Vũ Ngọc Liễn (chủ biên): Thơ và từ Đào Tấn, Nxb. Văn học, H, 1987, tr. 56.
(2). Bài viết của Trần Văn Tích, xin xem ở trang:
http://www.hqtysvntd.org/van%20hoa%20&%20nghe%20thuat.htm
(3). Trong bài Đọc thơ và từ của Đào Tấn, Xuân Diệu sau khi dẫn bài thơ của Nguyễn Trọng Trì, đến câu “Ý tứ cao xa Liễu khó bằng”, do không hiểu “Liễu” trong câu này là ai nên ông cẩn thận chú thích: “Không biết là Liễu Vĩnh (giỏi về từ) hay là Liễu Tông Nguyên” (Xem trong Thơ và từ Đào Tấn - Nhóm biên soạn do Vũ Ngọc Liễn làm chủ biên, Nxb. Văn học, H, 1987, tr. 45). Trên thực tế, chỉ cần một người có kiến thức rất khiêm tốn về từ học cũng dễ dàng xác quyết rằng đó chính là Liễu Vĩnh.
(4). Trong bài từ điệu Tô mạc già, Đào Tấn viết về nỗi nhung nhớ quê xa, câu thứ 5 phần thượng phiến viết: “GiatạiQuyNhơnthànhngoạitrú” (家在歸仁城外住 - Nhà [ta] ở bên ngoài thành Quy Nhơn). Điều này cho thấy, tác giả viết bài từ khi xa quê, không phải viết khi ông đang ở Quy Nhơn. Rất có khả năng ông cũng viết bài này khi đang ở Huế.
(5). Nguyễn Lộc: mục từ “Đào Tấn”, in trong Từ điển văn học - Bộ mới, Nxb. Thế giới, 2004, tr. 382.
(6). Cung Tường Lân (1658-1733), từ gia thời Thanh, tự là Thiên Thạch, hiệu là Hành Phố, Giá Thôn, cuối đời hiệu là Điền Cư, người ở Nhân Hòa (nay là Hàng Châu, Chiết Giang)
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443201

Hôm nay

292

Hôm qua

2305

Tuần này

21014

Tháng này

218375

Tháng qua

112676

Tất cả

114443201