Cuộc sống quanh ta

Kỷ niệm nhỏ về anh Thái Kim Đỉnh

Cách đây (năm 2015) khoảng 38 năm... Hồi đó, tôi đang làm công tác quản lí trường Phổ thông cơ sở 9 năm ở Mường Chọọng (Quỳ Hợp, Nghệ An). Tuy làm công tác giáo dục, nhưng tôi lại rất say mê sáng tác văn học và sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số, nhất là về dân tộc Thái. Hàng năm, với 1 tập bản thảo trong tay, tôi thường làm một chuyến “xuống núi” về thành phố Vinh, đến cơ quan Hội Văn nghệ tỉnh, thăm và giao lưu, học hỏi với các anh văn nghệ sỹ lớp đàn anh, gửi bài vở cho Tạp chí của Hội, v.v.

 Tôi nhớ vào khoảng mùa hè năm 1976, 1977 gì đó, tôi đã gặp anh Thái Kim Đỉnh ở Hội. Anh nói là anh đang làm sách về truyện cổ Nghệ Tĩnh và bảo tôi hãy sưu tầm và gửi truyện miền núi cho anh. Sau khi ngược đường 48 về tới nhà, tôi đã đem mấy cuốn sổ ghi chép ra xem lại các truyện mà tôi đã sưu tầm được, lựa chọn lấy mấy truyện hay, và chép ra giấy cẩn thận. Khi tôi đang làm công việc đó một cách vô cùng hứng thú và tràn đầy hy vọng thì tôi nhận được thư của anh Thái Kim Đỉnh. Tôi vui mừng mở thư anh ra đọc, và đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Trong thư, anh động viên, khuyến khích tôi sưu tầm vốn cổ văn hóa, văn nghệ dân tộc. Ngoài đời anh nói năng nhỏ nhẹ, trong thư anh cũng viết ngắn gọn, lời thư giản dị, chân thành. Tôi chép được mấy truyện cổ, đem bỏ vào phong bì, gửi xuống Vinh cho anh. Năm sau, 1978, cuốn “Truyện kể dân gian Nghệ Tĩnh” do anh Thái Kim Đỉnh chủ biên ra mắt độc giả. Sách gồm 2 tập, mấy cái truyện cổ của tôi in trong tập 2. Hồi đó, truyện cổ miền núi chưa được giới thiệu nhiều, ngoài cuốn “Truyện cổ miền núi” trên 100 trang của anh Lê Đình Thiều, thì sách của anh Thái Kim Đỉnh là cuốn thứ 2, dày dặn, bề thế hơn. Tôi vô cùng vui sướng vì đây là thành quả đầu tiên của tôi, nhờ có anh Thái Kim Đỉnh mà tôi có cơ may đạt được. Những bước đi đầu tiên này vô cùng quan trọng đối với tôi trên con đường “học việc” để trở thành một người “sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian”. Trong mấy truyện của tôi in ở sách “Truyện kể dân gian Nghệ Tĩnh”, có truyện “Con vượn và con tắc kè”, về sau được soạn giả Chu Huy đem vào sách “Truyện kể lớp 5” và được học sinh thích thú đón đọc. Sau này, năm 2006, khi đang dạy một lớp giáo viên tiểu học “đào tạo lại” (trung học sư phạm hoàn chỉnh) ở trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, có một giáo viên tiểu học ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) nói với tôi: “Lớp em (tức lớp cô ấy dạy) có một học sinh rất thích truyện ‘Con vượn và con tắc kè’, em ấy thuộc nhập tâm truyện đó và trong Hội thi kể chuyện trong sách tiểu học ở huyện, em đã đạt giải cao”.

Từ bấy (cuối những năm 80 của thế kỷ XX) đến nay, tôi đã công bố được hàng mấy trăm truyện cổ miền núi, mấy chục cuốn sách về văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số, với mấy vạn trang in, đó là kết quả “bắt nguồn” từ những truyện cổ, những trang sưu tầm đầu tiên của tôi cộng tác với anh Thái Kim Đỉnh năm xưa. Vì vậy, đối với tôi, việc cộng tác với anh Thái Kim Đỉnh những năm tháng ấy đã trở thành kỷ niệm có ý nghĩa rất to lớn và không bao giờ quên được. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440677

Hôm nay

2272

Hôm qua

2309

Tuần này

2581

Tháng này

215851

Tháng qua

112676

Tất cả

114440677