Cuộc sống quanh ta

Sân khấu của Nghệ An chủ yếu là diễn viên cao tuổi

Lực lượng diễn viên đang già đi

Thực tế cho thấy lực lượng diễn viên ở các đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh Nghệ An đang trong tình trạng  “già hóa”. Theo thống kê, ở đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An số diễn viên ngoài 50 tuổi chiếm gần 15%. Số còn lại đã trên 40, chỉ có 2 người dưới 30 tuổi; Tại nhà hát dân ca cũng chung tình trạng như vậy,  diễn viên đều trên 40 tuổi trong đó số diễn viên đã trên 50 tuổi chiếm gần 20%. Đặc biệt không có diễn viên nào dưới 30 tuổi. Ông Trịnh Văn Thuận trưởng đoàn ca múa kịch dân tộc tâm sự: Lực lượng diễn viên không đủ điều kiện về sức khỏe để tham gia các buổi biểu diễn ở miền núi hay những chuyến lưu diễn xa ( theo kế hoạch tỉnh giao 1 năm 130 buổi, trong đó 100 buổi phục vụ đồng bào miền núi) nên đoàn thường xuyên phải mời các diễn viên từ các đoàn khác. Những khi đoàn phải diễn để đảm bảo đủ kế hoạch nhà nước giao thì phải chia ra thành 2 đoàn làm cho chất lượng chương trình biểu diễn không cao. Bởi thế việc cần làm trẻ hóa đội ngũ diễn viên cho sân khấu truyền thống là điều không thể không làm, là điều kiện để nâng cao chất lượng biểu diễn. Không chỉ thiếu hụt về diễn viên mà ngay cả đạo diễn,  biên kịch, họa sĩ cũng trong tình trạng thiếu trầm trọng. Lực lượng trẻ không có, người có tài chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy, thuê/đặt viết tác phẩm cũng là côngviệc thường xuyên không thể không làm của các đoàn nghệ thuật trong tỉnh.

Chưa thay đổi cơ chế chưa thu hút được lớp trẻ

Thời buổi kinh tế thị trường giá cả tăng cao nhưng cơ chế đối với diễn viên sân khấu truyền thống vẫn án binh bất động. Chính sách về lương đối với người làm sân khấu truyền thống đến nay đã không còn phù hợp. Về xếp hạng (ngạch) diễn viên, từ năm 1993 đến nay  diễn viên chỉ có ba bậc,  không có thi chuyển ngạch. Trong đoàn nhiều diễn viên đã hết bậc hàng chục năm mà không tăng thêm được đồng lương nào.

 Dù là tốt nghiệp đại học cũng chỉ được xếp vào ngạch 17.159,  khởi điểm bậc 2/12 nhưng hệ số chỉ là 2,06 chứ không phải là 2,34. Hơn nữa, chế độ ưu đãi nghề từ 15 - 20% lương là quá thấp không thể cổ vũ khuyến khích tinh thần cho diễn viên.

Về bồi dưỡng tập luyện, các đơn vị nghệ thuật vẫn áp dụng chế độ bồi dưỡng theo quyết định số 180/CP của Chính phủ. Theo đó, tiền bồi dưỡng cho một buổi tập có ba mức là: 10.000đ, 15000đ và 20000đ; bồi dưỡng vai diễn theo 3 mức: loại A: 50.000đ, loại B: 30.000đ, loại C: 20.000đ. Những nghệ  sỹ đã được phong tặng danh hiệu không có một chế độ ưu đãi nào. Với sự đãi ngộ đó không những làm cho các diễn viên không còn mặn mà với nghề, không toàn tâm toàn ý với vai diễn,  làm cho vở diễn kém chất lượng mà việc trẻ hóa lực lượng diễn viên thêm phần khó khăn.

Các em học sinh khi thi vào ngành này chắc chắn sẽ có sự cân nhắc kĩ lưỡng. Đam mê yêu thích là một chuyện nhưng vấn đề về cuộc sống, kinh tế cũng rất quan trọng. Kể cả các gia đình nghệ sĩ có truyền thống họ cũng không còn muốn cho con cái theo nghiệp mình. Theo số liệu từ phòng đào tạo  trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An,  2 năm qua, ở 2 ngành nhạc cụ truyền thống và dân ca đã không tuyển đủ chỉ tiêu : nhạc cụ truyền thống năm 2013 chỉ tiêu giao 15 nhưng tuyển được 14, năm 2104 chỉ tiêu giao 15 tuyển được 12. Lớp dân ca chỉ tiêu năm 2013 giao 20 nhưng tuyển  được 14, năm 2014 giao 15 chỉ được 12. Già chán nản, trẻ không có niềm tin. Không biết tương lai va kết cục nào cho sân khấu truyền thống tỉnh nhà?

Theo thông tin từ phòng tổ chức cán bộ của sở VHTTDL Nghệ An thì sở đã trình UBND Tỉnh dự thảo cơ chế chính sách mới cho các đoàn nghệ thuật truyền thống. Hi vọng sẽ có những chuyển biến mới tích cực nhằm khắc phục tình trạng lão hóa đội ngũ diễn viên của các đoàn nghệ thuật. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441843

Hôm nay

2243

Hôm qua

2317

Tuần này

21747

Tháng này

217017

Tháng qua

112676

Tất cả

114441843