Cuộc sống quanh ta

Ngày xuân và những vần thơ sái

Các cụ ta xưa, khi đọc thơ luật Đường thường để ý nhiều đến khẩu khí người làm thơ qua câu chữ. Ngoài thể thức, niêm luật, nội dung thì phần biểu đạt tâm tư thông qua câu chữ trong thơ, được các cụ rất coi trọng. Ví như khi đọc đến 2 câu : Một chiếc cùm lim chân có đế.   Hai hàng xích sắt bước thì vương .. Thì các cụ đã vô cùng ngưỡng mộ cái khẩu khí ngang tàng của người tù Cao Bá Quát. Miêu tả dưới bước chân mình là người tử tù đang bị cùm xích mà họ Cao coi là ĐẾ,VƯƠNG thì khẩu khí thật hết lời bình.

Hay như hai câu của Bà Huyện Thanh Quan : Dừng chân đứng lại: Trời non nước- Một mảnh tình riêng ta với ta thì khẩu khí thanh cao mà tâm trạng bâng khuâng Có thể lấy ra rất nhiều những câu thơ có tâm trạng, có khẩu khí trong kho tàng thơ luật Đường kim cổ.

Bên việc chú trọng đến khẩu khí, các cụ khi làm thơ còn chú trọng đến việc tránh viết sái, viết điềm gở, hoặc vô hậu. Kỵ nhất là sái. Nó vận vào thân. Các cụ rất kiêng và để tâm tránh. Nhiều nhà thơ cổ kim đã vấp chuyện này. Nó như vô thức, không hiểu vì sao lại viết ra vậy để nó vận vào.

Gần đây, khi làm tuyển cho nhà thơ Thanh Minh, tức Nguyễn Hưu, nguyên Chủ tịch Hội VN Hà Tĩnh đầu tiên, bạn chí cốt của nhà thơ Trần Hữu Thung và nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Thái Kim Đỉnh, các bậc túc nho sót lại thời nay còn phê  mấy câu của ông Hưu trong bài Xuân về dưới chân Truông Vắn là vô hậu :

                                  Xuân về vắt vẻo túp lều con

                                   Xuân đến xuân đi ...để lại buồn

                                 Nửa buổi mây còn che nửa núi

                                 Đầu chiều sương đã toả đầu non...

Các vị bảo thơ người trẻ tuổi mà viết thế thì cái khí nó thảm, yếm thế..và sái ! Chả là năm ấy ông mới ngoài 30.

Sinh thời, nhà báo Văn Chi ( bút danh Tú Trần)  Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh truyền hình Nghệ Tĩnh, và sau về Hà tĩnh, là người thích làm những bài thơ luật đường hài hước. Ông là người rất có công trong việc xây dựng các Câu lạc bộ Người cao tuổi cổ suý những người làm thơ luật Đường và xướng hoạ với nhau. Đặc biệt, Văn Chi rất chịu khó sưu tầm những bài thơ vui, những câu chuyện xướng hoạ cổ kim. Sau này ông đã tập hợp in trong hai tập Chuyện vui Tú Trần, do Hội Liên hiệp Văn học Nhệ thuật Hà tĩnh ấn hành, được bạn nghe Đài trong các Câu lạc bộ Người cao tuổi Nghệ Tĩnh mến mộ.

Tết năm đó, ông đưa tôi xem bài thơ mừng thọ của một bạn thơ trong nhóm thơ vui của Câu lạc bộ Ngạn sơn. Thơ của cụ Nguyễn Đính, một nông dân xã Vượng Lộc mừng thọ bạn là cụ Bùi Quý, giáo viên hưu trí ở xã Phúc lộc. Hai cụ đều lên lão 70. Bài thơ độc vận. Vận tôi. Nguyên văn như sau:

                                 Xuân sang mừng bác tuổi như tôi

                                 Sinh bác ngày giờ hẳn khác tôi

                                 Chữ nghĩa, văn chương tôi kém bác

                                 Tắc rì, đi họbác thua tôi

                                  Khi hu bảy vía tôi như bác

                                  Lúc gọi ba hồn  bác giống tôi

                                  Cái tuổi XuânThu trăm bốn chục

                                  Nửa phần mừng bác nửa mừng tôi.

Văn Chi rất thích bài thơ này. Ông giục tôi viết bài bình để đọc trên Đài. Qủa thật đây là bài thơ mừng thọ độc vận, kiệm lời mà rất thoát. Ông lão đi cày, mang cả tiếng giục trâu tắc rì đi họ vào thơ, mừng ông giáo học với chữ nghĩa văn chương bề bề:  Chữ nghĩa văn chương tôi kém bác.  Tắc rì đi họ bác thua tôi.  Không những hài hóm mà niêm luật cũng rất chỉnh. Đối cứ chan chát! Tới hai câu luận thì thật cao trào: Khi hu bảy vía tôi như bác. Lúc gọi ba hồn bác giống tôi. Nhắc đến cái chết trong thơ mừng thọ mà giọng cứ tỉnh rụi, coi không mùi mẽ gì. Một thái độ sống thật khoẻ, vui. Cái giọng hài hóm ấy chỉ lắng lại khi hạ hai câu kết :

                                Cái tuổi xuân thu trăm bốn chục

                                 Nửa phần mừng bác nửa mừng tôi.

Thật trân trọng mà trang nhã. Không đùa đâu, hai ta đã 70  rồi còn gì!

Sau khi bài bình thơ lên sóng được một thời gian thì cụ Đính tìm đến nhà tôi. Ông cụ đi chợ Đồn bán chuối, tiện đường ghé vào. Cụ cảm ơn tôi đã viết bài bình và tự mình đọc. Cụ khen viết đúng mà đọc cũng hay. Tôi thì càng ngắm cụ Đính lại càng phục người lão nông thuần phác phúc hậu mà thơ chải chuốt hóm hỉnh thế. Cụ cho biết, cụ bà mất đã lâu, nay con cái thoát li rồi, một mình tăng gia sản xuất. Những phiên chợ xa thường hay nhẩm làm thơ. Cụ nói: ngươì ta làm thơ Luật Đường, còn mình thì làm thơ dọc đường.  

Chuyện trò tới lúc đã thân mật, tôi mới nói: “trong bài bình, em không dám viết nhưng  hai câu luận có vẻ sái cụ ạ. Ai đời mừng thọ mà hu ba hồn bảy vía, sợ mang điềm gở”. Ông cụ cười to:” Cậu ơi! ( khi nói chuyện, cụ gọi tôi là cậu rất trọng thị) Sái gì ? Có ông thầy còn bói cho tôi sẽ chết vào năm 73 tuổi cơ. Tôi có bài thơ vui về chuyện này. Tôi đọc cậu nghe nhé, thơ cũng đã gửi Tú Trần rồi.” Và rồi vừa cười rất tươi, cụ đã đọc cho hai vợ chồng tôi nghe một bài thơ mà cụ bảo với vợ tôi rằng: cô nên nghe, vui đáo để (!). Thơ rằng:

                                     Thầy bói nói mình chết 73

                                     Không dưng đâu dễ thế ru mà

                                     Đứng bên người đẹp đang thèm mó 

                                   Ngồi tận quần hồng vẫn muốn thoa

                                     Sở thích nửa đêm ba chén rượu

                                     Thú vui tảng sáng mấy li trà

                                      Mỗi tuần đang muốn dâm vài độ

                                      Ra rứa mà đòi chết được a ?!

Chúng tôi đã cười nghiêng ngả trước một người cao tuổi mà làm thơ vui hóm đến vậy. Ông cụ còn hào hứng ghé sát tai tôi đọc lại câu thứ 7, rằng như thế, như thế kia...Tôi vừa cười vừa đọc to câu của người xưa:” Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà, Cá nguyệt dâm nhất độ, lương y bất đáo gia.”..vậy mà cụ đòi mỗi  tuần chứ không phải mỗi tháng..Ông cụ càng cười to:” bà ấy mất rồi thì nói vống lên, ai đánh thuế hả cậu”.

Tôi rất thích hai bài thơ luật đường sắc sảo mà dân giã, hóm hỉnh mà chỉn chu. Câu chữ bình dị mà sang trọng của một lão nông cày ruộng thực thụ. Đọc rất thoát, không gò bó câu nệ mà vẫn mực thước.

Để phát sóng, chỉ sửa 2 chữ trong câu thứ 7:

                                  Mỗi tuần đang muốn thăm vài cụ

                                  Ra rứa mà đòi chết được a?

Tết năm ấy, bài thơ được phát  trong chuyên mục Tạp chí Người cao tuổi, sau này tôi có băn khoăn về cái sự sái trong thơ cụ Đính, thì Văn Chi bảo: tớ còn làm trước cả đôi câu đối tự phúng mình nữa kia, khi nào mình chết thì treo trên nhà trướng:

                                      Mừng một tôi trở về địa phủ

                                      Chào muôn người ở lại thế gian

Và Văn Chi đã cười rất to. Nụ cười của người coi thường cái chết.

Ba năm sau ngày mừng thọ, khi đến tuổi 73, cụ Nguyễn Đính mất, vì một cơn nhồi máu cơ tim. Cũng 3 năm sau, ngày Văn Chi làm nhà mới với vần thơ mừng tân gia:   

                   Tuổi gần xuống bộông mới làm nhà

                    Nào có chi mừng hỡi bạn ta

                    Gần gũi thương tình cho vận biếm  

                    Ngái ngôi gửi đến mấy đồng ma...

Văn Chi đã mất vì một tai nạn giao thông rất thương tâm.  

Tôi và những người yêu quý Văn Chi đã đưa tiễn ông sang thế giới bên kia, đau lòng bước dưới hai hàng câu đối phúng mà ông đã tự viết cho mình ngày nào! Sao lại có chuyện xuống bôộng khi làm nhà mới, sao lại mừng nhà bằng mấy đồng ma ? Sao lại có chuyện vận biếm ở đây. Thật không hiểu được Văn Chi, thật sái hết chỗ nói.

Nhiều năm sau, tôi vẫn còn bàng hoàng, không tài nào hiểu được sự linh nghiệm của thơ. Của những vần thơ sái. Cụ Đính nhắc đến cái chết trong ngày mừng thọ. Ông thầy bói đoán trước ngày ra đi của người làm thơ. Còn Văn Chi có biết mình gieo chữ sái không khi mừng nhà lại nói đến xuống bộng, đến mấy đồng ma. Mấy đồng ma, tiền âm phủ ...kiêng lắm đấy.

Bây giờ thì cụ Nguyễn Đính,`Văn Chi, và cả thầy giáo Quý có lẽ đang ngồi xướng hoạ với nhau. Các vị chắc đang cười rất tươi, đang bình với nhau từng chữ dùng đắc địa. Và gieo những vần thật sái. Và các vị sẽ cười rất to, rất lâu. Bởi các vị là những người thích hài hóm. Không biết sợ sái !

 

                                                                 

 

                                                                        

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442906

Hôm nay

2102

Hôm qua

2318

Tuần này

2719

Tháng này

218080

Tháng qua

112676

Tất cả

114442906