Cuộc sống quanh ta

Nghĩ về một Nhà lưu niệm Nguyễn Bá Thanh...

Bây giờ thì ta đã có thể đoan chắc rằng, trong suốt mấy chục năm qua, trên 63 tỉnh, thành của cả nước, chưa có một nhà lãnh đạo địa phương nào khi mất đi, lại được người dân thương tiếc, quý yêu như  ông Nguyễn Bá Thanh…

Đó là một hiện tượng hay phải dùng từ chính xác hơn, Nguyễn Bá Thanh là một trong những nhân vật lịch sử của quê hương Đà Nẵng nói riêng, của hàng vạn người dân cả nước nói chung.

Rất nên nhanh chóng có kế hoạch để Đà Nẵng xây dựng Nhà lưu niệm Nguyễn Bá Thanh. Nói ‘nhanh’ không có nghĩa là vội vàng mà hàm ý của nó là nên làm sớm để những hiện vật, văn bản… vẫn còn đó, chưa bị thất lạc bởi kinh nghiệm nhiều khi cho thấy, khi ‘kịp nghĩ’ ra thì hiện vật lịch sử chẳng còn là bao…

Nguyễn Bá Thanh xứng đáng được vinh danh.

Đôi khi ta tự hỏi chữ Thanh trong tên ông là âm thanh kỳ diệu hay là sắc xanh trong tuyệt vời mà thiên nhiên, đất trời - phải qua rất nhiều tháng năm mới có thể tạo dựng được một lần, một người? Có thể nói Nguyễn Bá Thanh là sự dung kết hài hòa của âm thanh và ánh sáng. Khi ông nói, có nghĩa là sẽ có hàng trăm câu được truyền tụng như là dấu ấn riêng không thể lẫn lấp trong rất nhiều những âm thanh hỗn tạp, xô bồ, sáo rỗng của cuộc đời. Khi ông “vẽ” hay “viết” lịch sử thì đó luôn là sắc màu đặc biệt mà chẳng có “họa sĩ” nào có thể làm được. Ai có thể “vẽ”được khung cảnh tiếp dân ở... sân vận động? Ai có thể khắc họa được hình ảnh một chị bán vé số hay một bác xe thồ đã khóc, đã đến viếng ông sau khi nghe tin ông mất, dẫu chưa được gặp ông bao giờ?...

Lòng dân, sự ‘biết’ của dân đã được kiểm chứng qua hàng ngàn năm: Người dân chẳng bao giờ sai khi cảm nhận về cái tốt, cái quý của một người có vị thế cầm cân nảy mực, bất kể đó là người đứng ở vị trí tột đỉnh quyền lực hay là người có chức vụ thấp hơn.

Ông Nguyễn Bá Thanh KHÁC tất cả những nhà lãnh đạo được người dân yêu quý: Những tượng đài của lòng dân như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp..., đều là những người có tầm lãnh đạo giang sơn, đất nước trong nhiều năm, dù là Chính phủ hay Quân đội.  Ông Nguyễn Bá Thanh có đến 16 năm (1996-2012) giữ chức vụ người đứng đầu của một thành phố trực thuộc Trung ương mới tách ra từ một tỉnh nghèo miền Trung. Nói cách khác, khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo Đà Nẵng từ một đơn vị cấp quận, huyện thành một trong năm địa phương cấp đô thị lớn nhất nước, ông chỉ có ‘trong tay’ một ‘vốn liếng’ mà hầu như tỉnh thành nào cũng có. Vậy mà, chỉ trong hơn một thập kỷ, Đà Nẵng đã gần như hóa thành thiên nga sau bao nhiêu năm lận đận bơi ở chốn rong bèo...

Nếu lần giở lại lịch sử của 63 tỉnh, thành; ta sẽ thấy không có bất kỳ vị lãnh đạo nào có thể “trụ” vững ở vị trí công dân số một của địa phương suốt 16 năm liền, trải qua các chức vụ từ chính quyền đến lãnh đạo cấp bộ Đảng, HĐND. “Bí quyết” của thành công thật giản dị: Tài năng được Đảng và Nhà nước ghi nhận, nhân cách được lòng dân tin yêu và năng lực quản lý, khả năng thuyết phục được cả bộ máy chung sức, đồng lòng.

Nguyễn Bá Thanh là con người của đột phá, dám quyết, dám làm, dám chịu. Để phát triển, bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng không thể không có tinh thần, phẩm chất đó. Nếu lãnh đạo không dám chịu trách nhiệm thì sẽ chẳng bao giờ có sự thay đổi sáng tạo, đừng mong sự phát triển, may lắm chỉ có cái bình bình, dẫm chân tại chỗ để giữ ghế, vo tròn chức tước. Thế nhưng, nghịch lý của cuộc đời, như Napoléon Bonaparte từng nói, “từ sự cao thượng đến lố bịch chỉ có một bước”: Nếu người lãnh đạo biến sự quả quyết của mình thành liều lĩnh thì sẽ là tai họa; biến khả năng phát sáng, lan tỏa của mình thành ánh sáng chói chang thì sẽ chẳng có ai chấp nhận cái ánh sáng thiêu đốt đó. Ai sẽ nhắm mắt lại hay số phận đã ‘tắt’ sự chói chang đầy thách thức? Câu hỏi đó thuộc về lịch sử.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, một giám đốc nông trường dám cho một nửa nhân lực của đơn vị đi đãi vàng để thay đổi cuộc sống thay vì trồng cây nọ, nuôi con kia để cứ đói hoài, khát mãi, là điều không phải ai cũng dám thử sức để, đương đầu. Vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, để đi đầu trong việc đổi đất lấy hạ tầng, tạo vốn, tạo lực cho sự ‘lột xác’, đòi hỏi rất nhiều sự dũng cảm và sáng tạo. Bất chấp mọi thị phi như cuộc đời vẫn luôn là thế, Nguyễn Bá Thanh đã lớn lên cùng Đà Nẵng để khắc tạc một chân dung người đứng đầu địa phương, có lẽ là độc nhất vô nhị trong lịch sử đương đại.

Tất nhiên, nói như thế cũng để minh định rằng Nguyễn Bá Thanh đã làm được những điều tốt đẹp ông nghĩ ra, ông hành động bằng sự quả quyết, tận tâm là bởi vì có những vị lãnh đạo cao hơn ông thấy được, hiểu rõ sự cần thiết của cách làm đúng và hiệu quả đó. Chỉ tiếc là phương pháp Nguyễn Bá Thanh hầu như chưa được nhân rộng hay ảnh hưởng nhiều đến các địa phương khác...

62 năm sống thật đẹp, thật hữu ích với cuộc đời, để lại tiếng thơm trong lòng người, sự ghi nhận của lịch sử; để lại sắc màu sáng trong, tươi đẹp cho quê hương, để lại những cây cầu độc đáo nối hai bờ sông Hàn – để cho dòng sông ấy chẳng bao giờ lạnh lẽo, cô đơn nữa; Nguyễn Bá Thanh đã sống xứng đáng với tên ông, theo suốt cuộc đời ông. Thanh âm trầm bổng hào hùng của ông đã tắt, Thế nhưng, những sắc màu sáng trong, kỳ diệu mà ông để lại cho quê hương, đất nước mãi mãi bền lâu...

Nhà lưu niệm Nguyễn Bá Thanh, nếu được dựng lên, sẽ vừa là một nét đẹp văn hóa, lịch sử; đồng thời sẽ tạo nên một điểm nhấn cho thế hệ trẻ, du khách gần xa tìm đến. Qua thời gian, lịch sử sẽ thẩm định, khám phá những thành công cũng như những điều chưa hiểu hết của một trong những nhân vật lịch sử đặc biệt nhất. Vả chăng, truyền thống văn hóa của người Việt qua nhiều năm tháng có một nét riêng mà không dễ ở đâu cũng có: Chỉ cần ghi nhận công lao của ai đó, người dân của một làng, một xã hay một tổng đều có thể tự động lập miếu thờ. Thời nay chữ ‘thờ’ nên được hiểu là khắc ghi một sắc màu, một nhân cách đã từng ích quốc, vượng dân…

Huế, 25.2.2015

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441223

Hôm nay

2223

Hôm qua

2287

Tuần này

21127

Tháng này

216397

Tháng qua

112676

Tất cả

114441223