Cuộc sống quanh ta

Hồ Chí Minh với Hoàng Xuân Hãn

Cụ Hồ sẽ tiếp Hãn vào ba giờ chiều nay”. Đó là lời Cố vấn Vĩnh Thụy báo vớí Hoàng Xuân Hãn, vào sáng ngày  13-10-1945.

Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), quê xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đậu Thành Chung tại Vinh năm 1926 rồi ra Hà Nội học. Năm 1928, ông thi đỗ Tú tài toàn phần và được cấp bổng, du học tại  Pháp, lấy các bằng Kỹ sư Cầu - Đường,Thạc sĩ Toán… Năm 1936 ông về nước dạy các trường Trung, Đại học và làm công tác nghiên cứu, viết sách, trong đó có  cuốn “Danh từ khoa học”(1942). Từ 17-4 đến 23-8-1945, ông làm Bộ trưởng bộ Giáo dục- Mỹ thuật trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Vào thời gian ấy, ông cho xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục bằng Quốc ngữ ở các trường học, áp dụng việc học và thi Tú tài bằng tiếng Việt. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, sau những phút giây choáng váng, ông đứng về phía ủng hộ Chính quyền Dân chủ Nhân dân. Năm 1946, ông tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt là cuộc họp của các đại diện giữa ta và Pháp để chuẩn bị cho Hội nghị Phông-ten-blô. Năm 1951, từ Hà Nội, ông sang Pháp, định cư ở bên đó, công việc chính vẫn là nghiên cứu, học thêm, viết sách. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông lúc này là “La Sơn Phu tử” viết về Nguyễn Thiếp(1952) cùng các sách Lịch sử và Lịch Việt Nam. Các công trình khoa học của ông đã được tóm lược trong bộ sách “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” do Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội ấn hành.Ông qua đời vào tháng 3-1996. Giáo sư, học giả Hoàng Xuân Hãn được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu khoa học(2000).

Như đã trình bày, Hoàng Xuân Hãn là một học giả nổi tiếng và cũng đã từng tham chính dưới thời Bảo Đại-Trần Trọng Kim. Cách mạng Tháng 8(1945) thành công, trước vô vàn khó khăn trong việc giữ vững chính quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta, ông đã cố suy xét từ mọi phía để có một cái nhìn tương đối khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng những ý kiến có lợi cho dân, cho nước từ các học giả, chính khách để thêm vững tay chèo lái, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam lướt qua sóng gió trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Sau đây là lời tự thuật của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn về nội dung và ý nghĩ của mình về buổi gặp riêng, duy nhất giữa ông với vị Chủ tịch nước. Ông nói:

   “…Chủ tịch tiếp tôi hơn một giờ. Hai lần xin cáo biệt nhưng Cụ giữ lại. Ban đầu bình phẩm về chính quyền. Tôi có nói: Nay ta mới độc lập, đang cần dư luận ngoại bang bênh vực. Nếu tỏ ra  bất lực hoặc có thái độ độc tài, thì khó lòng họ giúp mình. Cụ bảo rằng, (nếu có việc ấy là do) Ủy ban địa phương họ làm bậy chứ Chính phủ không có ý chuyên quyền. Cụ hỏi đi hỏi lại: “ Thế ra họ nói Chính phủ cộng sản, thực chăng?”. Tôi đáp: “Cụ đã nghe vậy thì có thật”. Cụ nói: “Còn Chính phủ độc tài thì có đâu. Trong Nội các có nhiều người không phải ở trong Mặt trận Viêt Minh”.

Cụ lại phân trần lâu việc bài xích hạng trí thức. Cụ nói Chính phủ không làm điều ấy; nhưng có người làm thì Chính phủ phải nhận lỗi. Rồi tôi nói sang chuyện đảng tranh làm dân chúng hoang mang. Chủ tịch rất chăm chú nghe, cặp mắt sáng trương to như rót vào mặt tôi. Cụ hỏi: “Trí thức theo cụ Nguyễn Hải Thần nhiều phải không? Ông giao thiệp rộng chắc biết”. Trong trả lời, tôi có nói: “Hình như khi ở nước ngoài, các cụ đã trù tính việc chung. Nay đều về, lại thấy các cụ chia rẽ, cho nên họ hoang mang. Nếu cụ Nguyễn Hải Thần chỉ kéo bè đảng mà thôi thì chắc họ (tức một số người chưa hiểu rõ tình hình) không theo. Cụ Nguyễn có tìm gặp tôi. Tôi đã thưa rằng, người trí thức chân chính không tìm địa vị. Các cụ già cứ hòa hiệp với nhau, rồi thì hạng trẻ như chúng tôi theo. Các cụ có cần gọi ra quét đường, họ cũng nhận”.

Nét mặt không di chuyển, Chủ tịch đặt câu hỏi thẳng: “Đối với ông thì cụ Nguyễn là thế nào?”. Tôi đáp: “Tôi không biết rõ nhưng cảnh huống bây giờ thì tuy là bậc cách mệnh lão thành nhưng trở về chậm nước, cụ phải ép vào thế non,…xem ra thế nào!” Cụ  (Chủ tịch) hỏi gặng: “Thế nào ?”. Tôi nói: “Thế nào…Tôi không tiện nói, chỉ có thể nói thế cụ Nguyễn(1) không được thuận. Tuy nhiên, làm cách mạng trong bốn mươi năm nay, cụ ấy có thanh thế. Vả, hạng trí thức ai cũng sẵn sàng làm việc nước, mà bị Chính phủ đem lòng ngờ vực, thì họ có đi theo cụ Nguyễn cũng là người ái quốc, đó cũng không nên lấy làm lạ!”…Tôi đứng dậy xin về mấy lần, Chủ tịch vẫn giữ lại. Cuối cùng, Cụ lại hỏi thẳng một cách cụ thể rằng: “Tôi có hai chuyện muốn hỏi ông. Ông cứ trả lời thật…Câu đầu là “Đối với cụ Nguyễn Hải Thần, nên làm thế nào?”. Tôi đáp: “Nếu cụ Nguyễn có thể làm dễ cho sự ngoại giao, thì nên dùng cụ. Tuy không nên cải tổ hấp tấp ra dáng sợ áp lực, nhưng nên cải tổ Chính phủ để hợp tác. Sự hợp tác phải thành thật, đừng để có cảm tưởng lấy danh nghĩa mà thôi”. Không động nét mặt mảy may, Chủ tịch hỏi tiếp: “Vấn đề thứ hai là ông cho biết một câu sát kết về Chính phủ?” Hoàng Xuân Hãn đã trả lời với đại ý: thừa nhận chủ trương đúng của Mặt trận(Việt Minh) là chống Pháp …

Về việc ấy, ông Hãn cũng trình bày là, lúc bấy giờ: “Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã có tác động cuối cùng là  khuyên cựu hoàng (Bảo Đại) mời các nhà cách mạng chính thức lập Chính phủ nhưng thiếu chuẩn bị (nên) sự ấy không thành…”

Rồi ông Hãn nói về tình hình cho đến lúc diễn ra cuộc gặp “Chắc riêng Chủ tịch hiểu rằng, đường đi đến độc lập và thống nhất còn dài và khó nhưng đại đa số còn lầm tưởng gần xong”.

Cuối cùng, Hoàng Xuân Hãn viết:

- Chủ tịch cảm ơn và thêm: “Hôm nay ông cho tôi biết được nhiều điều”. Tôi đứng dậy, từ giã, xuống lầu, cảm động vì có dịp tỏ nhiều lời tâm huyết, vì thấy vận mệnh đất nước đè lên vai một vị cách mệnh thâm niên gầy yếu nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm, cử chỉ ôn tồn gãy gọn và kiên quyết. Không hiểu cảm tưởng của Chủ tịch đối với cá nhân tôi và những trực ngôn của tôi ra sao. Có lẽ không ai biết. Dẫu sao, hơn tháng sau,Cụ nhận sự hợp tác của các phái đối phương, và riêng đối với tôi, (cũng được)các anh đã nghĩ đến(2).

Sau khi Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) được ký, để chuẩn bị cho một cuộc đàm phán chính thức bàn về quan hệ Việt-Pháp sẽ họp trên đất Pháp, một hội nghị trù bị gồm hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp (đại diện cho thế lực của họ ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ) được nhóm họp tại Đà Lạt (từ 19-4 đến 15-6-1946). Đoàn của Việt Nam do Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn và Võ Nguyên Giáp là Phó trưởng đoàn, có 12 đại biểu và 12 cố vấn, Hoàng Xuân Hãn là đại biểu, được phân công Trưởng tiểu ban chính trị của Đoàn. Ông đã ghi chép rất tỷ mỉ cộng với trí nhớ khác thường, sau này viết lại sự kiện lịch sử này, đăng (lần đầu) trên “Tập san Sử -Địa Sài Gòn” số 23, 24- 1971.

Nhớ là, ngày 15-4-1946 đoàn họp nhau lại để chuẩn bị cho chuyến đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng đến thăm hỏi, căn dặn, động viên. Năm giờ rưỡi sáng ngày 16-4-1946, phái đoàn hội tụ ở Bắc Bộ phủ. Trước lúc phái đoàn ra sân bay để đi Đà Lạt, Hồ Chủ tịch và cụ Huỳnh lại ra tiễn chân anh em.

Tiếc là do phía Pháp cố bám lập trường thực dân của họ nên các vấn đề đặt ra tại Hội nghị này không đạt được một kết quả nào.

Dẫu vậy, do những tin tức từ Hội nghị Đà Lạt, nhân dân Pháp và các nước anh em bè bạn họ cũng hiểu được thiện chí tha thiết độc lập, tự do, yêu chuộng hòa bình, hữu nghị của Chính phủ và nhân dân ta.

Về phía Hoàng Xuân Hãn, sau đó, ông có tham gia dạy bộ môn Kỹ thuật cho một khóa huấn luyện của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Rồi khi đã sang định cư tại Pháp, ông  còn theo học khoa Nguyên tử và đỗ bằng Kỹ sư của ngành này tại Đại học Saclay, năm 1956.

Say mê học hỏi, miệt mài nghiên cứu nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn vẫn để tâm nhiều đến đất nước, nhân dân. Ngày  2-1-1996, tức 2 tháng, 8 ngày trước lúc qua đời, giáo sư có gửi thư về nước cho Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Nguyên Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, trao đổi về tình hình phát triển của đất nước. Trong đó, nói về công lao lãnh đạo đấu tranh giải phóng đất nước qua trường kỳ lịch sử của dân tộc, ông viết: “Tôi đã có lúc luận biện về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại xâm và sự giải phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các anh”(3).

                                                                                                                              C.T.H

_________

(1), (2), (3) “Cụ Nguyễn” mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhắc đến trong bài viết này là Nguyễn Hải Thần. Về nội dung buổi trao đổi, chủ yếu lấy từ  sách “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”, Tập II, Nxb Giáo Dục Hà Nội 1998. Nội dung những điều trao đổi giữa các nhân vật trong bài viết, chúng tôi giữ  nguyên cách hành văn đã in, chỉ sửa đổi tí chút  về mặt chính tả (chủ yếu là thêm những chữ trong ngoặc đơn) cho dễ hiểu hơn .

   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443095

Hôm nay

2291

Hôm qua

2318

Tuần này

2908

Tháng này

218269

Tháng qua

112676

Tất cả

114443095