Những góc nhìn Văn hoá

Chữ Tâm trong phòng khách một nhà văn (Phần II)

 

  

.[1]. Lục Cửu Uyên còn kế thừa cái học của Trình Hạo (Trình Hiệu, 1032 – 1085) người đã nắm vững tư tưởng LÝ là nguyên lý “thiên địa vạn vật nhất thể” rồi lấy NHÂN làm gốc, lấy THÀNH và KÍNH mà giữ cái TÂM. Trình Hạo quan niệm có NHÂN thì tự nhiên có minh giác để đối với mọi sự vật mà không bị sai lầm, có THÀNH thì biết được thiên đạo và có KÍNH thì giữ được sự chuyên nhất. Nói cho rốt ráo Trình Hạo đi về hướng nội, làm tiên phong cho hệ thống triết học đi về con đường phác thực [2] Hơn mười lăm thế kỷ sau, Lục Cửu Uyên (Lục Tượng Sơn, 1139 – 1192) tiếp nối cái học chính truyền của Mạnh Tử và kế thừa cái học của Chu Đôn Di (Chu Liêm Khê, 1017 – 1073) người đã có cái công nâng cao tầm vóc tư tưởng Nho giáo và thành lập phái Đạo Học

Lục Cửu Uyên khai triển cái học đi về hướng nội của Trình Hạo rồi chủ yếu lấy sự TỒN TÂM, DƯỠNG TÂM, CẦU PHÓNG TÂM làm cương lĩnh với chủ đích là uốn nắn lại sự lầm lỗi trên con đường “tục học” của Nho giáo vì suốt mấy thế kỷ qua đã say đắm về cái học từ chương huấn hỗ và luẩn quẩn trong vòng khoa cử công danh. Học thuyết của Lục Cửu Uyên không phải là học thuyết Hình nhi hạ (nhân sinh) mà là học thuyết Hình nhi thượng (siêu hình) lấy chữ TÂM làm nhất quán nên chủ yếu vào một chữ TÂM nhưng nghĩ chữ TÂM của Lục Cửu uyên quả là rộng rãi.

Mệnh đề cơ bản mà Lục Cửu Uyên đề xuất là “TÂM tức LÝ”. Từ căn bản tư tưởng “TÂM tức LÝ” đó, Lúc Cửu Uyên đã triển khai “Tâm tức Lý” sang nhận thức quan và luân lý học để đặt cơ sở vững vàng cho Tâm Học. Theo sự kiến giải của Lục Cửu Uyên thì ĐẠO, LÝ và TÂM chỉ là một vì cái tinh thần của con người thì nghìn giống muôn vẻ mà ĐẠO thì chỉ có một [3]

Để chứng tỏ sự nhất trí với tiên hiền tiên thánh, Lục Cửu Uyên viện dẫn tư tưởng “đạo ta chỉ lấy một mối mà quán thông tất cả” của Khổng Tử [5]

Không hiểu được cái quan niệm vũ trụ tâm linh lại là một vấn đề. Muốn được sáng tỏ ta phải mượn cái giai thoại về cuộc đối thoại giữa Dương Giản và Lục Cửu Uyên.

Dương Giản hơn Lục Cửu Uyên 23 tuổi, đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Đại trung đại phu. Dương Giản nghe tiếng Lục Cửu Uyên đã lâu. Nhân có một hôm Lục Cửu Uyên đi qua huyện đường của Dương Giản, Dương Giản đón vào chơi và hỏi:

Thế nào là bản tâm?”.

Lục Cửu uyên đáp:

Lòng trắc ẩn là đầu mối của Nhân, lòng hổ thẹn là đầu mối của Nghĩa, lòng kính nhường là đầu mối của Lễ, lòng biết phải trái là đầu mối của Trí. Đấy là bản tâm”.

Dương Giản nói:

Những lời ấy thì Giản hiểu từ lúc nhỏ, nhưng Giản chưa hiểu thế nào là bản tâm”.

Dương Giản hỏi lại và Lục Cửu Uyên vẫn trả lời như cũ, không có gì thay đổi. Dương Giản vẫn chưa nhận thức được. Bỗng có người bán quạt vào thưa kiện ở huyện đường. Dương Giản phân xử vụ kiện xong rồi quay lại hỏi Lục Cửu Uyên thế nào là bản tâm.

Lục Cửu Uyên trả lời: “Vừa nghe xử vụ kiện của người bán quạt, chỗ phải thì biết là phải, chỗ trái thì biết là trái. Đó là bản tâm của cao huynh vậy”.

Đến đây Dương Giản mới nhận thức được bản tâm và xin dâng lễ để làm đệ tử.

Có một “vấn đề” trong việc tìm hiểu Nho giáo nói chung và cái học của Lục Cửu Uyên nói riêng là lắm lúc chúng ta phải dùng tư duy trực giác để lĩnh hội, nghĩa là phải biết nhận thức bằng trực giác hay nói rõ hơn là chúng ta phải biết đặt mình vào đối tượng, khơi dậy những linh cảm để hiểu rõ chính bản thân trừu tượng của sự vật [7]

Tư duy trực giác là sự thể hiện trí tuệ siêu phàm của tư tưởng triết học cổ đại Trung Quốc nhưng so với triết học cận đại và hiện đại thì cũng có mặt hạn chế vì thiếu sự luận chứng và phân tích. Phương thức tư duy trực giác coi cái tâm là gốc rễ của nhận thức và tất cả mọi cảm thức đều qua sự tác động của tâm. Đó cũng là một “vấn đề” trong việc tìm hiểu triết học Trung Quốc nói chung (trừ Mặc gia và Danh biện gia).

Học thuyết của Lục Cửu Uyên sau này được Vương Dương Minh (1472 – 1528) kế tục và tiếp nối rồi tiến thêm một bước nữa chứng minh “tâm ngoại vô vật”, “tâm ngoại vô sự”, “tâm ngoại vô lý” và dẫn tư tưởng “Tâm tức là Lý” của Lục Cửu Uyên đến thuyết “Trí lương Tri” (đạt đến lương tri). Lương tri giã, tâm chi bản thể - “Trí lương tri” thành bản thể của Tâm Học.

Trước đây, Lục Cửu Uyên đã chủ trương TÂM với LÝ là một nhưng không phát triển một cách có hệ thống đến cứu cánh của vấn đề, nay đến Vương Dương Minh thì vấn đề mới được mạch lạc. Vương Dương Minh lý giải chữ tâm ở hai phương diện: một phương diện tâm thiên nhiên, vật lý, sinh lý và tâm lý, đấy là Nhân Tâm. Một phương diện tâm siêu nhiên, tâm bản thể, không lệ thuộc vào điều kiện của không gian và thời gian gọi là Đạo Tâm. Vậy Đạo Tâm và Nhân Tâm chỉ là một.

Vương Dương Minh khởi thủy theo thuyết “thiên địa vạn vật nhất thể” và lấy cái nghĩa “đạo chỉ lấy một mà quán thông tất cả” của Khổng Tử làm cốt lõi để khai triển. Đạo thì chỉ có một mà thôi, nhưng xưa nay những người luận đạo thường không tương đồng với nhau là tại sao? Vương Dương Minh lý luận rằng: “Đạo không có phương thể, không thể cố chấp được, nếu cứ câu nệ ở văn nghĩa mà tìm đạo thì xa đạo vậy. Như nay người ta nói trời, kỳ thực biết trời ra thế nào? Bảo rằng mặt trời, mặt trăng, gió mưa sấm sét là trời, không phải; bảo rằng nhân vật, thảo mộc, không phải là trời, cũng không phải. Đạo cũng là trời. Biết được như thế thì lúc nào mà chẳng phải đạo. Người ta thường cứ nhận định cái sở kiến một gốc, rồi cho cái đạo đến gốc ấy là hết, bởi thế cho nên mới có chỗ không tương đồng. Bằng nay ta bỏ cái lối ấy đi, rồi quay về tìm lấy ở trong tâm, thì thấy rõ đạo ở trong tâm ta, không lúc nào, không chỗ nào, là không phải đạo ấy. Suốt từ xưa tới nay, vô thủy vô chung, chẳng có cái gì là đồng với dị cả. Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời, biết Tâm là biết Đạo và biết Trời. Học giả chỉ cần biết rõ Đạo ấy, rồi cứ theo cái Tâm của mình mà thể nhận lấy, không phải mượn sự tìm ở ngoài mới được”. (Ngữ lục, I).

Vương Dương Minh còn định nghĩa chữ Tâm: “Tâm không phải là một khối huyết nhục. Phàm chỗ tri giác là tâm. Như tai mắt biết trông biết nghe, tay chân biết đau mỏi, cái tri giác ấy là Tâm vậy”. Cái TÂM của người ta thiêng liêng sáng suốt nên vạn sự vạn lý đều do ở đó mà ra cả. Nhưng muốn biết rõ cái Tâm thì phải hiểu cái Tính hay nói cho rõ hơn là cái bản nhiên của Tính trong câu “thiên mệnh chi vị tính” của sách Trung Dung và khi đã hiểu cái tính bản nhiên thì thấy Tính với Tâm là một. Tính với Tâm là một nhưng có địa vị khác nhau nên mới có danh xưng khác nhau. Ông nói: “Tự cái hình thể thì gọi là trời, làm chủ tể thì gọi là đế, lưu hành thì gọi là mệnh, phú cho người thì gọi là tính, làm chủ ở thân thì gọi là tâm[8]

Vương Dương Minh nhất trí với Lục Cửu Uyên về quan điểm “Tâm tức là Tính, Tính tức là Lý”. Trong bức thư gửi Cố Đông Kiều ông viết: “Lý của vật không ở ngoài Tâm ta. Tìm Lý của vật ở ngoài Tâm thì không thấy Lý của vật… Cái bản thể của Tâm tức là Tính, Tính tức là Lý”. Cho nên có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ tức là có cái lý của hiếu… không có lòng hiếu thảo với cha mẹ là không có cái lý của hiếu… Lý có ở ngoài Tâm của ta đâu”.

Theo quan điểm của Vương Dương Minh thì quá trình nhận thức của con người là quá trình đạt đến lương tri nhưng vì lương tri huyền bí linh diệu nên Vương Dương Minh mới lấy ba chữ “Trí Lương Tri” để làm sáng tỏ học thuyết của mình. Bởi vậy, học thuyết của Vương Dương Minh không nói cùng lý mà chỉ nói Trí Lương Tri. Vương Dương Minh đã lấy chữ “trí tri cách vật” (tìm cứu cái nguyên lý của sự vật mà suy ra cái trí thức cùng cực) trong sách Đại Học để làm cơ sở cho thuyết TRÍ LƯƠNG TRI. Họ Vương nói: “Ta nói trí tri cách vật, là nói cái trí lương tri của tâm ta ở sự sự vật vật. Lương tri ở tâm ta tức là cái gọi là thiên lý. Trí cái lương tri ở tâm ta là trí tri vậy; sự sự vật vật đều được cái lý là cách vật vậy. Tìm cái lý ở trong tâm ta là lời dạy của Thánh nhân nhằm đạt được “trí hành hợp nhất”. Chúng ta có thể tổng luận căn bản tư tưởng của Vương Dương Minh: “Không thiện, không ác là bản thể của tâm, có thiện có ác là ý phát động, biết thiện biết ác là lương tri, làm thiện bỏ ác là cách vật”. [9]

Trên căn bản tư tưởng “cái học của Thánh nhân là tâm học” (Thánh nhân tâm học chi học dả) Vương Dương Minh kết luận mục đích của sự học là để biết rõ mọi việc mà ứng xử cho hợp với thiên lý. Sự hiểu biết đó do cái tâm ta của ta, hễ tâm sáng thì vật gì đến cũng chiếu được và khi đã có cái tâm làm căn bản thì học bao nhiêu cũng vẫn rõ ràng, không bị rối ren và con người đã có tâm học thì cứ theo cái “chiêu minh li nh giác” mà hành động.

Nhận thức luận “trí lương tri” của Vương Dương Minh lấy việc trọng đức làm tôn chỉ nên đã phổ biến đến tận cùng luân lý xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Đến khoảng giữa nhà Minh thì học thuyết họ Vương được truyền bá khắp thiên hạ. (Còn nữa - Kỳ sau đăng tiếp)

 


[1]: Đạo Học là một học phái của Nho giáo đời Tống. Xin đừng lẫn lộn giữa Đạo Học và Đạo giáo của Lão Trang.

[2]: Chất phác và thành thật. (Tương đương với tiếng Pháp là simple et sincère).

[3]: Nhân tinh thần thiên tính vạn ban, phù đạo nhất nhi dĩ hỹ.

[4]: Đạo tại thiên hạ, gia chi bất khả, tổn chi bất khả, thủ chi bất khả, xả chi bất khả, yêu nhân tự lý hội. 

[5]: Ngô đạo nhất dĩ quán chi. Theo học giả Hồ Thích, trong Trung Quốc triết học sử, Hà Án chú thích câu này: “Thiện có nguyên, sự có hội. Thiên hạ đi nhiều đường lại quay về một mối, trăm ý nghĩ mà cũng về một điểm. Biết được cái nguyên lý ấy ắt mọi điều thiện đều trỗi dậy vậy. Cho nên không đợi học mà biết được MỘT vậy.

[6]: Phù đạo nhất nhi dĩ hỹ.

[7]: Bản thân của sự vật là “bản thể”, danh từ triết học, tương đương với tiếng Pháp là substance)

[8]: Tự kỳ hình thể giã vị chi thiên, chủ tể giã vị chi đế, lưu hành giã vị chi mệnh, phú ư nhân giã vị chi tính, chủ ư nhân giã vị chi tâm – Lục ngữ I.

[9]: Vô thiện vô ác, thị tâm chi thể; hữu thiện hữu ác, thị ý chi động; tri thiện tri ác, thị lương tri; vi thiện khử ác, thị cách vật.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434971

Hôm nay

2242

Hôm qua

2349

Tuần này

21621

Tháng này

212019

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434971