Cuộc sống quanh ta

Nhớ về một người thầy

(Kính nhớ thầy giáo Trương Đình Phước)

Ngày ấy – chúng tôi những học sinh rải rác ở các xã tự nguyện hoặc được nhà trường động viên tập trung đến để thành lập lớp 8B chuyên văn. Trường mới, lớp mới, bạn mới. Tất cả đều xa lạ, đầy bỡ ngỡ. Tôi còn nhớ mãi cảm giác hồi hộp trong tiết học đầu tiên đón thầy chủ nhiệm mới. Kìa! Thầy đã vào lớp với bộ quần áo ka ki xanh đã bạc màu. Mái tóc lốm đốm sợi bạc được chải ngược gọn gàng. Sau cặp kính sáng là đôi mắt to rất hiền. Chúng tôi đứng dậy chào thầy. “ Chào các con” – bằng giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn thân mật và ánh mắt nhìn ấm áp – thầy đáp lời. Hai tiếng “ các con” vang lên xóa nhòa tất cả khoảng cách. Bao nhiêu bỡ ngỡ, hồi hộp, xa lạ nhanh chóng tan đi. Cả lớp xích lại bên nhau gần gũi và thân thiết. Từ giờ phút ấy thầy vừa là người thầy chủ nhiệm, thầy giáo dạy văn và như một người cha tinh thần của chúng tôi. Cô giáo Thu Lan (vợ thầy) là giáo viên dạy chính trị của lớp. Chúng tôi thường nói đùa cô là “ phó chủ nhiệm”. Cô hiền lành, điềm đạm và tận tụy với học sinh. Con trai của thầy cô là thành viên của lớp. Quả là lớp học như mái ấm gia đình.

Lớp chuyên văn đa số học sinh là nữ. Lớp trưởng là nữ, bí thư cũng là nữ nhưng tinh nghịch, sôi nổi chẳng thua kém các lớp khác. Những thành tích học tập của chúng tôi đã làm vui lòng thầy nhưng có khi, gương mặt thầy lại thoáng buồn vì sự nghịch ngợm, tinh quái của học trò.
Ấn tượng của tôi về thầy là thầy rất hiền, độ lượng và gần gũi với học sinh. Suốt hai năm vừa chủ nhiệm vừa dạy văn nhưng chưa bao giở thầy mắng hay xử phạt học trò. Khi học sinh mắc khuyết điểm, thầy khuyên bảo nhẹ nhàng để chúng tôi tự nhận lỗi và sửa chữa. Giờ sinh hoạt lớp, những câu chuyện cảm động về gương học tập của anh chị khóa trên mà thầy kể đã gieo hạt mầm ước mơ trong lòng chúng tôi.
Tôi nhớ mãi kỉ niệm một lần phạm lỗi. Hôm ấy, giờ kiểm tra sử vì quên mất mốc thời gian của sự kiện tôi đã lén mở sách giáo khoa để xem. Không may tôi bị cô giáo bắt được và ghi vào sổ đầu bài. Giờ sinh hoạt tôi day dứt lo lắng về lỗi lầm của mình. Khi tôi đứng lên nhận khuyết điểm, thầy từ tốn bảo “ Ở đời ai cũng có lỗi lầm. Em là học sinh ngoan chăm học. Thầy tin em sẽ không bao giờ tái phạm nữa”. Đó cũng là lần đầu tiên và cuối cùng lén giở tài liệu trong thời học sinh của tôi.
Là học sinh giỏi văn, tôi thường được thầy quan tâm, giúp đỡ. Ngày ấy, đa số gia đình học sinh còn nghèo, sách vở tài liệu thiếu thốn. Những quyển sách thầy cho chúng tôi mượn vì thế mà trở nên quý giá biết bao đối với những học sinh yêu văn. Thầy còn ra các đề thi để tôi rèn luyện kĩ năng làm bài. Thầy chấm bài và chữa rất chu đáo. Tôi còn nhớ những lời nhận xét của thầy: Bên cạnh chỉ ra lỗi của học sinh bao giờ cũng có lời động viên, khích lệ. Xa thầy hàng chục năm, tôi làm sao quên được nét chữ chân phương, cẩn thận đã chắp cánh ước mong được trở thành cô giáo dạy văn. Những khi có thời gian rỗi rãi, thầy trò lại ngồi bên nhau đàm thoại thơ văn. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, lời giảng của thầy từ bao giờ đã khơi dậy ngọn lửa đam mê văn chương cho tôi.
Nhà ở xa trường, hôm nào học cả ngày chúng tôi thường gói cơm ở lại lớp. Ăn xong cả lũ lại kéo xuống nhà thầy uống nước. Ngôi nhà nhỏ hai gian, đồ đạc đơn sơ, giản dị nhưng tấm lòng thầy cô rộng mở. Hương vị những quả táo chua dòn, quả ổi còn chát vì hái vội bỗng trở nên ngọt ngào đến vậy trong kí ức của tôi.
Nhớ! Những ngày đi lao động vất vả: Đào mương cho hợp tác xã, trồng sắn, trồng cây ở Bài Sơn, chở đá sỏi... Mặc dù, tuổi cao, sức yếu nhưng bao giò thầy cũng bám lớp. Thầy cùng làm việc với học sinh, kể chuyện vui để chúng tôi đỡ mệt nhọc.
Ra trường, chúng tôi như những cánh chim tung bay bốn phương trời. Những ngày nghỉ hè, nghỉ tết cùng hẹn nhau đến thăm thầy. Ngôi nhà nhỏ của thầy cô lại rộn ràng tiếng cười nói của học sinh. Sau khi nghỉ hưu, thầy cô cùng gia đình chuyển ra Hà Nội sinh sống. Tôi mất liên lạc và chưa có dịp đến thăm thầy…
Thầy ơi, khi con viết những dòng chữ này, thì thầy đã đi rất xa về với thế giới vĩnh hằng bên kia. Con còn nhớ trước ngày kỉ niệm 50 năm thành lập trường THPT Đô Lương 1, con gọi điện hỏi thăm thầy. Sau bao nhiêu năm xa cách, thầy vẫn nhận ra giọng con. Thầy mừng rỡ hỏi han con cụ thể về bản thân, gia đình. Thầy hỏi thăm các thầy cô giáo cũ. Thầy bảo: Thầy rất nhớ trường, tự hào về trường THPT Đô Lương 1, nhớ quê, muốn được trở về thăm trường nhưng tuổi cao, sức yếu, ở xa không biết có về được không. Nghe thầy nói con cảm động, rưng rưng nước mắt. Con hứa: Có dịp nào đó sẽ đến thăm thầy nhưng con chưa thực hiện được lời hứa của mình thì hai tháng sau trong một lần ốm đột ngột thầy đã ra đi…
Bàng hoàng! Đau đớn! Day dứt! Giá như, con đến thăm thầy sớm hơn để được gặp thầy, trò chuyện với thầy.Thầy ơi! Trong tâm tưởng con xin thắp một nén hương cầu nguyện mong thầy hãy tha thứ cho những thiếu sót của chúng con…Tuy thầy đã đi xa nhưng hình ảnh của thầy, tấm lòng của thầy vẫn sống mãi trong thế hệ những học sinh được thầy dạy dỗ. Con đã nối tiếp con đường đi của thầy, tiếp tục sự nghiệp “ chèo đò”, tiếp tục “thắp lửa”, “ truyền lửa” tình yêu văn học cho học sinh. Con học ở thầy tấm lòng nhân hậu để vừa là cô giáo, vừa là người mẹ nuôi dưỡng tình cảm nhân văn cho các em.
Hôm nay, sắp đến ngày kỉ niệm 55 năm thành lập trường, con lại nhớ tới thầy, nhớ về kỉ niệm của một thời đã xa. Mái trường Đô Lương 1 ngày nay đã thay đổi nhiều rồi thầy ạ: Khang trang hơn, đẹp hơn, cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại để đáp ứng những nhu cầu đổi mới của ngành giáo dục. Ngọn lửa truyền thống của trường trong 55 năm được giữ gìn, phát huy để ngày càng tỏa sáng. Trường đã vươn lên, trưởng thành về mọi mặt, nhất là chất lượng dạy học để trở thành một trong những ngôi sao sáng dẫn đầu cấp tỉnh. Chắc ở nơi rất xa, thầy vẫn nhớ trường và tự hào về trường mình…

Tháng 11, năm 2014

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443112

Hôm nay

23

Hôm qua

2305

Tuần này

2925

Tháng này

218286

Tháng qua

112676

Tất cả

114443112