Cuộc sống quanh ta

Tạ lỗi với dòng sông

1. Tôi người làng Hương Thọ, tục gọi là làng Chùa. Làng bé nhỏ, dãi dầu nhưng thơ mộng - một đặc điểm thường thấy của các làng thượng nguồn ở miền Trung. Nằm bên bờ tả ngạn Ngàn Sâu, suốt chiều dài lịch sử, số phận của làng gắn bó mật thiết với con sông này: sông bồi đắp nên làng mạc, đồng bãi; sông cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt; sông nối làng với thế giới bên ngoài; sông là không gian văn hóa tinh thần, nơi mang lại niềm vui, nơi chia sớt nỗi buồn, nơi che chở và nuôi dưỡng thế giới tâm hồn cho mỗi cá nhân. Có thể nói, sông Ngàn Sâu là cội nguồn sự sống của làng Hương Thọ. Sau 1975, để đáp ứng nhu cầu trị thủy và phát triển sản xuất, nhà nước đã cho xây kè đá dọc bờ sông của làng. Tuy nhiên, vào thập niên 1990, vì nhận thức nông nổi, dân trong làng đã tự phá vỡ hệ thống kè đá, dẫn đến những hậu quả trầm trọng.

Sau khi kè mất, toàn bộ bờ sông phía làng bị sạt lở nhanh chóng. Ban đầu là lở bờ, tiếp đến lở các vùng đất canh tác nằm trên cao và hiện nay đã lở vào mép vườn của nhiều hộ gia đình. Nếu theo đà lở này, sau vài năm nữa, một phần làng sẽ bị cuốn ra biển. Khoảng 15 năm nay, người làng hiếm khi ra sông vì sông càng ngày càng nguy hiểm, khó lường. Từ đây, sông với người dần cách biệt. Vắng bóng người, sông chìm trong quạnh quẽ, xa vắng, hoang vu. Hàng năm, đến mùa lũ, sông lồng lộn tàn phá làng mạc để trả thù sự bội bạc của con người. Trong quãng thời gian đó, sinh hoạt ở làng cũng bị xáo trộn rõ rệt. Nhiều người cảm thấy hụt hẫng do không còn không gian xưa cũ để duy trì các sinh hoạt quen thuộc: tắm sông, đá bóng, đánh khăng, đánh đáo, trốn tìm, mò tôm, bắt cá, hẹn hò,... Với bao thế hệ người làng Chùa, những sinh hoạt ấy đã dệt nên khung trời tuổi thơ của họ, là sợi dây vô hình gắn kết họ với nhau và gắn kết họ với mảnh đất chôn nhau cắt rốn, là ngọn nguồn của một thứ tình cảm thiêng liêng, máu thịt mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu nổi. Chưa hết, kể từ khi mất đi không gian sinh hoạt tập thể, tình cảm xóm làng cũng ngày càng nhạt nhẽo, xa cách. Con người trở nên khép kín hơn, nhỏ mọn hơn, rời rạc hơn...

Tam Soa - nơi Ngàn Sâu và ngàn Phố gặp nhau để sinh thành La Giang  

    Ảnh: Phan Văn Thắng

2. Thực tế làng tôi đang đặt ra những câu hỏi vô cùng nóng bỏng đòi hòi được trả lời: Làng sẽ đi về đâu nếu bờ sông vẫn tiếp tục sạt lở? Thế hệ sau sẽ sống và suy nghĩ ra sao khi chúng lớn lên giữa một quê hương nham nhở, điêu tàn? Thế hệ hiện tại sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trước lịch sử khi chính họ, với tất cả sự nông nổi, thờ ơ, vô trách nhiệm đã vô tình phá vỡ nền tảng tồn tại của mình, qua đó, trực tiếp đẩy cuộc sống của toàn thể cộng đồng vào thế gian nan?

Không thể chờ đợi được nữa, phải làm một điều gì đó để cứu lấy dòng sông. Vì cứu lấy dòng sông là cứu lấy hiện tại và tương lai của làng. Sau nhiều trăn trở, chúng tôi đã chọn một kế hoạch vừa tầm làm điểm khởi đầu: phục hồi, xây dựng bến nước xóm Đình – vốn là bến trung tâm trong hệ thống bến sông cũ. Nhưng để thuyết phục mọi người tham gia vào dự án này thật không dễ - dù họ là những người đầu tiên được hưởng lợi. Bị chi phối sâu sắc bởi tâm lí cục bộ, ích kỷ, cào bằng, từ lâu, cộng đồng chỉ còn là một tập hợp lỏng lẻo, rời rạc, trì trệ. Trong môi trường như vậy, con người ngại thay đổi, dễ dao động và thường phó mặc mọi sự cho số phận. Tuy nhiên, trên mặt bằng cũ kĩ ấy, đã có một lớp người mới xuất hiện. Họ giỏi giang, từng trải, hiểu biết, kiên nhẫn và xông xáo. Họ đại diện cho xu hướng phát triển mới của làng. Sự mạnh mẽ và quyết đoán của họ đã thôi thúc dự án tiến lên. Họ đã thảo ra một bức tâm thư nhằm giải thích lí do hành động và kêu gọi sự ủng hộ của toàn thể cộng đồng. Bức thư đóng vai trò như một lời hiệu triệu: “Chúng tôi tin rằng, kế hoạch xây dựng bến nước không còn là việc riêng của xóm Đình nữa, mà nó đã trở thành một dự án chung của toàn thể làng Chùa. Không những thế, việc xây dựng bến nước còn có thể mở ra một giai đoạn mới, một thời kì mới chưa từng có trong cuộc sống của nhân dân làng Chùa. Đó là thời kì của đoàn kết, cởi mở, chân thành, yêu thương, hiểu biết và giàu mạnh. Vì vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi toàn thể nhân dân làng Chùa hãy tận tâm sát cánh cùng chúng tôi hoàn thành dự án này tùy theo khả năng và phương tiện của các bạn. Xin chân thành cảm ơn”. Thư được đọc trên loa phóng thanh của làng, được chia sẻ trên facebook và được in ra để gửi tới một số địa chỉ cần thiết. Đây là cách làm hết sức mới mẻ trong đời sống của làng tôi.

3. Tâm thư đã khiến làng tôi bừng tỉnh. Họ nhận ra ý nghĩa sâu xa của dự án bến nước xóm Đình và tìm cách hưởng ứng. Người đi xa hỗ trợ vật chất, người ở nhà hỗ trợ ngày công. Người già phụ trách các khâu thiết kế, kĩ thuật và điều hành. Người trẻ đảm nhận các công việc chân tay và liên lạc. Nhờ vậy, dự án bến nước xóm Đình kết thúc sớm hơn dự kiến. Làng tiếp nhận bến mới bằng một tình cảm thật khó tả, như nỗi xúc động của người mẹ khi gặp lại con mình sau bao ngày ngóng trông. Ngày ngày, người ta ghé thăm, chiêm ngưỡng, bình luận về bến mới và vui sướng tận hưởng những tiện ích mà nó mang lại - những cái mà mới chỉ rất gần đây thôi, tưởng như không bao giờ gặp lại nữa. Giá trị hiển nhiên của bến mới gợi ra nhiều ý tưởng trong cộng đồng. Cuối cùng, một chương trình hành động được vạch ra: (i) tiếp tục xây hai bến mới ở xóm Trên và xóm Dưới; (ii) khôi phục lại phong tục trồng cây dọc bờ sông của làng; (iii) khôi phục hệ thống kè đá cũ theo phương án 2 năm làm một kè.  

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy người làng thực sự sốt sắng, háo hức trước một công việc tập thể. Họ đã suy nghĩ, hành động với tư cách của những người trong cuộc. Dĩ nhiên, thái độ trong cuộc bao giờ cũng khác với thái độ ngoài cuộc, bên lề. Trong tâm thế ngoài cuộc, người ta hoàn toàn dửng dưng với các sự kiện diễn ra bên ngoài cuộc sống gia đình. Họ không tìm thấy hình ảnh của mình trong các sự kiện thực tế. Mọi thứ đều thuộc về nhà nước và đã có nhà nước lo. Thiếu động lực nhập cuộc, những kẻ bên lề bao giờ cũng nhếch nhác, bê tha, sẵn sàng phá hoại, đạp đổ những thứ không thuộc về họ. Nhưng khi là người trong cuộc, hình ảnh của họ trở nên khác hẳn. Họ lo toan, vun vén, đàng hoàng, tự tin. Trong câu chuyện của làng tôi, không phải ai khác, chính người dân đã nhận ra thách thức đe dọa cuộc sống của cộng đồng, các nguồn lực mà họ đang có và con đường vượt qua thách thức ấy. Đến đây, đột nhiên tôi nghĩ đến mối quan hệ giữa các chính sách của nhà nước và sự tham gia của cộng đồng. Nghĩ cho cùng, các chính sách phát triển chỉ thực sự thành công khi nó kích thích người dân hào hứng nhập cuộc. Chính sách chỉ đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy, còn vai trò tự quyết phải thuộc về người dân. Vì không ai hiểu những vấn đề của một cộng đồng bằng những người trong cuộc. Ngược lại, nếu tiến trình kiến tạo chính sách đóng cửa với đời sống bên ngoài, nó chỉ còn là một tiến trình độc thoại và sớm muộn sẽ thất bại.   

Chúng tôi đã tạ lỗi với dòng sông quê hương như thế. Còn bạn và cộng đồng của bạn, các bạn đang thực sự sống và suy nghĩ ra sao?
 


*Đặng Hoàng Giang, Đại học Phan Chu Trinh (Hội An).  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434733

Hôm nay

24

Hôm qua

2349

Tuần này

21383

Tháng này

211781

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434733