Cuộc sống quanh ta

Nơi ươm mầm hạnh phúc

Từ một câu chuyện lịch sử

Hơn 100 năm trước, chính xác là vào năm 1906, phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh khởi xướng chính thức bắt đầu ở miền Trung rồi mở rộng ảnh hưởng ra cả nước. Là một cuộc cách mạng về lối sống, tuy chỉ tồn tại trong 2 năm ngắn ngủi, phong trào đã để lại một dư âm lâu dài, góp phần làm mới con người, làm mới xã hội Việt Nam vào thời điểm đó. Bấy giờ, tại tỉnh Quảng Nam - trung tâm xuất phát của phong trào, dưới sự lãnh đạo của một số gương mặt cấp tiến, nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng đã diễn ra. Trong số này, có một nhân vật tuy ít được nhắc đến (nếu so với các yếu nhân của phong trào) nhưng rất độc đáo về tư tưởng và sự nghiệp: Lê Cơ.

Lê Cơ sinh năm 1870 trong một gia đình vọng tộc thuộc làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình[1], là anh em con cô con cậu với Phan Châu Trinh. Chán nghiệp khoa cử lỗi thời, ông đi theo con đường Duy Tân của Phan Chu Trinh và tìm cách áp dụng các tư tưởng tân tiến vào cuộc sống. Năm 1903, Lê Cơ ra làm lí trưởng với hoài bão: “Ta không làm nổi việc lớn cho thiên hạ thì ta thử nghiệm ở một làng”. Từ đó, ông lo sắp đặt công việc trong làng: “lập trường học, rước thầy dạy quốc ngữ cho trẻ con học, ít lâu sau lại thêm một trường nữ học nữa. Đồng thời trong làng chung lại mở vườn trồng quế, lập cuộc buôn, dựng lò rèn, lập cuộc bảo hiểm canh phòng kẻ trộm cướp. Ở trong một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch, quê mùa, bỗng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tin phục, mà những người xa, nhất là người đã nếm mùi Âu hoá đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng lên đến làng Phú Lâm đặng xem công việc sắp đặt của một ông lý. Công việc ông lý nào có hèn đâu!"[2].

 Trường Phú Lâm do Lê Cơ sáng lập được xem là mô hình giáo dục tiến bộ nhất thời bấy giờ. Phú Lâm là trường đầu tiên của Bắc và Trung Kỳ (không kể Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp) có lớp nữ sinh riêng và nữ giáo viên. Trẻ em, người lớn đều được đến trường không hạn chế tuổi tác. Trường dạy quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp, các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Ngoài việc học lý thuyết, học sinh còn được học cách làm những đồ dùng cần thiết trong đời sống hằng ngày và rèn luyện thân thể. Mục đích học tập là để mở mang trí tuệ chứ không phải học để thi lấy bằng, học để phục vụ cho đất nước, nhân dân chứ không phải để kiếm chức, kiếm quyền, vinh thân phì gia[3]

Thời gian Lê Cơ làm lý trưởng, làng Phú Lâm không còn các tệ nạn cũ (cờ bạc, hút xách, bạo lực, hối lộ, phân chia ngôi thứ). Có thể nói, bằng tài năng và tâm huyết của mình, Lê Cơ đã đổi mới hoàn toàn quê hương và ông được xem là nhà thực hành Duy Tân xuất sắc.

Đến những gợi ý cho hiện tại

Ngày nay, cuộc sống của người Việt đang ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp. Chán nản, mệt mỏi trước thực tại, số đông chọn cách ẩn mình trong ốc đảo cá nhân và thờ ơ với cuộc sống bên ngoài. Mặc dù cuộc sống luôn đặt ra nhu cầu đổi mới, nhưng do thiếu liên kết xã hội và khan hiếm niềm tin, rất ít người có ý thức thay đổi tư duy, nhận thức và lề lối sinh hoạt. Tình trạng dửng dưng, an phận được bộc lộ qua câu cửa miệng quen thuộc: “Đằng nào thì nó cũng thế rồi”. Cứ thế, cuộc sống trôi đi trong một nhịp quay mỏi mòn, đơn điệu. Đoạn miêu tả sau đây của Alexis de Tocqueville, tuy để khái quát tình hình nước Pháp sau các cuộc cách mạng cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, vẫn tỏ ra tương hợp với xã hội Việt Nam hiện tại: “Xã hội yên bình chẳng phải vì nó có ý thức về sức mạnh và sự sung túc của nó mà trái lại vì nó nghĩ rằng nó suy yếu và tàn phế, nó cứ sợ cố gắng bỏ sức ra thì chết mất: ai cũng cảm thấy tình trạng rõ ràng là xấu nhưng chẳng ai có can đảm và nghị lực cần thiết để nghĩ cách làm cho tốt hơn, người ta có những ham muốn, những hối tiếc, những buồn vui chẳng sản sinh ra được cái gì rõ rệt, lâu bền, giống như những ham mê của những ông già cuối cùng chỉ kết thúc bằng sự bất lực”[4].

Câu hỏi được đặt ra là: cuộc sống hiện tại phải chăng đã xuống cấp đến mức mà mọi nỗ lực cá nhân đều trở nên vô nghĩa? Và mỗi cá thể có thể làm gì để thoát khỏi mặc cảm yếu đuối, bất lực vẫn đeo đuổi họ bấy lâu? Lời đáp cho những câu hỏi này có liên quan đến một vấn đề đã được cố tình nhắc đến ở đầu bài viết: lựa chọn không gian nào để phát triển những giá trị và năng lực cá nhân. Có thể nói rằng, thái độ sống tiêu cực của con người hiện nay phần nào bắt nguồn từ sự mơ hồ của từng cá nhân trong việc định vị bản thân vào các không gian phát triển. Sự thực là, trong khi dành quá nhiều thời gian để theo dõi, đánh giá, phê phán không gian tổng thể, chúng ta đã vô tình xem nhẹ, thậm chí lãng quên sự hiện hữu của các loại hình không gian khác. Tồn tại trong một không gian xã hội đa tầng, chúng ta trước hết là thành viên của những không gian nhỏ hay cộng đồng nhỏ: một gia đình, một ngõ xóm, một con phố, một ngôi làng... Nếu để ý một chút, ta lại thấy rằng, những không gian nhỏ năng nổ và hữu ích hơn nhiều so với những gì ta vẫn hình dung. Trong mối quan hệ giữa không gian tổng thể và các không gian hạt nhân, cái sau không hẳn là hình ảnh thu nhỏ của cái trước và bị động đón nhận những tác động một chiều từ cái trước. Là những đơn vị “cơ sở”, những vật liệu cấu thành nên hình hài của không gian tổng thể, các không gian nhỏ có ảnh hưởng nhất định đối với sự vận hành của sản phẩm mà chúng góp phần tạo ra. Do tính độc lập tương đối của chúng, các không gian nhỏ có khả năng giải trừ, giảm thiểu những “thói hư”, tạp nhiễm đến từ không gian lớn. Bởi vậy, để thích nghi tốt hơn với môi trường luôn biến động của không gian lớn, con người thường trở về các không gian nhỏ nhằm tìm lấy sự tái tạo, phục sinh. Ở đó, người ta dần nhận ra bản chất tương đối, vô thường của cuộc sống và ý nghĩa hạnh phúc đời thường. Mặt khác, nếu cộng đồng lớn rất khó thay đổi do sự cồng kềnh, phức tạp thì các cộng đồng nhỏ lại dễ dàng thay đổi nhờ cấu trúc đơn giản, gọn nhẹ. Vì thế, các cộng đồng nhỏ cũng là nơi khởi nguồn các ý tưởng mới, các kế hoạch mới – mà nhiều thứ về sau sẽ trở thành những gợi ý khả thi cho sự chuyển đổi của toàn xã hội.

Điều đáng nói là, trước không gian tổng thể, từng cá nhân có thể trở nên vô nghĩa, nhạt mờ nhưng trong các không gian nhỏ, anh ta lại là một thành tố quan trọng, một “nốt trầm xao xuyến” mà mỗi suy nghĩ, hành vi của anh ta đều được những cá thể còn lại nhanh chóng hưởng ứng, chia sẻ do các mối liên hệ chặt chẽ về ký ức, địa vực, huyết thống và quyền lợi. Nhờ đó, các không gian nhỏ mang đến cho con người cảm nhận chân thực nhất về sự hiện hữu và các giá trị của anh ta trong cuộc đời này thông qua vô số hình thức, sự kiện mà anh ta là người trực tiếp tham dự. Với một con người, việc tham dự vào các sự kiện của đời sống cũng quan trọng không kém việc được thỏa mãn các nhu cầu cơm ăn, nước uống. Vì nói như Hannah Arendt, “không thể gọi là hạnh phúc, mà không tham gia vào công việc công cộng. Không thể gọi là tự do nếu không thể nghiệm thế nào là tự do công cộng. Không thể là tự do hay hạnh phúc mà không có chút quyền hành nào trong quyền lực công cộng“[5]. Như vậy, trong một ý nghĩa nào đó, quá trình tham gia kiến tạo các không gian nhỏ còn góp phần rèn luyện ý thức công dân trong mỗi người.

Rõ ràng, các không gian nhỏ là mảnh đất lí tưởng nhất mà mỗi người có thể phát huy những năng lực, giá trị và tâm huyết cá nhân nhằm tạo ra hạnh phúc. Tuy nhiên, do hời hợt và ngộ nhận, lâu nay, con người đã bỏ bê trách nhiệm vun trồng một cuộc sống đúng nghĩa cho các không gian nhỏ. Chúng ta có thể dành rất nhiều thời gian để thở dài, rên rỉ mỗi khi nghĩ về bức tranh tổng thể, nhưng lại hầu như bất động trong các không gian nhỏ gắn bó trực tiếp với mình. Rốt cục, thay vì được tái tạo và vun xới thường xuyên, các không gian nhỏ chỉ còn là nơi chứng kiến các ham muốn bản năng cùng những hậm hực, những dằn vặt, những nỗi buồn hư ảo.

Tác giả muốn khép lại bài viết bằng một câu chuyện nhỏ của ngày hôm nay. Tôi có một anh bạn rất trẻ trung, sâu sắc và thú vị. Vào một ngày, anh nhận ra: khu tập thể mà các thế hệ trong gia đình anh đã và đang gắn bó chưa phải là một cộng đồng đúng nghĩa. Có quá ít sự chia sẻ, liên lạc, thông cảm, đồng thuận giữa các hộ gia đình và có quá nhiều sự lạnh nhạt, vô cảm, thờ ơ. Anh băn khoăn rằng: tại sao các hộ gia đình trong khu tập thể lại không tìm cách xây dựng một đời sống cộng đồng để thoát khỏi “nỗi buồn đô thị” và trực tiếp thụ hưởng những giá trị mà đời sống ấy mang lại? Thế rồi, anh đề ra một dự án thực phẩm sạch và trước hết lôi cuốn các bà nội trợ tham gia. Nhờ các mối quan hệ sẵn có, họ đã chọn được một nhóm hộ ở vùng nông thôn và cùng cam kết một hình thức trao đổi qua lại: bên này chuyên cung cấp rau và thực phẩm sạch còn bên kia trở thành nhà tiêu thụ lâu dài, phải chăng. Dự án này đã khiến những người trong cuộc “phát hiện lại” những năng lực tiềm ẩn trong chính họ và những người xung quanh họ. Từ đó, họ tiếp tục triển khai các ý tưởng mới nhằm thúc đẩy sự gắn kết, chia sẻ và tương trợ  nhiều hơn giữa các hộ gia đình.

Vậy là, nhờ thức tỉnh đúng lúc, họ đã thoát khỏi sức ỳ của thói quen và tạo nên một lối sống mới. Nếu khu tập thể của anh bạn tôi đã hình thành được một không gian tinh thần cho riêng họ thì bạn và tôi cũng có
 


[1] Nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

[2] Châu Yến Loan (2005), Lê Cơ - nhà thực hành xuất sắc của phong trào Duy Tân, nguồn: thanhnien.com.vn

[3] Châu Yến Loan (2005), nguồn đã dẫn.

[4] Hoàng Ngọc Hiến (26/2/2009), Cảm hứng triết luận trong khoa học xã hội và nhân văn hiện đại, nguồn: http://www.chungta.com

[5] Dẫn theo Bùi Văn Nam Sơn (2011), Văn hóa và văn hóa chính trị, nguồn: amvc.free.fr.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441632

Hôm nay

232

Hôm qua

2317

Tuần này

21536

Tháng này

216806

Tháng qua

112676

Tất cả

114441632