Những góc nhìn Văn hoá

Sản xuất nghệ thuật: một vấn đề lý luận cần trao đổi

Trong các văn kiện về văn học nghệ thuật của Đảng ta và trong cả các giáo trình lý luận văn nghệ của các trường đại học ở nước ta từ trước thời kỳ đổi mới và sau thời kỳ đổi mới, rất ít sử dụng khái niệm sản xuất nghệ thuật, mà thường dùng khái niệm sáng tạo nghệ thuật.

Đảng ta khuyến khích những sáng tạo nghệ thuật phản ánh chân thật hiện thực, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao mà không thấy văn kiện nào coi hoạt động sáng tạo nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền sản xuất tinh thần của xã hội. Khi cơ chế thị trường xuất hiện, dù là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn học nghệ thuật thực tế đã trở thành một hàng hoá đặc biệt nằm trong guồng máy sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần của xã hội, tuân theo quy luật giá trị và thoả mãn những nhu cầu tiêu dùng thẩm mỹ của xã hội. Rất nhiều sáng tác văn học nghệ thuật được vận động theo cơ chế thị trường mà không hoàn toàn tuân theo định hướng từ các văn kiện của Đảng; nếu có, nó chỉ tuân theo những chuẩn mực của luật pháp. Cái gì luật cấm thì nó không sản xuất, cái gì luật không cấm mà người tiêu dùng cần thì nó vẫn sản xuất dù văn kiện của Đảng không định hướng. Điều này rõ ràng, một số lớn văn kiện của Đảng về văn học nghệ thuật chưa cập nhật toàn diện các loại hình, các hình thức lao động trong cơ chế thị trường, trong đó có lao động nghệ thuật.

Về vấn đề này, C.Mác là người đầu tiên, sau khi nghiên cứu lao động nghệ thuật được vận động trong cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa đã nhận thấy rằng, các giá trị thẩm mỹ không thể đo bằng thời gian lao động đồng đều với các giá trị khác; sản phẩm nghệ thuật không thể đo bằng số lượng lao động mà là chất lượng lao động, nhưng trong cơ chế thị trường người ta vẫn dùng thước đo chung là quan hệ cung cầu. ở đâu có cầu thì ở đó có cung. ở đâu có nhu cầu thoả mãn những kiểu tình cảm khác nhau thì ở đó không chóng thì muộn cũng có các sản phẩm nghệ thuật đáp ứng các loại nhu cầu đó và số phận của lao động nghệ thuật cũng cùng chung số phận với các loại lao động khác trong cơ chế thị trường.
C.Mác nhận thấy: tuy sản xuất nghệ thuật quyết định nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật tạo ra công chúng nghệ thuật và các phương thức tiêu dùng nghệ thuật; nhưng ông nói rằng, không có nhu cầu thì không có sản xuất và chính nhu cầu tiêu dùng nghệ thuật của các tầng lớp xã hội rất khác nhau đã tạo ra sự phong phú của các loại hình sản xuất nghệ thuật khác nhau để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng; đồng thời tạo ra nhiều nhu cầu mới trong hệ thống sản xuất nghệ thuật mà C.Mác gọi là tái sản xuất ra nhu cầu. Từ đó nhu cầu tiêu dùng nghệ thuật lại trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu sản xuất nghệ thuật, mở rộng quy mô của sản xuất nhằm đáp ứng đúng quy luật có cầu thì có cung của thị trường.
Rõ ràng khái niệm sáng tạo nghệ thuật trong một số văn kiện về văn học nghệ thuật của Đảng chưa phản ánh hết các mối quan hệ phức tạp của nghệ thuật trong cơ chế thị trường; do đó, tác dụng định hướng và cập nhật của nó chưa cao, thiếu toàn diện nếu không nói là nó có chỗ mang tính kinh viện. Các văn kiện của Đảng về văn học nghệ thuật đề cao trách nhiệm xã hội và sứ mệnh phục vụ nhân dân của nghệ sĩ trong sáng tạo nhưng cơ chế thị trường có nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau; sự phân tầng xã hội rất sâu và rất nhanh đã tạo ra nhiều kiểu tiêu dùng nghệ thuật khác nhau. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng thẩm mỹ cao đối với các nhà chuyên môn, nhưng không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Trước sức ép của nhu cầu tiêu dùng nghệ thuật trong thị trường, nhiều sản phẩm nghệ thuật đã được thương mại hoá.
Nói đến nghệ thuật thương mại hoá là nói đến nghệ thuật phi truyền thống, một thứ nghệ thuật dễ dãi, một thứ nghệ thuật thị trường, một thứ nghệ thuật pop arts (nghệ thuật đại chúng). Nghệ thuật này là nghệ thuật số đông không kén người tiêu dùng; nghệ thuật giá rẻ, nhiều người có thể sáng tạo được, người ta ít khổ luyện, dễ dãi thể hiện bản năng. Khi cơ chế thị trường xuất hiện ở nước ta thì những giá trị nghệ thuật cổ điển hầu như rất hiếm hoi. Trong lãnh vực văn học, hội hoạ, ca hát, điện ảnh, sân khấu những hiện tượng phi nghệ thuật truyền thống xuất hiện với tần xuất ngày càng gia tăng.
Trong nhiều văn kiện của Đảng đã đề cập đến việc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho người tiêu dùng nghệ thuật. Trong cơ cấu xã hội, trong hệ giá trị đã cân bằng hàng ngàn năm ở nước ta đang chuyển động sang cơ chế thị trường hiện nay, chúng ta nâng cao thị hiếu nào? Thị hiếu tuồng chèo cải lương của các cụ? Thị hiếu hip hop của một số bạn trẻ? Thị hiếu giao hưởng thính phòng? Thị hiếu Opéra hay thị hiếu phim hành động, bạo lực? Có quá nhiều vấn đề tạo dựng hệ chuẩn cần thảo luận về hưởng thụ, tiêu dùng nghệ thuật trong thời kỳ vô chuẩn này!
Nhiều tác phẩm nghệ thuật “mì ăn liền”, những bài hát, bài thơ ngôn từ dễ dãi, nhịp điệu lố lăng vẫn có công chúng! Rõ ràng, trong cơ chế thị trường, nếu các văn kiện về văn học nghệ thuật không nhanh nhậy tạo ra được mối liên hệ bên trong tất yếu, khách quan, hiện thực giữa nhà sáng tạo nghệ thuật với người tiêu dùng nghệ thuật, giữa lao động chất lượng cao với lao động giản đơn thì các văn kiện ấy chưa phản ánh đúng, kịp thời và đầy đủ bước chuyển đột biến trong xã hội ta. Vì sao có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật có chất lượng thấp lại được ưa chuộng? Rõ ràng điều ấy không phụ thuộc vào nhà sáng tạo mà phụ thuộc vào một nền học vấn, một nền giáo dục, một sự sinh thành lịch sử, một cơ cấu nhân khẩu, một sự phân tầng xã hội…và những hệ chuẩn những nhà sản xuất nghệ thuật đã tạo ra thị hiếu ấy, công chúng ấy. Có sự khác nhau rất lớn trong tiêu dùng nghệ thuật trong cơ cấu nhân khẩu của xã hội ta. Lớp trẻ có học vấn và có các nghề nghiệp khác nhau, có sự tiêu dùng nghệ thuật khác nhau. Những người cao tuổi, những người trung niên ở các thành phần xã hội và khu vực dân cư, cộng đồng người trên lãnh thổ khác nhau hình thành các cách tiêu dùng nghệ thuật khác nhau. Cơ chế thị trường và thời đại tin học, giao lưu quốc tế phân hoá rất mạnh, rất sâu thị hiếu người tiêu dùng nghệ thuật. Trong cái xô bồ và ồn ào của cơ chế thị trường, trong cái thị trường mà bản năng tiêu dùng đang trỗi dậy mạnh mẽ, cần phải hình thành được một văn hoá tiêu dùng nghệ thuật mang những chuẩn mực tạo dựng các giá trị sang trọng làm động lực để cuốn hút những cái đẹp, cái cao cả và đủ sức ngăn cản những hoạt động phi nghệ thuật hay nghệ thuật dễ dãi. Điều này tất cả các xã hội tiên tiến, văn minh đều phải làm. Họ có những nhà hát sang trọng, những tác phẩm sáng giá để đáp ứng với công chúng tiêu dùng bậc cao, những tầng lớp có học vấn, những “giới thượng lưu” của xã hội.
Trong cơ chế thị trường, sản xuất nghệ thuật là một cơ chế xã hội, một công nghệ chứ không phải là một hành động riêng lẻ của một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ riêng lẻ sáng tạo chỉ mang ý nghĩa giá trị sử dụng, chưa mang ý nghĩa xã hội hoá với tư cách là một giá trị. Sản xuất nghệ thuật là một giá trị nằm trong hệ thống giá trị của xã hội. Sản xuất nghệ thuật cũng như phát triển nghệ thuật nó cần một chất kích thích, chất men sinh sôi nẩy nở từ bên trong chứ không phải là đuổi theo, rượt đuổi một nền nghệ thuật bên ngoài. Nó bao gồm rất nhiều công nghệ để đưa sản phẩm nghệ thuật từ người sáng tạo đến người tiêu dùng; nghĩa là xã hội hoá các sản phẩm sáng tạo. Lao động nghệ thuật như vậy vừa nằm trong cơ cấu lao động sản xuất nghệ thuật vừa được đo bằng thước đo cung cầu của thị trường. Đó là thước đo giá trị. Sản xuất nghệ thuật có mối liên hệ toàn quốc và toàn cầu, cạnh tranh nhằm thoả mãn những nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
ở nước ta, thực tế lao động nghệ thuật chưa được đo bằng thước đo giá trị một cách nghiêm túc. Trước hết là nhiều sản phẩm nghệ thuật đã đầu tư lao động phức tạp, nhưng xã hội đã trả nó một cái giá rẻ hơn rất nhiều lao động giản đơn. Điều đó làm cho nhiều người rời bỏ lao động nghệ thuật, làm những nghệ khác có thu nhập tốt hơn hoặc họ làm rối, làm ẩu theo quy luật “tiền nào của ấy”. Thứ hai, trong hệ thống sản xuất nghệ thuật, có loại hình nghệ thuật này đầu tư lao động ít hơn, ít phức tạp hơn lại được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Điều ấy tạo nên sự mất cân đối trong sản xuất nghệ thuật. Trong cơ chế thị trường, người ta quan tâm đến lợi ích cá nhân nhiều hơn lợi ích xã hội, do đó có sự phát triển không đồng đều trong sản xuất nghệ thuật khi thị trường vận động mạnh mẽ. Thứ ba, cơ chế thị trường là một cơ chế cạnh tranh gắn với giá cả. Một số sản phẩm nghệ thuật ít quan tâm đến giá trị mà quan tâm đến giá cả. Có giá cả cao thì người sản xuất đổ xô vào tạo sản phẩm, vì thế cái gọi là phản ánh hiện thực, giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ, chiều sâu và tầm cao của nghệ thuật là những cái xếp sau giá cả. Thứ tư là trong cơ chế thị trường, sản xuất nghệ thuật cũng là một công nghệ kiếm sống. Người có bản năng nghệ thuật người ta đem bán để sinh nhai. Nhà sản xuất nghệ thuật thì tích tụ tư bản. Việc phân chia lợi nhuận ngay trên lãnh vực công nghệ sản xuất nghệ thuật cũng rất phức tạp. Nhiều khi người lao động chính lại được chia một phần rất nhỏ. Người có vốn, người tổ chức, người quản lý, người lưu thông nghệ thuật lại chiếm phần lớn lợi nhuận. ở nước ta hiện nay, nhiều công trình lý luận văn nghệ, nhiều tác phẩm nghệ thuật viết rất công phu cả chục năm nhưng nhuận bút lại hưởng 10% giá của sản phẩm, trong khi đó người lưu thông sản phẩm lại được hưởng 28-30% giá sản phẩm, đó là chưa kể người sáng tạo chỉ được hưởng phần trăm trên những con số ảo ghi trên bìa sản phẩm, còn người lưu thông lại được hưởng con số thật 100% cho mỗi sản phẩm. Tôi nghĩ, hiện tượng này tất cả các nhà lãnh đạo văn nghệ, văn hoá tư tưởng của đất nước đều biết, nhưng không thể có một chính sách gì để điều chỉnh nó. Tình hình này tồn tại đã lâu ảnh hưởng to lớn đến chất lượng lao động nghệ thuật.
Trong cơ chế thị trường, sản xuất nghệ thuật nằm trong guồng máy quảng cáo, tổ chức, đầu tư, tin học, liên doanh, liên kết, cạnh tranh. Các khâu này đều quan trọng như nhau. Có những sản phẩm nghệ thuật tốt mà thiếu thông tin; không biết tổ chức sản xuất; quảng cáo không tốt không thể đến tay người tiêu dùng và do đó, người sáng tạo thiếu động lực vật chất và tinh thần để tái sản xuất.
Cơ chế thị trường của chúng ta là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, đề phòng rủi ro, thực hiện lý tưởng công bằng xã hội. Thị trường nào cũng có rủi ro và có chu kỳ khủng hoảng. Định hướng xã hội chủ nghĩa là một cơ chế tổng thể để hạn chế rủi ro, điều tiết khi có sự bất công lớn xẩy ra trong các lãnh vực lao động khác nhau. Trong lãnh vực lao động nghệ thuật ở nước ta, với công nghệ sản xuất nghệ thuật như hiện nay, rõ ràng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân phải can thiệp vào để điều tiết mọi sự bất hợp lý trong lãnh vực sản xuất và tiêu dùng nghệ thuật. Trước hết nhà nước phải điều tiết hệ chuẩn lao động. Lao động phức tạp, lao động có chất lượng, lao động có ích cho sự phát triển đất nước phải được đo đúng giá trị của nó. Giá cả phải thống nhất với giá trị. Từ đó, nhà nước phải điều tiết cấp bách và có ý kiến chính thức đối với lao động sản xuất nghệ thuật là loại hình lao động gì? Nó có quyền được hưởng thụ như loại hình lao động nào trong xã hội? Và nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo hộ cái quyền ấy ra sao? Thứ hai, trong sản xuất nghệ thuật ở nước ta hiện nay, với các công đoạn trong công nghệ sản xuất nghệ thuật thì thực trạng giá trị người sáng tạo nghệ thuật ra sao? Họ đã được hưởng đúng chất lượng lao động của họ chưa? Thứ ba, trong hệ thống sản xuất nghệ thuật, nhà nước cần điều tiết các loại hình nghệ thuật khác nhau để làm sao không có sự chênh lệch quá đáng trong hệ thống sản xuất nghệ thuật! Một ca sĩ có thể thu nhập 15- 20 triệu đồng trong một buổi biểu diễn. Một nhà văn viết tiểu thuyết, một nhà lý luận nghệ thuật tầm cỡ giáo sư, viện sĩ viết một tác phẩm với một lượng lao động mười năm khi đưa vào công nghệ sản xuất họ chỉ được hưởng thù lao bằng một phần mười của một ca sĩ lao động trong một đêm biểu diễn!
Trong cơ chế thị trường, điều tiết sản xuất gắn liền với điều tiết tiêu dùng. Cần phải tạo ra được một văn hoá tiêu dùng nghệ thuật đủ kích thích cơ chế sản xuất nghệ thuật hướng tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Và cũng phải tạo ra một văn hoá sản xuất nghệ thuật không đáp ứng với thị hiếu tầm thường của người tiêu dùng. Điều này phải có một cơ chế tổng thể về đánh giá và trợ giá, về công nghệ quảng cáo, về thông tin, về dư luận xã hội…và đặc biệt là phải tạo dựng cho được, gìn giữ cho được sản xuất nghệ thuật đỉnh cao và công chúng tiêu dùng nghệ thuật đỉnh cao bằng mọi giá. Điều này có thể hoàn toàn thực hiện được khi chúng ta làm chủ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, kiểm duyệt và một số thiết chế văn học nghệ thuật. Theo tôi, trong các văn kiện của Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường dù là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải quan tâm sâu sắc đến các công nghệ văn hoá, trong đó có sản xuất nghệ thuật với tư cách là một đỉnh cao của công nghệ văn hoá. Phải hình thành một hệ hình tư duy mới làm sao biến ngành sản xuất nghệ thuật thành một công nghệ đóng góp vào tăng trưởng GDP cho xã hội…
Khái niệm sản xuất nghệ thuật có một nội hàm và một ngoại diên rộng lớn, bao chứa các hoạt động thưởng thức, sáng tạo, lưu thông, phân phối, tiêu dùng; những thiết chế nền tảng; nó liên quan tới công nghệ văn hoá, kinh doanh văn hoá; nó liên quan đến mạng thông tin toàn quốc và toàn cầu, gắn với công ăn, việc làm, với thu nhập quốc dân, với liên kết và cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong sự phát triển của cơ chế thị trường hiện nay, các văn kiện của Đảng, các nhà hoạch định chính sách phát triển văn học nghệ thuật và giới nghiên cứu khoa học cần phải xây dựng một hệ thống lý luận về nó để phát triển văn học nghệ thuật của chúng ta mang rõ tính hiện đại hơn.
Đã là cơ chế thị trường thì Đảng ta phải quan tâm song hành cả hệ thống sản xuất vật chất lẫn hệ thống sản xuất tinh thần trong đó sản xuất nghệ thuật là lĩnh vực sản xuất tinh thần bậc cao, nó có thể trở thành chiếc chìa khoá mở ra những con đường phát triển mới. Sản xuất tinh thần, sản xuất nghệ thuật, dù có cơ chế kế thừa, nó phải được đặt trong quan hệ biện chứng với sản xuất vật chất và nhiều khi nó có tác dụng mở đường cho sản xuất vật chất. Sản xuất nghệ thuật là một bộ phận hữu cơ của sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần nó phải tuân theo quan điểm phát triển.
Phát triển văn học nghệ thuật là một loại hình phát triển đặc biệt. Trước hết, nếu gìn giữ được những giá trị nghệ thuật còn sức sống nhưng đang có nguy cơ bị biến mất cũng là một hình thức phát triển. Thứ hai, phát triển văn học nghệ thuật không phải là sự phát triển ngoại sinh “rượt đuổi”. “vượt gấp” mà là sự phát triển nội sinh được đâm hoa, kết trái từ muôn vàn chất men sinh sôi nẩy nở của các thành tựu khác của thời đại, của cả dân tộc và loài người. Thứ ba, sản xuất nghệ thuật là một bộ phận của công nghệ văn hoá trong cơ chế thị trường, nó phải được đo bằng quy luật giá trị so với các quá trình xã hội hoá các hoạt động lao động sản xuất khác trong tổng thể nền sản xuất xã hội.
Các hội liên hiệp văn học nghệ thuật cần phải đổi mới tư duy để trở thành nhà lãnh đạo của các tập đoàn sản xuất văn học nghệ thuật để đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng nghệ thuật trong cơ chế thị trường; lúc đó ta có thể làm chủ được sản xuất nghệ thuật để điều tiết các phương thức tiêu dùng nghệ thuật và làm hình thành những thị hiếu, những công chúng nghệ thuật mới.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443229

Hôm nay

2120

Hôm qua

2305

Tuần này

21042

Tháng này

218403

Tháng qua

112676

Tất cả

114443229