Cuộc sống quanh ta

Cái cây mà biết nói năng...

Loài cây không biết nói. Có lẽ vì thế nên buổi họp báo do UBND TP Hà Nội tổ chức đã trở thành sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí... thế giới! Nghe nói, các nhà báo đặt ra hàng chục câu hỏi và lãnh đạo chính quyền Hà Nội cứ thản nhiên bỏ về, không trả lời dù chỉ là nửa câu!?

Chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Đức: Johann Wolfgang Goethe: Mọi lý thuyết đều màu xám/ Còn cây đời mãi mãi xanh tươi.

Dường như Goethe đã sai bởi riêng đối với Hà Nội thì cây xanh sẽ chẳng còn xanh tươi nữa mà cùng một lúc, cả 6.700 cây “rủ nhau” mục, lỗi thời, dễ đổ, gãy, “mời gọi côn trùng”..., cần phải triệt hạ để thay vì phủ trọc đồi xanh như lâu nay lâm tặc vẫn làm thì nay phủ trọc phố phường.

Không biết dựa theo tiêu chí nào mà “sổ khai tử màu xanh” của Sở Xây dựng Hà Nội lại có con số 6.700 – nghe giông giống với chiều dài 6.700km của Vạn Lý Trường Thành – một con số “phiếm chỉ”, có nghĩa là rất dài, rất nhiều?...

Trên thế giới, bất kỳ công trình xây dựng thuộc dạng nào thì ưu tiên bảo vệ cây xanh luôn phải là số một. Lẽ tự nhiên là một cái nhà hay một con đường, đập rồi xây, xây rồi dỡ chỉ ít tháng, vài năm là xong; còn cái cây có hàng trăm năm tuổi thì đã chặt là MẤT, chẳng bao giờ còn nữa: Phải 4-5 thế hệ sau mới lại có dịp được chứng kiến cái cây trăm tuổi; trong khi đó, cái cây hôm nay, nếu không bị chặt thì có tuổi cộng thêm 100.

Nói như thế để thấy rằng chuyện tắc trách, ngắn nhìn hầu như đã thành chuyện thường ngày của các cấp lãnh đạo ở ta. Người ta cứ làm, cứ quyết, chẳng cần biết người dân cần gì, nghĩ gì; mãi đến khi dư luận lên tiếng, các trí thức, các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng mới tạm dừng và kiểm điểm cấp dưới thừa lệnh trên.

Trong vô số câu hỏi mà nhà báo đưa ra, có câu số gỗ đó sẽ đi đâu, về đâu? Một ví dụ nhỏ, tạm coi như câu trả lời “ví dụ”: Một cặp lộc bình lớn bằng gỗ xà cừ, có giá (phần gỗ) không ít hơn hàng chục triệu đồng! Riêng cái gốc, giá rẻ nhất cũng hàng triệu rồi vì chẳng dễ gì có được cái gốc và thân lớn như thế.

Những lý lẽ mà các nhà quản lý thủ đô đưa ra nghe chừng khó thuyết phục: Đô thị Hà Nội do người Pháp thiết kế. Họ là những bậc thầy về kiến trúc đô thị. Tính hợp lý, khoa học, hiệu quả công năng (bao gồm cả cây xanh, nhà, đường phố, hệ thống thoát nước...), đều được tính toán kỹ lưỡng sao cho sự tương tác bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu.

Tính sơ vậy để thấy rằng cùng một lúc cả 6.700 cây xanh cổ thụ bị hư và cùng một lúc cần thay, cùng một lúc bộc lộ mọi nhược điểm nên phải triệt hạ đồng loạt, nhanh là điều không bao giờ xảy ra, trừ... cái nguyên do là từ sự lầm lẫn, kém cỏi, tắc trách, tham lam của chính con người!

Cái logic của câu chuyện thật xót xa: Đầu tiên là một vị lãnh đạo có “truyền thống” nói rồi mới... nghĩ tuyên bố hùng hồn là chặt cây không cần hỏi dân(!), dân chưa kịp choáng thì đến lượt nhà báo chỉ còn biết mồm chữ O, mắt chữ I khi chứng kiến cảnh họp báo chỉ có hỏi mà không có trả lời.

Nếu là đúng thì sao không trả lời ngay, cần gì phải câu giờ cho lắm chuyện bởi vì sự minh bạch và sự thật chẳng bao giờ phải đi né, đi quanh co bao giờ?

Người xưa dạy, phải hỏi lúc vội vàng để xem trí. Trí minh, tâm sáng, hành đúng, thì luôn đủ khả năng trả lời mọi câu hỏi. Qua đây, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, người phát ngôn hay chủ trì họp báo phải là người có bản lĩnh, có trí tuệ và khả năng thích nghi cao. Không đủ những tiêu chí này thì tốt nhất là nên... ở nhà.

Văn hóa họp báo là điều rất cần, sự sống của những cây xanh đã từng đi vào tâm thức, tình cảm, nỗi nhớ của hàng triệu người càng cần hơn nữa. Rõ ràng, Cái cây mà biết nói năng/ Thì nhà quản lý hàm răng chẳng còn. Chặt “mấy cái cây” mà khó trả lời thế,làm sao đủ sức để giải quyết những vấn đề vĩ mô cho xứng với mảnh đất ngàn năm văn vật, cho xứng với kỳ vọng của tổ tiên?

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441560

Hôm nay

2277

Hôm qua

2283

Tuần này

21464

Tháng này

216734

Tháng qua

112676

Tất cả

114441560